Lại Bùng Nổ Tranh Chấp Pháp Lý Về Quyền Phá Thai – Richmond Dỡ Bỏ Tượng Đài Tướng Lee

LẠI BÙNG NỔ TRANH CHẤP PHÁP LÝ VỀ QUYỀN PHÁ THAI

Việc bênh hay chống quyền phá thai của phụ nữ – vốn là một chủ đề gây chia rẽ dân chúng Hoa Kỳ từ nhiều thập niên và đã làm xôn xao dư luận hồi cuối năm 2020 khi cựu Tổng Thống Donald Trump bổ nhiệm thêm một Thẩm Phán bảo thủ vào Tối Cao Pháp Viện – lại vừa trở thành tin “nóng” trong tuần này, báo hiệu những vụ tranh chấp pháp lý đầy sôi nổi và nhiều cuộc biểu tình có thể sắp diễn ra khắp nơi.

Các sự kiện dồn dập hôm Thứ Năm 2 tháng 9 và Thứ Sáu 3 tháng 9 cho thấy hai quan điểm “pro-choice” (bảo vệ quyền phá thai của phụ nữ) và “pro-life” (bảo vệ mạng sống của thai nhi) chắn chắn sẽ là đề tài cho chiến dịch vận động tranh cử từ 2022 đến 2024, ảnh hưởng đến tương lai chính trị của các vị đại diện dân cử tại 50 tiểu bang, Quốc Hội liên bang và ngay cả Tòa Bạch Ốc.

Sự kiện gây chú ý nhiều nhất là vào khuya Thứ Tư, Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ công bố phán quyết với tỷ lệ 5-4, bác bỏ đơn kiện khẩn cấp của những cơ sở cung cấp dịch vụ phá thai ở Texas yêu cầu ngăn chận thi hành đạo luật SB8, hay nói cách khác là cho phép luật này được áp dụng. Năm vị Thẩm Phán thuộc khuynh hướng bảo thủ của Tòa Tối Cao (Samuel Alito, Clarence Thomas, Neil Gorsuch, Brett Kavanaugh, Amy Coney Barrett) bỏ phiếu thuận, ba vị Thẩm Phán thuộc khuynh hướng cấp tiến (Elena Kagan, Sonia Sotomayor, Stephen Breyer) cùng với Chủ Tịch John Roberts bỏ phiếu chống.

Đạo luật SB8 (TX Senate Bill 8) được Thống Đốc Greg Abbott của đảng Cộng Hòa ký ban hành hồi tháng 5 và có hiệu lực từ 1 tháng 9. Luật ngăn cấm phá thai khi bắt đầu phát giác nhịp tim của thai nhi – nghĩa là lúc người phụ nữ mang thai được 6 tuần lễ – và không chấp nhận các biệt lệ như mang thai do bị cưỡng hiếp hoặc do quan hệ loạn luân. Đồng thời luật cho phép bất cứ người dân nào, miễn không phải là viên chức chính phủ, có quyền khởi kiện những người phạm luật qua việc cung cấp hoặc hỗ trợ dịch vụ phá thai, để được bồi thường ít nhất $10,000 dollars nếu thắng kiện, và không phải trả tụng phí cho luật sư nếu thua kiện. Tuy nhiên chính những sản phụ đi phá thai thì sẽ không bị khởi kiện.

Tối Cao Pháp Viện viết rằng phán quyết “không dựa trên kết luận là luật SB8 của Texas có hợp hiến hay không, và cũng không hạn chế các vụ tranh tụng khác để chống lại luật SB8”. Tuy nhiên các chuyên gia pháp luật cho rằng phán quyết này sẽ mở đường cho những tiểu bang bảo thủ khác tìm cách siết chặt việc ngăn cấm phá thai bằng các đạo luật tương tự, đồng thời đây cũng là dấu hiệu cho thấy Tối Cao Pháp Viện – với các vị Thẩm Phán thuộc khuynh hướng bảo thủ hiện đang chiếm đa số – có thể sẽ tiến đến việc đảo ngược luôn cả án lệ Roe v. Wade năm 1973 công nhận quyền phá thai của phụ nữ.

