Dọn bàn xong xuôi, ông Phong mới đẩy cái xe lăn của vợ đến bên bàn ăn, dịu dàng:
– Ăn đi em! ráng ăn một chút cho khoẻ.
Bà Phong chớp mắt, nét mặt thoáng vẻ bối rối, đã lâu lắm, từ ngày các con khôn lớn, cái tiếng “em” thân mật đó ít khi được dùng tới, chỉ trừ những lúc riêng tư có hai vợ chồng. Mỗi khi được ông gọi bằng em, bà đều cảm động, nhớ đến cái thuở mới yêu nhau, thời gian đi nhanh thật, vậy mà thoáng chốc đã gần năm mươi năm… Bà ngước cặp mắt ướt rượt lên nhìn chồng, môi thoáng một nụ cười cảm động trên khuôn mặt già nua đầy những nếp nhăn:
– Hôm nay mình cho tôi ăn món gì vậy?
– Miến gà. Tôi mới học được ở trong sách nấu ăn. Ông nói và ân cần cầm đôi đũa đặt vào tay bà, bàn tay còn cử động được, bà ăn thử xem có ngon không? À nhưng.. tôi đãng trí quá, lại quên rau răm rồi.
– Hề gì, không có rau răm thì đã làm sao? Bà gắp một đũa, đưa lên miệng, suýt xoa kêu nóng, ông nấu thì phải ngon rồi, ngon tình, ngon nghĩa…
Bà ngưng lại, hỉ mũi, nghẹn lời không thể nói tiếp, mấy sợi miến mắc trong cổ làm bà ho lên mấy tiếng. Ông hốt hoảng:
– Bà có sao không?
Thấy tay bà run rẩy, ông thương cảm:
– Để tôi xúc cho bà ăn nhé?
– Thôi khỏi! tôi ăn lấy được mà.
Bà lắc đầu, không muốn làm phiền chồng thêm, ông đã cực khổ vì bà nhiều quá rồi. Mấy hôm nay bà không được khoẻ, ăn gì cũng thấy đắng miệng, nhai những sợi miến, bà có cảm tưởng như đang nhai những cọng rơm, nhưng bà vẫn cố nuốt, bà phải ăn cho ông vừa lòng, ông đã bỏ bao nhiêu tình thương vào đó.
Tội cho ông, xưa kia đường đường là một thiếu tá tiểu đoàn trưởng, có trong tay cả mấy trăm binh lính dưới quyền, sẵn sàng nghe ông ra lệnh. Ông hô lên một tiếng là mọi người đều răm rắp tuân lời, ông lo toàn những việc quốc gia đại sự, đâu thèm để ý đến những việc nhỏ nhặt chỉ dành cho đàn bà, như nồi cơm, trách cá? Tội cho ông, khi xưa vẫy vùng bốn bể, nào ngờ khi về già, thế giới của ông chỉ thu hẹp trong bốn bức tường của một căn nhà nhỏ. Còn đâu cái oai phong của một vị chỉ huy trong quân đội? ông bây giờ nhẫn nhục làm những công việc đi chợ, nấu ăn, quét nhà, rửa chén… Ông làm việc đó đã gần tám năm rồi, từ khi bà bị tai biến mạch máu não, liệt nửa người, phải ngồi xe lăn. Ông thương vợ, không muốn cho bà phải sống những ngày tàn ở trong viện dưỡng lão, nên ngoài nhiệm vụ nấu ăn, ông còn kiêm luôn nhiệm vụ y tá, ngày đêm hầu hạ, phục dịch bà từ việc ăn uống, thuốc men, đến vấn đề vệ sinh, tắm rửa…
Bà lão bệnh tật nên khó tính, mướn người giúp việc không vừa ý, bà luôn miệng gắt gỏng, càu nhàu, nên chẳng ai muốn làm lâu. Người của Sở xã hội đưa tới để giúp bà tắm rửa, vệ sinh hàng ngày, bà chê không khéo léo, lại hay mạnh tay làm bà đau… Bà chỉ vừa lòng có một người mà bà cho rằng có đủ lương tâm, lòng kiên nhẫn, lại khéo léo, dịu dàng bà trông cậy được: đó là ông Phong tội nghiệp, chồng của bà.
