Dân Mỹ Bắt Đầu Chủng Ngừa COVID-19 – Cử Tri Đoàn Công Nhận Biden Là Tổng Thống Đắc Cử

Hôm Thứ Hai 14/12, nữ y tá Sandra Lindsay, bệnh viện Jewish Medical Center, Long Island, tiểu bang New York, người Hoa kỳ đầu tiên nhận liều thuốc chủng ngừa COVID-19

VACCINE RA ĐỜI: DÂN MỸ BẮT ĐẦU CHỦNG NGỪA COVID-19

Ngày Chủ Nhật 13 tháng 12 được đánh dấu bằng những con số kỷ lục rất đáng lo ngại về đại dịch Covid-19 ở nước Mỹ – hơn 16 triệu trường hợp lây nhiễm (cụ thể là 16,225,124 người) và gần 300 ngàn bệnh nhân tử vong (cụ thể là 299,057 người) – theo thống kê của Đại học Johns Hopkins. Nhưng đồng thời 13 tháng 12 cũng là ngày mà ba triệu liều thuốc chủng ngừa Covid-19 bắt đầu được phân phối trên địa bàn toàn quốc, đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc chiến chống đại dịch và mở ra niềm hy vọng để người dân Mỹ có thể trở lại cuộc sống bình thường.

Hôm Thứ Sáu 11/12, Cơ Quan Quản Lý Thực Phẩm Dược Phẩm (FDA) đã kiểm nghiệm và cấp giấy phép cho sử dụng khẩn cấp (Emergency Use Authorization – EUA) thuốc chủng ngừa Covid-19 của Pfizer & BioNTech. Ngày hôm sau, đến lượt Cơ Quan Phòng Chống Dịch Bệnh (CDC) chuẩn thuận việc chích ngừa cho tất cả mọi người từ 16 tuổi trở lên.

Chiều Chủ Nhật, từ cơ xưởng chính của Pfizer ở Michigan, hàng loạt thùng kín chứa 2.9 triệu lọ vaccine được giữ ở độ lạnh rất thấp (âm 70 độ C, tức âm 94 độ F) được chuyên chở bằng đường bộ và đường hàng không tới các trung tâm y tế của 50 tiểu bang Hoa Kỳ, kể cả Alaska và Hawaii. Theo lịch trình, thuốc được đưa tới 145 trung tâm vào ngày Thứ Hai, 425 trung tâm vào ngày Thứ Ba, và 66 trung tâm còn lại vào ngày Thứ Tư 16/12. Đây là đợt phân phối thuốc chủng ngừa lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Bác sĩ Moncef Slaoui, cố vấn chương trình “Operation Warp Speed” ước tính 100 triệu người sẽ được chích liều thuốc thứ nhất trong ba tháng đầu năm 2021, và sau đó ba tuần lễ họ sẽ được chích liều thuốc thứ nhì để bảo đảm công hiệu phòng chống coronavirus. Hãng dược phẩm Pfizer đã cung ứng 40 triệu liều thuốc chủng ngừa trong đợt đầu tiên (tháng 12 năm 2020), tiếp đó sẽ cung ứng từ 50 đến 80 triệu liều vào tháng 1, và số lượng tương tự vào tháng 2 năm 2021. Về thành phần được chích ngừa, cơ quan CDC phổ biến bản hướng dẫn, đề nghị chính quyền các tiểu bang dành ưu tiên cho những nhân viên y tế và người già ở các viện dưỡng lão.

Hôm Thứ Hai 14/12, nữ y tá Sandra Lindsay, làm việc tại bệnh viện Jewish Medical Center thuộc khu vực Long Island của tiểu bang New York, đã trở thành người Mỹ đầu tiên nhận liều thuốc chủng ngừa Covid-19 giữa tiếng hoan hô của những nhân viên y tế chứng kiến sự kiện lịch sử này. Và buổi chiều cùng ngày, đến lượt 2 y tá và 3 bác sĩ làm việc trong bệnh viện George Washington University Hospital ở thủ đô D.C. cũng được chích ngừa Covid-19.

Nữ y tá Sandra Lindsay cho biết “không thấy gì khác lạ” so với những lần trước đây cô được chủng ngừa những bệnh khác. Cô nhấn mạnh “tôi tin tưởng ở khoa học”, và hy vọng mọi người cũng tin vào sự an toàn của vaccine “để cùng nhau kết thúc một thời kỳ đầy căng thẳng và đau đớn” do trận đại dịch kinh hoàng mà tính đến nay đã cướp đi sinh mạng của 1 triệu 600 ngàn người trên toàn thế giới.

Theo các chuyên gia y tế, chỉ sau khi ít nhất 70% dân chúng đã chích ngừa để cơ thể có khả năng miễn dịch thì nước Mỹ mới có thể chận đứng được đại dịch, và điều này sẽ gặp trở ngại nếu nhiều người e ngại không chịu chích ngừa. Để đối phó với luồng dư luận bất lợi đó, cả bác sĩ Moncef Slaoui và bác sĩ Stephen Hahn (Giám Đốc Cơ Quan FDA) đều lên tiếng trấn an, khẳng định với dân chúng rằng các cuộc thử nghiệm và kiểm nghiệm được tiến hành một cách thận trọng, đúng theo các tiêu chuẩn y học, và không hề có chuyện “đốt giai đoạn” mặc dù thuốc chủng ngừa Covid-19 ra đời khá sớm. Tuy nhiên vì có tin từ nước Anh cho biết đã xảy ra một vài trường hợp phản ứng phụ, do đó FDA đã phải dè dặt khuyến cáo là đừng chích ngừa cho những người từng bị dị ứng nặng với các loại thuốc.

