Vladimir Putin với Ủy viên Trẻ em Nga Maria Lvova-Belova, hai người bị ICC cáo buộc. (Ảnh: Mikhail Metzel/Sputnik/Kremlin pool/EPA)
Tóm tắt: Bài viết tổng hợp những gì chúng ta cần biết về những đứa trẻ đằng sau bản cáo trạng buộc tội Vladimir Putin và Ủy viên của Nga về tội ác bắt cóc trẻ em.
Tòa án hình sự quốc tế ở The Hague đã truy tố Tổng thống Nga, Vladimir Putin, và Ủy viên Trẻ em Nga, Maria Lvova-Belova, về việc bắt cóc hàng loạt trẻ em Ukraine.
Điều này có nghĩa là hiện đã có lệnh bắt giữ quốc tế đối với Putin, phản ánh tốc độ mà cộng đồng luật pháp quốc tế đã theo đuổi các cáo buộc về tội ác chiến tranh trong cuộc xâm lược Ukraine của Nga.
Đây là những vụ án đầu tiên được ICC mở kể từ khi các công tố viên của cơ quan này mở cuộc điều tra về tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người và tội ác diệt chủng ở Ukraine vào tháng 2 năm ngoái.
Chúng ta biết gì về những đứa trẻ Ukraine bị Nga bắt đi?
Các thẩm phán trước khi xét xử của tòa án cho biết có “cơ sở hợp lý để tin rằng mỗi nghi phạm phải chịu trách nhiệm về các tội ác chiến tranh: trục xuất dân cư trái pháp luật, và di chuyển dân cư trái pháp luật từ các khu vực bị chiếm đóng của Ukraine sang Liên bang Nga, gây phương hại đến những trẻ em Ukraine”. Các thẩm phán cho biết họ đã chọn công khai hóa tên của các nghi phạm trong nỗ lực ngăn chặn tội ác tiếp theo.
Các báo cáo về tội ác này lần đầu tiên xuất hiện vào mùa xuân năm ngoái rằng trẻ em Ukraine trong lãnh thổ bị chiếm đóng đã được đưa đến Nga và thậm chí còn được các gia đình Nga nhận làm con nuôi. Nga đã trình bày hành động của mình như một sứ mệnh nhân đạo để cứu trẻ em Ukraine khỏi chiến tranh. Nhưng Ukraine đã cáo buộc Nga đang diệt chủng và mô tả hành động của họ là tội ác chiến tranh.
Trẻ em bị đưa đi gồm những ai?
Những trẻ bị bắt đi bao gồm trẻ em bị bắt từ các cơ quan nhà nước Ukraine ở các khu vực bị chiếm đóng, trẻ em có cha mẹ gửi chúng đến các “trại hè” do Nga điều hành mà từ đó chúng không bao giờ quay trở lại, trẻ em có cha mẹ bị chính quyền chiếm đóng Nga bắt giữ, và trẻ em bị bắt đi do đã trở thành trẻ mồ côi vì chiến tranh.
Những đứa trẻ này đến từ đâu?
Phần lớn trẻ em Ukraine bị Nga bắt đến từ các khu vực bị chiếm đóng ở miền Nam và miền Đông Ukraine: vùng Kherson, vùng Kharkiv, vùng Zaporizhzhia, vùng Donetsk và Luhansk, cũng như một khu vực nhỏ của vùng Mykolaiv.
Có bao nhiêu trẻ em đã bị đưa đi?
Nga thừa nhận đã giữ ít nhất 1.400 trẻ em Ukraine mà họ mô tả là trẻ mồ côi, mặc dù họ cho biết ít nhất 2.000 em đã đến Nga mà không có người đi cùng. Ngoài ra, hàng trăm trẻ em từ các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng vẫn ở lại Nga sau khi chúng tham gia các trại “cải tạo” với sự đồng ý của cha mẹ, nhưng sau đó không được trả lại.
Điều gì đã xảy ra với những đứa trẻ mồ côi?
Kể từ cuộc xâm lược, ít nhất 400 trẻ mồ côi Ukraine đã được các gia đình Nga nhận nuôi, theo Trung tâm Nhân quyền Khu vực Ukraine, cơ quan đã tính toán con số từ các tuyên bố của nhà nước Nga. Nga cho biết có thêm 1.000 em đang chờ được nhận nuôi.
