Nghĩ Gì, Thấy Gì Về Truyền Thông Thiên Tả Mỹ Xưa / Nay

Nhà giáo, nhà báo Trần Phong Vũ nguyên là Chủ bút nguyệt san Đường Sống (1980-1993) và nguyệt san Diễn Đàn Giáo Dân (2000-2012). Cùng với nhà văn Uyên Thao xây dựng Tủ sách Tiếng Quê Hương ở Hoa Kỳ. Tác giả của 10 tác phẩm xuất bản ở hải ngoại.

PALTALK Room: “Tiếng Nói Tự Do của Người Dân Việt Nam” từ 5 giờ – 6:30 PM; Chúa Nhật 6 tháng 9, 2020
Diễn giả: Nhà Báo Trần Phong Vũ

Từ miền nam California, Hoa Kỳ, chúng tôi là Trần Phong Vũ, trước hết xin có lời cám ơn Ban Tổ Chức đã ưu ái dành cho tôi vinh dự được góp tiếng trong diễn đàn quan trọng này hôm nay. Nhân đây, tôi không quên cám ơn ký giả Phong Trần đã hỗ trợ tôi về mặt kỹ thuật.

Kính thưa quí vị trưởng thượng và các bạn trẻ khắp nơi,

Phần chia sẻ của tôi sẽ gói gọn trong vòng 30 đến 40 phút. Sau đó chúng ta sẽ có một giờ để đàm đạo về chủ đề đã được thông báo.

Để quý vị dễ theo dõi, tôi xin thưa trước là bài chia sẻ được phân thành 4 phần.

* Phần 1, tóm lược tình hình chính trị Mỹ sau kết quả cuộc bầu cử ngày 3-11-16 vốn đã tạo nên một kết quả bất ngờ, đau đớn không được tiên liệu đối với truyền thông và các chính trị gia cánh tả.

* Phần 2, dựa vào chứng từ đáng tin cậy của một chính trị gia danh tiếng Hoa Kỳ liên quan tới sự sụp đổ của nền Đệ Nhất Cộng Hòa Việt Nam ngày 01-11-1963, 57 năm trước, tôi sẽ chia sẻ cùng quí vị và quí bạn trẻ về căn tính bất lương của hệ thống truyền thông thiên tả Mỹ. Nó không chỉ giới hạn những ác quả khốc hại tới thân phận Việt Nam chúng ta, mà còn liên hệ tới sự vùng lên của chủ nghĩa phát xít Đức trong đệ nhị thế chiến, sự toàn thắng của chủ nghĩa cộng sản do Mao Trạch Đông phát động tại Hoa Lục, của Fidel Cactro, tại đảo quốc Cuba ngay sát nách Hoa Kỳ và của Tito, lãnh tụ Đệ Tứ cộng sản ở Nam Tư.

* Phẩn 3, tôi sẽ có cơ hội thưa cùng quí vị về những trò ma mị mà hệ thống truyền thông thiên tả do bị mua chuộc cách nào đó đã thông đồng với những chính trị gia cấp tiến đẩu sỏ thuộc đảng Dân Chủ như bà Hillary, người đã bị thất cử một cách bất ngờ, đau đớn năm 2016 và chồng bà, ông Clinton, bà Pelosi, Chủ tịch Hạ viện cùng với vợ chồng ông Barack Obama, vị Tổng thống da màu theo Hồi Giáo đã mãn nhiệm nhưng vẫn còn nuôi mộng triệt hủy nền văn minh tin vào Thìên Chúa của Hiệp Chúng Quốc Mỹ. Với sự tiếp tay của truyền thông, họ đã bám vào điều gọi là căn bệnh “kỳ thị có hệ thống” trên đất Mỹ để dung dưỡng cho sự bùng nổ của phong trào Black Lives Matter, Antifa và Anachi, một tổ chức có nhiều liên hệ với cộng sản.

* Phần 4, khép lại bài chia sẻ, chúng tôi sẽ trưng dẫn một vài sự kiện với việc thật, người thật để minh họa cho bức tranh toàn cảnh cùng với những suy nghĩ chót trước khi kết thúc để trả lời cho câu hỏi: những công dân Mỹ gốc Việt cũng như người dân Hiệp Chúng Quốc, chúng ta phải phản ứng ra sao và phải làm gì trước khi tình trạng trở nên quá trễ?

Bây giờ tôi xin bắt đầu,

1.- Gia đình tôi qua Mỹ tị nạn năm 1975.  Trong 45 năm dài, chúng tôi đã chứng kiến khá nhiều cuộc tổng tuyển cử lựa chọn nguyên thủ quốc gia và các đại biểu vào lưỡng viện Quốc Hội Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ. Nhưng chưa lần nào tôi thấy giới truyền thông bị chỉ trích – nếu không muốn nói là mạt sát, thậm chí lăng mạ – nặng nề như trong cuộc tổng tuyển cử lần này.

