(Ảnh minh họa)
Chiều Sài Gòn – sao mà nóng dữ – cái nóng oi nồng gây cảm giác nhớp nháp khó chịu. Sài Gòn càng ngày càng nóng, chắc do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; điều này ai cũng biết nhưng phải sống lâu năm ở Sài Gòn mới cảm nhận được rõ thay đổi này: Trước 1975 – mùa Hè ở Sài Gòn không nóng nực lắm …
Đang chạy xe trên đường, bỗng chốc bầu trời tối sầm rất nhanh, rồi sau vài tiếng sấm rền xa xa là những giọt mưa nặng nề rơi xuống; vừa kịp tấp vào một quán cà phê ven đường thì mưa ào ào trút nước…
(Ảnh minh họa)
Gọi ly cà phê đá pha phin để chờ mưa tạnh thì tiếng nhạc trong quán bật lên, ngay bài “Tháng Sáu trời mưa”. Thật là “đã” khi vừa ngóng mưa rơi vừa nhấm nháp từng muỗng cà phê, lại được rót vào tai giọng ca trong trẻo của Ngọc Lan qua bài hát trứ danh được phổ nhạc từ bài thơ cùng tên, đã làm say đắm lòng người bao thế hệ:
Tháng Sáu trời mưa trời mưa không dứt
trời không mưa anh cũng lạy trời mưa
anh lạy trời mưa phong kín đường về
và đêm ơi xin cứ dài vô tận
Mình dựa vào nhau cho thuyền ghé bến
sưởi ấm đời nhau bằng những môi hôn
mình cầm tay nhau nghe tình dâng sóng nổi
hãy biến cuộc đời thành những tối tân hôn
Da em trắng anh chẳng cần ánh sáng
tóc em mềm anh chẳng tiếc mùa xuân
trên cuộc đời sẽ chẳng có giai nhân
vì anh gọi tên em là nhan sắc
Anh vuốt tóc em cho đêm khuya tròn giấc
anh sẽ nâng tay cho ngọc sát kề môi
anh sẽ nói thầm như gió thoảng trên vai
và bên em tiếng đời đi rất vội
Tháng Sáu trời mưa trời mưa không dứt
trời không mưa em có lạy trời mưa
anh vẫn xin mưa phong kín đường về
anh nhớ suốt đời mưa Tháng Sáu…
Tôi ngồi nghe bài hát chen lẫn tiếng mưa rơi, thả hồn theo từng ca từ, từng nốt nhạc tuyệt đẹp của bài hát; và khi những nốt nhạc thánh thót của điệu slow kết thúc bài hát buông đều đều như tiếng mưa rơi gõ xuống mặt đường, thì lòng tôi lâng lâng quay về kỷ niệm xưa của mấy mươi năm về trước – những kỷ niệm mà tôi nhớ suốt đời – của mùa mưa… tháng Sáu!
Hồi đó – những năm đầu thập niên 80 – đời sống hết sức khó khăn – phải nói là khó khăn “tàn bạo” – mọi gia đình đầu tắt mặt tối chạy ăn từng bữa. Bo bo, khoai lang, khoai mì nhiều hơn gạo; lương ba cọc ba đồng, kỹ sư chạy thêm xích lô, ba gác, thầy giáo cô giáo ngoài giờ dạy học kiếm tiền thêm bằng cách bán báo, bán xôi, bán hủ tíu, bỏ mối bánh bò, bánh bông lan… ; bác sĩ, dược sĩ kiếm thêm bằng… mua bán thuốc Tây ở chợ trời.
Tôi – lúc đó là sinh viên Bách Khoa – không ngoài “vòng xoáy” đó, buộc phải kiếm cái gì đó làm để tự lo cho mình và phụ mẹ tôi giãi dầu mưa nắng bươn chải để nuôi cả gia đình 10 người. Nghĩ tới nghĩ lui, hỏi han nhiều người, cuối cùng tôi chọn… đạp xe bán… kẹo kéo.
Đầu tiên phải đi thuê xe kẹo kéo. Theo chỉ dẫn, tôi đến lò cho thuê xe kẹo kéo trong một xóm lao động ở quận 8. Chủ lò có khoảng 5, 7 xe. Mỗi xe kẹo kéo là chiếc xe đạp sườn ngang, phía sau là mâm gỗ đựng kẹo kéo, kèm hai loa thùng hai bên. Họ làm sẵn hết, kể cả bình ắc quy và máy hát, có máy chạy đĩa, có máy chạy băng, chất lượng âm thanh chắc chắn là không “ngon” vì là máy cũ rích. Mỗi ngày đi học về, tôi đạp xe đến lò lấy xe kẹo; đến tối mịt thì quay lại trả xe, trả tiền thuê, đạp xe của mình về nhà.
