Kỳ Thị Người Gốc Á Dâng Cao Ở Mỹ, Nguyên Do Vì Đâu?

Hình ảnh do camera an ninh ghi lại cho thấy một cụ ông 91 tuổi bị xô xuống đất ở Phố Tàu, thành phố Oakland

Trước tình trạng hành động kỳ thị nhằm vào cộng đồng gốc Á ở Mỹ gia tăng, có người gốc Việt cho rằng đó là ‘hậu quả của luận điệu kỳ thị của cựu Tổng thống Donald Trump’ nhưng cũng có người nói rằng đó là do ‘trình độ nhận thức của người kỳ thị’.

Một loạt các cuộc tấn công gần đây nhằm vào người Mỹ gốc Á đã một lần nữa đặt nạn kỳ thị ở Mỹ vào tâm điểm chú ý trong bối cảnh chủ nghĩa da trắng thượng đẳng đang leo thang và hố chia rẽ sắc tộc ngày càng khoét sâu.

Kể từ khi đại dịch bùng nổ vào mùa xuân năm ngoái, Người Mỹ gốc Á đã phải đối mặt với bạo lực kỳ thị với tỷ lệ cao hơn nhiều những năm trước. Tờ Time dẫn lời Sở Cảnh sát New York cho biết các tội thù hận với động cơ là tâm lý bài người gốc Á đã tăng 1.900% ở New York vào năm 2020.

Trong một đoạn băng do camera an ninh ghi lại vào ngày 28/1, ông cụ Vicha Ratanapakdee 84 tuổi bị xô ngã xuống đất khi đang đi dạo ở San Francisco vào buổi sáng và qua đời hai ngày sau đó. Ngoài ra, một bà cụ 64 tuổi người Việt bị hành hung và cướp ở San Jose, một ông 61 tuổi người Philippines bị người khác dùng dao rọc giấy rạch mặt trên tàu điện ngầm ở New York.

‘Mấy người mang China virus’

Từ Phoenix, bang Arizona, chị Lan Hoàng, một bà mẹ có ba con nhỏ và hiện đang phụ quản lý phòng mạch của chồng, kể với VOA về một lần chị bị “hất hủi” từ sau khi mọi người nói về ‘China virus’.

Theo lời chị thì chị thường đi tới đi lui giữa Phoenix và Newport Beach, một khu nhà giàu ở tiểu bang California, nơi chị cũng có nhà và chị thường dẫn các con đi dạo ở bãi biển Laguna mà ‘từ trước đến giờ mười mấy năm chưa gặp chuyện gì ở đó hết’.

“Lần đo tôi dắt ba đứa con đi xuống dưới đó ăn. Mấy mẹ con đang đi trên hè phố thì có một bà vô gia cư da trắng thấy mình đi qua, bả lấy chai gì đó xịt trên vỉa hè và nói rằng ‘mấy người này có China virus’,” chị Lan kể.

Theo lời chị thì lúc đó chị ‘rất tức giận nhưng vì có con nhỏ đi theo nên không muốn đôi co’. “Các con tôi chứng kiến chuyện đó, tụi nó còn nhỏ, tụi nói không cần chứng kiến sự kỳ thị như vậy,” chị nói.

“Mấy đứa nhỏ hỏi tôi là tại sao bà đó làm như vậy, mình đâu có virus đâu,” chị nói thêm và cho biết giải thích với các con rằng ‘bà ấy có vấn đề tâm thần nên mình phải thông cảm và bỏ qua’.

Khi chị biết được câu chuyện về ông cụ gốc Thái bị xô xuống đường đến chết, chị Lan nói ‘rất tức giận’ ‘mình đã ở thế kỷ 21 rồi mà còn xảy ra chuyện kỳ thị như vậy’.

Sau lần đó, chị giải thích cho các con hiểu sự kỳ thị là thế nào: “Tôi nói với các con là sẽ có những người không hiểu tại sao họ lại ghét mình chỉ vì bề ngoài của mình thôi. Điều đó không đúng. Nếu sau này các con lớn lên mà thấy như vậy thì cần lên tiếng để bảo vệ những người bị kỳ thị.”

Chị Lan Hoàng nói mặc dù người Việt nói riêng và người châu Á nói chung thường ‘chọn im lặng, nhẫn nhịn’ trước sự kỳ thị nhưng chị cho rằng ‘cần phải lên tiếng’.

“Càng có nhiều người lên tiếng về việc này thì sẽ giúp nâng cao nhận thức của người Mỹ để cho nhiều người lên tiếng bảo vệ những người bị kỳ thị,” chị phân tích.

