Thưa quý vị,
Ngày xưa, mục sư Martin Luther King Jr đã kêu gọi sự quyết tâm của những người theo ông để tranh đấu chống kỳ thị chủng tộc, màu da bằng bài diễn văn trong đó có câu:
“If you can’t fly, then run,
if you can’t run, then walk,
if you can’t walk, then crawl,
but whatever you do, you have to keep moving forward.”
“Nếu bạn không bay được, thì hãy chạy,
Nếu bạn không chạy được, thì hãy đi,
Nếu bạn không đi được, thì hãy bò,
bằng mọi cách, bạn phải tiếp tục tiến về phía trước.”
Vâng, với ngày bầu cử gần kề và cánh cửa của toà Bạch Ốc đang hiện ra ở trước mặt thì dù bay, chạy, đi, bò, chống gậy, ngồi xe lăn … cả hai ông Trump và Biden cũng phải ráng hết sức để lọt vào trong trước địch thủ của mình, rồi sau đó tính gì thì tính.
Người ta đã cố gắng như thế, không quản gian lao, tuổi tác, sức lực, trí khôn … thì dân đen chúng ta sao nỡ ngó lơ, không đi bầu? Xin minh định ở đây không phải chỉ là dân đen không thôi, mà gồm tất cả dân trắng, nâu, vàng, đỏ, hay bất cứ màu gì, vì Tu chính án thứ 15 của Hiến pháp đã nói rằng:
“The right of citizens of the United States to vote shall not be denied or abridged by the United States or by any state on account of race, color, or previous condition of servitude.”
“Quyền bầu cử của công dân Hoa Kỳ sẽ không bị từ chối hoặc giới hạn bởi Hoa Kỳ hay bất cứ tiểu bang nào vì lý do chủng tộc, màu da, hoặc tình trạng nô lệ trước đây.”
Thế nhưng, một trong những lý do thông thường nhất mà mọi người đưa ra để không tham gia bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử là họ cho rằng lá phiếu của họ không quan trọng hay không thay đổi được gì (theo ý nghĩa “một con én không làm nên mùa Xuân“). Tuy nhiên, lịch sử lại cho thấy điều ngược lại, đặc biệt là trong các cuộc bầu cử tổng thống.
Chúng tôi xin mời quý vị xem qua năm cuộc chạy đua vào toà Bạch Ốc cực kỳ gay go và sát nút sau đây.
John Quincy Adams / Andrew Jackson (1824)
Cuộc chạy đua vào toà Bạch Ốc của John Quincy Adams là một đua khó khăn và kéo dài với bốn ứng cử viên khác, và cuối cùng được quyết định bởi một lá phiếu duy nhất tại Hạ viện.
Không giống như các cuộc bầu cử trước đó, những người tranh cử trong cuộc đua năm 1824 được chọn dựa trên mức độ được ưa thích trong khu vực, tiểu bang chứ không phải là đảng phái. Đối đầu với Adams là John C. Calhoun, William H. Crawford, Henry Clay và Andrew Jackson.
Jackson đã giành được số phiếu phổ thông với 152,901 và Adams được 114,023 phiếu, với Clay và Crawford lần lượt đứng thứ ba và thứ tư. Calhoun đã rút lui khỏi cuộc đua với hy vọng trở thành phó tổng thống. Jackson đã không nhận được đủ số phiếu để giành chiến thắng trong cử tri đoàn, do đó, theo Tu chính án thứ 12, Hạ viện sẽ quyết định kết quả. Adams đã thắng bằng một phiếu bầu duy nhất sau khi Clay bị loại thông qua thương lượng và những người ủng hộ ông trong Hạ viện đã trao phiếu bầu của họ cho Adams. Jackson và những người ủng hộ của ông ta đã chết lặng trước kết quả.
Rutherford B. Hayes / Samuel J. Tilden (1876)
Có thể nói là cuộc bầu cử tổng thống năm 1876 là một cuộc bầu cử đầy rắc rối và hỗn độn nhất giữa hai ứng cử viên Rutherford B. Hayes của đảng Cộng hoà và Samuel J. Tilden của đảng Dân chủ, người từng là thống đốc của New York.
