CDC: “Dù Đã Chích Ngừa Vẫn Nên Mang Khẩu Trang” – Vụ Bỏ Phiếu Bãi Nhiệm Thống Đốc California

CDC KHUYẾN CÁO: DÙ ĐÃ CHÍCH NGỪA VẪN NÊN MANG KHẨU TRANG

Hai tháng trước đây, vào ngày 14 tháng 5, Trung Tâm Phòng Chống Dịch Bệnh (CDC) ra thông cáo nói rằng những người đã chích ngừa đầy đủ có thể khỏi cần mang khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn trong hầu hết mọi sinh hoạt. Thế nhưng trước sự hoành hành của virus biến thể Delta đe dọa đại dịch Covid-19 sẽ bùng phát trở lại, hôm Thứ Ba 27 tháng 7 Trung Tâm CDC vừa phổ biến bản hướng dẫn mới, khuyến cáo rằng ngay cả những người đã chích ngừa cũng vẫn nên mang khẩu trang khi vào các cơ sở công cộng ở một số khu vực mà tình hình lây nhiễm đang gia tăng.

CDC cũng đề nghị mọi giáo chức, học sinh, nhân viên nhà trường và những người từ bên ngoài đến thăm các trường học trên toàn quốc hãy mang khẩu trang, bất kể đã chích ngừa hay chưa. CDC cho biết bản hướng dẫn này dựa trên những dữ liệu mới cho thấy virus biến thể Delta có thể lây lan luôn cả đối với những người đã chích ngừa đầy đủ.

Để biết thêm chi tiết về tình hình lây nhiễm tại từng quận hạt của từng tiểu bang trên nước Mỹ, xin quý độc giả tham khảo trang mạng của Trung Tâm CDC: https://covid.cdc.gov.

Khuyến cáo mới của CDC được áp dụng cho tất cả những quận hạt nào mà tuần lễ vừa qua đã ghi nhận cứ mỗi 100,000 cư dân lại có thêm ít nhất 50 trường hợp mới lây nhiễm – nghĩa là bao gồm tới 60% các quận hạt trên toàn quốc. Theo số liệu cập nhật của CDC thì con số những người mới bị lây nhiễm tăng cao nhất ở miền Nam và Tây Nam nước Mỹ. Gần như quận hạt nào của ba tiểu bang Arkansas, Louisiana và Florida cũng rơi vào trường hợp này.

Bản tin thông tấn AP ghi nhận rằng bản hướng dẫn mới về việc mang khẩu trang được CDC đưa ra ngay sau khi chính quyền địa phương tại quận hạt Los Angeles của California và quận hạt St. Louis của Missouri cùng quyết định quay trở lại với biện pháp bắt buộc mang khẩu trang trong các cơ sở công cộng, nhằm đối phó với tình trạng tăng vọt số trường hợp lây nhiễm Covid-19 cũng như số người phải điều trị tại bệnh viện. Thống kê mới nhất cho thấy trung bình mỗi ngày trên toàn quốc có thêm 57,000 người bị xác nhận dương tính và 24,000 người vào bệnh viện để chữa trị Covid-19.

Bác sĩ Rochelle Walensky, giám đốc CDC, nói rằng phần lớn các trường hợp mới bị lây nhiễm là thuộc thành phần chưa chích ngừa. Tuy nhiên vẫn có thể xảy ra trường hợp những người đã chích ngừa cũng bị lây nhiễm (gọi là breakthrough infections), mặc dù nếu bị nhiễm thì bệnh trạng của họ cũng nhẹ hơn và ít khi họ truyền bệnh cho người khác. Theo số liệu của CDC thì tính đến ngày 12 tháng 7, trong số 159 triệu người Mỹ đã chích ngừa đầy đủ, có 5,492 người bị xét nghiệm dương tính với coronavirus – một tỷ lệ rất nhỏ.

Bác sĩ Walensky nói thêm, vì virus biến thể Delta (B.1.617.2) lan tràn với mức độ mạnh mẽ hơn coronavirus nguyên thủy (SARS-CoV-2), cho nên nếu chỉ dựa trên các triệu chứng viêm mũi và cổ họng thì bác sĩ khó xác định được là những người đã chích ngừa mà bị xét nghiệm dương tính có lây nhiễm virus biến thể Delta hay không. Vì vậy, bác sĩ Wallensky thừa nhận rằng họ “vẫn có tiềm năng truyền bệnh cho người khác”. Và đó là lý do Trung Tâm CDC phải khuyến cáo những người đã chích ngừa vẫn nên mang khẩu trang.