Bán kẹo kéo không mong bán được nhiều khúc kẹo – mỗi khúc cỡ chừng gang tay được kéo ra từ súc kẹo, làm từ mật đường còn lại từ các lò làm đường, sau khi tách đường, trộn thêm ít dầu ăn và đậu phọng – mà mong bán được băng cassett hoặc đĩa nhạc. Gặp ngày hên bán được nhiều băng, nhiều dĩa thì “khỏe”, còn không thì chỉ có “từ huề đến lỗ”. Không biết bao nhiêu lần tôi đã phải “húp cháo” vì “ế độ”.
Thời gian đầu, xe kẹo kéo của tôi chỉ phát toàn các bài hát “cách mạng”: “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây”, “Tiếng chày trên sóc Bom Bo”, “Lá xanh”, “Lá đỏ”, “Tiểu đoàn 307”… Sơ kết giai đoạn này là chỉ bán được kẹo kéo cho… con nít! Mà con nít thì tiền đâu mà mua hoài, với lại đâu phải đứa nào cũng có tiền để mua – mặc dù chỉ là mấy xu lẻ. Ngày bán được chừng vài chục que – chỉ đủ trả tiền thuê xe kẹo, có ngày lỗ phải năn nỉ xin cho… thiếu! Tiếp tục kiếm sống kiểu này chắc phải trả xe, “về quê cắm câu”!
Tôi liền bàn với lò xe thử đổi nhạc – nhạc Sài Gòn trước 75 – ban đầu lò không chịu vì sợ bị “hốt”. Sau, thấy nhiều người muốn trả xe nên lò cũng chịu, với lại họ cũng thấy có hát nhạc Sài Gòn thỉnh thoảng đây đó; nhưng họ tăng tiền thuê. Thôi thì thử xem, “hên xui” thôi!
Lạ thay! Khi đổi nhạc thì “doanh số” kẹo kéo của tôi tăng thấy rõ – không chỉ từ số que kẹo bán ra – mà do bán được nhiều băng cassett, đĩa nhạc; băng nhiều hơn, vì tiện lợi và dễ sang được bài hát mới. Chưa hết, người mua còn “yêu cầu” phát các bài hát họ thích, họ cho thêm tiền “bo”.
Từ khi đổi nhạc, tôi không chỉ “kéo” kẹo “nghề” hơn, mà nhạc của xe kẹo kéo còn “luyện” tôi rành và gần như “thuộc lòng” các bài hát của nhạc Sài Gòn, bởi nó đã theo tôi rong ruổi khắp các nẻo đường ngỏ hẻm Sài Gòn, tấp vào các quán ăn quán nhậu, bật nhạc và “tiếp thị”… kẹo kéo cùng với các băng, đĩa nhạc; nhất là những ngày mưa – mưa càng lớn càng lâu thì tôi càng “ế” nhưng lại càng thêm “thuộc” nhạc…
Một buổi chiều Tháng Sáu, Sài Gòn mưa lớn, sấm chớp ầm ầm, mưa “dội” nước xuống đường phố… Tôi tấp xe kẹo vào một ngõ hẻm khá rộng trên đường Trương Minh Giảng, xế Đại học Vạn Hạnh, trú mưa dưới hiên một căn nhà lầu; nhạc vẫn bật để mong có ai đó mua kẹo và băng đĩa nhạc. Và đó là lần đầu tiên tôi được nghe trọn vẹn – một mình, dưới mưa – bài hát “Tháng Sáu trời mưa”.
Đang mê mẩn với điệu ru êm ái của lời nhạc thì có tiếng cửa sắt mở rồi tiếng gọi dịu êm: “Anh kẹo kéo ơi”…; tôi bước tới. Một khuôn mặt xinh xắn khoảng 18-20 thò ra với mái tóc ngang vai kèm nụ cười thân thiện:
– Anh có băng nhạc có bài hát này không?
– Có, mà băng này hát nhiều nhão rồi; hôm khác tui đem tới băng mới cho. Mua kẹo đi!
Tôi đưa nàng hai thanh kẹo kéo. Nàng hỏi bao nhiêu tiền. Tôi nói:
– Hôm khác đưa băng tính luôn. Hai, ba ngày tui mới đi qua đây một lần, hổng gặp cô tui sẽ gởi ai?
– Anh gởi sạp báo đầu hẻm nhe, nói đưa cho D nhà liên gia. Cám ơn anh nghen!
Mưa ngớt, đạp xe về, tôi cảm thấy vui vui mặc dù hôm đó không bán được nhiều. Trên đường về trả xe, tôi bật lại bài hát và nghêu ngao hát theo; đường xa về khuya, từng cơn gió thốc tạt ngang, mà sao tôi không thấy lạnh!
