‘Buồn Chi, Bỏ Đi Tám!’

Pháo bông trên bầu trời quảng trường Times Square, thành phố New York chào đón năm mới 2021, không giấu được vẻ đau buồn ảm đạm của nước Mỹ trong năm 2020. (Hình: COREY SIPKIN/AFP via Getty Images)

Năm 2020 vừa qua, dù con số “hai mươi- hai mươi” tròn trịa, đẹp đẽ nhưng quả thật là một năm xui xẻo, buồn bã.

Ở quê nhà thì bão lụt, đất chuồi, cướp đi bao mạng sống của con người. Hậu quả của thiên tai cũng một phần, nhưng hậu quả do con người ngu dốt lãnh đạo cũng dự phần lớn. Bão lụt là tại thiên tai, nhưng phần lớn những điều tệ hại là do “thiên tài đảng ta” gây ra!

Cho đến nay những khốn khó của đồng bào miền núi và những vùng xa xôi vẫn còn đó, chưa ai khắc phục được, vì người ta còn lo sơn phết, trau chuốt bộ lông bên ngoài, với cổng chào, đài kỷ niệm và tượng đài. Trách nhiệm từ ai, chỉ biết người dân yếu đuối phải cắn răng chịu đựng những tai ương của cuộc sống, mà chẳng biết than thở với ai, vì Trời thì cao, mà Đất thì rộng.

Ở quê người thì nạn dịch đưa đến chuyện thất nghiệp tràn lan, tầng lớp thu nhập thấp, chưa thấy đói, nhưng đã bắt đầu lo lắng cho viễn ảnh ngày mai, vì sự thật cũng chưa ai biết ngày mai sẽ ra sao, bao giờ chúng ta mới trở lại cuộc sống bình thường? Đời sống thất thường, con cái học hành khó khăn, cuộc sống đảo lộn, và giữa con người với con người mở ra một khoảng cách xa lạ. Chúng ta không còn những thói quen giao tiếp hàng ngày, cố thủ trong nhà. Ngân khoản gia đình sa sút, mà mọi mối giao tiếp thân tình cũng đi đến chỗ phá sản.

Người ta lo sợ không biết bao giờ mới đến phiên mình, để chỉ thêm một con số vô hồn trên bảng biểu đồ mà con số mỗi ngày thường trực leo thang của COVID-19.

Với nước Mỹ có 20 triệu người nhiễm bệnh, 346,000 chết, trong đó California với 2.31 triệu người vướng nạn và 26,000 đã ra đi. Hiện nay tại thành phố Los Angeles, người chết chồng chất tại các nhà xác, bệnh nhân nằm kín các hành lang bệnh viện, và các nhân viên y tế từ y tá đến bác sĩ đều kiệt quệ sức lực và tinh thần trước cảnh dịch bùng phát kể từ sau lễ Tạ Ơn và trước mắt tình hình càng lúc càng tệ hơn. Có phải đây là thời gian chúng ta đang sống trong phập phồng lo sợ nhất của thời đại

Nữ tài tử nổi tiếng Chương Tử Di đã nói về sự tệ hại của thời dịch: “Sau này, tôi sẽ nói với con, thế giới có các phương pháp điều trị bệnh tật nhưng thật không có thuốc điều trị ngu dốt.” Tùy mỗi người, chúng ta hiểu câu nói này, sự ngu dốt đó là gì và từ đâu tới?

Năm 2020, nước Mỹ rối rắm thêm chuyện bầu cử.

Dự khán một trận giao đấu thể thao, lúc nào chúng ta cũng đứng về một phía, hứng khởi, gào thét, hay bực bội theo từng hành động của cầu thủ hay đường đi của trái bóng, dù lớn như trái bóng tròn trong trận túc cầu hay volleyball của hàng chục cầu thủ tham dự, hoặc nhỏ như trái banh nhựa trên bàn gỗ với chỉ có hai hay bốn người chơi. Xong trận đấu, dù ai thắng ai thua, hai phe bắt tay nhau rồi ai về nhà nấy, những hậm hực, buồn phiền rồi cũng qua mau.

Nhưng với một cuộc bầu cử lớn, ai bỏ lá phiếu cũng mong muốn người mình chọn sẽ đắc cử. Kết quả của cuộc bầu cử ảnh hưởng đến vận mệnh của đất nước và cả bản thân và gia đình, chưa nói đến tương lai của con cái của cử tri.

Lập trường tương phản của các ứng cử viên tổng thống năm nay đã đưa đất nước Hoa Kỳ vào một sự phân hóa giữa cá nhân, đoàn thể và thành viên của mỗi gia đình chúng ta. Tin giả, chuyện áp đặt mỗi ngày làm cho dân chúng không còn tin tưởng vào các cơ quan ngôn luận, đã được coi như Đệ Tứ Quyền trong các xã hội, không phải trong giai đoạn này mà còn tồn tại lâu dài trong tương lai.

