Hội Thảo Tại Boston: Niềm Hy Vọng Cho Những Trang Sử Của Sự Thật

Hai bìa sách “Xây Dựng Một Quốc Gia Cộng Hòa 1920-1963” và “Hướng Tới Xây Dựng Ngành Học Người Mỹ Gốc Việt: Lịch Sử, Cộng Đồng và Ký Ức”

Hội Thảo Giới Thiệu Sách Sử Giáo Khoa Về VNCH tại Boston

NIỀM HY VỌNG CHO NHỮNG TRANG SỬ CỦA SỰ THẬT

  • Hội thảo sôi nổi, nghẹn ngào và xúc động
  • Xin hãy truyền đạt cho thế hệ sau

Khoảng 100 thân hào nhân sĩ, quan khách thuộc đủ mọi lứa tuổi, trong cái giá buốt giao mùa tháng 3 của thành phố Boston, tiểu bang Massachusetts, đã khoác những chiếc áo lạnh dày nhất đến hội trường St. Gregory tại số 2220 Dorchester Ave., Boston, MA 02124, vào khoảng trưa để tham dự cuộc Hội Thảo Giới thiệu 2 cuốn sách sử giáo khoa đầu tiên về Việt Nam Cộng Hòa và Lịch Sử Người Mỹ Gốc Việt do tổ chức Cộng Đồng Người Việt tại Massachusetts, Trung Tâm Nghiên Cứu Việt Mỹ thuộc Đại Học Oregon và Hội Bảo Tồn Lịch Sử Văn Hóa Người Mỹ Gốc Việt  (VAHF) đồng tổ chức vào ngày 19 tháng 3, 2023 vừa qua.

Từ trái: Gs. Alex Thái Võ, Gs Trần Nữ Anh, Gs. Tường Vũ và ông Khang Nguyễn, Phó Chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Massachusetts.

Sau phần chào cờ Việt Mỹ và phút mặc niệm trang nghiêm, MC Kim Loan đã mở đầu với lời giới thiệu chương trình được soạn công phu bằng hai thứ tiếng Anh Việt của nhà văn, nhà thơ tài hoa Trần Trung Đạo, nói lên tầm quan trọng của việc đưa một hệ thống lý luận sử học về người Việt tự do vào giòng chính. Tiếp đến, ông Khang Nguyễn, Phó chủ tịch Cộng đồng Người Việt Massachusetts đã lên tuyên bố lý do và chào mừng quan khách. Bà Nancy Bùi, hội trưởng hội VAHF sau đó đã lên giới thiệu các diễn giả gồm 3 giáo sư Vũ Tường, Alex Thái Võ và Trần Nữ Anh.

Bà Nancy Bùi, hội trưởng hội VAHF giới thiệu các diễn giả.

Chúng ta có phải là những người không có lịch sử?

Phần trình bày về hoàn cảnh ra đời của 2 cuốn sách sử giáo khoa đã được lần lượt các diễn giả trình bày:

Từ trái: Gs. Alex Thái Võ, Gs. Tường Vũ, Gs. Trần Nữ Anh

Gs. Tường Vũ phát biểu:

”Trong sách vở của Hoa Kỳ, bị ảnh hưởng từ các sử gia khuynh tả và sự tuyên truyền của CS, hầu hết các sử gia Hoa Kỳ đã viết rằng: người Việt quốc gia chúng ta không hề có lịch sử, chúng ta là con rối của Mỹ, họ bảo gì thì chúng ta làm theo. Chỉ có người CS mới đại diện cho dân tộc Việt Nam nên họ mới có lịch sử. Và thế, chúng ta là: “Những người không có lịch sử”. Đó là một cái nhìn sai và mang tính cẩu thả trong việc nghiên cứu và viết sách sử, một phần vì họ không biết tiếng Việt để đọc và nghiên cứu sách sử và văn hóa Việt Nam, phần khác họ theo những tài liệu tuyên truyền, và sách sử của CS nên họ đã phạm những sai lầm kể trên.