Dư luận quần chúng khắp nơi khắc nghiệt lên án là mọi tiêu chuẩn về lương tâm, đạo đức nghề nghiệp đã bị những người cầm chịch hệ thống truyền thông Mỹ vứt vào sọt rác. Nó không còn giới hạn trong phạm vi cá thể mà tuồng như được điều hướng, dẫn giắt từ một khối lực có tổ chức qui mô đâu đó. Điều kỳ lạ là nó còn lây lan sang cả giới làm truyền thông thuộc các sắc dân thiểu số, kể cả chuyên nghiệp lẫn tài tử, trong đó có truyền thông Việt Nam.

Bước qua đầu năm 2020, thời điểm sẽ có cuộc tổng tuyển cử theo thông lệ được ấn định vào ngày 3-11, cũng là lúc đại dịch Vũ Hán bùng phát nhưng bị Bắc Kinh ếm nhẹm cho đến hai tháng sau thế giới tự do, trong đó có người dân Mỹ, mới được báo động. Cả một mảng truyền thông vĩ đại, gồm những tờ báo, những kênh truyền hình mang tầm vóc quốc tế bắt đầu đẩy mạnh tác vụ lèo lái dư luận từng được khởi động ngay sau cuộc tổng tuyển cử cuối năm 2016 khi bà Hillary, đại diện đảng Dân Chủ bất ngờ bị thảm bại trước ứng cử viên tay mơ của đảng Cộng Hòa – ông Donald Trump.

Nói bất ngờ quả không sai. Trước hết, ngay từ khi tên ông tỉ phú bất động sản này xuất hiện trong danh sách những khuôn mặt chính trị hàng đầu của đảng Cộng Hòa khi ấy có lẽ ít ai nghĩ ông có thể đánh bại được ngót 20 đối thủ gạo cội để dành được vị trí ứng viên chính thức trong đảng Cộng Hòa.

Nhưng rồi chuyện lạ, tuy khó tin đã xảy ra.

Tuy nhiên, để đối đầu với một ứng viên có bề dày thành tích và kinh nghiệm nội trị cũng như ngoại giao, – lại thuộc phái nữ vốn là niềm mơ ước, một cơ hội bằng vàng, để có một TT cùng giới tính của đa số cử tri nữ thuộc cả hai đảng -, như bà Hillary, nguyên đệ nhất phu nhân tổng thống Clinton và từng là Thương Nghị Sĩ, là ngoại trưởng trong chính quyền Barack Obama vừa mãn nhiệm, sẽ không phải là chuyện dễ ăn.

Ấy vậy mà chuyện ngựa về ngược đã tái diễn.

Giây phút tin ông Donald Trump thắng cử được công bố cũng là lúc có tin đồn tạp chí Newsweek đã in sẵn số báo mới với trang bìa mang hình bà Hilarry, tân Tổng Thống thứ 45 của Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ! Sau đó, các trang mạng xã hội lại chuyền tay tấm hình bà Hillary khóc ròng được ghi chú là bà khóc khi hay tin mình thất cử.

Điều này thực hư ra sao không rõ.

Cho nên, chúng ta phải hiểu chuyện không may này xảy ra đối với đảng Dân Chủ, cách riêng với bà Hillary là một nỗi đau đớn pha lẫn tủi nhục và căm hận lớn lao như thế nào! Riêng với cựu TT Obama sự kiện này còn là một lực cản bất ngờ cho những toan tính chính trị của Tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ vừa mãn nhiệm với nhiều luyến tiếc.

Đối với giới truyền thông, thảm bại không một dấu hiệu báo trước của bà Hillary và đảng Con Lừa trong cuộc bầu cử năm 2016, nỗi đau nhục này mang dạng thái của một tập đoàn kiêu căng, hãnh tiến ngầm với chức danh Đệ Tứ Quyền, lần đầu tiên bị hạ đo ván bởi một chính trị gia tài tử, vừa chân ướt chân ráo bước vào lãnh địa dành riêng cho những chính khách nhà nghề. Vì thế, không phải chờ tới ngày ông Trump chính thức tuyên thệ, cả một hệ thống truyền thông cánh tả cúc cung tận tụy tiếp tay những khuôn mặt đầu sỏ trong đảng Dân Chủ vây quanh hai ông cựu Tổng Thống Dân Chủ Clinton và Obama, mở đầu chiến dịch chống lại vị Tổng Thống tân cử.

Đây quả là một hiện trượng trái thường, tôi chưa từng thấy khi chứng kiến cả chục cuộc bầu cử người cầm đầu Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ trong 45 năm qua. Theo truyền thống cả trăm năm qua, trong suốt thời gian tranh cử, các ứng viên của các chính đảng Dân Chủ/Cộng Hòa, Độc Lập, ngoài nỗ lực trình bày, tô vẽ cho chủ trương, kế sách trị quốc an dân của đảng mình để thuyết phục, thu hút lá phiếu cử tri, nếu muốn họ còn có thể vận dụng tất cả những thủ thuật riêng để triệt hạ đối phương, bao gồm những đòn phép vạch lá tìm sâu để bôi nhọ lẫn nhau.

