Bắc Hàn Chuẩn Bị Thử Nghiệm Vũ Khí Hạt Nhân? – Tranh Chấp Pháp Lý Về Khẩu Trang Chống COVID-19

THẾ GIỚI LO NGẠI BẮC HÀN THỬ NGHIỆM VŨ KHÍ HẠT NHÂN

Đặc Sứ Hoa Kỳ chuyên trách về Bắc Hàn đã tới Seoul hôm Thứ Hai 18 tháng 4 để cùng các giới chức Nam Hàn lượng định tình hình, ngay sau cuộc thử nghiệm hỏa tiễn mới nhất của Bắc Hàn mà thế giới lo ngại là dấu hiệu cho thấy chính quyền Kim Jong Un đang chuẩn bị tiến tới thử nghiệm vũ khí nguyên tử.

Một ngày trước đó, hãng thông tấn quốc doanh KCNA phổ biến hình ảnh Kim Jong Un và các tướng lãnh Bắc Hàn giám sát việc thử nghiệm “một hệ thống vũ khí quan trọng nhằm tăng cường triệt để hỏa lực của các đơn vị pháo binh và nâng cao hiệu quả khai thác vũ khí hạt nhân chiến thuật”. Bản tin hôm Chủ Nhật của KCNA không rõ nêu ngày giờ và địa điểm, nhưng khẳng định thử nghiệm đã thành công. Đây là cuộc thử nghiệm vũ khí lần thứ 13 chỉ trong vòng 4 tháng đầu năm 2022.

Bộ Tổng Tham Mưu Nam Hàn cũng thông báo đã phát giác hai hỏa tiễn được phóng đi vào chiều tối thứ Bảy 16 tháng 4 từ tỉnh Hamhung (ở bờ biển phía đông của Bắc Hàn), bay xa 68 miles (tức 110 cây số) ở cao độ 16 miles (25 cây số) và với tốc độ mau gấp 4 lần tốc độ âm thanh. Một số quan sát viên cho rằng đây có thể là loại hỏa tiễn đạn đạo KN-23, hoặc một loại hỏa tiễn đạn đạo mới, mang số hiệu KN-24.

Vụ thử nghiệm này, cộng với chữ “vũ khí hạt nhân chiến thuật” trong bản tin KCNA khiến người ta lo ngại rằng Bắc Hàn đang nắm trong tay những hỏa tiễn mang đầu đạn nguyên tử có khả năng bắn tới các mục tiêu chiến thuật trên lãnh thổ Nam Hàn, bao gồm các căn cứ quân sự Hoa Kỳ.

Giáo sư Leif-Eric Easley thuộc Viện Đại Học Ewha University ở Seoul nhận định: “Rõ ràng mục đích phát triển vũ khí của Bắc Hàn không phải chỉ để đe dọa hoặc bảo vệ chế độ. Cũng giống như Nga khai thác tâm lý của mọi người sợ hãi chiến tranh nguyên tử, Bắc Hàn muốn dùng vũ khí để gây áp lực chính trị trên bàn thương thuyết và trên chiến trường, khiến các quốc gia khác ngần ngại không muốn can thiệp khi có xung đột xảy ra”.

Chuyên gia phân tích Duyeon Kim thuộc tổ chức nghiên cứu Center for a New American Security tại Washington D.C. cho rằng “chế độ cầm quyền Kim Jong Un bắt buộc phải chế tạo và cải thiện không ngừng các loại vũ khí, để phô trương cho dân chúng Bắc Hàn thấy đất nước vẫn hùng mạnh mặc dù kinh tế gặp rất nhiều khó khăn”, và bên cạnh đó, “thời điểm được chọn cho đợt thử nghiệm hỏa tiễn mới nhất này cũng nhằm tỏ thái độ phản đối Mỹ và Nam Hàn tiếp tục tập trận chung”.