Cả hai cuốn sách được giới thiệu hôm nay, thành hình từ cuộc Hội thảo tháng 10, năm 2019 tại Đại học Oregon, đó là cuộc Hội thảo có đông đảo những Giáo sư, nhà nghiên cứu sử người Mỹ gốc Việt. Đề tài về Lịch sử Việt Nam cận đại, với trên 30 bài tham luận hầu hết là những tác giả, nhà nghiên cứu thông thạo biết Việt, họ có khả năng đọc và tìm hiểu về sách sử và văn hóa Việt Nam sâu rộng. Nên những bài tham luận của họ rất có giá trị này đã được tuyển lựa và biên tập với 5 chủ biên và làm nên hai cuốn sách sử giáo khoa đã dược hai nhà xuất bản sách giáo khoa; Hawaii University Press và Temple University Press xuất bản để dùng làm sách giảng dạy cho các Đại học và học sinh Trung học:

Cuốn 1. “BUILDING A REPUBLICAN NATION IN VIETNAM, 1920-1963” (Xây Dựng Một Quốc Gia Cộng Hòa Tại Việt Nam, 1920-1963) do Tiến sĩ Giáo sư Tường Vũ và TS. Nữ Anh Trần cùng với 10 đồng tác giả.

Cuốn 2: “TOWARD A FRAMEWORK FOR VIETNAMESE AMERICAN STUDIES: HISTORY, COMMUNITY, and MEMORY” (Hướng Tới Xây Dựng Ngành Học Người Mỹ Gốc Việt: Lịch Sử, Cộng đồng và Ký Ức) do Ts. Linda Ho Peche, Ts. Alex-Thái Võ và TS Giáo sư Vũ Tường chủ biên cùng với 14 đồng tác giả.

Học cả cái tốt lẫn cái xấu

Gs Alex Thái Võ chia sẻ về những kinh nghiệm của ông khiến cho ông quyết định theo ngành sử học và hợp tác với Gs Tường Vũ cùng 11 tác giả trong Trung Tâm Nghiên cứu Việt Mỹ biên tập cuốn sử về người Mỹ Gốc Việt và để nói rõ ngọn ngành người Mỹ Gốc Việt là ai? Từ đâu tới? Họ có một lịch sử từ ngàn năm và lý tưởng tự do dân chủ của họ đã có hằng nhiều chục năm trước khi chủ nghĩa CS được du nhập vào Việt Nam, và càng không phải mãi đến năm 1975 cộng đồng Người Mỹ gốc Việt mới có lịch sử. Gs. Alex cũng tha thiết kêu gọi sự hỗ trợ cho các công việc nghiên cứu và biên tập cũng như tìm kiếm tài liệu của các tác giả.

Riêng Gs. Trần Nữ Anh phát biểu: Chúng ta thua ở một nghĩa nào đó nhưng văn hóa của chúng ta đã thắng, từ âm nhạc, giáo dục, nếp sống văn minh, của chúng ta sau nhiều năm bị cấm đoán nay đã và đang được những người dân trong nước sử dụng tràn lan. Bà nhấn mạnh: “Chúng ta có quá nhiều thứ để hãnh diện về VNCH của chúng ta. Tất nhiên VNCH không phải tất cả đều tốt; chúng ta cũng có những cái xấu chúng ta cần biết để xấu hổ và làm tốt hơn, nhưng những cái hay, cái tốt chúng ta phải học và truyền bá cho thế hệ con cháu của chúng ta để các em được hiểu biết và hãnh diện”

Để thay đổi không khí, buổi Hội thảo đã dành 30 phút để nghỉ giải lao với thức ăn nhẹ do anh Hùng Nguyễn, nhà hàng Pasteur khoản đãi và thưởng thức chương trình văn nghệ giúp vui do hai ca sĩ Hoàng Thông và Phạm Ngọc Diễm.

Từ trái: MC Kim Loan, Bs. Ánh Phi Nguyễn và Bs. Liên Thư Đào.