Giới truyền thông, mặc dù không có quyền lực để thay đổi chính sách hoặc để trừng phạt lạm dụng quyền lực, nhưng qua việc tường thuật và tranh luận công khai có thể gây nhiều ảnh hưởng đến các quan điểm của dân chúng. Không còn tin vào giới truyền thông, mất mát niềm tin này là một tổn thất lớn của xã hội.

Bệnh dịch giới hạn sự giao tiếp, nhưng bầu cử chia cắt và làm xung đột ý kiến mỗi người.

Trước bầu cử, nước Mỹ đã xảy ra chuyện đàn hặc, nổi loạn. Những hành động xung đột giữa sắc dân, chính kiến đã bùng phát ra trên khắp nước Mỹ.

Chuyện gian lận, đảo chánh, hỗn loạn, thậm chí đổ máu trong quá trình bầu cử không phải là hiếm trên thế giới này, nhưng chỉ xẩy ra ở các nước cộng sản lạc hậu và thế giới thứ ba. Ranh giới những chuyện bất thường của xã hội Hoa Kỳ trong những ngày này có thể nói là rất mong manh, căng thẳng, như một thùng thuốc nổ, có thể nổ tung ra một lúc nào đó.

Chúng ta thường buồn vì những chuyện bất như ý trong cuộc sống, không phải chỉ những chuyện nhỏ trong gia đình mà còn đến những chuyện của đất nước, thậm chí của nhân loại, tác dụng lên đời sống mỗi ngày của chúng ta. Chúng ta có thể bất mãn vì kết quả bầu cử không như ý, hoàn cảnh xã hội đưa đến những khó khăn trong cuộc sống, cũng như tai họa của dịch bệnh đang đe dọa cuộc sống của chúng ta mỗi ngày.

Lẽ cố nhiên chúng ta cũng không đưa ra ý niệm “ngu si hưởng thái bình,” quan niệm rằng ai là Tổng Thống nước Mỹ thì chúng ta vẫn “cơm ngày ba bữa, đỏ lửa ba lần,” thế giới có ra sao thì mình cũng “bình chân như vại!” Nhưng sự thật, với một lá phiếu, trong 150 triệu phiếu bầu, chúng ta cũng không thể nào có tham vọng chọn được một người lãnh đạo theo ý chúng ta. Mỗi cá nhân, mỗi đất nước, đều có số phận riêng của nó, tùy thuộc vào nguyên nhân kết tụ mà thành quả, chúng ta không đủ sức để chống đỡ, cải tạo hay thay đổi nó. Mưu sự là do chúng ta, nhưng thành sự hay không là một chuyện khác, ở ngoài tầm tay.

Bệnh dịch có thể được gọi là thiên tai, nhưng cũng do tham vọng, sân si của loài người, và nói thêm như Chương Tử Di, là do sự ngu dốt của thế giới!

Hoa Kỳ vinh quang hay tàn lụi, bệnh dịch bao giờ mới chấm dứt, là do vận mệnh của nước Mỹ và thế giới, mà với cánh tay trần của mỗi người chúng khó có thể chống đỡ, sửa đổi.

Nhưng cuối cùng, với một kịch bản nào đó, mọi việc sẽ yên lành, như một biến cố, rồi cũng qua. Cái bóng u ám của năm 2020 rồi sẽ không còn vây bủa đời sống của chúng ta. Cái gì đến phải đến, và rồi cái gì không tồn tại sẽ ra đi, mà sự thật chẳng có gì tồn tại. Chúng ta có mặt trên cõi đời này, bất lực trước chuyện đến và đi, còn hay mất!

Trong bóng tối chập choạng của cuộc đời, nỗi buồn như chiếc bóng vẫn theo ta. Hy vọng ngày mai, trước một ngày mới, khi mặt trời mọc, tất cả rồi sẽ qua đi. Nói theo kiểu bình dân Nam Bộ: “Buồn chi, bỏ đi Tám!”

Chúng ta, ai dù trong lúc tuyệt vọng tận cùng, cuối cùng cũng có niềm tin. Trước năm mới 2021 đang đến, chúng ta tin rằng nước Mỹ sẽ mãi mãi an bình, giàu có và mạnh mẽ, bệnh dịch như một cơn ác mộng rồi sẽ qua mau, và con người với con người, sẽ xích lại gần nhau hơn nữa!

Tạp ghi Huy Phương
Theo Người Việt Online ngày 31/1/2021

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*