Các hãng thông tấn và cơ quan truyền thông đều ghi nhận rằng cuộc bầu cử Tổng Thống Pháp Vòng 2 đã diễn ra trong không khí vô cùng căng thẳng, và chỉ mãi đến 8 giờ tối Chủ Nhật 24 tháng 4, khi đài truyền hình France 24 loan báo kết quả kiểm phiếu sơ khởi trên toàn quốc, nhiều người mới “thở phào” vì thấy Tổng Thống Emmanuel Macron đã đạt được 58.6% số phiếu cử tri để đắc cử nhiệm kỳ thứ nhì – so với 41.5% số phiếu cử tri dành cho bà Marine Le Pen, ứng cử viên đại diện khuynh hướng cực hữu.
Có nhiều lý do khiến dư luận cả châu Âu và khắp thế giới vừa quan tâm vừa lo lắng khi theo dõi cuộc bầu cử Tổng Thống Pháp năm nay, khác hẳn với 5 năm trước đây (cuộc bầu cử Vòng 2 năm 2017 mang lại chiến thắng dễ dàng cho ông Macron với 66.1% số phiếu, bà Le Pen chỉ được 33.9%).
Trong bài diễn văn đắc cử được phát trực tiếp qua màn hình khổng lồ tại công viên Champ de Mars dưới chân tháp Eiffel, Tổng Thống Macron thẳng thắn nhìn nhận rằng một khối lượng lớn cử tri đã bỏ phiếu cho ông chỉ vì họ lo ngại bà Le Pen có thể đưa nước Pháp tới chỗ hỗn loạn. Vì vậy ông Macron cảm ơn khối cử tri này, nói rằng ông “mang món nợ” đối với họ, và cam kết sẽ lắng nghe tiếng nói của họ cũng như của mọi thành phần, mọi khuynh hướng khác biệt, khẳng định quyết tâm tái lập sự đoàn kết cho “một đất nước đang tràn ngập ngờ vực và quá nhiều chia rẽ”.
Trong khi đó, tại khu vực Bois de Boulogne ở phía tây thủ đô Paris, ứng cử viên Marine Le Pen thừa nhận thua phiếu ông Macron, nhưng cam kết “sẽ không bao giờ từ bỏ cuộc tranh đấu cho người dân Pháp”. Đứng trước đám đông những người ủng hộ đang hô vang “Marine!”, bà Le Pen tuyên bố rằng kết quả bầu cử vừa rồi là “một thắng lợi rõ rệt” cho đảng Tập Hợp Dân Tộc (Rassemblement National), và ngay bây giờ bà đã khởi sự “trận đánh lớn” nhắm vào đợt bầu cử Quốc Hội sắp tới.
Sự chú ý của dư luận sẽ dồn qua hai cuộc bầu cử ngày 12 và 19 tháng 6, vì những đảng đối lập dù theo khuynh hướng nào cũng sẽ nỗ lực giành ghế tại Quốc Hội, không để cho đảng Cộng Hòa Tiến Bước (La Republique en Marche) của ông Macron cùng các đảng đồng minh chiếm thượng phong như hồi năm 2017. Nếu chiến lược của phe đối lập thành công, Tổng Thống Macron sẽ phải bổ nhiệm một Thủ Tướng không cùng đảng với ông và như vậy sẽ gặp không ít khó khăn trong việc điều hành đất nước.
VÀI KỶ LỤC ĐÁNG GHI NHẬN
– Ông Emmanuel Macron, 44 tuổi, là vị Tổng Thống Pháp đầu tiên trong vòng 20 năm gần đây đã đắc cử hai nhiệm kỳ liên tiếp (kể từ Tổng Thống Jacques Chirac, 1995-2007), mặc dù nhiều sự kiện dồn dập trong nhiệm kỳ thứ nhất khiến ông Macron mất đi ít nhiều uy tín với dân chúng nên chỉ còn đạt được 58.6% phiếu cử tri, nghĩa là thấp hơn gần 8 điểm so với cách đây 5 năm tỷ lệ cử tri ủng hộ ông lên tới 66.1%.
