Láng Giềng Xưa. Ngày tôi còn bé, dường như lần nào đánh nhau với trẻ con chăn bò trong làng, sớm muộn rồi cũng đến tai bố mẹ, nhất là đánh nhau với trẻ con hàng xóm. Chiều chiều lúc mặt trời sắp xế bóng, tôi cùng lũ trẻ đuổi bò từ bãi cỏ ven đồi bên làng về nhà, và sau khi bò vào chuồng, tôi sửa soạn chờ cơm chiều. Nhưng nếu ngày nào có đánh lộn thì tình hình lại khác. Tin trẻ con chăn bò đánh lộn lan ra rất nhanh. Chỉ cần một người làm rẫy đi ngang chỗ trẻ con đánh nhau là bố mẹ tôi thế nào cũng nhận thông tin trước khi lũ bò và tôi về đến nhà. Nếu bố làm ruộng về sớm, đương nhiên tôi được một trận đòn rát mông. Và ngay sau trận đòn lại phải nghe mẹ dạy, “Bán anh em xa mua “náng riềng” gần, con ạ!” Bố mẹ tôi là dân di cư gốc Ninh Bình-Phát Diệm, lại mù chữ, nên không phát âm đúng chữ láng giềng được. Lúc mới lớn tôi mắc cở với bạn vì cách bố mẹ phát âm, nhưng bây giờ lại thèm được nghe. Tôi không thể nhớ được là đã nghe mẹ dạy câu tục ngữ này bao nhiêu lần. Dù ngày nhỏ chả hiểu được ý nghĩa, nhưng nghe nhiều nên thấm nhuần vào não tuỷ mình rất tự nhiên.
Đối với bố mẹ tôi, hàng xóm láng giềng rất quan trọng và cần thiết vì Các Ngài phải bỏ quê cha đất tổ – nơi tổ tiên họ hàng đã quây quần sống trong ngôi làng nhỏ, miền Bắc- vào miền Nam xa lạ dựng lại cuộc đời. Năm 1954, sau Hiệp Đinh Geneve, bố mẹ tôi đưa chị và anh tôi theo đoàn người Công Giáo chạy trốn Cộng Sản Vô Thần vào miền Nam để được sống đạo tự do. Dĩ nhiên là Các Ngài không hiểu chủ nghĩa Cộng Sản là gì, nhưng vì đã phải chứng kiến hay nghe được những gì Cộng Sản làm nên Các Ngài phải bỏ làng ra đi. Đa số dân Công Giáo miền Bắc thời ấy, nhất là người mù chữ như bố mẹ tôi, đều đi theo sự hướng dẫn của các linh mục Công Giáo. Vào đến miền Nam, bố mẹ và những người trong làng cũng tìm cách đi theo các linh mục để được định cư trong một làng Công Giáo.
Ở thôn quê ngày tôi còn bé, láng giềng là người có thể sang nhà nhau vay vài lon gạo về nấu cơm khi hết gạo, hay chưa kịp xay lúa trong kho. Láng giềng có thể xin hay mượn bát nước mắm, vài củ tỏi, hay các thứ cần thiết khác. Hàng xóm ở xa hơn vài căn nhà hay một khu ngõ, nhưng cũng quan trọng. Ngày bố mẹ tôi dựng nhà, dù đã thuê thợ mộc cắt gỗ, xẻ ván, đóng đinh, nhưng để dựng những trụ gỗ làm khung và sườn nhà thì phải nhờ hàng xóm. Các thanh niên hay trung niên trong làng được nhờ đến giúp nhóm thợ mộc dựng khung nhà và họ làm việc miễn phí, bố mẹ tôi chỉ lo đãi họ cơm rượu cho đầy đủ, và các láng giềng sang giúp làm thịt vài con gà, ngả con cầy hay con lợn dọn cơm đãi hàng xóm đến giúp việc. Những biến cố gia đình như tang ma, dựng nhà, chữa hoả hoạn đều có sự hợp tác của láng giềng và hàng xóm. Có lẽ vì vậy mà mẹ tôi muốn các con hiểu được tầm quan trọng của láng giềng hàng xóm nên đã dạy các con mẹ bài học làm người này từ thời ấu thơ.