Nhưng khi kết quả cuộc bầu được công bố, kẻ thua cuộc luôn giữ được truyền thống văn minh cao đẹp của một cường quốc hàng đầu thế giới tự do, vui vẻ gọi điện thoại chúc mừng người vừa được dân chúng tín nhiệm là Tổng Thống của họ trong nhiệm kỳ mới.

Trong ngày đăng quang của tân Tổng Thống, người ta không chỉ thấy sự hiện diện của hai ứng viên Tổng Thống/Phó Tổng Thống bên thua mà còn đông đảo những viên chức cao cấp, từ các cựu Tổng Thống các Tổng Bộ Trưởng trong chính quyền vừa mãn nhiệm. Trong thâm tâm, chắc chắn đảng thua cuộc không khỏi buồn tiếc. Đó là lẽ thường tình. Nhưng với tinh thần mã thượng, lòng yêu nước, họ biết dẹp qua một bên để nghĩ tới con đường lớn trước mặt vẫn mở ra cho họ cơ hội được hiến pháp bảo đảm trong cuộc tranh đua nhiệm kỳ bốn năm tới.

Về phía quần chúng cử tri, dù vị tân lãnh đạo đất nước chỉ có trên dưới 50% dân số bỏ phiếu bầu chọn, nhưng 50% còn lại vẫn vui vẻ coi khuôn mặt mới vừa đắc cử là Tổng Thống của toàn dân Hiệp Chúng Quốc. Về phía hệ thống truyền thông dòng chính, cho dẫu vẫn tồn tại sự đối kháng cách nào đó nhưng cung cách biểu lộ vẫn biết tự chế trong phạm vi hiểu biết có thể chấp nhận.

Và như thế, sau một cuộc thay bậc đổi ngôi ở thượng tầng kiến trúc quốc gia, nhịp sống xã hội Hoa Kỳ vẫn bình thường trôi chảy. Tuy nhiên, nói vậy nhưng trong thực tế không phải hoàn toàn lúc nào cũng như vậy. Dĩ nhiên, nó có thể diễn ra ở những cấp độ, hoàn cảnh khác nhau.

2.- Nhìn lại 57 năm trước, truyền thông thiên tả đã làm gì cho thế giới, cho Hoa Kỳ và Việt Nam?

Mời quí vị nghe qua những chứng từ của Thượng Nghị Sĩ Thomas J. Dood, người có đủ tư cách và thẩm quyền giúp chúng ta trả lời câu hỏi nhức nhối trên đây.

Thượng nghị sĩ Thomas J. Dodd sinh năm 1907, mất năm 1971. Ông thuộc đảng Dân Chủ, từng là Dân biểu hai nhiệm khóa tại Hạ Viện. Sau đó, trở thành Thượng Nghị Sĩ thuộc Ủy Ban Tư Pháp Thượng Viện Hoa Kỳ. Ông là một chính khách Mỹ nổi tiếng, đáng kính trọng. Khác với nhiều đồng viện đương thời, ông ủng hộ triệt để chủ trương tham chiến tích cực hơn ở miền nam Việt Nam để ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản và giúp đỡ nhân dân Việt Nam Cộng Hòa ngăn chặn làn sóng đỏ.

Có dịp đọc qua Bản Tường Trình của Phái Bộ Liên Hiệp Quốc đi tìm sự thật tại nam Việt Nam tháng 10 năm 1963 do chính cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm mời, được Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ lưu trữ có kèm theo lá thư của TNS Dodd gửi người đồng viện là TNS James O. Eastland, Chủ Tịch phân ban Nội An TV. Trong thư, ông tỏ ra rất trân trọng nội dung BTT. Là một chính khách nặng lòng đối với Hiệp Chúng Quốc, sự sụp đổ của nền Đệ Nhất CHVN giúp ông nhận ra những khuất tất có dự mưu của hệ thống truyền thông Mỹ quốc cùng với sự lệ thuộc quá nhiều của chính quyền Kennedy vào những nguồn tin báo chí bất lương khi ấy.

Ông viết. Xin trích:

“Phái bộ, như BTT cho thấy, đã có thể phỏng vấn một số lãnh tụ Phật giáo và lãnh tụ thanh niên mà Báo chí tường trình là đã bị giết trước đó. Cũng không thể tìm ra bằng cớ chứng minh cho những bài tường trình đã được đăng trên Báo chí rằng: trong cuộc an ninh bố ráp, các nhà sư đã bị quăng xuống đất từ những tầng trên Chùa Xá Lợi.

Điều mà tất cả những bài tường trình đạt được, theo ý kiến tôiấy là một lần nữa Dân Mỹ bị thông tin sai lạc một cách trầm trọng bởi một số Báo chí về tình hình của một đất nước xa lạ mà rất liên quan đến họ. Chúng ta được cho biết rằng Chính phủ Ô. Diệm đã có tội trong việc đàn áp tôn giáo một cách tàn bạo đến nỗi đã làm cho các thầy tăng ngây thơ vô tội buộc phải tự sát (tự thiêu) để phản đối. Bây giờ hoá ra rằng chuyện đàn áp đó hoặc không có hoặc đã bị thổi phồng rất nhiều, và rằng sự dấy động chủ yếu là sự dấy dộng chính trị” Hết trích.

