Cập Nhật Về Chiến Cuộc Ukraine – FDA Chuẩn Thuận Covid Booster Cho Người Trên 50 Tuổi

NGA VÀ UKRAINE ĐÀM PHÁN NHƯNG CHIẾN SỰ VẪN KHỐC LIỆT

Tính đến ngày Thứ Tư 30 tháng 3, cuộc tấn công của quân đội Nga vào lãnh thổ nước láng giềng Ukraine đã bước sang ngày thứ 35, và chiến sự vẫn đang tiếp diễn khốc liệt chung quanh thủ đô Kyiv cũng như nhiều tỉnh khác.

Tổng Thống Volodymyr Zelensky nói rằng cuộc đàm phán ngoại giao hôm Thứ Ba cho thấy “vài dấu hiệu tích cực”, nhưng ông kêu gọi người dân Ukraine đừng vội mất cảnh giác, bởi vì “kẻ thù vẫn ở trong lãnh thổ chúng ta, tiếp tục bắn phá các thành phố của chúng ta, tiếp tục bao vây Mariupol”, “phải căn cứ vào những hành động cụ thể mới biết được Nga có thật sự muốn hưu chiến hay không”.

Sở dĩ Tổng Thống Zelensky cảnh giác như vậy là vì trong lúc phiên đàm phán hôm 29 tháng 3 đang diễn ra tại Istanbul, Bộ Quốc Phòng Nga tuyên bố sẽ “giảm đáng kể hoạt động quân sự”để “giúp gia tăng sự tin tưởng giữa hai bên”. Nhưng trên thực tế, Nga vẫn liên tục pháo kích vào hai thành phố Kyiv và Chernihiv ở miền Bắc, đồng thời siết chặt vòng vây thành phố Mariupol ở miền Nam, trong khi đó lại đưa thêm quân qua miền Đông – có thể là để dồn nỗ lực “giải phóng” cho bằng được vùng Donbas, vì đây là căn cứ địa của lực lượng ly khai thân Nga.

Đó là chưa kể, cũng ngày Thứ Ba, phi cơ Nga còn oanh kích một tòa nhà hành chánh ở thành phố Mykolaiv ở miền Nam, làm 12 người chết và 33 người bị thương; và tấn công phi trường quân sự Starokostiantyniv ở miền Tây, phá hủy tất cả các kho xăng.

Phát ngôn viên Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ John Kirby cho biết hình ảnh chụp được từ vệ tinh ghi nhận một số binh sĩ Nga rời khỏi Kyiv đi qua phía biên giới Belarus trong 24 giờ vừa qua, nhưng đó không phải là một dấu hiệu triệt thoái mà chỉ nhằm tái phối trí và bổ sung nguồn tiếp liệu.

Trong khi đó theo nhận định của các chuyên viên quân sự, Điện Kremlin đưa ra lời tuyên bố “xuống thang chiến tranh” không ngoài mục đích gỡ thể diện, vì thực tế cho thấy Nga đã tấn công hơn một tháng trời mà không chiếm được thủ đô hoặc thành phố trọng yếu nào khác của Ukraine, chẳng những vậy mà quân đội Nga còn bị tổn thất nặng nề về nhân mạng, khiến phái đoàn Nga mất lợi thế trên bàn thương thuyết.

Tưởng cần nhắc lại, trong phiên đàm phán hôm Thứ Ba tại Istanbul (do Tổng Thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đứng ra làm trung gian), phái đoàn Ukraine đã đưa ra bốn đề nghị quan trọng, chứng tỏ thiện chí sẵn sàng tìm giải pháp kết thúc chiến tranh.

