Thành phố Mariupol trước chiến tranh.
Chiến cuộc tại Ukraine đã bước sang tuần lễ thứ tám và tập trung vào vùng Donbas ở miền đông, nơi các trận giao tranh diễn ra dọc theo phòng tuyến dài 300 miles, đồng thời quân đội Nga đang dồn nỗ lực tấn công vào nhà máy thép Azovstal trong thành phố Mariupol ở mạn đông nam, nơi được coi là cứ điểm trọng yếu mà các đơn vị Ukraine nhất quyết bảo vệ đến giờ phút cuối cùng.
Tối Thứ Hai 18 tháng 4, Tổng Thống Volodymyr Zelensky thông báo với dân chúng Ukraine qua video trên mạng xã hội Telegram: “Chúng tôi khẳng định Nga bắt đầu trận chiến nhằm chiếm vùng Donbas mà họ đã chuẩn bị từ lâu. Một phần rất lớn của lực lượng Nga được dành để thực hiện cuộc tấn công này”.Ông Zelensky nhấn mạnh: “Dù Nga đưa bao nhiêu binh sĩ tới đây thì chúng ta cũng sẽ chiến đấu để tự vệ”.
Về phía Nga, Ngoại Trưởng Sergei Lavrov hôm Thứ Ba xác nhận “đang khởi sự một giai đoạn mới rất quan trọng và có tính cách quyết định cho toàn bộ chiến dịch quân sự đặc biệt”, trong khi Bộ Trưởng Quốc Phòng Sergei Shoigu nói đây là kế hoạch “giải phóng” hai tỉnh Donetsk và Luhansk (căn cứ địa của lực lượng ly khai thân Nga). Phát ngôn viên Bộ Quốc Phòng Nga loan báo “các hỏa tiễn với độ chính xác cao đã bắn trúng 13 vị trí” trong vùng Donbas và máy bay Nga “đã oanh kích trúng 60 đơn vị quân đội Ukraine”.
ĐỔI KẾ HOẠCH, ĐỔI MỤC TIÊU
Kể từ khi chiến cuộc bùng nổ, quân đội Nga đã cố gắng suốt hơn một tháng trời để tiến chiếm thủ đô Kyiv nhưng hoàn toàn thất bại, chẳng những mục tiêu không đạt được mà quân số còn bị tổn thất nặng nề, vì vấp phải sức kháng cự mãnh liệt của quân đội Ukraine cộng với nguồn yểm trợ dồi dào về quân cụ và khí giới từ các quốc gia Tây phương để giúp Ukraine chống lại cuộc xâm lược. Vì vậy Nga phải thay đổi chiến thuật, một mặt tiếp tục pháo kích dồn dập vào những thành phố ở miền bắc (như Kyiv) và miền tây (như Lviv), mặt khác dồn phần lớn lực lượng qua miền đông để quyết chiếm cho được vùng Donbas.
Tưởng cần nhắc lại, Donbas – vùng sản xuất than và thép lớn nhất của Ukraine – là nơi mà Nga đã muốn chiếm từ lâu, nhất là sau sự kiện hồi năm 2014 khi Tổng Thống Vladimir Putin mang quân qua ủng hộ lực lượng ly khai thân Nga ở Crimea rồi ngang nhiên sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ Nga trước sự phản đối của Ukraine và cả thế giới.
Từ đó đến nay lực lượng ly khai vẫn chiếm đóng hai tỉnh Donetsk và Luhansk trong vùng Donbas ở miền đông Ukraine, đưa tới các cuộc xung đột dữ dội với quân chính phủ khiến ít nhất 14,000 người thiệt mạng. Năm 2015 một hòa ước đã được ký kết ở Minsk nhưng liên tiếp bị vi phạm, hoàn toàn không giúp tái lập hòa bình và ổn định. Qua đến cuối tháng 2 năm nay thì Điện Kremlin dàn dựng vở tuồng chót để thực hiện ý đồ xâm lược, bằng cách cho Chủ Tịch Quốc Hội Vyacheslav Volodin “đề nghị chính phủ công nhận hai tỉnh ly khai Donetsk và Luhansk”, rồi Tổng Thống Putin ký sắc lệnh chính thức công nhận hai tỉnh này là “hai nước độc lập, mang tên Cộng Hòa Nhân Dân Donetsk và Cộng Hòa Nhân Dân Luhansk”.
