TỔNG THỐNG BIDEN ĐỌC THÔNG ĐIỆP LIÊN BANG 2022
Tối Thứ Ba 1 tháng 3 vừa qua, khi Tổng Thống Joe Biden đến Quốc Hội để đọc bài diễn văn “State of the Union” đầu tiên kể từ ngày ông nhậm chức, giới truyền thông ghi nhận đây cũng là lần đầu tiên sau hai năm trời mà những người có mặt trong hội trường không phải mang khẩu trang – theo sự hướng dẫn của Trung Tâm CDC vừa thông báo nới lỏng các biện pháp phòng chống đại dịch, vì số trường hợp lây nhiễm đã giảm rất nhiều trên toàn quốc.
Ngoài dấu hiệu lạc quan về tình hình Covid-19, các hãng thông tấn và cơ quan truyền thông còn nêu ra một số điểm đáng chú ý liên quan đến bài diễn văn Thông Điệp Liên Bang đầu năm 2022 như sau:
– Tổng Thống Biden mở đầu bằng lời mời cử tọa đứng lên để “gửi một tín hiệu không thể lầm lẫn đến Ukraine và thế giới, là tự do sẽ luôn luôn chiến thắng chủ nghĩa độc tài”. Theo lời mời, tất cả các Thượng Nghị Sĩ và Dân Biểu cả hai đảng cùng đứng dậy, vỗ tay reo hò và vẫy những lá cờ Ukraine hai màu xanh vàng, thể hiện tình đoàn kết với Ukraine trước tình hình chiến cuộc đang sôi bỏng. Vị khách mời danh dự được giới thiệu để nhận tràng pháo tay chào mừng của cử tọa là bà Oksana Markarova, Đại Sứ Ukraine tại Hoa Kỳ.
– Đề cập đến vấn đề Ukraine, Tổng Thống Biden nói rằng các biện pháp chế tài đã và đang làm tê liệt hệ thống kinh tế tài chánh của Nga, đẩy nước Nga vào thế cô lập, đồng thời khẳng định “chúng ta không đến châu Âu để chiến đấu ở Ukraine”, và quân đội Mỹ được huy động “chỉ với mục đích bảo vệ các quốc gia đồng minh trong Tổ Chức NATO trong trường hợp chiến sự lan rộng”. Ông loan báo quyết định “cùng với các quốc gia khác, chúng ta cấm các chuyến bay của Nga bay vào không phận của Mỹ”, và bày tỏ sự tin tưởng vào tinh thần chiến đấu kiên cường của quân dân Ukraine, “một dân tộc kiêu hãnh, vốn có 30 năm độc lập, đã nhiều lần chứng tỏ họ sẽ không tha thứ cho bất cứ ai muốn đẩy đất nước của họ lùi ngược về quá khứ”.
– Trong bài diễn văn 62 phút, ngoài vấn đề đối ngoại, Tổng Thống Biden cũng nói đến những thành tựu về mặt đối nội hơn một năm vừa qua, đồng thời trình bày những chính sách nhằm giải quyết một số vấn nạn mà chính phủ và người dân Mỹ đang phải đối phó, quan trọng nhất là tình hình lạm phát khiến giá cả mọi mặt hàng gia tăng, và mối đe dọa của đại dịch Covid-19 vẫn chưa hoàn toàn bị đẩy lui. Sau khi xác định “đối với tôi, kiểm soát giá cả là ưu tiên hàng đầu”, ông kêu gọi đẩy mạnh kế hoạch hạ thấp chi phí sản xuất: “Giảm chi phí, chứ không phải là giảm lương của quý vị. Nước Mỹ cần sản xuất thêm nhiều xe hơi và chất bán dẫn, cần cải thiện hạ tầng cơ sở và tăng cường năng lực sáng tạo. Thay vì dựa vào hệ thống cung ứng nước ngoài, chúng ta hãy thiết lập hệ thống cung ứng ngay ở Mỹ. Hàng hóa phải được di chuyển nhanh hơn, rẻ hơn. Và công ăn việc làm phải được tăng thêm nhiều nữa để cuộc sống ngày càng tốt đẹp”.
