Mất Sài Gòn (30/4/1975)
Thấm thoắt đã 48 năm kỷ niệm ngày mất nước, người Việt lưu vong khắp nơi trên thế giới, người còn người mất. Thế hệ thứ nhất mơ ước ngày về khi đất nước thật sự có Tự Do, Dân Chủ và Nhân Quyền chưa thấy đâu thì đã nằm im dưới huyệt lạnh. Thế hệ thứ nhất kỳ vọng con cháu của mình vào dòng chánh ở xứ người, làm nở mày nở mặt tổ tiên, ông bà của mình và mong con cháu của mình vẫn nhớ mình là người Việt Nam, tranh đấu cho một Việt Nam thật sự có Tự Do, Dân Chủ và Nhân Quyền.
Thế hệ thứ hai có người là tướng của quân đội Hoa Kỳ, là dân biểu của liên bang, Thượng nghị sĩ, Dân biểu của tiểu bang, giám sát viên, thị trưởng, nghị viên, chánh án liên bang, chánh án tiểu bang, v.v. Người Mỹ gốc Việt có người làm tỷ phú, triệu phú, người Việt tị nạn thành công về mọi mặt, người Việt thành lập những hội từ thiện, giúp đỡ cho người cùi, người mù, người nghèo ở Việt Nam. Người Việt giúp bà con thân nhân ở Việt Nam nhiều lắm. Người Việt giàu ở Việt Nam làm ăn ở hải ngoại, gửi con du học, đa số ở luôn ở ngoại quốc, lấy vợ, lấy chồng, làm ăn ở hải ngoại, số người hồi hương đem kiến thức của mình về giúp nước không nhiều.
Vượt biển tìm Tự Do
Nhiều người mơ ước được trở về Việt Nam, chết bên cạnh mồ mã của ông bà của mình nhưng đâu có được. Nhiều người trối với gia đình sau khi chết, hãy hỏa táng họ, rồi đem tro cốt về Việt Nam. Mẹ của chúng tôi cũng là một người trong số người trăn trối, đem tro về Việt Nam, để được chôn gần mồ mã ông bà. Sức người có hạn, tuổi Trời đã định, tôi được biết nhiều người mơ ước trở về quê hương khi quê hương không còn Cộng Sản. Mơ ước này ngoài tầm tay, cho nên tuổi già sức yếu nhiều người đành nhắm mắt ở xứ người.
Cố Trung Tá Nguyễn Thị Hạnh Nhơn
Cố Trung Tá Nguyễn Thị Hạnh Nhơn, chủ tịch Hội Cứu Trợ Thương phế binh và cô nhi quả phụ, chị ở tù nhiều năm, vừa định cư ở Hoa Kỳ, chị bắt tay với ông Nguyễn Hậu, hội H.O để giúp đỡ những chiến sĩ đang ở trong các trại tị nạn Đông Nam Á và lo vận động với Thượng Nghị Sĩ John McCain để có chương trình định cư cho H.O, cho những sĩ quan ở tù dưới chế độ Cộng Sản được định cư ở Hoa Kỳ. Mỗi năm chị tổ chức đại nhạc hội lấy tiền giúp cho thương phế binh, cô nhi quả phụ ở quê nhà. Ngày Tết, chị có gian hàng trong hội chợ của tổng hội sinh viên để trình bày về tình trạng của thương binh và cô nhi quả phụ ở quê nhà, với những hình ảnh tàn tật đáng thương của anh em cụt tay, cụt chân đi bán vé số, đánh giày để kiếm ăn từng bữa.
Chị làm việc không ngừng nghỉ đến hơi thở cuối cùng. Tôi gọi điện thoại thăm chị thường xuyên, cho đến một hôm tôi gọi chị, giọng nói của chị rất mệt nhọc:
– Duyên ơi, cả tuần nay mình không ăn được.
Thế rồi chị vào nhà thương Fountain Valley. Chúng tôi vào thăm chị, tối hôm đó chị được giải phẫu, sáng hôm sau chúng tôi thăm chị, rồi chị đi. Chị bình thản ra đi không đau đớn, không nhăn nhó, chị ra đi như người đi vào giấc ngủ, bình thản mà đi.
Chúng tôi nuốt nước mắt vào tim. Chúng tôi không nghĩ chị bỏ chúng tôi mà đi, dù chị đã hơn 90 tuổi, dáng của chị vẫn còn đẹp, thẳng không lom khom, mắt vẫn còn đẹp, trong sáng, nụ cười vẫn còn tươi. Suốt đời chị làm việc cho người khác. Nhiều lần chúng tôi đến thăm chị, hồ sơ đầy nhà, đầy bàn giống như ở sở làm, hồ sơ của thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa, để gửi thẳng tiền cho họ.
