Một Ngày Ở Cảng Du Lịch Boston

Tôi đậu xe bên hông nhà ga South Boston, khoảng giữa vùng cảng Du Lịch. Nếu đi từ xa lộ South 93, qua hầm, exit Government center, quẹo trái là tới cảng Boston. Cảng Boston nằm dọc đường Atlantic, bên trái là trung tâm thành phố, ở giữa là một công viên cây xanh, chạy dài đến tận khu phố Ý.

Nhà ga phía Nam Boston (Hình của hdv)

Tôi chuẩn bị máy, thả con chó Bô xuống đường.

Ðứng đó Bô! Mình tới cảng du lịch.

Bô đưa mắt nhìn, ngoắt đuôi, tỏ ý “đi đâu cũng được”.

Ðầu tiên là khách sạn Boston Wharf, nơi thường xuyên có tiệc tùng nhạc sống ngay bờ biển, tức ngay cửa khách sạn này. Từ đây, khách có thể đi mọi nơi, kể cả casino và phi trường, bằng tàu nhỏ. Mùa Hè, du thuyền lớn từ các nước khác cũng tới thẳng đây. Qua khỏi Boston Wharf là cảng, cơ man tàu du lịch, tàu tốc hành, tàu câu cá, ca nô taxi (giống như Uber).

Đại khách sạn Boston Wharf (Hình của hdv)

– Bô, nếu muốn, chúng ta có thể mua vé tàu đi khắp mọi thành phố gần biển, hoặc các đảo du lịch của tiểu bang Massachusetts, như đảo đồng tính Province, Nantucket, and Martha’s Vineyard của dòng họ Kennedy.

Sát cầu tàu là các phòng bán vé ra biển xem cá voi (đông người xếp hàng) và vé cho tàu chở khách đi câu cá (vắng khách).

Trời nắng, nóng 90 độ F, tôi dừng chân trước quầy bán bia ngoài trời, mua chai bia lạnh và làm một hơi dài. Con chó Chihuahua nhỏ xíu bắt đầu thè lưỡi. Tôi mua cho nó chai nước, đổ ra đĩa, Bô uống sạch.

Khu cảng du lịch (Hình của hdv)

Boston mới mở cửa lại. Năm nay không có bạn bè vui chơi, tôi dắt con chó cưng đi lòng vòng. Cảng du lịch Boston là cảng thiên nhiên từ cửa sông Charles đâm ra vịnh Massachusetts, nằm bên thành phố Boston. Ðây cũng là cảng vận chuyển quan trọng của vùng Ðông Bắc Mỹ. Cảng do John Smith tìm thấy vào năm 1614. Cảng Boston rất quan trọng trong lịch sử Mỹ. Ðây là vùng “Boston Tea Party” (Nhóm chống lại việc áp đặt thuế của Anh vô dân Mỹ vào 16-12-1773).

Cảng Boston liên tục xây dựng, phát triển cho đến thế kỷ 19. Từ năm 1660, hầu như hàng hóa nhập cảng vào vùng Boston và New England đều qua cảng Boston. Do đó, Boston thu hút dân Mỹ đổ vào, khiến thành phố này ngày càng phát triển nhanh chóng.

Cảng Boston là một cảng lớn ở phía tây vịnh Massachusetts. Từ đây thông ra Ðại Tây Dương. Cảng chia ra 2 phần: bên trong và bên ngoài, rộng tới 130 km2. Bờ biển dài 290 km với 34 đảo có cảng nhỏ.


Tàu di cư Tea Party và bảo tàng (Hình của hdv)

Sau khi uống nước, Bô có vẻ khỏe ra. Nó theo sát tôi. Bây giờ đã 2 giờ chiều.

Ði thẳng dọc cầu qua tiệm tôm hùm! Tôi nói với Bô.

Bô nhìn theo tay tôi chỉ. Nó chạy theo.

James Hook nằm sát cầu tàu cũ, chuyên bán tôm hùm và hải sản giá bình dân. Tiệm có mặt ở đây từ năm 1925 cho đến bây giờ. Tôi nhìn bảng giá: Tôm hùm lớn $9.99 lbs; loại Jumbo $8.99 lbs.