Ông Phong lãnh trách nhiệm, chấp nhận sự hy sinh, không phải vì không còn con đường nào khác, mà vì lòng yêu thương vợ chân thành. Vợ chồng chia ngọt xẻ bùi, đi bên nhau đã gần năm mươi năm, lẽ nào ông bỏ bà độc hành trên chặng đường cuối cùng? Ôi! ông Trời cay nghiệt đã lấy đi hết mọi thứ đã ban phát cho vợ chồng ông. Ôi! thời gian tàn nhẫn đã để lại dấu vết khi đi qua… Nhìn thân hình dúm dó, tàn tạ của bà bây giờ, thật khó mà tuởng tượng có một thời bà đã từng là hoa khôi của một trường nữ trung học danh tiếng. Cô nữ sinh yêu kiều, tóc thề bỏ xoã ngang vai, thẹn thùng dấu mặt sau vành nón bài thơ, đã làm ông mê mẩn, đắm đuối dạo nào…
Cái thời hoa mộng ấy đã qua rồi, nhưng vẫn lưu lại trong ký ức ông những kỷ niệm khó quên, những dấu vết không bao giờ phai mờ. Mỗi khi nhớ lại quá khứ, cả một thời dĩ vãng xa xưa lại hiện về làm ông cảm động…
Em, tiểu thơ khuê các, còn tôi, chàng trai phong sương, rày đây, mai đó, thế mà hai cuộc đời lại gắn bó với nhau, có phải là do duyên số trời đã định sẵn cho đôi ta? Làm vợ tôi, em chịu biết bao nhiêu thiệt thòi, tôi bất tài, không lo cho em được cuộc sống xa hoa, em chẳng so bì hơn thiệt, bằng lòng với hạnh phúc nhỏ nhoi.
Em, cô vợ bé bỏng, độc tài, và ghen khiếp! em cấm tôi không được uống rượu, hút thuốc, em sầm mặt mỗi khi tôi vô tình nhìn hơi lâu một cô gái đẹp. Mỗi khi đi xa về, tôi lại bị em gạn hỏi, lục lọi, ngửi áo, tìm dấu vết của những bông hoa dại bên đường… Em ghen khiếp! nhưng tất cả chỉ vì em yêu tôi, em mang trong bụng mầm sống của tôi, em chịu những cơn đau xé ruột để sanh cho tôi những đứa con xinh đẹp, giống bố…
Em vất vả nhọc nhằn chăm sóc con cái, giữ gìn nhà cửa sạch sẽ, ngăn nắp, cho chồng con những bữa ăn ngon, những phút giây thoải mái mỗi khi trở về… Còn tôi, tôi đã cho em được gì? ngoài những năm tháng dài vắng nhà triền miên, để em phải sống mỏi mòn trong cô đơn? Mong em hiểu cho, chỉ vì nặng nợ núi sông, tôi đã đặt nợ nước lên trên tình nhà. Tôi đã nén lòng không tỏ ra mềm yếu những lúc phải rứt áo xa em, bởi tôi biết mai đây đời lửa đạn, người chiến sĩ ra đi không chắc sẽ có ngày về
Tội nghiệp em, người thiếu phụ Việt Nam thời loạn ly, có mấy khi được ở gần chồng? Thời xuân sắc, bao nhiêu người vây quanh em, nhưng sao em lại chọn tôi? để suốt năm suốt tháng phải sống trong lo sợ, phập phồng? Những cái Tết tôi đi hành quân không về, em đón xuân một mình, những buổi chiều cuối tuần, nhìn vợ chồng người ta dìu nhau đi dạo phố, em có buồn không? Em, con chiên ngoan đạo, chẳng tối nào quên đọc kinh, chẳng chủ nhật nào em không đến giáo đường. Em cầu nguyện cho tôi tránh được hòn tên mũi đạn, có bao giờ em cầu nguyện cho chính thân em? Chúa nghe lời cầu xin của em, nên tôi đã trở về bình yên.
