Ukraine: Tiếp Tục Chiến Hay Hòa ?

Những người Ukraine tỵ nạn tại Ba Lan tổ chức buổi hòa nhạc cám ơn nước chủ nhà – Krakow, Ba Lan, ngày 27 Tháng Năm 2022 (Ảnh: Beata Zawrzel/NurPhoto via Getty Images)

Ba tháng sau cuộc xâm lược của Nga, Mỹ và đồng minh đang tranh luận về câu hỏi không thể tránh khỏi: Cuộc chiến sẽ kết thúc như thế nào?

Những ngày gần đây, các nguyên thủ phương Tây cũng như các lãnh đạo Đảng Dân chủ và Cộng hòa ở Mỹ có vẻ nôn nóng cho một chiến thắng sớm ở Ukraine. Nhưng nằm ngay bên dưới bề mặt là những dị biệt thực sự với câu hỏi “chiến thắng bằng cách nào?”. Cần những gì để tạo ra chiến thắng và liệu “chiến thắng” có được định nghĩa giống như người Mỹ nghĩ, người châu Âu nghĩ, và có lẽ quan trọng nhất, người Ukraine nghĩ?

Định nghĩa lại chiến thắng

Những “lệch pha” về lộ trình dẫn đến chiến thắng đã bắt đầu xuất hiện và không sớm thì muộn nó cũng ảnh hưởng đến tâm tư cử tri trong những cuộc thăm dò dư luận, đặc biệt khi người Mỹ, sau một thời gian bị sốc, lại quay về với các vấn đề đối nội hơn đối ngoại. Cách nay vài ngày Thủ tướng Ý đã đề xuất ngừng bắn, trong khi giới lãnh đạo Ukraine dứt khoát muốn đẩy Nga “trở lại các biên giới tồn tại trước cuộc xâm lược”. Ở Mỹ, một số quan chức bắt đầu tranh luận: “Thất bại chiến lược Putin đang gánh chịu có đủ đảm bảo ông ta không thể tiến hành một cuộc tấn công tương tự lần nữa không?”.

Tổng thống Volodymyr Zelensky phát biểu trực tuyến tại Diễn đàn Davos ngày 23 Tháng Năm 2022 (Ảnh: Dursun Aydemir/Anadolu Agency via Getty Images)

Sau ba tháng thống nhất chưa từng có để đối phó với cuộc xâm lược của Nga dẫn đến dòng chảy cũng chưa từng có các loại vũ khí sát thương vào Ukraine và một loạt các biện pháp trừng phạt tài chính qui mô ngoài sự mong đợi; thời gian gần đây bắt đầu xuất hiện những suy nghĩ trái chiều về việc phải làm gì tiếp theo để có thể chiến thắng Putin. Trọng tâm của sự rạn nứt là cuộc tranh luận về việc liệu chiến dịch kéo dài ba thập niên nhằm đưa nước Nga vào quĩ đạo phương Tây có nên kết thúc không?

Đã xảy ra tình trạng “đồng sàng dị mộng”: Ngay khi Mỹ muốn loại Nga khỏi nền kinh tế thế giới, phần lớn các nước châu Âu lại cảnh báo về “nguy cơ cô lập và làm bẽ mặt Putin”! Dị mộng càng mạnh hơn khi Mỹ nuôi tham vọng mở rộng tầm ảnh hưởng từ Á sang Âu, ít nhất là trên danh nghĩa như “người duy nhất có thể cứu thế giới trước các thế lực xấu”. Nỗ lực để quân Nga không có một chiến thắng dễ dàng trước Ukraine được hình thành ngay khi quân đội Nga phạm hết sai lầm này đến sai lầm khác đến nỗi phải rút khỏi Kyiv. Chính quyền Mỹ nhận thấy đây là cơ hội lớn để trừng phạt sự hung hăng của Nga, làm suy yếu Putin, củng cố liên minh xuyên Đại Tây Dương NATO và gửi thông điệp tới Trung Quốc đừng bắt chước Putin. Mỹ cũng muốn chứng minh “xua quân xâm lược sẽ không bao giờ được đền đáp bằng nhân nhượng lãnh thổ”.