Một cuộc thăm dò dư luận do hãng thông tấn Associated Press và Trung Tâm Nghiên Cứu NORC thực hiện từ ngày 03/12 đến 07/12 cho thấy trong số những người được hỏi ý kiến, 47% trả lời “sẽ chích ngừa”“rất tin tưởng” ở sự an toàn và công hiệu của thuốc chủng ngừa, nhưng 27% trả lời “không tin tưởng”, và 26% vẫn còn phân vân lưỡng lự. Trong số những người nói là “sẽ không chích ngừa”, gần 70% cho biết vì họ sợ phản ứng phụ, gần 30% cho biết vì họ không nghĩ sẽ bị lây nhiễm coronavirus, và gần 25% nghi ngờ là đại dịch Covid-19 bị thổi phồng chứ thật ra không nghiêm trọng đến như thế. Cuộc thăm dò cũng cho thấy khuynh hướng chính trị đã ảnh hưởng đến nhận định cá nhân về thuốc chủng ngừa, bằng chứng là trong số 10 cử tri ủng hộ đảng Dân Chủ thì có tới 6 người nói là “sẵn sàng chích ngừa”, tức 60%, nhưng trong số 10 cử tri ủng hộ đảng Cộng Hòa thì chỉ có 4 người nói như vậy, tức 40%.

Một cuộc thăm dò dư luận khác do tổ chức Kaiser Family Foundation (của hãng bảo hiểm Kaiser) thực hiện và công bố hôm Thứ Ba 15/12 cho thấy kết quả tương đối lạc quan hơn: Hồi cuối tháng 8 chỉ có 63% người Mỹ thuộc mọi sắc dân nói là họ sẵn sàng chích ngừa Covid-19, đến đầu tháng 12 tỷ lệ này đã tăng lên thành 71%. Vẫn theo cuộc thăm dò của Kaiser, phần đông những người ngần ngại không muốn chích ngừa là thành phần cử tri ủng hộ đảng Cộng Hòa, tuy nhiên thái độ của họ cũng đã thay đổi. Hồi cuối tháng 8 chỉ có 42% cử tri Cộng Hòa nói là họ sẵn sàng chích ngừa, đến đầu tháng 12 tỷ lệ này đã tăng lên thành 56%. Dù vậy, đây vẫn là một tỷ lệ rất thấp so với thành phần cử tri ủng hộ đảng Dân Chủ, vì có tới 86% cử tri Dân Chủ nói là họ sẵn sàng chích ngừa Covid-19.

Hãng thông tấn Reuters tổng hợp tin tức liên quan đến việc phân phối 2.9 triệu liều thuốc chủng ngừa đầu tiên và cho biết các dữ liệu như sau:

– Quá trình thử nghiệm cho thấy thuốc chủng ngừa của Pfizer, sau khi chích đủ hai liều, sẽ công hiệu 95% để phòng chống coronavirus. Phản ứng phụ sau liều thuốc thứ nhì dù nghiêm trọng nhất cũng chỉ tương tự như bệnh cúm, nghĩa là ho, sổ mũi, mệt mỏi, nhức đầu, và sẽ không kéo dài.

– Chính quyền các tiểu bang sẽ có trách nhiệm phân phối thuốc chủng ngừa. Ưu tiên được dành cho giới y tế ở tuyến đầu chống dịch (khoảng 21 triệu bác sĩ, y tá, nhân viên bệnh viện trên toàn quốc), cùng những người già và nhân viên các viện dưỡng lão (khoảng 3 triệu người). Dự trù trong đợt đầu sẽ có từ 13% đến 18% được chích ngừa.

– Theo hướng dẫn của Cơ Quan CDC mà chính quyền tiểu bang sẽ áp dụng tùy theo hoàn cảnh từng địa phương, ưu tiên kế tiếp sẽ là nhân viên các cơ sở thiết yếu như Sở Cứu Hỏa, Sở Cảnh Sát, giáo viên và nhân viên các trường học, những người trên 65 tuổi…

– Tiếp theo thuốc chủng ngừa Covid-19 của Pfizer & BioNTech, Thứ Năm tuần này Cơ Quan FDA bắt đầu kiểm nghiệm để cấp giấy phép cho sử dụng thuốc chủng ngừa của hãng dược phẩm Moderna. Sau khi được chuẩn thuận, Moderna sẽ cung ứng 200 triệu liều thuốc chủng ngừa trong tháng 12, 30 triệu liều trong tháng 1 và 50 triệu liều trong tháng 2 năm 2021.