Các bản tin thông tấn cho biết luật SB8 của Texas có thể tác động đến hàng ngàn phụ nữ, đặc biệt là các thiếu niên, phụ nữ da màu và phụ nữ vùng nông thôn. Theo thống kê năm 2020, những cơ sở cung cấp dịch vụ phá thai ở Texas đã thực hiện khoảng 54,000 vụ phá thai, trong đó 85% (trên 45,000 vụ) là cho các sản phụ mang thai 8 tuần hoặc dưới 8 tuần. Phe bảo vệ quyền phá thai cho rằng luật SB8 là nỗ lực ngăn cấm phá thai triệt để nhất từ trước tới nay vì đặt ra nguyên tắc “bắt đầu phát giác nhịp tim của thai nhi” vào tuần lễ thứ 6, là thời điểm rất nhiều phụ nữ chưa biết là họ đã mang thai.

Hôm Thứ Năm 2 tháng 9, Tổng Thống Joe Biden lên tiếng chỉ trích phán quyết của Tối Cao Pháp Viện cho phép thi hành luật SB8, và Tòa Bạch Ốc phổ biến thông cáo báo chí nói rằng “toàn thể chính phủ liên bang sẽ cân nhắc và nỗ lực thực hiện các biện pháp để giúp đỡ những phụ nữ tại tiểu bang Texas được tiếp tục dịch vụ phá thai hợp pháp và an toàn theo tinh thần án lệ Roe v. Wade”.

Nếu phán quyết của Tối Cao Pháp Viện hồi khuya Thứ Tư được coi như một bước thắng lợi cho những người theo quan điểm chống phá thai, thì qua đến sáng Thứ Sáu, lại đến lượt những người ủng hộ quyền phá thai hoan nghênh phán quyết của một vị Chánh án ngăn chận vụ kiện nhắm vào các nhân viên y tế cung cấp dịch vụ phá thai ở Texas.

Chánh Án Maya Guerra Gamble của Tòa Liên Bang Địa Hạt 459 ở quận hạt Travis của tiểu bang Texas ra phán quyết tạm thời ngăn chận tổ chức Texas Right to Life khởi tố các bác sĩ và nhân viên làm việc tại những cơ sở thuộc tổ chức bất vụ lợi Planned Parenthood mà nhóm chống phá thai này cho là vi phạm luật SB8.

Sau khi thụ lý và cứu xét đơn kiện do Planned Parenthood đệ nạp một ngày trước đó, Chánh Án Gamble tuyên bố rằng nếu bị khởi tố, tổ chức bất vụ lợi này “sẽ phải đối diện với những thiệt hại có thể xảy ra ngay tức thời và không thể hàn gắn”. Trong đơn kiện, các luật sư đại diện Planned Parenthood lý luận rằng “đạo luật SB8 muốn thay thế các quy luật tố tụng dân sự thông thường và cố tình giải thích sai lạc những điều khoản trong Hiến Pháp với mục đích áp đặt tối đa bản chất sách nhiễu của các vụ khởi tố khiến cho đối phương không thể biện hộ một cách công bằng”.

Chánh Án Maya Guerra Gamble nhấn mạnh rằng việc tạm thời ngăn chận khởi tố không phải chỉ áp dụng riêng đối với tổ chức chống phá thai Texas Right to Life, mà cho “bất cứ cá nhân hoặc nhóm nào hợp tác với họ”. Tuy nhiên phán quyết ghi rõ là chỉ nhắm đến các tụng phương chứ không phải vô hiệu hóa đạo luật SB8. Ngày đầu tiên để các tụng phương đối chất trước tòa được ấn định là 13 tháng 9.

Bà Elizabeth Graham, giám đốc Texas Right to Life, phổ biến thông cáo báo chí ngay sau khi có phán quyết trên đây, nói rằng tổ chức này sẽ vẫn tiếp tục những việc họ đang làm: “Planned Parenthood có thể nộp đơn kiện chúng ta, nhưng Texas Right to Life sẽ không bao giờ lùi bước trong nỗ lực bảo vệ các sản phụ và thai nhi, chống lại hành động phá thai”.