Do ông Trump?

Theo nhận định của tờ Washington Post, các cuộc tấn công nhằm vào người gốc Á xảy ra sau nhiều tháng có những cảnh báo về lời lẽ chống Trung Quốc của cựu tổng thống Donald Trump xung quanh đại dịch virus corona.

Trong nhiều tháng trước cuộc bầu cử vào năm ngoái, cựu Tổng thống Donald Trump đã tìm cách đổ lỗi việc xử lý của ông trước đại dịch cho Trung Quốc và sử dụng ngôn ngữ bài ngoại và phân biệt chủng tộc để nhắc đến con virus này trên mạng xã hội, trong các cuộc phỏng vấn trên truyền hình, tại các cuộc vận động tranh cử và các cuộc họp báo về Covid-19 tại Nhà Trắng.

Mùa thu năm ngoái, FBI ghi nhận 7.314 hành động hằn thù trên toàn quốc vào năm 2019, nhiều nhất trong một thập niên.

Từ thành phố San Jose thuộc Vùng Vịnh, ông Phạm Hoài Bắc, người từng làm quản lý cho các hãng xưởng công nghệ cao, hiện đã về hưu, từng nói với VOA rằng sắc lệnh của Tổng thống Joe Biden cấm gọi ‘China virus’‘điều hết sức đúng đắn’.

Ông Bắc cho rằng mặc dù sự kỳ thị ‘ở quốc gia nào cũng có, thời nào cũng có’ nhưng ‘phát triển mạnh mẽ dưới thời ông Trump‘. Theo ông thì có những nhóm theo chủ thuyết da trắng thượng đẳng như Proud Boys hay KKK ‘luôn chờ cơ hội được khuyến khích để ra mặt’.

Theo lời ông thì tình trạng kỳ thị ở Mỹ đã diễn ra từ lâu. Với kinh nghiệm làm việc lâu năm ở Mỹ, ông Bắc cho rằng cùng điều kiện như nhau thì người da trắng ‘luôn được ưu tiên cất nhắc hơn các sắc dân khác’ và cho ‘đây là luật bất thành văn ở các hãng xưởng’.

Ông Bắc chỉ trích những người Việt đi biểu tình ủng hộ ông Trump ở thủ đô Washington D.C. đã chụp hình chung với nhóm Proud Boys vốn khét tiếng kỳ thị. “Họ biết đó là tổ chức kỳ thị chứ nhưng có lẽ họ hãnh diện vì không bị tổ chức đó kỳ thị và cho rằng họ đã được nhập vào dòng chính,” ông nói.

“Đó là điều rất đáng xấu hổ và đáng tội nghiệp cho những người gốc Việt đó vì họ đang là người bị Proud Boys kỳ thị.”

Do nhận thức?

Từ New York, một trong những thành phố đa sắc tộc nhất ở Mỹ, ông Diệu Lê, một người môi giới bất động sản, cho VOA biết ‘ông không hề gặp kỳ thị cũng như nghe nói có người trong cộng đồng gốc Việt bị kỳ thị’ trong những tháng gần đây.

“Hồi năm trước khi bắt đầu xảy ra dịch thì có nghe một vài vụ kỳ thị nhưng sau đó thì không xảy ra nữa,” ông nói thêm và cho biết bản thân ông đã từng bị gọi là ‘bọn Chino’ một cách ác ý.

Không giống như ông Bắc, ông Diệu bác bỏ sự kỳ thị dâng cao này ở Mỹ có liên quan đến cựu Tổng thống Trump: “Nếu ông Trump mà tỏ ra kỳ thị thì người Việt Nam mình đã không bầu cho ông ấy rồi.”

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng ‘bản thân người Việt Nam cũng có tâm lý kỳ thị lẫn nhau’ và việc này là ‘do nhận thức của họ’.

“Người có trình độ nhận thức cao thì ít kỳ thị, còn người có văn hóa thấp thì kỳ thị nhiều hơn,” ông diễn giải. “Nói chung những người tiếp xúc nhiều thì ít có phân biệt.”

Do đó, ông cho rằng để tránh khỏi thái độ kỳ thị thì ‘phải mở rộng tầm nhìn để thấy ở đâu cũng có người tốt, người xấu’.

Khi được hỏi về những chính sách chống kỳ thị của chính quyền Joe Biden, ông Diệu bày tỏ thái độ thận trọng: “Tôi vẫn đang nhìn, bởi vì có những điều ông Biden nói là một chuyện còn những gì ông ấy làm tôi thấy hơi khác một chút.”