Nhà thờ là trung tâm sinh hoạt đời sống người Công Giáo từ miền Bắc di cư vào miền Nam. Việc này cũng na ná như di dân từ Anh Quốc sang Hoa Kỳ đầu thế kỷ 17. Ở Jamestown, Virginia hay Plymouth, Masachussetts, người di dân coi nhà thờ, hay nhà họp cộng đồng là trung tâm sinh hoạt tôn giáo và xã hội. Và cũng từ các nơi hội họp này tình hàng xóm láng giềng được nẩy nở. Nếu bạn đi ngang vùng New England của Hoa Kỳ, bạn sẽ thấy những ngôi giáo đường nhỏ, tường sơn trắng, mái xám, kiến trúc bằng gỗ với tháp nhọn vươn lên, rồi bạn có thể tưởng tượng ra sinh hoạt và đời sống của di dân khoảng 400 năm trước tại Hoa Kỳ ra sao, và hiểu được tầm quan trọng của hàng xóm láng giềng trong các cộng đồng di dân thời Hoa Kỳ còn là thuộc địa của Anh Quốc.
Khi những người Việt Nam tỵ nạn đến Hoa Kỳ cuối tháng Tư, 1975, dường như hầu hết mọi người đã được tạm dung trong bốn trại tỵ nạn từ California sang Pennsylvania, xuống Arkansas và Florida, rất nhiều người mong muốn được định cư chung ở một nơi có hàng xóm láng giềng vì đa số đều lo sợ về tương lai vô định trong xã hội xa lạ từ ngôn ngữ đến sinh hoạt hàng ngày. Chính phủ Liên Bang và các chính quyền địa phương không muốn đưa dân tỵ nạn Việt định cư tập trung để tránh sự chống đối của dân địa phương, tránh khủng hoảng về thiếu hụt trường học cho trẻ em, thất nghiệp cho người lớn, thiếu hụt nhà cửa cho dân chúng, hay thâm thụt ngân quỹ xã hội và y tế cộng đồng. Lúc tôi ở trại tỵ nạn Fort Chaffee, có một linh mục Công Giáo đã khích động một nhóm giáo dân biểu tình chống đối chính sách định cư của chính phủ Hoa Kỳ. Vị linh mục này muốn đưa giáo dân đi lập giáo xứ mới.
Dù dân tỵ nạn Việt bị tản mát khắp nơi từ Guam sang Alaska, từ Haiwaii sang New York hay từ Main xưống Mississippi, sau một thời gian rất ngắn, nhiều người tỵ nạn được các bảo trợ Mỹ tử tế giúp tìm việc làm, dành dụm mua xe hơi, và họ đã chẳng ngại đưa gia đình tìm đến nơi có bà con hay bạn bè để tái lập nghiệp. Điều này nói lên tầm quan trọng của liên hệ đồng hương hay láng giềng trong đời người di dân-ty-nạn Việt Nam và các di dân da màu. Di dân da trắng hội nhập hoà tan vào xã hội Hoa Kỳ dễ dàng hơn các di dân da mầu như di dân gốc Việt. Hy vọng các sinh viên gốc Việt chuyên về sử học sẽ biên soạn được những luận án giá trị về lịch sử di dân của người Việt tại Hoa Kỳ và thế giới.
Những thay đổi môi trường sống nhờ phát triển kỹ nghệ, kinh tế, và chiều hướng xã hội đã làm cho ý nghĩa chữ láng giềng bị lu mờ. Hơn 45 năm biệt xứ, dường như tôi đã quên bẵng chữ láng giềng chỉ trừ những lúc gặp bạn bè hứng khởi đọc câu lục bát của Nguyễn Bính, “Nhà nàng bên cạnh nhà tôi//Cách nhau cái dậu mồng tơi xanh rờn///.” Hay nghêu ngao, “Hôm nay trời xuân bao trong sáng//Dừng gót phiêu linh về thăm nhà… Cô láng giềng ơi…” của Hoàng Quý thì hai chữ này mới được nhắc lại trong tinh thần văn nghệ thôi. Thời sinh viên mình có bạn chung phòng nhưng bạn chung phòng hay ở cùng cư xá không phải láng giềng. Gần đây tôi quay về sống ở nơi đã bỏ đi hơn 30, các chữ láng giềng hàng xóm bỗng trở nên ý nghĩa thân tình.
