Thế Vận Hội Tokyo Kết Thúc Tuần Lễ Đầu Tiên Với Nhiều Sự Kiện Bất Ngờ

Bất chấp sự đe dọa của đại dịch Covid-19 khiến việc tổ chức bị hoãn một năm và hiện vẫn phải đối đầu với rất nhiều thách thức (174 trường hợp lây nhiễm được ghi nhận, bao gồm 20 vận động viên), tuy nhiên “Tokyo Olympics 2020” tức Thế Vận Hội mùa hè kỳ thứ 32 đã khai mạc tối Thứ Sáu 23 tháng 7-2021 tại thủ đô nước Nhật, đang bước qua tuần lễ thứ nhì và sẽ bế mạc vào ngày 8 tháng 8.

Với 11,326 nam nữ vận động viên từ khắp thế giới đổ về Tokyo để tranh tài trong 33 bộ môn thể thao khác nhau, Thế Vận Hội kỳ này mặc dù bị hạn chế mọi mặt nhưng vẫn tạo được không khí sôi nổi, lập được những kỷ lục mới, và thu hút sự chú ý của giới hâm mộ thể thao toàn cầu.

Tính đến chiều Thứ Năm 29 tháng 7, bảng tổng kết sơ khởi ghi nhận hàng trăm huy chương đã được trao cho những vận động viên của 205 phái đoàn đại diện các quốc gia và vùng lãnh thổ. Mỹ hiện đứng đầu bảng với 41 huy chương (14 vàng, 16 bạc, 11 đồng). Kế đó là Trung Cộng với 33 huy chương (16 vàng, 7 bạc, 10 đồng), Nga với 30 huy chương (9 vàng, 12 bạc, 9 đồng), Nhật với 26 huy chương (15 vàng, 4 bạc, 7 đồng) và Úc với 22 huy chương (9 vàng, 2 bạc, 11 đồng).

Tưởng cần nhắc lại, tại Thế Vận Hội mùa hè kỳ trước (Rio de Janeiro năm 2016), Mỹ đoạt được nhiều huy chương nhất (121 huy chương, gồm 46 vàng, 37 bạc, 38 đồng). Kế đó là Trung Cộng với 70 huy chương (26 vàng, 18 bạc, 26 đồng), Anh với 67 huy chương (27 vàng, 23 bạc, 17 đồng), và Nga với 56 huy chương (19 vàng, 17 bạc, 20 đồng).

LỄ KHAI MẠC

Do sự đe dọa của đại dịch Covid-19, Ủy Ban Tổ Chức buộc lòng quyết định không cho khán giả vào trong các vận động trường, và yêu cầu tất cả vận động viên phải mang khẩu trang khi diễn hành tại lễ khai mạc cũng như khi lên bục để nhận huy chương. Vì vậy khán giả khắp nơi chỉ có thể theo dõi trực tiếp những tiết mục Tokyo Olympics 2020 qua các đài truyền hình.

Ngọn đuốc thiêng Thế Vận, được thắp lên tại thành phố Olympia của Hy Lạp từ ngày 12 tháng 3-2020, đã được các vận động viên Nhật Bản đại diện nhiều thế hệ thể thao chuyền tay nhau đưa vào Vận Động Trường Quốc Gia trong đêm khai mạc, và cuối cùng đến tay ngôi sao tennis Naomi Osaka, người nhận vinh dự châm đuốc trên Đài Thế Vận mang biểu tượng của núi Phú Sĩ.

Trước đó là cuộc diễn hành của những nam nữ vận động viên thuộc 205 phái đoàn thể thao trên khắp thế giới. Đông nhất là các phái đoàn Mỹ (613 người), Nhật (nước chủ nhà, 552 người), Trung Cộng (406 người), Đức (425 người), Anh (376 người), Pháp (375 người). Đặc biệt, phái đoàn gồm 328 vận động viên người Nga chỉ được mang cờ và huy hiệu của Ủy Ban Thế Vận Nga (ROC, tức Russian Olympic Committee) thay vì đại diện quốc gia (RUS), vì Nga đã vi phạm luật chống dùng thuốc trợ lực nhiều lần và bị Ủy Ban WADA (World Anti-Doping Agency) cấm tham dự hai cuộc tranh tài thể thao quốc tế gồm Thế Vận Hội mùa hè năm nay tại Tokyo và Thế Vận Hội mùa đông sang năm tại Bắc Kinh.

