Mỹ Vận Động Đồng Minh Giúp Thêm Vũ Khí Cho Ukraine – Cập Nhật Tình Hình COVID-19 Tại Hoa Kỳ

Từ trái: Bộ Trưởng Quốc Phòng HK Lloyd Austin, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Ngoại Trưởng HK Antony Blinken ngày 24/4/2022 tại thủ đô Kyiv, Ukraine. (Hình của Vp TT Ukraine/AP)

MỸ VẬN ĐỘNG ĐỒNG MINH GIÚP THÊM VŨ KHÍ CHO UKRAINE

Hai giới chức cao cấp Hoa Kỳ là Ngoại Trưởng Antony Blinken và Bộ Trưởng Quốc Phòng Lloyd Austin đã tới thủ đô Kyiv của Ukraine hôm Chủ Nhật 24 tháng 4 để họp với Tổng Thống Volodymyr Zelensky. Hai ngày sau đó, Bộ Trưởng Austin qua Đức và chủ trì cuộc hội nghị quy tụ hơn 40 đại diện các quốc gia đồng minh tại Căn Cứ Không Quân Ramstein để thảo luận việc tăng viện khẩn cấp vũ khí cho Ukraine.

Các bản tin thông tấn ghi nhận hai sự kiện trên đây diễn ra giữa bối cảnh chiến cuộc kéo dài đã hơn hai tháng và đang tiếp diễn khốc liệt tại miền đông và đông nam Ukraine. Tình hình giao tranh suốt 8 tuần qua cho thấy quân đội Nga bị tổn thất nặng nề mà không thể tiến vào nổi thủ đô Kyiv, nên đã phải triệt thoái để dồn lực lượng qua tấn công vùng Donbas, trong khi đó quân đội Ukraine vẫn đang chống cự rất hữu hiệu nhưng nếu muốn đẩy lui làn sóng xâm lược thì cần phải được hỗ trợ đầy đủ vũ khí, chiến cụ.

Mở đầu hội nghị tại căn cứ Ramstein, Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ phát biểu: “Không thể biện minh cho một cuộc chiến tàn bạo chỉ nhằm thỏa mãn tham vọng cá nhân, cũng như không thể biện minh cho những hành vi tội ác của quân đội Nga”, ngược lại “Ukraine đang chiến đấu sống còn để bảo vệ độc lập, bảo vệ dân chủ, bảo vệ người dân”, do đó “chúng ta không thể chấp nhận cho Nga thôn tính Ukraine”. Ông Austin nhận định“Ukraine có thể chiến thắng nếu được hậu thuẫn đầy đủ vũ khí”, và nói thẳng mục tiêu của các quốc gia đồng minh Tây phương là “làm cho Nga suy yếu đến mức không thể xâm lược một nước nào khác được nữa”.

Thể hiện tinh thần đó, chính phủ Mỹ loan báo tiếp tục cung cấp cho quân đội Ukraine các vũ khí tối tân, cùng với khoản tài trợ bổ sung khẩn cấp $322 triệu dollars, nâng tổng số tài trợ của Mỹ lên tới gần $3.7 tỷ dollars kể từ khi chiến cuộc bùng nổ.

Chính phủ Pháp cho biết sẽ gửi ngay các hỏa tiễn phòng không Milan và đại bác tầm xa (Caesar cannons), trong khi chính phủ Anh cam kết cung cấp thêm hỏa tiễn phòng không Starstreak cùng xe bọc thép Stormer, và chính phủ Ba Lan cũng sẽ chuyển giao các chiến xa T-72.

Đáng ghi nhận nhất là tại cuộc hội nghị hôm Thứ Ba, chính phủ Đức đã thay đổi lập trường, qua lời nữ Bộ Trưởng Quốc Phòng Christine Lambrecht loan báo sẽ giao cho Ukraine 50 xe tăng phòng không lưu động (Gepard tanks, tức Cheetah anti-aircraft systems). Loại xe tăng này được trang bị hai khẩu đại bác 35mm và điều khiển bằng radar, tuy ra đời từ thập niên 1960 nhưng được cải tiến thường xuyên, có khả năng bắn hạ cả phi cơ lẫn hỏa tiễn hành trình, tóm lại rất thích hợp với chiến trường Donbas. Đây là đợt cung cấp vũ khí hạng nặng đầu tiên của Đức – thành viên NATO và là quốc gia có nền kinh tế lớn nhất Âu Châu – để giúp Ukraine, sau khi Thủ Tướng Olaf Scholz bị cả dư luận trong nước lẫn thế giới chỉ trích kịch liệt về thái độ trì hoãn suốt hai tháng vừa qua chỉ vì chính phủ Berlin ngần ngại không muốn đối đầu trực tiếp với Nga.

