Khối “Bốn Quốc Gia” Đối Phó Với Tàu Cộng
Ngày 9 tháng 3 năm 2021, trên hầu hết các trang báo điện tử đều có loan tin một cuộc họp thượng đỉnh của bốn quốc gia (the Quad) sẽ được diễn ra trong một vài ngày sắp tới. “The Quad” là tên được gọi tắt của Quadrilateral Security Dialogue (Thảo Luận Về An Ninh Bốn Bên), còn được báo chí nhắc đến với tên Asian NATO, là một khối gồm bốn quốc gia Nhật, Ấn, Úc và Mỹ, không được thành lập một cách chính thức và không có định kỳ hội họp. Tổ chức này được thành lập từ năm 2007 bởi thủ tướng Nhật thời bấy giờ là ông Shinzo Abe để trao đổi tin tình báo và duy trì an ninh ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, với sinh hoạt lỏng lẻo và đã ngưng hoạt động vào năm 2008 sau khi các lãnh đạo của Nhật, Ấn và Úc bị áp lực kinh tế cũng như mua chuộc và tỏ ra thân thiện với Tàu cộng.
Trong Đại hội Thượng đỉnh của các quốc gia Châu Á năm 2017 (2017 ASEAN Summits), trước sự bành trướng hung hăng của Tàu cộng, tổng thống Donald Trump cùng với lãnh đạo của Nhật, Ấn và Úc đã làm sống lại tổ chức này.
Kể từ khi tái thành lập, nhiều cuộc tập trận trên biển đã diễn ra giữa các quốc gia trong khối “The Quad”. Tháng 11 năm 2020, cuộc tập trận thường niên có tên là Malabar, bắt đầu từ năm 1992, giữa ba quốc gia Nhật, Ấn và Mỹ có sự tham dự của Úc. Đây là lần đầu tiên Úc tham dự cuộc tập trận này, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong sự hợp tác của bốn quốc gia (The Quad) kể từ khi được thành lập vào năm 2007.
Tuỳ theo kết quả của cuộc họp thượng đỉnh của “The Quad” sẽ làm giảm bớt hay gia tăng sự lo lắng của các quốc nhỏ trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, nhất là các quốc gia đang có tranh chấp chủ quyền biển đảo với Tàu cộng. Xem ra số phận của các quốc gia yếu kém luôn luôn tuỳ thuộc vào sự quyết định hoặc trao đổi của các cường quốc.
https://www.aninews.in/news/world/asia/ahead-of-quad-meeting-india-japan-discuss-south-china-sea-freedom-of-navigation20210309185429/
Mỹ Lo Ngại Về Sự Gia Tăng Nhanh Chóng Của Quân Đội Tàu Cộng
Tin tức gần đây cho biết Tàu cộng gia tăng ngân sách quốc phòng 6.8% so với năm trước, đồng thời Tập Cận Bình ra lệnh cho quân đội của chúng phải “chuẩn bị ứng phó” vì tình hình hiện nay đang ở trong tình trạng bất ổn. Họ Tập nhấn mạnh về sự cần thiết gia tăng khả năng chiến đấu và chiến lược cũng như phối hợp các hệ thống tác chiến, và tối tân hoá vũ khí chiến tranh.
Bắt đầu từ vài năm vừa qua, quân đội Tàu cộng đã và đang tiếp tục thực hiện cuộc cải tiến toàn bộ quân đội của chúng, nhất là về vũ khí nguyên tử đã quá lỗi thời. Họ Tập cho biết là việc cải tổ quân đội sẽ hoàn tất vào năm 2035, và trở thành một lực lượng quân sự có tầm vóc quốc tế vào năm 2050.
Sự gia tăng nhanh chóng về quân sự và nhất là gần đây nhà cầm quyền Tàu cộng ban hành luật cho phép tàu tuần cảnh của chúng dùng vũ khí đối với các tàu bè đánh cá mà chúng cho là vi phạm hải phận của chúng trong khu vực đang có tranh chấp chủ quyền giữa chúng và các quốc gia khác trong khu vực, đã gây chú ý cho các chiến lược gia của Hoa Kỳ.
Một bản phúc trình của Hải quân Mỹ trong năm 2020 cho thấy Tàu cộng đã có những phát triển và tối tân hoá đáng lo ngại về phương diện vũ trang cho quân đội của chúng. Những lĩnh vực phát triển bao gồm việc đóng tàu chiến, chế tạo hoả tiễn hành trình và phi đạn thông thường trên đất liền cũng như phối hợp với các hệ thống phòng thủ khác.
Trong một buổi nói chuyện với phóng viên của tạp chí Newsweek, bà Courtney Hillson, phụ tá trưởng phòng thông tin Hải Quân Hoa Kỳ cho biết thêm rằng Tàu cộng đã thành lập và điều động các đơn vị phối hợp giữa bộ binh, lực lượng tuần duyên, và dân quân hàng hải. Đây là lực lượng quân sự cải trang làm tàu đánh cá dân sự để quấy nhiễu, tấn công, vi phạm chủ quyền, và xem thường luật lệ của các quốc gia trong khu vực. Đồng thời Tàu cộng tiếp tục xâm lăng và quân sự hoá các đảo nhân tạo mà chúng đang chiếm đóng.
