Cuộc Đổi Chác Mạnh Vãn Chu Và Ngoại Giao Con Tin Của Trung Quốc

Bà Mạnh Vãn Chu trở về Trung Quốc trên chuyến bay được chính phủ Trung Quốc thuê và được đón tiếp trọng thể với thảm đỏ và cờ hoa tại phi trường Thẩm Quyến tối ngày 25 tháng Chín vừa qua. Ảnh Jin Liwang/Xinhua via Getty Images

Sự kiện hai công dân Canada Michael Kovrig và Michael Spavor được trả tự do nhanh chóng sau một thỏa thuận ngoại giao chấm dứt việc truy tố và dẫn độ Mạnh Vãn Chu (Meng Wanzhou) của tập đoàn Huawei cho thấy một thực tế đáng ngại của cái gọi là “ngoại giao con tin” của đảng Cộng sản Trung Quốc.

Đài CNN gọi đây là “một dấu hiệu đáng lo ngại về một kỷ nguyên đối đầu siêu cường mới”. Còn báo The New York Times nói “Trung Quốc sử dụng chiến thuật chơi rắn: Bắt giữ người ngoại quốc”.

Câu chuyện bắt đầu từ Tháng Mười Hai năm 2018 khi bà Mạnh Vãn Chu – Giám đốc tài chính của tập đoàn Huawei Technologies Trung Quốc  – bị chính quyền Canada bắt ở phi trường Vancouver theo yêu cầu của chính phủ Hoa Kỳ. Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cho rằng, bà Mạnh cố tình che giấu quan hệ kinh doanh của Huawei với một công ty con tại Iran nhằm lừa đảo một ngân hàng, vi phạm lệnh cấm vận tài chính của Hoa Kỳ đối với quốc gia Hồi giáo này. Trong ba năm qua, bà Mạnh bị giam giữ tại gia ở Vancouver, chờ tòa án Canada quyết định xem bà ta có thể bị dẫn độ sang Hoa Kỳ theo yêu cầu của Washington hay không.

Vài ngày sau khi bà Mạnh bị bắt, trong một hành động được coi là gây áp lực buộc Canada phải thả bà ta, Bắc Kinh đã lập tức bắt giam ông Michael Kovrig, một cựu nhân viên ngoại giao và ông Michael Spavor, một doanh nhân; sau đó buộc hai người Canada này tội làm gián điệp. Ông Spavor bị tuyên án 11 năm tù giam tại một phiên tòa vào tháng trước, còn ông Kovrig đã bị đưa ra xử hồi Tháng Ba 2021 nhưng bản án chưa công bố.

Tuy đều bị giam giữ nhưng tại Canada bà Mạnh được tại ngoại hậu tra, được sống vương giả trong căn biệt thự trị giá $15 triệu của bà ta ở Vancouver với đội ngũ phục dịch đông đảo, đội luật sư biện hộ hùng hậu trong khi hai công dân Canada bị biệt giam trong nhà tù Trung Quốc, bị tra tấn và hành hạ dã man và các nhà ngoại giao Canada cũng không được thăm viếng. Sở dĩ có sự khác biệt đó là vì ở Canada, bà Mạnh là một nghi can trong một vụ án hình sự, được đối xử theo tinh thần nhân văn của nhà nước pháp quyền mà thẩm quyền tối cao thuộc về tòa án; còn hai ông Michaels là con tin trong một âm mưu chính trị, đối xử như thế nào là tùy vào ý thích của các quan chức đảng cộng sản.

Ngoài việc tùy tiện bắt người, Bắc Kinh còn trả đũa bằng cách hạn chế nhập cảng một số hàng hóa của Canada như dầu ăn canola và thịt gia súc. Quan hệ ngoại giao giữa Canada và Trung Quốc nhanh chóng xuống dốc.

* * *

Sau khi đạt được một thỏa thuận pháp lý phức tạp với các nhà chức trách Hoa Kỳ để hoãn truy tố, bà Mạnh đã trở về Trung Quốc và được chào đón trọng thể. Đối với Bắc Kinh, việc bà Mạnh được trả tự do sau cuộc chiến pháp lý kéo dài với Hoa Kỳ được coi là một chiến thắng ngoại giao vang dội, cần được tuyên truyền sâu rộng để kích thích chủ nghĩa dân tộc trong người dân Trung Quốc. Họ cho rằng, bà Mạnh là một nạn nhân vô tội của “cuộc đàn áp chính trị” của Hoa Kỳ nhằm bóp chết ngành công nghệ cao của Trung Quốc.