Cuộc tập trận chung lần này của quân đội Mỹ và Nam Hàn dự trù kéo dài 9 ngày, bắt đầu từ Thứ Hai 18 tháng 4, và – cũng như tất cả các cuộc tập trận chung mỗi năm trước đây – đã bị Bắc Hàn lên án nặng nề, cho rằng đó là “những hành động khiêu khích để chuẩn bị chiến tranh”.

Nhân nói về thời điểm, các hãng thông tấn AP, Reuters, AFP và các đài phát thanh BBC, RFI đều đề cập đến buổi lễ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 110 của lãnh tụ Kim Il Sung (tức Kim Nhật Thành, người sáng lập đất nước Bắc Triều Tiên và là ông nội của Kim Jong Un). Được coi là sinh hoạt quan trọng nhất tại Bắc Hàn, buổi lễ vừa tưng bừng diễn ra hôm thứ Sáu tuần trước với một đám đông khổng lồ, các màn ca vũ tập thể, xe hoa, pháo bông v.v… Thế nhưng, trái với dự đoán của nhiều người, trong buổi lễ ngày 15 tháng 4 đã không có phần diễn binh như thường lệ để biểu diễn sức mạnh của quân đội và phô trương các loại vũ khí hạng nặng, và cũng không có bài diễn văn nào của Kim Jong Un.

Vì vậy, giới chuyên gia phân tích thời cuộc đều cho rằng phải chờ tới ngày 25 tháng 4 tới đây, nhân dịp “kỷ niệm ngày thành lập Quân Đội Nhân Dân Bắc Triều Tiên” mới biết được là Bình Nhưỡng có phô trương vũ khí mới hay không – hoặc chính quyền Kim Jong Un có trắng trợn “leo thang” để thách thức thế giới bằng một cuộc thử nghiệm hỏa tiễn mang đầu đạn nguyên tử hay không.

Tưởng cần nhắc lại, Bắc Hàn cho tới nay vẫn bị Liên Hiệp Quốc áp đặt các biện pháp chế tài kinh tế vì theo đuổi chương trình nghiên cứu năng lượng hạt nhân với ý đồ chế tạo vũ khí nguyên tử. Do áp lực quốc tế, Bắc Hàn ngưng chương trình hạt nhân vào năm 2017, và một năm sau đó loan báo đã phá hủy các đường hầm tại lò thí nghiệm hạt nhân Punggye-ri để “tỏ thiện chí” trong tiến trình tái lập quan hệ ngoại giao với Nam Hàn và Hoa Kỳ. Thế nhưng từ năm 2021 hình ảnh chụp được từ vệ tinh cho thấy những hoạt động rất đáng ngờ, chứng tỏ Bắc Hàn đang xây dựng lại các đường hầm này và một số địa điểm then chốt khác, rõ ràng là với ý đồ tái khởi động chương trình hạt nhân.

Ngày 24 tháng 3 vừa qua, nghĩa là ba tuần lễ trước buổi lễ kỷ niệm sinh nhật Kim Nhật Thành và là lần đầu tiên kể từ năm 2017, Bắc Hàn đã bất chấp lệnh cấm, thực hiện cuộc thử nghiệm Hỏa Tiễn Đạn Đạo Xuyên Lục Địa (Intercontinental Ballistic Missile – ICBM), và lập tức bị Hoa Kỳ cùng các nước đồng minh lên án kịch liệt. Theo Bộ Quốc Phòng Nhật Bản thì hỏa tiễn ICBM của Bắc Hàn đã bay xa tới 684 miles (tức 1,100 cây số) ở cao độ 3,730 miles (6,000 cây số) trong khoảng 1 giờ đồng hồ, rồi rớt xuống vùng biển thuộc hải phận Nhật Bản.

ĐẶC SỨ HOA KỲ TỚI THỦ ĐÔ NAM HÀN

Trước thái độ khiêu khích đầy nguy hiểm của chính quyền Kim Jong Un, ông Sung Kim là Đặc Sứ Hoa Kỳ chuyên trách về Bắc Hàn đã cùng Phụ Tá Đặc Sứ Jung Pak tới Seoul hôm Thứ Hai 18 tháng 4, mở đầu chuyến công du 5 ngày để cùng các giới chức Nam Hàn lượng định tình hình.