Bộ Trưởng Quốc Phòng Lambrecht nói rằng tập đoàn sản xuất KMW (Krauss-Maffei Wegmann) sẽ giao thẳng vũ khí cho Ukraine. Tin tức cho biết trước đó công ty quốc phòng Rheinmetall đã yêu cầu chính phủ Đức chấp thuận cho chuyển giao 100 thiết vận xa Marder và 88 chiến xa Leopard thuộc thế hệ 1A5. Một số binh sĩ Ukraine sẽ qua Đức và các nước thành viên khác của NATO để được huấn luyện sử dụng những loại vũ khí mới này.

NGA HĂM DỌA “CHIẾN TRANH NGUYÊN TỬ”

Không ngoài dự liệu của mọi người, chính phủ Nga phản ứng mạnh mẽ trước việc Mỹ và đồng minh cam kết hậu thuẫn cho Ukraine chống lại làn sóng xâm lược. Một trong những hành động đầu tiên là Điện Kremlin ra lệnh ngưng cung cấp khí đốt (natural gas, do Nga sản xuất) cho hai nước thành viên của NATO là Ba Lan và Bulgaria kể từ Thứ Tư 27 tháng 4, đồng thời đe dọa sẽ áp dụng biện pháp tương tự với các nước khác. Chủ tịch Ủy Ban Âu Châu Ursula von der Leyen gọi đây là hành động “bắt chẹt” nhằm gây chia rẽ trong khối 27 quốc gia EU, nhưng “Điện Kremlin đã thất bại”“thời đại Nga nắm ưu thế về nhiên liệu ở châu Âu đang tới hồi kết thúc”.

Trước đó, hôm Thứ Hai 25 tháng 4, Đại Sứ Nga tại Hoa Kỳ Anatoly Antonov nói trên đài truyền hình quốc doanh Rossiya 24 TV rằng hành động cung cấp vũ khí của những nước Tây phương đang “châm dầu vào lửa, chỉ làm tình hình thêm căng thẳng và đưa tới thiệt hại nhân mạng nhiều hơn”. Theo lời ông Antonov thì Điện Kremlin đã gửi điện thư đến Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ để “bày tỏ sự quan ngại” “yêu cầu ngưng ngay viện trợ vũ khí cho Ukraine”, nhưng không nhận được hồi âm.

Cùng ngày Thứ Hai, Ngoại Trưởng Nga Sergei Lavrov lập lại luận điệu của Tổng Thống Vladimir Putin cáo buộc Hoa Kỳ cố tình can thiệp vào chiến cuộc tại Ukraine (mà Putin vẫn coi là một “vấn đề nội bộ” “hai dân tộc Nga và Ukraine vốn chỉ là một”) chẳng qua là để “bành trướng tổ chức Minh Ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhằm bao vây nước Nga”. Từ luận điệu này, Ngoại Trưởng Lavrov hăm dọa “việc các nước Tây phương hậu thuẫn cho Ukraine có thể đưa tới chiến tranh nguyên tử”, nhưng lại nói vớt vát “đó là điều Nga không muốn xảy ra”.

Trong cuộc phỏng vấn trên đài truyền hình Rossiya 24 TV, khi được hỏi “liệu Thế Chiến Thứ Ba có thể xảy ra hay không” “tình hình hiện tại có thể so sánh với vụ khủng hoảng hỏa tiễn hạt nhân ở Cuba hồi năm 1962 hay không”, ông Lavrov trả lời: “Sự nguy hiểm có thật và rất nghiêm trọng”, bởi vì “NATO đang lao vào một cuộc chiến tranh ủy nhiệm, bằng cách trang bị vũ khí cho Ukraine để chống Nga”.

Trước lời tuyên bố của Ngoại Trưởng Lavrov, Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin nói với báo chí tại Căn Cứ Không Quân Ramstein: “Sẽ không có ai thắng ai bại nếu xảy ra chiến tranh nguyên tử”. Tại cuộc họp báo hôm Thứ Ba, phát ngôn viên Ngũ Giác Đài John Kirby cũng đưa ra lời phát biểu tương tự, và nói thêm “Chẳng có lý do gì để chiến cuộc tại Ukraine leo thang tới mức trở thành chiến tranh nguyên tử”.

