Sinh Hoạt Cao Niên Ở Trung Tâm VietAID

Ông Sáu Nguyễn nhìn tuyết rơi ngoài ô cửa sổ từ bên trong hội trường của Trung tâm VietAID. (Ảnh của Craig F. Walker/BBT báo Globe)

Ông Sáu Nguyễn muốn mọi người cùng nhảy

Ông Sáu Nguyễn, 88 tuổi, đang khiêu vũ với Bà Liên Ong trong một buổi hát karaoke tại Cơ quan Phát triển Cộng đồng Việt Mỹ (VietAID) ở Fields Corner. Ông Sáu tình nguyện làm giáo viên khiêu vũ tại Trung tâm VietAID. (Ảnh của Craig F. Walker/BBT báo Globe)

Ông Sáu Nguyễn đã 88 tuổi, mấy ai muốn biết? Hầu như ngày nào người bạn mới góa vợ này cũng có mặt để dạy bất cứ một ai muốn khiêu vũ.

Foxtrot, waltz, tango, rumba, bolero, cha-cha — bất kỳ ai đến thăm hội trường sinh hoạt VietAID ở Fields Corner đều có thể tham gia.

“Có nhiều người nhút nhát, và điều đó khiến họ e ngại”. Ông cho biết, khi đang thanh thản ngồi chờ tại bàn và nói thông qua một thông dịch viên. Ông đang đợi một lớp tập thể dục dưỡng sinh kết thúc để đến phiên lã lướt trên sàn nhảy. “Khiêu vũ mang lại tâm trạng phấn chấn và giúp bạn giao tiếp với mọi người.”

Ông Sáu được nhiều người biết đến ở khu phố Dorchester này là “thầy dạy nhảy”. Nhưng ông thực sự chỉ là một tình nguyện viên, tìm kiếm bạn tâm tình và làm việc tự do. Ông được đề nghị trả lương, nhưng phải làm việc theo giờ mỗi ngày. Mà ông lại thích đến đi tùy ý.

Dạy mọi người khiêu vũ là một đam mê tự đáy lòng. Ông đã khiêu vũ từ hồi còn trẻ ở Việt Nam.

Bà Kathlyn Hoàng (trái) đang trò chuyện với ông Sáu Nguyễn tại trung tâm cao niên ở Fields Corner. (Ảnh của Craig F. Walker/BBT báo Globe)

Ông Sáu Nguyễn người thích đội một chiếc mũ lưỡi trai màu nâu, quần tây màu nâu và khoác áo vest kaki của nhiếp ảnh gia, đính một huy hiệu có hình lá cờ của miền Nam Việt Nam, nơi ông phục vụ trong chính phủ trước chiến tranh. Sau đó, ông chiến đấu trong quân đội miền Nam Việt Nam, kể cả thời gian làm nhân viên chìm.

Khi Bắc Việt tiến chiếm miền Nam, ông bị bắt và bị cầm tù 8 năm. Mỗi sáng, ông dậy sớm trong phòng giam ráng tập thể dục. Tuy không thể nhảy, nhưng ông đã tập thể dục dưỡng sinh. Và ông đếm từng ngày.

Sau khi được thả vào năm 1983, ông Sáu kết hôn với người bạn gái, Diệp Trần, và nộp đơn xin di dân vào Hoa Kỳ. Họ phải đợi gần một thập niên mới đến được Hoa kỳ vào năm 1993, sống một năm ở New Hampshire rồi chuyển đến Boston, tham gia vào cộng đồng người Việt ở Fields Corner. Họ có bốn người con trưởng thành: hai trai, một gái ở Massachusetts, và còn một con trai ở Việt Nam.

Ông Sáu Nguyễn có lúc làm việc trong một nhà máy ở Boston, phụ giúp sản xuất kẹo, chế tạo các sản phẩm bằng giấy và đĩa compact. Ông cũng chụp ảnh và quay video cho các đám cưới. Bất cứ khi nào có thể, giữa những lúc rảnh rỗi, ông thích khiêu vũ, mặc dù vợ ông, vừa qua đời vào tháng 10 năm ngoái ở tuổi 84, rất nhút nhát và hiếm khi tham gia cùng ông trên sàn nhảy.

Ông Sáu Nguyễn hiện sống một mình, trong một nhà ở công cộng. Ông thức dậy mỗi ngày lúc 4 giờ sáng, giống như khi ở trong tù, để tập thể dục dưỡng sinh và nâng tạ. Rồi ông đến trung tâm VietAID để dạy khiêu vũ cho bất kỳ ai muốn.

Và có rất nhiều người tham gia. Trong một buổi sáng tháng Hai trời mưa tầm tã, một bà tên Liên Ong ngồi ở chiếc bàn phía sau ông Sáu Nguyễn chờ đến lượt.

“Tập bước vòng vòng rất tốt”, ông đoan chắc với bà. Và chẳng mấy chốc, ông quay vòng bà quanh sàn của trung tâm cao niên. Trong một khoảng thời gian êm ả này, sàn nhảy dường như chỉ dành riêng cho họ.

Robert Weisman
Ban Biên tập báo The Boston Globe
(Trích dịch bài: ‘I have to take my time.’ Growing old in Boston without much money is an everyday stress test ngày 25 Tháng Ba, 2023)

Liên lạc: robert.weisman@globe.com.

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*