Cho Nhau Một Chút Cội Nguồn

Nhãn hiệu “Bánh Chưng Làng Gà”, Winnsboro – Texas.
“Làng thôn đáo thị nghinh xuân thủ
Gà khuya canh thức đón mai hoa”

Không biết bạn nghĩ gì trong những dịp Tết đến, nhưng, riêng tôi vẫn còn cảm thấy lòng mình xôn xao một cách khó diễn tả. Càng ở Mỹ lâu, mình càng cảm thấy ray rứt thế nào ấy mỗi dịp Tết về. Mời bạn đọc vài câu lục bát:

Gửi nhau

Gửi nhau nỗi nhớ làm quà
Tết quê người nhớ quê nhà năm xưa
Chút giò thủ, chút muối dưa
Bánh chưng không đủ, nhưng thừa niềm vui
Tết quê người vẫn bùi ngùi
Ra đường chợt thấy thủi thui một mình.

(trần thu miên xem www.dutule.com)

Tết và Hồn Thiêng Dân Tộc

Có người cho rằng ở Hải Ngoại như ở Mỹ mà còn ăn Tết thì thật lỗi thời. Nếu ngày Tết rơi vào ngày làm việc trong tuần thì coi như hết Tết. Thật ra ta đâu cần câu nệ vào ngày tháng theo lịch. Nếu Tết rơi vào ngày thường, ta Ăn Tết vào ngày cuối tuần vẫn tốt thôi. Có người lại trách con cháu chúng ta sinh trưởng ở Hải Ngoại đâu biết Tết là gì. Biết chứ, nếu chúng ta tiếp tục truyền thống Ăn Tết trong gia đình và cộng đồng hàng năm, con cháu chúng ta sẽ tiếp tục Ăn Tết.

Từ ngày con gái chúng tôi sống xa nhà, năm nào bố mẹ cũng gửi bánh chưng cho con ăn tết. Gia đình nào có con cháu đang đi học, nên nhắc các cháu là nếu thầy cô hay bạn bè hỏi nhà có mừng “Chinese New Year” không? Các cháu phải trả lời rằng: “Không, nhà mình ăn Tết Nguyên Đán hay Tết Việt Nam, không ăn tết Tàu.” Bà con mình phải biết cảm ơn những vị lãnh đạo cộng đồng hàng năm vẫn bỏ công sức ra tổ chức lễ hội Tết ở Chùa, Nhà Thờ, hay ngoài Cộng Đồng, và những người làm truyền thông báo chí vẫn còn đăng tải và phổ biến các tiết mục về Tết. Chính những vị này là những người nuôi dưỡng văn hoá Việt ở xứ người. Ngày nào người Việt ở Hoa Kỳ còn Ăn Tết, ngày ấy hồn thiêng dân tộc dân tộc Việt vẫn còn trong trái tim của các thế hệ Mỹ-Việt sau này.

Dân tộc là gì?

Một số học giả về chính trị học như Benedict Anderson cho rằng chủ nghĩa dân tộc bắt đầu thành hình từ thế kỷ 18 và 19 bên Âu Châu và Bắc Mỹ. Nhưng, theo tôi, ở Việt Nam chủ nghĩa dân tộc đã có cả ngàn năm trước, từ khi tổ tiên chúng ta không chịu khuất phục sự đô hộ của người Trung Hoa. Anderson còn cho rằng quốc gia là một cộng đồng chỉ có trong trí tưởng tượng (imagined community). Theo ông, trong cộng đồng quốc gia, con người chia sẻ tình cảm và những liên hệ xã hội dù không phải là bà con thân thuộc. Tôi đồng ý với ông ta về điểm này.

Nữ học giả Montserrat Guibernau khẳng định rằng quốc gia bao gồm năm tố chất: tâm lý (ý thức dân tộc), văn hoá (ngôn ngữ và phong tục), lãnh thổ, chính trị và lịch sử. Ta cũng có thể nói quốc gia và tôn giáo chia chung những điểm rất giống nhau như niềm tin vào sức mạnh vô hình mà tôn giáo gọi là Thượng Đế-Thiên Chúa, còn quốc gia gọi là Hồn Thiêng Sông Núi. Tín đồ không cần phải đến nhà thờ hay chùa chiền mới biết mình theo tôn giáo nào. Người dân của một quốc gia hay một dân tộc ở đâu cũng biết mình là dân tộc nào. Hồn thiêng sông núi hay hồn thiêng dân tộc phát xuất từ các huyền thoại và truyền thuyết.