Đệ Nhất Phu Nhân Jill Biden của Hoa Kỳ, Tổng Thống Emmanuel Macron của Pháp và Thủ Tướng Luvsannamsrai Oyun-Erdene của Mông Cổ là ba trong số 15 nhân vật đại diện các chính phủ tham dự lễ khai mạc Tokyo Olympics.

NHỮNG HUY CHƯƠNG VÀNG ĐẦU TIÊN

Thế Vận Hội mùa hè kỳ thứ 32 có thêm bốn bộ môn thể thao mới, gồm trượt ván (skateboarding), không thủ đạo (karate), lướt sóng (surfboarding), và leo núi (sport climbing).

Hôm Thứ Bảy 24 tháng 7, chiếc huy chương vàng đầu tiên của Thế Vận Hội Tokyo đã được trao cho nữ xạ thủ Trung Hoa là cô Qian Yang (Dương Thiện), 21 tuổi, trong cuộc thi bắn súng trường hơi (air rifle) với cự ly 10 mét. Nữ xạ thủ người Nga Anastasiia Galashina đoạt huy chương bạc và nữ xạ thủ Nina Christen của Thụy Sĩ đoạt huy chương đồng. Nữ xạ thủ Mary Tucker của Mỹ đứng hàng thứ sáu trong cuộc thi này. Các bản tin thông tấn ghi nhận Qian Yang là ngôi sao đang lên trong giới xạ thủ súng hơi tại Hoa Lục và chưa từng tham dự Thế Vận Hội.

24 tháng 7 là ngày chính thức khởi sự các cuộc tranh tài thuộc nhiều bộ môn thể thao tại Tokyo Olympics, nhưng đây là lần đầu tiên kể từ năm 1972 Hoa Kỳ chưa đoạt được huy chương nào. Những chiến thắng đầu tiên của các vận động viên Mỹ chỉ được ghi nhận kể từ ngày Chủ Nhật 25 tháng 7, gồm 4 huy chương vàng, 2 huy chương bạc và 4 huy chương đồng.

Bốn người đoạt huy chương vàng là:

– William Shaner, 20 tuổi, thi bắn súng trường hơi 10 mét nam, thắng Sheng Lihao của Trung Cộng, đồng thời lập kỷ lục Thế Vận với số điểm 251.6. Lihao đoạt huy chương bạc và một xạ thủ khác của Trung Cộng là Yang Haoran đoạt huy chương đồng.

– Chase Kalisz, 27 tuổi, thi bơi lội tổng hợp 400 mét nam. Kalisz đã từng đoạt huy chương bạc tại Thế Vận Hội Rio 2016. Năm nay huy chương bạc về tay một vận động viên khác của Mỹ là Jay Litherland.

– Lee Kiefer, 27 tuổi, thi đấu kiếm đơn nữ (foil fencing), thắng Inna Deriglazova của Nga (kiếm thủ xếp hạng 1 của thế giới) với tỷ số 15-13. Đây là lần đầu tiên Mỹ đoạt huy chương vàng về bộ môn này. Gerek Meinhardt, chồng của Lee Kiefer và hiện là kiếm thủ xếp hạng 2 của thế giới, cũng tham dự Tokyo Olympics.

– Anastasija Zolotic, 18 tuổi, thi đấu Thái cực đạo nữ (Taekwondo) hạng dưới 57 kg, thắng Tatiana Minina của Nga trong trận chung kết với tỷ số 25-17. Ngoài sự kiện đây là lần đầu tiên Mỹ đoạt huy chương vàng về bộ môn này, còn có một điều đáng chú ý: trước đó ở vòng tứ kết Zolotic đã thắng Hatice Kubra Ilgun của Thổ Nhĩ Kỳ, vốn là đấu thủ xếp hạng 2 của thế giới. Vì vậy cô Ilgun chỉ có thể dự vòng thi vớt (repechage), thắng được đấu thủ người Iran là Kimia Zenoorin Alizadeh và đoạt huy chương đồng.

NHỮNG CHUYỆN BẤT NGỜ

Nhiều sự kiện bất ngờ đã được ghi nhận trong tuần lễ đầu tiên của Thế Vận Hội Tokyo.