Ngày Thứ Ba 26 tháng 4, Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres qua Moscow để lần lượt gặp Ngoại Trưởng Sergei Lavrov và Tổng Thống Vladimir Putin. Mục tiêu chính của chuyến công du này là để một lần nữa thuyết phục Nga đồng ý với đề nghị ngưng bắn và mở hành lang nhân đạo. Tuy nhiên tin tức ghi nhận Phụ Tá Đại Sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc là Dmitry Polyanskiy ngay trước đó đã tuyên bố: “Chúng tôi không nghĩ ngưng bắn là sự lựa chọn thích hợp trong lúc này, vì ngưng bắn chỉ có lợi cho phía Ukraine, giúp họ tái phối trí và bổ sung lực lượng”.

Theo văn phòng Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc thì sau khi rời Moscow, ông Guterres sẽ tới thủ đô Kyiv của Ukraine để hội kiến với Tổng Thống Volodymyr Zelensky và Ngoại Trưởng Dmytro Kuleba vào Thứ Năm tuần này. Ông Guterres đã từng đưa ra ý kiến là Liên Hiệp Quốc cùng với Nga và Ukraine thành lập một “Nhóm Liên Lạc Nhân Đạo”, nhằm tìm cơ hội mở các hành lang nhân đạo giúp di tản thường dân cũng như thương binh từ những vùng chiến sự. Nhưng đến Thứ Ba tuần này, Phó Thủ Tướng Ukraine là bà Iryna Vereshchuk cho biết các cuộc giao tranh vẫn tiếp diễn không ngừng và chưa có thêm bất cứ hành lang nhân đạo nào cả.

NGA TRAO ĐỔI TÙ NHÂN VỚI MỸ

Giữa bối cảnh đầy căng thẳng của chiến cuộc tại Ukraine, nếu có thể ghi nhận một tin vui thì đó là tin hai chính phủ Washington và Moscow vừa đạt được thỏa thuận trao đổi tù nhân hôm Thứ Tư 27 tháng 4.

Theo sự thỏa thuận này, phía Nga phóng thích cựu binh sĩ Thủy Quân Lục Chiến Trevor Reed, trong khi phía Mỹ phóng thích tay buôn lậu ma túy Konstantin Yaroshenko đang thụ án 20 năm tù.

Trevor Reed, cư dân Texas 30 tuổi, bị bắt ngày 15 tháng 8 năm 2019 trong lúc đến Moscow thăm cô bạn gái người Nga (Alina Tsibulnik). Anh bị truy tố về tội say rượu và hành hung cảnh sát, đến ngày 30 tháng 6 năm 2020 bị tuyên án 9 năm tù. Anh khẳng định mình vô tội và kháng án lên tòa trên, nhưng bị tuyên y án vào tháng 6 năm 2021. Gia đình Reed cũng như 4 Dân Biểu liên bang kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ can thiệp để Reed được trả tự do, vì tình trạng sức khỏe của anh rất tệ, có thể anh đã mắc bệnh lao phổi trong thời gian bị giam giữ nhưng không hề được đưa đi khám nghiệm và điều trị. Từ tháng 7 năm 2021 anh đã bị chuyển đến một trại giam ở Mordovia, cách Moscow 350 miles.

Gia đình Trevor Reed gồm cha mẹ của anh cùng cô em gái Taylor cho biết đã nhận được tin vui và đang chờ đón anh trở về. Tổng Thống Joe Biden cũng bày tỏ lời chúc mừng gia đình Reed, đồng thời khen ngợi ông Roger Carstens (Đặc Sứ Về Vấn Đề Con Tin) và Đại Sứ Hoa Kỳ tại Nga John Sullivan đã hoàn tất một nhiệm vụ rất khó khăn.

Trong khi đó phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Nga Maria Zakharova gửi tin nhắn trên mạng xã hội Telegram xác nhận vụ trao đổi là “kết quả của một quá trình thương lượng lâu dài”.

Phi công người Nga Konstantin Yaroshenko bị bắt ở Liberia hồi năm 2010 và dẫn độ qua Mỹ để ra tòa về tội buôn lậu ma túy, sau đó bị tuyên án 20 năm tù.