Láng Giềng Hôm Nay. Gia đình chị ruột của người bạn thân ở rất gần nhà, và vì thế, vợ chồng anh Bảy chị Huệ coi vợ chồng tôi như em. Thỉnh thoảng chị H. nấu món gì lạ, hay rau cỏ trong vườn nhà chị đã lên xanh tươi là gia đình tôi được hưởng hương hoa từ bếp ra đến vườn (hình phải) nhà anh chị, kể cả những quả trứng gà tươi chị vừa thu lượm từ chuồng sau vườn. Có lần chị gọi, “Miên, em biết ăn canh mướp đắng không?” Chẳng cần suy nghĩ tôi hồn nhiên trả lời, “Thưa chị có.” Những lúc không bận, chị và anh B. đưa thức ăn hay rau cỏ để trước cửa rồi gửi “thoại nhắn-text message” bảo, “Chị để ngoài cửa em ra lấy.” Nhất là trong thời gian dịch bệnh này chỉ liên lạc qua điện thoại chứ chẳng nhìn thấy mặt nhau. Ngoài chị H. ra tôi còn có bác Dung, mẹ của vợ bạn chung phòng ngày xưa. Tôi gọi bác D. dù bác còn trẻ tuổi hơn mẹ tôi nhiều. Thỉnh thoảng bác gọi, “M. ăn kim chi không?” Hay, “Biết ăn giả cầy không?” Dĩ nhiên tôi vui vẻ xin nhận. Có lần chị Tô Bé, vợ người bạn đàn anh chung phòng thời sinh viên, gửi thoại-nhắn bảo, “M. chị để bánh cuốn chị làm trước cửa, lấy vào kẻo thiu.” (hình trái)
Những trao đổi hương hoa của các món ăn truyền thống hay rau trái từ vườn láng giềng là những món quà vô giá. Tiền bạc cho ta mua được món ăn hay rau cỏ ta thích, nhưng không tài nào ta mua nổi những thứ mà láng giềng và bạn cho ta.
Một buổi sáng Chủ Nhật gần đây, Trang, vợ bạn tôi điện thoại bảo, “Anh M. chút xíu nữa em sẽ đến nhà anh.” Nghe giọng nói khẳng khái của vợ bạn làm mình hơi lo ngại rồi tự hỏi “Chuyện gì đây?” Tôi thong thả trả lời, “Nhà anh sửa soạn dự Thánh Lễ Trực Tuyến.” Tr. Trả lời, “Không sao.” Vừa tính trả lời Tr. là hẹn lần tới, Tr. nhanh nhẹn nói, “Em không vào nhà đâu, anh chỉ cần mở cổng thôi.” Thật ra thì mùa dịch bệnh đang lây lan và ông cụ Nhạc của tôi đã trên 90 nên đón bạn vào cũng ngại.
Lý do bạn tôi muốn ghé nhà vì đã mua cho gia đình tôi bộ bàn ghế để ngoài trời, nhưng mấy tháng nay ai cũng khép cửa ẩn mình. Tôi mang khẩu trang ra mở cổng đón vợ chồng bạn Dương- Tr., cả hai nhanh nhẹn khiêng bàn ghế xuống xe. Tôi bảo cứ để bên hàng rào, tôi sẽ khiêng ra sân. Bạn tôi phản đối và họ đã thoăn thoắt đưa bàn ghế xếp lên bục ghỗ sau nhà. Tôi phụ khiêng với bạn, nhưng khi Tr. nhìn cách tôi khiêng ghế đã phê bình, “Anh M. đúng là thầy giáo, cái ghế nhẹ vậy mà phải khệ nệ.” Thấy cách Tr. giúp chồng khiêng cái bàn sắt, tôi bảo bạn, “Coi chừng, đừng chọc ghẹo vợ, kẻo em Tr, khua tay là mày tan tác ngay.” Có bạn ở xa nhau là đã quý, nhưng bạn ở gần nhau là điều may mắn. Một bạn cho bàn ghế, một bạn cho cái dù che bàn, thế là toàn hảo. Bộ bàn ghế và cái dù che các bạn cho nó khác với mình mua ở tiệm. Bởi vì mỗi lần ra sân uống rượu lại được nhớ bạn mình. Thời buổi Cô Vi này dù không được ngồi uống rượu với bạn, nhưng biết rằng bạn ở gần là đủ ấm lòng.
Bên sân vườn sau nhà bây giờ có những chậu cây ớt đang được mùa nhiều trái, và vài chậu rau thơm tươi tốt. Đây là hương hoa đồng nội các bạn láng giềng đem cho. Vợ chồng tôi đã sửa soạn đón bạn bè họp nhau văn nghệ ngoài trời từ đầu mùa Xuân lúc khí trời vừa tươi mát, nhưng phải huỷ dự tính vì cơn dịch bệnh bất ngờ. Đúng như vị sư tổ triết học Tây Phương, Aristottle, đã từng bảo rằng con người là loài vật xã hội, chỉ có quái vật hay thần thánh mới không cần xã hội. Xã hội thu nhỏ của ta là gia đình, họ hàng, và bạn bè láng giếng. Càng cao tuổi, ta càng cần có láng giềng. Tuổi già tha hương không bạn bè, không láng giềng là tuổi thê lương.