– Hai hãng dược phẩm Johnson & Johnson và AstraZeneca cũng sắp hoàn tất giai đoạn thử nghiệm sau cùng, và như vậy đến tháng 3 hoặc tháng 4 năm 2021 có thể mỗi tháng sẽ có thêm thuốc chủng ngừa để cung ứng cho khoảng 75 triệu người dân Mỹ.

– Tất cả các chuyên gia y tế đều nhắc nhở rằng thuốc chủng ngừa có công hiệu phòng chống coronavirus cho người được chích, nhưng chưa rõ có giúp ngăn chận việc lây nhiễm cho người khác hay không, do đó dân chúng Hoa Kỳ sẽ vẫn cần phải tuân thủ các biện pháp như mang khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn, v.v…

QUỐC HỘI MỸ THẢO LUẬN NGÂN SÁCH CỨU TRỢ ĐẠI DỊCH ĐỢT 2

Khi 2.9 triệu liều thuốc chủng ngừa đầu tiên của của Pfizer được phân phối hôm Chủ Nhật 13/12, tổng số trường hợp lây nhiễm đại dịch Covid-19 trên toàn nước Mỹ là 16 triệu người và số tử vong chạm mức 300 ngàn người. Đến Thứ Tư 16/12, thống kê cho thấy những con số tiếp tục gia tăng với mức độ chóng mặt: Chỉ trong ba ngày đã thêm gần 1 triệu trường hợp lây nhiễm (cụ thể là 16,813,837 người) và thêm gần 6 ngàn bệnh nhân tử vong (cụ thể là 305,723 người). Đại dịch vẫn lan tràn trong lúc số tiền cứu trợ 2 ngàn tỷ dollars từ tháng 3 đến nay đã cạn kiệt. Ước tính sau vài tuần lễ nữa sẽ có 12 triệu người không được lãnh tiền thất nghiệp, chưa kể 40 triệu người có thể bị chủ nhà đuổi ra đường vì không trả nổi tiền thuê nhà và lệnh của chính phủ tạm hoãn đuổi nhà sắp hết hạn vào cuối tháng 12.

Giữa bối cảnh nghiêm trọng như vậy, các nhà lập pháp tại Quốc Hội Hoa Kỳ phải gấp rút tìm cách thông qua một kế hoạch cứu trợ kế tiếp. Tin tức hôm Thứ Tư ghi nhận dự án ngân sách 900 tỷ dollars đang được thương lượng ráo riết và có triển vọng đạt sự đồng thuận giữa đảng Dân Chủ và đảng Cộng Hòa nội tuần này.

Được biết số tiền 900 tỷ sẽ bao gồm ngân khoản đài thọ chương trình phân phối vaccine chống dịch, ngân khoản PPP $330 tỷ để giúp đỡ các doanh nghiệp nhỏ, ngân khoản $17 tỷ để hỗ trợ các hãng hàng không, ngân khoản trợ cấp thất nghiệp (dự trù $300 dollars/tuần, thấp hơn số tiền $600 dollars hồi tháng 3), và sẽ có luôn cả ngân khoản trợ cấp cá nhân (dự trù $600 hoặc $700 dollars cho mỗi người dân, thấp hơn số tiền $1,200 dollars hồi tháng 3).

Có một dấu hiệu tốt là cả phía lãnh đạo đảng Cộng Hòa tại Quốc Hội – như các Thượng Nghị Sĩ Mitch McConnell, John Thune – lẫn phía lãnh đạo đảng Dân Chủ – như Thượng Nghị Sĩ Chuck Schumer, Chủ Tịch Hạ Viện Nancy Pelosi – đều bày tỏ thái độ lạc quan, hy vọng hai bên sẽ đạt được sự đồng thuận trước Thứ Sáu 18/12, hầu kịp thời đúc kết song song với dự luật ngân sách $1,400 tỷ dollars cho tài khóa 2021 và đưa qua Tổng Thống Donald Trump ký ban hành, tránh xảy ra tình trạng “chính phủ đóng cửa” vì thiếu ngân khoản điều hành.

Tưởng cần nhắc lại, kể từ 27 tháng 3 là ngày ban hành đạo luật CARES Act (Coronavirus Aid, Relief, and Economic Security Act) cho tới nay, Quốc Hội Hoa Kỳ đã không đạt được bất cứ thỏa thuận nào khác để hỗ trợ người dân cũng như trợ giúp nền kinh tế bị suy thoái nghiêm trọng vì đại dịch. Mặc dù Hạ Viện và Thượng Viện đã đưa ra những dự thảo ngân sách khác nhau nhưng đều gặp trở ngại khi thương lượng, và nhiều cuộc thảo luận giữa Chủ Tịch Hạ Viện Nancy Pelosi với Bộ Trưởng Tài Chánh Steve Mnuchin đại diện Tòa Bạch Ốc cũng không đi tới sự đồng thuận nào.