Tiệm bán tôm hùm từ 1925 tại cảng du lịch (Hình của hdv)

Bô sủa mấy tiếng, nhóm người du lịch đi ngang qua, lên tiếng:

Con chó dễ thương!

Một bà già nói với tôi:

Nó sủa vì nóng quá! Chắc khát nước.

Thuyền buồm du lịch (Hình của hdv)

Tôi cám ơn họ nhưng tôi biết Bô sủa không phải vì khát nước  mà do đánh hơi mùi đồ biển. Ở nhà, khi tôi chiên cá, nó ngửi mùi, sủa liên tục.

Ok! Mầy không thích. Tao chụp hình xong đi liền.

Tôi qua cầu. Phía bên kia là bảo tàng của “Boston Tea Party”: Chiếc tàu  sơn màu vàng, sản xuất từ thế kỷ 18, được phục chế, để du khách dạo chơi trên cảng xem và nhớ lại chuyện ngày xưa dân Mỹ ném 342 rương trà nhập từ Anh xuống biển để chống lại thuế bóc lột của vua Anh George 3.

Tàu du lịch tại khách sạn (Hình của hdv)

Ngay khu nhà ga South Boston và cửa xe điện ngầm, một khoảng sân rộng dành cho các xe bán thức ăn hè phố, như: thịt bò nướng cuốn bánh mì dẹp của Liban, bánh pizza Ý, đồ nướng Tây Ban Nha, Tacco, cơm gà Mễ Tây Cơ, bánh bao Tàu, cà phê, kem và đặc biệt là xe bánh mì Việt Nam “Bon Mi”.

Tôi xếp hàng mua ổ bánh mì, Bô đánh hơi mùi thịt bò, chồm lên, tôi bồng nó.

Biết rồi! Tao cũng đói bụng, đợi một chút, mùi bò nướng thơm quá chứ gì?

Khu hồ cá, rạp chiếu phim 3D (Hình của hdv)

Tôi mua ổ bánh mì, lon Coke rồi vào bên trong nhà ga, ngồi ăn với Bô. Ổ bánh mì Việt Nam biến thành bánh mì Boston, mất hẳn hương vị Sài Gòn, không giòn như bánh mì Chợ Cũ. Tôi ăn một nửa, lấy thịt ra cho Bô, nó khoái vì lần đầu đi picnic, cái đuôi 1 in ngoe nguẩy thấy thương.

Cảng Boston không chỉ có vậy. Nếu là người thích “ngao du sơn thủy”, bạn nên mua vé tàu dạo quanh, ghé thăm các đảo.

Ðảo George, cũng là đài kỷ niệm cuộc nội chiến Mỹ. Các dãy tường và thành lũy của đồn Warren gần như bao quanh toàn bộ đảo. Nơi này thường xuyên bị bóng ma “Người đàn bà mặc đồ đen” ám ảnh. Bảo tàng lịch sử đảo gần đó sẽ giúp bạn hiểu nhiều hơn về lịch sử Mỹ, về trận nội chiến đồn Warren và dĩ nhiên là chuyện ma “Người đàn bà mặc đồ đen”.

Tàu cảnh sát canh biển (Hình của hdv)

Lớn nhất trong các đảo ở cảng du lịch là Peddock. Trên đảo có nhiều nhà của dân Mỹ bản địa, của dân quân và cả nhà của tù nhân chiến tranh. Bạn có thể làm một vòng quanh đảo để coi các di tích lịch sử và địa chất đặc biệt của đảo.

Công viên quần đảo cảng du lịch Boston là khu vui chơi lớn nhất tại Boston. Tại đây không những có Yoga, nhạc Jazz mà còn là nơi cắm trại, dã ngoại, chèo thuyền và đủ các trò giải trí dành cho mọi lứa tuổi.

Với những cặp tình nhân thì một đêm trên con tàu lịch sự, sang trọng; ngồi bên nhau làm một vòng cảng Boston, ăn tối với 3 món đặc biệt, uống rượu thưởng thức nhạc sống, sàn nhảy… là một chuyến đi đầy thú vị.


Nhà hàng ngay biển. (Hình của hdv)

Hồ Đắc Vũ
Theo Báo Trẻ Online ngày 24/9/2020

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*