Sau buổi hội đàm với Đặc Sứ Nam Hàn về an ninh và hòa bình cho bán đảo Triều Tiên là ông Noh Kyu-duk, phái đoàn Mỹ nói với giới truyền thông rằng Hoa Kỳ và Nam Hàn “đồng ý về nhu cầu cùng nhau duy trì biện pháp răn đe mạnh mẽ nhất” đối với “các hành động leo thang” của Bắc Hàn trên bán đảo Triều Tiên.

Đặc Sứ Sung Kim phát biểu với các phóng viên trong cuộc họp báo: “Điều vô cùng quan trọng là Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc phải gửi một tín hiệu rõ ràng đến Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên (Democratic People’s Republic of Korea – DPRK, danh xưng chính thức của Bắc Hàn) để họ biết rằng chúng tôi không chấp nhận coi những cuộc thử nghiệm leo thang là chuyện bình thường”.

Vẫn theo lời ông Kim thì các quốc gia đồng minh sẽ “phản ứng một cách có trách nhiệm và dứt khoát” trước thái độ khiêu khích của Bắc Hàn. Nhưng đồng thời Đặc Sứ Hoa Kỳ cũng nhấn mạnh là ông sẵn sàng tham dự tiến trình thương thuyết với nhà cầm quyền Bình Nhưỡng “ở bất cứ nơi nào và không đòi hỏi bất cứ điều kiện nào”.

Đây không phải lần đầu tiên chính phủ Mỹ đưa ra đề nghị nối lại tiến trình thương thuyết, nhưng đều bị Bình Nhưỡng khăng khăng bác bỏ, viện cớ “Hoa Kỳ vẫn duy trì các chính sách thù nghịch”, thí dụ như tiếp tục chế tài Bắc Hàn và tập trận chung với Nam Hàn,

Ông Sung Kim (Kim Sung Yong) là nhà ngoại giao chuyên nghiệp được Tổng Thống Joe Biden bổ nhiệm làm Quyền Phụ Tá Ngoại Trưởng đặc trách Đông Á Thái Bình Dương Sự Vụ kể từ ngày 21 tháng 5 năm 2021. Kiêm nhiệm chức vụ Đặc Sứ chuyên trách về Bắc Hàn, ông là người đứng đầu phái đoàn Mỹ trong các cuộc đàm phán 6 bên (Mỹ, Nam Hàn, Bắc Hàn, Nhật, Nga, Trung Cộng) nhằm tiến đến mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Trước đó, ông đã từng là Đại Sứ Hoa Kỳ tại Nam Hàn (2011-2014), Đại Sứ Hoa Kỳ tại Phi Luật Tân (2016-2020), và Đại Sứ Hoa Kỳ tại Indonesia (2020-2021).

Giới truyền thông Nam Hàn ghi nhận rằng nhân chuyến công du này, ông Sung Kim cũng có chương trình tiếp xúc với ủy ban chuyển quyền của Tổng Thống đắc cử Yoon Suk-yeol, tuy nhiên phát ngôn viên của ủy ban chuyển quyền cho biết thời điểm chưa được chính thức xác nhận.

Hiến pháp Nam Hàn quy định Tổng Thống chỉ được tại chức một nhiệm kỳ duy nhất (5 năm), do đó Tổng Thống Moon Jae-in không thể tái ứng cử, và đại diện đảng Dân Chủ cầm quyền (Democratic Party) là ứng cử viên Lee Jae-myung đã thừa nhận thất bại trước đối thủ Yoon Suk-yeol của đảng Quyền Lực Nhân Dân (People Power Party). Cuộc bầu cử đầy sôi nổi hôm 9 tháng 3 đưa phe bảo thủ trở lại nắm quyền lãnh đạo đất nước Nam Hàn, và ông Yoon sẽ tuyên thệ nhậm chức Tổng Thống vào ngày 10 tháng 5 tới đây.