Ngay từ hôm Thứ Ba 27 tháng 7, Tòa Bạch Ốc đã lập tức áp dụng khuyến cáo của CDC, yêu cầu tất cả mọi nhân viên cũng như phóng viên ký giả tham dự các cuộc họp báo trong Tòa Bạch Ốc phải mang khẩu trang, và nhắc nhở rằng số liệu thống kê mới nhất của CDC cho thấy coronavirus đang có dấu hiệu lan tràn ở ngay thủ đô Washington D.C.

Các bản tin thông tấn ghi nhận, song song với bản hướng dẫn mới của CDC, Tổng Thống Joe Biden hôm Thứ Tư nói với báo chí là chính phủ “đang cân nhắc” việc yêu cầu tất cả nhân viên liên bang phải chích ngừa. Lời phát biểu này được đưa ra một ngày sau khi Bộ Cựu Chiến Binh trở thành cơ quan đầu tiên của chính phủ liên bang yêu cầu toàn thể nhân viên cung cấp dịch vụ y tế (health care workers) phải chích ngừa.

Trả lời câu hỏi là khuyến cáo mới về khẩu trang của Trung Tâm CDC – đảo ngược tinh thần thông cáo “khỏi cần mang khẩu trang” ngày 14 tháng 5 – liệu có gây hoang mang và làm trở ngại cho sinh hoạt của người dân hay không, Tổng Thống Biden nói rằng chính những người dân chưa chích ngừa mới “gieo rắc sự hoang mang”, “thế giới sẽ rất khác” nếu họ đã chích ngừa. Theo lời ông: “Chúng ta phải tiếp tục đối phó với đại dịch cũng vì nhiều người chưa chích ngừa, và họ đang gây ra nhiều trở ngại. Càng hiểu biết tường tận hơn về coronavirus và virus biến thể Delta, chúng ta lại càng lo lắng nhiều hơn. Và chúng ta biết chắc một điều – là nếu 100 triệu người chưa chích ngừa đó cũng chích ngừa rồi thì chúng ta sẽ sống trong một thế giới rất khác hiện nay”.

Ngày hôm sau, Thứ Năm 29 tháng 7, Tổng Thống Biden chính thức loan báo quyết định của chính phủ, yêu cầu trên 2 triệu nhân viên đang làm việc tại các cơ quan liên bang trên toàn quốc phải chích ngừa. Quyết định này được coi là một tín hiệu để thuyết phục nhiều người dân còn do dự chưa muốn chích ngừa. Tòa Bạch Ốc phổ biến thông cao nói rõ: “Những nhân viên nào chưa chích ngừa sẽ phải mang khẩu trang trong lúc làm việc, giữ khoảng cách an toàn với bạn đồng nghiệp và người ngoài, đồng thời phải tuân thủ quy định xét nghiệm Covid-19 mỗi tuần một hoặc hai lần, cũng như các biện pháp hạn chế khi đi công tác”.

Ngoài ra một nguồn tin khác cho biết chính phủ Mỹ cũng đang chuẩn bị hướng dẫn các doanh nghiệp về mặt pháp lý để tiến tới việc chủ nhân doanh nghiệp buộc nhân viên phải chích ngừa.

Tổng Thống Biden nhấn mạnh: “Tăng cường chương trình chích ngừa và khuyến cáo mang khẩu trang ở các khu vực mà virus biến thể đang hoành hành sẽ giúp cho chúng ta khỏi phải đi tới những biện pháp quyết liệt như đóng cửa kinh tế, đóng cửa trường học, gây đủ thứ trở ngại mà mọi người đã thấy hồi năm 2020. Bây giờ chúng ta đã có thêm kiến thức khoa học về virus và có phương tiện để chống đại dịch lan tràn. Chúng ta sẽ không trở lại với tình trạng của năm 2020”.