Để chứng minh cho niềm tin của mình, TNS Dodd nêu lên vài trường hợp cụ thể trong quá khứ và cả vào thời điểm lúc bấy giờ cho thấy tính chất bất lương của hệ thống báo chí Hoa Kỳ. Đầu tiên, trong Đệ Nhị Thế Chiến, nhiều tờ báo lớn Mỹ tung tin. Xin trích:

“Mikhailovich là người hợp tác với Quân đồng minh và Tito là một nhà ái quốc vĩ đại theo chủ nghĩa Quốc gia. Kết cục Tướng Mikhailovich là kẻ phản bội và sự thiết lập chủ nghĩa CS ở Nam Tư”. Hết trích.

Sau thế chiến thứ hai, một số báo chí Mỹ lại đưa tin: Xin trích:

“Tưởng Giới Thạch là một tên lừa đảo và những người CS Trung Quốc là những nhà cải cách ruộng đất; và kết quả là sự nhìn gà hoá cuốc này đã dẫn đến chuyện thiết lập chế độ CS ở Trung Quốc”.

Chưa hết, vẫn theo Thượng Nghị Sĩ Dodd. Xin trích:

“…mới đây thôi, có những tờ báo nói cho dân Mỹ biết rằng Castro không phải là một tên CS mà là một kết hợp giữa Robin Hood và Thomas Jefferson; và kết quả là một chế độ CS ra đời ở Cuba”. Hết trích.

Trở về với hệ quả tệ hại trước mắt của biến cố 1-11-1963, thư của TNS Thomas J. Dodd  gửi TNS James O. Eastland viết với giọng mỉa mai; nhưng qua đó, cho thấy những điều ông tiên đoán đã trở thành sự thật 12 năm sau Xin trích:

“Bây giờ chúng ta lại trở thành nạn nhân của một trò xỏ lá khác, và rồi hậu quả của chuyện xỏ lá này là Chính phủ của Tổng thống Ngô Đình Diệm đã bị tiêu diệt, và điều này dẫn tới tình trạng hỗn loạn, và tình trạng hỗn loạn đã tạo ra một tình thế là khó mà chống lại chuyện CS sẽ chiếm miền Nam VN”. Hết trích.

Từ cách nhìn tiêu cực về báo chí và nói chung truyền thông Hoa Kỳ, TNS Dodd quả quyết là nó đã tạo ảnh hưởng quá tệ cho vấn đề an ninh nội địa Mỹ. Do đó ông đề nghị TNS Eastland in và phân phối BTT cho mỗi TNS với hy vọng là các vị này sẽ kiếm giờ để đọc và suy nghĩ một chút về những hàm ý trong đó. Ông cũng tin rằng. Xin trích:

“… Nó có thể giúp ích nếu các thành viên Báo chí tự vấn về chuyện những tờ báo quan trọng Mỹ đã có thể làm cho chúng ta lầm lạc đến như thế trong những tình huống kể trên.” Hết trích.

3.- Từ một quá khứ lỡ lầm kể trên, chúng ta thử suy nghĩ về những trò ma mị dẫn tới cảnh bạo loạn hôm nay.

Trở về hiện tại, sau cái chết của George Floyd, một người da đen có tiền án  bị cảnh sát chặn bắt vì tình nghi lưu hành bạc giả, các cuộc biểu tình mang danh hiệu Black Lives Matter (BLM) diễn ra khắp nước. Ban đầu mang danh bất bao động. Không lâu sau, đã biến thành những vụ cướp bóc, đốt phá các siêu thị lớn, thậm chí cả tòa án, công sở, các nơi thờ tự, các Thánh đường có lịch sử hàng trăm năm. Đi xa hơn, họ còn giật đổ các tượng danh nhân trong đó có tượng George Washington, vị Tổng Thống đầu tiên của Hiệp Chúng Quốc, tượng TT Abraham Lincoln, người từng có công bãi bỏ chế độ nô lệ và tượng các Thánh, kể cả tượng Đức Maria, Chúa Giêsu! Đây là lúc BLM đã biến dạng khi có sự hiện diện của Antifa.

Các nhóm cực tả – cụ thể là những thành phần bạo tợn trang bị vũ khí cùng mình tôn thờ chủ nghĩa Mác-xít mang theo những lá đại kỳ Trung Cộng, Cuba, Đông Âu cũ đỏ chói nghênh ngang diễu hành với thái độ thách thức trên đường phố -.

Đi xa hơn, đám đông bạo loạn còn ngang nhiên biến cả một khu phố lớn ở Seattle, bang Washington thành một “khu tự trị!” trong nhiều tuần lễ với những rào cản có người vũ trang đứng gác, không cho bất cứ ai bước qua, kèm theo hiệu lệnh tương tự như “một quốc gia tự quản trong một quốc gia” mà chính quyền Dân Chủ địa phương ngó lơ, như không có chuyện gì, nếu không muốn nói là đồng lõa. Cho đến lúc có cảnh thương vong, chết chóc, mùi xú uế bốc lên, nhờ sự can thiệp của trung ương mới vãn hồi được trật tự trong cảnh hoang tàn đổ nát. Và trường hợp Seattle không phải là trường hợp đơn lẻ.