Hayes đã giành được đề cử của đảng Cộng hoà sau bảy lần bầu chọn, trong tình thế dân chúng chống đảng Cộng hoà vì nhiều vụ bê bối của Tổng thống sắp mãn nhiệm là Ulysses S. Grant.
Cuộc bầu cử diễn ra gay go, và việc kiểm phiếu đã phải làm đi làm lại bởi những việc làm bất thường và gặp nhiều chống đối. Nó đã trở thành cuộc bầu cử dài nhất và gây nhiều tranh cãi nhất thời bấy giờ, và có nguy cơ đổ vỡ trên toàn quốc. Cuối cùng, nó đã được kết thúc tại Hạ viện khi vị Chủ tịch (Speaker of the House) bắt buộc phải hoàn thành việc kiểm phiếu vào ngày 2 tháng 3 năm 1877.
Hayes thua Tilden với khoảng 250,000 phiếu bầu nhưng đã thắng cử tri đoàn với một phiếu bầu duy nhất.
James A. Garfield / Winfield Scott Hancock (1880)
Việc chọn người làm ứng cử viên đại diện cho Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1880 đã biến thành một cuộc đua ba chiều gay cấn, trong đó James A. Garfield, lúc đó là trưởng phái đoàn Ohio, không thực sự tham gia. Tuy nhiên, ông ta đã nhận được một số phiếu khiêm nhường trong buổi bỏ phiếu ban đầu, sau đó càng ngày càng nhiều hơn khi cuộc bỏ phiếu tiếp tục. Sau cùng ông đã giành được sự đề cử của đảng. Garfield đã phải đối đầu với đảng viên của đảng Dân chủ là tướng Winfield Scott Hancock, một anh hùng trong Nội chiến Mỹ.
Mặc dù có dấu hiệu về bê bối cá nhân, Garfield vẫn giành được chiến thắng chỉ với 7,368 phiếu phổ thông và 214 phiếu bầu trong cử tri đoàn so với số phiếu 155 của Hancock.
John F. Kennedy / Richard Nixon (1960)
John F. Kennedy đã vận động hết mình cho sự đề cử của Đảng Dân chủ, đánh bại được cả Hubert Humphrey và Lyndon B. Johnson, người đang lãnh đạo khối đa số ở Thượng viện. Richard Nixon, người từng là phó tổng thống dưới thời Dwight D. Eisenhower, được đảng Cộng hòa đề cử để đối đầu với Kennedy trong cuộc tổng tuyển cử. Đó là một cuộc đua cực kỳ sát nút, với cả hai ứng cử viên đều ngang nhau ở 47% trong các cuộc thăm dò của viện Gallup.
Cuối cùng, trong số 68.8 triệu phiếu bầu, Kennedy đã giành được số phiếu phổ thông ít hơn 120,000 phiếu, nhưng được 303 phiếu đại cử tri đoàn so với số 219 của Nixon.
George W. Bush / Al Gore (2000)
Cuộc bầu cử tổng thống năm 2000 là một trong những cuộc bầu cử gây tranh cãi nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, và là một trong những cuộc bầu cử sát nút nhất – chỉ vài ngày trước cuộc bầu cử, các nhà thăm dò cho biết không thể tiên đoán được ai sẽ là người có thể thắng cuộc.
Sau đó, việc kiểm phiếu bầu cử đã bị xáo trộn bởi nhiều rắc rối và mâu thuẫn, đặc biệt là ở Florida, nơi Al Gore yêu cầu kiểm phiếu lại. Những tranh cãi dựa trên pháp lý, cuối cùng, đã đưa cuộc chạy đua ra trước Tối cao Pháp viện của Hoa Kỳ. Với kết quả là toà yêu cầu chấm dứt chuyện tái kiểm phiếu, và như thế, trao phần thắng cho George W. Bush.