Bát Canh Tuổi Thơ. Trong các món ăn tôi được láng giềng cho có một món, theo tôi, rất đặc biệt: Đấy là canh rau đay. Đây là loại rau chẳng khác các cây cỏ dại mọc trong vườn nhà ngày còn bé. Tôi chưa từng thấy ai ở nhà quê tôi trồng cả vườn hay chỉ một luống toàn rau đay (hình phải) như họ trồng ngô khoai và các loại rau cỏ khác. Hình như mình chỉ có thể mua rau đay ở tiệm thực phẩm phục vụ khách gốc Việt bên Hoa Kỳ thì phải. Các chợ thực phẩm phục vụ dân Tầu, Đại Hàn, hay dân gốc Á Châu khác dường như không bán rau đay.
Có nhiều người tưởng lầm rằng rau đay nấu canh cũng là loại đay hay cây bố được trồng theo kiểu công nghệ để lấy sợi từ thân cây làm giây thừng hay các loại bao đựng lúa ngô. Dân làng quê tôi gọi những cái bao đựng lúa là các bao bố. Tôi đã nghe và đọc vài tài liệu chưa được kiểm chứng rõ ràng là một trong các nguyên nhân gây ra nạn đói kinh hoàng, khoảng tháng 3 năm 1945 tại miền Bắc Việt Nam, là vì quân đội Nhật sau khi đánh bại quân đội Thực Dân Pháp đã cướp thu lúa gạo của dân ta mang về Nhật và bắt dân miền Bắc nhổ lúa trồng đay để phục vụ cho guồng máy chiến tranh của họ. Dân mình sống bằng lúa gạo mà không được trồng lúa thì lấy gì sống? Tội ác của Nhật đã giết chết gần triệu đồng bào mình trong nạn đói năm 1945. Trong số những người chết đói có người trong dòng họ của bố mẹ tôi. Mẹ tôi kể cả nhà chết hết chỉ còn mẹ và người cậu ruột của tôi. Cậu tôi phải đi làm con ở cho người trong dòng họ để có cơm ăn. Con ở có nghĩa là làm nô lệ, bị sai khiến mọi việc. Tội ác của Nhật năm 1945 hình như vẫn chưa có nhà sử học nào nghiên cứu cho tới nơi tới chốn. Đang nghĩ về món canh tuổi thơ mà lại lan man sang việc Nhật làm dân ta chết đói vì phải trồng đay cho họ.
Nếu phải chọn món canh mình thích nhất, đương nhiên tôi sẽ bảo là canh rau đay, chẳng cần đắn đo suy nghĩ. Bạn có thể gu-gồ tìm những lời bàn hay dữ kiện về rau đay, người thì liệt kê hàng loạt chất tốt cho sức khoẻ tiềm ẩn trong rau đay, kẻ thì cho công thức nấu canh rau đay. Nhưng riêng với tôi, bát canh rau đay chứa đựng cả thời thơ ấu và hình bóng quê nhà.
Nếu không quá lời thì tôi có thể khẳng định rằng mình đã ăn canh rau đay từ thuở trong thai và thời bú sữa mẹ.
Cách đây vài hôm, chị H. gửi tôi thoại-nhắn, “Em có biết ăn canh rau đay không?” Đọc lời nhắn rồi tự bảo mình, trời ơi, sao chị lại hỏi vậy? Tôi vội vã bấm câu trả lời, “Thưa chị có.” Và ngay sau đó tôi sang nhà chị lấy canh rau đay (hình trái) chị để sẵn ngoài sân mang về thưởng thức. Mỗi lần nhìn tôi ăn canh rau đay một cách sung sướng là vợ tôi đều ngơ ngác lắc đầu, vì nàng không thể hiểu tại sao tôi có được cảm giác khoái khẩu khi húp nước canh nhơn nhớt đăng đắng như vậy được? Nàng được sinh ra trong gia đình gốc Quảng: Cha Quảng Nam mẹ Quảng Trị rồi lớn lên ở Hoa Kỳ nên không được ăn canh rau đay từ thơ ấu như tôi vì gia đình cha mẹ nàng không ăn món này. Món canh rau đay dường như chỉ thịnh hành ở miền Bắc Việt thôi. Có những món ăn ngon miệng vì mình quen thuộc với mùi vị từ thuở ấu thơ. Người Mỹ gọi các món này là comfort food, thường là những món ăn gợi cảm gợi nhớ nhất là những lúc ta mệt mỏi hay xa nhà, thèm được ăn những món rất đơn giản nhưng có thể làm ấm lòng và cho ta cảm giác “đã miệng” dịu dàng.