Trước sự gia tăng về quân sự của Tàu cộng trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, bộ Hải quân Hoa Kỳ cho biết họ vẫn tiếp tục hải hành, phi hành và hoạt động trong bất cứ khu vực nào mà luật lệ quốc tế cho phép, cũng như sẽ có những hành động cần thiết để bảo vệ quyền tự do hải hành trong khu vực. Tưởng cũng nên nhắc lại, cựu bộ trưởng Ngoại giao Mike Pompeo thời tổng thống Trump đã tuyên bố bác bỏ tất cả các lời tuyên bố về chủ quyền biển đảo của Tàu cộng trong khu vực đang có tranh chấp.
Hợp Tác Của Hải Quân Pháp Và Đức Trên Biển Đông
Từ giữa tháng Hai, hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth đã tiến vào Biển Đông. Tiếp theo đó, Pháp và Đức cũng hợp tác với Hoa Kỳ để đối đầu với sự hung hăng của Tàu cộng ở khu vực này.
Tháng Hai vừa qua, chiến hạm đổ bộ tấn công Tonner và khu trục hạm Surcouf cũng đã rời hải cảng Toulon để thực hiện nhiệm vụ 3 tháng hải hành ở khu vực Thái Bình Dương.
Tuần qua, Đức tuyên bố các khu trục hạm của họ sẽ đi ngang qua Biển Đông vào tháng Tám. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2002, chiến hạm của Đức đi qua vùng biển của Châu Á.
Để tăng cường sự hiện diện của lực lượng quân sự, tháng Hai vừa qua Pháp đã điều động tàu ngầm Émeraude và chiến hạm hỗ trợ Sein đến Biển Đông. Đây là loại tàu ngầm tấn công chạy bằng nhiên liệu nguyên tử có khả năng ở ngầm dưới nước một thời gian rất lâu. Cũng nên biết rằng các hàng không mẫu hạm chạy bằng năng lượng nguyên tử của Mỹ thì thời gian hoạt động là 20 đến 25 năm mới phải tiếp tế nhiên liệu, thế cho nên độ xa có thể di chuyển là không có giới hạn, và thời gian hoạt động là 50 năm. Hải Quân Mỹ hiện có 11 hàng không mẫu hạm, mỗi chiếc chở theo, trung bình, 80 phản lực cơ chiến đấu, với hơn 6 ngàn nhân viên, kể cả thuỷ thủ và nhân viên phụ trách về phi cơ.
Tàu ngầm Émeraude đã thực hiện một cuộc tập trận trong chiến thuật chống tàu ngầm với khu trục hạm USS John McCain của Mỹ và trực thăng hạm Hyuga của Nhật. Đây là cuộc tập trận đầu tiên của Nhật và Pháp.
Để trấn an Tàu cộng, Pháp tuyên bố sẽ không tiến vào Eo Biển Đài Loan, và Đức tuyên bố sẽ không đi vào gần trong vòng 12 hải lý của bất cứ hòn đảo hay bờ biển nào.
Thượng Viện Hoa Kỳ Và Dự Luật Đối Phó Với Tàu Cộng
WASHINGTON (Tin của Reuters – ngày 9 tháng 3 năm 2021) – Thượng nghị sĩ Bob Menendez, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, cho biết hôm thứ Ba, ông hy vọng Thượng viện có thể bỏ phiếu sớm nhất vào tháng 4 về một văn bản lập pháp được soạn thảo bởi cả hai đảng, Cộng Hoà và Dân Chủ, nhằm đưa ra những biện pháp để giải quyết các mối đe dọa của Tàu cộng.
“Tôi hy vọng rằng chúng tôi sẽ xem xét ngay tháng 4 này lên sàn Thượng Viện,” ông nói trong cuộc nói chuyện với các phóng viên báo chí qua điện thoại, vài tuần sau khi bắt đầu nhiệm kỳ chủ tịch ủy ban lần thứ hai, sau khi các thành viên thuộc đảng Dân chủ của ông nắm quyền kiểm soát Thượng viện vào tháng Giêng.
Menendez cho biết ông đang làm việc với các thành viên của đảng Cộng hòa về luật pháp và có nhiều vấn đề cả hai bên đã đồng ý.
Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer tuyên bố vào tháng 2, ông đã yêu cầu các nhà lập pháp viết một dự luật để chống lại sự trỗi dậy của Tàu cộng, dựa vào tình cảm cứng rắn của lưỡng đảng đối với Bắc Kinh tại Quốc hội.
Menendez cho biết văn bản lập pháp này sẽ giải quyết vấn đề cạnh tranh kinh tế với Tàu cộng, trong lãnh vực kỹ nghệ và nhiều lãnh vực khác, nhưng nó cũng sẽ đề cập đến các giá trị nhân đạo và dân chủ như sự đối xử với người thiểu số Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi ở Tân Cương, sự đàn áp người bất đồng chính kiến ở Hồng Kông và sự xâm lăng ở Biển Đông.