Tình trạng bế tắc kéo dài suốt mùa hè và mùa thu. Vòng đàm phán được nối lại trước ngày bầu cử nhưng vẫn không đạt kết quả, mãi đến đầu tháng 12 mới có dấu hiệu khai thông, sau khi Thượng Nghị Sĩ Mitch McConnell đề nghị “hãy tạm gác qua một bên những điểm không thể tương nhượng để chỉ tập trung vào những điểm đồng thuận”. Nhờ đó, một đề án ngân sách $900 tỷ dollars đã được cả hai đảng chấp nhận như điểm khởi đầu cho tiến trình thảo luận. Thoạt tiên đề án này không bao gồm ngân khoản trợ cấp cá nhân (tức chi phiếu cho mỗi người dân), nhưng các nhà lập pháp thuộc khuynh hướng cấp tiến trong đảng Dân Chủ phản đối và kiên quyết đòi hỏi phải thêm vào. Dân Biểu Alexandria Ocasio-Cortez nêu “điều kiện tiên quyết” là ngân sách cứu trợ đại dịch phải bao gồm tiền trợ cấp cá nhân và tiền trợ cấp thất nghiệp, thay vì đặt ưu tiên vào việc hỗ trợ các doanh nghiệp.

Cho đến Thứ Tư tuần này, tin tức cho thấy cả hai đảng đều tỏ thái độ tương nhượng để đi tới sự đồng thuận. Một mặt, đảng Dân Chủ đồng ý tạm gác lại yêu cầu hỗ trợ những tiểu bang và địa phương bị thiếu hụt ngân sách vì đại dịch, và mặt khác, đảng Cộng Hòa đồng ý tạm gác lại yêu cầu thông qua điều khoản miễn trừ trách nhiệm cho các doanh nghiệp nếu nhân viên bị lây nhiễm coronavirus. Sự tương nhượng này cho thấy ngân sách cứu trợ đại dịch đợt này có nhiều triển vọng được thông qua trước cuối năm 2020, là điều mà tất cả mọi người dân đều mong đợi. Bước qua năm 2021, những điểm chưa thỏa thuận sẽ được mang ra trở lại để thảo luận trong kế hoạch phục hồi kinh tế sau đại dịch, và đó sẽ là trách nhiệm của tân chính phủ Biden sau khi tuyên thệ nhậm chức.

CỬ TRI ĐOÀN CÔNG NHẬN JOE BIDEN LÀ TỔNG THỐNG ĐẮC CỬ

Theo luật định, cứ 4 năm môt lần sau cuộc bầu cử toàn quốc, 538 thành viên cử tri đoàn trên khắp nước Mỹ (presidential electors) nhóm họp vào “ngày Thứ Hai sau ngày Thứ Tư thứ nhì của tháng 12” để bỏ phiếu công nhận Tổng Thống và Phó Tổng Thống đắc cử. Năm nay, điều luật này đã được thi hành qua những phiên họp tại trụ sở Quốc Hội của 50 tiểu bang và ở thủ đô Washington D.C. bắt đầu từ 10 giờ sáng Thứ Hai 14 tháng 12. Hai phiên họp kết thúc trễ nhất là ở tiểu bang California (5 giờ 30 chiều) và tiểu bang Hawaii (7 giờ chiều).

Kết quả các cuộc bỏ phiếu tại chỗ hoặc dưới hình thức trực tuyến cho thấy liên danh Joe Biden – Kamala Harris được 306 phiếu cử tri đoàn, và liên danh Donald Trump – Mike Pence được 232 phiếu cử tri đoàn. Như vậy ứng cử viên Joe Biden đã vượt qua mức tối thiểu cần thiết (270 phiếu) để được cử tri đoàn chính thức công nhận là Tổng Thống thứ 46 của Hoa Kỳ.

Kết quả cũng cho thấy tất cả 79 thành viên cử tri đoàn của 6 tiểu bang chiến trường là Arizona (11), Georgia (16), Michigan (16), Nevada (6), Pennsylvania (20) và Wisconsin (10) đều biểu quyết theo kết quả được xác nhận sau ngày bầu cử để mang lại chiến thắng cho ông Biden, mặc dù ở 6 tiểu bang này vẫn đang diễn ra những vụ kiện do ủy ban tranh cử của Tổng Thống Trump khởi động nhằm yêu cầu tòa án bác bỏ kết quả kiểm phiếu vì nghi ngờ gian lận.

Ở ba tiểu bang Michigan, Georgia, Arizona, tin tức ghi nhận các thành viên cử tri đoàn đã nhận được những lời hăm dọa nhắm vào cá nhân họ, khiến chính quyền phải tăng cường an ninh để bảo vệ, nhưng cuối cùng mọi việc diễn tiến suông sẻ, không có chuyện đáng tiếc nào xảy ra. Mặt khác, năm nay cũng không có bất cứ thành viên cử tri đoàn nào bỏ phiếu khác với kết quả bầu cử tại tiểu bang của họ, nói cách khác, hiện tượng “faithless electors” như 7 trường hợp hồi năm 2016 đã không tái diễn.

Kết quả bỏ phiếu của cử tri đoàn sẽ được gửi về Quốc Hội liên bang trễ nhất là ngày 23 tháng 12, và sẽ được Phó Tổng Thống Mike Pence với tư cách Chủ Tịch Thượng Viện công bố trong phiên khoáng đại lưỡng viện Quốc Hội – khóa họp thứ 117, ngày 6 tháng 1 năm 2021.