Nguồn tin chính thức từ Bộ Ngoại Giao không tiết lộ địa điểm trao đổi tù nhân, chỉ cho biết là ở một nước châu Âu. Tuy nhiên nguồn tin từ các trang mạng chuyên theo dõi những phi trình quốc tế nói rằng một phi cơ của cơ quan an ninh tình báo Nga đã bay tới thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ vào thời điểm diễn ra vụ trao đổi.

CẬP NHẬT VỀ TÌNH HÌNH COVID-19 TẠI HOA KỲ

Hôm Thứ Ba 26 tháng 4 nguồn tin từ Tòa Bạch Ốc cho biết Phó Tổng Thống Kamala Harris bị xét nghiệm dương tính với Covid-19, nhưng không có bất cứ triệu chứng nào, và hiện đang tiếp tục công việc thường lệ tại tư gia trong tình trạng cách ly. Bà được bác sĩ cho uống Paxlovid, là loại thuốc chống virus hữu hiệu tới 90% để giúp người bị lây nhiễm Covid-19 không phải vào bệnh viện chữa trị.

Theo Tùy Viên Báo Chí Kirsten Allen thì do lịch trình khác biệt nên thời gian gần đây Phó Tổng Thống Harris không tiếp xúc thân cận với cả Tổng Thống Joe Biden lẫn Đệ Nhất Phu Nhân Jill Biden. Hồi tuần rồi bà Harris qua California để nói chuyện tại William J. Rutter Center ở San Francisco, sau đó đi Los Angeles và trở về Washington D.C. vào sáng Thứ Hai.

Bà Harris, 57 tuổi, đã được chích 4 liều vaccine phòng chống Covid-19 của Moderna – hai liều đầu tiên lúc mới tuyên thệ nhậm chức, liều booster thứ nhất hồi tháng 10 năm 2021, liều booster thứ nhì hôm 1 tháng 4 vừa qua. Bà sẽ chỉ trở lại Tòa Bạch Ốc sau khi hoàn tất thời gian cách ly và được tái xét nghiệm với kết quả âm tính.

Cùng ngày Thứ Ba, ngoài Phó Tổng Thống Kamala Harris còn có hai Thượng Nghị Sĩ Ron Wyden và Chris Murphy cũng bị xét nghiệm dương tính, do đó một vài cuộc biểu quyết tại Thượng Viện sẽ phải hoãn lại.

Cách đây mấy tuần lễ có một sự kiện gây chú ý tại thủ đô D.C., đó là 80 người bị lây nhiễm Covid-19 sau khi tham dự buổi dạ tiệc thường niên “Gridiron Club and Foundation’s Dinner” hôm Chủ Nhật 3 tháng 4, quy tụ nhiều nhân vật quan trọng trên chính trường Mỹ. Trong số các chính trị gia và giới chức cao cấp bị xét nghiệm dương tính, có Bộ Trưởng Tư Pháp Merrick Garland, Bộ Trưởng Thương Mại Gina Raimondo, các Dân Biểu Joaquin Castro, Adam Schiff, Katherine Clark, và giám đốc truyền thông của Phó Tổng Thống Harris là ông Jamal Simmons.

THUỐC PAXLOVID SẼ ĐƯỢC CUNG CẤP RỘNG RÃI

Thứ Ba 26 tháng 4 cũng là ngày mà chính phủ Biden thông báo sẽ mở rộng hệ thống cung cấp miễn phí các loại thuốc chữa trị Covid-19 cho dân chúng Hoa Kỳ, trong đó có thuốc Paxlovid do Pfizer bào chế. Với 20 triệu viên thuốc mà chính phủ đã đặt mua, các giới chức hy vọng lượng thuốc sẽ đủ để đưa tới 40,000 địa điểm trên toàn quốc, tức là tăng gấp đôi so với 20,000 địa điểm hiện nay.

Chánh Văn Phòng Tòa Bạch Ốc Ron Klain gọi Paxlovid là “thần dược” và gửi tin nhắn trên mạng xã hội: “Nếu những người bị xét nghiệm dương tính đều uống thuốc này thì có thể tránh được hầu hết các trường hợp tử vong vì Covid”.