Bất ngờ liên tiếp xảy ra với bộ môn tennis đơn nữ. Hôm Chủ Nhật 25 tháng 7, tay vợt người Úc đang xếp hạng 1 thế giới là Ashleigh Barty thua ngay ở vòng đầu tiên khi gặp đối thủ Sara Sorribes Tormo của Tây Ban Nha (xếp hạng 48). Một ngày sau, tay vợt xếp hạng 3 thế giới là Aryna Sabalenka của Belarus thua sát nút đối thủ Donna Vekic của Croatia (xếp hạng 50). Qua ngày Thứ Ba, ngôi sao tennis của Nhật là Naomi Osaka (xếp hạng 2 thế giới) đã thắng hai trận để vào vòng 3 nhưng cũng thất bại trước đối thủ Marketa Vondrousova của Cộng Hòa Tiệp (xếp hạng 42). Và hôm Thứ Tư, đến lượt cô Donna Vekic bị loại bởi Elena Rybakina của Kazakhstan (xếp hạng 15 thế giới).

Sau vòng tứ kết và bước vào bán kết, tay vợt Thụy Sĩ Belinda Bencic (xếp hạng 4 thế giới) thắng Elena Rybakina trong trận đấu kéo dài gần ba tiếng đồng hồ dưới trời nắng gay gắt. Trong khi đó Marketa Vondrousova dễ dàng loại đối thủ Elina Svitolina của Ukraine (xếp hạng 6 thế giới). Như vậy Belinda Bencic sẽ đụng độ Marketa Vondrousova ở trận chung kết ngày Thứ Bảy 31 tháng 7.

Bất ngờ cũng đến với bộ môn bóng rổ vào ngày Chủ Nhật 25 tháng 7 khi đội tuyển basketball của Mỹ, từng chiến thắng liên tiếp 25 trận tại những kỳ Thế Vận Hội trước đây, đã gặp thất bại đầu tiên trước đội tuyển Pháp với tỷ số 83-76. Điều này có nghĩa là nếu muốn vào vòng tứ kết để tiếp tục giấc mơ huy chương vàng, các tuyển thủ bóng rổ của nước Mỹ sẽ phải thắng cả hai đội tuyển nhóm A là Iran và Cộng Hòa Tiệp.

Trường hợp ra quân thất bại cũng xảy ra với các tuyển thủ túc cầu nữ của Hoa Kỳ – đương kim vô địch thế giới – đã thắng 44 trận liên tiếp nhưng bất ngờ bị đội tuyển Thụy Điển hạ với tỷ số 3-0 ngay trong trận mở màn Thế Vận Hội hôm Thứ Tư 21 tháng 7. Tuy nhiên sau đó các nữ cầu thủ Mỹ đã lấy lại phong độ, thắng đội tuyển Tân Tây Lan với tỷ số 6-1 hôm Thứ Bảy và thủ huề 0-0 với đội tuyển Úc trong trận cuối cùng của Bảng G hôm Thứ Tư để tiến vào vòng tứ kết. Đội tuyển Mỹ sẽ gặp đội tuyển Hòa Lan vào sáng Thứ Sáu 30 tháng 7. Cùng ngày Thứ Sáu sẽ có 3 trận tứ kết khác của các đội tuyển Canada/Brazil, Anh/Úc, và Thụy Điển/Nhật Bản.

Buổi sáng Thứ Ba 27 tháng 7 chứng kiến một bất ngờ gây xúc động cho giới hâm mộ bộ môn thể dục dụng cụ (gymnastics), khi nữ vận động viên người Mỹ lừng danh thế giới Simone Biles rút lui khỏi cuộc thi toàn đội. Ngay sau khi thấy số điểm của mình quá thấp (13.766), cô Biles loan báo quyết định với ban tổ chức và khuyến khích các bạn đồng đội tiếp tục tranh tài. Sau đó, nữ vận động viên 24 tuổi, từng đoạt 4 huy chương vàng Thế Vận, nói với báo chí: “Tôi không thể để cho nước Mỹ và các bạn của tôi bị mất huy chương vì tôi. Chúng ta có ba vận động viên tài ba và họ đã tập dượt rất hăng say. Tôi không còn muốn dự thi khi cảm thấy mình không đủ tự tin. Vì vậy tôi nghĩ tốt nhất là mình nên lui bước để các bạn tranh tài. Và họ đã làm tròn phận sự”.

