TỔNG THỐNG HAITI BỊ ÁM SÁT TẠI TƯ DINH
Ông Jovenel Moise, 53 tuổi, Tổng Thống Haiti, vừa bị một nhóm võ trang tấn công và giết chết tại tư dinh lúc sáng sớm Thứ Tư 7 tháng 7, tạo thêm hỗn loạn cho đảo quốc này sau những cuộc biểu tình chống chính phủ, những vụ xung đột giữa các băng đảng, và đợt bùng phát của đại dịch Covid-19.
Thủ Tướng lâm thời Claude Joseph phổ biến thông cáo báo chí cho biết Đệ nhất Phu nhân Martine Moise, 47 tuổi, cũng bị trúng đạn và đã được đưa vào bệnh viện. (Sau đó, theo tin cập nhật, bà được đưa sang Mỹ để điều trị tại một bệnh viện ở Miami, Florida, thương tích nghiêm trọng nhưng tình trạng ổn định).
Thủ Tướng Joseph gọi vụ ám sát là “hành động thù hận, vô nhân tính và man rợ”, đồng thời khẳng định: “Tình hình an ninh của đất nước hiện đặt dưới sự kiểm soát của Cảnh Sát Quốc Gia cũng như Quân Đội Haiti. Thể chế dân chủ và nền cộng hòa của chúng ta sẽ chiến thắng”.
Theo tin tức cập nhật, khi chạm súng với lực lượng cảnh sát an ninh bảo vệ tư dinh Tổng Thống vào khoảng 1 giờ sáng, bốn người trong nhóm võ trang bị bắn chết và hai người bị bắt.
Các hãng thông tấn và cơ quan truyền thông ghi nhận, đường phố thủ đô Port-au-Prince trong những giờ đầu tiên của sáng Thứ Tư vẫn vắng vẻ và yên tĩnh, tuy nhiên ở một khu phố cũng có một số người đập phá những cửa tiệm.
Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại Haiti loan báo, “vì tình hình an ninh”, sứ quán sẽ đóng cửa nguyên ngày Thứ Tư và toàn thể nhân viên được lệnh không ra khỏi sứ quán.
Trả lời phỏng vấn trên đài truyền hình MSNBC và CNN, Tùy Viên Báo Chí Tòa Bạch Ốc Jen Psaki mô tả vụ tấn công ở Haiti là “một sự kiện bi thảm”, “một tội ác kinh tởm”, và các giới chức phụ trách an ninh quốc gia hiện đang thu thập tin tức để tường trình Tổng Thống Joe Biden. Bà Psaki nói thêm: “Thông điệp mà chúng ta gửi đến người dân Haiti là nước Mỹ luôn luôn sát cánh với họ và sẵn sàng hỗ trợ họ bất cứ điều gì cần thiết”.
Cựu Tổng Thống Michel Martelly, vị tiền nhiệm của ông Jovenel Moise, phát biểu rằng trong giờ phút này ông chỉ biết cầu nguyện cho Đệ nhất Phu nhân Martine Moise sớm bình phục. Ông Martelly gọi vụ ám sát là “một đòn giáng mạnh lên cả đất nước lẫn nền dân chủ của Haiti hiện vẫn đang loay hoay tìm lối thoát”.
Một phụ nữ cư ngụ gần tư dinh Tổng Thống kể lại với báo chí, thoạt đầu bà tưởng xảy ra động đất, sau đó là những tiếng súng vang dội khiến bà rất sợ hãi. Bà nói thêm: “Nhiều người bất mãn với ông Tổng Thống này, nhưng chúng tôi không mong đợi cái chết của ông ấy cũng như của bất cứ người dân Haiti nào khác”.
Trong thông cáo báo chí sáng Thứ Tư, Thủ Tướng lâm thời Claude Joseph cho biết một số những kẻ tấn công “nói tiếng Tây Ban Nha”, nhưng không giải thích thêm. Sau đó, khi phát biểu trên đài phát thanh ông lại nói rằng những kẻ tấn công “nói tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh”. Tưởng cần biết, hai ngôn ngữ chính tại Haiti là tiếng Pháp và thổ ngữ Haitian Creole.