Ở làng quê tôi, mùa trồng lúa nước thường bắt đầu vào mùa mưa, cả cánh đồng ruộng được chia thành những ô ngăn cách bởi những bờ đê nhỏ để giữ nước. Những khoảng ruộng này cũng là môi trường cho cua đồng sinh nở. Chị tôi đi làm ruộng và ngày nào bắt được cua đồng, chị mang về nhà nấu canh. Những con cua nhỏ như hai ngón chân cái của người lớn kẹp lại, nhưng dẹp xép, được ngâm trong chậu cho sạch bùn. Nếu chị tôi không ngồi xổm bên giếng nước dã cua thì mẹ tôi làm việc này. Văn minh ngồi xổm của người dân quê Việt Nam hẳn đã có cả ngàn năm. Tôi còn nhớ cách mẹ giã cua. Mẹ bốc vội một vốc khoảng chục con, cho vào cối đá hay cối đúc bằng xi măng, tay phải mẹ cầm cái chầy gỗ nện xuốc lòng cối, tay trái mẹ gạt những con cua tìm cách tránh nạn vào lại lòng cối. Khi những con cua đã bị tan thân nát xác, mẹ dùng miếng vải cũ lọc lấy nước để nấu canh. Có hai món canh mẹ nấu nước cua đồng là canh khoai môn và canh rau đay. Những củ khoai môn nhỏ chứ không vĩ đại như khoai môn bán ở các chợ thực phẩm Á Châu bên Hoa Kỳ. Canh khoai môn nấu nước cua đồng ăn với rau riếp thái mỏng cũng ngon tuyệt vời, nhưng không thể ngon bằng canh rau đay nấu với cua đồng. Đấy là món canh vô địch, tối cực ngon. Thường thì rau đay mọc lẫn lộn với các loại cây cỏ khác bên bờ dậu, bờ ao hay bờ giếng. Rau đay tươi thái mỏng nấu trong nồi nước cua toả lan mùi thơm ngòn ngọt thanh tao. Khi chị bắt được mớ cua đồng có gạch hay trứng, gạch vàng nổi lên lẫn lộn trong màu xanh đậm của lá rau đay làm tăng phần hấp dẫn của nồi canh lên gấp bội.
Canh rau đay không nên ăn vội vàng lúc còn nóng. Nếu ta hấp tấp húp thìa canh nóng, vừa cho vào miệng đã trôi cái vù qua cổ họng xuống bụng, gây ra cảm giác nóng bỏng từ đầu lưỡi đến bao tử. Ta sẽ không thưởng thức được mùi vị ngon ngọt của canh nữa nhưng lại phải rùng mình lên vì sức nóng của nước canh. Mình nên chờ cho tô canh bớt nóng, chan vào bát cơm, bưng lên trước mắt, từ từ nhìn bát cơm trộn canh cho mùi thơm toả vào mặt, rồi thong thả và cơm vào miệng, nhai chậm rãi, để nước canh nhơn nhớt và những lá rau đay vị đăng đắng đậm đà ngòn ngọt trơn tru thấm vào da miệng da lưỡi rồi từ từ nuốt trôi xuống cổ họng. Thời ấu thơ, nhà quê nghèo và tủ lạnh cũng chưa thông dụng tại Viêt Nam nên canh còn dư được cất vào gác măng dê. Tôi chả hiểu dân làng tôi học chữ này ở đâu mà cả bố mẹ tôi cũng gọi cái tủ gỗ nhỏ để thức ăn dư hay ly chén là cái gác măng dê. Sau này đi học mới biết tiếng Pháp gọi là Garde Manger. Đi chăn bò về đói bụng mà có bát cơm nóng trộn canh rau đay nguội thì chẳng còn gì sung sướng và khoái lạc hơn. Gần đây tôi thử để canh rau đay trong tủ lạnh rồi lấy ra ăn xem sao. Kết quả tốt đẹp. Trưa hè ăn bát canh rau đay lạnh cũng tuyệt vời ngon.
Bây giờ tuổi đời đang lế xế chiều, bát canh rau đay ở xứ người chứa đựng cả một trời quê xưa và thời thơ ấu. Hạnh phúc lắm khi được các con tôi học theo bố ăn canh rau đay, canh mướp đắng và cả canh khoai môn. Bây giờ con gái chúng tôi sống xa nhà, nhưng thỉnh thoảng con text cho bố mẹ và em hình ảnh món ăn con vừa nấu xong, nhất là những món con đã được mẹ hay bố nấu cho ăn lúc còn thơ, khiến lòng mình âm ấm niềm hạnh phúc. Món ăn truyền thống trong gia đình như sợi dây vô hình buộc đời ta với những liên hệ gia đình và xóm làng rất linh thiêng. Các láng giềng yêu quí cho tôi canh rau đay và những món ăn hương vị quê xưa, nhưng thật ra, họ đã cho tôi cả một trời kỷ niệm. Bây giờ tôi đã hiểu ý nghĩa lời mẹ dạy sau những trận đòn bố đánh rát mông, “Bán anh em xa mua “náng riềng” gần” là chân lý cho đời tha hương biệt xứ, và canh rau đay mẹ hay chị nấu đã hoá thành kho tàng kỷ niệm.