Bush đã thắng với 271 phiếu cử tri đoàn so với 266 của Gore nhưng lại thua khoảng 500,000 phiếu phổ thông.
oOo
Thưa quý vị,
Chúng ta, cả Mỹ từ thời lập quốc cho đến Mỹ mới nhập tịch vẫn còn đang học ESL, đều có rất nhiều lý do để không tham dự cuộc bỏ phiếu. Bởi vậy, theo thống kê thì số người có đủ điều kiện để tham gia bầu cử và thực sự đi bầu, kể từ năm 2000 đến nay, cũng chưa tới 60 phần trăm
(https://en.wikipedia.org/wiki/Voter_turnout_in_the_United_States_presidential_elections):
- Năm 2000: 50.3%.
- Năm 2004: 55.7%.
- Năm 2008: 57.1%.
- Năm 2012: 54.9%.
- Năm 2016: 55.5%.
Có lẽ hầu hết chúng ta đều đồng ý với câu “Một con én không thể làm nên mùa Xuân”, nhưng nếu con én nào cũng nghĩ như thế thì sao? Câu trả lời là “Không sao cả. Mùa Xuân vẫn đến theo đúng chu kỳ.” Cũng như Hiến pháp và Luật pháp của Hoa Kỳ đã bảo đảm là nước Mỹ sẽ có tổng thống dù chỉ có gia đình của ứng cử viên đi bầu, ngoại trừ 3 trường hợp:
- Tận thế.
- Liên minh Tàu cộng, Nga, Iran và Bắc Hàn xâm lăng, chiếm toàn cõi nước Mỹ.
- Nước Mỹ chuyển qua chế độ cộng sản, Xã Hội Chủ Nghĩa, như Venezuela đã làm.
Ngày 16 tháng 9 năm 2020, hãng thông tấn Associated Press (AP) có đăng bài Nhìn vào sự kiện của năm 2020: Việc gì sẽ xảy ra nếu có sự tranh chấp trong cuộc bầu cử tổng thống của Mỹ? Cho thấy sự việc có thể xảy ra trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới, và Hiến Pháp cùng với luật pháp của Mỹ sẽ giải quyết ra sao?
Cho dù cuộc cuộc bầu cử sắp tới đây sẽ lộn xộn và gây nên tranh chấp tại tòa án, thì quốc gia này cũng sẽ có tổng thống vào Ngày nhậm chức, 20 tháng 1 năm 2021. Hiến pháp và luật liên bang bảo đảm điều đó.
Sau đây là những gì sẽ xảy ra sau khi cử tri đi bỏ phiếu vào ngày 3 tháng 11:
Đầu tiên, các tiểu bang có hơn một tháng để kiểm phiếu, bao gồm cả số lượng phiếu bầu, có thể sẽ có rất nhiều, được gửi qua đường bưu điện, và tiến hành kiểm phiếu lại nếu cần thiết. Nhưng phiếu đại cử tri của các tiểu bang (states’ electoral votes) bắt buộc phải được bầu vào ngày 14 tháng 12.
Các tòa án sẽ lưu ý đến ngày đó khi phân xử bất kỳ tranh chấp nào. Trong cuộc bầu cử năm 2000, Tối cao Pháp viện (TCPV) Hoa Kỳ cuối cùng đã ra lệnh chấm dứt việc kiểm phiếu lại của Florida, nói rằng thời gian đã hết vì ngày hội họp để bỏ phiếu của đại cử tri đoàn đã đến. Điều này có thể bị rắc rối vì cái chết của bà thẩm phán TCPV Ruth Ginsburg, khiến số thẩm phán của TCPV là 8 người, có thể sẽ có trường hợp huề 4-4 ở TCPV, và phải áp dụng các phương pháp khác, tiếp theo đó để bảo đảm rằng ngày 20 tháng 1 năm 2021 sẽ phải có lễ tuyên thệ nhậm chức của tổng thống và phó tổng thống đắc cử.
Khi các đại cử tri họp, ứng cử viên nào nhận được ít nhất 270 trong số 538 phiếu đại cử tri sẽ thắng cử. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu các vấn đề bầu cử vẫn ngăn cản việc tuyên bố tên người đắc cử? Hiến pháp có câu trả lời.
Tu chính án thứ 12 nói rằng trong trường hợp đó, Hạ viện sẽ bầu tổng thống và Thượng viện bầu phó tổng thống. Khoá Quốc hội mới được bắt đầu vào tháng Giêng là cơ quan được giao nhiệm vụ thực hiện việc gọi là “cuộc bầu cử phòng hờ khi có việc bất trắc, bất ngờ xảy ra (contingent election)”. Trong lịch sử, mới chỉ có một vị tổng thống duy nhất được bầu chọn theo cách này là John Quincy Adams, vào năm 1825.
