COVID-19: Chống Dịch Kiểu Việt Nam – Chỉ Thương Cho Người Dân !

Những ngày này VN đang “vỡ trận” với Covid-19, lướt qua trang báo nào cũng chỉ thấy toàn tin về tình hình dịch bệnh, số ca bị lây nhiễm, chỗ này vùng kia bị phong tỏa… Sài Gòn, nơi số ca nhiễm tăng nhanh, vừa có quyết định giãn cách xã hội toàn thành phố 15 ngày, từ 0h ngày 9/7 để phòng chống Covid-19.

Người dân xét nghiệm Covid-19 tại Hà Nội
Người dân xét nghiệm Covid-19 tại Hà Nội (Hình của GETTY IMAGES)

Từ tự hào quá mức đến rối như canh hẹ

Trước hết phải nói ngay rằng kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát đầu tiên ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc vào tháng 12.2019 cho đến nay, không có một quốc gia nào, dù là những cường quốc có nền kinh tế tiên tiến hàng đầu như Mỹ, Tây Âu, Canada, Nhật, Hàn… mà lại không mắc phải những sai lầm trong cách chống dịch, hoặc do đánh giá thấp dịch lúc đầu hoặc tự mãn, không có chiến lược vaccine về sau.

Giai đoạn đầu khi Việt Nam kiểm soát được dịch thì từ quan chức cho tới báo chí truyền thông đều có tinh thần “tự sướng”, quá lố, “nổ” vang trời, đến mức ông cựu Thủ tướng, cũng là đương kim Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc còn tuyên bố rằng trong đại dịch COVID-19, có hàng vạn người từ nước ngoài đăng ký về Việt Nam, rằng “Nếu cột điện biết đi ở Mỹ, thì nó sẽ về Việt Nam”. Trong khi các quốc gia khác trong khu vực cũng kiểm soát dịch tốt, như Đài Loan chẳng hạn còn tốt hơn Việt Nam, thì chả ai “ngất ngây” như vậy cả.

Bây giờ dịch bùng phát, thì lại rối loạn, làm toàn những chuyện quẫn, như tiếp tục cho bầu cử, thi cử tụ tập đông người, rồi chích ngừa thì hàng ngàn người chen lấn nhau, đi kiểm tra lấy giấy xét nghiệm âm tính – một cái giấy chỉ có giá trị 3-5 ngày là một việc làm vừa hành dân vừa vô nghĩa, và cũng lại chen lấn đông đúc lây nhiễm thêm…

Đọc bài “Khổ vì giấy xét nghiệm Covid-19” trên VNExpress chẳng hạn, để thấy cái việc làm không cần thiết, gây lãng phí nguồn lực này đã làm khổ doanh nghiệp, khổ người dân, mất thì giờ, tốn tiền như thế nào. Ngay cả cái chuyện cách ly tập trung, dồn mọi người vào một chỗ cũng sai, vì cũng tạo điều kiện lây nhiễm, bắt cả trẻ em bà bầu đi cách ly, thay vì để người ta tự cách ly ở nhà.

Làm toàn những chuyện phản khoa học như vậy, mặt khác lại gây ra một không khí sợ hãi quá mức trong người dân.

Các nước dân chủ: chống dịch nghiêm túc nhưng vẫn nhẹ nhàng, văn minh

Cần phải thấy rằng, ngay cả trong những ngày này, số ca bị nhiễm, số người chết vì Covid-19 ở Việt Nam, nếu những con số đó là đúng, thì so với Mỹ và châu Âu trong thời điểm dịch bùng phát nặng, vẫn là không ăn thua gì. Còn nhớ Mỹ và Anh từng có những giai đoạn thê thảm, trong lúc số người bị nhiễm và số người chết ở Mỹ cao nhất thế giới thì Anh cao nhất châu Âu. Nhưng sống ở Anh tôi không hề thấy sự hoảng loạn, từ chính phủ cho tới người dân. Không chỉ vì tính cách dân Anh lạnh lùng phớt ăng-lê như người ta thường nói, nhưng các bạn bè tôi ở Pháp, Đức, Bỉ, Canada… tình hình cũng vậy.