Texas là một trong 14 tiểu bang, với khuynh hướng bảo thủ chiếm đa số tại Nghị Viện, đã ban hành luật siết chặt quy định về phá thai kể từ khi người phụ nữ mang thai được 8 tuần hay dưới 8 tuần. Hầu hết đều đưa tới những vụ tranh chấp pháp lý chưa ngã ngũ. Ở một số tiểu bang khác, tòa án đã ra phán quyết ngăn chận các đạo luật cấm phá thai sớm – như Alabama, Georgia, Iowa, Kentucky, Louisiana, Mississippi, Missouri, North Dakota, Ohio, South Carolina, Tennessee, Utah.

Về mặt dư luận, kết quả thăm dò mới nhất của Reuters/Ipsos cho thấy có tới 52% dân chúng Mỹ nói rằng quyền phá thai nên được hợp pháp hóa, so với 36% dân chúng Mỹ nói rằng luật pháp nên cấm phá thai. Đa số cử tri bỏ phiếu cho đảng Dân Chủ ủng hộ quyền phá thai vì cho rằng đây là quyền tự do cá nhân của người phụ nữ mà án lệ Roe v. Wade đã công nhận, ngược lại đa số cử tri bỏ phiếu cho đảng Cộng Hòa phản đối phá thai vì cho rằng cần bảo vệ mạng sống của thai nhi.

RICHMOND DỠ BỎ TƯỢNG ĐÀI TƯỚNG ROBERT E. LEE

Lúc 9 giờ sáng Thứ Tư 8 tháng 9 tại thủ phủ Richmond của tiểu bang Virginia, nhiều đám đông tụ tập phía trước tượng đài Tướng Robert E. Lee trong công viên Monument Avenue, reo hò hoan hô các công nhân xây dựng khi họ dùng cần trục và dây kéo để dỡ bỏ pho tượng đã an vị tại đây từ hơn một thế kỷ qua.

Đoạn video quay trực tiếp và đưa lên mạng xã hội cho thấy Cảnh Sát phong tỏa nhiều con đường chung quanh công viên, đồng thời yêu cầu Cơ Quan Kiểm Soát Không Lưu ra lệnh cấm các máy bay không người lái của tư nhân bay ngang khu vực này vào sáng Thứ Tư. Việc dỡ bỏ kéo dài gần một tiếng đồng hồ. Tin tức ghi nhận không có cuộc biểu tình nào xảy ra trong thời gian đó.

Pho tượng Tướng Robert E. Lee cưỡi ngựa được đúc bằng đồng, cao 21 feet tức 6 mét, đặt trên chiếc bệ cao 40 feet. Tượng được khánh thành vào ngày 29 tháng 5 năm 1890 để vinh danh vị tướng chỉ huy Liên Quân Miền Nam (Confederacy) trong cuộc Nội Chiến Nam Bắc 1861-1865.

Từ thập niên 1900 khu Monument Avenue được mở rộng và đón nhận thêm 4 pho tượng của các nhân vật lãnh đạo Miền Nam thời Nội Chiến, gồm Tổng Thống Jefferson Davis, Tướng J.E.B. Stuart, Tướng “Stonewall” Jackson và sĩ quan Hải Quân Matthew Fontaine Maury. Pho tượng sau cùng được an vị năm 1996 là của Arthur Ashes, tay vợt tennis cựu vô địch thế giới, sinh trưởng tại Richmond.

Mùa hè năm 2020, khi phong trào “Black Lives Matter” bùng phát rồi lan rộng khắp nước để phản đối hành vi bạo lực và kỳ thị của cảnh sát đưa tới cái chết của George Floyd ở Minneapolis, nhiều cuộc biểu tình ôn hòa cũng như bạo động đã diễn ra tại công viên Monument Avenue, phản ánh luồng dư luận cho rằng những tượng đài dành cho các danh nhân Miền Nam thời Nội Chiến đều mang ý nghĩa đề cao chủ thuyết da trắng thượng đẳng, gợi nhắc đến một giai đoạn quá khứ không mấy tốt đẹp trong lịch sử Hoa Kỳ khi người da đen bị bắt làm nô lệ, bị tàn sát, kỳ thị và đàn áp.