Hai ngày sau đó, Tổng Thống Putin chiếu sắc lệnh vừa ký, ra lệnh cho quân đội Nga mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” tiến vào lãnh thổ nước láng giềng Ukraine. Chiến tranh bùng nổ từ 5:55 giờ sáng Thứ Năm 24 tháng 2.
Mặc dù lợi dụng chiêu bài “bảo vệ những người dân nói tiếng Nga ở Donbas” để xâm lược Ukraine, nhưng trên thực tế 190,000 binh sĩ Nga đã mở cuộc tấn công trên cả ba mặt trận phía bắc, đông, nam, với các trận mưa bom và hàng ngàn trái hỏa tiễn bắn vào các thành phố lớn khiến nhà cửa sụp đổ tan hoang và rất nhiều người dân vô tội thiệt mạng. Nhưng sau 5 tuần lễ, quân đội Nga bị tổn thất nặng nề mà vẫn sa lầy ở mặt trận phía bắc, không sao tiến vào được thủ đô Ukraine. Đến ngày 30 tháng 3 thì hàng loạt đơn vị quân sự Nga được lệnh triệt thoái khỏi vùng ven đô Kyiv và chuyển qua miền đông, nhằm dựa vào lợi thế của các nhóm võ trang ly khai thân Nga ở Donetsk và Luhansk để cùng dồn lực lượng vào mặt trận Donbas.
Theo lời ông Oleksiy Danilov là giới chức an ninh cao cấp hàng đầu của chính phủ Ukraine, vì hiện nay những đơn vị tinh nhuệ nhất của quân đội Ukraine đang trấn giữ vùng Donbas nên quân đội Nga phải dùng chiến thuật bao vây và tìm cách phân tán lực lượng Ukraine dọc theo phòng tuyến dài khoảng 300 miles (480 cây số) bao gồm các tỉnh Donetsk, Luhansk, Kharkiv. Tuy nhiên nếu muốn thực hiện chiến thuật đó sẽ đòi hỏi một hệ thống tiếp liệu rất quy mô, do đó câu hỏi đặt ra là liệu Nga có đủ phương tiện quân sự để chiếm toàn bộ vùng Donbas hay không? Đó là chưa kể Ukraine mới đây đã phản công hữu hiệu trên mặt trận Kharkiv và nhờ đó sẽ chận đứng một trong những tuyến tiếp liệu của Nga.
Trả lời cuộc phỏng vấn về đề tài này trên Đài RFI, tướng Dominique Trinquand (trưởng phái bộ quân sự Pháp tại Liên Hiệp Quốc) nhận định:
“Từ nhiều ngày qua, lực lượng quân sự mà Nga tập trung tại vùng Donbas là các đơn vị tăng viện với thành phần tân binh trừ bị cùng một số đơn vị từ Belarus và mặt trận Kyiv chuyển qua. Việc tổ chức lại những đơn vị này cũng như tiếp liệu hậu cần đều rất khó khăn. Trong giai đoạn đầu, quân đội Nga đang nã pháo và bắn hỏa tiễn để làm tiêu hao lực lượng đối phương. Nhưng đến giai đoạn trận địa chiến thì phức tạp hơn nhiều. Quân đội Ukraine đã hiện diện ở đây từ năm 2014, hiện nay họ đang kháng cự và phòng thủ rất hữu hiệu, vì đó là những đơn vị tinh nhuệ nhất và được trang bị vũ khí tốt nhất. Tôi nghĩ quân đội Nga sẽ oanh kích dữ dội đi kèm với chiến thuật chia cắt lực lượng Ukraine thành từng cụm, đồng thời phải ngăn chận tiếp viện vũ khí đạn dược từ phía tây”.