Nhìn từ Diễn đàn Davos

Không nơi nào sự khác biệt về mục tiêu chiến tranh thấy rõ như tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos (từ ngày 22 đến 26 Tháng Năm 2022). Nổi bật nhất là cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger, 99 tuổi, đưa ra ý kiến rằng Ukraine cần từ bỏ một phần lãnh thổ để đạt được thỏa thuận hoà bình.

Gần như ngay lập tức, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phản ứng giận dữ: “Tôi có cảm giác thay vì năm 2022, ông Kissinger đang ở năm 1938 trên lịch của mình” (lúc chiến tranh càn quét khắp châu Âu khiến Kissinger, khi đó còn là một thiếu niên, phải cùng gia đình chạy trốn đến New York). Tuy nhiên, bản thân Zelensky nhiều lúc cũng đưa ra những quan điểm trái ngược về những gì cần thiết để kết thúc chiến tranh, thậm chí có lúc ông đề nghị Ukraine trung lập hơn là theo đuổi việc gia nhập NATO. Tất nhiên, các mục tiêu không nhất quán khiến việc tìm đến chiến thắng hay thậm chí một nền hòa bình bấp bênh sẽ trở nên khó khăn hơn.

Điều đó cũng báo trước Zelensky và các đồng minh phương Tây sẽ tranh luận căng thẳng khi cuối cùng cuộc đàm phán chấm dứt xung đột cũng diễn ra. Nếu Zelensky chấp nhận một số nhượng bộ với Nga, liệu Mỹ và các đồng minh có dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, gồm cả việc kiểm soát xuất khẩu khiến Nga phải đóng cửa các nhà máy chế tạo xe tăng vì thiếu linh kiện? (nếu dỡ bỏ trừng phạt sẽ làm tiêu tan hy vọng của Mỹ trong việc làm tê liệt khả năng quân sự tương lai của Nga). Các quan chức Mỹ cho rằng Zelensky và chính phủ của ông sẽ phải đưa ra những lựa chọn khó khăn.

Trong số các nước EU, Ba Lan là đồng minh sát sườn nhất của Ukraine trong quan điểm đánh Nga đến cùng – Ảnh: Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda (Pavlo Bagmut/Ukrinform/Future Publishing via Getty Images)

Họ cũng nhận thức sâu sắc rằng nếu Putin có được cây cầu đất liền tới Crimea do được giao vùng Donbas và các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ dù chỉ một số, Tổng thống Biden sẽ bị Đảng Cộng hòa và một số đảng viên Dân chủ chỉ trích là đã thưởng cho “kẻ đã nỗ lực vẽ lại bản đồ Châu Âu bằng vũ lực”. Cũng như lần trước, cuộc tranh luận lần này cũng nổ ra khi cục diện cuộc chiến đang thay đổi. Ba tháng trước, mục tiêu chiến lược của Putin là chiếm toàn bộ Ukraine, một nhiệm vụ mà ông nghĩ rằng mình có thể hoàn thành chỉ trong vài ngày.

Khi thất bại, ông ta chuyển sang Kế hoạch B, rút ​​lực lượng về phía Đông và Nam Ukraine. Sau đó Putin thừa nhận không thể chiếm các thành phố quan trọng như Kharkiv và Odesa. Giờ đây, khi chiến trường tập trung vào trung tâm công nghiệp Donbas, một khu vực tương đối nhỏ nhưng có nhiều lợi ích sau khi quân Nga chiếm được Mariupol để có cây cầu đất liền nối Crimea với Donbas, Putin đã dùng hải quân phong tỏa các cảng mà Ukraine cần để xuất khẩu lúa mì và các sản phẩm nông nghiệp khác, trụ cột của nền kinh tế Ukraine và là một nguồn cung cấp lương thực chính cho thế giới.

Lủng củng trong các mục tiêu của Mỹ?