Dân tộc Việt Nam có huyền thoại “Một mẹ trăm con” và truyền thuyết “Bánh dày bánh chưng.” Huyền thoại và truyền thuyết này giữ vai trò rất quan trọng cho việc thành hình ý thức và hồn thiêng dân tộc. Có những truyền thuyết được thể hiện qua những sinh hoạt văn hoá và nhờ đấy ta có được ý thức dân tộc. Truyền thuyết bánh dày bánh chưng đã cho người dân Việt ý thức mình là người Việt Nam dù mình ở bất cứ nơi nào trên mặt đất. Dường như nơi nào có cộng đoàn người Việt sinh sống, nơi ấy mỗi độ Tết về đều có bánh chưng. Dù bánh chưng được bày bán hàng ngày ở một số tiệm thực phẩm, nhưng chỉ vào dịp Tết mới gợi lên trong ta tình cảm gia đình, họ hàng, bạn bè, và dân tộc mãnh liệt hơn. Ta ăn miếng bánh chưng không phải vì bánh ngon, nhưng vì bánh chưng mang truyền thống dân tộc Việt Nam. Từ khi Việt Nam theo văn minh Âu Châu dùng Dương Lịch, ngày Tết không còn là ngày đầu năm nữa, nhưng người Việt, dân tộc Việt vẫn giữ truyền thống Ăn Tết.

Đón Tết Sớm

Vài ngày gần đây tôi bận rộn sửa soạn nhà cửa để đón các em các cháu về ăn giỗ bà mợ, người đã cho tôi bú sữa lúc còn bé thơ nên tôi quên bẵng việc sửa soạn Tết. Vì xa nhà từ năm 11 tuổi đến nay, tôi quên những liên hệ họ hàng, và nhiều khi chẳng biết họ hàng mình là ai. Bây giờ tôi đang già, liên hệ họ hàng càng ngày càng trở nên quan trọng cho đời sống tình cảm. Mợ tôi qua đời, có lẽ, cả chục năm nay, nhưng tôi chưa hề tổ chức giỗ bà.

Đang lúc loay hoay thu xếp cho ngày giỗ mợ, chị Huệ hàng xóm, cũng là chị anh bạn thân của tôi, gọi điện thoại bảo: “Chị vừa nấu bánh chưng xong, nhưng chân đau không mang sang cho em được, em sang nhà chị lấy về ăn nhá.” Tôi nhanh nhẹn thưa: “Vâng, cảm ơn chị, em sang ngay.” Có bánh là tôi mang ra ăn không chờ Tết.

Hôm sau, Vũ Đức Duy gửi lời nhắn: “Em có cặp bánh chưng muốn biếu anh chị ngày mai nha.” Đương nhiên là tôi vui mừng đón nhận và cảm ơn vợ chồng bạn. Vừa được bánh chưng vợ chồng Duy Thu cho lại nhận thêm lời nhắn của người anh em Châu Sơn, Đặng Đức Chính từ Làng Gà: “Anh chị thu xếp ra đây gói bánh chưng, ngủ lại qua đêm rồi mình lai rai lúc luộc bánh.” Ra Chính thì được, nhưng phải về dự tiệc Tết của các anh cựu sĩ quan Thủ Đức, những người đã hiến dâng tuồi thanh xuân cho dân tộc và cho tự do.

Hình như bà con Việt năm nay ăn Tết rôm rả hơn hai năm trước, lúc cả thế giới còn đang bị dịch Covid khủng bố. Ở các khu chợ Việt, nhạc Tết vang lên tưng bừng, kẹo mứt, bánh chưng, bánh tét, và dưa món đã được bày bán la liệt. Các cộng đoàn từ tôn giáo đến xã hội bắt đầu tổ chức tiệc Tết khắp nơi quanh vùng Dallas-Fort Worth.

Học Gói Bánh Chưng

Nhiều năm qua vợ chồng tôi cứ bảo nhau mình phải học cách gói bánh chưng ăn Tết, nhưng Tết thường đến vào dịp khoá học mùa Xuân vừa bắt đầu nên chúng tôi bận rộn không cách nào có thời giờ học gói bánh chưng. Năm nay thì khác, tôi không còn dạy học nữa và Tết đến sớm nên Uyên-Sa chưa phải đi dạy. Chúng tôi có thời giờ ra nhà Chính-Vân học gói bánh chưng. Từ nhà chúng tôi ra nhà Chính-Vân khoảng hai giờ lái xe nếu xa lộ không bị kẹt. Vợ chồng bạn tôi đã từng làm nghề nấu/bán thức ăn và đã gói bánh chưng Tết để cung cấp cho các cộng đoàn tôn giáo nhiều năm rồi nên rất thiện nghệ. Chính và tôi là anh em đồng môn ở tu viện Châu Sơn, Đơn Dương. Chính dưới tôi hai lớp, nhưng vì ảnh hưởng lối giáo dục của tu viện nên lớp dưới phải gọi lớp trên bằng anh. Tôi có lẽ là một trong số ít cựu đệ tử thuộc loại láo lếu nên thích gọi anh em bằng mày tao. Còn bạn tôi lúc nào cũng nghiêm túc, một điều anh hai điều em mỗi lần chúng tôi gặp nhau. Anh em xa nhau cả nửa thế kỷ, nhiều khi quên tên hay mặt nhau, nhưng khi biết có gốc đệ tử Châu Sơn là tay bắt mặt mừng ngay.