Nhưng hết chiến tranh rồi, những năm tháng dài đăng đẳng tôi đi tù cải tạo, em lại làm chinh phụ cô đơn… Tội nghiệp em, chẳng quản rừng thiêng nước độc, đường xá xa xôi, thân cò lặn lội đi thăm chồng. Em eo sèo bán buôn chợ trời, một mình vừa làm mẹ, vừa làm cha, nuôi con nên người, em chặt dạ bền lòng, đợi chồng về. Tóc em thôi hết mượt mà, da em đen xạm vì gió sương… Nhưng em ơi! chính vì thế mà đôi ta lại nặng thêm nghĩa ân tình.
Chỉ sau khi qua cơn hoạn nạn, khi đầu đã hai thứ tóc, vợ chồng mình mới được sống bên nhau, mới hoàn toàn là của nhau.
Nhưng chúng ta hạnh phúc chẳng được bao lâu, trời lại giáng hoạ, em bây giờ tàn phế, ngồi trên xe lăn, mọi việc đều trông cậy vào tôi, tôi cho gì, em được hưởng nấy, chẳng bao giờ kêu ca. Ngày xưa, em đã đảm đương công việc nội trợ một cách tài tình, cho chồng con những bữa cơm ngon lành, nhà cửa luôn luôn sạch sẽ, ngăn nắp. Em vén khéo, coi sóc mọi việc trong, ngoài chu đáo, tôi chẳng phải bận tâm và chẳng bao giờ nghĩ đến công khó của em. Chỉ tới bây giờ, khi hứng trách nhiệm, tôi mới thấy mình vụng về, lúng túng làm sao. Tài nấu bếp của tôi dở nhất thế giới, mà chẳng bao giờ nghe em chê, em quả là một người vợ đại lượng nhất. Dạo này em hơi gầy đi, tại em bệnh tật hay tại tôi vụng nuôi? Bác sĩ nói em phải siêng tập đi mới có thể phục hồi. Trớ trêu làm sao, khi về già, người ta trở lại cái thuở sơ sinh, đầu tóc lơ thơ, răng không có đủ, nên chỉ uống sữa và ăn được đồ mềm, có người còn phải đeo tã… Người già có khác chi trẻ thơ, đâu có thể tự lo cho mình được. Nhìn em tập đi lần từng bước một trong cái walker, tôi đau lòng, em bây giờ thê thảm quá rồi. Tôi cũng chẳng hơn gì, cũng già yếu hom hem, nhăn nheo xấu xí… Chúng ta cũng giống như những cây đũa mục, cũng may còn đủ cả đôi. Em bây giờ sự sống chỉ trông cậy vào tôi, em chỉ còn mình tôi, tôi nguyện đem hết sức già ra để nâng đỡ, che chở cho em. Em hãy dựa vào tôi mà bước đi cho vững, em nhé! chúng ta hãy dìu nhau đi nốt quãng đường còn lại…
* * *
Nhìn thân hình siêu vẹo của ông lão, cố gồng mình nâng đỡ mỗi khi mình té, bà Phong thở dài:
– Thật tội cho ông, vất vả vì tôi nhiều quá, chắc ông nợ tôi từ kiếp trước.
Ông cười hiền lành:
– Chúng ta cùng nợ nhau, cái nợ ân tình… Mình nhớ chứ? ngày đám cưới, chúng ta đã thề nguyện trước bàn thờ Chúa là sẽ đi bên nhau trọn đời, thương yêu nhau, săn sóc cho nhau những lúc khoẻ mạnh, cũng như những khi hoạn nạn, ốm đau. Những lời thề đó, tôi vẫn giữ mãi, mình biết vì sao không? Ông cười hề hề, cúi xuống đặt một cái hôn lên trán bà, giọng khôi hài, là vì tôi yêu cái cục nợ đời của tôi…
Bà khẽ nhếch môi cười, nhưng cặp mắt lại rất buồn:
– Lúc đó, chẳng bao giờ tôi ngờ là sẽ có ngày hôm nay. Trời bắt tội tôi bệnh tật làm khổ cho mình quá, tôi cứ áy náy trong lòng, nhiều lúc chỉ muốn chết sớm cho mình đỡ cực.
