San José Chính Thức Xin Lỗi Vụ Đốt Khu Phố Tàu Năm 1887 Và Ngược Đãi Người Gốc Hoa

Cordelia Larsen và George McTernan, ở San Jose, từ trái sang, tham dự một buổi cầu nguyện chống lại sự căm thù của người châu Á tại Công viên Madison của Khu Phố Tàu ở trung tâm thành phố Oakland, California, vào thứ Ba, ngày 23 tháng Ba năm 2021, đánh dấu kỷ niệm một tuần sau vụ sát hại tám người tại spa Atlanta, sáu người trong số đó là phụ nữ châu Á – Ảnh: Jane Tyska/Digital First Media/East Bay Times/Getty Images

Hội đồng thành phố San José dự kiến thông qua một nghị quyết hôm Thứ Ba, 28 Tháng Chín, chính thức xin lỗi cộng đồng người Mỹ gốc Hoa vì hành vi ngược đãi người nhập cư Trung Hoa và đốt cháy Khu phố Tàu năm 1887.

San José từng là nơi tọa lạc của một trong những Khu phố Tàu lớn nhất California, những kẻ đốt phá đã thiêu rụi nó vào năm 1887 trong một thời kỳ chống người Trung Hoa dữ dội.

San José – thành phố lớn nhất vùng Bắc California – sẽ phải chính thức xin lỗi những người nhập cư Trung Hoa và con cháu của họ, thừa nhận và xin lỗi về những điều mà thành phố này đã gây ra trong “chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, bài ngoại và phân biệt đối xử có hệ thống và thể chế”.

Nghị quyết cho biết: “Một lời xin lỗi về những bất công và đau buồn không thể xóa bỏ quá khứ, nhưng việc thừa nhận những hành động sai trái đã xảy ra trong lịch sử có thể giúp chúng ta giải quyết các vấn đề quan trọng về phân biệt chủng tộc mà nước Mỹ ngày nay phải đối mặt.”

Vào Tháng Năm, thành phố Antioch đã xin lỗi vì đã ngược đãi người nhập cư Trung Hoa – những người đã xây dựng đường hầm để đi làm về, vì họ bị cấm đi bộ trên đường sau khi trời tối.

Những lời xin lỗi được đưa ra trong bối cảnh làn sóng tấn công cộng đồng châu Á kể từ khi đại dịch bùng phát vào năm ngoái. Các thành phố khác, đặc biệt là ở Tây Bắc Thái Bình Dương, đã đưa ra lời xin lỗi trong nhiều thập kỷ qua. California cũng đã xin lỗi công nhân Trung Hoa vào năm 2009 và Quốc hội đã xin lỗi về Đạo luật loại trừ người Trung Hoa, được thông qua vào năm 1882 khiến người dân Trung Hoa trở thành mục tiêu của luật đầu tiên của quốc gia hạn chế nhập cư dựa trên chủng tộc hoặc quốc tịch.

San José có năm Khu phố Tàu nhưng khu phố lớn nhất được xây dựng vào năm 1872. Năm năm sau, hội đồng thành phố tuyên bố đây là khu phố gây phiền toái cho cộng đồng và nhất trí thông qua lệnh dỡ bỏ để nhường chỗ cho Tòa thị chính mới. Trước khi các quan chức hành động, Khu phố Tàu thịnh vượng đã bị thiêu rụi bởi các cuộc đốt phá, thiêu hủy hàng trăm ngôi nhà, cơ sở kinh doanh và khiến khoảng 1,400 người phải di tản.

Người Trung Hoa bắt đầu đến California với số lượng lớn trong thời kỳ Cơn sốt vàng vào giữa những năm 1800. Họ đã làm việc trong các hầm mỏ, xây dựng đường sắt xuyên lục địa, làm việc trong các trang trại và góp phần phát triển ngành công nghiệp bào ngư và tôm. Vào năm 1870, có khoảng 63,000 người gốc Trung Hoa ở Hoa Kỳ, 77% trong số họ cư trú ở California, theo số liệu của nghị quyết.

Những người nhập cư Trung Hoa phải đối mặt với nạn phân biệt chủng tộc và bị buộc phải rời khỏi thị trấn. Họ bị từ chối quyền sở hữu tài sản, không cho phép kết hôn với người da trắng và con em họ không được học trường công. Họ cũng phải chịu bạo lực, đe dọa và từ chối sự bảo vệ bình đẳng từ tòa án.

Tại San José, một nhà thờ nơi người nhập cư Trung Hoa đến học ngày Chúa Nhật bị thiêu rụi. Đại hội cấp tiểu bang đầu tiên của Liên đoàn Chống Trung Hoa được tổ chức ở đó vào năm 1886, theo nghị quyết.

Connie Young Yu, một nhà sử học và là tác giả của Chinatown, San Jose, Mỹ, cho biết ông nội của cô là một thiếu niên tị nạn sau trận hỏa hoạn năm 1887. Cha cô sinh ra ở khu phố Tàu cuối cùng được xây dựng ở San José. Cộng đồng được thành lập ở một địa điểm mới với sự giúp đỡ của người nhập cư Đức John Heinleln, bất chấp những mối đe dọa đến tính mạng của anh ta.

Người Hoa tại Khu phố Tàu San Francisco, California, biểu tình yêu cầu chấm dứt bạo lực, tháng ba, 2021 – Minh họa: Jason Leung/Unsplash

Yu cho biết lời xin lỗi chính thức mang lại cho cô một “cảm giác hòa giải to lớn và cảm giác bình yên”. “Đây không phải là một lời xin lỗi. Đó là trách nhiệm, đó là một điều tốt đẹp đối với chúng tôi”, Yu nói thêm.

Gerrye Wong, người đã giúp thành lập Dự án Lịch sử và Văn hóa Trung Hoa ở San José, cho biết cô, Yu và các thành viên khác trong cộng đồng sẽ chính thức chấp nhận lời xin lỗi tại một buổi lễ hôm Thứ Tư gần Khách sạn Fairmont ở trung tâm thành phố San José, nơi được xây lại dựng Khu Phố Tàu bị phá hủy đã từng tồn tại.

Wong, một giáo viên đã nghỉ hưu, cho biết lời xin lỗi là một khoảnh khắc cần đưa vào giáo trình giảng dạy vì môn lịch sử này không có trong sách giáo khoa hoặc cần được giảng dạy trong trường học từ cấp tiểu học

“Bản thân là một người Mỹ gốc Hoa thế hệ thứ tư, tôi không hề biết điều này và các thế hệ gốc Hoa trước nay cũng chưa bao giờ nói về nó”, cô nói thêm.

“Trong tình hình nỗ lực chống lại sự căm thù người gốc Á từ đại dịch vừa qua, đây là một bước tiến lớn vì nó sẽ thu hút sự chú ý không chỉ đối với những khó khăn của chúng tôi gặp phải, mà còn nhắc nhở về những gì cộng đồng người gốc Hoa đã đóng góp cho đất nước này.”

Tường Vy
Theo SGN News ngày 28 tháng 9, 2021

(Bài: Rebecca Klapper của Newsweek)

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*