Môi Sinh Và Đời Sống Con Người: Mưa Và Tuyết

Để bạn đọc có phần khái niệm về các danh tử trong Anh ngữ mà dân kiều lộ (Civil Engineering) chúng tôi thường hay dùng trong phạm vi “Infrastructure”, xin mời Quý Vị vào đọc bài và xem hình ảnh trong link dưới đây:
https://photos.app.goo.gl/GYaF73FppQ6JPAbD9

* * *

Hồi mới về hưu ở tuổi 60, sức khỏe còn tốt cho nên chúng tôi thích đi bộ ra cái công viên gần nhà lắm.

Một buổi sáng mùa đông, sau khi bà vợ đã đi làm, nhìn đống tuyết ngoài đường, tôi khoái chí bèn mặc quần áo thật ấm trước khi đi bộ. Hai chân được nai nịt bằng một cái quần bằng vải bông (cotton) bó sát vào hai chân trước khi mặc cái quần đi trượt tuyết để chống nước, chống tuyết, nhất là chống cái lạnh ngoài trời. Phần thân thể bên trên được mặc ba bốn thứ áo chống lạnh trước khi mặc một cái áo đi trượt tuyết để có thể chống lạnh đến – 40° C và nó có cái “hood” có thể che luôn cả cái mũi luôn. Chân đi đôi bít tất len trước khi xỏ chân vào đôi giầy mà cái đế của nó có thể để vết hằn trên tuyết. Tay đeo đôi găng đi trượt tuyết để mà nước và tuyết không có thể thấm vào 10 ngón tay …

Cũng không quên đeo đôi kính mát trước khi rời nhà và băng qua đường tại một ngã ba có đèn xanh đèn đỏ để rồi đi vào một con phố nhỏ (sidestreet). Chỗ đi bộ (side walk) trước mặt của nhiều căn nhà trên con đường còn chưa được dọn tuyết, vừa đi vừa nghe nhạc qua cái MP3 player. Cảm thấy rất là vui thú nhưng không huýt sáo được vì miệng đã bị cái “hood” nó một phần che kín.

Rất nhiều xe cộ đậu ở ngoài đường vẫn còn bị tuyết phủ kín. Hôm đó là ngày mà cư dân trong khu phố đó mang rác ra để ở hè phố (curb) trước mặt căn nhà của họ cho nên vẫn còn có vết người đi trên tuyết từ nhà ra chỗ để rác. Đâu đây thấy có người đang xúc tuyết trong cái “driveway” dài thoòng (đường lái xe từ ngoài đường vào căn nhà).  Nhìn cảnh tuyết rơi đầy trời, tôi liên tưởng đến những ngày tháng xa xưa trong lúc xúc tuyết cho cái driveway của căn nhà chúng tôi. Xúc tuyết xong, những tưởng mình được nghỉ để vào trong nhà. Ai dè, bỗng đâu cái xe ủi tuyết ở ngoài đường vừa đi qua, và để lại một “đống tuyểt vô thừa nhận”:  một đống tuyết khá cao đã chặn lối đi từ “driveway” căn nhà chúng tôi ra đến đường xe đi. Bèn lại phải nai nịt mặc quần áo để ra “driveway” mà xúc hết cái đống tuyết “vô thừa nhận” đó.  Trời ơi, nó nặng làm sao: nàng tuyết đã đóng cứng thành băng đá vì nó đã bị sức đẩy và sức nén của chiếc xe đi ủi tuyết lèn chặt, chắn lối căn nhà chúng tôi.

Chỉ còn biết lẩm bẩm mà la làng mà thôi!

Thôi thì, đó là chuyện của ngày xưa: “Bỏ đi Tám”!

Lúc này, mới thấy mình đã được “thoát tục” với việc cạo tuyết, bèn vui vẻ tiếp tục cuộc hành trình đi vào trong cái công viên ngay trước mặt.

Bỗng nghe thấy tiếng nước chảy róc rách, bèn rút cái “head phone” ra, tiếng nước chảy nghe rõ hơn…  Hóa ra gần chỗ tôi đang đứng có một lỗ cống (catchbasin) mà chúng tôi đã thường nhìn thấy trong các mùa Xuân, mùa Hạ, mùa Thu…

Gần nơi đó tôi còn nhớ có cái “manhole/maintenance hole” để mà dân lục lộ có thể trèo xuống cái cống nước để mà quan sát, sửa chữa khi nó bị nghẹt.  Các từ ngữ như “catch basin, man/maintenance hole, sidewalk”…  đã làm tôi  trở về với lớp học khi còn đang dạy môn “Water Supply and Waste water”… với rất nhiều kỷ niệm khó quên.