Nhưng dù đang tương đối thắng thế, vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy Putin sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán, ít nhất là cho đến khi các lệnh trừng phạt ảnh hưởng nặng vào xuất khẩu năng lượng và nước Nga hoàn toàn cạn kiệt các thành phần quan trọng để sản xuất các vũ khí thay thế. Dov S. Zakheim, một cựu quan chức cấp cao Bộ Quốc phòng Mỹ, trả lời một cuộc phỏng vấn gần đây: “Trong khi Putin dù muốn hay không có lúc sẽ phải chấp nhận mang về nhà một ít chiến thắng mà Mariupol là một miếng. Còn Ukraine sẽ có một quyết định chính trị khó khăn khi phí tổn cuộc sống tăng nhanh”.

Trong hai tháng đầu của cuộc chiến, Tổng thống Biden và các trợ lý hàng đầu của ông chủ yếu nói về việc cung cấp cho Ukraine bất cứ sự trợ giúp nào cần thiết để tự vệ và nói về việc trừng phạt Nga trên quy mô “chưa từng có”. Thỉnh thoảng, có những gợi ý về những mục tiêu rộng lớn hơn giống như Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống cảnh báo “nếu Nga cố gắng chiếm Ukraine bằng vũ lực, thì sức mạnh và ảnh hưởng lâu dài của họ sẽ bị giảm đáng kể”.

Ngày 25 Tháng Tư, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd J. Austin khiến các đồng nghiệp châu Âu bất ngờ khi nói: “Washington muốn nhiều hơn là một sự rút lui của Nga. Đó là quân đội Nga bị thiệt hại vĩnh viễn. Chúng tôi muốn thấy Nga suy yếu đến mức không thể làm những việc như xâm lược Ukraine”.

Để trấn an đồng minh, Toà Bạch Ốc khẳng định “sẽ không có thay đổi chính sách và ông Austin chỉ nói lên thực tế về những gì các lệnh trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu đang thực hiện và sắp công bố mang lại”. Nay, một số quan chức Mỹ đã dần thay đổi giọng điệu, nói chuyện cởi mở và lạc quan hơn về khả năng Ukraine giành chiến thắng ở Donbas.

Tuần trước, ở Warsaw, Đại sứ Mỹ tại NATO, Julianne Smith, cựu trợ lý an ninh quốc gia của Biden, nói: “Chúng tôi muốn thấy một thất bại chiến lược của Nga!”. Giờ đây, trong các cuộc họp với châu Âu và trong các tuyên bố công khai, các quan chức chính quyền Mỹ còn nêu rõ các mục tiêu cụ thể hơn. Đầu tiên là “Ukraine phải nổi lên như một quốc gia dân chủ, sôi động” (điều Putin đang tìm cách bóp chết). Thứ hai là “tránh xung đột trực tiếp với Nga”, điều mà Biden lặp đi lặp lại vì điều đó có thể dẫn đến Thế chiến III.

Trong cuộc điều trần vào đầu tháng này, Avril D. Haines, giám đốc tình báo quốc gia, giải thích mối quan ngại của Washington: “Theo chúng tôi, Tổng thống Putin đang chuẩn bị cho cuộc xung đột kéo dài ở Ukraine và ông ta vẫn có ý định đạt được các mục tiêu ngoài Donbas”. Ngày càng có nhiều quan chức Mỹ nói về việc sử dụng cuộc khủng hoảng để củng cố an ninh quốc tế, giành chiến thắng trước các quốc gia chống phương Tây và trục Trung Quốc-Nga đang nổi lên.

Khi Hoa Kỳ công bố các thông điệp của riêng mình, Zelensky tuyên bố: “Sẽ không có quyết định nào về Ukraine nếu không có Ukraine”. Lập tức, ngày 29 Tháng Tư, John F. Kirby, thư ký báo chí Ngũ Giác Đài nói lại cho rõ: “Tổng thống Zelensky là tổng thống được bầu một cách dân chủ của một quốc gia có chủ quyền và chỉ ông ấy mới có thể quyết định chiến thắng sẽ như thế nào và ông ấy muốn đạt được nó như thế nào”.