trần thu miên
Tuỳ Bút Hè 2020
Trần Thu Miên bút hiệu của Trần Thành, G.S. Nhân Xã Vụ Học, Đại Học Dòng Tên, Boston College
Mỗi khi đọc bài viết của Trần thu Miên tôi không thể không viết comment.Tôi có cuộc sống tương tự như anh.Tôi hãnh diện vì giòng máu giao duyên bắc trung của thầy mẹ tôi,bố tôi người Ninh Bình Phát Diệm,mẹ tôi người Thanh Hóa cách nhau chỉ giòng sông Đa Nam.Tôi không có cái thú chăn bò vì sống ngay trong thành phố,nhưng có sở thích như một người nhà quê.Theo bạn bè đi câu cá,bẫy chim,lang thang ngoài đồng ruộng với cây cỏ,chiều đến là đi dá banh,đi sinh hoạt Hùng Tâm Dũng Chí,cái tinh thần đồng đội và láng giềng đã đi vào tim óc . . .Qua đến Mỹ tôi vẫn tiếp tục đi sinh hoạt đoàn thể đều đặn và liên tục,nên tôi ý thức được tình liên đới yêu thương đùm bọc lẫn nhau mà đạo Công Giáo và Mẹ tôi dậy về người láng giềng . . .Nơi tôi ở bây giờ tôi là người lâu năm nhất,Đối diện là nhà của một cặp đàn ông da trắng,một người là giáo viên và một người làm nghề tự do, anh có rất nhiều tài và chăm sóc vườn nhà sạch sẽ và đẹp.Mỗi khi ra khỏi nhà thấy nhau chúng tôi thường vẫy chào rất thân thiện,chúng tôi cho nhau cây cảnh,trao đổi những câu chuyện bên lề ngắn gọn.Anh cũng biết tôi hành nghề tự do nên đồng cảnh và dễ thông cảm.Một bữa trời bão tuyết sân đầy tuyết,tờ mờ sáng anh mang xe ủi tuyết đấy cho tôi một đường thật dài,quá cảm động,tôi ra cảm ơn anh và đưa tiền nhưng anh nhất định không chịu nhận.Bên phải tôi là ông Mỹ nâu,ông rất chăm chỉ và siêng năng,ông làm công nhân cho nhà thương,ông lớn hơn tôi vài tuổi,bà vợ trẻ hơn ông khoảng 10 tuổi vui vẻ vì cùng một hoàn cảnh,Có thể nói người láng giềng mà tôi có sự thông cảm nhiều hơn,nhà tôi có cây cảnh nào là tôi đều biếu ông,cứ mỗi đầu mùa ông luôn luôn xin tôi cây su su,dàn su su của tôi rất sai trái,nhờ có nhiều trái mà tôi có rất nhiều bạn bè,tôi có cái để cho.Tôi quan sát ông có bằng lái xe và có xe nhưng đi làm bằng xe bus ông làm một chỗ cho đến ngày về hưu.Bỗng khoảng thời gian không gặp bà ra vườn,ông nói bà đã chết vì ung thư,khi bà chết tôi nghĩ bà chưa đến 60 tuổi . . .Nhà bên trái là một gia đình Mỹ trắng,ông từng là lính đã qua Việt Nam,làm hãng cho đến ngày về hưu,ông cỡ tuổi tôi,ông nhận ba đầu lương nên hơi khá giả và thích chơi tầu . . .Bỗng lâu tôi không thấy ông không ra ngoài vườn,hỏi vợ ông được biết ông bị ung thư phải nàm nhà thương và rehalf,môi khi gặp bà tôi luôn nhắn bà gởi lời thăm của tôi và tôi cầu nguyện cho ông chóng khỏi bệnh.Ngày ông trở về nhà tôi thấy ông đã khác hẳn,một cuộc lột xác về mọi vấn đề.Sau nhà ông có hai cây cổ thụ chết khô ông muốn cắt nhưng không cách nào vào được.Ông nói tôi help,tôi trả lời ngay tôi sãn sàng.