– Bà Marine Le Pen, 53 tuổi, đã tranh cử Tổng Thống Pháp 3 lần (2012, 2016, 2022), trong đó 2 lần lọt vào chung kết. Năm nay tuy vẫn không chiến thắng nhưng bà đạt được tỷ lệ 41.5%, tức hơn 13 triệu cử tri đã dồn phiếu cho bà, là mức cao kỷ lục của một đảng theo khuynh hướng cực hữu. Bản tin AFP trích dẫn nhận định của giới quan sát thời cuộc nói rằng kỷ lục này cho thấy sự ủng hộ của người dân dành cho đảng Rassemblement National “càng ngày càng thể hiện sự tán đồng chứ không phải chỉ để phản đối chính quyền đương nhiệm” như hồi năm 2002 và 2017. (Năm 2002 lãnh tụ đảng cực hữu Front National là ông Jean-Marie Le Pen đạt được 17.79% phiếu cử tri, thua xa Tổng Thống Jacques Chirac. Năm 2017 bà Marine Le Pen tiếp nối con đường của thân phụ, đạt được 33.9% phiếu cử tri nhưng vẫn thua xa đối thủ Emmanuel Macron).
– Ở Vòng 1 cuộc bầu cử Tổng Thống năm nay, lãnh tụ Jean Luc Mélanchon của đảng La France Insoumise (LFI, theo khuynh hướng cực tả) tuy không lọt vào chung kết nhưng giành được tới 22% phiếu cử tri, do đó cả ông Macron và bà Le Pen đều hiểu rằng nếu muốn thắng ở Vòng 2 thì phải tìm cách thu hút những lá phiếu của “thành phần thứ ba” này. Tuy ông Mélanchon nhấn mạnh với khối cử tri ủng hộ đảng LFI “Chúng ta không thể dành cho bà Le Pen một lá phiếu nào”, nhưng đồng thời cũng không khuyến khích họ bỏ phiếu cho ông Macron. Vì vậy các cơ quan truyền thông dự đoán một số lớn cử tri sẽ chọn thái độ “ngồi nhà”, không tham dự bỏ phiếu Vòng 2. Thực tế chứng minh đúng như vậy: Tỷ lệ cử tri Pháp không đi bầu lên tới 28%, và là kỷ lục cao nhất trong hơn nửa thế kỷ (kể từ năm 1969). Ngoài ra, 40% cử tri giới trẻ cho biết họ không tham dự bỏ phiếu Vòng 2.
MỘT SỐ DỮ KIỆN ĐÁNG CHÚ Ý
– Nhật báo kỳ cựu The Guardian của Anh Quốc ghi nhận kết quả thống kê (do tổ chức Ifop thực hiện) cho thấy, vì khối cử tri của đảng LFI được lãnh tụ Mélanchon kêu gọi đừng ủng hộ bà Le Pen mà cũng không ủng hộ ông Macron, do đó trong số những người đã bầu cho ông Mélanchon đã có tới 45% chọn thái độ “ngồi nhà”, thế nhưng ngược lại cũng vẫn có 42% đi bầu Vòng 2 và họ đã bỏ phiếu cho Tổng Thống Macron – một yếu tố quan trọng giúp ông tái đắc cử.
– Ngay sau khi kết thúc Vòng 1, ông Macron được bà Valérie Pécresse (đảng Les Républicains) chính thức lên tiếng ủng hộ, trong khi bà Le Pen nhận được sự ủng hộ của ông Eric Zemmour (đảng Reconquête) và ông Nicolas Dupont-Aignan (đảng Debout la France), cả hai đều theo chủ nghĩa quốc gia. Nhờ thêm sức mạnh từ hai khối cử tri này nên cuộc bầu cử năm nay là cơ hội lớn nhất, chưa từng có đối với bà Marine Le Pen.