Thứ nhất, phải có “một thỏa ước được quốc tế bảo lãnh, nhằm bảo đảm an ninh cho đất nước và nhân dân Ukraine”, và các quốc gia bảo lãnh cam kết hành động tương tự như tinh thần Điều 5 của Tổ Chức Minh Ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) – nghĩa là bất cứ sự tấn công một thành viên nào cũng đồng nghĩa với tấn công vào toàn khối. Vẫn theo yêu cầu của Ukraine, các quốc gia bảo lãnh sẽ gồm 4 thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc (Mỹ, Anh, Pháp, Trung Cộng) cùng với Israel và 5 thành viên của NATO (Đức, Ý, Canada, Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ).

Thứ hai, “thỏa ước quốc tế” nêu trên không ngăn cấm Ukraine gia nhập Liên Hiệp Âu Châu (EU), và các quốc gia bảo trợ cam kết sẽ hỗ trợ cho quá trình gia nhập này.

Thứ ba, Ukraine chấp nhận điều mà Nga vẫn yêu cầu từ lâu, là “theo quy chế trung lập và phi hạt nhân”. Quy chế trung lập bao gồm việc “chính phủ Ukraine sẽ không để cho bất cứ quốc gia nào thiết lập căn cứ quân sự trên lãnh thổ Ukraine”,nhưng “với điều kiện những cam kết về an ninh được bảo đảm”. Nếu có sự bảo đảm như vậy, Ukraina sẽ từ bỏ ý định gia nhập Tổ Chức NATO, mặc dù điều này được ghi trong bản Hiến pháp ngày 21 tháng 2 năm 2019 của Ukraine.

Thứ tư, để giúp các điều khoản trong thỏa ước này sớm có hiệu lực, cuộc tranh chấp liên quan đến bán đảo Crimea và vùng Donbas “được tạm thời loại ra khỏi” thỏa ước. Ukraine đề nghị “thời hạn 15 năm” cho các cuộc đàm phán song phương Nga – Ukraine, và trong thời gian này “lực lượng võ trang sẽ không được sử dụng để giải quyết vấn đề đặc biệt của bán đảo Crimea” (mà Nga đã dùng võ lực để sáp nhập hồi năm 2014).

SỐ DÂN UKRAINE TỴ NẠN LÊN TỚI TRÊN 4 TRIỆU NGƯỜI

Tin tức cập nhật chưa cho biết Nga có đáp ứng các đề nghị của Ukraine trên bàn đàm phán để đi tới một giải pháp chấm dứt chiến tranh hay không, ngoại trừ một lời phát biểu của trưởng phái đoàn Nga là Vladimir Medinsky nói rằng “việc Ukraine sẵn sàng chấp nhận quy chế trung lập chính là một trong những yêu cầu tiên quyết của Nga”.

Trong khi đó Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc (United Nations High Commissioner for Refugees – UNHCR) hôm Thứ Tư 30 tháng 3 loan báo rằng số dân Ukraine rời bỏ đất nước chạy loạn từ lúc chiến cuộc bùng phát hôm 24 tháng 2 cho tới nay đã lên tới trên 4 triệu người.

Con số này vượt quá dự đoán của Liên Hiệp Quốc cũng như tất cả các tổ chức thiện nguyện, và được ghi nhận là đợt sóng tỵ nạn lớn nhất tại châu Âu kể từ sau Đệ Nhị Thế Chiến.

Các giới chức UNHCR và Quỹ Nhi Đồng Quốc Tế (UNICEF) của Liên Hiệp Quốc cho biết phân nửa trong số người tỵ nạn Ukraine là trẻ em.

Phối trí viên Alex Mundt của UNHCR tại Ba Lan nói với báo chí: “Thật là một thảm trạng. Mới vỏn vẹn một tháng trời đã có tới 4 triệu người vì sợ hãi bom rơi đạn lạc mà phải lìa bỏ nhà cửa, gia đình, đất nước. Chưa bao giờ chúng ta chứng kiến một làn sóng tỵ nạn lan tràn trong khoảng thời gian ngắn ngủi như vậy”.