Trong một cuộc bầu cử vì hoàn cảnh bất trắc, như đã nói ở trên, các thành viên Hạ viện phải chọn trong số ba người có nhiều phiếu đại cử tri nhất. Mỗi đại diện tiểu bang được một phiếu bầu và cần có 26 phiếu bầu để giành chiến thắng. Tại Thượng viện, sự lựa chọn nằm giữa hai người có số phiếu đại cử tri cao nhất và mỗi thượng nghị sĩ sẽ nhận được một phiếu bầu, với 51 phiếu cần thiết để giành chiến thắng.
Trong trường hợp Hạ viện không bầu chọn được tổng thống trước ngày nhậm chức thì sao? Tu chính án thứ 20 quy định rằng phó tổng thống được Thượng viện bầu chọn sẽ giữ vai trò tổng thống tạm thời cho đến khi chọn được tổng thống. Thế nhưng nếu không có phó tổng thống được chọn vào ngày nhậm chức thì sao?
Nếu điều này xảy ra thì Đạo luật Kế vị Tổng thống sẽ được áp dụng.
Đạo luật kế thừa này quy định Chủ tịch của Hạ viện (Speaker of the House), hay Chủ tịch của Thượng viện, hoặc một nhân viên của Nội các, theo thứ tự đó, sẽ tạm thời đảm nhiệm chức vụ tổng thống cho đến khi có một tổng thống hoặc phó tổng thống chính thức được bầu chọn.
Như thế thì cho dù tháng Một (January) năm 2021 là mùa Đông ở nước Mỹ, nhưng chúng ta cũng sẽ thấy én bay để báo hiệu mùa Xuân, sớm muộn gì, rồi cũng sẽ trở về theo định kỳ của thời tiết. Ngày tháng Một ấy sẽ có người vui kẻ buồn.
Những người vui thì sẽ tụ họp, đốt pháo bông … ăn mừng.
Những người buồn thì cũng sẽ tụ họp, đốt cháy thành phố … ăn cướp.
Đằng nào thì lửa cũng sẽ sáng rực trên trời và dưới đất … Và rồi những tháng năm sau đó thì những tấn tuồng chính trị sẽ tiếp diễn … Cho đến bốn năm sau thì sẽ tái diễn bi hài kịch tranh cử … Không hiểu khi đó người Việt tị nạn chúng ta có còn hứng thú tham gia bàn luận như bây giờ hay không? Nếu còn thì có thể chúng ta sẽ cãi vã nhau bằng tiếng Mỹ, và cũng rất có thể là bằng tiếng Tàu trong một thế giới Đại Đồng !!!
Thưa quý vị,
Bây giờ chúng tôi xin rót tách trà mới để mời quý vị, nói cho văn vẻ và thi vị, uống cho trôi những ưu tư hay băn khoăn, nếu có, về chính trị Made In America. Thành ngữ Mỹ có câu “Want Social Change? Run for Office” tạm dịch là “Muốn thay đổi xã hội, Hãy ra ứng cử.” Nói thì dễ, chứ chuyện ứng cử không phải ai cũng làm được. Thế nhưng việc bỏ phiếu để chọn người hợp với quan điểm của mình thì xem ra không khó.
Ngày xưa, Nguyễn Bá Học có nói “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông.” Ngày nay, chúng ta e ngại gì mà không tham dự bầu cử? Hãy dùng lá phiếu của mình để chứng tỏ quyền công dân.
Làm sao biết được con én nào báo hiệu mùa Xuân?
Bùi Phạm Thành
Ngày 26/9/2020
(Đặc San Lâm Viên)
Tham khảo:
Vision 2020: What happens if the US election is contested?
https://www.yahoo.com/news/vision-2020-happens-us-election-160042541.html
5 Remarkably Close U.S. Presidential Elections
https://www.britannica.com/list/5-remarkably-close-us-presidential-elections
Be the first to comment