Năm Điều Hối Tiếc Nhất Của Con Người

Bronnie Ware, một nữ y tá Úc Đại Lợi 49 tuổi, chuyên chăm sóc đặc biệt cho những người bệnh nặng (palliative care), đã xuất bản cuốn hồi ký trong đó trình bày 5 điều mà các bệnh nhân của bà cho biết là họ hối tiếc nhất khi sắp từ giã trần gian.

Cuốn sách mang tựa đề “The Top Five Regrets of the Dying: A Life Transformed by the Dearly Departing”, dày 247 trang, do Hay House xuất bản hồi tháng 2 năm 2012.

Hơn 1 năm trước, Bronnie Ware đã nổi tiếng với bài viết “The Top Five Regrets of the Dying” trên trang blog mang tên “Inspiration and Chai”, thu hút tới hơn 3 triệu độc giả. Thể theo lời yêu cầu của nhiều người trong số đó, bà tiếp tục viết và hoàn tất cuốn hồi ký ghi lại những kinh nghiệm và cảm nhận trong cuộc đời làm y tá chuyên khoa, với công việc chính là săn sóc và an ủi những người “gần đất, xa trời” đang sống 12 tuần lễ cuối cùng của cuộc đời họ.

Trả lời cuộc phỏng vấn trên trang mạng www.mindful.org, khi đề cập đến chuyện cuốn sách được dịch ra nhiều ngoại ngữ, Bronnie Ware tiết lộ một chi tiết thú vị, Đó là, có những nhà xuất bản yêu cầu bà cho phép họ thay đổi tựa đề, để tránh chữ “chết” (dying) trong tựa đề bản dịch, thì mới dễ bán sách. Đó là lý do ấn bản tiếng Bồ Đào Nha mang tựa đề tương đương với tiếng Anh là “Before I Leave” (Trước khi tôi ra đi), và ấn bản tiếng Hòa Lan mang tựa đề tương đương với tiếng Anh là “If I Could Live My Life Over Again” (Nếu tôi được sống trở lại cuộc đời đã sống).

Ware cho biết, bà ngạc nhiên khi nhận thấy rất nhiều bệnh nhân đang hấp hối bày tỏ những niềm hối tiếc giống nhau. Bà viết: “Các bệnh nhân của tôi là những người mà sau thời gian chữa trị lâu dài đã quyết định về nhà nằm chờ chết. Mỗi người trong số họ đều lần lượt trải qua một quá trình tâm lý bao gồm các giai đoạn: chối bỏ, sợ hãi, tức giận, hối tiếc, phủ nhận, và cuối cùng là chấp nhận”.

Qua bài điểm sách trên tạp chí The Guardian, nữ ký giả Susie Steiner ghi nhận lời nữ y tá Bronnie Ware thuật lại: “Khi tôi hỏi [các bệnh nhân gần đất, xa trời] rằng họ có hối tiếc vì đã làm – hoặc đã không làm – một điều gì đó trong đời hay không, rất nhiều lần tôi nhận được những câu trả lời giống nhau”.

Giống nhau ra sao? Nữ ký giả Steiner viết một cách hóm hỉnh: “Nếu bạn nghĩ rằng có những người hối tiếc vì đã bỏ lỡ cơ hội hưởng khoái lạc tình dục, hoặc hối tiếc vì đã không làm những chuyện điên khùng gì đó, thì bạn lầm rồi. Một trong 5 điều mà các bệnh nhân thường hối tiếc, nhất là đối với các bệnh nhân đàn ông, là “phải chi tôi đừng làm việc vất vả quá”.

BẠN CÓ ĐIỀU GÌ HỐI TIẾC KHÔNG?