“Dự án trong mơ “

Gs Tường Vũ sau đó đã điều phối cuộc Hội thảo thật sôi nổi với 4 Thảo Luận Viên: Bs. Liên Thư Đào, Bs. Nguyễn Ánh Phi, Gs. Quân Trần (Đại học Yale) và ông Khang Nguyễn, phó Chủ tịch Cộng đồng Người Việt Massachusetts cùng với sự đóng góp ý kiến và những câu hỏi nêu lên những quan tâm của quan khách:

“Đây là dự án trong mơ của tôi”. Từ Lịch Sử Hướng Đến Tương Lai, một đề tài rất cần thiết cho người Việt Nam chúng ta ở hải ngoại cũng như ở trong nước. Chúng ta phải biết rõ về lịch sử của mình để có thể định hướng cho tương lai và nhất là yêu thương nhau và để không bị ảnh hưởng về những tuyên truyền sai lạc”
(Bs. Liên Thư Đào)

Xin hãy truyền đạt và để các em tự nguyện, xin đừng ép buộc

“Mong rằng thế hệ các bác các chú hãy lưu truyền văn hóa Việt lại cho con em. Quan trọng nhất là tiếng Việt. Nếu vì hoàn cảnh lúc nhỏ các em không có cơ hội học tiếng Việt thì khi ra trường, thành người lớn, các bạn trẻ có thể học tiếng Việt từ tiếng Anh. Hiện có rất nhiều chương trình này trên online để các bạn có thể theo học. Tôi vẫn thường tổ chức những sinh hoạt văn nghệ với những người trẻ như; hát múa cho các trẻ em vì hát cũng là cách học tiếng Việt và văn hóa Việt nhanh chóng hơn. 

Thêm một vấn đề quan trọng khác là làm thế nào để giới trẻ quan tâm và tham gia một cách tự nguyện, xin giải thích và nói sự thật, xin đừng ép buộc chúng, xin đừng nói quá nhiều về thù hận, xin hãy truyền đạt một cách ôn hòa, để các em hiểu, thông cảm mà không xa lánh. Tôi luôn thầm cám ơn cha mẹ mình; vì những nỗ lực của họ mà giờ đây tôi vẫn còn nói được tiếng Việt, biết được lịch sử hào hùng và văn hóa tốt đẹp của cha ông. Tôi còn nhớ khi mới qua đây, chưa có sách vở hay internet như bây giờ, cha tôi đã làm những quyển sách viết bằng tay những chữ a, b, c để chúng tôi tập đánh vần. Chúng tôi mang ơn cha mẹ rất nhiều…”
(Bs. Nguyễn Ánh Phi)

Từ trái: Nhà báo Nguyễn Cường; ông Sáu Cai, chủ nhà hàng Pasteur; ông Lê Hà Dũng, Chủ tịch Cộng đồng Người Việt New Hampshire.

Làm thế nào để nói chuyện được với ba mẹ?

“Làm thế nào để có thể nói chuyện với ba mẹ? Đặt những câu hỏi ra sao để họ có thể mở lòng? Một số không ít cha mẹ tránh nói về chuyện quá khứ. Chúng em rất hãnh diện về cha mẹ mình, nhưng chúng em cần phải hiểu rõ chuyện gì đã xảy ra khiến họ phải từ bỏ tất cả để đưa các em sang đây để chúng em hãnh diện những gì về lịch sử của cha mẹ mình?”
(Monique Mai, mới tốt nghiệp cử nhân từ Đại Học Massachusetts)

“Cần phải đưa những sách sử này lên online để tất cả mọi người trong và ngoài nước đọc. Khuyến khích giới trẻ dấn thân vào dòng chính để có thể tạo ảnh hưởng trong mọi lãnh vực, kể cả lãnh vực giáo dục. Chúng tôi rất hoan nghênh Dân biểu Janet Nguyễn, đã tranh đấu thành công trong việc dạy sử VNCH và Người Mỹ Gốc Việt vào học đường của tiểu bang California. Hy vọng các tiểu bang khác cũng sẽ làm việc này.”
(Ông Sáu Cai, Chủ nhà hàng Paster, Boston)

“Làm thế nào để đưa hai cuốn sách này được đưa vào tất cả Thư viện Hoa kỳ để việc phổ biến rộng rãi?”
(Nhà báo Cường Nguyễn, Tuần Báo Thăng Long)

Từ trái: cô Monique Mai và hai cô Annie Lê, Khánh Bùi

Nền tảng giáo dục VNCH được lưu truyền sang thế hệ thứ ba rồi thứ tư…

“Tôi rất cảm kích, thán phục, hãnh diện về công trình sưu tầm, nghiên cứu của các vị Giáo sư, sử gia trẻ. Làm thế nào để tiếng nói này ảnh hưởng vào các chính sách của Hoa Kỳ. Với trên 60 giáo sư, sử gia, quý vị có chương trình vận động hành lang nào hay không?”
(Ca sĩ Nguyễn Thông)