Ba hôm sau, tôi đạp xe qua khu đó, gởi sạp báo cuộn băng gói trong bao thơ dán lại, bên ngoài ghi bằng bút bi “To: D, nhà liên gia” rồi đạp xe đi bán kẹo kéo tiếp. Trong cuốn băng đó, ngoài bài hát nàng “yêu cầu”, tôi còn chọn thêm cho nàng mấy bài nữa; mà theo tôi – là hay và hợp với lứa tuổi nàng – những bài mà tôi cũng thích.
Tuần lễ sau, đang tà tà đạp xe kẹo thì có tiếng gọi phía sau: “Anh kẹo ơi”. Dừng xe, ngó ngược về phía sau – là D; tôi đang đi ngang khu vực “quen thuộc” mà không để ý; chắc có lẽ đang nghĩ tới các “đồ án” phải nộp, và có lẽ phần nào cũng đang thả hồn theo … nhạc!
– Sao anh không ghé lấy tiền?
– Từ từ cũng được mà… Băng nghe được hông?
– Hay, có nhiều bài D thích. Mà anh tên gì?
– Đ.
– Anh đi học hay đi làm?
– Đi học
– Trường nào?
– Bách Khoa
– Khoa gì? Năm mấy?
– Điện, năm 3
Tôi thấy bầu trời sáng lên bởi đôi mắt mở to của D – dù lúc đó, chiều tà đang tắt nắng – thời đó, sinh viên Bách Khoa “sáng giá” lắm; lại là khoa Điện – khoa “xịn” nhứt của trường.
– Giỏi quá hén
– Có gì đâu… thường thôi, còn D ?
– Thi đại học rớt, ở nhà… làm lặt vặt cho ba má…
…
Rồi tôi và D quen nhau, thời gian dần trôi… Tôi lên năm 4, vẫn… bán kẹo kéo. Hễ có dịp ngang qua xóm nhà nàng, thế nào tôi cũng tìm cách gặp em hoặc gởi sạp báo đầu hẻm cho em một cuốn băng mới, băng cũ lấy về bán cho khách hoặc trả lại lò; như vậy D có băng mới nghe hoài mà khỏi tốn tiền.
(Ảnh minh họa)
Một bữa gặp, em nhờ sửa dùm cái ampli nhà em, nó “tịt”; không phát ra loa nữa. Tôi hơi bối rối: không biết sửa được không… Nhưng chẳng lẽ em nhờ mà không giúp? Rồi còn “tự ái nghề nghiệp” của một sinh viên Điện – Bách Khoa…
Sau chầu cà phê sữa đá với hai điếu Capstan thơm lừng, tôi mượn được bộ “kit” cầm tay rất gọn của một đàn anh ở xưởng điện; tôi mang đến nhà nàng một sáng Chủ nhật. Với đồ nghề trong bộ “kit” chuyên dụng, tôi mở nắp thùng ampli để “khám bệnh”. Thổi sạch bụi bặm, quét đèn pin khắp ngóc ngách xem có dấu vết cháy xém của chập mạch hay không, tôi bật nguồn cấp điện. Các bóng điện tử – thời đó rất hiếm máy bán dẫn – dần sáng lên, ngoại trừ một bóng to đùng ở giữa; vẫn… tối thui cho dù đã năm phút bật nguồn.
Tôi mừng thầm – “có điểm” với em rồi – không cần đo mạch, không cần tìm “pan”, tôi biết ngay tại… cái bóng điện tử 19 chân này. Tắt nguồn, lấy khăn bọc và rút chiếc bóng 19 chân ra khỏi đế; rồi “phán”:
“Bóng này hư, để ra Dân Sinh với Nhật Tảo coi có cái nào tương đương, rồi tính…”.
Em chăm chú nhìn tôi thao tác nãy giờ, nàng tròn xoe đôi mắt vừa nhìn vừa nghe tôi phán – chắc là “phục” lắm !
Vào xưởng điện tử của trường, sau một chầu cà phê với hai điếu “3 số 5 oanh tạc”, ông thầy trẻ nhìn qua nói liền:
“Bóng này cũa Mỹ bây giờ khó kiếm…”, “chờ chút, để coi…”
20 phút sau ông thầy ra:
“Đã nối tắt hai chân lọc, xài tạm, chất lượng nghe sẽ giảm…”.
Tôi cám ơn ông thầy bằng hai điếu “oanh tạc” thêm, rồi đến nhà em.