Hôm Thứ Ba 19 tháng 4 quân đội Nga tuyên bố đã chiếm được Kreminna, một thị trấn trong tỉnh Luhansk với khoảng 18,000 cư dân. Tuy nhiên phía Ukraine nói rằng lực lượng quân sự Ukraine chỉ phân tán mỏng và tái phối trí khỏi Kreminna để tránh hỏa lực pháo kích nặng nề của Nga.
Cùng ngày Thứ Ba, Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres lên án cuộc tấn công miền đông Ukraine, và kêu gọi quân đội Nga ngưng bắn bốn ngày vì lý do nhân đạo. Trong khi đó, Tổng Thống Hoa Kỳ Joe Biden thảo luận trực tuyến với các nhà lãnh đạo đồng minh về nhu cầu hỗ trợ khẩn cấp cho Ukraine để chống lại đợt tấn công mới nhất của quân đội Nga. Tham dự cuộc thảo luận kéo dài khoảng 90 phút gồm Thủ Tướng Canada (Justin Trudeau), Thủ Tướng Anh (Boris Johnson), Tổng Thống Pháp (Emmanuel Macron), Thủ Tướng Đức (Olaf Scholz), Chủ Tịch Ủy Ban Âu Châu (Ursula von der Leyen), Tổng Thư Ký NATO (Jens Stoltenberg) cùng các nhà lãnh đạo Ba Lan, Nhật Bản, Ý. Ngay sau đó chính phủ Mỹ và các quốc gia đồng minh tuyên bố sẽ gia tăng viện trợ thêm cả về tài chánh lẫn quân sự cho Ukraine, bao gồm đạn dược, vũ khí chống xe tăng, hỏa tiễn phòng không, giúp tu bổ quân cụ, huấn luyện tác chiến v.v…
TRÊN 5 TRIỆU NGƯỜI DÂN UKRAINE TỴ NẠN
Hôm Thứ Tư 20 tháng 4, Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) công bố thống kê cập nhật cho thấy kể từ khi chiến cuộc bùng nổ, trên 5 triệu người dân Ukraine (cụ thể là 5,034,439 người) đã chạy qua các nước láng giềng để tránh bom đạn – có nghĩa là chỉ trong vòng hơn hai tuần lễ, từ 30 tháng 3 tới nay, đã có thêm 1 triệu người bỏ nước ra đi.
Vẫn theo Cao Ủy Tỵ Nạn, gần 3 triệu người Ukraine (cụ thể là 2,825,463 người) đang tạm cư ở Ba Lan, 757,047 người ở Romania, 549,805 người ở Nga, 471,080 người ở Hung Gia Lợi, 426,964 người ở Moldova và 342,814 người ở Slovania.
MARIUPOL NHẤT QUYẾT “TỬ THỦ”
Thành phố Mariupol bên bờ biển Azov ở mạn đông nam của Ukraine đã bị quân đội Nga bao vây ngay từ đầu tháng 3, với những trận oanh kích cũng như pháo kích dồn dập mỗi ngày khiến hầu hết cao ốc và nhà cửa sụp đổ tan tành, hàng chục ngàn người dân vô tội bị thiệt mạng. Thế nhưng cho đến Thứ Tư tuần này, sau 7 tuần lễ, Mariupol vẫn chưa thất thủ. Lực lượng phòng thủ thành phố cảng này đã tảng lờ không trả lời “tối hậu thư” của Nga ra hạn cho họ phải đầu hàng trước 6 giờ chiều Chủ Nhật 17 tháng 4 (ngày Lễ Phục Sinh) nếu muốn được bảo đảm tính mạng.
Hôm Thứ Hai, Thủ Tướng Denys Shmyhal của Ukraine nói trên đài truyền hình Hoa Kỳ ABC rằng “thời hạn do tối hậu thư ấn định đã đi qua”, và xác quyết: “Mariupol vẫn chưa sụp đổ. Quân đội của chúng tôi, những người lính của chúng tôi vẫn đang còn ở trong thành phố, và như vậy họ sẽ chiến đấu đến cùng”.