Suốt nhiệm kỳ 5 năm qua, với cố gắng không ngừng để nối lại đối thoại giữa hai miền Nam Bắc và mưu tìm hòa bình cho bán đảo Triều Tiên, Tổng Thống Moon Jae-in đã ba lần họp thượng đỉnh với Kim Jong Un, làm trung gian đưa tới hai hội nghị thượng đỉnh giữa Chủ Tịch Bắc Hàn Kim Jong Un và Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump, đồng thời thúc đẩy việc ký kết một hòa ước chính thức nhằm thay thế thỏa ước đình chiến hồi năm 1953. Thế nhưng tất cả những nỗ lực này đều thất bại.

Thực tế cho thấy Bắc Hàn vẫn tiếp tục chương trình nguyên tử với ý đồ chế tạo vũ khí hạt nhân, và từ đầu năm tới nay đã thực hiện liên tục các cuộc thử nghiệm vũ khí, bao gồm vụ phóng hỏa tiễn đạn đạo ra Biển Đông hôm 27 tháng 2, chỉ vài ngày trước cuộc bầu cử Tổng Thống Nam Hàn. Thái độ ngang ngược đó khiến ông Yoon Suk-yeol khi vận động tranh cử đã không ngần ngại kêu gọi Liên Hiệp Quốc duy trì biện pháp cấm vận kinh tế đối với Bắc Hàn, và kêu gọi Mỹ gia tăng chương trình tập trận chung với Nam Hàn – là hoạt động quân sự mà Tổng Thống Moon Jae-in đã cắt giảm vì không muốn tạo cơ hội cho Kim Jong Un kiếm cớ gây hấn. Lập trường cứng rắn này được ông Yoon giải thích rõ ràng: “Hòa bình là vô nghĩa trừ khi chúng ta có sức mạnh để hậu thuẫn cho hòa bình. Chiến tranh chỉ có thể tránh được khi chúng ta có khả năng để tấn công phủ đầu và thể hiện ý muốn sử dụng sức mạnh”.

Mặc dù Tổng Thống đắc cử Yoon Suk-yeol khẳng định chính phủ Nam Hàn dưới sự lãnh đạo của ông sẽ không từ bỏ cơ hội nối lại đối thoại và quan hệ ngoại giao với miền Bắc, cũng như sẽ tiếp tục cấp viện trợ nhân đạo cho dân chúng Bắc Hàn, nhưng với lập trường cứng rắn của ông, các quan sát viên thời cuộc lo ngại rằng quan hệ giữa hai miền Nam Bắc Triều Tiên sẽ còn tiếp tục mang tính chất thù địch trong một thời gian dài. Bằng chứng mới nhất là lời tuyên bố nảy lửa hôm Thứ Ba 5 tháng 4 của Kim Yo Jong (em gái Kim Jong Un và là một ngôi sao đang lên trong bộ máy quyền lực Bắc Hàn) nói rằng “nếu miền Nam chọn quyết định đối đầu bằng quân sự thì lực lượng vũ trang của chúng tôi sẽ bắt buộc phải thực hiện nhiệm vụ tiến hành chiến tranh nguyên tử”.

HOA KỲ: TRANH CHẤP PHÁP LÝ VỀ KHẨU TRANG CHỐNG COVID-19

Các hãng thông tấn và cơ quan truyền thông ghi nhận là rất nhiều người dân Mỹ hiện đang rất “hoang mang” và có phản ứng hoàn toàn trái ngược nhau về chuyện mang hay không mang khẩu trang chống Covid-19 khi dùng hệ thống vận chuyển công cộng như máy bay, xe lửa, xe bus, xe điện. Điều này cho thấy dư luận Hoa Kỳ tiếp tục chia rẽ trầm trọng, và ngay cả biện pháp đối phó đại dịch cũng đang đưa tới một cuộc tranh chấp pháp lý gay go trong những ngày sắp tới.