Mùa hè 2020 cũng là lúc để nhiều người nhớ lại sự kiện một người biểu tình quá khích lái xe đâm chết một phụ nữ (Heather Heyer) khi cuộc biểu tình “Unite the Right” nổ ra hồi tháng 8 năm 2017 ở Charlottesville, Virginia. Do vụ này, tượng đài Tướng Lee ở Charlotteville nhiều lần bị phá hoại và gây tranh cãi, sau đó Hội Đồng Thành Phố Charlottesville ra lệnh dỡ bỏ tượng đài vào tháng 7 năm 2020.

Cùng thời điểm nói trên, Thống Đốc Ralph Northam loan báo ý định dỡ bỏ tượng đài Tướng Lee tại thủ phủ Richmond. Ngay sau đó ông Levar Stoney, Thị Trưởng thành phố Richmond thông báo thực hiện kế hoạch dỡ bỏ các pho tượng trong công viên Monument Avenue, bắt đầu với tượng “Stonewall” Jackson (ngày 1 tháng 7), tiếp đó là tượng Matthew Maury (ngày 2 tháng 7), và tượng J. E. B. Stuart (ngày 7 tháng 7 năm 2020).

Riêng tượng đài của Tướng Robert E. Lee thì gặp trở ngại, vì một nhóm cư dân Richmond nộp đơn khởi tố, viện dẫn một hợp đồng thuê đất năm 1890 và quyết nghị của Nghị Viện Virginia năm 1889 ngăn cấm Thống Đốc dỡ bỏ các kiến trúc trong khu vực thuộc tài sản tiểu bang. Tin tức ghi nhận là khi thăm dò ý kiến các cư dân quanh khu công viên Monument Avenue, chỉ có vài người muốn ngăn cản kế hoạch của Thống Đốc Northam, trong khi có tới 95% (50 gia đình) tán đồng việc dỡ bỏ tượng đài.

Vụ tranh tụng kéo dài đến ngày 2 tháng 9 vừa qua thì Tối Cao Pháp Viện Virginia ra phán quyết bác bỏ luận cứ của nguyên đơn và án lệnh của tòa dưới. Nhờ đó, việc dỡ bỏ tượng đài cuối cùng đã được xúc tiến hôm Thứ Tư tuần này.

Như vậy, pho tượng duy nhất còn lại ở Monument Avenue – và theo nhận định của Thị Trưởng Levar Stoney thì chắc chắn sẽ ở đó lâu dài – là tượng của danh thủ quần vợt Arthur Ashe, người Mỹ da đen sinh trưởng tại Richmond.

Được biết sau khi dỡ bỏ, các công nhân xây dựng đã dùng cưa máy cắt pho tượng Tướng Robert E. Lee làm hai mảnh để có thể chuyên chở bằng xe vận tải đến một nhà kho của tiểu bang. Bệ của tượng đài vẫn tạm thời ở chỗ cũ, trong khi chờ đợi Nghị Viện Virginia thảo luận các kế hoạch bảo tồn di sản cũng như tân trang khu công viên Monument Avenue.

Thống Đốc Ralph Northam nói rằng việc dỡ bỏ pho tượng của vị tướng chỉ huy Liên Quân Miền Nam trong cuộc Nội Chiến Nam Bắc “đánh dấu một ngày mới cho tiểu bang Virginia”, vì theo ông, giai đoạn lịch sử đó “không phải là điều để chúng ta hãnh diện”.

Từ Charlottesville, cư dân Zyahna Bryant, người đầu tiên nộp đơn xin Hội Đồng Thành Phố dỡ bỏ pho tượng Tướng Robert E. Lee hồi năm 2016 (khi cô còn là một nữ sinh trung học), nói trên đài CSBN rằng việc dỡ bỏ tượng đài của những nhân vật lãnh đạo Miền Nam thời Nội Chiến không phải là hành động “xóa bỏ lịch sử” như lời chỉ trích của một số người, mà chỉ là xóa đi những vết nhơ trong lịch sử, vì “chúng ta không muốn dành chỗ để cổ xúy cho chủ thuyết da trắng thượng đẳng”.

Phố Nhỏ Online tổng hợp từ các nguồn AP, Reuters, CBS News, USA Today ngày 9/9/2021

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*