Đúng là Mỹ khác với Âu Châu nhiều lắm. Riêng ở Mỹ ngoài vài đạo luật khác, nhiều tiểu bang của Hoa Kỳ đã thông qua Luật được phép chính thức treo Cờ Vàng (Cờ Việt Nam Cộng Hoà), điều mà ở Đức hay Châu Âu người Việt tỵ nạn dù có mơ ước cũng khó xin được, nếu không muốn nói chẳng có cơ hội nào cả. Chưa hết, qua thông tin của Nha-Nhạc Sĩ Cao Minh Hưng (Hội trưởng Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ (CLBTNS)) phổ biến trên diễn đàn CLBTNS giữa tháng 5 năm 2020 và bài thơ chỉ dài có tám câu mang tên ÁO DÀI VIỆT NAM “DAY” do Nữ Thi Sĩ Phi Loan Hoàng Thị Cỏ May – một thành viên của CLBTNS – sáng tác, tôi ở Đức mới biết tại California còn có thêm “Ngày Áo Dài Việt Nam”.
Từ Năm 2016, ngày 15 tháng 5 hàng năm đã được Thượng Viện Tiểu Bang California công nhận là “Ngày Áo Dài” (với dự luật được đệ trình bởi TNS Janet Nguyễn). Thật là niềm vui, một hãnh diện lớn cho người Việt tỵ nạn (NVTN), đặc biệt đối với NVTN tại California.
Vì liên quan đến Áo Dài nên cho tôi được mở ngoặc ở đây giới thiệu ngắn gọn về xuất xứ cũng như hình dáng của “Tà Áo Dài Việt Nam”.
Căn cứ theo sử liệu, có thể xác định rằng chiếc “Áo Dài” đã ra đời và chính thức được công nhận là quốc phục dưới triều chúa Nguyễn Vũ Vương (1739-1765) .
Trước đây, Áo Dài thường được mặc kết hợp cùng với nón quai thao, nón lá hay khăn đóng. Chúa Nguyễn Phúc Khoát là người được xem có công sáng chế và định hình chiếc áo dài Việt Nam.
Áo Dài là một loại trang phục của phụ nữ Việt Nam với thiết kế gồm hai tà áo trước và sau dài chấm mắt cá chân che bên ngoài chiếc quần dài, màu sắc tùy ý người phụ nữ muốn chọn. Áo Dài thường được mặc vào các dịp Lễ hội, các buổi trình diễn hoặc trong những dịp đòi hỏi sự trang trọng, lịch sự. Thời Việt Nam Cộng Hoà nói riêng khi còn đi học ở Việt Nam nếu nhớ không lầm thì Áo Dài Trắng là đồng phục nữ sinh tại một số trường trung học, đa số là trường công lập.
Áo Dài, trang phục truyền thống của phụ nữ Việt Nam, ôm sát cơ thể, có cổ cao và dài được xẻ ra ở hông. Áo Dài vừa quyến rũ lại vừa gợi cảm, vừa kín đáo nhưng vẫn biểu lộ những đường nét thon gọn của một người phụ nữ. Ngày nay, áo dài xuất hiện khắp nơi trên thế giới. Người phụ nữ Việt Nam ở hải ngoại đặc biệt biểu lộ tình cảm đối với quê hương qua chiếc Áo Dài.
Những chiếc Áo Dài Việt Nam dù với mầu sắc đậm hay dịu mát, may bằng hàng vải thô sơ hay tơ gấm lụa là, vạt áo có ngắn cũn hay dài thượt, thân áo có nhỏ hẹp hay rộng rãi, cổ áo có kín hoặc hở hang lộ liễu… vẫn là một kết hợp của “chân thiện mỹ”. Áo Dài Việt Nam không những nói lên nhân sinh quan của quê hương mà còn gói trọn tinh thần Việt Nam. Dù ở bất cứ hoàn cảnh nào Áo Dài vẫn giữ cá tính độc lập và tô bồi thêm nét đẹp người phụ nữ Việt Nam. Hình ảnh phụ nữ hay thiếu nữ Việt Nam với chiếc Áo Dài truyền thống hoặc đơn thuần là Áo Dài đã được nhiều nghệ sĩ ghi lại, nổi bật nhất là trong thơ, tranh vẽ và nhạc.