Hôm Thứ Năm, chỉ huy trưởng Cảnh Sát Quốc Gia là ông Léon Charles họp báo cho biết đang ráo riết truy lùng các nghi phạm liên quan đến vụ mưu sát. Ông Charles gọi 4 người bị cảnh sát bắn chết là “những tên lính đánh thuê chuyên nghiệp” đã được huấn luyện thành thục và đến từ nước ngoài, giả trang thành nhân viên Cơ Quan DEA (Drug Enforcement Administration) của Hoa Kỳ để thực hiện hành động này. Tên tuổi 6 người bị giết và bị bắt không được công bố, cũng như động lực đưa tới vụ mưu sát cũng chưa được xác định.
Nước Cộng Hòa Haiti là một đảo quốc ở phía đông của Cuba và Jamaica trong vùng biển Caribbean, diện tích hơn 10 ngàn dặm vuông và dân số trên 11 triệu người, với láng giềng là nước Cộng Hòa Dominican.
Trong thời gian gần đây Haiti đã phải đối phó với rất nhiều vấn đề từ kinh tế, xã hội cho đến chính trị. Nền kinh tế của đảo quốc cho tới nay vẫn chưa phục hồi sau trận động đất năm 2010 và trận bão Matthew năm 2016. Các cuộc thăm dò của Ngân Hàng Thế Giới cho thấy 60% dân số của Haiti có mức thu nhập dưới $2 dollars một ngày. Nạn lạm phát vượt ngoài tầm kiểm soát, thực phẩm và xăng dầu thường xuyên thiếu hụt, trong lúc những vụ bạo động giữa các băng đảng càng lúc càng gia tăng ở thủ đô Port-au-Prince. Đã vậy mà từ năm ngoái tới nay lại còn thêm đại dịch Covid-19 lan tràn, gây khó khăn cho sinh hoạt của người dân. Thống kê của Đại học Johns Hopkins ghi nhận Haiti đã có trên 19,000 trường hợp lây nhiễm Coronavirus và số bệnh nhân tử vong tới nay là 462 người.
Với bối cảnh như vậy, người ta không ngạc nhiên khi thấy tình hình chính trị Haiti càng lúc càng rối loạn. Kể từ năm 1986, các nhà lãnh đạo đất nước này bắt đầu cố gắng cải thiện guồng máy chính quyền với mong muốn tiến tới một thể chế dân chủ tốt đẹp hơn, nhưng hầu hết những cuộc bầu cử được tổ chức đều bị khiếu nại, tố cáo gian lận v.v…
Năm 2017, ông Jovenel Moise – một doanh gia giàu có nhờ thành công trong ngành cung cấp trái cây (vì vậy được gọi bằng biệt hiệu “The Banana Man”) – đắc cử Tổng Thống và lên cầm quyền sau một cuộc bầu cử đầy tranh cãi. Vì kế hoạch phục hồi kinh tế thất bại, ông phải đối phó với sự bất mãn của dân chúng ngày càng gia tăng, đồng thời phe đối lập liên tiếp mấy tháng gần đây yêu cầu ông phải từ chức, viện dẫn lý do nhiệm kỳ của ông đã kết thúc vào tháng 2-2021. Nhưng ông Moise và các chính trị gia ủng hộ ông kiên quyết bác bỏ lời yêu cầu này, với luận cứ nói rằng vì tuyên thệ nhậm chức trễ (do khiếu nại bầu cử) nên nhiệm kỳ của ông còn kéo dài một năm nữa.
Chỉ trong thời gian ngắn vừa qua, Tổng Thống Moise đã bổ nhiệm và thay thế tới bảy vị Thủ Tướng. Mới hôm Thứ Hai tuần này – hai ngày trước khi xảy ra vụ ám sát – ông loan báo sẽ bổ nhiệm bác sĩ Ariel Henry làm Thủ Tướng với nhiệm vụ “tái lập đoàn kết” và tổ chức bầu cử vào cuối năm nay.
Tin tức cho biết, với cái chết đột ngột của ông Moise, đồng thời vị Chủ Tịch Tối Cao Pháp Viện của Haiti cũng mới vừa qua đời vì bị lây nhiễm Covid-19, do đó người tạm thời kế nhiệm trong vai trò lãnh đạo sẽ là Thủ Tướng lâm thời Claude Joseph. Tuy nhiên việc kế nhiệm của ông Joseph chắc chắn sẽ gây tranh cãi, vì Quốc Hội đã mãn nhiệm và không thể chuẩn thuận tân Tổng Thống.