Ông Menendez cho biết “Cả đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ đều đồng ý rằng đây có lẽ là… những giải đáp cho câu hỏi mang tính thách thức nhất về an ninh và lợi ích quốc gia đối với Hoa Kỳ.”
Một Phần Ba (1/3) Dân Mỹ Xem Tàu Cộng Là Kẻ Thù
Cuộc thăm dò ý kiến của 2,596 người dân Mỹ vừa qua của Pew Research Center cho thấy 1 trong 3 người Mỹ, đa số là theo khuynh hướng của đảng Cộng Hoà, xem Tàu cộng là “kẻ thù (enemy)” của nước Mỹ.
Điểm qua một vài con số chúng ta sẽ thấy:
Chỉ có 9% dân Mỹ xem Tàu cộng là “bạn (partner)”, trong khi đó 55% xem Tàu cộng là “đối thủ (competitor)” và 34% xem Tàu cộng là “kẻ thù (enemy)”.
Về sắc dân thì 42% người da trắng xem Tàu cộng là “kẻ thù”, trong khi đó chỉ có 12% người da đen, và 21% người gốc Latin (Hispanic).
Về khuynh hướng đảng phái thì sự sai biệt rất lớn, 53% người thuộc đảng Cộng Hoà xem Tàu cộng là “kẻ thù”, trong khi đó chỉ có 20% người thuộc đảng Dân Chủ.
Về quan điểm “đối phó mạnh tay” với Tàu cộng thì người theo đảng Cộng Hoà là 72%, trong khi đó chỉ có 37% người theo đảng Dân Chủ đồng ý với quan điểm này.
Về phương diện Nhân Quyền thì dân số của cả hai đảng Cộng Hoà và Dân Chủ đều có quan điểm gần như nhau, với 72% (Cộng Hoà) và 69% (Dân Chủ).
Một điều đáng lưu ý là quan điểm của dân Mỹ không có thiện cảm với Tàu cộng đã tăng từ 46% trong năm 2018 lên đến 67% trong năm 2021.
Nhân Viên Cao Cấp Mỹ-Tàu Sẽ Gặp Nhau Ở Alaska Vào Tuần Tới
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan sẽ gặp Giám đốc Văn phòng Ủy ban Đối ngoại Trung ương Dương Khiết Trì (Yang Jiechi) và Ủy viên Quốc vụ Vương Nghị (Wang Yi) vào ngày 18 tháng 3 tại Anchorage, Alaska. Cuộc họp với Tàu cộng sẽ diễn ra sau khi ngoại trưởng Blinken họp với ngoại trưởng của Nhật và Đại Hàn, hai quốc gia đồng minh thân cận nhất trong khu vực.
Tuần trước, Blinken tuyên bố mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh là “thử thách địa dư chính trị lớn nhất thế kỷ”. Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ cho biết Washington sẽ tiếp tục cạnh tranh, hợp tác và là “kẻ thù”, nếu cần, với Tàu cộng. Xem ra đây là lời tuyên bố mạnh mẽ, có tính cách “dằn mặt” của chính phủ Biden đối với Tàu cộng trong khi quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia đang ở mức độ thấp nhất qua sự va chạm về kinh tế, kỹ nghệ truyền tin 5G, nhân quyền và an ninh trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Giám đốc nghiên cứu về Tàu cộng của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, bà Bonnie Glaser, đưa ra nhận xét “Những sự kiện này cho thấy chính phủ của ông Biden không từ bỏ cách đối xử với Tàu cộng của chính phủ ông Trump, đồng thời tìm cách cạnh tranh hiệu quả hơn.”
Ngoài ra, trong vài ngày sắp tới, ngoại trưởng Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin sẽ đến Á châu để trấn an và khẳng định trách nhiệm của Hoa Kỳ đối với các quốc gia đồng minh trong vùng. Đây là chuyến viếng thăm Á châu đầu tiên của Blinken và Austin, sau khi đã có cuộc họp vô tuyến truyền hình với các nhà lãnh đạo của nhóm “Bốn Quốc Gia – The Quad” là Thủ tướng Nhật, Yoshihide Suga, Thủ tướng Úc, Scott Morrison, và Thủ tước Ấn, Narendra Modi vào hôm thứ Sáu, ngày 5 tháng 3, vừa qua.
Những sự kiện nói trên như câu trả lời cho các quốc gia yếu kém trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương đang bị chèn ép bởi Tàu cộng rằng Hoa Kỳ sẽ không bỏ rơi họ. Nhà phân tích chính trị cao cấp của Rand Corporation là Derek Grossman đã nhận định “Cho dù không nói ra, nhưng vấn đề Tàu cộng lúc nào cũng nằm trong chương trình nghị sự của bốn quốc gia (The Quad) vì chúng ngày càng tỏ ra hung hăng trong khu vực biển Hoa Đông và Biển Đông.”
Lâm Viên
(Đặc San Lâm Viên)
Ngày 13/3/2021
Be the first to comment