Hoa Kỳ muốn trải rộng lực lượng tại châu Á để đối phó với Trung Quốc. Vấn đề là không có bao nhiêu quốc gia nhiệt tình với việc cho bố trí hỏa tiễn hoặc cho Mỹ đóng quân. Những người am hiểu ở Lầu Năm Góc hy vọng sự hiếu chiến của Bắc Kinh có thể khiến các nước châu Á cởi mở hơn. Một số nhà quan sát lạc quan còn nghĩ rằng ngay cả Việt Nam, cựu thù của Washington, chừng mươi, mười hai năm nữa cũng sẽ hoan nghênh quân Mỹ.
The Economist phân tích về những khả năng Mỹ đáp trả trước mối đe dọa của Trung Quốc trên Thái Bình Dương. Hôm 04/03, đô đốc Philip Davidson, chỉ huy trưởng lực lượng Mỹ ở Ấn Độ-Thái Bình Dương (INDOPACOM) cảnh báo Trung Quốc có thể vượt được Hoa Kỳ trong 5 năm tới. Viễn cảnh này khiến Quốc Hội Mỹ thức tỉnh.
Tên lửa từ Hoa lục đe dọa các căn cứ Mỹ ở Thái Bình Dương
Tháng 11/2020, Quốc Hội đã dành 2,2 tỉ đô la cho Quỹ răn đe Thái Bình Dương (PDI), và nay các tham mưu trưởng ở châu Á đòi hỏi tăng gấp đôi PDI với 4,7 tỉ đô la năm 2021-2022 và 22,7 tỉ đô la bổ sung cho đến 2027. Trong báo cáo ngày 01/03, họ đã giải thích vì sao.
Hoa Kỳ có lực lượng quân nhân, phi cơ và chiến hạm hùng hậu, nhưng vấn đề là bố trí ở đâu. Mỹ có nhiều căn cứ ở châu Á, nhất là Nhật Bản và Hàn Quốc, cả hai đều nằm trong tầm ngắm của tên lửa từ Hoa lục. Quan trọng nhất là đảo Guam – đủ gần để oanh tạc cơ và các loại vũ khí khác tấn công Hoa lục, và đủ xa tầm bắn của nhiều loại hỏa tiễn Trung Quốc. Guam là lãnh thổ của Mỹ nên không phải thương lượng với các đồng minh. Một căn cứ mới đã được mở ra ở Guam hồi tháng 10, căn cứ đầu tiên của thủy quân lục chiến Mỹ tại châu Á kể từ 1952.
Tuy nhiên, cho dù tương đối an toàn, Guam vẫn có thể bị tấn công bởi một số loại hỏa tiễn đạn đạo mới của Trung Quốc, cũng như tên lửa hành trình tầm thấp bắn đi từ chiến hạm, tàu ngầm hay oanh tạc cơ. INDOPACOM muốn chi 4,4 tỉ đô la để nâng cấp hệ thống phòng không và hỏa tiễn trên hòn đảo, một phần thông qua các giàn radar mới vừa trên vệ tinh vừa từ mặt đất ở Palau – một quần đảo cách đó 1.300 kilomet.
Chỉ bố trí hỏa tiễn tại Guam thì chưa đủ. Đô đốc Davidson cho rằng cần phải trải rộng lực lượng, chi 9 tỉ đô la để xây dựng và nâng cấp các phi đạo, kho xăng, kho vũ khí… trên toàn khu vực. Những địa điểm tiềm năng gồm các vùng lãnh thổ Mỹ như đảo Tinian (quần đảo Bắc Mariana), các đảo ở những nước bạn Thái Bình Dương như Yap (Liên bang Micronesia), và một số điểm khác chưa được xác định tại châu Á.
Bị Bắc Kinh hà hiếp, cựu thù Việt Nam sẽ cởi mở hơn với Hoa Kỳ?
Theo chuyên gia Euan Graham, Viện Quốc tế Nghiên cứu Chiến lược, IISS, mục đích của việc triển khai không phải là co cụm chờ địch tấn công, mà để kẻ gieo gió là Trung Quốc phải gặt bão. Nhờ tổng thống Donald Trump rút khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) năm 2019, Hoa Kỳ có thể chế tạo các hỏa tiễn quy ước địa-hải có tầm bắn trên 500 km, nhắm vào tàu chiến Trung Quốc. Vấn đề là không có bao nhiêu quốc gia nhiệt tình với việc cho bố trí hỏa tiễn Mỹ trong thời bình, hoặc với việc làm nơi trú đóng của quân Mỹ trong thời chiến. Chẳng hạn Singapore, ngã tư hàng hải chiến lược, bị Trung Quốc làm áp lực mạnh mẽ để không cho Mỹ sử dụng lãnh thổ. Những người am hiểu ở Lầu Năm Góc biện luận rằng sự hiếu chiến của Bắc Kinh có thể khiến các nước châu Á cởi mở hơn với lực lượng Mỹ. Một số nhà quan sát lạc quan còn nghĩ rằng ngay cả Việt Nam, kẻ thù cũ của Washington, chừng mươi, mười hai năm nữa cũng sẽ hoan nghênh quân Mỹ.