Một cuộc trưng cầu dân ý để tu chính hiến pháp, song song với bầu cử Tổng Thống và Quốc Hội, được dự trù diễn ra vào tháng 6 nhưng đến phút chót vì mối đe dọa của đại dịch nên phải đình hoãn đến tháng 9. Chưa rõ tình hình hiện tại có đưa tới thêm những hỗn loạn và bạo động trên đất nước Haiti hay không.
QUÂN ĐỘI MỸ RỜI CĂN CỨ BAGRAM Ở AFGHANISTAN, CHUẨN BỊ TRIỆT THOÁI TOÀN DIỆN
Buổi tối Thứ Sáu 2 tháng 7, đơn vị Hoa Kỳ đồn trú tại phi trường Bagram đã lặng lẽ rời khỏi căn cứ quân sự này, trong khuôn khổ kế hoạch triệt thoái toàn diện khỏi lãnh thồ Afghanistan trước kỳ hạn 11 tháng 9-2021 và chấm dứt cuộc chiến tranh kéo dài đúng 20 năm trời.
Theo các bản tin thông tấn thì quân đội Afghanistan chỉ được thông báo hai tiếng đồng hồ sau đó, và Tướng Mir Asadullah Kohistani đã tiếp nhận căn cứ Bagram vào sáng Thứ Hai. Trong khi đó Đại Tá Sonny Leggett, phát ngôn viên quân đội Mỹ nói rằng việc chuyển giao Bagram được thực hiện theo chương trình mà hai bên đã thỏa thuận từ tuần trước.
Tư lệnh quân đội Mỹ ở Afghanistan là Tướng Austin S. Miller, trong khi chuẩn bị rời nhiệm sở, đã gặp Tổng Thống Ashraf Ghani hôm Thứ Sáu, tái xác định sự cam kết của Hoa Kỳ là sẽ hỗ trợ lực lượng quốc phòng và an ninh của Afghanistan để bảo vệ an ninh lãnh thổ cũng như chống khủng bố. Việc trợ giúp được cụ thể hóa bằng ngân khoản viện trợ trên $3 tỷ dollars cho năm 2022 và sẽ tiếp tục tới năm 2024.
Một giới chức tại Bagram, ông Darwaish Raufi nói rằng vì chính quyền địa phương không được thông báo việc quân đội Mỹ lặng lẽ rút đi trong đêm tối, nên từ sáng sớm đã có đông đảo dân chúng tràn qua các cổng không người canh gác vào trong căn cứ để “hôi của”. Sau đó binh sĩ Afghanistan mới được gọi đến tái lập trật tự và bắt giữ một số người.
Bagram nằm ở phía bắc, cách thủ đô Kabul khoảng 1 giờ lái xe, là một căn cứ rất lớn của lực lượng quân sự Hoa Kỳ và NATO. Vào lúc cao điểm của cuộc chiến đã từng có tới 100,000 binh sĩ Mỹ đồn trú tại đây. Ngoài ra trong phi trường Bagram còn có một trại giam với khoảng 5,000 tù nhân, đa số là quân Taliban bị bắt trên trận địa.
Tưởng cần nhắc lại, sau khi khủng bố Al Qaeda tấn công World Trade Center và Ngũ Giác Đài ngày 11 tháng 9 năm 2001, Hoa Kỳ dưới sự lãnh đạo của Tổng Thống George W. Bush đã thành lập liên minh quân sự cùng 40 quốc gia đồng minh để phát động cuộc chiến tại Afghanistan, nơi mà chế độ Taliban đang nắm quyền và che chở cho các nhóm khủng bố quốc tế. Ngày 7 tháng 10 lực lượng liên minh oanh tạc các căn cứ của Taliban và Al Qaeda, đến 13 tháng 11 thì đánh bại hoàn toàn Taliban và tiến vào thủ đô Kabul.
Với sự yểm trợ của lực lượng liên minh, một chính quyền dân sự được dân chúng Afghanistan bầu lên vào năm 2004, tuy nhiên vì Taliban rút về miền nam và tiếp tục quấy rối bằng chiến tranh du kích và hoạt động khủng bố nên quân đội Mỹ, Anh và Khối Minh Ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vẫn tiếp tục đồn trú ở Afghanistan. Năm 2009 Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama quyết định tăng cường quân số để tiễu trừ phiến quân và bảo vệ an ninh cho dân chúng Afghanistan. Vào lúc cao điểm, quân số Mỹ và đồng minh lên tới 140,000 người.