Một sự trùng hợp dễ nhận ra là hầu như tất cả những nơi Black Lives Matter, Antifa tạo ra tình trạng vô chính phủ (anarchy) lộng hành, đập phá, chà đạp lên luật pháp. Nhiều nhất là xảy ra ở những thành phố thuộc các tiểu bang do các Thống Đốc đảng Dân Chủ nắm quyền.

Theo dõi cung cách ứng xử kỳ lạ thiếu nghiêm túc của giới truyền thông thiên tả trong thời điểm xảy ra những hành vi bạo loạn vô quân, vô pháp này có lẽ không mấy ai không nhận ra sự bất bình thường hàm ẩn trong đó. Sự trái thường dễ nhận thấy, trước hết là những vụ bạo loạn dẫn tới cảnh tượng hoang tàn, vô chủ như Porland mới đây và Seattle hồi vài tháng trước thường chỉ được các cơ quan truyền thông lớn như CNN, Washington Post, New York Times tường trình lấy lệ.

Chi tiết về tính nghiêm trọng của những trường hợp tác hại kinh hoàng đụng chạm tới sự an toàn sinh mạng người dân chỉ được phơi bày qua những nỗ lực mang tính cá nhân đột xuất. Thí dụ ngay giữa thanh thiên bạch nhật hôm 14-8 vừa qua, phải nhờ các clip video tài tử người ta mới được chứng kiến tận mắt một nhóm BLM lồng lộn kéo tới trước khu cư trú của người da trắng ở Seattle đòi chủ nhân phải nhường nhà cho họ!

Một thí dụ khác là trường hợp bà Thị trưởng Jenny Durken hiện đang phải đối diện với vụ kiện phải rời chức vụ, vì vai trò của bà ta trong các cuộc biểu tình bạo động khởi phát hồi tháng 6 xâm chiếm khu phố trung tâm Seattle, sau đó lại bị đổi tên – mà dư luận cho rằng bà ta đã có thái độ đồng lõa -. Những tin quan trọng tương tự chỉ vì đụng chạm tới giới cầm quyền Dân Chủ do hành vi bạo động chà đạp luật pháp quốc gia của nhóm BLM gây ra thường rất ít được truyền thông dòng chính loan tải chi tiết.

Nhìn về quá khứ gần của 57 năm trước (1963), khi TNS Thomas J. Dodd  phát hiện những hành vi bất lương của giới truyền thông dòng chính Hoa Kỳ trước, sau thế chiến thứ nhất và trong biến cố 1-11-63 tại Việt Nam, người ta thấy tính chất tuy nghiêm trọng nhưng dù sao nó cũng chưa đến nỗi trực tiếp đụng chạm tới quyền lợi thiết thân của Hiệp Chúng Quốc Mỹ, nói rõ hơn là ảnh hưởng cụ thể tới an ninh nội địa, nhất là đường lối, chính sách và căn tính nhân bản duy linh của nền văn minh, văn hóa đặc thù của siêu cường thế giới này.

Không ai phủ nhận, trước và sau cuộc nội chiến Bắc Nam rất nhiều lần đất nước Hoa Kỳ đã từng có những cuộc xung đột lớn dẫn tới đổ máu đe dọa trực tiếp sự toàn vẹn lãnh thổ vì nhiều căn do trong đó có vấn đề gọi là xung đột chủng tộc. Nhưng tất cả đều trong tầm giới hạn có thể hiểu được nếu không muốn nói là cần thiết giúp chỉnh sửa những khiếm khuyết trong cơ chế điều hành đất nước để đạt tới trình độ tương đối hoàn chỉnh như ngày nay.

Thế nên, bằng cái nhìn vô tư không đoán xét theo thiên kiến, khó có thể phủ nhận một sự thật: nước Mỹ đang trải qua nguy cơ một cuộc khủng khoảng trầm trọng về nhiều phương diện

Trên hết là cuộc khủng hoảng về tâm linh. Từ một đất nước nhờ bám trụ vào nền văn minh Thiên Chúa Giáo để đạt được trình độ tiến bộ, hùng mạnh bậc nhất thế giới, do những căn nguyên ngoại tại, ngày nay Hoa Kỳ đang bị những thế lực xấu xoay chiều hướng theo chủ nghĩa “duy vật chất”, coi nhẹ những giá trị tinh thần, chỉ biết chạy theo tiền tài, lợi nhuận vốn là mục tiêu béo bở để mua chuộc của Bắc Kinh lâu nay.

