20 Triệu Người Theo Dõi Điều Trần Về Vụ Bạo Loạn “January 6” – Fed Tăng Lãi Suất 0.75% Để Chống Lạm Phát

Phó Tổng thống Mike Pence trên màn hình trong phiên điều trần hôm thứ Năm 16/6. Trong hình, PTT Pence đang nói chuyện qua phone từ một địa điểm an toàn trong ngày 6 tháng Giêng. (Ảnh của Jonathan Ernst/Reuters)

20 TRIỆU NGƯỜI THEO DÕI ĐIỀU TRẦN TẠI QUỐC HỘI VỀ VỤ BẠO LOẠN “JANUARY 6”

Ủy Ban Hạ Viện điều tra vụ bạo loạn ngày 6 tháng 1 năm 2021 tại Quốc Hội Hoa Kỳ đã thực hiện ba phiên điều trần công khai vào lúc 8 giờ tối Thứ Năm (9 tháng 6), 10 giờ sáng Thứ Hai (13 tháng 6) và 1 giờ trưa Thứ Năm (16 tháng 6).

Phiên điều trần thứ ba thoạt đầu dự trù vào lúc 10 giờ sáng Thứ Tư (15 tháng 6), nhưng Ủy Ban loan báo đình hoãn để có thêm thời gian chuẩn bị. Được biết phiên điều trần kế tiếp sẽ diễn ra vào tối Thứ Năm 23 tháng 6. Những phiên điều trần trong tháng 7, tháng 8, tháng 9 chưa có ngày giờ cụ thể.

Theo thống kê của công ty nghiên cứu truyền thông Nielsen Media Research, phiên điều trần đầu tiên của Ủy Ban Hạ Viện hôm Thứ Năm 9 tháng 6 kéo dài gần hai tiếng đồng hồ và đã thu hút tới gần 20 triệu khán giả (bao gồm 15.2 triệu người trên 55 tuổi, số còn lại trong khoảng tuổi từ 18 đến 34). Nielsen ghi nhận con số 20 triệu cao hơn số khán giả của hầu hết những buổi điều trần khác tại Quốc Hội.

Phiên điều trần đầu tiên này được các hệ thống truyền hình chiếu trực tiếp, thu hút 4.9 triệu người theo dõi qua đài ABC, 3.6 triệu qua đài NBC, 3.4 triệu qua đài CBS. Về Cable TV, có hơn 4 triệu khán giả theo dõi trên MSNBC và 2.6 triệu khán giả trên CNN, chưa kể các đài C-Span, CNBC, PBS, Newsmax. Riêng đài Fox, tuy không chiếu trực tiếp phiên điều trần đầu tiên, vẫn có 3 triệu người theo dõi phần phân tích của các bình luận gia qua chương trình thường xuyên của Fox News và Fox Business. Đến sáng Thứ Hai 13 tháng 6 thì phiên điều trần thứ nhì cũng được Fox News chiếu trực tiếp giống như các đài khác.

Ủy Ban “January 6 House Select Committee” do Hạ Viện thành lập vào ngày 1 tháng 7 năm 2021 để điều tra vụ tấn công trụ sở Quốc Hội Hoa Kỳ sáu tháng trước đó. Theo nghị quyết được thông qua với tỷ số 222/190 thì thành phần Ủy Ban thoạt đầu dự trù là 13 người, gồm 8 do Chủ Tịch Hạ Viện Nancy Pelosi bổ nhiệm và 5 do Dân Biểu Kevin McCarthy (Trưởng Khối Thiểu Số đảng Cộng Hòa) đề nghị. Nhưng vì bà Pelosi không đồng ý nhận hai Dân Biểu Jim Banks (Indiana) và Jim Jordan (Ohio) vào Ủy Ban, nên ông McCarthy rút lại cả 5 người được đề nghị và tuyên bố đảng Cộng Hòa sẽ không hợp tác với cuộc điều tra.

Thành phần sau cùng của Ủy Ban gồm 9 Dân Biểu. Hai thành viên thuộc đảng Cộng Hòa là Dân Biểu Liz Cheney (Wyoming, Phó Chủ tịch) và Dân Biểu Adam Kinzinger (Illinois). Bảy thành viên thuộc đảng Dân Chủ là các Dân Biểu Bennie Thompson (Mississippi, Chủ tịch), Pete Aguilar (California), Zoe Lofgren (California), Elaine Luria (Virginia), Jamie Raskin (Maryland), Stephanie Murphy (Florida) và Adam Schiff (California). Trong số 9 thành viên này có một Dân Biểu gốc Việt – bà Stephanie Murphy, đại diện Địa Hạt 7 của tiểu bang Florida, tên tiếng Việt là Đặng Thị Ngọc Dung.