Về phiếu phổ thông, thống kê của Pew Research Center ghi nhận ông Biden được gần 81.3 triệu phiếu bầu, so với khoảng 73 triệu phiếu bầu dành cho Tổng Thống Trump, nghĩa là chênh lệch hơn 7 triệu phiếu tức 4.45%. Đây là những con số kỷ lục, cao hơn bất cứ cuộc bầu cử Tổng Thống Hoa Kỳ nào từ trước tới nay.

Chiều Thứ Hai 14 tháng 12, sau khi báo chí củng các đài truyền hình, đài phát thanh và các trang mạng loan báo kết quả bỏ phiếu của cử tri đoàn, Tổng Thống đắc cử Joe Biden lên tiếng trước toàn thể dân chúng, kêu gọi đoàn kết quốc gia để cùng tập trung nỗ lực vào hai việc khẩn cấp là chống đại dịch và phục hồi nền kinh tế. Ông Biden mở đầu bài diễn văn với lời khẳng định “Trong cuộc tranh đấu giành lại linh hồn của nước Mỹ, tinh thần dân chủ đã chiến thắng. Người dân đã bỏ phiếu. Sự tin tưởng vào các cơ chế của chúng ta được duy trì. Sự trung thực của hệ thống bầu cử trong đất nước chúng ta còn nguyên vẹn. Và bây giờ đã đến lúc chúng ta lật qua một trang sử mới. Để đoàn kết. Để hàn gắn”. Sau đó ông cam kết: “Tôi sẽ là Tổng Thống phục vụ tất cả mọi người dân Mỹ, bất luận quý vị bỏ phiếu hay không bỏ phiếu cho tôi. Tôi sẽ lắng nghe tất cả những tiếng nói để chúng ta cùng nhau vượt qua sự thử thách do trận đại dịch này”.

NHỮNG PHẢN ỨNG SAU KHI CỬ TRI ĐOÀN BỎ PHIẾU

Tưởng cần nhắc lại, ngay từ hôm Thứ Bảy 7 tháng 11 khi các hãng thông tấn ước đoán ông Joe Biden hội đủ số phiếu cử tri đoàn để đắc cử Tổng Thống, hàng chục vị nguyên thủ quốc gia đã lần lượt gửi lời chúc mừng, tuy nhiên vẫn có một vài nhân vật lãnh đạo trên thế giới giữ thái độ dè dặt vì họ thấy Tổng Thống đương nhiệm Donald Trump không thừa nhận thất cử và đang khởi động những vụ kiện liên quan đến kết quả kiểm phiếu ở 6 tiểu bang chiến trường. Ngay tại Quốc Hội Hoa Kỳ, đa số các nhà lập pháp đảng Cộng Hòa cũng giữ thái độ dè dặt như vậy. Hơn một tháng trời kể từ ngày bầu cử, chỉ có 6 vị Thượng Nghị Sĩ đảng Cộng Hòa công nhận ông Biden là Tổng Thống đắc cử – gồm các Thượng Nghị Sĩ Mitt Romney (Utah), Lisa Murkowski (Alaska), Susan Collins (Maine), Ben Sasse (Nebraska), Marco Rubio (Florida) và Lamar Alexander (Tennessee).

Thế nhưng đến ngày 14 tháng 12 thì kết quả bỏ phiếu của cử tri đoàn đã mang lại sự thay đổi rõ rệt. Về mặt quốc tế, Tổng Thống Vladimir Putin của Nga, Tổng Thống Andrés Manuel López Obrador của Mexico và Tổng Thống Jair Bolsonaro của Brazil đã trở thành những nguyên thủ quốc gia gửi lời chúc mừng trễ nhất đến Tổng Thống đắc cử Joe Biden. Cả ba nhân vật lãnh đạo này đều bày tỏ thiện chí sẵn sàng hợp tác với tân chính phủ Hoa Kỳ để xây dựng sự ổn định, hòa bình và phát triển trên toàn thế giới.

Về mặt quốc nội, một loạt các nhà lập pháp đảng Cộng Hòa cũng thay đổi thái độ, công nhận ông Joe Biden là Tổng Thống đắc cử, vì “cử tri đoàn đã bỏ phiếu theo quy định của Hiến Pháp Hoa Kỳ, và chúng ta phải tôn trọng Hiến Pháp”, theo lời Thượng Nghị Sĩ Chuck Grassley (Iowa) trả lời báo chí. Cùng chia xẻ quan điểm với ông Grassley là các Thượng Nghị Sĩ Rob Portman (Ohio), Joni Ernst (Iowa), Shelley Moore Capito (West Virginia), John Thune (South Dakota), Roy Blunt (Missouri), John Cornyn (Texas), Thom Tillis (North Carolina), Kevin Cramer (North Dakota), và Richard Shelby (Alabama).

Trong khi đó, Thượng Nghị Sĩ Lindsay Graham (South Carolina) tuy xác nhận có “nói chuyện vui vẻ” với ông Biden sau cuộc bỏ phiếu của cử tri đoàn, nhưng vẫn giữ thái độ dè dặt phần nào. Các Thượng Nghị Sĩ John Barrasso (Wyoming), Jim Inhofe (Oklahoma), John Kennedy (Louisiana) và Marsha Blackburn (Tennessee) chưa công nhận ông Biden là Tổng Thống đắc cử hoặc không trả lời trực tiếp câu hỏi của báo chí về việc này.