Ông giật mình, cau mày trách:
– Sao mình lại nói thế? Bao nhiêu năm mình săn sóc tôi, bây giờ mình đau yếu phải để tôi chăm lo lại cho mình chứ? Tôi có khó nhọc cách mấy cũng chưa thể bù lại được công lao cả đời mình đã vất vả vì tôi. Vợ chồng ăn ở với nhau ngần ấy năm, chẳng lẽ mình không hiểu tôi? chẳng lẽ mình lại không biết rằng mình đã chiếm một địa vị quan trọng thế nào trong cuộc đời của tôi ư? Mình là một nửa của tôi, mình bỏ đi, làm sao tôi sống?
Ông ngưng lại, nhìn dáng bà tiều tụy, lòng ông như chùng xuống. Chậm rãi ngồi xuống bên vợ, ông quàng tay ôm ngang lưng bà, thủ thỉ:
– Mình biết không? dạo này tôi hay có những giấc mơ lạ lắm. Tôi mơ mình và tôi đi chơi rồi lạc nhau, tự dưng bỗng thấy mình đứng cách tôi một khoảng rất xa, giữa một đám người lạ, họ xô đẩy làm mình mỗi lúc một xa tôi hơn, chỉ trong nháy mắt đã xa tít tắp… Tôi cuống quít chạy theo, gọi mình khan cả cổ nhưng mình không nghe thấy. Thoáng một cái mình đã mất hút trong đám đông, tôi hốt hoảng đi tìm, sợ hãi không thể tả. Giật mình thức giấc, thấy mình bên cạnh tôi mới yên tâm, và thở phào sung sướng vì đó chỉ là một cơn ác mộng. Tôi sợ cô đơn, càng về già, tôi càng cần mình hơn bao giờ hết. Tôi không dám nghĩ tới sau này khi một người đi trước, người còn lại sẽ ra sao? Bây giờ vẫn còn đủ đôi, chúng ta hãy tận hưởng những tháng ngày còn được ở bên nhau. Tôi yêu mình, mình phải sống cho tôi, chúng ta sống cho nhau…
Ông chưa dứt câu, mắt bà đã đầm đìa những lệ, bàn tay còn cử động được, tìm tay ông nắm chặt. Hai vợ chồng già im lặng ngồi bên nhau, không ai nói, nhưng tình yêu đã trao nhau tràn trong ánh mắt. Nhìn những giòng lệ chưa khô trên đôi má nhăn nheo của vợ, ông thương cảm, cô thiếu nữ yêu kiều năm xưa giờ đây đã thành một người đàn bà luống tuổi, nhưng bản chất vẫn yếu đuối, nhút nhát, luôn luôn cần đến sự che chở của chồng. Vô tình bà đã khơi dậy trong ông cái nam tính của một người đàn ông, điều đó làm ông sung sướng, tự hào, và càng yêu thương bà nhiều hơn, bây giờ cũng vậy. Mắt lấp lánh niềm vui, ông âu yếm vỗ nhẹ lên vai bà như dỗ dành:
– Tôi chỉ muốn mình hiểu lòng tôi, vậy mà vụng về quá, tôi lại làm mình khóc. Thôi, để tôi lau nước mắt cho, mình đừng khóc nữa, ai lại khóc trong một ngày rất đẹp như hôm nay? Xem kìa! mặt trời đang lên, đẹp và ấm áp lắm, để tôi đưa mình ra sân sau sưởi nắng nhé.