PHIÊN ĐIỀU TRẦN ĐẦU TIÊN

Theo các hãng thông tấn và cơ quan truyền thông, Ủy Ban “January 6 Select Committee” đã khởi sự điều tra cách đây hơn một năm, với phiên điều trần ngày 27 tháng 7 năm 2021 để nghe lời khai trực tiếp của 4 nhân chứng, là 4 nhân viên Cảnh Sát bị thương do xung đột với những người biểu tình khi cố gắng ngăn cản cuộc tấn công vào trụ sở Quốc Hội.

Tính đến cuối tháng 5 năm 2022, Ủy Ban đã phỏng vấn trên 1,000 nhân chứng và thu thập khoảng 125,000 tài liệu liên quan đến vụ bạo loạn.

Các nhân vật thuộc gia đình của cựu Tổng Thống Donald Trump được Ủy Ban phỏng vấn tại phòng riêng trong Điện Capitol, gồm ông Donald Trump Jr. (trưởng nam), bà Ivanka Trump (con gái) và ông Jared Kushner (con rể). Nhiều cựu giới chức Tòa Bạch Ốc và các nhân vật thân cận với cựu Tổng Thống đã được Ủy Ban gửi trát yêu cầu cung cấp lời khai, một số đáp ứng nhưng một số từ chối cộng tác – như Steve Bannon, Roger Stone, Mark Meadows, Alex Jones, Michael Flynn – do đó họ bị buộc tội khinh mạn Quốc Hội và đưa qua Bộ Tư Pháp để truy tố.

Ủy Ban cho biết mục đích các phiên điều trần công khai đang và sắp diễn ra là để cho dân chúng có cơ hội xem những đoạn video về vụ bạo loạn mà họ chưa từng được xem trước đây, cũng như để dân chúng nghe lời khai hữu thệ của các nhân chứng (hoặc trực tiếp ngay tại phiên điều trần, hoặc qua video thâu lại) hầu giúp mọi người có được cái nhìn đầy đủ về những khía cạnh khác nhau liên quan đến vụ bạo loạn tại Quốc Hội hôm Thứ Tư 6 tháng 1 năm 2021 làm chấn động dư luận nước Mỹ.

Qua lời phát biểu mở đầu phiên điều trần vào buổi tối 9 tháng 6, hai thành viên lãnh đạo Ủy Ban là Dân Biểu Bennie Thompson (Chủ tịch) và Dân Biểu Liz Cheney (Phó Chủ tịch) nói rằng những bằng chứng mà Ủy Ban thu thập qua cuộc điều tra cho thấy vụ bạo loạn là “đỉnh điểm của một âm mưu đảo chánh” với mục đích “lật ngược kết quả cuộc bầu cử Tổng Thống, ngăn cản tiến trình chuyển quyền ôn hòa”, và cựu Tổng Thống Donald Trump “là trung tâm điểm của âm mưu đó” khi ông “châm ngọn lửa khích động một đám đông hỗn loạn tấn công vào Quốc Hội” nhằm phá hoại thủ tục kiểm nhận phiếu bầu của Cử Tri Đoàn toàn quốc.

Ủy Ban cho trình chiếu đoạn video do nhà làm phim tài liệu người Anh Nick Quested ghi lại hình ảnh những thành viên của hai nhóm cực hữu Proud Boys và Oath Keepers họp nhau trong một khu đậu xe vào đêm hôm trước để chuẩn bị cho cuộc tấn công ngày hôm sau, cũng như các đoạn video ghi lại hình ảnh đám đông biểu tình hành hung nhân viên Cảnh Sát, đập phá cửa, tràn vào trong trụ sở Quốc Hội, đi lùng sục dọc theo các hành lang với những lời hô đe dọa tính mạng khiến Cảnh Sát phải gấp rút đưa các nhà lập pháp đi tìm nơi ẩn nấp.

Những đoạn video được trình chiếu cũng cho thấy, ngay sau khi biết kết quả kiểm phiếu bất lợi, cựu Tổng Thống Donald Trump đã liên tục khích động thành phần ủng hộ ông bằng cách loan truyền tin tức sai lạc về gian lận bầu cử; vào buổi trưa ngày 6 tháng 1 cựu Tổng Thống thúc đẩy người biểu tình tiến về Quốc Hội và hướng sự phẫn nộ của đám đông nhắm vào Phó Tổng Thống Mike Pence (vì ông Pence là người chủ tọa phiên họp khoáng đại lưỡng viện Quốc Hội để chứng nhận phiếu bầu của Cử Tri Đoàn toàn quốc); và đến buổi chiều cùng ngày, vụ bạo loạn lên tới cao điểm, cựu Tổng Thống chẳng những không nghe theo mà còn tỏ thái độ giận dữ khi các cố vấn Tòa Bạch Ốc kêu gọi ông hãy lên tiếng khuyên đám đông giải tán.