– Nhà báo Phạm Cao Phong ở Pháp viết bài tường thuật trên trang mạng đài BBC, cho biết tính đến 12 giờ trưa ngày Chủ Nhật, bà Le Pen đang dẫn trước ông Macron với tỷ số khít khao, 13.697.236 phiếu bầu, trong khi ông Macron được 13.899.494 phiếu bầu. Sở dĩ có vụ dẫn trước này là nhờ kết quả kiểm phiếu cử tri tại các vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp, nơi các phòng phiếu mở cửa sớm hơn một ngày (Thứ Bảy 24 tháng 4). Cụ thể, bà Le Pen dẫn đầu với 60.87% phiếu bầu ở Guyane, 69.60% phiếu bầu ở Martinique, 60.70% phiếu bầu ở Guadeloupe, 59.57% phiếu bầu ở Réunion. Nói cách khác, ông Macron thua đậm trên toàn vùng lãnh thổ hải ngoại. Thế nhưng đến buổi chiều tối, khi những phòng phiếu ở các đơn vị bầu cử lớn đồng loạt đóng cửa và kiểm phiếu xong, kết quả ước đoán của Ipsos cho thấy Tổng Thống Macron giành được 58.6% phiếu cử tri toàn quốc, hơn bà Marine Le Pen tới 17 điểm.
Theo bản tin AFP, giới quan sát viên thời cuộc phân tích rằng kết quả cuộc bầu cử Vòng 2 chứng tỏ người dân Pháp đã quyết định để cho chính phủ đương nhiệm tiếp tục chính sách trung dung và ủng hộ Liên Hiệp Âu Châu (EU), thay vì lựa chọn cuộc phiêu lưu với một chính trị gia có khuynh hướng cực đoan, đặt “ưu tiên dân tộc” làm trọng tâm cho chương trình vận động tranh cử và chỉ trích kịch liệt đường lối của cả EU lẫn tổ chức Minh Ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến nhiệm kỳ thứ nhất của Tổng Thống Emmanuel Macron, cộng với phong trào “Áo Vàng” phản đối chính sách kinh tế dần dà lan rộng thành làn sóng biểu tình kéo dài suốt nhiều tháng trời làm tê liệt mọi sinh hoạt, vì vậy ông Macron bị mất uy tín và không còn giữ được thế thượng phong trước đối thủ Le Pen như hồi năm 2017. Điều may mắn cho ông chính là do thời cuộc biến chuyển, chiến tranh bùng nổ ở Ukraine, đe dọa an ninh của cả châu Âu và đòi hỏi nước Pháp phải đóng một vai trò tích cực, vì Pháp chẳng những là thành viên Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và thành viên NATO mà lại còn đang đảm nhiệm vị trí chủ tịch luân phiên của EU.
Giữa bối cảnh đầy bất trắc như vậy, người ta không khỏi lo ngại khi thấy đối thủ của ông Macron là ứng cử viên Le Pen đưa ra lời cam kết sẽ “xét lại” quan hệ của nước Pháp với 27 quốc gia EU cũng như với NATO và Đức. Sự lo ngại càng tăng thêm khi bà Le Pen lên tiếng phản đối Liên Hiệp Ấu Châu áp đặt biện pháp chế tài đối với Nga, khiến người ta nhớ lại những lời bà ca ngợi Tổng Thống Nga Vladimir Putin và mối quan hệ khá thân thiết giữa hai người, cụ thể là việc bà Le Pen được ông Putin mời đến hội đàm ở Điện Kremlin ngày 24 tháng 3 năm 2017 – một cử chỉ đẹp rất ít khi dành cho một ứng cử viên Tổng Thống nước ngoài. Đó là chưa kể hồi năm 2014 đảng Rassemblement National của bà Le Pen đã từng nhận được sự ủng hộ tài chánh đáng kể (hơn 9 triệu euro) từ First Czech-Russian Bank, một ngân hàng nổi tiếng gần gũi với giới tình báo Nga.
PHẢN ỨNG CỦA ÂU CHÂU VÀ THẾ GIỚI
Chiều tối Chủ Nhật 24 tháng 4, ngay sau khi biết tin Tổng Thống Macron tái đắc cử, các đồng minh của nước Pháp trong EU đều lên tiếng chúc mừng và ca ngợi chiến thắng này là “sự phục hồi của nền chính trị chính thống” vốn đang bị lung lay và thử thách nghiêm trọng, mà thí dụ cụ thể nhất là sự kiện Anh Quốc rút ra khỏi EU vào đầu năm 2020.