Theo VOA Tiếng Việt ngày 26/2/2021

2 Comments

  1. Trong cuộc tấn công vào Điện Capitol ngày 6 tháng 1 năm 2021, người ta thấy đại đa số người tham dự là thành phần da trắng cực đoan, chủ chốt là các nhóm thượng tôn da trắng – white supremacists – và người Việt. Những người Việt này quên rằng người da trắng cực đoan kỳ thị, khinh ghét tất cả các loại di dân, Riêng di dân gốc Á Đông (Tàu, Nhật, Việt, Hàn, Thái, Miên, Lào…), người da trắng không cách nào biết ai là Tàu, ai là Việt. Chúng ta không nên để người da trắng cực đoan lợi dụng chúng ta, kéo chúng ta vào các hoạt động bât chính của họ. Họ không thương yêu gì chúng ta đâu.

    THƯỢNG TÔN DA TRẮNG
    Ta là White Supremacist
    Trời đặt ta ngồi tít trên cao
    Thượng tôn da trắng đúng sao
    Chúa Trời đã định, lẽ nào sai ngoa
    Ta xứng đáng ngồi tòa thống trị
    Hưởng đặc quyền dành chỉ nhóm ta
    Các ngươi khác biệt màu da
    Vàng, nâu, đen, đỏ, đều là đáng khinh
    Dù ngươi có thông minh, học giỏi
    Chỉ đáng hàng tôi mọi cho ta
    Các ngươi từ tận phương xa
    Đến đây dành việc, dành nhà, dành cơm…
    Những đại học danh thơm bậc nhất
    Các ngươi vào đông chật như nêm
    Bao vùng giàu, đẹp, êm đềm
    Các ngươi chiếm ngụ, kéo thêm bày đàn…
    Lòng ta đã ngập tràn hờn oán
    Mong có ngày thanh toán nợ nần
    Đuổi cho hết lũ tiện dân
    Về nơi hôi thối, cơ bần gớm ghê…
    ***
    Đồng hương Việt, xin nghe tôi nói
    Dù chúng ta tài giỏi, siêng năng
    Nhưng ta mũi tẹt, da vàng,
    Trắng không cho đứng ngang hàng Trắng đâu
    Các bạn hãy mau mau tỉnh ngộ
    Đừng nhập bày khủng bố, cực đoan
    Thượng tôn da trắng kết đoàn
    Theo đuôi làm bậy, nói càn vòng vo
    Cuồng nhiệt làm những trò điên dại,
    Thù ghét người đồng loại da màu
    Nói lời da cắt, lòng đau
    Tục tằn, xỉa xói, mắng nhau trâu bò
    Khi biết mình hố to, mắc nỡm
    Tự thấy mình kệch cỡm, rông quàng,
    Soi gương: mũi tẹt, da vàng
    Thì đà quá trễ, tan hoang cộng đồng
    Biết còn hàn gắn được không?

    Charlie Đặng Đại Nghĩa

  2. VOA chỉ loan những tin mà họ muốn thiên vị! Dân da trắng tiếp nhận hàng trăm ngàn người Việt tỵ nạn vào ở chung với gia đình họ hay bảo trợ sao không thấy VOA nhắc đến trên 45 năm qua? Cũng không vì Biden chống viện trợ cho VNCH trước 1975 hay việc chống di tản người Việt năm 1975 mả ta bảo là cả dân da trắng chống lại tỵ nạn Việt-Nam? Cũng không vì những người Việt tham gia biểu tình ngày 01/06/2021 tại Capitol Hill mà chụp mũ cả tập thể người Việt phạm pháp trong khi quyền tự do phát biểu như biểu tình được Hiến-pháp Mỹ cho phép? Cho đến hôm nay có người Việt nào cầm cờ biểu tình bị bắt giam chưa? Còn sử dụng Cờ Vàng thì cả 2 nhóm ủng hộ Biden hay Trump đều làm cả!
    Cũng nên nhìn lại dân Á-Châu làm gì từ ngày có cúm Tàu: Vào siêu thị phun nước bọt lên thức ăn! Đến cửa nhà người ta bôi bẩn trên khoá cửa! Pelosi kêu gọi vào phố Tàu San Francisco vui chơi, ăn Tết Tàu ngày 02/25/2020 khi mà cúm Tàu đã lan tràn khắp Thế-Giới.. thì làm sao không bị oán trách hay kỳ thị?

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*