CẬP NHẬT VỀ VỤ BỎ PHIẾU BÃI NHIỆM THỐNG ĐỐC CALIFORNIA

Chiến dịch vận động bãi nhiệm Thống Đốc Gavin Newsom của California, được khởi sự từ giữa năm 2020, đang tiến đến giai đoạn chót. Ngày 16 tháng 8 tới đây các phiếu bầu sẽ được gửi đến toàn thể cử tri đã ghi danh, để họ có thể bầu sớm hoặc bỏ phiếu qua đường bưu điện. Sau đó là cuộc bỏ phiếu chính thức vào ngày 14 tháng 9, để cử tri quyết định thái độ của họ về nhân vật sẽ lãnh đạo tiểu bang từ nay đến đầu năm 2023 (tức thời điểm kết thúc nhiệm kỳ của ông Newsom).

Được biết phiếu bầu sẽ gồm hai câu hỏi. Câu hỏi thứ nhất là Yes / No, có nghĩa là cử tri sẽ trả lời đồng ý hay không đồng ý bãi nhiệm đương kim Thống Đốc. Về câu hỏi thứ hai, cử tri được cung cấp một danh sách để lựa chọn người thay thế, nếu ông Newsom bị bãi nhiệm.

Hôm Thứ Tư 21 tháng 7, tiểu bang công bố danh tánh 46 ứng cử viên hội đủ điều kiện tranh ghế Thống Đốc, nhưng số phiếu dành cho họ sẽ chỉ được kiểm nếu kết quả cho thấy trên 50% cử tri đồng ý bãi nhiệm ông Newsom. Và nếu trường hợp đó xảy ra, ứng cử viên nào giành được nhiều phiếu nhất sẽ trở thành Thống ĐốcTrong số 46 ứng cử viên, 9 thuộc đảng Dân Chủ, 24 thuộc đảng Cộng Hòa, những người còn lại thuộc đảng khác hoặc độc lập.

Tưởng cần nhắc lại, ông Gavin Newsom (đảng Dân Chủ) từng là Thị Trưởng San Francisco (2004-2011) rồi Phó Thống Đốc California (2011-2018), trước khi tranh cử Thống Đốc năm 2018 và chiến thắng vẻ vang với 61.9% phiếu cử tri so với 38.1% của đối thủ John Cox.

Từ khi nhậm chức vào đầu năm 2019, Thống Đốc Newsom đã phải đối đầu với 7 lá đơn đòi bãi nhiệm, tuy nhiên chỉ có lá đơn hồi tháng 2 năm 2020 được dư luận hưởng ứng để trở thành một chiến dịch vận động và đưa đến cuộc bỏ phiếu bãi nhiệm sắp tới.

Chiến dịch này được phụ tá cảnh sát trưởng Orrin Heatlie khởi động vào ngày 10 tháng 6 năm 2020. Hạn chót để lấy chữ ký thoạt đầu được quy định là 17 tháng 11-2020, sau đó do trở ngại vì đại dịch Covid-19 nên được tòa án quận hạt Sacramento gia hạn đến 17 tháng 3-2021. Chiến dịch đã thu thập được trên 2 triệu chữ ký, tuy nhiên một số bị loại bỏ vì bất hợp lệ và một số người đã ký nhưng thay đổi ý kiến. Cuối cùng tiểu bang công nhận 1,719,900 chữ ký hợp lệ – đủ để tiến tới cuộc bỏ phiếu bãi nhiệm, vì vượt quá con số 1,495,970 chữ ký theo luật định (12% của số phiếu cử tri bầu Thống Đốc năm 2018). Do đó, Phó Thống Đốc Eleni Kounalakis loan báo ngày bỏ phiếu bãi nhiệm là 14 tháng 9.

Hồi đầu năm ngoái, giữa bối cảnh Covid-19 bắt đầu lan tràn khắp nước Mỹ và California trở thành một “điểm nóng” với cả ngàn trường hợp lây nhiễm mỗi ngày, Thống Đốc Newsom ban hành tình trạng khẩn trương, rồi ra lệnh “đóng cửa” toàn tiểu bang vào tháng 3-2020, dẫn tới hệ quả là sinh hoạt kinh tế gần như tê liệt, tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt, và khiến ông Newsom bị nhiều người phản đối. Ngoài ra dư luận cũng chỉ trích ông về chuyện đến dự tiệc tại một nhà hàng sang trọng ở Napa Valley hôm 6 tháng 11, bất chấp lệnh cấm do chính ông ký để phòng chống đại dịch. Bên cạnh đó, uy tín của ông Newsom còn bị ảnh hưởng do một vụ bê bối gian lận hàng tỷ dollars tại cơ quan thất nghiệp của tiểu bang, trong khi tình trạng những người vô gia cư không hề được cải thiện như lời ông hứa hẹn khi tranh cử. Các yếu tố này đã giúp cho chiến dịch được dư luận hưởng ứng mạnh mẽ và đưa tới con số trên 2 triệu chữ ký đòi bãi nhiệm Thống Đốc.