Lời phát biểu đáng chú ý hơn cả, vì thể hiện quan điểm của nhân vật quan trọng nhất trong hàng ngũ các nhà lập pháp đảng Cộng Hòa, đã được ghi nhận vào ngày hôm sau, khi Thượng Nghị Sĩ Mitch McConnell – người vốn được coi là đồng minh thân tín nhất của Tổng Thống Trump tại Thượng Viện – đọc bài diễn văn khai mạc phiên họp sáng Thứ Ba 15/12 và gửi lời chúc mừng, lần đầu tiên và chính thức, đến “Tổng Thống đắc cử Joe Biden và Phó Tổng Thống đắc cử Kamala Harris”. Cũng qua bài diễn văn này, vị Thượng Nghị Sĩ Trưởng Khối Đa Số đảng Cộng Hòa ca ngợi các thành quả mà chính phủ Trump đã đạt được trong 4 năm qua, và bày tỏ hy vọng là Quốc Hội sẽ hoàn tất tốt đẹp những công việc cần phối hợp với Hành Pháp “trong 36 ngày còn lại” của nhiệm kỳ Tổng Thống Trump.

Cùng ngày 15/2, một nhân vật quan trọng không kém của đảng Cộng Hòa là Thượng Nghị Sĩ Ron Johnson (Wisconsin) khi trả lời phỏng vấn báo chí đã công nhận tính chất chính đáng của cuộc bầu cử và ông Joe Biden là Tổng Thống đắc cử. Tuy nhiên Thượng Nghị Sĩ Johnson cho biết, với tư cách Chủ Tịch Ủy Ban Nội An, ông vẫn tổ chức phiên điều trần trước Thượng Viện vào Thứ Tư tuần này để tìm hiểu thực hư về “những sự kiện bất thường” liên quan đến việc bầu cử và kiểm phiếu ở ba tiểu bang Wisconsin, Nevada và Pennsylvania, mặc dù theo Thượng Nghị Sĩ Johnson, nếu có một số phiếu bầu bất hợp lệ thì cũng không đủ để làm thay đổi kết quả bầu cử. Phiên điều trần kết thúc sau 3 tiếng đồng hồ.

Liên quan đến các vị đại diện dân cử tại Quốc Hội Hoa Kỳ, cũng cần ghi nhận thêm tin Dân Biểu Paul Mitchell (Địa hạt 10, tiểu bang Michigan) gửi văn thư đến Chủ Tịch Ủy Ban Toàn Quốc đảng Cộng Hòa và Trưởng Khối Thiểu Số đảng Cộng Hòa tại Hạ Viện, loan báo quyết định rút lui khỏi đảng để trở thành một Dân Biểu độc lập. Văn thư được gửi đi đúng vào hôm Thứ Hai 14/12, vài tiếng đồng hồ trước khi kết thúc các cuộc bỏ phiếu của cử tri đoàn. Dân Biểu Mitchell nói rõ lý do rời bỏ đảng Cộng Hòa là vì ông thất vọng khi thấy các nhà lãnh đạo của đảng đã vì mục tiêu chính trị mà ủng hộ Tổng Thống Trump trong nỗ lực dùng khẩu hiệu “stop the steal” để phủ nhận kết quả bầu cử, khiến ông lo sợ rằng nỗ lực đó sẽ “gây phương hại về lâu về dài đến nền dân chủ của nước Mỹ”. Cũng trong văn thư, vị Dân Biểu 64 tuổi thẳng thắn phản đối Tổng Thống Trump đã “khích động để dân chúng nghi ngờ giá trị thiêng liêng của lá phiếu”, cũng như đã “công kích luôn cả Tối Cao Pháp Viện chỉ vì các Thẩm Phán không đưa ra phán quyết có lợi cho Tổng Thống”, và theo ông Mitchell, đó là những hành động “không thể chấp nhận được”.

TỔNG THỐNG TRUMP: HÃY TIẾP TỤC CHIẾN ĐẤU

Bất kể các sự kiện trên đây, tin tức cho thấy Tổng Thống Donald Trump và các đồng minh vẫn kiên quyết không công nhận ông Joe Biden là Tổng Thống đắc cử, và tiếp tục tìm phương cách này hoặc phương cách khác để lật ngược kết quả bầu cử. Hôm Thứ Ba 15/12, Thượng Nghị Sĩ Mitch McConnell vừa lên tiếng chúc mừng ông Biden vào buổi sáng, thì đến buổi tối Tổng Thống Trump gửi tin nhắn trên mạng xã hội để trách nhân vật lãnh đạo đảng Cộng Hòa tại Thượng Viện đã “quá vội vàng”, đồng thời kêu gọi đảng Cộng Hòa phải “biết học cách chiến đấu” (Mitch, 75,000,000 VOTES, a record for a sitting President (by a lot). Too soon to give up. Republican Party must finally learn to fight. People are angry!).