Trong khi chờ đợi, INDOPACOM muốn bôi trơn quan hệ bằng «tiền tươi thóc thật». Hơn 6,2 tỉ đô la sẽ được dùng để huấn luyện và trang bị cho các bạn bè ở khu vực trong sáu năm tới. Việc này rất cần thiết: năm ngoái ngân sách quốc phòng Trung Quốc lên đến 12 tỉ đô la, bằng tất cả các nước châu Á cộng lại. Trước mắt đây chỉ là mong muốn, vì ngân sách quốc phòng Hoa Kỳ năm nay không tăng, nhưng một khi Lầu Năm Góc rủng rỉnh túi tiền, Thái Bình Dương sẽ sôi sục.
Trung Quốc tự cô lập trước «thế lực thù địch» Mỹ
Trên lãnh vực kinh tế, The Economist nhận xét trong kế hoạch 5 năm lần thứ 14 mới vừa công bố, Trung Quốc mơ hồ về tăng trưởng, nhưng rõ ràng muốn «tự cung tự cấp», cô lập đất nước trước các «thế lực thù địch».
Tuy không nêu tên Mỹ, Bắc Kinh lần này nhấn mạnh đến sự nguy hiểm của «chủ nghĩa bá quyền», trong khi kế hoạch 5 năm trước đó mô tả một thế giới đa phương và hòa bình có lợi cho Trung Quốc. Đáng chú ý là chỉ tiêu tăng trưởng cho 5 năm tới không được ấn định mà sẽ được đưa ra từng năm tùy theo điều kiện. Bất định về địa chính trị khiến Trung Quốc do dự, chẳng hạn không biết Washington sẽ tiếp tục bóp nghẹt nguồn cung chất bán dẫn hay không.
Tập Cận Bình nói về chiến lược hai chu lưu: tiếp tục xuất khẩu, nhưng song song đó chú trọng việc xây dựng một nền kinh tế năng động trong nước. Chương trình «Made in China 2025» bị phương Tây chỉ trích không còn được nhắc đến, tuy nhiên các lãnh vực ưu tiên vẫn được giữ nguyên, từ tự động hóa cho đến xe điện. Kế hoạch nêu ra bảy công nghệ tiên tiến được cho là sống còn đối với sự phát triển và an ninh quốc gia, như tin học lượng tử, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. Trung Quốc muốn giảm tỉ lệ nợ nần (đã lên đến gần 300% GDP), nhưng rất khó giảm nợ khi phải đổ tiền vào cơ sở hạ tầng và công nghệ cao.
Vì sao Trung Quốc không thể có tự do với internet?
Về mặt xã hội, tuần báo Anh tìm cách lý giải «Vì sao internet không làm Trung Quốc trở nên tự do». Vào lúc rạng đông của kỷ nguyên số, Bill Clinton dự báo một sự phối hợp giữa tư bản và internet có thể «giải phóng» Trung Quốc. Quan điểm của ông là táo bạo, nhưng sai lầm. Đó là năm 2000, và tổng thống Mỹ thời đó nhận thấy một cuộc cách mạng đang diễn ra, đảng cộng sản không còn độc quyền trên mọi lãnh vực. Clinton cho rằng «Trong thế kỷ mới, tự do sẽ lan tràn nhờ điện thoại di động và cáp». Tất nhiên ông cũng nghe nói Trung Quốc định kiểm soát internet, nhưng không hề nghĩ Bắc Kinh có thể làm được.
Những người lãnh đạo đảng cộng sản trong suốt 20 năm sau đó đã chứng tỏ ngược lại, với một đội quân kiểm duyệt, công an chìm và cán bộ tuyên truyền. Các công ty internet phải tuyển mộ cả mấy chục ngàn người chuyên giám sát để xóa ngay các ý tưởng và hình ảnh bị cấm chỉ vài giây sau. Trong một chế độ không thể đụng chạm đến các lãnh đạo, ngành giải trí là nơi để «xả xú báp», giới nghệ sĩ trở thành mục tiêu dễ bị chỉ trích.