Tại “lễ đón” bà Mạnh, phi trường Thẩm Quyến tràn ngập người Trung Quốc vẫy cờ, khẩu hiệu và những bài ca cách mạng – còn trọng thể hơn đón các vĩ nhân, anh hùng. Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV đã làm một chương trình truyền hình trực tiếp kéo dài sáu tiếng đồng hồ cả trên sóng truyền hình và trên mạng xã hội, thu hút hơn 83 triệu lượt xem; con số này cao hơn gấp đôi so với 38 triệu lượt xem sự kiện phóng phi thuyền có người lái của Trung Quốc đưa ba phi hành gia vào không gian hồi Tháng Sáu. “Nếu không có đất mẹ hùng mạnh, tôi sẽ không có tự do của ngày hôm nay”, bà Mạnh viết trong một bài dài đăng trên mạng xã hội, được chia sẻ rộng rãi và được người dẫn chương trình truyền hình nhà nước đọc từng chữ.

Báo chí truyền thông nhà nước Trung Quốc nhấn mạnh thực tế bà Mạnh không nhận tội, nhưng bỏ qua sự thực rằng bà ta thừa nhận đã đánh lừa ngân hàng HSBC về mối quan hệ của Huawei với công ty Skycom Tech – công ty con của Huawei tại Iran. Các công tố viên Mỹ cáo buộc điều đó có thể khiến ngân hàng HSBC vi phạm lệnh trừng phạt của chính phủ Mỹ.

Tuyên truyền của Bắc Kinh ở trong nước hoàn toàn trái ngược với câu chuyện này ở nước ngoài vì truyền thông nước ngoài kết nối việc phóng thích bà Mạnh với việc Trung Quốc trả tự do và trục xuất “hai Michaels” công dân Canada. Từ trước tới nay, Trung Quốc luôn lập luận rằng việc Bắc Kinh bắt giữ và truy tố hai công dân Canada là do họ can tội “làm gián điệp”, không liên can gì tới vụ bà Mạnh. Trung Quốc cũng luôn lập luận rằng tập đoàn Huawei là một công ty công nghệ tư nhân, không liên quan gì tới guồng máy an ninh hay quân đội Trung Quốc như cáo buộc của các nước phương Tây.

Nhưng thực tế, việc Bắc Kinh bất ngờ và nhanh chóng trả tự do cho hai công dân Canada ngay sau khi bà Mạnh được hoãn truy tố cho thấy đây đúng là một cuộc đổi chác chính trị và hai công dân Canada chỉ không may trở thành con tin trong thủ đoạn gây sức ép của Bắc Kinh chứ không hề phạm cái gọi là “tội làm gián điệp”. Nhìn rộng ra, vụ “hai Michaels” là một phần trong một chiến thuật kéo dài của đảng Cộng sản Trung Quốc săn bắt công dân nước ngoài mỗi khi cần mặc cả với chính phủ các nước một cuộc đổi chác nào đó. Trước hai ông này, Trung Quốc đã từng bắt các công dân Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc và nhiều nước khác làm con tin để gây sức ép chính trị.

Ông Drew Thompson, một nhà nghiên cứu cao cấp tại Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore, nhận định với đài CNN: “Chủ nghĩa dân tộc mãnh liệt thể hiện ở Trung Quốc khi bà Mạnh được trả về là một dấu hiệu cho thấy chiến lược của Bắc Kinh đã thành công. Chúng ta nên mong đợi việc bắt các doanh nhân nước ngoài làm con tin là một đặc điểm thường xuyên của chính sách ngoại giao của Trung Quốc.”