Bước ngoặt lớn nhất là sự đưa đẩy của lịch sử khiến ông Barack Obama, một người da màu theo Hồi Giáo bất ngờ trở thành vị Tổng Thống thứ 44 của Hiệp Chúng Quốc. Tuy ở vị trí chủ nhân ông Nhà Trắng (Tòa Bạch Ốc, Hoa Kỳ) trọn hai nhiệm kỳ tổng cộng 8 năm, nhưng với tham vọng vô biên để có thời gian vo tròn bóp méo đất nước Cờ Hoa trở thành một xứ sở phi Thiên Chúa Giáo, ông muốn nối dài triều đại của ông, bằng cách lần hồi tạo nên một mối giây liên hệ chặt chẽ với bà Hillary Clinton với nhiều thủ thuật khác nhau suốt thời gian dễ dãi để cho đương sự toàn quyền léo lái đường hướng Ngoại giao trong hai nhiệm kỳ dài.

Vì đã có dụng ý chuẩn bị cho bà Hillary ra ứng cử sau khi ông mãn nhiệm với niềm tin chắc chắn bà sẽ đắc cử với cương vị nữ TT đầu tiên của Hiệp Chúng Quốc nên ông đã tìm cách thuyết phục ông Joe Biden lui bước, dù trên nguyên tắc vị phó TT mãn nhiệm thường dễ được đảng đề cử.

Điều này lý giải cho những hành vi chưa hề có tiền lệ của ông Obama kể từ ngày phải rời Nhà Trắng. Thay vì hành sử như các đồng nhiệm khác, cùng vợ con trở về nơi cư ngụ trước vui cuộc sống mới của một cựu TT, ông thiết lập một bản doanh ngay tại DC cách tòa Bạch Ốc không xa với đám đông nhân sự thân tín vây quanh. Điều cần lưu ý là mục tiêu ban đầu của ông Obama chỉ để tiện bề to nhỏ luận bàn, tìm mưu tính kế với phiên bản TT thứ hai của ông là bà Hillary mà ông tin như đinh đóng cột sẽ là người thay thế ông.

Nhưng, chuyện ngựa về ngược đã làm đảo lộn tất cả.

Sự kiện hi hữu này đã tạo nên cảm giác bất ngờ từ công luận, các ông bà thày bói sáng, tới nỗi đau điếng của người phụ nữ “dễ có mấy tay” Hillary Clinton và đám đông năng nổ, hãnh tiến trong hệ thống truyền thông thiên tả. Riêng ông Obama cũng đau không kém. Nhưng là người vốn có tiếng là thâm, ông lẳng lặng tương kế tựu kế biến bản doanh của vợ chồng ông thành một nơi vừa là bộ tham mưu vừa là một cứ điểm tiến hành tức thời cuộc đại tấn công nhắm vào vị Tổng Thống thứ 45 ngay từ khi đương sự chưa kịp tuyên thệ để chính thức bước vào Nhà Trắng khởi đầu nhiệm kỳ một. Bài điếu văn ông Obama đọc trong buổi tưởng niệm một nhân vật vừa mãn phần mới đây bỗng dưng biến thành đề tài cho một cuộc lăng mạ ông Trump, người kế vị ông hơn ba năm trước. Lần đầu chân diện ông bộc lộ qua cử điệu hung hãn, giọng nói hằn học khác thường, tiêu biểu cho một con người tham quyền cố vị luôn nuôi ý đồ đạp đổ những giá trị nhân bản, văn minh của nước Mỹ.

Cho nên không phải chờ tới năm cuối nhiệm kỳ một, là thời gian chuẩn bị tổng tuyển cử, ông Trump bị lôi ra đàn hạch, tiếp theo những hoạnh hoẹ quanh đại dịch Virus Tàu, những cuộc bạo loạn do BLM, Antifa hung hãn phát động trên khắp lãnh thổ với sự điểu khiển ẩn mặt của ai đó và sự tiếp tay của hệ thống truyền thông bất lương… mà thật sự nó đã nhất loạt nổ ra từ giây phút ông Trump được công nhận là người thắng thế trong cuộc bầu cử ngày 3-11-2016!

Nhìn vấn đề có nguyên ủy, đầu đuôi, gốc ngọn như thế người ta mới hiểu được kẻ chính người tà. Từ đấy nhận ra cái thế chênh vênh, nguy hiểm, mất còn của Hoa Kỳ hôm nay.

4.- Qua những suy tư và những diễn biến đau xót vừa kể, chúng ta chuyển vào phần thứ tư, kết thúc bài chia sẻ với những sự kiện thật và người thật. Từ đấy trả lời cho câu hỏi, những công dân hiền lương, chân thành yêu thương đất nước này phải làm gì để kịp thời cứu vãn tình trạng hoảng loạn tuồng như vô chính phủ hiện nay trước khi quá trễ.

Trước hết, tôi xin xin trích đọc hầu quí vị những dòng sau đây của tác giả Nguyễn Thị Bé Bảy (edit phỏng theo PragerU ngày 19-8-2020) với tiêu đề “Sự phân biệt chủng tộc có thể chế!”. Cô viết:

“Thưa quý vị,

Đất nước chúng ta đang gặp khó khăn, nguy hiểm,

Quý vị có kết luận gì, khi chứng kiến những kẻ cướp bóc và bạo loạn kiểm soát đường phố của chúng ta, trong khi cảnh sát cũng hiện diện tại đó nhưng không thể làm được gì để đối phó, vì họ bị trói tay bởi những “luật lệ” của nhà cầm quyền địa phương (Dân chủ!)