Thấy không còn thấy lạnh, kẻ bộ hành bèn kéo “zipper” của cái “hood” xuống. Đâu ngờ, thấy miệng mình đang thở ra khói, sau khi hơi thở gặp cái khí lạnh ngoài trời… Bèn mau mắn kéo cái “zipper” lên và tiếp tục đi vào công viên… Lạnh bên ngoài nhưng lại thấy ấm trong lòng…

Ngó lại đường phố, thấy một cái xe vận tải đang rải muối trên mặt đường để tuyết tan nhanh và mặt đường đỡ bị trơn để tránh các tai nạn giao thông.  Khổ nỗi là sau khi muối đã làm tan phần đóng đá trên mặt đường nhưng nếu mà lượng muối quá cao,  nó sẽ làm cho độ mặn trong nước chảy ra hồ, ra sông  gây tai hại cho phần môi sinh của hồ, sông, ngòi…

Cảm thấy an vui khi bước chân vào công viên.  Tuyết đã phủ kín cái đường đi xe đạp (bicycle path). Cả một cánh đồng trắng xóa đầy tuyết. Kẻ hành thiền lặng lẽ tránh khỏi đường đi xe đạp vì nó được tráng nhựa đường và đã đóng băng dưới làn tuyêt phủ bên trên. Nó rất trơn và có thể làm người đi bộ “vồ ếch” dễ như không! Bèn đi sang chỗ bên cạnh, có cỏ ở dưới để mà đi cho chắc ăn. Nhiều nơi, sau khi dẫm chân lên mới biết là tuyết đã ngập đến gần cái đầu gối. Điều này làm tôi nhớ đến lời hát “Bước Chân Trên Cát” của Việt Nam ta: ôi chao là mơ mộng tại miền nhiệt đới trong khi tôi đang phải “ngập chân trong tuyết!” ở cái nơi “đất rộng, tình cóng/tình nồng này”.

Nhưng rồi trong cái lạnh ngắt bên ngoài của phần thân thể, mình lại cảm thấy có cái tĩnh trong tâm hồn. Thế là quân ta bèn bước mạnh trên tuyết, cứ thế mà đi trong khi hai tai đang nghe nhạc tiền chiến của Việt Nam. Có thể nói rằng đây là giây phút thiền định của chính tôi: ở tuổi đã về hưu, cát bụi đường trần đã theo tuyết mà lắng xuống. Thân thể bên ngoài tuy có lạnh thật nhưng mà phần hồn lại cảm thấy được thanh lọc, trong sáng trong cái tĩnh của tâm hồn ngay tại đây.

Ngay tại đây, ta được sống với chính ta. Lạnh ư? Đâu còn sợ gì nữa vì ta đã có đầy đủ quần áo, mũ, găng tay giúp cho ta rồi. Công việc và trách nhiệm ư?  Ta đã về hưu rồi. Con cái đã lớn và có công ăn việc làm rồi. Vợ ư?  Nàng vẫn còn khỏe mạnh, còn đang đi làm và luôn luôn giúp đỡ ta… Thôi nhé, trong cái lạnh ngoài trời, cái thanh vắng, và không khí trong lành ngay tại nơi đây, ta đã kiếm được cái thanh tịnh nội tâm.

Niết bàn ư? Chẳng cần biết nó đang ở đâu nữa. Thôi thì, tuy trời lạnh thật đấy, thì cứ coi như là ta đã tìm được hiện tượng Niết bàn tuyệt vời này: ngay tại đây, ngay bây giờ vì không còn buồn phiền, tức bực, hay quá vui gì nữa…

Cứ thế mà tiếp tục đi bộ. Phía bên phải, nghe và thấy tiếng nước đang êm ả  chảy về hướng Hồ Ontario (Lake Ontario). Bèn lội tuyết mà đi ra phía đó để nhìn và lắng nghe giòng nước đang êm ả chảy liên tục và làn gió đang chui qua lỗ mũi rồi vào đầy phổi. Êm ả vô cùng. Không hề cảm thấy khí lạnh chui qua lỗ mũi nữa vì tôi đẫ hít một chút dầu Nhị Thiên Đường rồi.

Bỗng đâu nhìn thấy cái “ghế gỗ công viên” đã bị tuyết phủ gần kín mít. Tôi mau mắn, lấy tay đẩy hết tuyết, đủ để có chỗ cho mình tôi ngồi xuống mà ghi lại những cảm nghĩ trong tim, trong óc…

Bèn lôi trong “back pack” một cuốn vở học trò và một cái “mechanical pencil”.