– Tổng Thống Biden đưa ra một số dấu hiệu lạc quan, cho thấy những tiến bộ mà chính phủ đã đạt được, như tạo ra 6.6 triệu công ăn việc làm mới, góp phần giúp nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ mau chóng nhất kể từ năm 1984 đến nay, hoặc thành tích phân phối hàng trăm triệu liều vaccine chống Covid-19, giúp nâng cao tỷ lệ chích ngừa của dân chúng và từ đó đẩy lui áp lực của đại dịch. Ông cũng nhắc đến việc đề cử bà Chánh Án Ketanji Brown Jackson là người phụ nữ gốc Phi Châu đầu tiên vào Tối Cao Pháp Viện nếu được Thượng Viện chuẩn thuận, đồng thời bày tỏ lời tri ân ông Stephen Breyer, vị Thẩm Phán vừa loan báo quyết định nghỉ hưu sau 28 năm phục vụ tại Tối Cao Pháp Viện.
– Một trong những lời phát biểu của Tổng Thống Biden được các nhà lập pháp cả hai đảng vỗ tay tán thưởng là khi ông nói đến vấn đề trị an và vai trò của cơ quan công lực: “Tất cả chúng ta đều phải đồng ý rằng câu trả lời không phải là ngưng cấp ngân sách cho ngành cảnh sát mà là cấp ngân sách cho ngành cảnh sát. Hãy tài trợ cho họ. Tài trợ cho họ bằng nguồn lực và bằng chương trình huấn luyện cần thiết, để họ chu toàn nhiệm vụ bảo vệ cộng đồng”.
– Một điểm khác trong bài diễn văn Thông Điệp Liên Bang cũng được tán thưởng là khi Tổng Thống Biden nói về nỗ lực đưa nước Mỹ “trở về với các sinh hoạt bình thường” sau hơn hai năm vất vả vì đại dịch Covid-19. Ông mong mỏi “Đã đến lúc những người dân Mỹ có thể trở lại nơi làm việc trước đây của họ, cũng như có thể rủ nhau đi dạo chơi và mua sắm”. Để sớm thực hiện điều đó, ông loan báo rằng mọi người đều có thể ghi tên để nhận thêm các bộ xét nghiệm miễn phí, đồng thời chính phủ đang khởi động chương trình mang tên “test to treat”, cung cấp miễn phí thuốc chữa trị Covid ngay tại các nhà thuốc tây cho những người đến xét nghiệm và có kết quả dương tính.
– Sau khi ông Biden kết thúc diễn văn Thông Điệp Liên Bang, Thống Đốc Kim Reynolds của tiểu bang Iowa thay mặt đảng Cộng Hòa đưa ra một số luận cứ phản biện. Bà Reynolds nói rằng Tổng Thống Biden hoàn toàn thất bại trong việc khống chế lạm phát cũng như kiểm soát tình trạng tội phạm ngày một gia tăng; và ngay cả về việc đối phó với đại dịch Covid-19, khi số trường hợp lây nhiễm giảm xuống, chính phủ Biden cũng đã không có những hành động mau chóng kịp thời để nới lỏng các biện pháp hạn chế và do đó đã gây bất mãn cho nhiều thành phần dân chúng.
TỔNG THỐNG BIDEN ĐỀ CỬ PHỤ NỮ DA ĐEN ĐẦU TIÊN VÀO TỐI CAO PHÁP VIỆN
Tổng Thống Joe Biden vừa thực hiện một lời hứa khi tranh cử là đề cử người phụ nữ da đen đầu tiên làm Thẩm Phán Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ.
Ứng viên được chọn là bà Ketanji Brown Jackson, Chánh Án Tòa Phúc Thẩm liên bang Địa Hạt thủ đô Washington (District of Columbia Circuit). Nếu được Thượng Viện chuẩn thuận, bà sẽ thay thế Thẩm Phán Stephen Breyer. Cách đây một tháng, ông Breyer, 83 tuổi, chính thức loan báo sẽ nghỉ hưu vào mùa Hè năm nay, sau 28 năm phục vụ tại tòa án tối cao của nước Mỹ.