“Nền giáo dục của VNCH có nhiều điều tốt đẹp và nhờ thế hệ cha anh đã truyền đạt sang thế hệ thứ hai. Bên phải của chúng tôi là có 4 vị giáo sư trẻ, và ngay tại Boston chúng ta có rất nhiều người trẻ khi đến Hoa kỳ này còn rất trẻ như Bs. Liên Thư Đào, đến Mỹ mới 7, 8 tuổi, Bs. Nguyễn Anh Phi, khi đến đây cũng chỉ có 2, 3 tuổi, một số người trẻ ngồi dưới hàng khán giả dưới kia như cô Nhật Lệ, Amy Lệ, thầy Minh của trường Việt Ngữ Văn Lang, nhóm trẻ Nova và còn nhiều người nữa đã được học hỏi về nền tảng giáo dục của VNCH, tất nhiên nền tảng này có những cái tốt, cái xấu, và những người trẻ này đang và sẽ  lưu truyền những cái tốt cho thế hệ thứ 3 rồi thứ tư”
(Ô. Khang Nguyễn, Phó Chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Massachusetts)

Nỗi buồn Lịch sử và xúc động nghẹn ngào

Cuộc Hội Thảo đã diễn ra thật sôi nổi nhưng trang trọng và cảm động. Trên đây là một số trong khoảng 30 câu hỏi và lời phát biểu của các Tham luận viên và quan khách tham dự buổi Hội Thảo.

Đã có những người trẻ phát biểu với hàng nước mắt. Bs. Liên Thư Đào đã nói về hy sinh, cực khổ của cha mẹ nhưng khi đọc những trang sách xuyên tạc về thế hệ cha anh, vị Bs trẻ đã nói trong nghẹn ngào. Bs. Nguyễn Ánh Phi không cầm được nước mắt khi nói đến nỗi khổ và hoang mang của tuổi trẻ phải đối đầu với những bài học trái ngược giữa những bài học từ gia đình và học dường.

Các Giáo sư tiếp chuyện với khán giả

Riêng lớp giới cao niên thì quan tâm nhiều về việc phổ biến hai cuốc sách này vào giòng chính qua các học đường và hệ thống thư viện quốc gia. Họ cũng mong mỏi giới trẻ nên tham gia vào chính trị giòng chính để tiếng nói cộng đồng người Việt có ảnh hưởng vào các chính sách của Hoa Kỳ, đặc biệt là ngành giáo dục.

Từ trái: Bà Nancy Bùi, nhà văn, nhà thơ Trần Trung Đạo, Ca sĩ Phạm Diễm Phương. (Hình phải:) Gs. Trần Nữ Anh ký tên sách.

Hầu như trong tâm tư của người Việt tự do dù trong hay ngoài nước đều có một nỗi buồn mà chúng tôi đã gọi là “nỗi buồn Lịch sử”. Không ai trong chúng ta mà không từng phải nhăn mặt, hay buồn giận khi đọc những tài liệu, phim ảnh, sách vở và ngay cả sách giáo khoa dạy trong trường, lịch sử đã bị đổi thay, bóp méo và xuyên tạc; người trong nước thì đã đành vì nhà nước CS đã khẳng định rõ ràng môn học sử nói riêng và các tài liệu lịch sử sẽ phải là “sợi chỉ đỏ xuyên suốt”; điều gì cũng phải định hướng để bênh vực Đảng, luôn phải Đảng là đúng, là nhất để tuyên truyền và phục vụ cho chế độ, nhưng tại hải ngoại, tại sao chúng ta lại phải tiếp tục đọc những trang sử méo mó đó? Thật vậy, những người Việt tự do không khỏi phiền lòng và nhất là lo lắng cho thế hệ con em sẽ phải tiếp tục những bài học méo mó, mang tính các nhục mạ cha ông mình cho đến bao giờ?