Paxlovid đã được Cơ Quan Quản Trị Thực Phẩm Dược Phẩm (FDA) chuẩn thuận từ tháng 12 năm 2021 để dùng cho các bệnh nhân từ 12 tuổi trở lên bị xét nghiệm dương tính và có nguy cơ cao là sẽ mắc bệnh nặng phải vào bệnh viện chữa trị – như trường hợp những người vốn mang bệnh tiểu đường hoặc quá nặng cân. Nếu được uống trong vòng 5 ngày kể từ khi có triệu chứng nhiễm Covid-19, Paxlovid có thể làm giảm tới 90% nguy cơ nhập viện và tử vong ở các bệnh nhân này.

Bác sĩ Ashish K. Jha, phối trí viên lực lượng đặc nhiệm phòng chống đại dịch tại Tòa Bạch Ốc thừa nhận là cần đẩy mạnh hơn nữa việc cung cấp rộng rãi Paxlovid và các loại thuốc chữa trị Covid-19 khác. Ngoài ra một chương trình quảng bá cũng đang được phát động để giúp các bác sĩ gia đình và đại chúng biết tin tức cập nhật về các loại thuốc này. Mục tiêu chính phủ muốn đạt tới là mở rộng chương trình “Test-to-Treat” mà Tổng Thống Biden đã trình bày hồi đầu tháng 3, nghĩa là khi một người dân Mỹ đến tiệm thuốc tây để xét nghiệm Covid-19 và nếu có kết quả dương tính thì họ sẽ được cung cấp miễn phí thuốc chữa trị ngay tại chỗ. Hành Pháp đang thúc đẩy Quốc Hội chuẩn cấp thêm ngân khoản khẩn cấp để có thể thực hiện mục tiêu đó.

Liên quan đến việc chích ngừa Covid-19, Trung Tâm Phòng Chống Dịch Bệnh (CDC) hôm Thứ Ba 29 tháng 3 phổ biến thông cáo nói rằng những người dân Mỹ từ 50 tuổi trở lên nên chích thêm liều vaccine tăng cường (booster) để giúp cơ thể gia tăng sức đề kháng chống virus. Đây là “liều booster thứ nhì”, hoặc cũng có thể gọi là “liều vaccine thứ tư” đối với những người đã chích ngừa hai liều đầu tiên và kế đó là liều booster của hai hãng dược phẩm Pfizer hoặc Moderna.

Theo thống kê cập nhật thì tính đến ngày 19 tháng 4, khoảng 1.1 triệu người tuổi từ 50 đến 64 cùng với 3.2 triệu người trên 65 tuổi đã chích “liều booster thứ nhì”. Dữ liệu của CDC cho thấy những con số này thấp hơn số người chích “liều booster thứ nhất”, chứng tỏ dân chúng Mỹ càng lúc càng bớt quan tâm đến nhu cầu chích ngừa để chống đại dịch, mặc dù số trường hợp mới lây nhiễm vẫn đang tiếp tục tăng lên ở nhiều tiểu bang, mà nguyên nhân chính là do sự lây lan các virus biến thể phụ của Omicron, tức BA.2 và BA.2.12.1.

Tổng số trường hợp lây nhiễm Covid-19 trên toàn quốc tính đến nay là hơn 81 triệu người. Số bệnh nhân tử vong được ghi nhận trung bình mỗi ngày 314 người. Tổng số bệnh nhân tử vong vì Covid-19 đã lên tới 990,353 người và có thể sẽ chạm mức 1 triệu người trong vài tuần lễ nữa.

Thứ Ba 26 tháng 4 và Thứ Năm 28 tháng 4, hai hãng dược phẩm Pfizer và Moderna lần lượt cho biết đã nộp đơn xin Cơ Quan FDA chuẩn thuận liều Covid vaccine thứ ba dành cho các trẻ em từ 5 đến 11 tuổi, sau khi kết quả thử nghiệm cho thấy vaccine có tác dụng rất mạnh để giúp cơ thể các em tăng cường sức đề kháng chống virus.

Hiện nay trên toàn quốc chỉ còn lại những trẻ em dưới 5 tuổi là chưa được chích ngừa. Theo trang mạng www.chikdstat.gov thì thành phần trẻ em dưới 5 tuổi vào khoảng 24.8 triệu em, so với khoảng 24.3 triệu em từ 6 đến 11 tuổi.

Phố Nhỏ Online tổng hợp từ các nguồn: AP, Reuters, AFP, BBC, RFI, NPR ngày 28/4/2022

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*