Một trong các đoạn video được trình chiếu ghi lại lời cựu Bộ Trưởng William Barr cho biết ông đã nói thẳng với cựu Tổng Thống là đừng dùng luận cứ “điên rồ” (crazy) và “nhảm nhí” (bullshit) cho rằng “cuộc bầu cử bị đánh cắp”, bởi vì Bộ Tư Pháp đã điều tra và không tìm thấy bằng chứng gian lận phiếu cử tri đến mức có thể làm thay đổi kết quả bầu cử. Một đoạn video khác ghi lại lời Ivanka Trump (con gái cựu Tổng Thống) nói rằng bà “kính trọng Bộ Trưởng Barr và chấp nhận điều ông Barr nói là đúng”.

Hai nhân chứng cung cấp lời khai trực tiếp tại phiên điều trần là nhà làm phim tài liệu Nick Quested và nữ nhân viên Cảnh Sát Caroline Edwards thuộc đơn vị bảo vệ Điện Capitol. Vì bị té và chấn thương sọ não trong lúc cố gắng ngăn chận đoàn biểu tình, bà Edwards hiện vẫn chưa hoàn toàn hồi phục và đang phải tiếp tục chữa bệnh. Theo lời thuật lại của bà Edwards, giờ phút kinh hoàng nhất là khi bà thấy lực lượng Cảnh Sát bị tràn ngập và không thể chống nổi đám đông bạo loạn, đến độ “tôi trợt chân té trên vũng máu”, và mô tả “đó thật sự là chiến tranh, là một cuộc tàn sát”.

Tưởng cần nhắc lại, vụ tấn công vào Quốc Hội đã khiến 4 người thiệt mạng trong ngày 6 tháng 1 năm 2021, gồm 1 người biểu tình bị Cảnh Sát bắn chết (Ashli Babbitt) và 3 người vì nguyên nhân tự nhiên do bệnh tim (Rosanne Boyland, Kevin Greeson, Benjamin Philips). Qua ngày hôm sau, nhân viên Cảnh Sát Brian Sicknick, bị đám đông bạo loạn xịt hơi cay vào mặt, lên cơn stroke và qua đời. Những ngày tiếp theo, thêm 4 nhân viên Cảnh Sát tự sát vì bị khủng hoảng tâm lý do vụ bạo loạn. Ngoài ra còn có 138 nhân viên Cảnh Sát bị thương (73 người thuộc đơn vị bảo vệ Điện Capitol và 65 người thuộc Sở Cảnh Sát Thủ Đô).

Ít nhất 862 người biểu tình bạo loạn đã bị bắt giữ và truy tố về nhiều tội trạng hình sự khác nhau. Cho tới nay đã có 306 bị can nhận tội để được giảm khinh, 71 bị can bị bồi thẩm đoàn kết tội và lãnh án tù. Số còn lại đang chờ ra tòa.

Dân Biểu Liz Cheney cho biết những phiên điều trần kế tiếp của Ủy Ban sẽ trình bày chứng cứ liên quan đến việc “cựu Tổng Thống Donald Trump bàn tính kế hoạch với luật sư John Eastman để lật ngược kết quả bầu cử bằng cách gây áp lực với Bộ Tư Pháp, cựu Phó Tổng Thống Mike Pence và các viên chức bầu cử tại một số tiểu bang”. Đồng thời bà Cheney nhắc nhở mọi người, khi theo dõi các phiên điều trần, xin lưu ý rằng cuộc điều tra của Ủy Ban vẫn chưa kết thúc, và Bộ Tư Pháp vẫn đang tiếp tục cứu xét lời khai của các nhân chứng để đi tới quyết định truy cứu trách nhiệm hình sự.

PHIÊN ĐIỀU TRẦN THỨ NHÌ

Mặc dù không diễn ra vào giờ “prime time” buổi tối (là khoảng thời gian có nhiều người coi TV nhất) nhưng nhờ ảnh hưởng từ phiên điều trần đầu tiên nên phiên điều trần thứ nhì lúc 10 giờ sáng Thứ Hai 13 tháng 6 của Ủy Ban Hạ Viện vẫn được dư luận quan tâm theo dõi. Các bản tin thông tấn ghi nhận thêm một yếu tố gây nhiều chú ý, đó là nhờ phiên điều trần này người ta biết được những gì diễn ra tại Tòa Bạch Ốc sau ngày bầu cử Tổng Thống 2020, qua lời khai của các giới chức lãnh đạo và các nhân vật thân cận với cựu Tổng Thống Donald Trump – như ông William Barr (cựu Bộ Trưởng Tư Pháp), ông Richard Donoghue (cựu Quyền Bộ Trưởng Tư Pháp), ông Bill Stepien (cựu giám đốc chiến dịch tái tranh cử), ông Jason Miller (cố vấn cao cấp Tòa Bạch Ốc) cùng một số luật sư.