Bây giờ xin trở lại với chủ đề bài tạp ghi “Ngày ÁO DÀI VIỆT NAM (ÁO DÀI VIỆT NAM “DAY”), bài thơ do Nữ Thi Sĩ Phi Loan Hoàng Thị Cỏ May sáng tác đúng vào ngày 15/5/2020, chỉ dài có tám câu để kỷ niệm năm thứ tư ngày đạo luật ÁO DÀI VIỆT NAM “DAY” và tôi mạn phép Thi Sĩ tác giả cho phép tôi “đưa bài thơ lên bàn mổ” để xem nó “hàm chứa cái gì, nội dung ra sao (?)” theo cảm nhận riêng và tài tử để từ đó có thể viết thành bài tạp ghi này. Mong Phi Loan thông cảm. Cám ơn trước.
Thi Sĩ Phi Loan (PL) mở đầu bài thơ mừng, kỷ niệm Ngày Áo Dài Việt Nam:
Dù cho có đi năm châu bốn bể
Vẫn thương về chiếc áo quê hương
để diễn tả, xác định điều không ai có thể phủ nhận được là phụ nữ Việt Nam hay tác giả đã biểu lộ tình cảm với quê hương qua chiếc Áo Dài Việt Nam vì đó chính là niềm kiêu hãnh của người Việt Nam.
Thi sĩ tác giả nói thay cho phụ nữ Việt Nam và ngay cả chính mình lả đã gói, mang theo trong tâm hồn chiếc Áo Dài, là hồn của quê hương yêu dấu khi ra đi dù vượt biên vượt biển tìm Tự Do hay định cư tại hải ngoại sau khi được một đệ tam quốc gia cho tỵ nạn cộng sản.
Phi Loan qua lời thơ diễn tả nỗi lòng – có lẽ cũng của chính mình – tuy đơn giản nhưng nồng nàn:
Gói trong áo là hồn quê vương vấn
Theo mây trời hương lúa chín yêu thương
Vâng, ngày nay, Áo Dài xuất hiện khắp nơi trên thế giới. Rõ ràng, ở đâu có phụ nữ Việt Nam – ở đấy có “Áo Dài”. Áo Dài không chỉ đơn thuần là trang phục truyền thống, mà chính là một nét văn hóa nói lên nhân sinh quan và gói trọn tinh thần Việt Nam.
Xuân, Hạ, Thu, Đông là 4 mùa của năm và “Áo Dài” không hề thiếu trong bốn mùa. Thu trời trở gió, khí hậu lành lạnh nên khi đi tham dự một sinh hoạt nào đó do Hội người Việt tỵ nạn tổ chức (là ví dụ), phụ nữ thường khoát thêm bên ngoài cái áo len để đỡ lạnh nhưng khi vào hội trường thì những chiếc Áo Dài đủ màu sắc bỗng nhiên trở thành “đối tượng” cho mọi người không phân biệt trai gái, già trẻ chiêm ngưỡng sau khi chiếc áo len kia biến mất. Xa hơn chút nữa, khi Xuân về, Tết đến những Tà Áo Dài rực rở tô thêm nét đẹp của mùa Xuân và càng gây chú ý hơn cho người bản xứ tham dự khi nhìn thấy những phụ nữ và em bé Việt Nam xinh xắn, vui tươi trong các chiếc Áo Dài đẹp nhỏ dễ thương.
Tôi nghĩ, bốn câu thơ cuối của bài thơ vỏn vẹn chỉ tám câu có lẽ PL nhớ đến Mùa Hạ vốn có nhiều kỷ niệm trong tâm hồn của Nữ Thi Sĩ? Nếu đúng như vậy cũng tương đối dễ hiểu vì thưở học trò hay sinh viên mùa Hè vốn chứa đầy kỷ niệm. Hạ về, xưa (và bây giờ cũng thế) chúng ta nói chung phải xa trường, xa Thầy Cô bạn bè. Những kỷ niệm với nhau trong tháng ngày đi học lưu giữ lại sẽ là những vấn vương, những gợi nhớ trong dịp hè nếu có lúc ngồi đâu đó một mình chợt nhớ đến “kỷ niệm”…
Phi Loan khéo léo diễn tả cám xúc đó như sau:
Mùa hạ về nắng vấn vương đầy lối
Trong âm thầm trong thinh lặng mênh mông.