Chỉ riêng Ba Lan (Poland) đã đón nhận hơn 2 triệu 300 ngàn người tỵ nạn từ Ukraine. Cao Ủy Tỵ Nạn cho biết, ngay sau khi đặt chân tới nước láng giềng này, một số người đã quay trở lại Ukraine để tìm thân nhân bị thất lạc trong chiến cuộc, hoặc để tự nguyện gia nhập lực lượng võ trang chống lại quân đội Nga.

Các nước láng giềng khác cũng đón nhận số người tỵ nạn từ Ukraine rất đáng kể: 608,000 người ở Romania, trên 387,000 người ở Moldova, khoảng 364,000 người ở Hung Gia Lợi (Hungary).

Hôm Thứ Tư 30 tháng 3, bà Catherine Russell là Giám đốc điều hành UNICEF phổ biến thông cáo báo chí kêu gọi sự hỗ trợ của mọi người: “Tình hình Ukraine vẫn đang rất nghiêm trọng, và trước thực trạng càng lúc càng có thêm nhiều trẻ em bỏ nhà cửa chạy loạn, chúng ta đừng quên rằng mỗi trẻ em đều cần được chăm sóc, bảo vệ, nuôi nấng và dạy dỗ”.

Ông Filippo Grandi, một giới chức cao cấp của UNHCR hôm Thứ Tư cho biết đã tới thành phố Lviv ở miền Tây Ukraine để thẩm định tại chỗ về nhu cầu hỗ trợ cho những người chạy loạn bị mất hết nhà cửa, cùng với rất nhiều người bị thất lạc thân nhân. Ngay trong lãnh thổ Ukraine, Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc ước lượng rằng cũng có khoảng 6 triệu rưởi người chạy loạn từ thành phố này qua thành phố khác – nhất là từ các vùng chiến trận miền Bắc và miền Nam qua thành phố Lviv ở miền Tây, rồi từ đó lên đường đi qua những quốc gia khác của châu Âu.

Theo The International Organization for Migration (IOM), là tổ chức thiện nguyện quốc tế chuyên trách về di dân, hiện nay vẫn còn từ 12 triệu người đến 22 triệu người dân Ukraine bị kẹt lại ở những vùng chiến trận, phần vì tình hình quá nguy hiểm khiến họ không dám thoát ra khỏi khu vực đang ẩn trú, phần khác vì thiếu tin tức nên họ không biết di tản theo hướng nào mới được an toàn, cộng thêm trở ngại do hệ thống đường xá cầu cống gần như bị bom đạn phá hủy hoàn toàn.

FDA CHUẨN THUẬN “COVID BOOSTER” CHO NGƯỜI TRÊN 50 TUỔI

Trung Tâm Phòng Chống Dịch Bệnh (Centers for Disease Control and Prevention – CDC) hôm Thứ Ba 29 tháng 3 phổ biến thông cáo cho biết, ngay từ bây giờ, những người dân Mỹ từ 50 tuổi trở lên có thể chích thêm liều vaccine tăng cường (booster) để giúp cơ thể gia tăng sức đề kháng, chống lại virus gây bệnh Covid-19.

Đây là “liều booster thứ nhì”, hoặc cũng có thể gọi là liều vaccine thứ tư đối với những người đã chích ngừa hai liều đầu tiên và kế đó là liều booster của hai hãng dược phẩm Pfizer hoặc Moderna.

Thông cáo của CDC được phổ biến chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi Cơ Quan Quản Trị Thực Phẩm Dược Phẩm (Food and Drug Administration – FDA) chuẩn thuận boosters do Pfizer/BioNTech và Moderna bào chế.

Như vậy là chỉ trong một ngày, hai cơ quan y tế hàng đầu của chính phủ liên bang cùng chấp thuận và khuyến khích việc chích liều vaccine tăng cường cho thành phần cao niên. Sự kiện này cho thấy giới chuyên gia y tế rất lo ngại về việc biến thể phụ (subvariant) BA.2 của Omicron đang lan tràn với tốc độ đáng sợ. Theo thống kê cập nhật, hiện tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 do BA.2 gây ra chiếm tới 55% trong số các trường hợp mới lây nhiễm trên toàn nước Mỹ. Thế nhưng tỷ lệ dân Mỹ đã chích “liều booster thứ nhất” cho đến nay vẫn chưa đạt tới 50%.