Nhân chứng cung cấp lời khai hữu thệ ngay tại phiên điều trần là ký giả Chris Stirewalt, cựu chủ biên chính trị của Fox News – vốn được coi là đài truyền hình theo khuynh hướng bảo thủ và có quan hệ thân thiết với cựu Tổng Thống Trump. Buổi tối Thứ Ba 3 tháng 11 năm 2020, giữa không khí căng thẳng chờ đợi kết quả kiểm phiếu cử tri toàn quốc, đột nhiên Fox News trở thành cơ quan truyền thông đầu tiên đưa ra dự đoán ứng cử viên Joe Biden chiến thắng ở tiểu bang Arizona, khiến tất cả mọi người ở Tòa Bạch Ốc vô cùng giận dữ. Ký giả Chris Stirewalt bị Fox News tạm ngưng chức và sa thải hai tháng sau đó. Trả lời câu hỏi của Ủy Ban trong phiên điều trần, ông Stirewalt khẳng định dự đoán của ông hoàn toàn căn cứ trên dữ kiện khách quan, không thiên vị, và cho đến bây giờ ông và các đồng nghiệp vẫn tự hào là những người đầu tiên loan báo chính xác kết quả kiểm phiếu của Arizona. Vẫn theo ông Stirewalt thì với sự thất bại ở Arizona, Tổng Thống Trump đã không còn cơ hội lật ngược tình thế.

Cũng tại phiên điều trần thứ nhì, một đoạn video do Ủy Ban trình chiếu cho thấy cựu Bộ Trưởng Tư Pháp William Barr nhận xét: “Trước cuộc bầu cử, đôi khi tôi còn có thể phân tích lý lẽ hơn thiệt cho Tổng Thống Trump, nhưng tôi có cảm tưởng là sau cuộc bầu cử Tổng Thống không còn nghe tôi nói nữa; tôi nghĩ ông đã tách rời với thực tế, và ông không bao giờ có dấu hiệu quan tâm đến những sự kiện đang diễn ra trên thực tế”. Theo lời ông Barr thì tình huống đó khiến ông cảm thấy xuống tinh thần và đi tới quyết định từ chức Bộ Trưởng.

Nhận xét của ông Barr phù hợp với lời khai của ông Bill Stepien, cựu giám đốc chiến dịch tái tranh cử của cựu Tổng Thống Trump. Đáng lẽ trình bày trực tiếp tại phiên điều trần nhưng vì phải lo cho bà vợ lâm bồn sáng Thứ Hai 13 tháng 6 nên ông Stepien không đến Quốc Hội, và Ủy Ban chỉ trình chiếu video cuộc phỏng vấn trước đó, với sự xác nhận của luật sư đại diện Kevin Marino. Qua video, ông Stepien cho biết ông cùng những cố vấn pháp lý tại Tòa Bạch Ốc đã cố gắng khuyên Tổng Thống đừng tuyên bố chiến thắng ngay trong đêm bầu cử (3 tháng 11 năm 2020), vì kết quả kiểm phiếu chưa ngã ngũ và tình hình có thể biến chuyển. Nhưng Tổng Thống Trump không quan tâm đến lời khuyên của họ, vẫn làm theo đề nghị của ông Rudy Giuliani (người mà lúc đó “rõ ràng đang say rượu”, theo nhận xét của cố vấn Jason Miller).

Cũng qua lời khai của ông Bill Stepien thì những ngày kế tiếp, cựu Tổng Thống Trump chỉ nghe theo nhóm “Crazy Team” gồm ba nhân vật là cựu luật sư Rudy Giuliani, nữ luật sư Sidney Powell và cựu cố vấn kinh tế Peter Navarro, để khởi động hàng loạt vụ kiện về “gian lận bầu cử” – nhưng đều thất bại khi ra tòa – đồng thời tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động những người ủng hộ, thuyết phục họ tin rằng “cuộc bầu cử bị đánh cắp”, và sau cùng kêu gọi họ kéo về thủ đô Washington D.C. để biểu tình ngày 6 tháng 1 năm 2021, đưa tới vụ tấn công vào trụ sở Quốc Hội.