Cũng mở máy, kiểm tra sơ rồi gắn chiếc bóng điện tử vào đế, kiểm tra bằng mắt lần nữa rồi bật nút “power”: Tất cả các bóng lần lượt sáng lên, tôi nói em cho băng vào rồi bật nút “play”; sau hai giây chờ đợi rồi tiếng nhạc tiếng hát cất lên. Tôi thở phào nhẹ nhõm, nhìn qua thấy mắt em tròn xoe rạng rỡ ngó tôi… Chỉ có dân trong nghề – mới biết tiếng nhạc không còn trong trẻo lắm, bởi bộ lọc nhiễu đã… nối tắt. Nhưng thôi, cũng được!
Thời gian qua đi, tôi vào học kỳ cuối, vừa vất vả làm đồ án tốt nghiệp vừa bận chạy tìm chỗ làm khi ra trường nên ghé thăm em thưa hơn. Lần cuối ghé em, ngồi ở băng ghế dưới giàn bông giấy, em ngập ngừng hỏi:
“Học xong anh làm ở đâu?”.
Tôi đáp:
“Chưa biết… kệ… tới đâu tính tiếp…”.
Em cúi nhìn đôi bàn tay đan nhau thật lâu, có vẻ muốn nói gì đó, rồi thôi …
Nộp xong đồ án tốt nghiệp, chúng tôi được lệnh tập trung học quân sự ở Bến Cát Bình Dương; vì sắp có “đánh lớn” ở Kampuchia. Chỉ kịp về nhà lấy đồ đạc rồi đạp đến trường, tạt qua nhà em – không gặp – biên vội mấy chữ cho em, gởi sạp báo đầu hẻm.
Chúng tôi được huấn luyện quân sự để có thể ra chiến trường luôn; lệnh trên nói rằng cần chuẩn bị cho đánh lớn nên cần những người có kiến thức kỹ thuật như sinh viên Bách Khoa chúng tôi, để điều khiển, vận hành máy móc, khí tài khí cụ trong quân đội…
Nhưng chúng tôi không ra chiến trường mà quay lại nhà trường. Sau khi về nhà, tôi “phi” thẳng tới nhà em. Bàng hoàng: Nhà em đóng cửa kín mít, dán niêm phong, có dân phòng đứng gác. Tôi lờ mờ hiểu: Nhà em đã… vượt biên. Quẹo ngược ra sạp báo đầu hẻm, nhận thư còn dán kín của em. Xé vội bao thư, trang giấy học trò với nét chữ nghiêng nghiêng:
“Anh Đ, chờ anh lâu mà hổng thấy anh đến, hổng biết anh có sao không. Em với gia đình sắp chuyển nhà đi chỗ khác. Hổng biết có gặp anh trước khi đi hay không. Về lúc nào ghé em liền. Nhớ anh, D.”
(Ảnh minh họa)
Tôi lặng người bên sạp báo, nhìn “đơ” trang giấy mà mắt cay xè, lòng rưng rưng thổn thức: Mới đây mà em đã đi rồi sao?
oOo
Tôi không có diễm phúc cùng em như đôi tình nhân trong bài hát, chưa được “cầm tay nhau nghe tình dâng sóng nổi”, chưa hẹn hò để “biến cuộc đời thành những tối tân hôn”; nhưng có điều chắc chắn rằng tôi và em đến với nhau bằng những rung cảm đầu đời trong veo, thánh thiện, thơ và đẹp; mà những cơn mưa tầm tã của mùa mưa năm đó, bài thơ “Tháng Sáu trời mưa” được phổ nhạc tuyệt trần và… chiếc xe “kẹo kéo” – tất cả là cơ duyên cho tôi – một sinh viên nghèo bán kẹo kéo – được quen và… yêu em – một tiểu thư khuê các dịu hiền.
…
Sài Gòn bây giờ – Tháng Sáu trời vẫn đổ những cơn mưa – nhưng tôi sẽ không… lạy trời mưa và cũng không… xin mưa phong kín đường về, cũng không muốn… trời mưa không dứt – bởi bây giờ ở Sài Gòn – mưa một tí là ngập lụt, gây khổ sở cho mọi người, cho bao dáng thơ yêu kiều phải “xắn” quần… lội nước…
Nhưng chắc chắn rằng: Tôi nhớ suốt đời cơn mưa hạnh ngộ của “mùa mưa Tháng Sáu” năm đó! Cố nhân ơi – ở phương trời nào đó – tôi mãi mãi mong cầu hạnh phúc luôn đến với Em. Và D ơi – xin cứ hoài như vậy – hãy nghe lại bài hát này mỗi khi có dịp – để một thoáng bâng khuâng về hạnh phúc mong manh năm xưa mà những biến động của một thời ly loạn không cho chúng mình… kịp… nắm giữ …
Mùa mưa Tháng Sáu – 2022
Thi Du
Theo SGN News ngày 15 tháng 6, 2022
Be the first to comment