Người dân tại Cardiff, xứ Wales tại một quán ăn ngoài trời tháng 10/2020
Người dân tại Cardiff, xứ Wales tại một quán ăn ngoài trời tháng 10/2020 (Hình của GETTY IMAGES)

Không hoảng loạn, không quẫn trí, ngay cả khi Anh và một số nước Tây Âu khác phải lockdown tới 6, 7 tháng – đợt gần đây nhất Anh phong tỏa (lockdown) toàn quốc từ tháng 12.2020 tới 17.5.2021 mới nới lỏng bớt, và đến 19.7 này nếu không có gì thay đổi, thì mới mở cửa lại hoàn toàn.

Phong tỏa (Lockdown) một thời gian dài như vậy, mà nói đóng là đóng thực sự, quán xá nhà hàng mọi thứ đều đóng cửa, ngoại trừ siêu thị, tiêm thuốc tây, một vài cửa hàng thiết yếu, người dân thì chỉ được phép đi siêu thị, đi mua thuốc tây, đi bộ hoặc chạy bộ ngoài trời, hai gia đình không được phép gặp nhau, càng không có chuyện tụ tập gì hết. Mãi đến 17.5 như đã nói ở Anh mới nới lỏng một chút. Người dân tất nhiên là bức bối, kể cả bị trầm cảm vì suốt một thời gian dài không có những giao tiếp xã hội, không thể gặp gỡ người thân, không mua sắm, ăn uống nhà hàng gì được. Nhất là những người ở một mình, càng dễ bị trầm cảm.

Khán giả xem tennis tại giải Wimbledon, London ngày 6/7
Khán giả xem tennis tại giải Wimbledon, London ngày 6/7 (Hình của GETTY IMAGES)

Nhưng ngoài ra không có sự căng thẳng, chính phủ không lên gân, không hô hào khẩu hiệu “chống dịch như chống giặc”, “mỗi người dân là môt chiến sĩ”…; khi tình hình bi đát không quẫn trí mà lúc đạt được kết quả số người bị nhiễm, số người chết thấp hẳn nhờ tiến hành tiêm chủng vaccine nhanh chóng, cũng không ngất ngây “tự sướng”.

Dịch thì đúng là chết người, nhưng không ai coi người bị nhiễm là tội phạm phải xa lánh hay chỉ trích, đời sống kinh tế của các thành phần xã hội bị ảnh hưởng vì đại dịch từ người thất nghiệp, người lao động tự do, doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp lớn… đều được chính phủ hỗ trợ đầy đủ.

Chích vaccine ai cũng như ai, từ gia đình Hoàng gia, Thủ tướng cho đến người dân, cứ tính theo độ tuổi từ già đến trẻ, đến lượt là chích, lứa tuổi nào được phép chích loại vaccine nào thì chích, ai cũng như ai không phân biệt. Đi chích vaccine các trung tâm y tế đã bố trí giờ giấc sao cho không có đông người cùng một lúc, mỗi người ngồi cách xa nhau 2 mét chờ đến lượt.

Thủ tướng Anh được tiêm liều thứ 2 của vaccine AstraZeneca hôm 3/6
Thủ tướng Anh được tiêm liều thứ 2 của vaccine AstraZeneca hôm 3/6 (Hình của GETTY IMAGES)

Còn bình thường nếu muốn thử xem mình có bị nhiễm hay không thì cũng rất nhẹ nhàng, nếu xét nghiệm (test) nhanh (Lateral flow test, Rapid Antigen Test) thì ra tiệm thuốc tây gần nhà lấy bộ test kit về nhà tự thử lấy, còn nếu test đầy đủ (PCR test) thì cũng có thể tự thử tại nhà nhưng sau đó phải gửi mẫu đến phòng lab đợi kết quả, hoặc đặt hẹn online, tìm một trung tâm nào gần nhà nhất mà đặt, đúng ngày giờ tới thử, kết quả sau đó được gửi qua email, hoặc tin nhắn qua điện thoại, mọi thứ cứ thế nhẹ nhàng, tuần tự mà làm.