Tại phiên điều trần thứ nhì, tiếp theo lời khai của các nhân chứng, Dân Biểu Zoe Lofgren trình bày nhận định của Ủy Ban là ngoài tác động chính trị, những lời tuyên bố về gian lận bầu cử của cựu Tổng Thống Trump còn nhằm vận động thành phần ủng hộ ông đóng góp tiền bạc vào một quỹ mệnh danh là “Quỹ Bảo Vệ Bầu Cử” (Official Election Defense Fund), số tiền lên tới khoảng $250 triệu dollars. Nhưng cuộc điều tra của Ủy Ban cho thấy thật ra quỹ này không hề tồn tại. Thay vào đó, số tiền $250 triệu được chuyển sang một Ủy Ban Hành Động Chính Trị (PAC) mang tên “Save America” mà cựu Tổng Thống lập ra ngày 9 tháng 11, ngay sau cuộc bầu cử. Vẫn theo kết quả điều tra, PAC đã chi $1 triệu dollars cho một quỹ từ thiện (Conservative Partnership Institute) do cựu giám đốc nhân sự Mark Meadows điều hành, $1 triệu dollars cho một nhóm chính trị (America First Policy Institute) do các nhân viên cũ bao gồm cố vấn Stephen Miller điều hành, $204,857 dollars cho cơ sở kinh doanh Trump Hotel, và hơn $5 triệu dollars cho Event Strategies Inc. là công ty tổ chức cuộc biểu tình trước Tòa Bạch Ốc ngày 6 tháng 1 năm 2021.

Dân Biểu Lofgren kết luận: “Cuộc điều tra của Ủy Ban tìm được bằng chứng cho thấy chiến dịch vận động của Tổng Thống Trump đã đánh lừa người ủng hộ. Như vậy, không phải chỉ có “Lời Nói Dối Khổng Lồ” (The Big Lie) mà còn có “Vụ Làm Tiền Khổng Lồ” (The Big Rip-off). Những người ủng hộ xứng đáng được biết đồng tiền của họ thực sự đi về đâu và được sử dụng vào việc gì. Họ xứng đáng được nhận nhiều hơn những điều Tổng Thống Trump và đội ngũ của ông đã làm”.

PHIÊN ĐIỀU TRẦN THỨ BA

Hôm Thứ Năm 16 tháng 6, phiên điều trần thứ ba của Ủy Ban Hạ Viện tập trung vào các đoạn video cùng lời khai của nhân chứng để trình bày việc cựu Tổng Thống Donald Trump, trong một nỗ lực sau cùng, đã bàn tính cùng luật sư John Eastman về kế hoạch gây áp lực với cựu Phó Tổng Thống Mike Pence để lật ngược kết quả bầu cử – vì ông Pence, với tư cách Chủ Tịch Thượng Viện, sẽ chủ tọa phiên họp khoáng đại lưỡng viện Quốc Hội ngày 6 tháng 1 năm 2021 để chứng nhận phiếu bầu của Cử Tri Đoàn toàn quốc.

Theo lời khai của ông Marc Short (chánh văn phòng của Phó Tổng Thống Pence lúc đó) thì Tổng Thống Trump quyết định thực hiện kế hoạch nêu trên mặc dù Phó Tổng Thống Pence đã “nhiều lần” nói thẳng với Tổng Thống Trump rằng ông không có thẩm quyền ra lệnh ngưng chứng nhận phiếu bầu của Cử Tri Đoàn.

Ông Gregory Jacob, luật sư đại diện cựu Phó Tổng Thống Mike Pence, khai thêm tại phiên điều trần rằng ngay chính luật sư John Eastman cũng xác nhận trước mặt cựu Tổng Thống Trump là ông Pence “sẽ vi phạm luật pháp liên bang nếu đồng ý làm theo kế hoạch” – nghĩa là dùng quyền chủ tọa phiên họp Quốc Hội tuyên bố ngưng chứng nhận phiếu bầu của Cử Tri Đoàn, rồi sau đó sẽ tìm cách yêu cầu Quốc Hội công nhận số phiếu Cử Tri Đoàn thuộc đảng Cộng Hòa tại 6 tiểu bang chiến trường (Arizona, Nevada, Michigan, Wisconsin, Pennsylvania, Georgia), thay vì công nhận phiếu Cử Tri Đoàn mà 50 tiểu bang đã biểu quyết từ ngày 14 tháng 12, nhằm dồn 79 phiếu Cử Tri Đoàn cho Tổng Thống Trump có đủ 270 phiếu cần thiết để đắc cử.

Lời khai của các nhân chứng cho thấy, vì cựu Phó Tổng Thống Pence không đồng ý làm theo kế hoạch, nên cựu Tổng Thống Trump đã khích động thành phần ủng hộ ông kéo về biểu tình trước Quốc Hội ngày 6 tháng 1 năm 2021 để phản đối “cuộc bầu cử bị đánh cắp”, và sau đó hướng sự phẫn nộ của đám đông nhắm vào ông Mike Pence – cụ thể là cựu Tổng Thống gửi tin nhắn trên mạng xã hội lúc 2:24 giờ chiều, lúc cuộc biểu tình đã trở thành bạo loạn, viết rằng ông Pence “không có đủ can đảm để làm điều lẽ ra phải làm”.