Ông nói với công ty muốn cắt thì phải liên lạc với tôi trước,Tôi đồng ý, vì họ cần hai chiếc xe lớn vào sân cỏ mới cất được.Xong việc ông xếp đến nói lần đầu tiên tôi được chứng kiến một người Việt Nam có tình láng giềng.Mới đây cơn bão tuyết đã làm gẫy hai nhánh cây lớn trước nhà,vì cưa máy hư,tôi dùng cưa nhỏ,ông láng giềng cầm cái cưa máy lớn cho mượn thật là láng giềng.Miên man với người láng giềng mà không nói về canh rau đay và mùng tơi thì thật là thiếu sót,xa quê hương nhớ mẹ hiền mà thiếu bát canh rau đay và mùng tơi thì thật là vô vị.Dich cúm vũ hán tôi lại vui thu điền viên với thơ túi rượu bầu cùng vườn tược,đất rộng và có giếng đào nên tôi tha hồ mà trồng cấy . . .Nhìn tôi là bác nhà quê minh mẫn,rắn chắc khỏe mạnh và yêu đời.Vợ tôi cứ chửi ông trồng rồi lại phải đem cho,tốn kém.Tôi trả lời vợ tôi cái sung sướng nhất là có để mà cho,không có làm sao cho được . . .Đời là thế lính mà em . . .kiếp con tầm thì phải nhả tơ.Mùa bầu cử mùa của hy vọng,mùa của quyết định,sai môt ly đi một dặm.Đi đông bầu đúng là . . . /-
Nói đến láng giềng Mỹ mà không nói đến láng giềng Việt Nam thì chưa đủ bộ.Tôi là người đến đây đầu tiên và cũng cao tuổi hơn,nên các anh em đều kêu tôi là Huynh trưởng,lão làng,sĩ quan quân lực VNCH . . . .Người gần nhất hai vợ chồng son không con ngăn náp và gọn gàng,anh làm nghề landscap cho môt sân golf và làm thêm khi có thời gian,nên đời sống của anh rất là thư thả và thoải mái sung túc ,nhà anh ở góc đường ngã tư,Căn nhà anh landscap rất mỹ thuật,cả xóm mỗi lần đi qua đều trầm trồ khen sự khéo tay của người Việt nam . ..Người gần thứ hai là Jimmy floor,anh trẻ hơn tôi khoảng 10 tuổi,vợ là người Thái trắng,có bố là sĩ quan QLVNCH khóa đàn anh của tôi vài khóa,ông ở Philadelphia,PA.Mỗi lần ông lên thăm con cháu thì jimmy luôn gọi tôi qua để đối ẩm và nhâm nhi,ôn cố tri tân.Chúng tôi đều làm thương mại nên luôn yểm trợ nhau,qua cách quảng cáo giới thiệu, vì tôi có rất nhiều khách hàng.Vợ theo đạo tin lành ngoan đạo và tốt lành một mẫu người phụ nữ Việt Nam cần cù chăm chỉ.Người láng giềng thứ ba là em trai của vợ Jimmy trẻ hơn tôi khoảng 15 tuổi.Anh biết tôi ngay từ ngày đầu đến Mỹ.Em coi tôi là người đàn anh về mọi lãnh vực.Chúng tôi có cái duyên nên lại là người láng giềng.Mỗi lần có món nào ngon vật lạ thì chúng tôi thường hú nhau về nhà Quân nhâm nhi thư giãn tâm thần,quân bình thể xác trao đổi những câu chuyện thương mại và thời sự . . .Vợ Quân rất trẻ và làm nail,thà thấy anh ăn uống ở nhà thoải mái hơn là đi ra ngoài,một người vợ hiểu chồng và quý những người bạn của chồng.Người láng giềng thứ tư là người Việt gốc Tàu sanh đẻ ở VN ông yêu người VN nhưng rất ghét Tàu cộng,ông làm nghề sửa xe nhiều năm cho Mỹ,khi lớn tuổi ông làm tại nhà cho những người quen,nhìn cách ông làm chúng ta có thể nói người làm có lương tâm nghề nghiệp,mỗi lần ông vặn một con ốc ông đều bôi chút mỡ bò,ông không mua part nhưng ông chỉ làm khi đưa part đến,ông nhận tiền vùa phải,là người Công Giáo nhưng không đi lễ,ông nói không ăn gian nói dối là OK,không đi bất cứ nơi nào,chỉ quanh quẩn trong shop với công việc,mọi người VN đều biết đến ông,ông là lính đã đi quá nhiều rồi bây giờ ông dừng chân,chỉ có duy nhất ủng hộ tôi mua vài tấm vé của nhà thờ,nghe radio và you tube chương trình Dương Đai Hải . . . Hàng năm cứ đến tháng tám là ngaỳ lễ giỗ mẹ tôi và ngày họp hàng tháng của PTGDVNHN tại nhà tôi,nhân đó tôi tổ chức cook out mời những người thân quen bất phân biệt