5 điều hối tiếc nhất của những người đang hấp hối được ghi lại như sau, kèm theo nhận xét bổ túc của “nhân chứng” là nữ y tá Bronnie Ware:

1. Hối tiếc vì tôi đã không đủ dũng cảm để sống thực với chính mình, mà lại sống theo sự mong muốn của những người khác (“I wish I’d had the courage to live a life true to myself, not the life others expected of me”):

Bronnie Ware viết: “Đa số các bệnh nhân sắp từ giã trần gian đều hối tiếc điều này. Khi người ta nhận thức là đời mình sắp kết thúc, và khi hồi tưởng lại một cách rõ ràng, họ dễ dàng thấy rằng quá nhiều ước mơ đã không được thực hiện. Hầu hết mọi người đã không thực hiện dù chỉ phân nửa con số những ước mơ của họ, và đến lúc gần chết mới biết rằng thực hiện hay không là do chính mình đã lựa chọn hoặc không lựa chọn. Sự tự do của con người là do sức khỏe mang lại, nhưng ít ai nhận thức được điều đó, cho đến khi sức khỏe không còn nữa”.

2. Hối tiếc vì tôi đã làm việc quá vất vả (“I wish I hadn’t worked so hard”):

“Những bệnh nhân đàn ông mà tôi từng chăm sóc, ông nào cũng nói câu “Ước gì tôi đừng làm việc cật lực đến như vậy”. Chỉ vì rán sức làm việc mà họ đã bỏ lỡ không biết vui với tuổi thơ ấu của con cái và tình yêu thương của người bạn đời. Các bệnh nhân phụ nữ cũng có khi bày tỏ với tôi sự hối tiếc tương tự, nhưng vì hầu hết họ đều thuộc về thế hệ cũ nên họ không phải là trụ cột của gia đình. Thành ra tôi ghi nhận là tất cả các bệnh nhân đàn ông đều hối tiếc vì cả đời chỉ biết làm việc quần quật để kiếm tiền”.

3. Hối tiếc vì tôi đã không đủ can đảm để bày tỏ cảm xúc (“I wish I’d had the courage to express my feelings”).

“Nhiều người đã phải đè nén cảm xúc trong lòng để cố gắng giữ hòa khí với những người khác. Kết quả là họ đành chấp nhận cuộc sống chật vật và chẳng bao giờ vươn lên được để thể hiện khả năng của chính mình. Tệ hại hơn nữa là cũng vì cứ “gặm một khối căm hờn trong cũi sắt” như vậy hoài mà một số người sanh ra ốm đau bệnh hoạn.

4. Hối tiếc vì tôi đã không giữ liên lạc với bạn bè (“I wish I had stayed in touch with my friends”):

“Người ta thường không thực sự nhận ra niềm vui khi gặp gỡ những bạn bè cũ cho tới thời gian cuối đời, và lúc đó có muốn tìm lại bạn bè cũ cũng chẳng được. Chỉ vì bị cuốn trôi theo cuộc sống mà nhiều người đã đánh mất cơ hội vui với bạn bè, rồi năm tháng trôi qua, đến khi gần đất xa trời họ mới hối tiếc đã không dành thời giờ để chia sẻ những tình cảm bằng hữu đầy quý giá”.

5. Hối tiếc vì tôi đã không cho phép chính mình sống vui vẻ hơn (“I wish that I had let myself be happier”):

Bronnie Ware viết: “Cũng hơi lạ, nhưng đây là một sự hối tiếc của rất nhiều bệnh nhân vào lúc cuối đời. Cho tới giai đoạn gần đất xa trời họ mới mới nhận ra rằng hạnh phúc là sự lựa chọn của chính mình. Cả đời họ bị mắc kẹt trong những nếp sống và thói quen cũ kỹ. Cảm giác “thoải mái” với những gì thân thuộc đã bao trùm cả cảm xúc lẫn sinh hoạt thể chất của họ. Sự sợ hãi thay đổi khiến họ phải đóng kịch với người khác và đóng kịch với chính mình, rằng họ hài lòng với hiện tại, mặc dù trong thâm tâm họ chỉ mong muốn được vui cười thỏa thích và trở lại với cuộc sống hồn nhiên”

Nguyên tác: Bronnie Ware “The Top 5 Regrets of The Dying”
Đào Trường Phúc chuyển ngữ theo bài điểm sách của Susie Steiner (www.theguardian.com)

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*