Kiều Hối ‘Chảy’ Về Việt Nam ‘Giảm Mạnh’ Vì COVID-19 ?

Một nhân viên ngân hàng ở Hà Nội đếm đôla.

Lượng kiều hối gửi về Việt Nam năm ngoái lên tới 17 tỷ đôla, chiếm 6,5% GDP, nhưng năm nay, số tiền người Việt ở hải ngoại chuyển về nước nhiều khả năng sẽ “giảm mạnh” vì virus Corona.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) mới đưa ra dự báo rằng năm 2020, lượng kiều hối toàn cầu “sẽ giảm mạnh khoảng 20%”, do khủng hoảng kinh tế bắt nguồn từ đại dịch COVID-19, khiến nhiều hoạt động bị đình trệ.
Tổ chức tài chính quốc tế này nói thêm rằng đây là “mức giảm mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây, phần lớn là do giảm thu nhập và việc làm ở nhóm lao động di cư”, vốn “dễ bị mất việc làm và thu nhập do khủng hoảng kinh tế ở các nước sở tại”.
Theo dự báo, dòng kiều hối “chảy” về các quốc gia thu nhập thấp và trung bình được dự đoán sẽ giảm 19,7% xuống còn 445 tỷ đôla, “gây tổn thất đến nguồn tài chính mang ý nghĩa sống còn đối với nhiều hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn”.

Ngân hàng Thế giới cho biết rằng tính riêng Đông Á và Thái Bình Dương, dòng kiều hối “chảy” vào năm 2020 sẽ giảm khoảng 13%. Tổ chức này cho rằng đây là “hậu quả của sự sụt giảm dòng tiền từ Hoa Kỳ, nguồn kiều hối lớn nhất của khu vực này”.

Năm ngoái, Việt Nam là nước nhận kiều hối lớn thứ ba ở Đông Á và Thái Bình Dương, và báo chí trong nước nói rằng đó là “nguồn tiền huyết mạch” của nhiều hộ gia đình ở Việt Nam.
Từ một cơ sở làm dịch vụ chuyển tiền về Việt Nam tại thủ đô Washington DC, bà Quý Nguyễn cho VOA Việt Ngữ biết rằng việc kinh doanh của bà bị “ảnh hưởng” kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở Mỹ, nơi có số người gốc Việt sinh sống nhiều nhất bên ngoài lãnh thổ Việt Nam.
“Bình thường, nếu mà khách đi làm thì người ta sẽ có tiền gửi về cho người thân ở Việt Nam. Nhưng mà tại vì bây giờ, dịch bệnh đóng cửa, người ta đâu có đi làm đâu và người ta phải lo chi phí bên này nữa, cho nên số tiền gửi về giúp gia đình ở bên Việt Nam nó bị giảm”, bà Quý cho biết.
Bà nói thêm với VOA Việt Ngữ: “Một số người có được tiền thất nghiệp, còn một số người không có được tiền thất nghiệp. Một số người ta có tiền thất nghiệp, người ta cũng phải trang trải cuộc sống ở bên đây. Số ít dư người ta mới gửi về cho Việt Nam. Thí dụ như, một tháng, một người có thể giúp cho gia đình 500 [đôla], thì bây giờ có thể là 200, 150 [đôla]”.

Cổng thông tin của chính phủ Việt Nam đầu năm 2020 dẫn lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói với người Việt từ hải ngoại về nước đón Tết Nguyên Đán rằng ông “đánh giá cao kiều hối của bà con” vì nó “có ý nghĩa lớn cho kinh tế đất nước”“Việt Nam là một trong 10 nước nhận kiều hối lớn nhất thế giới”.
Theo các nghiên cứu, kiều hối đóng vai trò trong việc hỗ trợ giảm nghèo ở các nước thu nhập thấp và trung bình, cải thiện dinh dưỡng, nâng cao chi tiêu cho giáo dục và hạn chế lao động trẻ em đối với các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
World Bank cho rằng kiều hối giảm “sẽ khiến các hộ gia đình khó chi trả cho những khoản mục này vì tài chính sẽ được ưu tiên cho lương thực và các nhu cầu thiết yếu khác”.
Tổ chức tài chính quốc tế này ước tính rằng năm 2021, lượng kiều hối “chảy” vào các quốc gia thu nhập thấp và trung bình như Việt Nam “sẽ hồi phục và tăng 5,6% lên 470 tỷ đôla”.
“Triển vọng này vẫn còn chưa chắc chắn, phụ thuộc vào tác động của COVID-19 đối với triển vọng tăng trưởng toàn cầu và các biện pháp kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh”, Ngân hàng Thế giới nhận định thêm.

Theo VOA Việt Ngữ ngày 18/6/2020

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*