Một cựu nhân viên Tòa Bạch Ốc là Sarah Matthews khai với Ủy Ban là khi đọc tin nhắn trên đây, bà “có cảm giác Tổng Thống Trump đang châm dầu vào lửa”. Dân Biểu Pete Aguilar, thành viên Ủy Ban, cho biết môt nhân chứng khai với Cơ Quan FBI rằng nhóm cực hữu Proud Boys đã tuyên bố sẽ giết Phó Tổng Thống Pence nếu tìm thấy ông ở Quốc Hội ngày hôm đó.

Theo lời cựu luật sư Tòa Bạch Ốc Eric Herschmann thuật lại, ông đã cảnh giác luật sư John Eastman rằng kế hoạch gây áp lực với Phó Tổng Thống Mike Pence để ngưng chứng nhận phiếu bầu của Cử Tri Đoàn rất nguy hiểm vì có thể đưa tới bạo loạn, nhưng ông Eastman trả lời “Trong lịch sử nước Mỹ vốn đã từng xảy ra bạo loạn để bảo vệ nền dân chủ hay thể chế cộng hòa”.

Vẫn theo lời khai của ông Herschmann thì ngay cả sau khi bạo loạn đã bị dập tắt, vào lúc 11:44 giờ tối, luật sư Eastman vẫn còn tiếp tục gửi email thúc giục Phó Tổng Thống Pence tiến hành kế hoạch. Thế nhưng, như mọi người đều biết, buổi tối hôm đó Quốc Hội tái nhóm phiên họp khoáng đại lưỡng viện để xác nhận phiếu Cử Tri Đoàn toàn quốc. Lúc 3 giờ 46 phút sáng hôm sau, Thứ Năm 7 tháng 1 năm 2021, phiên họp kết thúc sau khi Phó Tổng Thống Pence với tư cách Chủ Tịch Thượng Viện tuyên bố liên danh Joe Biden – Kamala Harris đắc cử với 306 phiếu Cử Tri Đoàn.

Hai nhân chứng cung cấp lời khai hữu thệ ngay tại phiên điều trần thứ ba là ông Gregory Jacob, luật sư đại diện cựu Phó Tổng Thống Mike Pence, và ông J. Michael Luttig, một cựu thẩm phán có uy tín trong đảng Cộng Hòa, từng đảm nhiệm chức vụ Chánh Án Tòa Phúc Thẩm Liên Bang và là cố vấn pháp lý của cựu Phó Tổng Thống Pence.

Khi được Ủy Ban hỏi ý kiến về kế hoạch của cựu Tổng Thống Trump và luật sư Eastman, cựu Chánh Án Luttig phát biểu: “Không thể tưởng tượng người ta có thể nghĩ ra những điều như vậy, chứ đừng nói tới việc một vị tổng thống Mỹ cũng nghe theo luận cứ đó”, và nếu ông Pence đồng ý làm theo kế hoạch thì “sẽ là cuộc khủng hoảng về hiến pháp lần đầu tiên kể từ thời lập quốc”.

Ông Luttig nói thêm: “Tính đến hôm nay, vụ tấn công vào Quốc Hội xảy ra đã gần hai năm, nhưng ông Donald Trump cùng với các đồng minh và những người ủng hộ ông vẫn còn là một nguy cơ rõ rệt cho nền dân chủ Hoa Kỳ”. Sau đó cựu Chánh Án Luttig giải thích sở dĩ ông đi tới nhận định như vậy là vì “cựu Tổng Thống Trump cũng như các đồng minh vẫn đang tiếp tục đưa ra những lời dối trá về cuộc bầu cử 2020, vẫn tuyên bố ủng hộ các ứng cử viên tiếp tay loan truyền những lời dối trá ấy, và họ không có dấu hiệu thay đổi nào cả”.

PHẢN ỨNG CỦA CỰU TỔNG THỐNG TRUMP

Chỉ vài giờ đồng hồ sau khi phiên điều trần đầu tiên của Ủy Ban Hạ Viện kết thúc, cựu Tổng Thống Donald Trump hôm Thứ Sáu 10 tháng 6 đã bày tỏ phản ứng trên mạng xã hội Truth Social do ông mới lập ra, phủ nhận lời cáo buộc rằng ông khích động cuộc biểu tình ngày 6 tháng 1 năm 2021: “Cái gọi là tấn công vào Quốc Hội không phải do tôi gây ra, mà do một cuộc bầu cử gian lận và bị đánh cắp gây ra”.

Cựu Tổng Thống nặng lời chỉ trích cựu Bộ Trưởng William Barr, gọi ông Barr là “một Bộ Trưởng Tư Pháp hèn yếu, khiếp đảm, cam chịu để cho đảng Dân Chủ xỏ mũi vì sợ bị bãi chức”, và viết thêm “vì ông Barr phát biểu một cách ngu ngốc và lố bịch rằng cuộc bầu cử không có vấn đề gì, nên đã được để cho yên thân”.