Ông Gavin Newsom phản ứng bằng luận cứ gọi chiến dịch vận động này là “cuộc bãi nhiệm do đảng Cộng Hòa chủ xướng và hỗ trợ, bao gồm những người quá khích với chủ trương chống mang khẩu trang, chống chích ngừa, hợp cùng lực lượng ủng hộ [cựu Tổng Thống] Trump chỉ muốn lật ngược kết quả bầu cử năm 2020, nên họ công kích tất cả những biện pháp mà chúng ta đã thực hiện để đối phó với đại dịch”.

Hiến pháp California quy định một Thống Đốc có thể mất chức nếu bị trên 50% cử tri toàn tiểu bang đồng ý bãi nhiệm. Kể từ năm 1911 tới nay đã có tới 55 đơn nộp cho Bộ Hành Chánh để đòi bãi nhiệm các vị Thống Đốc, nhưng chỉ có một chiến dịch vận động duy nhất vào năm 2003 là thành công, dẫn đến việc Thống Đốc Gray Davis của đảng Dân Chủ bị bãi nhiệm. Lúc đó có tới 135 ứng cử viên hội đủ điều kiện tranh ghế Thống Đốc thay thế ông Davis. Kết quả, một nhân vật đảng Cộng Hòa là ông Arnold Schwarzenegger đạt được số phiếu cử tri cao nhất (4,206,284 phiếu, tức 48.6%) và trở thành Thống Đốc cho đến năm 2011.

Theo nhật báo Los Angeles Times, cuộc bỏ phiếu bãi nhiệm năm 2003 là “một sự kiện chưa từng có tiền lệ” và diễn ra trong không khí “vô cùng hào hứng”, đã đưa một tài tử điện ảnh người gốc Áo vào vị trí lãnh đạo tiểu bang California. Sự kiện này khiến người ta nhớ đến một tài tử điện ảnh khác cũng từng đại diện đảng Cộng Hòa ra tranh cử và đắc cử Thống Đốc California hai nhiệm kỳ (1967-1975) rồi sau đó trở thành một vị Tổng Thống rất nổi tiếng, đó là ông Ronald Reagan.

Tuy nhiên, vẫn theo L.A. Times thì khác với vụ bãi nhiệm ông Gray Davis năm 2003, vụ bãi nhiệm ông Gavin Newsom năm 2021 có vẻ đang chìm lắng dần, không còn thu hút được sự quan tâm mạnh mẽ của dư luận như hồi năm ngoái, có thể vì chương trình chích ngừa được thúc đẩy mạnh mẽ tại California trong sáu tháng vừa qua đã giúp cho hoạt động kinh tế bắt đầu phục hồi. L.A. Times trích dẫn nhận xét của giáo sư Dan Schnur dạy môn chính trị học tại hai trường Đại học USC và UC Berkeley: “Chỉ có loạt phim ‘The Godfather’ là ngoại lệ, các phim khác đều có những phần tiếp theo không hấp dẫn như phim đầu tiên”.

Dĩ nhiên tình thế sẽ có thế khó khăn hơn cho Thống Đốc Newsom nếu các virus biến thể như Delta variant, Lambda variant tiếp tục lan tràn và đại dịch gia tăng trở lại, đưa tới việc những quận hạt phải tăng cường biện pháp phòng chống – chẳng hạn Los Angeles County hiện đã yêu cầu mọi người mang khẩu trang khi vào các cơ sở công cộng, bất kể chích ngừa hay chưa – và nếu vậy sẽ lại lại làm dấy lên một đợt sóng phản đối của dư luận.