Khát khao dân chủ trỗi dậy ở phương Đông
Trong bài xã luận trên Le Point mang tựa đề «Tự do nổi lên ở phương Đông» (lấy ý từ bộ phim truyền hình «Mặt trời mọc ở phương Đông»), tác giả Nicolas Baverez nhận định, nếu thế giới ngả về châu Á, chủ nghĩa đế quốc của Trung Quốc sẽ bị làn sóng dân chủ mới nổi ở các nước trong khu vực chận lại.
Covid là cuộc khủng hoảng dịch tễ và kinh tế, nhưng cả về địa chính trị, làm đảo lộn tương quan lực lượng, đẩy châu Á tiến nhanh còn phương Tây thụt lùi – với những thiệt hại từ cuộc chiến Afghanistan, Irak, Syria, khủng hoảng tài chính 2008 và nay đến con virus từ Vũ Hán.
Bắc Kinh nhanh chóng lợi dụng để bành trướng: tăng cường ý thức hệ cộng sản, độc chiếm Biển Đông, siết lại Hồng Kông và đe dọa Đài Loan, ký hiệp định RCEP, gây hấn với Ấn Độ… Nhưng Úc không nhường bước khi Trung Quốc muốn hà hiếp, và xu hướng dân chủ nổi lên trong khu vực, từ Đài Loan, Hồng Kông đến Miến Điện đang mang lại những hy vọng.
Giới trẻ Miến Điện tiếp thu cẩm nang biểu tình Hồng Kông
Tại Đông Nam Á, Le Point có bài phóng sự dài từ Miến Điện nói về «Lớp trẻ thách thức tập đoàn quân sự». Sau vụ đảo chính, cả một thế hệ đã đứng lên đối đầu với bạo lực, vũ khí của họ chỉ là mạng xã hội và tính sáng tạo.
Phong trào bất tuân dân sự với những người biểu tình đội nón bảo hộ lao động và mang mặt nạ chống khí độc không phải từ trên trời rơi xuống, mà được truyền cảm hứng từ «Cách mạng Dù» và biểu tình Hồng Kông năm 2019. Ngay từ những ngày đầu, các nhà hoạt động đã dịch ra tiếng Miến Điện cuốn cẩm nang «Manuel HK19», một tài liệu trên Google được người biểu tình Hồng Kông soạn thảo tập thể năm 2019. Tài liệu này hướng dẫn đầy đủ chi tiết về các thiết bị và chiến thuật giúp đương đầu nhiều tháng trời với cảnh sát. Trên các mạng xã hội, cư dân mạng Miến Điện trong và ngoài nước tham gia Milk Tea Alliance. «Liên minh trà sữa» được khai sinh từ cuộc chiến đấu trên internet giữa giới trẻ Hồng Kông, Đài Loan, Thái Lan, Hàn Quốc với phe dân tộc chủ nghĩa Hoa lục.
Các tướng lãnh Miến Điện khó thể quay lui
Cũng về Miến Điện, The Economist nhận định các tướng lãnh không thể dấn lên mà không sử dụng bạo lực, nhưng họ cũng không thể lùi bước. Hàng trăm ngàn người biểu tình phản đối đảo chính: lớp trẻ từ chối quay lại với thời kỳ độc tài và nghèo khó của cha anh. Họ lớn lên trong thập niên vừa qua, trong cải cách kinh tế và một chính quyền bán dân chủ, nên quân đội đã «nhầm thế hệ» – như trên một câu khẩu hiệu.
Nhưng sau đó số người xuống đường đã ít lại, khi binh lính bắt đầu nổ súng. Mỗi khi quyền lực bị lung lay, «Tatmadaw» lại sử dụng đến bạo lực, như hồi 1988. Nhưng việc đàn áp dữ dội biểu tình sẽ khiến Miến Điện lại bị cô lập, đầu tư sụt giảm mạnh gây thiệt hại cho quyền lợi của quân đội, tuy nhiên các tướng lãnh chừng như không có đường lui.
Bóng tối bao trùm các trại tập trung Bắc Triều Tiên
Còn tại Bắc Triều Tiên, tuần báo Anh nhận thấy thu thập được thông tin về các trại lao động khổ sai (gu-lắc) của nước này hiện nay khó khăn hơn bao giờ hết.