* * *

Trong khi Bắc Kinh say sưa với chiến thắng của chủ nghĩa dân tộc, các chuyên gia nói rằng cuộc đổi chác này gây tổn hại trầm trọng cho danh tiếng quốc tế của Trung Quốc và mối quan hệ của họ với Canada, quốc gia mà họ có truyền thống quan hệ kinh doanh mạnh mẽ.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, 73% người Canada được khảo sát năm nay có quan điểm tiêu cực về Trung Quốc – so với 40% trong năm 2017. Căng thẳng chính trị giữa Ottawa và Bắc Kinh cũng gia tăng. Hồi Tháng Hai, Quốc hội Canada đã thông qua đề nghị tuyên bố Trung Quốc thực hiện hành vi diệt chủng đối với người thiểu số Duy Ngô Nhĩ theo Hồi giáo của nước này. Một tháng sau đó, Canada cùng với Hoa Kỳ và các đồng minh khác trừng phạt hai quan chức Trung Quốc vì “vi phạm nhân quyền nghiêm trọng” đối với người Duy Ngô Nhĩ. Trung Quốc đã bác bỏ các cáo buộc.

Vụ đổi chác góp phần vạch trần sự dối trá của Bắc Kinh về mối quan hệ của tập đoàn Huawei với quân đội Trung Quốc. Chính phủ Hoa Kỳ từ lâu đã cáo buộc Huawei phục vụ cho tình báo Trung Quốc, theo dõi và thu thập thông tin mật từ các nước qua mạng viễn thông – một điều mà Bắc Kinh cực lực bác bỏ. Washington đã cấm các công ty công nghệ Mỹ cung cấp sản phẩm công nghệ cho Huawei và vận động các đồng minh cấm Huawei tham gia xây dựng mạng viễn thông 5G. Vụ bà Mạnh cho thấy, nếu Huawei chỉ là một công ty công nghệ tư nhân bình thường như Trung Quốc nói thì liệu Bắc Kinh có tìm đủ mọi cách gây áp lực với Canada, đánh đổi cả quan hệ giữa hai nước, để bà ta được thoát án tù hay không. Hành động của Trung Quốc cho thấy bản chất của Huawei không đơn giản là một công ty tư nhân hoạt động vì lợi nhuận như họ vẫn thường rêu rao và lời tố cáo của Hoa Kỳ rằng Huawei hoạt động gián điệp cho tình báo Trung Quốc là có căn cứ.

Vụ đổi chác bà Mạnh với hai Michaels sẽ không giúp Huawei hoặc Bắc Kinh tránh được các lệnh trừng phạt nặng nề mà Washington đã ban hành. Cho dù Mạnh có được thả ra thì Huawei cũng sẽ không sớm được giao dịch với các tập đoàn công nghệ Mỹ, không được bán sản phẩm tại Mỹ cũng như không được tham gia xây dựng mạng viễn thông 5G tại Hoa Kỳ và các đồng minh của Mỹ.

* * *

Vụ bà Mạnh một lần nữa xác nhận Trung Quốc sẵn sàng làm bất cứ điều gì cần thiết – bất chấp luật pháp và đạo lý – để đạt được ý đồ của mình. Và đó là hồi chuông cảnh tỉnh cho giới doanh nhân và công dân các nước đã hoặc có ý định đến Trung Quốc làm ăn, du lịch. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã cảnh báo công dân Mỹ nên thận trọng tối đa khi đến Trung Quốc và tránh những chuyến đi không thật cần thiết. Những ai có ý định đi xem Vạn Lý Trường Thành hoặc thưởng thức món vịt quay Bắc Kinh chính hiệu sẽ phải suy nghĩ kỹ. Không ai biết trước liệu mình có trở thành nạn nhân của “ngoại giao con tin” của Bắc Kinh hay không. “Mặc dù xác suất bị bắt giam là rất thấp, nhưng nếu nó xảy ra, thì hậu quả là hết sức khủng khiếp… Nếu bạn là một người suy tính hợp lý, bạn sẽ rất lo lắng [khi định đến Trung Quốc],” giáo sư Donald C. Clarke ở Trường Luật Đại học George Washington, nói.

Tuy nhiên, Bắc Kinh dường như coi trọng việc kích động chủ nghĩa dân tộc trong dân chúng để củng cố quyền lực của đảng Cộng sản Trung Quốc hơn là hình ảnh quốc tế của nước này, ông Tập Cận Bình muốn thế giới sợ hãi Trung Quốc hơn là mến mộ một đất nước văn minh và thịnh vượng.

Hiếu Chân
Theo SGN News ngày 28 tháng 9, 2021

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*