Cùng ngày 15/12, trong cuộc họp báo tại Tòa Bạch Ốc, tùy viên báo chí Kayleigh McEnany khi được báo chí hỏi về phản ứng sau kết quả bỏ phiếu của cử tri đoàn, đã trả lời rằng “Tổng Thống vẫn đang theo đuổi các vụ kiện liên quan đến bầu cử. Kết quả bỏ phiếu hôm qua [của cử tri đoàn] chỉ là một bước trong quá trình do Hiến Pháp quy định, vì vậy tôi đề nghị quý vị hãy đặt câu hỏi với ủy ban tranh cử của Tổng Thống để biết thêm chi tiết về cuộc tranh chấp pháp lý đó”.

Mặt khác, cố vấn cao cấp Tòa Bạch Ốc Stephen Miller trong cuộc phỏng vấn trên đài Fox News đã bác bỏ ý kiến cho rằng thủ tục bỏ phiếu của cử tri đoàn toàn quốc là kết quả chung cuộc, vì “Hiến Pháp chỉ quy định ngày 20 tháng 1, từ nay đến đó chúng tôi còn nhiều thời gian để giải quyết các vụ bầu cử gian lận và xác nhận Tổng Thống Trump đắc cử”. Ông Miller giải thích là “kết quả bỏ phiếu của cử tri đoàn thay thế ở các tiểu bang tranh chấp” đang được xúc tiến để gửi đến Quốc Hội. Ông cố vấn thân tín của Tổng Thống Trump nói thêm rằng “tất cả các giải pháp về pháp lý đều mở ngỏ, nghĩa là nếu chúng tôi thắng các vụ kiện gian lận thì chúng tôi sẽ yêu cầu Quốc Hội xác nhận kết quả bỏ phiếu của cử tri đoàn thay thế này”.

Theo các nhà phân tích thời cuộc thì chuyện bỏ phiếu của “cử tri đoàn thay thế” (alternate slate of electors) mà ông Stephen Miller đề cập tới là trường hợp có thể diễn ra trong phiên khoáng đại của lưỡng viện Quốc Hội vào ngày 6 tháng 1 năm 2021, do Phó Tổng Thống Mike Pence chủ tọa với tư cách Chủ Tịch Thượng Viện.

Đạo luật về bầu cử (Electoral Count Act) năm 1887 quy định rằng trong lúc Chủ Tịch Thượng Viện kiểm tra kết quả bỏ phiếu của cử tri đoàn toàn quốc, các nhà lập pháp có quyền đệ nạp văn kiện để phản đối một hay những kết quả nào đó. Nếu văn kiện mang chữ ký của ít nhất một Dân Biểu và một Thượng Nghị Sĩ thì phiên họp khoáng đại sẽ được đình hoãn để các nhà lập pháp tại Hạ Viện và các nhà lập pháp tại Thượng Viện mở hai cuộc họp riêng kéo dài tối đa hai giờ đồng hồ, sau đó sẽ biểu quyết chấp nhận hoặc hủy bỏ kết quả bỏ phiếu bị phản đối. Kết quả bỏ phiếu của cử tri đoàn chỉ bị hủy bỏ nếu các nhà lập pháp của cả hai viện cùng biểu quyết và đạt đa số.

Trong quá khứ, trường hợp hủy bỏ phiếu của cử tri đoàn chưa từng xảy ra, mặc dù hồi năm 2005 cử tri đoàn ở tiểu bang Ohio đã từng bị Dân Biểu Stephanie Tubbs Jones và Thượng Nghị Sĩ Barbara Boxer phản đối tại phiên khoáng đại Quốc Hội ngày 6 tháng 1. (Trong cuộc bầu cử 2004, Tổng Thống George W. Bush của đảng Cộng Hòa thắng tại tiểu bang Ohio và hội đủ 286 phiếu cử tri đoàn để tái đắc cử nhiệm kỳ hai, đối thủ là Thượng Nghị Sĩ John Kerry của đảng Dân Chủ chấp nhận thất cử, tuyên bố không đồng ý với sự phản đối nói trên).

Năm nay, tin tức cho biết một số đồng minh của Tổng Thống Donald Trump, đứng đầu là Dân Biểu Mo Brooks (đảng Cộng Hòa, Alabama) đang có ý định phản đối kết quả bỏ phiếu của cử tri đoàn ở 5 tiểu bang Arizona, Pennsylvania, Nevada, Georgia, Wisconsin – tuy kết quả kiểm phiếu của cả 5 tiểu bang này đều đã được ủy ban bầu cử xác nhận và không có bằng chứng gian lận.

Như vậy vấn đề nằm ở chỗ là các Dân Biểu đảng Cộng Hòa có tìm được một Thượng Nghị Sĩ để cùng ký tên trong văn bản phản đối vào ngày 6 tháng 1 sắp tới hay không, và nếu có thì liệu có hội đủ đa số biểu quyết của cả hai viện Quốc Hội để hủy bỏ kết quả bỏ phiếu của cử tri đoàn ngày 14 tháng 12 hay không. Vì đảng Dân Chủ vẫn giữ thế đa số tại Hạ Viện, nên câu trả lời thực tế sẽ tùy thuộc vào Thượng Viện, nơi thế đa số chưa ngã ngũ vì còn chờ kết quả bầu cử vòng hai ở tiểu bang Georgia.