Ông nói và mở cửa, đẩy xe của bà ra vườn, đến gần cái băng đá, ông dừng lại, chậm chạp ngồi xuống, đưa mắt nhìn lên bầu trời trắng đục. Bây giờ hãy còn sớm, không khí còn mang cái mát mẻ, tinh khôi của buổi sớm mai. Nơi chân trời phía đông, một vầng hồng vừa nhô lên, chiếu những tia sáng làm hồng những đám mây, mặt trời xuất hiện như một quầng lửa đỏ, bình minh thật đẹp, thật rực rỡ. Trên bãi cỏ xanh mịn, còn đọng lại những giọt sương đêm lóng lánh, có hai con bướm vàng đang bay lượn nhởn nhơ. Một làn gió nhẹ thổi tới làm lá rơi lả tả, lá rơi nhiều quá, rụng ngập cả lối đi… Trời đã cuối thu rồi, mùa đông sắp tới, những chiếc lá cuối cùng còn bám ở trên cây cũng đã khô héo, những mầm non đã sẵn sàng để nhú ra, và những lá già sẽ được thay thế bằng lá non khi mùa xuân tới… Bốn mùa sẽ tuần tự đến rồi đi như một quy luật của tạo hoá.
Nhìn mái tóc bạc phơ của bà như sáng lên trong nắng ánh cuối thu, ông cảm động, nói với bà mà như đang nói với chính mình:
– Chúng ta cũng như những chiếc lá mùa thu kia thôi, lá khô rồi rụng, nhưng cây đâu có chết? bởi vì sẽ có lớp lá non thay thế. Con người cũng vậy, khi chết đi, chỉ có thể xác là trở thành cát bụi, nhưng con cháu mang trong cơ thể dòng máu của cha mẹ, sẽ tiếp nối sự sống đời đời. Cho nên về một phương diện nào đó, cái chết không phải là một sự hủy diệt hoàn toàn…
Ông chợt ngưng, vì một cơn gió mạnh vừa thổi tới, suýt làm bay cái khăn len của bà. Ông vội vã chụp được, quàng lại vào cổ cho vợ, săn sóc hỏi:
– Hôm nay gió hơi nhiều, mình có lạnh không?
Bà lắc đầu, nhìn hai cây mai, cây đào đã trụi hết lá và những nụ non mơn mởn đã đơm chi chít đầy cành, bà sung sướng nghĩ thầm mùa đông rồi sẽ qua đi và một mùa xuân nữa lại sắp tới, hai ông bà lấy nhau cũng vào mùa xuân… Bà chớp mắt, trên khuôn mặt nhăn nheo thoáng nở một nụ cười, bà nói với chồng bằng giọng êm ái, tình tứ như thuở còn đôi mươi:
– Ở bên mình tôi chưa bao giờ thấy lạnh, bởi vì tình yêu của mình đã sưởi ấm tim tôi.
Mỉm cười cảm động, ông cúi xuống run run hôn lên mái tóc bạc phơ của bà, thì thầm:
– Tết này là vừa đúng 50 năm mình về với tôi. Năm mươi năm chia ngọt xẻ bùi, mình luôn luôn sát cánh bên tôi cùng vượt qua bao nhiêu chông gai, sóng gió, cám ơn mình vẫn đi bên tôi cho đến cuối đời. Chúng ta đã xong bổn phận làm cha mẹ, con cái thành đạt cả rồi, bây giờ là lúc thảnh thơi, vợ chồng mình sống cho nhau. Thời gian còn lại chẳng biết bao lâu, mỗi ngày trời cho đều đáng quí. Chúng ta hãy cám ơn trời, vì trên chặng đường cuối cùng, chúng ta vẫn còn đủ cả đôi, đó chẳng phải là một điều may mắn hay sao?
Bà gật đầu, cầm tay ông ấp lên má:
– Cái may mắn nhất của đời tôi là được làm vợ mình. Mình là cây đại thụ cho tôi dựa, chỉ ở bên mình tôi mới cảm thấy yên ổn và sung sướng. Đừng bao giờ xa tôi, mình nhé.