Khi giới thiệu Chánh Án Jackson trước giới truyền thông tại Tòa Bạch Ốc hôm Thứ Sáu 25 tháng 2, Tổng Thống Biden nói rằng mục đích việc đề cử này nhằm mang lại tính chất đa dạng cho Tối Cao Pháp Viện, vốn là một định chế tư pháp mà suốt gần hai thế kỷ chỉ có các Thẩm Phán thuộc phái nam, da trắng, và do đó “đã đến lúc phải phản ánh toàn bộ tài năng và sự vĩ đại của đất nước chúng ta, để mang lại cho giới trẻ sự tin tưởng rằng một ngày nào đó họ cũng có cơ hội phục vụ đất nước ở cấp độ cao nhất”.
Tưởng cần nhắc lại, vị Thẩm Phán da đen đầu tiên của Tối Cao Pháp Viện là ông Thurgood Marshall (từ 1967 đến 1991), vị thứ nhì là ông Clarence Thomas (phục vụ từ 1991 đến nay). Về phái tính, trong số 112 Thẩm Phán đã từng hoặc đang phục vụ tại tòa tối cao, chỉ có 5 vị thuộc nữ giới, gồm các bà Sandra Day O’Connor, Ruth Bader Ginsburg, Sonia Sotomayor, Elena Kagan, Amy Coney Barrett, và trong số đó, chỉ riêng bà Sotomayor là có gốc Châu Mỹ La Tinh.
Tổng Thống Biden cho biết ông đã tham khảo ý kiến một số Thượng Nghị Sĩ cả hai đảng, cũng như các học giả và luật gia hàng đầu, để tìm người điền khuyết vị trí của Thẩm Phán Stephen Breyer – “một người mà, cũng như Thẩm Phán Breyer, có sự hiểu biết thực dụng rằng luật pháp phải phục vụ người dân Mỹ, có nhãn quan lịch sử để hiểu rằng Hiến Pháp Hoa Kỳ là một văn kiện kiên định về quyền tự do, có sự khôn ngoan để biết ơn bản Hiến Pháp đã bảo đảm những quyền tự do bất khả tương nhượng của con người mà xã hội chúng ta công nhận”. Từ quan điểm này, nữ Chánh Án Jackson được giới thiệu là một ứng viên “có cá tính mạnh mẽ, cách suy nghĩ độc lập, sự liêm khiết, căn bản đạo đức và tinh thần dũng cảm để bảo vệ những điều bà tin là chính đáng”.
Hiệp Hội Thanh Nữ Cơ Đốc Giáo (Young Women’s Christian Association tức YWCA), một trong những tổ chức thiện nguyện kỳ cựu – ra đời từ năm 1858, hiện có 215 chi nhánh trên toàn quốc – phổ biến thông cáo báo chí ngày 25 tháng 2, ca ngợi việc Tổng Thống Biden đề cử bà Ketanji Brown Jackson là “một sự kiện mang tính chất lịch sử”. Sau khi bày tỏ niềm hy vọng thủ tục chuẩn thuận sẽ diễn tiến thuận lợi, thông cáo viết “YWCA rất phấn khởi khi thấy Tối Cao Pháp Viện có những vị Thẩm Phán ủng hộ chúng tôi trong sứ mạng loại bỏ sự kỳ thị chủng tộc và tăng cường vai trò của phụ nữ”.
Nếu được chuẩn thuận, bà Jackson chẳng những sẽ là vị nữ Thẩm Phán da đen đầu tiên mà còn là luật sư công đầu tiên (public defender, đảm trách biện hộ cho các thân chủ không có khả năng tài chánh để trả tiền luật sư), nghĩa là khác với đa số các vị Thẩm Phán từng xuất thân biện lý hoặc luật sư của những tổ hợp danh tiếng trước khi trở thành Chánh Án và sau đó được đề cử vào Tối Cao Pháp Viện.