Anh: Một phụ nữ sử dụng bộ tự xét nghiệm Covid-19 tại nhà
Anh: Một phụ nữ sử dụng bộ tự xét nghiệm Covid-19 tại nhà (Hình của GETTY IMAGES)

Mọi hoạt động đông người tuyệt đối tránh. Và không có chuyện “nói một đằng làm một nẻo” ở đây. Một ví dụ, ngay ông Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock khi bị báo chí khui mấy tấm hình ông và người trợ lý của mình ôm hôn nhau tại văn phòng, đã buộc phải từ chức trong tháng 6 vừa qua. Chuyện ngoại tình là một phần, nhưng cái chính là vì ông Bộ trưởng đã vi phạm quy định giãn cách xã hội, trong thời điểm chính phủ Anh đang khuyến cáo mọi người tránh tiếp xúc, giữ khoảng cách 2 mét.

Không thể cứ duy ý chí và bỏ quên bao số phận con người

Trong khi đó nhìn sang Việt Nam mà lo mà thương cho đồng bào. Nhà nước vẫn cứ luẩn quẩn cách ly, phong tỏa chỗ này, ngăn sông cấm chợ chỗ kia, mà biện pháp này thì bây giờ không còn hiệu quả nữa khi dịch đã lan rộng.

Nhưng chưa chết vì dịch thì nhiểu người đã có khả năng chết vì đói! Suốt mùa dịch người dân chả nhận được bất cứ sự hỗ trợ nào từ nhà nước thì chớ, lại còn bị bóp họng bắt phải đóng góp tiền mua vaccine, để rồi chưa mua được thì nhà cầm quyền cho đó là “tiền nhàn rỗi” bỏ vào ngân hàng lấy lãi, rồi nào cách ly cũng phải đóng tiền, làm cái giấy xét nghiệm âm tính chỉ có giá trị 3-5 ngày cũng phải trả tiền…

Bài viết về cuộc tranh cãi trên các báo được nhiều người quan tâm
Bài viết về cuộc tranh cãi trên các báo được nhiều người quan tâm

Nói tóm lại, nhà cầm quyền hoàn toàn bất lực, thay vì chống dịch bằng tư duy khoa học thì chống dịch bằng tư duy thời chiến, bằng tinh thần, khẩu hiệu, suốt ngày “thần tốc” với “quyết thắng”, đưa sinh viên vào hỗ trợ Sài Gòn chống dịch thì hô hào “giải phóng miền Nam”

Câu chuyện đưa sinh viên tỉnh Hải Dương vào Sài Gòn còn nói lên cái thói quen làm việc thích phô trương hơn là thực chất, bởi nhiều người đã phải đặt ra câu hỏi, Sài Gòn đã sử dụng hết nguồn lực tại chỗ chưa, có thật cần thiết phải đưa người vào vừa tốn kém hơn nhiều như vậy chưa, và đưa nhiều người từ nơi này sang nơi khác giữa lúc dịch đang lan tràn có phải là khôn ngoan?

Điều đáng nói nhất là nhà nước Việt Nam hoàn toàn không quan tâm gì đến người dân sinh sống khổ sở trong thời đại dịch ra sao, chỉ nghĩ làm sao moi tiền dân bằng mọi cách, trong khi tay kia vẫn ngửa ra xin viện trợ, xin vaccine của thế giới!

Và người Việt mình thì vẫn quen nhẫn nhịn chịu đựng, trong những ngày đại dịch này mặt mũi ai nấy đều phờ phạc, nỗi lo dịch một phần thì nỗi lo chết đói, chết vì vỡ nợ… mười phần. Nhưng vừa tự lo cho mình, vừa giúp đỡ, đùm bọc người khác theo tinh thần “lá nát đùm lá rách” như hồi nào tới giờ vẫn thế, mà lại còn bị nhà nước hành chuyện này chuyện khác!

Song Chi
Gửi cho BBC News Tiếng Việt từ Anh Quốc ngày 8 tháng 7, 2021

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*