Trước đó, một Dân Biểu Ukraine là ông Oleksiy Goncharenko cũng nói với đài BBC rằng lực lượng Ukraine phòng thủ Mariupol khẳng định không đầu hàng quân đội Nga. Với ước tính khoảng 100,000 thường dân còn ở lại trong thành phố, ông Goncharenko lo ngại “đây sẽ là một cuộc diệt chủng thực sự”. Ông nói thêm “có thể hơn 20,000 người đã thiệt mạng kể từ khi Mariupol bị bao vây”.
Đài BBC trích dẫn lời Ngoại Trưởng Nga Dmytro Kuleba tuyên bố là Điện Kremlin “đã chọn phương án san phẳng Mariupol thành bình địa”.
Quân đội Nga vừa tuyên bố sẽ ngăn chận bất cứ ai ra hoặc vào thành phố. Theo lời cố vấn Petro Andryushchenko của Thị Trưởng Mariupol thì như vậy có nghĩa là “người dân Mariupol sẽ phải xếp hàng để được cấp thẻ cho phép di chuyển giữa các quận, và một số người có thể bị tịch thu điện thoại hoặc bị đưa qua nước Nga bất chấp ý nguyện cá nhân của họ”. Ông Andryushchenko nói thêm rằng ngay lúc này Nga đã bắt ít nhất 20,000 công dân Ukraine đưa vào các trại tập trung phía bên ngoài thành phố.
Phó Thủ Tướng Iryna Vereshchuk của Ukraine gửi tin nhắn trên mạng xã hội Telegram, xác nhận đã yêu cầu quân đội Nga mở hành lang nhân đạo khẩn cấp từ ngày Chủ Nhật 17 tháng 4 để Ủy Ban Hồng Thập Tự đưa các thường dân và binh sĩ Ukraine bị thương từ nhà máy Azovstal ra ngoài. Nhưng qua ngày Thứ Hai lời yêu cầu của bà vẫn không được đáp ứng. Có tin nói rằng khoảng 1,000 thường dân, bao gồm cả trẻ em, đang trốn trong hầm của nhà máy, nhưng một giới chức Nga lên tiếng bác bỏ nguồn tin này.
Mặc dù quân đội Nga tuyên bố đã kiểm soát gần như toàn bộ Mariupol, nhưng một số đơn vị quân sự Ukraine, không rõ bao nhiêu người, vẫn cố thủ trong thành phố và đang giữ vững nhà máy khổng lồ Azovstal. Đây là một trong những cơ xưởng sản xuất thép lớn nhất của Ukraine, tọa lạc trên diện tích 4 dặm vuông tức 2,560 mẫu đất.
Một chuyên gia quân sự thuộc tổ chức tư vấn an ninh Sybilline là Justin Crump nói với đài BBC rằng lực lượng Ukraine phòng thủ Mariupol có thể là vài ngàn người, gồm các đơn vị Thủy Quân Lục Chiến và từ 500 đến 800 quân nhân thuộc Lữ Đoàn Azov. Ông Crump nhận định: “Nhà máy được xây dựng với các đường hầm và cả hầm chống bom nguyên tử, nên có thể dùng làm một địa điểm phòng thủ toàn hảo. Hơn nữa quân đội Ukraine đã có khoảng thời gian trên 50 ngày để tu bổ và chuẩn bị lối thoát ra ngoài. Vì vậy tôi nghĩ, chỉ trừ trường hợp họ bị giết chết hết, nếu không thì cuộc đối đầu sẽ còn kéo dài và rất dễ trở thành cuộc kháng chiến theo kiểu du kích”.
Tại sao mục tiêu chiếm thành phố Mariupol quan trọng đối với Nga như vậy? Phóng viên Frank Gardner của đài BBC phân tích một số lý do:
– Về mặt địa lý, Mariupol chỉ chiếm một diện tích nhỏ trên bản đồ, nhưng thành phố này có thể trở thành một hành lang nối liền vùng Donbas với bán đảo Crimea (mà Nga đã dùng vũ lực sáp nhập từ năm 2014). Làm chủ được Mariupol và chiếm được Donbas sẽ là thành tích lớn đối với Nga về cả hai mặt chiến lược và quân sự.