Ngoài ra, cựu Tổng Thống Trump cũng quyết liệt bác bỏ việc Dân Biểu Liz Cheney trích dẫn lời những cựu viên chức Tòa Bạch Ốc nói rằng ông không bênh vực cựu Phó Tổng Thống Pence khi đám đông biểu tình hô lớn “Treo cổ Mike Pence”, thậm chí còn tuyên bố là ông Pence “đáng đời”. Tin nhắn của cựu Tổng Thống viết: “Tôi không bao giờ nói, cũng không nghĩ đến chuyện nói câu “Treo cổ Mike Pence”. Đó là điều bịa đặt bởi một kẻ nào đó muốn nổi tiếng, hoặc là Tin Giả”.

Liên quan đến lời con gái ông (Ivanka Trump) nói rằng bà chấp nhận quan điểm của cựu Bộ Trưởng William Barr, cựu Tổng Thống viết: “Ivanka không can dự gì đến việc theo dõi hoặc nghiên cứu kết quả bầu cử. Ivanka rời vị trí đã lâu, và chỉ muốn tỏ ra kính trọng chức Bộ Trưởng Tư Pháp của ông Barr (một kẻ tệ hại)”.

Qua ngày Thứ Hai 13 tháng 6, cựu Tổng Thống Trump phổ biến một văn bản 12 trang để phản bác lời khai của các nhân chứng và cáo buộc rằng đảng Dân Chủ tổ chức những phiên điều trần liên quan đến cuộc điều tra về vụ tấn công Quốc Hội chỉ với mục đích đánh lạc sự chú ý của dư luận, trong lúc đất nước đang phải đối phó với nhiều vấn đề gai góc như lạm phát khiến vật giá leo thang, khủng hoảng vì thiếu sữa bột cho trẻ em v.v…

Bản tin Yahoo News trích dẫn văn bản của cựu Tổng Thống Trump – do Ủy Ban Hành Động Chính Trị Save America PAC phổ biến – có đoạn viết: “Đã 18 tháng kể từ khi xảy ra sự kiện ngày 6 tháng 1, đảng Dân Chủ vẫn không thể đưa ra những giải pháp thích ứng. Họ cố gắng một cách tuyệt vọng để thay đổi hình ảnh một đất nước đang đi xuống, trong khi không hề đả động tới sự hỗn loạn và chết chóc do đám Khuynh Tả Cấp Tiến gây ra mới vài tháng trước đây. Cần nói rõ, họ đang nắm chính phủ. Vì vậy họ có trách nhiệm đối với tai họa ấy. Họ hy vọng các phiên điều trần này sẽ làm thay đổi những viễn ảnh thất bại của họ”.

Cựu Tổng Thống Trump kết thúc văn bản với nhận xét rằng các phiên điều trần của Ủy Ban Hạ Viện “chỉ là một nỗ lực nhằm ngăn chận một nhân vật đang dẫn đầu với tỷ lệ rất cao ở tất cả những cuộc thăm dò dư luận, dù trong đảng Cộng Hòa hay đối đầu với đảng Dân Chủ, không để cho nhân vật đó tái tranh cử Tổng Thống”.

CHÍNH PHỦ MỸ TĂNG LÃI SUẤT 0.75% ĐỂ CHỐNG LẠM PHÁT

Để đối phó với áp lực lạm phát khiến vật giá leo thang với tốc độ chóng mặt, Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang của chính phủ Hoa Kỳ (Federal Reserve, thường được gọi là Fed) hôm Thứ Tư 15 tháng 6 đã quyết định tăng mức lãi suất ngắn hạn 0.75 điểm tức 0.75%, mặc dù dự đoán rằng biện pháp này có thể làm cho kinh tế phát triển chậm lại và tỷ lệ thất nghiệp lên cao trong thời gian sắp tới.

Các bản tin thông tấn ghi nhận đây là mức tăng lãi suất cao nhất kể từ năm 1994 tới nay, cao hơn cả mức 0.50% mà nhiều kinh tế gia dự đoán, và được coi như một quyết định “chẳng đặng đừng” sau khi những nỗ lực suốt một năm qua không làm giảm được tốc độ lạm phát.

Phát biểu trong cuộc họp báo chiều Thứ Tư, ông Jerome Powell, Chủ Tịch Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang nói rằng các kinh tế gia có nhiệm vụ quyết định chính sách đều đồng ý với quan điểm cần có một biện pháp quyết liệt để mau chóng đối phó với tình trạng lạm phát, do đó “chúng tôi đi tới đề nghị tăng mức lãi suất 0.75 điểm”, nói thêm là “rất có thể” tại phiên họp vào tháng 7 tới đây sẽ lại tăng mức lãi suất từ 0.50 đến 0.75 điểm.