Các bản tin thông tấn trích dẫn nhận xét của giới chuyên gia y tế cho rằng chính phủ Hoa Kỳ gặp khó khăn trong việc thuyết phục người dân chích liều vaccine tăng cường. Lý do khó khăn là bởi vì thời gian gần đây số trường hợp mới lây nhiễm – cũng như số người phải vào bệnh viện chữa trị và số bệnh nhân chết vì Covid-19 – đều giảm xuống rõ rệt, khiến nhiều người bớt lo sợ bị mắc bệnh và không thấy cần phải chích ngừa ngay.

Trước tình hình như vậy, bác sĩ Peter Marks của Cơ Quan FDA phát biểu tại cuộc họp báo hôm Thứ Ba: “Khoảng một phần ba trong số những người ở lứa tuổi từ 50 đến 65 thường mang sẵn các bệnh tiềm ẩn trong mình, nên nếu họ không may bị lây nhiễm Covid-19 thì rất dễ trở thành nguy kịch”. Vì vậy, ông nhấn mạnh: “Nếu người thân của tôi chưa chích thì tôi sẽ đưa họ đi chích liều vaccine tăng cường ngay tức khắc để giúp cơ thể gia tăng khả năng phòng chống bệnh”.

Vẫn theo lời bác sĩ Marks, chẳng những ngay bây giờ thành phần cao niên nên chích liều booster, mà khi qua tới mùa Thu họ sẽ còn có thể phải chích thêm một liều tăng cường nữa. Liều tăng cường này khác với loại thuốc chích ngừa Covid hiện tại, vì sẽ tập trung vào việc phòng chống các chủng loại coronavirus biến thể như Delta, Omicron… Đó chính là mục tiêu nghiên cứu của hai hãng dược phẩm Pfizer/BioNTech và Moderna.

Tại sao cứ hết booster này lại tới booster khác? Bác sĩ Peter Marks giải thích: “Đến một lúc nào đó, chúng ta phải chấp nhận thực tế là coronavirus không biến mất mà vẫn lảng vảng quanh chúng ta, và chúng ta sẽ phải theo dõi thường xuyên để tìm cách đối phó với nó”.

Quyết định của Cơ Quan FDA phần nào dựa vào dữ liêu tại Do Thái (Israel), là quốc gia mà ngay từ tháng 12 năm ngoái đã chuẩn thuận cho một số thành phần dân chúng được chích “liều vaccine thứ tư”. Bác sĩ Marks trình bày các dữ liệu cho thấy những người Do Thái từ 60 tuổi trở lên mà chích thêm “liều vaccine thứ tư” thì nếu bị lây nhiễm Covid-19 cũng ít có rủi ro bị tử vong, so với những người cũng trên 60 tuổi mà chỉ chích một liều booster. Sau Do Thái, đã có thêm ít nhất hai quốc gia là Thụy Điển và Chile chuẩn thuận “liều vaccine thứ tư” cho dân chúng.

Đầu tháng 3 vừa qua, cả hai hãng dược phẩm Pfizer và Moderna đều nộp hồ sơ xin Cơ Quan FDA chuẩn thuận liều vaccine tăng cường, dựa trên những kết quả nghiên cứu của họ cho thấy chỉ sau vài tháng trời là liều thuốc chích ngừa Covid đầu tiên sẽ bị mất tác dụng. Một cuộc nghiên cứu khác do Trung Tâm CDC thực hiện cũng chứng minh rằng thuốc chích ngừa Covid của Pfizer và Moderna thoạt đầu có giúp làm giảm tới 91% số người phải vào bệnh viện chữa trị, nhưng 4 tháng sau thì tỷ lệ này chỉ còn 78%, nhất là hồi tháng 12 năm 2021 và tháng 1 năm nay, khi virus biến thể Omicron lan tràn khắp nước Mỹ.