Năm nay 51 tuổi, bà Ketanji Onyika Brown chào đời ở Washington D.C. và trưởng thành ở Miami, Florida. Thân phụ của bà là một luật sư, thân mẫu là hiệu trưởng trường mỹ thuật NWSA ở Miami. Bà có một em trai là cựu quân nhân từng phục vụ ở chiến trường Iraq và nay cũng đang hành nghề luật sư. Chồng bà, bác sĩ giải phẫu Patrick Jackson, vốn là bạn học với bà ở Harvard College. Họ lập gia đình năm 1996 và có hai người con gái.
Năm 1992, sau khi tốt nghiệp luật khoa với cấp bằng danh dự tại Harvard University, bà Jackson lần lượt được nhận làm luật sư phụ tá (law clerk) cho hai vị Chánh Án Tòa Liên Bang (Patti B. Saris, Bruce Selya) và Thẩm Phán Stephen Breyer ở Tối Cao Pháp Viện.
Từ 2005 đến 2007, bà Jackson đảm nhiệm vai trò luật sư công tại Tòa Phúc Thẩm Địa Hạt thủ đô Washington. Sau đó bà là chuyên gia của tổ hợp luật sư Morrison & Foerster cho đến năm 2009 khi bà được Tổng Thống Barack Obama đề cử và Thượng Viện chuẩn thuận làm phó chủ tịch Hội Đồng Định Án (U.S. Sentencing Commission) – một cơ quan độc lập thuộc ngành tư pháp của chính phủ Hoa Kỳ, có nhiệm vụ hướng dẫn các tòa liên bang trên toàn quốc về việc ấn định bản án cho phạm nhân.
Qua năm 2012 bà được Tổng Thống Obama đề cử và Thượng Viện chuẩn thuận làm Chánh Án Tòa Liên Bang Địa Hạt thủ đô Washington, và giữ chức vụ này suốt 8 năm.
Năm 2021 bà Jackson được Tổng Thống Joe Biden đề cử và Thượng Viện chuẩn thuận làm Chánh Án Tòa Phúc Thẩm Liên Bang cùng địa hạt nói trên. Tỷ số biểu quyết tại phiên khoáng đại Thượng Viện ngày 14 tháng 6 năm 2021 là 53–44, bao gồm 50 phiếu thuận của các Nghị Sĩ đảng Dân Chủ và 3 phiếu thuận của các Nghị Sĩ đảng Cộng Hòa Susan Collins, Lisa Murkowski, Lindsey Graham.
THỦ TỤC CHUẨN THUẬN CÓ THỂ KẾT THÚC ĐẦU THÁNG 4
Tin tức cho biết bà Ketanji Brown Jackson đã được mời đến gặp Nghị Sĩ Charles Schumer (Trưởng Khối Đa Số đảng Dân Chủ) vào sáng Thứ Tư tuần này, sau đó bà sẽ gặp một số các vị Nghị Sĩ khác để trả lời những câu hỏi của họ, chuẩn bị cho thủ tục điều trần tại Ủy Ban Tư Pháp Thượng Viện và kế tiếp là tại phiên khoáng đại Thượng Viện.
Nghị Sĩ Dick Durbin, chủ tịch Ủy Ban Tư Pháp, nói với báo chí rằng ông hy vọng tiến trình chuẩn thuận – thường kéo dài từ 30 đến 40 ngày – sẽ kết thúc vào Thứ Sáu 8 tháng 4, trước khi các Nghị Sĩ rời thủ đô về tiểu bang nhà để tiếp xúc với cử tri (11 đến 22 tháng 4).
Do vị tân Thẩm Phán được đề cử để thay thế vị trí của Thẩm Phán Stephen Breyer, nên nếu được chuẩn thuận bà Jackson cũng sẽ không làm thay đổi cán cân ở tòa tối cao, hiện đang nghiêng về khuynh hướng bảo thủ với tỷ số 6–3. Sáu vị Thẩm Phán được coi là thuộc khuynh hướng bảo thủ gồm ông Chủ Tịch John Roberts, các ông Clarence Thomas, Samuel Alito, Neil Gorsuch, Brett Kavanaugh và bà Amy Coney Barrett. Ba vị Thẩm Phán được coi là thuộc khuynh hướng cấp tiến gồm ông Stephen Breyer, bà Sonia Sotomayor và bà Elena Kagan.