Lvova-Belova, Ủy viên Hội đồng Trẻ em Nga, đã tự mô tả việc bà đã “nhận nuôi” một đứa trẻ 15 tuổi từ Mariupol, thành phố phía đông nam Ukraine đã bị quân Nga tàn phá và chiếm đóng.
Nhưng nhiều trẻ em Ukraine này có người thân còn sống, những người thường xuyên tìm kiếm chúng trong tuyệt vọng. Khoảng 90% trẻ em Ukraine đang sống trong sự chăm sóc của nhà nước vào thời điểm xảy ra cuộc xâm lược là “trẻ mồ côi xã hội”, nghĩa là chúng có người thân nhưng những thành viên trong gia đình đó không thể chăm sóc chúng.
Các thông báo của nhà nước Nga về những đứa trẻ mồ côi không nêu tên những đứa trẻ hoặc cung cấp bất kỳ chi tiết nào về việc chúng đến từ đâu hoặc chúng đang sống ở đâu tại Nga, gây khó khăn cho chính quyền Ukraine và quốc tế trong việc xác định danh tính và theo dõi các hoạt động của chúng.
Trong một số trường hợp, người thân đã nhận dạng được các em thông qua các video do truyền thông nhà nước Nga đăng tải, và đã vận động để các em được trở về. Các trường hợp cũng đã được ghi nhận khi trẻ em được nhà nước Nga chăm sóc sau khi chạy trốn khỏi cuộc chiến ở Ukraine trên xe buýt sơ tán đến Nga, cũng như những đứa trẻ bị tách khỏi cha mẹ tại các trại thanh lọc của Nga.
Trại hè ‘cải tạo’ là gì?
Ít nhất 6.000 trẻ em Ukraine ở các khu vực bị chiếm đóng đã tham dự các trại hè do nhà nước Nga tài trợ, và hàng trăm em chưa được trở về với gia đình.
Các trại hè này, mà một nghiên cứu của Đại học Yale vào tháng 2 đã mô tả là “trại cải tạo”, được chính quyền chiếm đóng quảng cáo là một cách để trẻ em thoát khỏi chiến tranh.
Kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột cách đây một năm, trẻ em từ bốn tháng tuổi sống ở các khu vực bị chiếm đóng đã bị đưa đến 43 trại trên khắp nước Nga, bao gồm cả ở Crimea và Siberia, nơi được Matxcơva sáp nhập, để được giáo dục về “tinh thần yêu nước Nga và các kỹ năng quân sự”, theo một báo cáo của Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Nhân đạo Yale.
Một số bậc cha mẹ đã tìm cách cứu con của họ bằng cách thực hiện hành trình dài từ Ukraine qua Ba Lan và vùng Baltics, xuống miền nam nước Nga. Những người khác đã trao quyền ủy nhiệm cho các mạng lưới tình nguyện viên chống Putin bí mật để đưa con của họ ra khỏi Nga. Nhưng các video từ tháng 11, do chính quyền chiếm đóng của Nga công bố trong khu vực, cho thấy hàng trăm trẻ em vẫn sống tại các trại này.
Luật pháp quốc tế nói gì?
Công ước ngăn chặn nạn diệt chủng của Liên hợp quốc nghiêm cấm “ép chuyển trẻ em của nhóm dân cư này sang nhóm dân cư khác”, và Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em cấm “việc chuyển giao bất hợp pháp và đưa trẻ em ra nước ngoài”.
Không rõ ICC dự định khởi xướng vụ kiện theo phần nào của luật pháp quốc tế.
Nga nói gì?
Câu chuyện được kể lại trong nước Nga là Nga đang cứu trẻ em Ukraine khỏi chiến tranh. Người phát ngôn của ông Putin, Dmitry Peskov, cũng cho biết Nga không công nhận quyền tài phán của ICC.
Ukraine, quốc gia không tham gia ICC, đã hai lần yêu cầu tòa án này thực thi quyền tài phán đối với lãnh thổ của mình.
Nguồn: The Guardian
Tác giả: Isobel Koshiw từ Kyiv
Cù Tuấn, dịch
Theo baotiengdan.com ngày 18-3-2023
Be the first to comment