Quý vị có kết luận gì khác, khi những kẻ thống trị truyền thông, những nhân vật nổi tiếng và chính trị gia cùng nhau ngụy biện cho những tên phạm pháp nhân danh “công bằng xã hội”?

Quý vị có kết luận gì khác, khi các tập đoàn lớn vội vàng cam kết ủng hộ hàng triệu mỹ kim cho các tổ chức như Black Lives Matter, để mua lấy sự an toàn bản thân khỏi cỗ máy thù hận của cánh tả?

Đã đến lúc chúng ta phải phổ biến những thông điệp khác thôi!

Hoa Kỳ là một đất nước tuyệt vời cho tất cả mọi người, mọi chủng tộc, cho những người làm việc chăm chỉ và chơi đúng luật.

Những tiếng nói hùng hồn, mạnh mẽ như Candace Owens, Larry Elder, Brandon Tatum, Burgess Owens và Jason Riley đang cất cao để chống lại sự xấu xa mà họ đang mắt thấy tai nghe: đó là những lời nói dối mà tác dụng của nó là hủy diệt nước Mỹ thân yêu của chúng ta.

Sau đây là những thông điệp của họ, thông điệp của những người Mỹ Đen, chống lại những lời nói dối có tác dụng và có khả năng hủy diệt nước Mỹ của truyền thông thiên tả và giới chính trị con buôn!:

Đầu tiên là câu hỏi của cô Candace Owens:

“Không một ai, không có bất cứ một người nào bênh vực hay bào chữa cho thủ phạm gây ra cái chết của George Floyd, vậy tại sao các cuộc bạo động lại xảy ra?” Và cô tự trả lời: “Bởi vì đó là điều giới truyền thông muốn nó xảy ra.”

Rồi cô lên tiếng mời gọi:

“Những người Mỹ da đen hãy thức tỉnh, hãy tự thăng tiến, và đừng để cho giới truyền thông mệnh danh là dòng chính làm chủ quý vi!”

Thứ hai là tuyên ngôn của anh Larry Elder:

“Một trong những câu chuyện lớn mà FakeNews thường rêu rao, đó là sự phân biệt chủng tộc có “thể chế”, có “cấu trúc” và có “hệ thống”, vẫn là một vấn đề lớn tại Hoa Kỳtrong khi trên thực tế, chủng tộc không bao giờ là rào cản đáng kể cho sự thành công trên đất nước này!”

Thứ ba là lời nhắn nhủ của anh Brandon Tatum

“Đừng để truyền thông đánh lừa quý vị! Đa số người Mỹ ủng hộ cảnh sát, không ủng hộ việc phá hủy thành phố của họ. Vấn đề lớn nhất  với sự trưởng thành của người Mỹ da đen…, không phải là sự phân biệt chủng tộc, không phải là sự tàn bạo của cảnh sát, hay tội phạm giữa những người da đen với nhau…, mà là sự “tẩy não tâm thần”!

 

Thứ tư, anh Burgess Owens khẳng quyết:

“Đối với người da trắng cấp tiến, không có gì đáng gờm hơn một người da đen có giáo dục và kính sợ Thiên Chúa!”

Anh nói tiếp:

“Không đâu, người bạn thân của tôi! Không có chủ nghĩa phân biệt chủng tộc có hệ thống tại Hoa Kỳ…, chỉ có chủ nghĩa “Mác-xít Tinh Hoa” có hệ  thống, là ÁC QUỶ, nó được xử dụng, được lạm dụng để loại bỏ bất cứ ai hầu giành lấy QUYỀN LỰC!

Cuối cùng là nhận định của anh Jason Riley:

“Sở dĩ các nhà hoạt động da đen và da trắng cấp tiến nhấn mạnh ti sự phân biệt chủng tộc, vì nó phục vụ lợi ích của họ, chứ không phải vì nó thật sự cải thiện địa vị của người da đen..”

Để minh họa cho sự man rợ, phi nhân tính của hệ thống truyền thông quá tả, tôi xin tóm tắt thật ngắn những chia sẻ chân tình của em Nick Sandman một nạn nhân và cũng là một người hùng, trong dịp em được mời phát biểu tại đại hội đảng Cộng Hòa mới đây.

Theo lời kể của Nick Sandmann thì chỉ vì mang chiếc mũ trên đầu “Make America Great Again” (trong một sinh hoạt ủng hộ sự sống của thai nhi), mà em đã bị những phần tử cực đoan tấn công. Khởi sự câu chuyện chỉ có thế.

Nhưng tiếp theo đó, cả một hệ thống truyền thông thiên tả, trong số có đài CNN và tờ Washington Post đã hùa nhau đánh hội đồng em qua những lời mạ lỵ phi lý. Sự kiện này đã tạo nên một cú shock kinh hoàng làm tổn thương em về nhiều phương diện, thể chất cũng như tinh thần.