Ngày 2 tháng 5 năm 2011, lực lượng Navy Seals của Hoa Kỳ giết chết lãnh tụ Osama bin Laden của Al Qaeda tại Pakistan. Từ 2012 đến 2014, các đơn vị quân sự của NATO và Anh Quốc lần lượt rời khỏi Afghanistan, đồng thời Hoa Kỳ cũng cắt giảm quân số đồn trú tại đây, đến năm 2017 chỉ còn lại khoảng 9,000 binh sĩ.
Ngày 29 tháng 2 năm 2020, sau các cuộc thương thuyết với lực lượng võ trang Taliban, chính phủ Hoa Kỳ dưới thời Tổng Thống Donald Trump đi tới thỏa thuận triệt thoái toàn bộ quân đội Mỹ khỏi Afghanistan trước tháng 5 năm 2021, đổi lại lời cam kết của Taliban là không để cho các nhóm khủng bố quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Afghanistan. Ngoài ra Taliban cũng đồng ý trở lại bàn đàm phán với chính phủ đương nhiệm của Tổng Thống Ahsraf Ghani, tuy nhiên các cuộc đàm phán đã kéo dài cả năm trời ở Doha (thủ đô của Qatar) mà vẫn chưa cho thấy triển vọng đạt được một thỏa hiệp ngưng bắn.
Hôm 14 tháng 4 năm nay, Tổng Thống Joe Biden quyết định hạn chót để quân đội Mỹ rút hết về nước là 11 tháng 9 – thời điểm đánh dấu đúng 20 năm kể từ vụ tấn công khủng bố châm ngòi cho cuộc chiến Afghanistan (11/9/2001 – 11/9/2021).
Trong cuộc hội kiến với Tổng Thống Ahsraf Ghani tại Tòa Bạch Ốc hôm 25 tháng 6, Tổng Thống Biden cam kết rằng Hoa Kỳ “vẫn tiếp tục hỗ trợ Afghanistan về mặt ngoại giao, kinh tế và nhân đạo”, nhưng nói rõ “tương lai đất nước là do chính người dân Afghanistan định đoạt”. Đồng thời Tổng Thống Ghani cũng xác nhận “quan hệ giữa hai quốc gia đã bước qua một chương mới” và chính phủ Kabul có nhiệm vụ “đối phó với những hậu quả do việc triệt thoái của quân đội Mỹ”.
Hậu quả tức thời là ngay sau khi các đơn vị đầu tiên của Hoa Kỳ và NATO rời khỏi Afghanistan vào cuối tháng 4, lực lượng võ trang Taliban đã lập tức leo thang chiến tranh, đụng độ dữ dội với quân chính phủ và bao vây hầu như tất cả các thành phố lớn. Một số binh sĩ Afghanistan bị mất tinh thần khi thấy quân đội đồng minh triệt thoái nên không quyết tâm giữ các cứ điểm chiến lược, càng tạo thêm lợi thế cho Taliban.
Trong khi đó Tổng Thống Ashraf Ghani cũng như Tướng Mir Asadullah Kohistani vẫn khẳng định lực lượng quốc phòng và an ninh của chính phủ “có đủ khả năng chận đứng” các đợt tấn công của Taliban. Bộ Quốc Phòng Afghanistan hôm 3 tháng 7 nói rằng trong 24 giờ qua Không Quân đã gia tăng các phi vụ oanh tạc và hơn 300 tay súng Taliban bị giết trong các cuộc hành quân tại tỉnh Helmand ở phía Nam. Nhưng phía Taliban bác bỏ tin tức về những thiệt hại này, tuyên bố ngược lại là đã chiếm được thêm bảy quận của tỉnh Badakhshan ở vùng đông bắc Afghanistan.