Luồng gió mới mang nhiều hy vọng

Luồng gió mới do hai cuốn sách sử giáo khoa đầu tiên đem đến cho người đọc và học sinh, sinh viên, những tài liệu phong phú đã bị che giấu trong quá nửa thế kỷ qua nay được phơi bày bởi những với lý luận vững chắc, thuyết phục do các giáo sư đang đứng trên bục giảng của các Đại học hay các Tiến sĩ đang làm công việc nghiên cứu tại các Trung tâm giáo dục hoặc văn hóa hàng đầu của Hoa Kỳ sẽ dần đánh tan được những sai sót và luận điệu xuyên tạc để trả lại sự thật cho lịch sử.

Gs. Tường Vũ đã bày tỏ sự vui mừng của ông trong phần ghi nhận những ý kiến của quan khách đã đóng góp rất nhiều cho những người viết sử cận đại Việt Nam trong những bước kế tiếp. Ông cho biết, đây chỉ là bước đầu. “Với con số các Giáo sư, sử gia, các nhà nghiện cứu đang hợp tác với Trung Tâm Nghiên Cứu Việt Mỹ bắt đầu từ chưa đầy 20, nay đã lên trên 60 người và chương trình sẽ viết và xuất bản nhiều chục cuốn sách về nhiều lãnh vực trong vòng 5, 10 năm tới. Tháng 9, 2023 năm nay, cuốn sách giáo khoa sử thứ 3 về nền Đệ Nhị Cộng Hòa sẽ được ra mắt”.

Buổi Hội thảo chấm dứt vào lúc 4 giờ chiều. Sự quyến luyến của Ban Tổ chức và quan khách qua những cái bắt tay, ôm vai, những ánh mắt cảm thông như không muốn rời.

Phút chia tay bịn rịn với thân hữu tại Boston.

Gs. Vovinam Tuấn Đỗ và một số các võ sinh đã giúp việc dọn hội trường. Gần 100 cuốn sách đã được Hoàng Dung, thủ quỹ của Hội VAHF bán sạch. Một số quan khách cũng đã ủng hộ một số hiện kim để giúp Ban Tổ Chức trang trải chi phí.

Những cái bắt tay lưu luyến và cảm động. Mọi người cảm thấy như gần gũi nhau hơn, trong lòng thấy ấm áp dù ngoài kia nhiệt độ đã xuống dưới 20 độ F, trời bắt đầu đổ mưa, với những cơn gió giật mạnh.

Ngoài những thân hào nhân sĩ, một số doanh nhân, chúng tôi còn ghi nhận sự có mặt của ông Thân Vĩnh Bảo Toàn, chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Massachusetts; bà Mary Trương, Giám Đốc Điều hành Văn Phòng Người Tị Nạn và Di trú tiểu bang Massachusetts; ông Lê Hà Dũng, chủ tịch Cộng Đồng Người Việt tại New Hampshire. Các cơ quan truyền thông gồm có: nhà báo Cường Nguyễn, báo Thăng Long; Pv. Trường Giang, đài SBTN, người thật tâm đắc với cuộc Hội thảo và Giới thiệu sách đã thực hiện liên tiếp 5 phóng sự truyền hình trước và sau buổi tổ chức, và pv thu hình của một số bản tin YouTube.

* * *

Được biết, trong tháng 5, Chương trình Hội Thảo và Giới thiệu hai cuốn sách sử sẽ được tổ chức:

Ngày 6 tháng 5, 2023 tại vùng Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn với một Ban Tổ Chức hùng hậu tại Thư viện Thomas Jefferson, tọa lạc tại số 7415 Arlington Blvd. Falls Church, VA.22042. Xin liên lạc với nhà văn Lê Thị Nhị. ĐT: (240) 401-8698. Hoặc Anh Hoàng Vi Kha. ĐT: (703) 309-7181. Hoặc Triều Giang. ĐT: (512) 844-9417. VÀO CỬA TỰ DO.

Chủ Nhật 7 tháng 5, 2023 sẽ do Cộng Đồng Người Việt Tại Oklahoma tổ chức tại Bistro B Restaurant, số 1620 SW 89th Suite G. Oklahoma City, OK. 73159. Xin liên lạc với ông Quang Phạm. ĐT: (405) 317-5330

Triều Giang
(04/2023)

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*