Ông ôm xiết vợ vào lòng:
– Tôi sẽ đi bên mình cho tới hết con đường. Chỉ có cái chết mới chia lìa được chúng ta mà thôi.
Bà tựa đầu vào ngực chồng với dáng vẻ an tâm, tin tưởng và rất hạnh phúc.
Ông nhìn vợ, trên khuôn mặt in đầy những dấu vết của thời gian, đôi mắt già vẫn long lanh sáng và ông thấy hình ông hiện ra trong đó, trên đôi đồng tử của bà. Tim ông bỗng đập nhanh, thương quá người bạn đồng hành đã cùng ông trôi nổi khắp bốn phương trời, và sau cùng dạt đến miền đất xa lạ này, người vợ tào khang suốt đời tận tụy, hy sinh cho chồng con, người bạn đời đã chia ngọt sẻ bùi với ông, luôn luôn trung thành với ông cho dù có những lúc lên voi, xuống chó. Suốt đời bà chỉ biết có ông, trong mắt bà chỉ có hình bóng của ông… Tự dưng ông thấy xúc động và thương vợ hơn bao giờ hết, lặng lẽ ông tìm tay bà xiết chặt.
Có tiếng chim ríu rít trên cành, hai vợ chồng cùng ngắm đôi chim nhỏ đang rỉa lông cho nhau với một vẻ thích thú.
Bà Phong thấy lòng lâng lâng sung sướng, cuộc đời của bà từ khi về làm bạn với ông, về vật chất tuy không dư dả, nhưng hạnh phúc luôn luôn tràn đầy. Nghĩ đến người chồng thủy chung, độ lượng đã hết dạ thương yêu, che chở cho bà trong suốt cuộc đời, tim bà bỗng đập nhanh xao xuyến, bà ngước nhìn ông với cặp mắt chan chứa ân tình.
Ông Phong đang nghĩ năm nay nhà mình sẽ ăn một cái Tết thật lớn để kỷ niệm 50 năm chung sống của ông bà, con cháu sẽ về đông đủ cả. Ông nhẩm tính xem nên mua mấy chậu quất, hay cúc vàng và thược dược để trưng trong nhà, chợt nghe tiếng hít mũi của vợ, ông quay lại nhìn và kêu lên:
– Mình sao thế? lại khóc nữa à?
Bà cúi mặt, hơi có vẻ xấu hổ:
– Tôi khóc vì hạnh phúc quá, mình ạ.
Ông thở ra một hơi dài, mỉm cười:
– Vậy mà làm tôi hết hồn. Mình vẫn mít ướt như xưa, không thay đổi…
– Tôi lúc nào mà chẳng vậy?
Ông cười khà khà, vỗ nhẹ lên vai bà âu yếm:
– Cái món võ khí ấy của mình lợi hại lắm đó nghe, lần nào mình khóc, tôi cũng thấy mềm lòng và lại phải dỗ. Thôi được rồi, mình ráng đứng dậy đi, tôi chỉ cho xem cái này đẹp lắm.
Ông nói và quàng tay qua lưng vợ, giúp bà đứng lên, ông dìu bà đi vài bước tới một chỗ thoáng, không bị những tàng cây che khuất.
– Mình nhìn kìa! mặt trời đang từ từ lên sau rặng núi phía xa và chim chóc ríu rít bay lượn từng đàn trên nền trời bình minh vẩn mây hồng đẹp quá. Ước gì thời gian đừng trôi, để giây phút hạnh phúc tuyệt vời này sẽ còn mãi.
Bà ngả đầu vào vai ông, mỉm cười:
– Những lúc ở bên nhau như thế này, tôi sung sướng lắm. Ngày nào vợ chồng mình còn đủ đôi, tôi thấy đời vẫn đẹp, mình ạ.
Ông Phong ghì sát vợ vào ngực mình, cả hai lắng nghe tiếng tim đập của nhau, thấy lòng ấm áp vô cùng. Trời cuối thu lành lạnh, nhưng mùa thu vẫn đẹp lắm.
PHƯƠNG LAN
Be the first to comment