Để trả lại sự thật cho công lý và một bài học đích đáng cho những kẻ lạm dụng Đệ Tứ Quyền chà đạp kẻ yếu, miễn cưỡng em phải nhờ đến sự can thiệp của luật pháp. Kết cuộc, phía truyền thông cánh tả đã phải bồi thường cho em mấy trăm triệu Mỹ Kim.

Vẫn theo lời kể của Nick chỉ riêng tờ Washington Post, Văn phòng Luật sư của em đã đòi phải bồi thường cho em tới 250 triệu.

Thưa quí vị trưởng thượng cùng các bạn trẻ.

Đấy chính là những sự thật về khía cạnh tiêu cực của truyền thông Mỹ quốc khi đã bị chi phối, mua chuộc bởi tiền bạc, lợi nhuận từ những thế lực trong nước hoặc ngoại lai, cụ thể là các chính trị gia thời cơ, thiên tả đang khuynh loát đảng Dân Chủ và nhất là Đảng Cộng Sản Trung Hoa dưới thời tân Hoàng Đế Tập Cận Bình.

Như thế, những công dân Mỹ chân chính phải làm gì?

Để cấp thời cứu vãn tệ trạng giống như một thứ ung thư, dịch tễ này, trước mắt, người dân Hiệp Chúng Quốc, bao gồm những sắc dân thiểu số như bà con Việt Nam, chúng ta cần rất nhiều những khuôn mặt anh hùng, cương quyết và can đảm như em Nick Sandmann, khi bị truyền thông, báo chí thiên tả tấn công, làm nhục vô căn cớ, dứt khoát không sợ hãi, mạnh dạn dám đứng lên đối mặt với kẻ xấu.

Đấy là phương cách chúng ta sử dụng quyền chính đáng của người công dân luôn được Hiến Pháp bảo vệ trong một đất nước tự do, dân chủ hàng đầu như Mỹ Quốc.

Ngoài giải pháp cấp thời, trước mắt như vừa kể, về đường dài, cũng với tư cách công dân, mỗi người còn có trong tay một vũ khí có sức mạnh vạn năng là lá phiếu.

Tính từ hôm nay, Chúa nhật 6-9 đến 3-11 chỉ còn vỏn vẹn 57 ngày là đến ngày bầu cử. Giữa ứng viên đảng Dân Chủ là ông Joe Biden được sự chống lưng của hệ thống truyền thông thiên tả, và đương kim Tổng Thống Donald Trump thuộc đảng Cộng Hòa, hẳn quí vị đã quá biết ai sẽ là người chúng ta chọn mặt gửi vàng?

Vì tính cách đặc thù của cuộc bầu cử năm nay, ngoài lá phiếu dành cho Tổng thống và Phó Tổng Thống, chúng ta không thể bỏ qua việc dồn phiếu cho các ứng viên Dân Biểu và Thượng Nghị Sĩ Cộng Hòa vào Quốc Hội hầu giúp chính quyền mới có đa số cả lưỡng viện trong nhiệm kỳ bốn năm tới.

Để tránh cho lá phiếu không bị kẻ gian đánh tráo hoặc hủy hoại, chúng ta dứt khoát không bỏ phiếu qua đường Bưu Điện, mà sẽ đến tận  phòng phiếu để đích thân thi hành nghĩa vụ công dân của mình.

Thưa toàn thể quí vị,

Tôi xin kết thúc phần chia sẻ ở đây.

Từ miền nam California, chúng tôi rất vinh dự được tiếp nhận những lời phát biểu cùng những đóng góp ý kiến quí báu của quí vị.

Trân trọng.
Trần Phong Vũ

P.S.

Điều may mắn là chúng ta không còn phải lo lây nhiễm Virus Vũ Hán như sự hù dọa lâu nay của đảng Dân Chủ và truyền thông thiên tả. Cách nay hai hôm, Bác sĩ David Price hiện đang làm việc trong ICU của bệnh viện ở New York đã có những lời chia sẻ đầy lạc quan.

Là người trực tiếp chăm sóc các bệnh nhân nguy tử, ban đầu ông rất sợ, nhưng qua kinh nghiệm bản thân trong suốt mấy tháng qua, ông nhận thấy việc tránh con virus này không khó. Theo Bác sĩ Price, ông không tin là có chuyện nhiễm bệnh từ không khí. Cách truyền bệnh duy nhất là qua tiếp xúc với người có mầm bệnh.

Để tránh, điều quan trọng là nếu bàn tay đụng chạm vào bất cứ người hay vật thể nào bị nghi là có thể bị lây nhiễm, trước hết phải rửa tay thật kỹ với các loại dung dịch tẩy trùng chứa trên 60% cồn trước khi chạm tay vào mặt. Khi có việc phải ra ngoài luôn luôn mang mặt nạ, không cần loại đặc biệt dành cho các Bác sĩ. Luôn giữ khoảng cách 2 mét khi tiếp xúc với người lạ, hoặc 6 feet khi tới những nơi đông người.

Bác sĩ Price tuyên bố nguyên văn như sau: “Nếu giữ được như vậy, có thể bảo đảm sẽ không bao giờ bị nhiễm bệnh?”.

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*