Tưởng cần nhắc lại, hôm Thứ Tư 13 tháng 4 Trung Tâm Phòng Chống Dịch Bệnh (CDC) thông báo rằng việc bắt buộc mang khẩu trang trên các phương tiện chuyên chở công cộng được gia hạn đến hết ngày 3 tháng 5 (thay vì kết thúc ngày 18 tháng 4 như thông báo trước đây). CDC nêu lý do “cần thêm thời gian để nghiên cứu về biến thể phụ BA.2 của Omicron”, hiện đang lan tràn và là nguyên nhân chính gây đại dịch Covid-19.

Thế nhưng đến hôm Thứ Hai 18 tháng 4 thì một Chánh Án tòa liên bang tại Florida ra phán quyết cho phép Cơ Quan An Ninh Vận Chuyển (TSA) được ngưng thi hành lệnh này của chính phủ liên bang. Ngay tức khắc các hãng hàng không lớn đồng loạt loan báo hủy bỏ biện pháp đòi hỏi hành khách phải mang khẩu trang trên máy bay. Một ngày sau, hai công ty Uber và Lyft cũng loan báo hủy bỏ việc bắt buộc mang khẩu trang đối với tài xế cũng như hành khách dùng phương tiện của họ.

Một số phi trường ở Dallas, Atlanta, Los Angeles, Salt Lake City… phổ biến thông cáo nói rằng từ nay mọi người được tùy ý lựa chọn mang hay không mang khẩu trang. Nhưng một số phi trường khác ở New York City, Chicago, Connecticut… lại khẳng định vẫn tiếp tục áp dụng quy định mang khẩu trang. Tình trạng mâu thuẫn này đang gây hoang mang cho rất nhiều người dân Mỹ.

Phán quyết của tòa án liên bang ở Tampa (Florida) bắt nguồn từ việc tổ hợp Health Freedom Defense Fund cùng hai nguyên đơn khác là Ana Daza và Sarah Pope nộp đơn khởi tố, đòi hủy bỏ lệnh gia hạn của Trung Tâm Phòng Chống Dịch Bệnh (CDC). Ngày 18 tháng 4, nữ Chánh Án Kathryn Kimball Mizelle công bố phán quyết dài 59 trang giấy, nói rằng Trung Tâm CDC đã vượt quá quyền hạn khi ra lệnh cho Cơ Quan TSA bắt buộc hành khách phải mang khẩu trang trên các phương tiện chuyên chở công cộng; thêm vào đó, việc ra lệnh của CDC không được thực hiện đúng theo thủ tục pháp lý nên trở thành vô hiệu.

Hôm Thứ Ba 19 tháng 4, phát ngôn viên Anthony Coley của Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ phổ biến thông cáo báo chí viết rằng “Bộ Tư Pháp và Trung Tâm Phòng Chống Dịch Bệnh không đồng ý với phán quyết của tòa án ở Florida, và nếu Trung Tâm CDC kết luận việc mang khẩu trang vẫn cần thiết để bảo vệ sức khỏe cộng đồng thì Bộ Tư Pháp sẽ nộp đơn kháng cáo”. Vẫn theo ông Coley, “Bộ Tư Pháp tin rằng CDC đã thực hiện đúng thẩm quyền được Quốc Hội chuẩn cấp khi ra lệnh bắt buộc mang khẩu trang trên hệ thống chuyên chở công cộng nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng”, “Bộ Tư Pháp sẽ nỗ lực duy trì thẩm quyền quan trọng đó”.

Chiều Thứ Tư 20 tháng 4, Trung Tâm CDC phổ biến thông cáo báo chí cho biết đã yêu cầu Bộ Tư Pháp xúc tiến thủ tục kháng cáo, nói rõ: “CDC nhận thấy, vào thời điểm này, lệnh bắt buộc mang khẩu trang khi dùng các phương tiện chuyên chở công cộng vẫn tiếp tục là điều cần thiết để bảo vệ sức khỏe cộng đồng”, “CDC tin tưởng đây là một lệnh hợp pháp, hoàn toàn nằm trong thẩm quyền pháp định của CDC”.

Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ ngay sau đó cho biết đã nộp hồ sơ kháng cáo, yêu cầu Tòa Phúc Thẩm đảo ngược phán quyết của Chánh Án Kathryn Kimball Mizelle trong vụ án mang tên “Health Freedom Defense Fund, Inc., et al., v. Biden, et al”. Chưa rõ cuộc tranh chấp pháp lý này có ngã ngũ trước thời điểm gia hạn của Trung Tâm CDC (3 tháng 5) hay không, hoặc sẽ còn kéo dài và có thể lên tới Tối Cao Pháp Viện.

Trong khi đó, kết quả một cuộc thăm dò dư luận vừa được công bố hôm Thứ Tư – do hãng thông tấn AP cùng NORC Center for Public Affairs Research phối hợp thực hiện – cho thấy đa số (56%) người dân Mỹ vẫn đồng ý với quy định bắt buộc mang khẩu trang khi dùng hệ thống chuyên chở công cộng, so với 24% người dân Mỹ phản đối quy định này, và 20% trả lời “không có ý kiến”.

Ngoài ra, khoảng phân nửa (50%) người dân Mỹ cũng muốn rằng tất cả những công nhân viên chức nào tiếp xúc với công chúng trong lúc làm việc đều phải mang khẩu trang, so với khoảng 30% không đồng ý.

Kết quả thăm dò cho thấy dư luận Mỹ chia rẽ trầm trọng theo khuynh hướng đảng phái: 80% những người ủng hộ đảng Dân Chủ nói rằng họ đồng ý với lệnh bắt buộc mang khẩu trang khi dùng phương tiện chuyên chở công cộng, chỉ có 5% phản đối. Trong khi đó, 45% những người ủng hộ đảng Cộng Hòa phản đối lệnh bắt buộc mang khẩu trang khi dùng phương tiện chuyên chở công cộng, so với 33% đồng ý với lệnh này, và 22% không phản đối cũng không ủng hộ.

Hôm Thứ Hai tuần này các đài truyền hình chiếu đoạn video cho thấy một số hành khách trên chuyến bay của hãng Delta Air Lines vỗ tay reo mừng khi tiếp viên loan báo hủy bỏ biện pháp bắt buộc mang khẩu trang.

Nhưng cũng có một số hành khách phản ứng ngược lại. Bà Brooke Tansley (cựu diễn viên sân khấu ca nhạc Broadway) chẳng những không hoan hô mà còn tỏ thái độ phẫn nộ khi thấy nhiều hành khách vứt bỏ khẩu trang. Bà giải thích lý do là vì hai đứa con 4 tuổi và 8 tháng của bà chưa đến tuổi được chích ngừa Covid-19 nên có thể bị lây nhiễm từ người chung quanh. Bà Tansley viết tin nhắn trên mạng xã hội: “Tôi rất tức giận về chuyện này. Chỉ biết cầu mong đừng có điều gì xảy ra cho các con tôi”.

Tổng Thống Joe Biden khi đang đến thăm thành phố Portsmouth (New Hampshire) thì được báo chí hỏi ý kiến về chuyện mang hay không mang khẩu trang, và ông trả lời “Đó là tùy sự lựa chọn của mọi người”. Tuy nhiên bản tin AP ghi nhận rằng Tòa Bạch Ốc vẫn yêu cầu tất cả những ai tháp tùng Tổng Thống trên phi cơ Air Force One phải tiếp tục mang khẩu trang theo khuyến cáo của Trung Tâm CDC.

Phố Nhỏ Online tổng hợp từ các nguồn: AP, Reuters, BBC, RFI, NPR, VOA ngày 21/4/2022

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*