Liên quan đến cuộc biểu quyết sắp tới tại phiên khoáng đại Thượng Viện, vì kể từ năm 2017 việc chuẩn thuận Thẩm Phán Tối Cao Pháp Viện không còn bị ràng buộc bởi thủ tục “filibuster” đòi hỏi 60 phiếu thuận, do đó trên nguyên tắc nếu tỷ số phiếu là 50/50 thì Phó Tổng Thống Kamala Harris sẽ bỏ lá phiếu quyết định. Tuy nhiên đảng Dân Chủ vẫn hy vọng sẽ có được thêm phiếu thuận của các vị dân cử đảng Cộng Hòa, nhất là vì mới hồi năm 2021 đã có ba Nghị Sĩ Cộng Hòa bỏ phiếu chuẩn thuận bà Jackson làm Chánh Án Tòa Phúc Thẩm liên bang.
Tin tức tuần này ghi nhận ít nhất 4 vị dân cử đảng Cộng Hòa – Nghị Sĩ Susan Collins, Nghị Sĩ Mitt Romney, Nghị Sĩ Rob Portman, Nghị Sĩ Amy Klobuchar – khi trả lời giới truyền thông đã phát biểu một cách khá thuận lợi về bà Ketanji Brown Jackson. Ngược lại, Nghị Sĩ Lindsey Graham tỏ vẻ thất vọng khi thấy Tổng Thống Joe Biden đề cử bà Jackson thay vì lựa chọn một ứng viên từ tiểu bang nhà của ông (South Carolina) là bà Chánh Án J. Michelle Childs. Nghị Sĩ Graham dự đoán bà Jackson khi ra điều trần sẽ phải đối phó với sự chất vấn của những vị dân cử đảng Cộng Hòa vốn cho rằng bà tiêu biểu cho quan điểm “khuynh tả cấp tiến”, cũng như sẽ phải trả lời sự chỉ trích về một số phán quyết khi bà ngồi ghế Chánh Án.
Một thí dụ cụ thể là vào ngày 25 tháng 11 năm 2019 bà Jackson công bố phán quyết buộc cựu cố vấn Tòa Bạch Ốc Don McGahn phải cung cấp lời khai trước Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện trong cuộc điều tra liên quan đến nghi vấn chính phủ Nga can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016. Bộ Tư Pháp (dưới thời Tổng Thống Trump) kháng cáo phán quyết này, cuối cùng đến năm 2021 thì hai bên đạt được một thỏa thuận và ông McGahn đã cung cấp lời khai cho Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện.
Thí dụ gần đây nhất là vào ngày 9 tháng 12 năm 2021, bà Jackson cùng hai vị Chánh Án khác tại Tòa Phúc Thẩm (Patricia A. Millett và Robert L. Wilkins) công bố phán quyết bác bỏ thỉnh nguyện của cựu Tổng Thống Trump viện dẫn đặc quyền hành pháp để yêu cầu ngăn chận Cơ Quan Văn Khố Quốc Gia chuyển giao gần 800 trang hồ sơ điện đàm tại Tòa Bạch Ốc cho Ủy Ban Quốc Hội điều tra vụ bạo loạn ngày 6 tháng 1. Các luật sư đại diện cựu Tổng Thống Trump kháng cáo phán quyết của Tòa Phúc Thẩm lên Tối Cao Pháp Viện, nhưng đến ngày 19 tháng 1 năm 2022 đơn kháng cáo cũng bị tòa tối cao bác bỏ, và Ủy Ban Quốc Hội đã nhận được số hồ sơ này vào ngày 10 tháng 2.
Phố Nhỏ Online tổng hợp từ các nguồn: AP, Reuters, NPR, USA Today, The Hill ngày 3/3/2022
Be the first to comment