Sau khi Simone Biles rút lui, ba nữ vận động viên Sunisa Lee, Jordan Chiles và Grace McCallum tiếp tục cuộc thi toàn đội và mang huy chương bạc về cho nước Mỹ với số điểm tổng cộng 166.096. Huy chương vàng của Thế Vận Hội kỳ này lọt về tay các nữ vận động viên người Nga với số điểm tổng cộng 169.528. Đội gymnastics của Anh Quốc đoạt huy chương đồng với số điểm tổng cộng 164.096.

Cũng trong tuần lễ đầu tiên của Tokyo Olympics, cần ghi nhận một sự kiện bất ngờ không kém. Đó là vào ngày Thứ Hai 26 tháng 7, phái đoàn thể thao chỉ gồm vỏn vẹn 2 vận động viên, đại diện vùng lãnh thổ nhỏ bé nhất thế giới – Bermuda, hòn đảo thuộc Anh Quốc với diện tích 20.5 dặm vuông và dân số 71,176 người – đã oanh liệt đoạt huy chương vàng trong cuộc thi triathlon, nhờ nỗ lực phi thường của một phụ nữ, Flora Duffy, 33 tuổi.

Cuộc tranh tài triathlon rất gian nan vì bao gồm ba phần thi liên tiếp: bơi đua 1 cây số, đua xe đạp gần 25 dặm, và chạy đua 4.6 dặm. Cô Duffy về thứ sáu trong phần thi bơi, sau đó qua mặt các tay đua xe đạp Georgia Taylor-Brown của Anh (huy chương bạc) và Katie Zaferes của Mỹ (huy chương đồng). Sau cùng, cô về nhất khi chạy đua, kết thúc cuộc thi trong thời gian 1 giờ, 55 phút, 36 giây để đoạt huy chương vàng.

Flora Duffy, hồi 2018-2019 từng bị thương ở chân và phải nghỉ tập cả năm, nói với báo chí “tôi rất vui mừng đã đạt được ước mơ” “đây là chiến thắng vượt ngoài sức tưởng tượng của tôi”. Thủ Tướng E. David Burt gửi lời chúc mừng, nói rằng cô Duffy “đã tranh đua tận tình và mang vinh dự về cho tất cả mọi người dân trên đảo Bermuda”.

NHỮNG HUY CHƯƠNG TIẾP THEO

Cũng hôm Thứ Hai, cô gái 17 tuổi từ thành phố Seward nhỏ bé của tiểu bang Alaska là Lydia Jacoby đã tạo bất ngờ khi về nhất trong cuộc tranh tài bơi nhái 100 mét để đoạt huy chương vàng với thời gian kỷ lục 1 phút 4.95 giây. Lilly King, người bạn đồng đội từng đoạt huy chương vàng về bộ môn này ở Thế Vận Hội Rio 2016, chiếm huy chương đồng, còn huy chương bạc về tay Tatjana Schoenmaker của Nam Phi.

Lilly King nói rằng cô rất vui vì chiến thắng của Jacoby là “dấu hiệu báo trước một tương lai rực rỡ”. Tại Seward, bà Thị Trưởng Christy Terry cho biết một buổi họp hội đồng thành phố đã được hoãn lại để các nghị viên theo dõi cuộc đua trên màn ảnh truyền hình, sau đó mọi người cùng reo hò bày tỏ niềm vui mừng và hãnh diện.

Ngày hôm sau, Thứ Ba 27 tháng 7, người mang huy chương vàng kế tiếp về cho nước Mỹ là Carissa Moore, 28 tuổi, từ tiểu bang Hawaii. Cô Moore vốn là ngôi sao về bộ môn trượt nước, từng đoạt giải vô địch thế giới, đã thắng đối thủ Bianca Buitendag của Nam Phi với tỷ số gần gấp đôi (14.93 điểm so với 8.46). Đây là lần đầu tiên bộ môn trượt nước (women’s shortboard surfing) được đưa vào danh sách tranh tài tại Thế Vận Hội, vì vậy chiếc huy chương vàng trở thành vinh dự lớn nhất trong sự nghiệp thể thao của Carissa Moore.