– Mariupol là hải cảng lớn nhất trong vùng Biển Azov với những hoạt động kỹ nghệ trọng yếu. Đây cũng là trung tâm xuất cảng các mặt hàng sắt, thép, than và bắp của Ukraine. Mất thành phố này sẽ gây khó khăn rất lớn cho Ukraine để phục hồi kinh tế sau chiến tranh.
– Mariupol được coi là “đất nhà” của Lữ Đoàn Azov (Azov Battalion), một đơn vị bán vũ trang Ukraine, bao gồm những phần tử theo khuynh hướng cực hữu, kể cả một số từng theo chủ nghĩa tân phát xít. Mặc dù Lữ Đoàn chỉ là thành phần nhỏ trong lực lượng chiến đấu của Ukraine, nhưng nếu một vài chiến binh Azov bị bắt sống thì Nga sẽ dùng đó làm công cụ tuyên truyền bằng cách bêu riếu họ trên các phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm soát, vừa để làm mất uy tín của chính phủ Ukraine vừa để biện minh cho chiêu bài “chống phát xít”.
– Tổng Thống Vladimir Putin cho rằng bờ biển Ukraine dọc theo Hắc Hải (Black Sea) vốn thuộc về một vùng đất mang tên Novorossiya (New Russia, Nước Nga Mới) từ thế kỷ 18 khi nước Nga còn ở dưới đế chế của Nga Hoàng. Vì vậy Putin muốn làm sống lại ý niệm “giải cứu người dân Nga khỏi ách chuyên chế của một chính phủ thân Tây phương ở Kyiv” (theo lời ông ta nói), và thành phố Mariupol đang cản đường không cho ông ta đạt được mục tiêu đó.
Bên cạnh những lý do trên đây, chính phủ Ukraine tin rằng quân đội Nga dồn nỗ lực tấn công thành phố Mariupol còn để trả thù cho vụ chìm tàu Moskva. Soái hạm này thuộc hạm đội Hắc Hải của Nga, đã bị chìm lúc sáng sớm Thứ Năm 14 tháng 4 trong lúc đang đậu ngoài khơi Ukraine, cách hải cảng Odesa khoảng 100 cây số. Thoạt đầu truyền thông nhà nước Nga loan tin chiếc tàu bị hư hại nặng và được Hải Quân đưa về quân cảng Sebastopol. Tuy nhiên đến tối Thứ Năm thì Bộ Quốc Phòng Nga xác nhận soái hạm đã bị chìm, 510 sĩ quan và thủy thủ được cứu đưa sang một tàu khác.
Nga giải thích nguyên nhân soái hạm Moskva chìm là do một vụ hỏa hoạn làm nổ kho chứa đạn trên tàu. Trong khi đó, Ukraine khẳng định đã bắn trúng tàu bằng hỏa tiễn Neptune khiến kho chứa đạn phát nổ.
Dù sự thật như thế nào thì vụ chìm tàu này xảy ra ngay giữa bối cảnh cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine nên chắc chắn đã làm cho Điện Kremlin bị mất mặt. Hãng thông tấn Reuters trích dẫn lời các chuyên gia quân sự phân tích: Nếu phía Ukraine nói đúng thì soái hạm Moskva là chiến hạm thứ nhì của Nga bị đối phương phá hoại kể từ Đệ Nhị Thế Chiến (năm 1941, chiến hạm Marat đậu trong hải cảng Kronshtadt bị người nhái của Đức Quốc Xã gài bom làm hư hại nặng). Còn nếu chìm vì một vụ hỏa hoạn trên tàu thì Moskva là chiếc soái hạm thứ nhì thuộc hạm đội Hắc Hải của Nga gặp tai nạn tương tự (năm 1916, chiến hạm Imperatritsa Maria cũng bị chìm vì kho đạn trên tàu phát nổ).
Phố Nhỏ Online tổng hợp từ các nguồn: AP, Reuters, AFP, BBC, RFI, Al Jazeera ngày 21/4/2022
Be the first to comment