Sau hai giờ lái xe, chúng tôi vào cổng một nông trại nuôi gà rộng hơn trăm mẫu đất. Ngôi nhà của Chính-Vân nằm thu mình giữa cánh đồng mênh mông tịch lặng. Nhìn đâu cũng chỉ thấy trời mây bao la và đàn bò chậm rãi gặm cỏ. Ở trại nuôi gà nhưng không thấy bóng con gà nào vì gà được nuôi trong những chuồng gà công nghệ kín mít. Vừa đến sân nhà đã thấy bạn đang sửa soạn nồi nấu bánh chưng, nồi này được cải biến từ thùng sắt đựng dầu. Bạn bảo phải dùng loại thùng này nấu bánh chưng mới đạt. Vào thăm trại gà nên Vân đã nấu sẵn món cơm gà “Hoa Tiêu” đãi chúng tôi ăn trưa trước khi gói bánh chưng.

Bánh chưng vừa gói xong

Gạo nếp đã được ngâm qua đêm, thịt ba chỉ đã được pha chế sẵn sàng để làm nhân bánh, thêm vào là đậu xanh nấu chín rồi nắn bóp lại thành những viên tròn đều đặn, thật tiện lúc gói. Lá chuối đã được lau chùi sạch và khô ráo. Vân bảo: “Việc sửa soạn lá gói bánh tốn thời giờ và tỉ mỉ lắm, lá phải sạch và khô ráo, làm vội lá bị rách.” Tôi nhớ quê nhà tôi thời thơ ấu, chuối trồng quanh vườn, nhưng cũng có người lên rừng cắt lá dong về gói bánh chưng. Ở Mỹ, lá chuối được nhập cảng từ các nước Nam Mỹ chuyên trồng chuối, bây giờ hình như cũng có lá chuối đông lạnh từ Việt Nam nữa thì phải. Bạn tôi đã đóng khung gỗ để việc gói bánh cho dễ và bánh gói xong nom vuông vắn dễ nhìn. Bạn tôi cũng đã thiết kế một nhãn hiệu cho bánh chưng dành riêng cho cư dân làng gà ở vùng Đông Bắc Texas, nơi có nhiều gia đình di dân gốc Việt đã từ khắp nơi trên nước Mỹ tụ họp về đây phát triển kỹ nghệ nuôi gà công nghiệp. Vợ chồng bạn tôi đặt nhãn hiệu “Bánh Chưng Làng Gà” và in trên giấy quý với màu sắc rất Tết. Bạn còn sáng tác hai câu đối để in trên nhãn hiệu: “Làng thôn đáo thị nghinh xuân thủ/Gà khuya canh thức đón mai hoa,” đọc lên đâu thua gì câu đối Tết của thầy đồ ngày xưa.

Trong lúc Vân hướng dẫn Uyên-Sa học cách gói bánh chưng, tôi và Chính ngồi uống rượu đàn hát nghêu ngao (hình trên). Thỉnh thoảng Chính lập lại nhận xét của chàng: “Không hiểu sao, mình chẳng phải là họ hàng thân thuộc gì, nhưng chỉ vì đã ở Châu Sơn với nhau, nên cứ gặp nhau là cảm thấy thân thiết và chân tình như ruột thịt.” Tôi lặng lẽ nâng ly rượu chát nhắp từng ngụm nhỏ để câu nói đầy tình cảm của bạn thẩm thấu vào tim mình. Tôi nâng ly uống rượu như uống hạnh phúc rất nhẹ nhàng giữa buổi chiều mùa Đông thật bình yên ở cánh đồng mênh mông tịch lặng.

Ngồi nhìn vợ mình (Uyên Sa, hình trên bên phải) và vợ bạn (Cô Vân, bên trái) chăm chú gói bánh chưng trong tiếng nói cười vui vẻ, tôi chợt nhận ra rằng hai phụ nữ này đang gói cả cội nguồn Việt Nam trong những cái bánh chưng vuông vắn. Ngày Tết ta mời nhau ăn miếng bánh chưng là ta mời nhau tưởng nhớ đến hồn thiêng dân tộc. Cái bánh chưng xanh ngày Tết gói ghém cả kho tàng văn hoá và đạo làm người Việt Nam. Các bạn cho tôi bánh chưng ngày Tết là đã cho tôi một chút Cội Nguồn Việt Nam.

Trần Thu Miên
(Tuỳ Bút Tết 2023)

1 Comment

  1. hay quá Anh làm nhớ những cái Tết xưa ở quê nhà hichic .cảm ơn Anh nhiều nhé

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*