Cứ vậy mà ngồi ghi lại những cảm nghĩ trong nội tâm… Viết và viết… cho đến khi bàn tay bắt đầu cảm thấy lạnh ngắt vì đâu có thể đeo găng mà ngồi viết văn ở công viên được!

Bèn xếp vở, bỏ vào cái “back pack”, và lôi ra phần ăn sáng: hôm đó, trong khi người viết còn đang ngủ, “nàng Lara” của chàng đã để trên bàn hai cái bánh khúc mới làm tối hôm trước và một cái “thermos flask” đầy cà phê sữa đã pha sẵn với lời dặn: “Đây là phần ăn sáng của anh. Nhớ mang con chó ra cái “hydro line” dùm mẹ con em vì tụi này thức dậy muộn!”

Chưa bao giờ ăn nhanh và ngon như vậy!

Ngứa mặt nhìn lên trên bầu trời trước mặt, phía trên của hàng cây đang rụng hết lá. Bầu trời trong xanh, bỗng thấy hình ảnh một thiếu nữ còn trẻ với mải tóc mầu vàng, mắt xanh, quấn khăn quàng màu vàng nhạt. Nàng đang tươi cười nhìn tôi. Vẫn đôi mắt ấy, vẫn nét mặt dịu dàng và quen thuộc của tuổi đôi mươi ấy…

Bèn đứng dậy ngay tức thì, rối rít vẫy tay chào nàng… Một đám mây trắng bỗng dưng trôi qua… Sau khi mây đã bay qua… tìm đâu cũng chẳng thấy bóng dáng nàng… Nước vẫn chảy, mây vẫn trôi… Tôi vẫn đứng yên như một kẻ hóa đá… Nhìn lên bầu trời trong xanh… Thanh tịnh… Chắng quá buồn, chẳng vui… Thực tại… nó là như vậy sao… Karma…?

Qua cái MP3 player, tôi nghe thấy tiếng hát của một nam ca sĩ… nhẹ nhàng:

“… Ngủ đi em, Ngủ đi em… Ngủ đi mộng vẫn bình thường…”

Nhiểu năm vể trước, ở tuổi 20, chúng tôi đã gặp nhau khi tôi đang học môn “Hydrology” liên quan đến sự vận chuyển của nước trong thiên nhiên…  Đâu ngờ, sau khi rời đất Úc sang Canada lập nghiệp, người viết đã có cái đam mê trong nghề đi dạy học nhất là các môn học liên quan đến “Hydrology” (Sự Vận Hành của Nước Trong Thiên Nhiên)

Khi còn đi dạy, nhiều khi, thân thể tuy cảm thấy thấy mệt mỏi,  nhưng sau khi vào đến lớp, trước bục giảng và học trò,  tôi thấy hứng chí, tự nhiên cảm thấy khỏe khoắn và bình an nữa… thầy trò tha hồ mà bàn luận với nhau.

Thật tình cờ, trong cái công viên tĩnh mịch này, tôi đã nhìn thấy hình ảnh của người thiếu nữ Tây Phương trong tuổi đôi mươi đang tươi cười vẫy tay chào tôi… Một hình ảnh, một cảm giác thật khó quên…

Chợt nhớ đến câu thơ của thi sĩ Tản Đà:
“… Nước đi đi mãi
Không về cùng non… ”

Kẻ bộ hành lẩm bẩm:
“Không duyên không nợ,
Tươi cười, vẫy tay!”

Tiếp tục đi bộ trên tuyết, thả hồn về với môn học “Hydrology” khi mới gặp nhau ở tuổi đôi mươi…

Nước từ biển, sông, hồ bốc hơi bay đi khắp bốn phương trời.  Lên đến thượng tầng khí quyển, sau khi gặp khí lạnh, hơi nước trở thành thể lỏng trở thành giọt mưa rồi rơi xuống mặt đất làm mát dịu không gian… Nước mưa chảy tràn lan (Surface run off), một phần ngấm xuống lòng đất và mắc kẹt trong đó trong một khoảng thời gian nào đó – có thể rất lâu mà cũng có thể rất ngắn hạn –  phần còn lại  của “Surface run off” sẽ tiếp tục chảy về những nơi trũng hơn …

Lượng nước chảy này tùy thuộc vào độ mưa của các cơn mưa (Rain Fall intensity 1 in 5 years, Rainfall intensity 1 in 10 years / 50 years/100 year)… Có nghĩa là cơn mưa lớn nhất trong vòng 5 năm,  trong vòng 10 năm,  trong  vòng 50 năm,  trong vòng 100 năm …