Trung tâm dữ liệu vì nhân quyền Bắc Triều Tiên (NKDB) đặt tại Hàn Quốc đã thu thập được hàng trăm trường hợp người Bắc Triều Tiên bị tống vào trại tập trung vì các «tội chính trị», như chỉ trích chính quyền hay coi phim Hàn Quốc. Nhưng gần đây những câu chuyện này đã ít hơn rất nhiều, vì ngày càng ít tin tức lọt được ra ngoài. Các trại cải tạo được mang vẻ bề ngoài như những ngôi làng bình thường để không bị chú ý, khách nước ngoài không được phép đến gần. Những người tù cải tạo đào thoát lâu nay là nguồn thông tin chính về những gì diễn ra bên trong trại, nhưng trong những năm gần đây, ít có ai trốn được.
Lý do là biên giới bị kiểm soát nghiêm ngặt hơn, chi phí cho môi giới cao hơn, và Trung Quốc – nơi họ phải trung chuyển để có thể trốn vào các lãnh sự quán Hàn Quốc ở Đông Nam Á – được giám sát kỹ càng hơn. Đại dịch Covid đã làm khép kín gần như toàn bộ biên giới. Sokeel Park, thuộc Liberty in North Korea, thường giúp người Bắc Triều Tiên đào tẩu đi qua Trung Quốc, cho biết chưa nghe thấy ai trốn được sau tháng Giêng 2020.
Harry & Meghan: Hoàng cung và showbiz
Trên lãnh vực xã hội, các báo không quên bình luận về xì-căng-đan mới nhất do hoàng tử nước Anh Harry và vợ là Meghan gây ra. L’Express gọi đây là vụ «thanh toán ân oán ở Vương tộc Windsor», còn Daily Telegraph cho rằng vụ này gây chấn động đến nỗi hoàng gia «núp sau canapé chưa đủ, cần phải mặc thêm áo giáp chống đạn».
L’Express ghi nhận, đúng một năm sau khi rời khỏi hoàng gia Anh, hoàng tử Harry và Meghan Markle quyết định trả lời phỏng vấn của «bà hoàng truyền hình Mỹ» Oprah Winfrey. Việc chọn thời điểm phát đúng vào ngày nữ hoàng Elizabeth II có bài diễn văn thường niên với toàn thể 54 nước Khối Thịnh vượng chung Anh (Commonweath) không thể là ngẫu nhiên. Hai người không có gì để mất sau vụ «Megxit»: ngỡ rằng vẫn có thể giữ lại tước vị hoàng gia đồng thời ra riêng để làm ăn, nhưng rốt cuộc họ được biết rằng không thể bắt cá hai tay.
Theo The Economist, mang danh hiệu hoàng tộc có nghĩa là phải phục vụ định chế, biết tự lui về phía sau. Nữ hoàng trong suốt 70 năm trị vì không có những tuyên bố nẩy lửa, không phải bà là người nhạt nhẽo. Tờ báo cho rằng chính nhờ đó mà nữ hoàng rất được yêu mến, và vụ ầm ĩ vừa qua không làm lung lay được vị trí của bà cũng như hoàng gia Anh.
Vac-xin, một năm sau Covid: Tựa chính các tuần báo Pháp
Le Point đăng hình vẽ tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngồi trên lưng một con ốc sên, chạy tựa «Vac-xin, nỗi đau Pháp». Hồ sơ của tờ báo kể ra: quan liêu xơ cứng, hoài nghi… khiến đất nước của Pasteur chậm chân trong cuộc chạy đua sáng chế vac-xin. L’Express dành hồ sơ cho «Những bài học của Covid», với nhà sử học người Israel nổi tiếng Yuval Noah Harari trên trang bìa. Tác giả best-seller «Sapiens: Lược sử loài người» phân tích những kinh nghiệm có thể rút ra cho tương lai, sau một năm 2020 với những khám phá khoa học và những sai lầm chính trị.
Courrier International đặt vấn đề, sau những cuộc khủng hoảng lớn thường nảy sinh tâm trạng khao khát hưởng thụ cuộc sống, như sau Đệ nhất Thế chiến và dịch cúm Tây Ban Nha. Liệu sau trận đại dịch Covid này, chúng ta sẽ biết đến «những năm tháng loạn cuồng» với sáng tạo, tự do tình dục… hồi thập niên 20? L’Obs nói về «Céline Ciamma, người phụ nữ quyền lực của điện ảnh», bà là đạo diễn luôn đấu tranh cho bình đẳng giới trong ngành. Trang bìa The Economist là một chú heo đất với tựa đề «Canh bạc lớn của Biden»: chương trình tái thúc đẩy 1.900 tỉ đô la có ý nghĩa như thế nào đối với kinh tế thế giới.
Thụy My
Theo RFI ngày 13/3/2021
Be the first to comment