Hãng Pfizer xin chuẩn thuận liều booster dành cho những người từ 65 tuổi trở lên, trong khi liều booster mà hãng Moderna xin chuẩn thuận có thể dùng chung cho tất cả những người trưởng thành. Liều lượng của “liều booster thứ nhì” này cũng giống như “liều booster thứ nhất” – của Pfizer là 30 micrograms và của Moderna là 50 micrograms.

Ông Albert Bourla, Chủ Tịch Điều Hành Pfizer khi trả lời phỏng vấn trên chương trình “Face The Nation” của CBS đã nhấn mạnh: “Liều booster này rất cần thiết. Mặc dù 3 liều vaccine đã chích có thể giúp làm giảm rủi ro phải vào bệnh viện chữa trị cũng như rủi ro tử vong, nhưng tác dụng đó không kéo dài được lâu”.

Cũng cần nói rõ thêm, Cơ Quan FDA trước đây đã đặc biệt chuẩn thuận “liều booster thứ nhì” (cũng có thể gọi là liều vaccine thứ tư) cho những người từ 12 tuổi trở lên mà hệ miễn nhiễm bị suy yếu (immunocompromised), vì đang chữa trị ung thư, hoặc bị nhiễm HIV, hoặc đã qua giải phẫu ghép gan, thận v.v… Như vậy đối với thành phần này, liều booster vừa được chuẩn thuận hôm Thứ Ba 29 tháng 3 sẽ là “liều booster thứ ba” và cũng có thể gọi là liều vaccine thứ năm.

Thông cáo trên trang mạng của Trung Tâm CDC (www.cdc.gov) nói rõ: “Những người mà hệ miễn nhiễm bị suy yếu, cũng như những người từ 50 tuổi trở lên mà đã chích liều booster thứ nhất cách đây ít nhất 4 tháng, nay có thể chích thêm liều booster mRNA thứ nhì để giúp cơ thể gia tăng sức đề kháng chống lại bệnh Covid-19”. Thông cáo còn nói thêm: “Ngoài ra, dựa trên các dữ liệu mới được công bố, những người trưởng thành đã chích liều vaccine duy nhất của Johnson & Johnson và kế đó đã chích liều booster của Johnson & Johnson cách đây ít nhất 4 tháng, nay cũng có thể chích thêm liều booster mRNA thứ nhì”.

(Nguyên văn tiếng Anh: CDC is updating its recommendations to allow certain immunocompromised individuals and people over the age of 50 who received an initial booster dose at least 4 months ago to be eligible for another booster to increase their protection against severe disease from COVID-19. Separately and in addition, based on newly published data, adults who received a primary vaccine and booster dose of Johnson & Johnson’s Janssen COVID-19 vaccine at least 4 months ago may now receive a second booster dose using an mRNA COVID-19 vaccine).

Cùng ngày Thứ Ba 29 tháng 3, bác sĩ Rochelle Walensky, Giám đốc Trung Tâm CDC phổ biến thông cáo báo chí, khẳng định “tất cả những liều boosters đều an toàn” và khuyến khích những người trên 50 tuổi chích thêm liều booster thứ nhì sau khi đã chích liều booster thứ nhất cách đây 4 tháng. Bác sĩ Walensky nhấn mạnh: “Đây là điều đặc biệt quan trọng và giúp ích rất nhiều cho những người trên 65 tuổi, hoặc những người trên 50 tuổi mà vì mang sẵn các bệnh tiềm ẩn trong mình nên có thêm rủi ro mắc bệnh nặng nếu bị lây nhiễm Covid-19”.

Phố Nhỏ Online tổng hợp từ các nguồn: AP, Reuters, AFP, BBC, RFI, www.cdc.gov ngày 31/3/2022

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*