Cơn mưa lớn nhất xảy ra một lần lớn nhất trong vòng 100 năm và cơn mưa này đã tạo ra những cơn lụt nguy hại nhất trong nhiều nơi trên thế giới…

Khi chúng tôi mới ra trường, chúng tôi đã may mắn có cơ hội tham gia vào công trình xây đập nước Wyangala dam tại Úc Đại Lợi. Ban Kiến Tạo (Design team) gồm có khoảng 200 Kỹ sư và Cán sự chúng tôi đã kiến tạo (design, tính toán, làm các bản vẽ, xây cất) đập nước này để cho nó có đủ sức chứa lượng nước (Surface run off volume) của cơn mưa lớn nhất trong một thế kỷ. Vừa để tránh lụt cho các vùng hạ lưu, vừa để trữ nước trong những tháng không có mưa…

Khi chúng tôi đã làm gần xong công trình kiến tạo này, chính phủ Úc đã bắt buộc chúng tôi kiến tạo lại đập nước Wyangala dam này dựa theo công thức Factor of Safety = 1.5, theo đề nghị của một “consultant” người Mỹ. Có nghĩa là làm sao cho cái đập sẽ được kiến tạo và xây cất đế hy vọng nó thể chứa được số lượng nước rất lớn (lớn gấp rưỡi số lượng nước mà chúng tôi đã “design”) đế mà không bao giờ đập nước này sẽ bị “vỡ đê”/sụp đổ … gây tai hại/chết chóc cho dân chúng và nền kinh tế địa phương. Vẫn còn nhiều các tai họa khác có thể xẩy ra lắm, cho dù cái đập nước được xây rất kiên cố…

Nói tóm lại ai mà thực sự biết trước được hay thật sự hiểu được Luật Trời!

Trong nhiều thành phố trên thế giới, nếu có phần đất nào trũng, nhất là phần đất ở trong công viên, nơi đó sẽ được sử dụng trong việc chứa nước mưa (Surface run off) tạm thời để tránh vụ lụt lội trong các khu phố tại những nơi thấp hơn (lower levation).

Những ao, hồ… ở nơi trũng này được mệnh danh là một “Detention pond/Retention pond” để tạm thời chứa nước mưa, tránh lụt lội trong các khu phố ở vùng hạ lưu… Saigon Park của thành phố Mississauga là một “Detention pond”.

Trong những vùng đất rộng lớn mà ở xa các thành phố, chỗ nào trũng sẽ được sử dụng để chứa nước chảy xuống từ thượng nguồn (upstream). Nơi chứa nước này được mệnh danh là một “Reservoir”. Danh từ “reservoir” được sử dụng để chứa nước mưa và nước uống cho dân chúng luôn (untreated water reservoir, treated water reservoir).

Tại những nơi đèo heo hút gió, có đồi, có núi, người ta xây đập nước (Dam). Mục đích của các đập chứa nước là để quản lý (control) các dòng nước lũ từ độ cao chảy đến các miền hạ lưu… Khi nào mực nước trong các đập nước dâng cao đến một độ cao nào đó thì hệ thống “spillway” được mở ra để tháo cho nước chảy xuống các vùng hạ lưu với mục đích là cái đập nước đó sẽ không bị sức mạnh của độ nước lụt đang cuồn cuộn chảy trong đập nước phá hủy cái đập nước…

Các đập nước này có hai phận sự: để chứa và sử dụng nước quanh năm trong những ngày tháng không có mưa và để tạo ra điện qua hệ thống Thủy Điện Lực (Xin mời Qúy vị vào vị xem các diagram trong cái Link ở phía trên cùng)

Trong nhiều thập niên trước đây, vì vấn đề an sinh cho dân chúng, rất nhiều quốc gia trên thế giới không những họ đã không xây thêm xây đập nước nữa mà họ còn hủy bỏ một một số các đập nước mà họ đang có nữa… Trong khi đó, Tàu Cộng tiếp tục công việc xây các đập nước tại Lào làm cho Việt Nam bị tai hại… Mát dê in China!

Chắc quý vị cũng đã từng được xem nhiều YouTube về lũ lụt liên quan đến đập nước Tam Hiệp của Tàu cộng. Chỉ cần một cơn động đất nhỏ, một quá bom nổ trong lòng nước…

Thế giới chúng ta không những đang sử dụng lượng nước uống rất nhiều mà phần nước thải thì cũng chẳng ít…  Thải nước vô tội vạ ở nhiều nơi trên thế giới là cả một vấn đề nan giải và tai hại cho phần môi sinh của nhân loại nữa…

Đàm Trung Phán
GS Công Chánh hồi hưu
Ngày 14/12/2023
Mississauga, Canada

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*