Chiến sự Ukraine vẫn ác liệt tại Donbas (Ảnh: Alex Chan/SOPA Images/LightRocket via Getty Images)

Và trong NATO lẫn EU

Cho đến nay, NATO và Liên minh châu Âu (EU) luôn thống nhất trong việc hỗ trợ Ukraine, cả với các biện pháp trừng phạt kinh tế Nga và cung cấp lượng vũ khí ngày càng nhiều cho Ukraine (dù không có máy bay chiến đấu phản lực hay xe tăng tiên tiến). Nhưng trong thời gian gần đây, sự thống nhất đó đang bị thách thức. Hungary, nước ủng hộ năm gói trừng phạt trước đây, nay chùn bước trước lệnh cấm vận đối với dầu của Nga, thứ mà họ phụ thuộc. EU thậm chí chỉ nói… miệng, ít nhất cho đến bây giờ, việc cắt giảm nhập khẩu khí đốt của Nga.

Thanh toán bằng đồng rúp do Nga bắt buộc cũng được thực hiện nghiêm túc. Sự chia rẽ nhìn thấy rõ trong các mục tiêu chiến tranh. Các nhà lãnh đạo ở Trung và Đông Âu, với kinh nghiệm đau thương bị Liên Xô thống trị, có quan điểm mạnh mẽ đánh bại Nga, thậm chí bác bỏ ý tưởng nói chuyện với Putin. Thủ tướng Estonia, Kaja Kallas và Thủ tướng Ba Lan, Mateusz Morawiecki, gọi Putin là “tội phạm chiến tranh”. Tuần trước, ông Morawiecki nói: “Tôi nghe có ai đó định cho phép Putin giữ thể diện trên trường quốc tế. Nhưng làm cách nào bạn có thể cứu được một thứ đã bị biến dạng hoàn toàn?”.

Pháp, Ý và Đức, ba quốc gia lớn nhất và giàu nhất EU cũng bày tỏ sự lo lắng cuộc chiến sẽ kéo dài hoặc đóng băng trong bế tắc và lo lắng về những thiệt hại có thể xảy ra đối với nền kinh tế. Họ cũng xem Nga là “một nước láng giềng không thể xa lánh và không thể bị cô lập mãi mãi”.

Sau khi tái đắc cử, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã xuống giọng khi tuyên bố “một nền hòa bình trong tương lai ở Đông Âu không nên được kiến tạo bằng sự sỉ nhục không cần thiết đối với Nga, kể cả việc nhượng bộ lãnh thổ cho Moscow”.

Trong tháng này, Thủ tướng Ý Mario Draghi đã kêu gọi ngừng bắn ở Ukraine “càng sớm càng tốt” để mở đường cho thương lượng kết thúc chiến tranh. Ông Draghi, người có quan điểm cứng rắn chống lại Nga tại một đất nước có truyền thống thân thiện với Moscow nhận định: “Chúng ta phải đưa Nga vào bàn đàm phán”.

Tổng thống Zelensky luôn tránh nói về việc làm cho chế độ Putin suy sụp mà chỉ nhắc đi nhắc lại “muốn người Nga bị đẩy lùi về vị trí của họ trước ngày 24 Tháng Hai”. Chỉ khi đó, Ukraine mới sẵn sàng đàm phán nghiêm túc với Nga về ngừng bắn. Tuần này, ông nhắc lại “cuộc chiến chỉ có thể kết thúc bằng một giải pháp ngoại giao”, chứ không phải một chiến thắng quân sự và người duy nhất ông muốn gặp trước là Putin.

Nhưng một số quan chức và chuyên gia quân sự châu Âu đánh giá mục tiêu của Zelensky là quá tham vọng. Làm sao Ukraine có thể lấy lại Kherson và thành phố Mariupol bị tàn phá để Nga không còn cây cầu đường bộ nối Crimea với hai nước cộng hoà tự xưng Donetsk và Luhansk? Trong khi Ukraine đã làm rất tốt trong giai đoạn đầu của cuộc chiến, thì Donbas lại rất khác. Để tiến hành một cuộc tấn công thông thường Ukraine cần có lợi thế nhân lực ba chọi một trong khi Ukraine không đủ vũ khí.

Lê Tây Sơn
Theo SGN News ngày 27 tháng 5, 2022

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*