Theo một nguồn tin từ hành lang Quốc Hội, Thượng Nghị Sĩ Mitch McConnell hôm Thứ Ba 15/12 đã có cuộc điện đàm riêng với các vị Thượng Nghị Sĩ cùng đảng và đề nghị họ đừng nên phản đối kết quả bỏ phiếu của cử tri đoàn, bởi vì nếu hành động như vậy thì tất cả những nhà lập pháp đảng Cộng Hòa sẽ bị đẩy đến một hoàn cảnh khó xử là phải bỏ phiếu chống lại Tổng Thống Trump. Vẫn theo nguồn tin này, hai Thượng Nghị Sĩ John Thune và Roy Blunt đã bày tỏ sự đồng thuận với đề nghị của Thượng Nghị Sĩ Trưởng Khối Đa Số đảng Cộng Hòa.

Trong khi đó cuộc chiến pháp lý của Tổng Thống Trump và các đồng minh vẫn đang tiếp diễn ở một vài tiểu bang chiến trường, mặc dù tính đến nay đã có khoảng 40 vụ kiện liên quan đến bầu cử và kiểm phiếu bị tòa án bác bỏ hoặc do chính nguyên đơn rút lại đơn kiện. Hai vụ mới nhất được ghi nhận tại Georgia và Wisconsin. Tối Cao Pháp Viện của tiểu bang Georgia hôm Thứ Bảy 12/12 đã bác đơn kháng cáo do ủy ban tranh cử của Tổng Thống Trump và Chủ Tịch đảng Cộng Hòa tiểu bang là ông David Shafer đứng tên, vì không trình bày được luận cứ để đảo ngược phán quyết của tòa liên bang ở quận hạt Fulton nhằm hủy bỏ kết quả kiểm phiếu. Hai ngày sau đó, Tối Cao Pháp Viện của tiểu bang Wisconsin hôm Thứ Hai 14/12 cũng bác đơn kháng cáo của ủy ban tranh cử của Tổng Thống Trump vì thiếu chứng cứ và đệ nạp quá trễ để đòi hủy bỏ khoảng 221,000 phiếu bầu của cử tri hai quận hạt Dane và Milwaukee.

Trước hai phán quyết nêu trên, là phán quyết của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ hôm Thứ Sáu 11/12, bác đơn kiện của tiểu bang Texas đòi vô hiệu hóa hàng triệu phiếu bầu của cử tri ở bốn tiểu bang chiến trường mà kết quả kiểm phiếu cho thấy ông Biden hơn phiếu Tổng Thống Trump (Georgia, Pennsylvania, Michigan, Wisconsin). Vụ kiện này do Chánh Biện Lý Ken Paxton của Texas khởi xướng, được các Chánh Biện Lý của 17 tiểu bang khác cùng 120 Dân Biểu đảng Cộng Hòa ủng hộ, và được Tổng Thống Trump gọi là “một vụ kiện rất quan trọng”. Nhưng các Thẩm Phán của tòa tối cao, trong đó có 3 vị do chính Tổng Thống Trump đề cử, cùng đưa ra phán quyết không xét xử vì “đơn kiện thiếu căn bản pháp lý theo Điều III Hiến Pháp”.

Ngay sau khi phán quyết được công bố, tùy viên báo chí Tòa Bạch Ốc Kayleigh McEnany phát biểu trên đài Fox News rằng các Thẩm Phán Tối Cao Pháp Viện đã “tránh né, nấp sau các thủ tục để từ chối sử dụng quyền hạn của mình trong việc bảo vệ Hiến Pháp”. Tổng Thống Trump còn bày tỏ phản ứng mạnh mẽ hơn nữa qua tin nhắn trên mạng xã hội Tweeter vào buổi tối cùng ngày, viết rằng “Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ quả thật đã làm chúng ta thất vọng” “không khôn ngoan, không can đảm”. Sau đó ông gửi thêm một tin nhắn để tiếp tục phàn nàn về phán quyết, và đi tới kết luận: “Một cuộc bầu cử gian lận! Hãy tiếp tục chiến đấu!”.

Phố Nhỏ Online tổng hợp từ các nguồn: AP, Reuters, NPR, CNBC, Fox News, USA Today
Bản Tin Tổng Hợp ngày 17/12/1010

1 Comment

  1. Chuyện đáng buồn nôn là những ” lãnh tụ ” chê bai TT Trump v/v không hành động gì để chống cúm Tàu lại là những kẻ tranh giành chích ngừa trước dân chúng như Clintons, Bushes, Obamas, Bidens, Pelosis…! Nếu TT Trump cào tháng 02/2020 không đưa ra Chiến dịch thần tốc ( operation Swap Speed ) để vận động chế thuốc ngừa chỉ trong vòng 10 tháng làm gì có vaccines cho cả Thế-Giới? bệnh AID sau 40 năm H1N1 sau 11 năm, Ebola, Lime… đã xảy ra bao nhiêu năm dài có vaccine chưa? Đâu rồi Bush bố, Clinton, Bush con, Obama?

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*