Ngày 15.5 là ngày vinh danh Áo Dài Việt Nam – được gọi là ÁO DÀI VIỆT NAM “DAY” rơi vào đầu Mùa Hạ. Cơn nắng oi ả trưa Hè đôi khi đưa đến “bực bội”, kèm thêm kỷ niệm của những tháng ngày “mài đít nhà trường” trong cái tuổi còn đi học có lẽ ít ai quên được trong đời. Đặc biệt mùa Hè, Phượng đua nở nơi sân trường, góc phố.
Thi Sĩ Phi Loan gói ghém nỗi đau, nỗi nhớ, mùa Hoa Phượng và tiếng ve sầu vỏn vẹn với hai câu thơ:
Là nỗi nhớ chia niềm đau trăm mối
Hoa phượng buồn còn nhớ tiếng ve xưa …
Tóm lại, Áo Dài là hiện thân của dân tộc Việt Nam, một vẻ đẹp mỹ miều nhưng đằm thắm, là một phần tất yếu trong mỗi phụ nữ Việt Nam, là đặc trưng cho quốc gia. Trải qua nhiều thời kỳ, nhiều giai đoạn cùng với những diễn biến của quá trình lịch sử, tà Áo Dài Việt Nam luôn tồn tại theo dòng thời gian, vẫn mãi là tâm hồn, là văn hóa, là tinh thần Việt và là trang phục truyền thống mang đậm tính lịch sử lâu đời của nước Việt Nam ngàn năm văn hiến.
Kín đáo, duyên dáng và gợi cảm là các yếu tố đưa Áo Dài trở thành niềm kiêu hãnh của người Việt Nam. Không chỉ là cái áo nữa – chiếc Áo Dài đã trở thành biểu tượng của trang phục phụ nữ Việt Nam, tạo thành sản phẩm văn hoá, vật thể truyền thống không thể thiếu cho vẻ duyên dáng của người phụ nữ Việt Nam.
Thưa quý vị, ngay sau khi thấy bài thơ tôi ngẫu hứng soạn thành nhạc và đã muốn viết (cũng là nghiệp dư thôi) một bài tạp ghi nhưng … vì lý do kỹ thuật đặc biệt nên tạm gác lại đó. Hôm nay, đang vào giữa Hè nên tôi vội vàng lôi nó ra để tu bổ và viết cho xong. Xin được nói thêm, bài thơ dài vỏn vẹn tám câu thôi nhưng vì tôi vốn chẳng phải nhạc sĩ (thú thật tự học mò hàm thụ để giải trí) đã “lựu đạn phá lệ” phổ thành nhạc. Tính “xí xọn” không chừa nên tôi đi xa hơn chút xíu nữa là hát luôn “kiểu hát hay không bằng hay hát”, rồi hoàn thành youtube, dài đúng 03min20sec với hình ảnh đẹp phù hợp chủ đề Áo Dài, đủ loại áo với nhiều màu sắc góp nhặt từ CLBTNS qua các sinh hoạt của Hội, từ Facebook của Cao Minh Hưng, Phi Loan và Dáng Thơ do tôi âm thầm sưu tầm và đã phổ biến trên youtube.
Thay cho lời kết của bài tạp ghi, xin mạo muội giới thiệu Link của youtube và trân trọng mời Quý Vị ghé xem / nghe cho biết. Mong Quý đọc giả hoan hỷ cho mọi sự vì tôi cũng chẳng phải là ca sĩ và thu âm thì rất dã chiến không micro, chẳng lọc giọng, không “mixed” … tất cả nghiệp là dư thôi và cố gắng như có thể tự biên tự diễn với khả năng giới hạn do tự học mò hàm thụ. Đa tạ.
ÁO DÀI VIỆTNAM “DAY”
Thơ: Phi Loan Hoàng Thị Cỏ May
Nhạc: LNChâu6168
Lê Ngọc Châu
(Nam Đức, Mùa Hạ 2020, ngày 26. July 2020)
Hình ảnh: CLBTNS, internet, Facebook của Phi Loan, Dáng Thơ và Cao Minh Hưng.
Be the first to comment