Qua đến Thứ Tư 28 tháng 7, một ngôi sao khác của nước Mỹ là Katie Ledecky, sau khi thất bại trong mấy cuộc tranh tài tại hồ bơi Tokyo, đã đoạt huy chương vàng về bộ môn bơi tự do 1,500 mét. Bộ môn này cũng chưa từng được Ủy Ban Thế Vận Thế Giới công nhận cho nữ giới tại những kỳ Thế Vận Hội trước đây.

Ledecky, 24 tuổi, bắt đầu dự tranh Olympics từ năm 15 tuổi và đoạt huy chương vàng đầu tiên tại London Olympics năm 2012, sau đó đoạt thêm 4 huy chương vàng và 1 huy chương bạc tại Rio Olympics năm 2016. Đây là chiếc huy chương vàng Thế Vận Hội thứ sáu của cô, cộng với 15 giải vô địch thế giới trong những cuộc tranh tài khác.

Kỷ lục thế giới mà Katie Ledecky từng lập được cho bộ môn bơi tự do 1,500 mét là 15 phút 20.48 giây. Lần đua này, tuy đoạt huy chương vàng nhưng cô chỉ lập được kỷ lục Thế Vận với 15 phút 35.35 giây, chưa phá được kỷ lục của chính mình. Bạn đồng đội của Ledecky là Erica Sullivan về nhì, đoạt huy chương bạc với thành tích 15:41.41 phút, còn huy chương đồng về tay Sarah Kohler của Đức với thành tích 15:42.91 phút.

Người đã thắng Katie Ledecky để đoạt huy chương vàng về bộ môn bơi tự do 200 mét là Ariarne Titmus của Úc, cũng là người lập kỷ lục Thế Vận với 1 phút 53.50 giây. Đồng thời cô Titmus còn thắng luôn cuộc đua bơi tự do 400 mét, mang thêm một huy chương vàng về cho nước Úc.

Ngoài ra, cựu vô địch thế giới về bộ môn bơi tự do 200 mét là Federica Pellegrini của nước Ý cũng tham dự Thế Vận Hội Tokyo – lần thứ sáu và là lần cuối trước khi giải nghệ. Mặc dù cô Pellegrini về hạng bảy, nhưng mọi người phải ghi nhận rằng kỷ lục cô đã lập khi đoạt huy chương vàng năm 2008 (1 phút 52.98 giây) vẫn chưa có ai phá nổi.

Về bộ môn bơi hỗn hợp (women’s individual medley) 200 mét, nữ vận động viên Yui Ohashi của Nhật đoạt huy chương vàng, trong khi huy chương bạc và đồng về tay hai tay đua người Mỹ là Alex Walsh and Kate Douglass. Đồng thời cô Ohashi còn đoạt thêm một huy chương vàng về bộ môn bơi hỗn hợp 400 mét.

Một sự kiện được chú ý rất nhiều trong tuần lễ thứ nhất của Tokyo Olympics: Lần đầu tiên, hai anh em ruột người Nhật cùng đoạt huy chương vàng về một bộ môn và cùng trong một ngày nhưng vào hai thời điểm khác nhau. Hôm Chủ Nhật 25 tháng 7, cô Abe Uta, 21 tuổi, thắng đối thủ Amandine Buchard của Pháp tại trận tranh tài chung kết môn nhu đạo (judo) hạng half lightweight dành cho nữ vận động viên. Sau đó đến lượt anh ruột của cô là Abe Hifuma, 24 tuổi, thắng đối thủ Vazha Margvelashvili của Georgia tại trận tranh tài chung kết dành cho nam vận động viênCần nói thêm là trước đó hai anh em nhà Ube đã lần lượt thắng nhiều đối thủ lợi hại ở các vòng 16, tứ kết và bán kết, như Larissa Pimenta của Brazil, Chelsie Giles của Anh, Odette Giuffrita của Ý (nữ), Kilian Le Blouch của Pháp, Adrian Gomboc của Slovakia và Daniel Cargnin của Brazil (nam).