Tuy nhiên vào thời điểm cuối tháng 7, các kết quả thăm dò dư luận cho thấy khó khăn đang ở phía những người muốn bãi nhiệm vị Thống Đốc đảng Dân Chủ. Ít nhất 14 cuộc thăm dò đã được nhiều trường đại học và cơ quan truyền thông thực hiện kể từ ngày 29 tháng 4 tới 20 tháng 7. Theo đó, tỷ lệ ủng hộ của dân chúng đối với ông Newsom mặc dù thấp (31% ủng hộ, 21% ủng hộ nhiệt tình) nhưng vẫn ở mức cao hơn tỷ lệ chống đối (30% không ủng hộ, 13% chống đối mạnh mẽ). Trang mạng Real Clear Politics tổng hợp tất cả các cuộc thăm dò và công bố con số trung bình, theo đó tỷ lệ cử tri không đồng ý bãi nhiệm là 50.3%, so với 38.8% cử tri đồng ý bãi nhiệm, tức cách biệt tới 11.5 điểm.

Giới truyền thông ghi nhận một số biện pháp mà Thống Đốc Newsom vừa thực hiện (như tài trợ cho hàng triệu cư dân $600 dollars mỗi người để kích thích kinh tế, mở chương trình “xổ số chích ngừa” với những giải thưởng cả triệu dollars) đã gây ảnh hưởng tốt cả về mặt dư luận và tài chánh, bằng chứng là số tiền cử tri đóng góp để ủng hộ ông Newsom hiện lên tới trên $28 triệu dollars, nhiều hơn tất cả những khoản gây quỹ mà các đối thủ của ông quyên góp được.

Trong số 46 ứng cử viên (đặc biệt là 24 nhân vật đảng Cộng Hòa) đang muốn tranh ghế Thống Đốc, người ta thấy dư luận chú ý tới ông John Fox (từng là ứng cử viên Thống Đốc hồi năm 2018), ông Larry Elder (cũng là talk show host của chương trình phát thanh giống như ông Fox), ông Kevin Faulconer (cựu Thị Trưởng San Diego), bà Caitlyn Jenner (cựu vận động viên Olympics kiêm ngôi sao truyền hình), ông Kevin Kiley (nhân viên điện toán), ông Doug Ose (cựu Dân Biểu) v.v… Tuy nhiên kết quả thăm dò cho thấy chỉ riêng ông Larry Elder được 16% cử tri nói là sẽ dồn phiếu ủng hộ, còn tỷ lệ ủng hộ dành cho những nhân vật khác chỉ ở mức 6% (ông Fox, ông Faulconer) hoặc 4% (bà Jenner).

Chính vì thực tế như vậy nên bản tin thông tấn AP ghi nhận rằng cho đến giờ phút này đảng Cộng Hòa vẫn dè dặt, chưa tỏ dấu hiệu sẽ chính thức lên tiếng ủng hộ bất cứ ứng cử viên nào. Trước đây chủ tịch đảng tại California là bà Jessica Millan Patterson tuyên bố “đảng sẽ chọn một ứng cử viên để dồn sự ủng hộ về cả hai mặt quần chúng và tài chánh”, nhưng hôm Thứ Năm 22 tháng 7 phát ngôn viên Joanna Rodriguez của Hiệp Hội Thống Đốc Cộng Hòa (RGA) từ chối bình luận khi được hỏi lại về vấn đề này. Trưởng Khối Thiểu Số đảng Cộng Hòa tại Hạ Viện là Dân Biểu Kevin McCarthy cũng chỉ kêu gọi nội bộ đảng “đoàn kết” chứ không tỏ vẻ muốn liên quan trực tiếp đến cuộc bầu cử ngày 14 tháng 9.

Trong khi đó tin tức từ phía đảng Dân Chủ cho biết Phó Tổng Thống Kamala Harris sẽ đi vận động cho ông Gavin Newsom – một dấu hiệu để tái khẳng định là Tòa Bạch Ốc chính thức ủng hộ vị Thống Đốc đương nhiệm. Nhật báo San Francisco Chronicle gọi đây là “bước tiến đáng kể” về cả hai mặt tinh thần lẫn vật chất đối với chiến dịch vận động cử tri mà ông Newsom đang đẩy mạnh, vào thời điểm chỉ còn vài tuần lễ nữa là các cử tri của California sẽ nhận được phiếu bầu gửi đến tận nhà.

Phố Nhỏ Online tổng hợp từ các nguồn: AP, Reuters, NPR, CBS News, L.A. Times, USA Today ngày 30/7/2021

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*