Với quyết định mới nhất của Fed, lãi suất căn bản hiện tại là từ 1.5% đến 1.75%, cao nhất kể từ trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Thông báo tăng lãi suất được phổ biến hôm Thứ Tư sau phiên họp kéo dài hai ngày của Ủy Ban Thị Trường (Federal Open Market Committee – FOMC) là cơ cấu quyết định chính sách của Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang. Qua thông báo, Ủy Ban FOMC “cam kết sẽ đạt mục tiêu là đưa lạm phát về mức 2%”. Được biết 10 trong số 11 thành viên FOMC ủng hộ đề nghị tăng lãi suất 0.75%, chỉ có một thành viên duy nhất là bà Esther George, Chủ Tịch Fed Kansas, bỏ phiếu với đề nghị tăng lãi suất 0.50%.

Việc tăng lãi suất ngắn hạn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp cũng như tác động đến đời sống của hàng triệu gia đình người Mỹ, vì tất cả những khoản tiền vay để mua nhà, mua xe hơi, vay thẻ tín dụng v.v… đều đồng loạt tăng lên, và do đó nếu có đưa tới tâm lý bất mãn của người tiêu thụ đối với chính phủ đương nhiệm thì cũng là điều khó tránh khỏi.

Ủy Ban FOMC giải thích việc tăng lãi suất là biện pháp cần thiết để đối phó với áp lực lạm phát, đồng thời nhắc nhở dân chúng Mỹ là mặc dù lãi suất tăng nhưng lạm phát sẽ không hạ xuống ngay tức khắc, có thể từ nay đến cuối năm vẫn tiếp tục ở mức 5.2%, qua đến năm 2024 mới giảm dần xuống mức 2.2%. Mặt khác, Ủy Ban FOMC cũng đưa ra dự đoán tỷ lệ thất nghiệp từ nay đến cuối năm có thể tăng lên 3.7%, và ước tính mức tăng trưởng kinh tế của nước Mỹ trong năm 2022 sẽ là 1.7% – có nghĩa là thấp hơn mức 2.8% như dự đoán cách đây hai tháng, do đó một số kinh tế gia bắt đầu bày tỏ sự lo ngại về viễn ảnh suy thoái kinh tế, mặc dù theo Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang thì suy thoái kinh tế sẽ không xảy ra.

Tình hình hiện tại cho thấy dân chúng Mỹ đang vất vả vì vật giá leo thang, người tiêu thụ bị mất niềm tin với thị trường, và nhiệm vụ của Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang là phải tìm cách giữ cho giá cả ổn định. Áp lực lạm phát khiến giá cả tăng không ngừng ở mọi lãnh vực trong đời sống, từ giao thông cho đến thực phẩm, cụ thể là tháng 4 vừa qua vật giá nói chung tăng 8.3%, qua đến tháng 5 lại tăng 8.6%. Nếu so với tháng 5 năm ngoái:

– Xăng dầu đã tăng giá 48.7%.
– Vé máy bay tăng giá 37.8%.
– Xe hơi cũ tăng giá 15.1%.
– Trứng tăng giá 32.2%.
– Thịt gà tăng giá 17.4%.
– Sữa tăng giá 15.9%.
– Thực phẩm cho trẻ em tăng giá 12.9%.
– Giá thuê nhà tăng 5.2%.

Trước tình trạng như vậy, ai cũng chờ xem việc Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang tăng lãi suất ngắn hạn sẽ đưa tới những thay đổi nào trong sinh hoạt của người dân Mỹ để hy vọng có thể giảm bớt áp lực lạm phát. Hôm Thứ Tư 15 tháng 6 Bộ Thương Mại phổ biến bản phúc trình cho thấy trong tháng 5 vừa qua lượng hàng bán lẻ của các thương nghiệp đã giảm xuống – chứng tỏ nhiều người đang cân nhắc lại về cách tiêu xài – đồng thời số xe hơi bán ra cũng giảm, tuy nhiên một phần cũng do ảnh hưởng của giá xăng trung bình trên toàn quốc, hiện nay đã lên tới $5/gallon.

Điều chắc chắn là với lãi suất lên cao, rất nhiều người dân Mỹ sẽ cố gắng trả dứt các khoản nợ thẻ tín dụng (credit cards), sẽ tính toán thương lượng kỹ càng hơn nếu đang có ý định mua nhà, và nếu có nhu cầu mua xe hơi thì có thể sẽ mua xe mới thay vì mua xe cũ (used cars), lý do đơn giản là vì xe hơi mới tuy có tăng giá nhưng chỉ tăng trung bình 12.6% trong khi xe hơi cũ tăng giá tới 15.1%.

Phố Nhỏ Online tổng hợp từ các nguồn: AP, Reuters, NPR, ABC, Fox News, Yahoo News ngày 16/6/2022

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*