Ngay ngày hôm sau, đến lượt một nữ vận động viên người Nhật khác là Arai Chizuru đoạt huy chương vàng tại cuộc tranh tài chung kết môn nhu đạo hạng 70 kg. Như vậy tính đến giờ phút này các võ sĩ judo của Nhật đã mang về cho đất nước 8 huy chương vàng. Kỷ lục trước đây cho cùng bộ môn này là 12 huy chương vàng tại Thế Vận Hội Rio năm 2016, toàn về tay các võ sĩ judo của Nhật.

NHỮNG HUY CHƯƠNG KẾT THÚC TUẦN THỨ NHẤT

Ngày Thứ Năm 29 tháng 7 đánh dấu sự kết thúc tuần lễ đầu tiên của Thế Vận Hội Tokyo với một số sự kiện đáng chú ý:

– Nam vận động viên Mỹ Caeleb Dressel, 24 tuổi, đoạt thêm một huy chương vàng trong cuộc đua chung kết bơi tự do 100 mét, đồng thời lập kỷ lục mới cho Thế Vận Hội với thành tích 47.02 giây. Về hạng nhì để đoạt huy chương bạc là Kyle Chalmers của Úc. Huy chương đồng về tay Kliment Kolesnikov của Nga. Trước đó Caeleb Dressel đã có một huy chương vàng khi thắng cuộc bơi đua tiếp sức 400 mét.

– Cũng bộ môn này, bạn đồng đội của Dressel là Bobby Finke đoạt huy chương vàng với cuộc đua chung kết bơi tự do 800 mét. Về phía các nữ vận động viên, đội nữ của Mỹ bao gồm Katie Ledecky đoạt huy chương bạc trong cuộc bơi đua tiếp sức 800 mét, Regan Smith đoạt huy chương bạc và Hali Flickinger đoạt huy chương đồng trong cuộc đua chung kết bơi bướm 200 mét.

– Tuy nhiên sự kiện thu hút nhiều chú ý nhất chắc chắn phải là cuộc tranh tài cá nhân của các nữ vận động viên trong bộ môn thể dục dụng cụ toàn năng (gymnastics all-around competition). Sau khi đương kim vô địch thế giới Simone Biles quyết định không tham dự, cô gái gốc Hmong 18 tuổi Sunisa Lee (thường được gọi là Suni) đã đoạt huy chương vàng qua 4 vòng tranh tài (vault, uneven bars, balance beam, floor) và trở thành ngôi sao thứ năm của nước Mỹ đoạt huy chương vàng tại 5 kỳ Thế Vận Hội liên tiếp – nối bước các nữ vận động viên Carly Patterson (Athens 2004), Nastia Liukin (Beijing 2008), Gabby Douglas (London 2012) và Simone Biles (Rio de Janeiro 2016).

Sunisa Lee giành chiến thắng với số điểm tổng cộng 57.433. Về nhì để đoạt huy chương bạc là Rebecca Andrade của Brazil với số điểm 57.298. Huy chương đồng về tay Angelina Melnikova của Nga với số điểm 57.199. Bạn đồng đội của cô Lee là Jade Carey về hạng tám với số điểm 54.199.

Chiến thắng của Sunisa Lee mang lại vinh dự cho nước Mỹ và đặc biệt là niềm hãnh diện cho cộng đồng gốc Hmong – gồm rất nhiều cựu chiến binh đồng minh của quân đội Hoa Kỳ tại vùng Hạ Lào trong cuộc chiến Việt Nam. Theo gia đình sang Mỹ tỵ nạn vào cuối thập niên 1970, Sunisa Lee vừa tốt nghiệp trung học và sẽ là sinh viên trường Đại học Auburn University vào mùa Thu năm nay. Sau thời gian tập luyện để trở thành vận động viên thể dục dụng cụ từ 2015, cô được chọn vào đội tuyển Mỹ và đã giúp đội tuyển thắng huy chương vàng trong giải Vô Địch Thế Giới ở Stuttgart (Đức Quốc) năm 2019. Cô nói với báo chí rằng sự hỗ trợ của cộng đồng người Hmong tại tiểu bang Minnesota và của gia đình, nhất là từ cha mẹ, đã khích lệ tinh thần rất nhiều cho cô để đưa tới thành tựu ngày hôm nay.

Phố Nhỏ Online tổng hợp từ các nguồn: AP, Reuters, NPR, VOA, NBC News, USA Today ngày 30/7/2021

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*