tôn giáo cùng vui vẻ hàn huyên trò truyện . . .tôi có 28 sister tu sinh gọi tôi bằng bố,vì tôi giúp họ tập lái xe và những việc cần thiết.Ngày cook out hàng năm là ngày hội lớn của gia đình tôi và PTGDVNHN,tứ hải gia Huynh đệ,dĩ hòa vi quý,thực thi giới răn yêu thương . . .Tháng tám năm nay vì dịch cúm vũ hán mà tôi đành đoạn phải ngưng tổ chức.Mất đi một kỷ niệm đẹp,mỗi ngày tôi lại có thêm những người bạn mới để góp vui cho cuộc đời lưu vong.Thành tâm,thành thật và tri ân là điều tôi cố thực hành . . . . ./-
Viết về láng giềng Mỹ và Việt,mà không viết về xứ đạo thì thật là chưa toàn diện.Nhà Thờ là nơi tụ họp,những người con cùng đức tin và thể hiện tình hiệp nhất yêu thương,một cộng đồng năng động và là láng giềng thân thương,cần thiết.Cảm ơn Chúa trong suốt thời gian dịch bệnh,Chúa đã ban cho con vẫn được mạnh khỏe cả hồn lẫn xác . . . Tôi có thói quen đi tham dự thánh lễ Misa vào mỗi buổi sáng tại tu viện Đức Mẹ sầu bi gần nhà,nơi đó có 17 nữ tu sinh VN đang theo học,vì dịch bệnh nên các giáo dân như tôi không được tham dự,mà chỉ những nữ tu của nhà dòng.Cách đây hai tháng nhà thờ Saint Bernadette mở cửa lại,tôi đã cố gắng đến nhà thờ xem như thế nào ? ? ?Hơn nữa anh em trong PTGDVNHN đã chủ trương khi nhà thờ mở cửa lại thì cứ đi.Chiều thứ ba mỗi tuần lúc 7:30 Pm,xứ đạo tôi có Thánh lễ tiếng Việt mà tôi có thói quen đã đi,nhưng từ khi có dich bệnh đã đình chỉ mọi hoạt động.Cái khổ nhất của người có đạo,mà không được tham dự tiệc Thánh để được rước Chúa vào lòng.Lấy nhiên liệu Thánh Thần để xông pha vào cuộc sống.Vợ,các con của tôi cản ngăn,lấy lý do tôi đã lớn tuổi,đi rồi lây nhiễm bệnh sẽ làm khổ gia đình . . .Sau nhiều ngày cầu nguyện và suy gẫm.Tôi quyết định phải đi.Lời lãi cả và thế gian,mà mất linh hồn thì ích chi?Thánh lễ chiều thứ ba không đông,chỉ khoảng 30 đến 40,đa số là giói trẻ và trung niên,những người như tôi chỉ đếm trên đầu ngón tay,nhưng họ rất sốt sắng và đao đức.Chiều thứ năm lúc 6:30 đến 7:30pm đặt mình Thánh chầu Thánh Thể.Mỹ trắng,Mỹ đen,Mỹ nâu,Mỹ vàng khoảng 15 người,nhưng lúc nào Mỹ vàng cũng đông hơn.Dù khác nhau vì mầu da,nhưng mọi người đều là anh chị em con một cha trên Trời,không có vấn đề kỳ thị ở xứ đạo chúng tôi,chúng tôi sống hài hòa và chan chứa tình người.Thánh lễ ngày Chúa Nhật đông gấp 5,6 ngày thường.Cảm ơn Chúa,dù giông ba bão táp người Công Giáo cũng vững tay chèo.Giáo Hội tồn tại và phát triển là nhờ những người đạo đức này.Tan lễ ra về,không thấy họ xóc tiền,tôi hỏi người bạn đi cùng,anh nói họ để rổ ở cuối nhà thờ,anh đi trước móc tờ giấy bạc $20.oo bỏ vào rổ,tôi đã chuẩn bị hai phong bì của nhà Thờ đã gởi về nhà mỗi tháng,mà tôi đã thực hiện khi đặt bút kỹ vào tờ ghi danh từ thuổ ban đầu.Cảm giác của tôi khi được rước lễ lại sau nhiều ngày không đến nhà thờ,một cảm giác lâng lâng như ngày rước lễ ban đầu.Vài hàng ghi vội để cầu nguyện cho người anh rể vừa được Chúa gọi về ngày hôm trước tại Washington state.Dich cúm em không thể về được để dưa tiễn anh vào nơi an nghỉ ngàn thu,mà Chúa hứa ban cho những người trung thành với lời giao ước . . . /-