Bản tin thông tấn AFP ghi nhận rằng cả hai bên thường xuyên phóng đại tổn thất của phía địch và giấu bớt số thiệt hại của mình. Thông tín viên Sonia Ghezali tường thuật trên đài RFI:
“Có tin đồn là tỉnh Badakhshan dường như sắp rơi vào tay phe Taliban, nhưng chính phủ Afghanistan bác bỏ tin này. Nhiều đoạn video trên các trang mạng xã hội cho thấy hàng chục chiến binh Taliban ngồi trên xe cảnh sát vẫy cờ mừng chiến thắng và trưng bày các thiết bị quân sự mà họ đã chiếm được. Thật khó mà xác minh được tính xác thực của những hình ảnh như vậy. Nhưng lời kể của những người dân chạy trốn từ một số quận đã rơi vào tay phe Taliban chứng thực cho những hình ảnh đó. Tại miền nam Afghanistan, vòng vây đang siết chặt thủ phủ tỉnh Kandahar. Theo truyền thông địa phương, Taliban đã kiểm soát huyện Panjwai trong vài giờ qua và dường như đã chiếm được khoảng một chục huyện chỉ trong vòng 24 giờ. Đà tiến như vũ bão của phe Taliban gây hoảng loạn trong dân chúng”.
Trích dẫn nguồn tin của hãng thông tấn Reuters và Sky News, đài Fox News cho biết trên 1,000 binh sĩ của quân đội chính phủ đã bỏ khí giới, trốn sang nước láng giềng Tajikistan, hậu quả là lực lượng Taliban thu được 900 súng trường, 70 súng bắn tỉa và 65 quân xa.
Bản tin AFP trích dẫn thông cáo ngày 5 tháng 7 của Ủy Ban An Ninh Quốc Gia Tadjikistan cho biết “1,037 binh sĩ quân đội Afghanistan đã thoái lui và chạy sang Tadjikistan để giữ mạng sống sau nhiều trận giao tranh với phe Taliban”. Theo thông cáo, “các chiến binh Taliban đã giành quyền kiểm soát toàn bộ 6 huyện của tỉnh Badakhshan, khu vực có chung 910 km đường biên giới với Tadjikistan”. Tình hình này khiến Tổng Thống Emomali Rahmon của Tajikistan phải điều động tức khắc 20,000 binh sĩ trừ bị để bảo vệ biên giới.
Tướng Tư lệnh Hoa Kỳ Austin S. Miller khi tiếp xúc với báo chí hôm 29 tháng 6 tại thủ đô Kabul đã bày tỏ mối quan ngại rằng, thay vì sự triệt thoái của quân đội Mỹ và NATO sẽ mở đường cho một giải pháp chính trị để mang lại hòa bình và ổn định, thì bạo lực lại leo thang dữ dội, báo hiệu nguy cơ tái diễn một cuộc nội chiến dai dẳng trên đất nước Afghanistan.
Mặt khác, quyết định của chính phủ Mỹ rút toàn bộ 2,500 binh sĩ về nước trước ngày 11 tháng 9 còn đặt ra thêm một vấn đề nữa là làm sao bảo vệ được cho những người dân Afghanistan suốt 20 năm vừa qua đã cộng tác với quân đội Mỹ và đồng minh – trong vai trò thông dịch viên, hướng dẫn viên, nhà thầu xây cất và cung cấp dịch vụ v.v… – vì họ rất dễ trở thành mục tiêu trả thù của Taliban. Nhiều nhà lập pháp trong Quốc Hội Hoa Kỳ đã lên tiếng thúc đẩy hành pháp phải có hành động kịp thời và cụ thể để giải quyết vấn đề này.
Bộ Ngoại Giao cho biết khoảng 18,000 người Afghanistan thuộc thành phần nói trên mong muốn được cấp Chiếu Khán Đặc Biệt để qua Mỹ định cư, nhưng chưa rõ tình trạng những người thân trong gia đình của họ sẽ được giải quyết ra sao.
Hãng thông tấn AP ghi nhận một nguồn tin đáng tin cậy từ Bộ Ngoại Giao, theo đó chính phủ Mỹ đã yêu cầu ba quốc gia vùng Cận Đông là Kazakhstan, Tajikistan và Uzbekistan cho phép khoảng 10,000 người trong thành phần nói trên được trú ngụ tạm thời để chờ đợi kết quả cứu xét đơn xin chiếu khán. Ngoài ra còn một số khác cũng đã được vài quốc gia Âu Châu chấp nhận cho tạm cư.
Phố Nhỏ Online tổng hợp từ các nguồn: AP, Reuters, AFP, NPR, VOA, CNN, Fox News ngày 8/7/2021
Be the first to comment