Cố Trung Tá Nguyễn Thị Hạnh Nhơn tại đại nhạc hội CẢM ƠN ANH, NGƯỜI THƯƠNG BINH VNCH
Chúng tôi thương chị vô cùng, tuần nào chúng tôi cũng ra phi trường đón những gia đình quân nhân đi theo diện H.O (bây giờ con của các anh chị ấy đã thành danh, đã thành triệu triệu phú, vẫn ở Orange County), nhưng chị Hạnh Nhơn của chúng tôi thì ở nơi nào không ai biết? Hình của chị mặc quần áo nữ quân nhân màu xanh vẫn ở trước mặt tôi, ở cửa ra vào, ở trên tường, trong phòng làm việc của chúng tôi. Tóc của chị bạc trắng nhưng nụ cười của chị vẫn tươi, thật tươi.
Viết về người tôi quen đã ra đi thì nhiều lắm, những người hữu ích cho xã hội sao đi sớm quá, dù đã hơn 90 tuổi mới ra đi nhưng chúng tôi vẫn mong chị đừng đi vì người đau khổ còn nhiều lắm trên quê hương của chúng ta.
Cố Trung Tá Nguyễn Thị Hạnh Nhơn đã vĩnh viễn ra đi, để lại hình ảnh đẹp của một người phụ nữ nhân từ lo cho thương phế binh, cô nhi quả phụ. Người còn lại vẫn tiếp tục làm những việc tốt đẹp mà chị đã làm từ bao nhiêu năm qua.
Những tấm gương anh hùng đã đi như Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, Trung Tướng Phan Trọng Chinh, Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng, Chuẩn Tướng Lê Nguyên Vỹ, Thiếu Tướng Đỗ Kế Giai, Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, v.v. đã đi, nhưng hình ảnh của quý vị vẫn còn ở đây, ở trong trái tim của đồng hương ngưỡng mộ họ. Mỗi năm đến ngày 30 tháng 4, đồng bào ở khắp nơi trên thế giới đều làm lễ tưởng niệm những chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ Quốc và cầu nguyện cho họ, cũng như cầu nguyện cho đồng hương chết trên mặt biển, chết ở rừng sâu núi thẳm trên đường vượt biển tìm Tự Do. Cái giá của Tự Do quá đắt vì phải liều mạng sống của mình, một là sống hai là chết để đến bến bờ Tự Do.
Tháng 4 Đen, hàng ngàn người Việt Nam di tản khắp nơi trên thế giới.
Đến ngày 30 tháng 4 năm 2023 là 48 năm ngày mất nước, ngày mà người dân bỏ nước đi tìm Tự Do, ngày mà hàng ngàn quân nhân, công cán chính bị tù đày, vợ mất chồng, cha mẹ mất con, người chết trên mặt biển, người chết trên rừng sâu núi thẳm, ngày đau thương nhất của người dân Việt Nam.
Mỗi năm đến ngày này hàng triệu người cầu nguyện cho vong linh các chiến sĩ, bỏ mình vì Tổ Quốc, ngày mà người dân Việt ở khắp nơi trên thế giới cầu nguyện ở chùa, nhà thờ, những nơi tôn nghiêm cho người dân Việt chết oan, chết ức ở khắp nơi được siêu thoát và cầu nguyện cho người thân của mình ở quê nhà thật sự có Tự Do, Dân Chủ, Nhân Quyền và bảo toàn lãnh thổ, lãnh hải.
Nhiều đồng hương nhìn xa, hiểu rộng thường nói với chúng tôi rằng:
– Đừng nhớ về quá khứ, vận mạng của đất nước mình như thế, số phận của người Việt Nam như thế, thôi thì nhìn về tương lai, tương lai của những người trẻ lưu vong ở xứ người phải làm gì cho ông bà của mình chết được mỉm cười nơi chín suối?
– Học giỏi, phải nhớ mình là người Việt Nam, thương đất nước Việt Nam, phải có lý tưởng, phải giúp người, giúp đời, phải sống cho xứng là con người ở xứ sở văn minh, phải yêu chuộng Tự Do, Dân Chủ, phải tranh đấu cho Nhân Quyền, phải bênh vực quyền làm người, phải quan tâm và giúp đỡ những người nghèo khổ, người bất hạnh, v.v.
Người trẻ Việt Nam dù sinh ra ở xứ người đi vào dòng chính rất nhanh, hành pháp, lập pháp và tư pháp. Người trẻ Việt Nam dù sinh ra ở bất cứ nước nào cũng nói được tiếng Việt lưu loát, lúc nào cũng nhớ mình là người Việt Nam, tổ tiên mình là người Việt Nam. Người trẻ tìm cho mình một chỗ đứng trong xã hội văn minh. Người trẻ Việt Nam dạy con của mình về lịch sử kiêu hùng của ông bà mình đã từng đánh Tàu, đuổi Tây. Người trẻ Việt Nam hãnh diện mình là người Việt Nam.
Cầu xin Phật, Chúa, Đấng Tối Cao phù hộ cho nước Việt Nam, cho dân Việt Nam có đời sống thái bình, no ấm và Tự Do.
Orange County, 4/2023
KIỀU MỸ DUYÊN
(kieumyduyen1@yahoo.com)
Be the first to comment