Chủ tịch Hội Đồng Âu Châu Charles Michel gửi tin nhắn trên mạng xã hội: “Hoan hô Emmanuel! Trong giai đoạn hỗn loạn này, chúng ta cần một châu Âu vững chắc và một nước Pháp tích cực cam kết để xây dựng cho Liên Hiệp Âu Châu có thêm thực lực và tầm chiến lược mạnh mẽ”. Đồng thời Chủ tịch Ủy Ban Âu Châu Ursula von der Leyen viết trên Twitter: “Chúng ta sẽ chung tay góp sức để nước Pháp và Âu Châu cùng nhau thăng tiến”.
Những lời chúc mừng tới tấp đến từ các vị nguyên thủ quốc gia trên thế giới, như Thủ Tướng Narendra Modi của Ấn Độ, Thủ Tướng Scott Morrison của Úc, Tổng Thống Maki Sall của Senegal, Tổng Thống Mohamed Bazoum của Nigeria, Tổng Thống Ali Bongo Ondimba của Gabon, Tổng Thống Alassan Ouattara của Côte d’Ivoire, song song với các nhà lãnh đạo quốc gia thành viên EU như Thủ Tướng Alexander De Croo của Vương Quốc Bỉ, Thủ Tướng Xavier Bettel của Luxembourg, cũng như các nhà lãnh đạo quốc gia thành viên NATO như Thủ Tướng Justin Trudeau của Canada, Tổng Thống Joe Biden của Hoa Kỳ…
Từ Madrid, Thủ Tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez tuyên bố: “Dân chủ đã thắng, châu Âu đã thắng”. Từ Berlin, Thủ Tướng Đức Olaf Scholz phát biểu rằng cử tri nước Pháp “đã gửi đi một thông điệp tín nhiệm rất mạnh mẽ cho châu Âu” và “tôi rất vui mừng được tiếp tục sự hợp tác tốt đẹp cùng Tổng Thống Macron”. Từ Oslo, Thủ Tướng Na Uy Jonas Gahr Store nhận định “nước Pháp đã chọn nền dân chủ tự do thay vì chủ trương cực hữu”. Từ Rome, Thủ Tướng Ý Đại Lợi Mario Draghi gọi chiến thắng của ông Macron vừa là “tin vui cho toàn thể châu Âu”, vừa là “nguồn khích lệ để Liên Hiệp Âu Châu đóng vai trò chủ lực giữa một giai đoạn thử thách cam go nhất, mở đầu bằng cuộc chiến tại Ukraine”.
Từ London, Thủ Tướng Boris Johnson gửi tin nhắn: “Chúc mừng ông Emmanuel Macron tái đắc cử Tổng Thống. Pháp là một trong những đồng minh thân thiết và quan trọng nhất của Anh Quốc. Tôi mong đợi chúng ta sẽ tiếp tục cùng nhau góp tay giải quyết những vấn đề chính yếu của hai nước chúng ta và của toàn thế giới”.
Và từ thủ đô Kyiv, giữa bom đạn chiến tranh, Tổng Thống Volodymyr Zelensky gửi tin nhắn trên mạng xã hội: “Chúc mừng Tổng Thống Pháp và là một người bạn đích thực của Ukraine, ông Emmanuel Macron, vừa thắng cử. Tôi cầu chúc ông Macron đạt thêm những thành quả mới để mang lại phúc lợi cho người dân Pháp. Tôi cảm ơn sự ủng hộ của nước Pháp và tin tưởng rằng chúng ta đang cùng nhau tiến đến những chiến thắng chung. Tất cả cho một Âu Châu hùng mạnh và đoàn kết”.
(Ngày 28 tháng 2, tức 4 ngày sau khi quân đội Nga bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược, Ukraine chính thức nộp đơn xin gia nhập Liên Hiệp Âu Châu. Hôm Thứ Hai 18 tháng 4 Tổng Thống Zelensky gửi tiếp hồ sơ bổ túc qua một Đặc Sứ của EU và nói với báo chí rằng ông hy vọng việc cứu xét đơn của Ukraine sẽ có kết quả trong vài tuần lễ sắp tới).
Phố Nhỏ Online tổng hợp từ các nguồn: AP, Reuters, AFP, BBC, RFI, France 24 ngày 28/4/2022
Be the first to comment