Trần Phố Hội: Những Thay Đổi Sau Đại Dịch Virus Vũ Hán

Đại dịch virus Vũ Hán đã đưa thế giới vào một cuộc đại khủng hoảng kinh tế, hầu hết các quốc gia Tây phương (USA, Canada, Australia, New Zealand, Tây Âu, …) đã phải chi tiêu rất nhiều để cố gắng kiềm chế mức độ sa sút và hổ trợ cho việc phục hồi kinh tế trong tương lai. Có hai điều mà hầu hết chúng ta, từ các chuyên gia cho đến dân thường, đều biết chắc sẽ xảy ra:

  • Nền kinh tế thế giới sẽ phục hồi, nhưng sự phục hồi sẽ diễn ra như thế nào thì câu trả lời tuỳ theo người mình hỏi.
  • Cuộc sống trong các quốc gia Tây phương sẽ thay đổi, và sự thay đổi đó ra sao thì có nhiều ý kiến khác nhau.

Nhiều kinh tế gia đưa ra năm hình thức phục hồi kinh tế là: hình chữ V (V-Shaped Recovery), hình chữ U (U-Shaped Recovery), hình chữ L (L-Shaped Recovery), hình chữ W (W-Shaped Recovery) và SWOOSH (dấu “tick mark” giống như logo của công ty giày Nike).

Phục hồi hình chữ V (hình phải): đây là dự đoán của những người lạc quan nhất theo đó nền kinh tế suy sụp rất mau nhưng sẽ phục hồi nhanh chóng. Theo ước tính của nhóm này thì cuối năm nay (2020) kinh tế Mỹ sẽ phục hồi. Recession ở Mỹ năm 1953 thuộc về loại phục hồi hình chữ V vì nó bắt đầu tháng 7/1953 và phục hồi tháng 5/1954.

Phục hồi hình chữ U (hình trái): dự đoán này của những người ít lạc quan hơn nhóm V-shaped, theo đó nền kinh tế suy sụp một cách đột ngột, tiếp theo là sự phục hồi chầm chậm. Thường thường sự phục hồi kéo dài từ 12 tháng đến 24 tháng. Ông Simon Johnson, cựu kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (former chief economist for the), đã ví von tình trạng này như cái bồn tắm, bạn bước vào, nằm trong đó ngâm cho đã đời rồi mới bước ra. Cuộc khủng hoảng kinh tế ở Mỹ 1973-1975 là một thí dụ về U-shaped Recovery, bắt đầu bằng sự sa sút kinh tế rồi phục hồi rất chậm và kéo dài hai năm mới phục hồi.

Phục hồi hình chữ L (hình phải): khi kinh tế bị khủng hoảng nghiêm trọng và không phát triển trở lại sau nhiều năm, hay hầu như không phục hồi thì gọi là “depression”. Tình trạng khủng hoảng đột ngột  như một đường thẳng đứng, rồi kéo dài như một đường ngang tạo nên hình chữ L nên gọi là L-shaped Recovery. Hình thức phục hồi này chỉ xảy ra sau “depression” và phải mất nhiều năm mới trở lại mức cũ. Cuộc khủng hoảng kinh tế của Greek từ năm 2007 và đến năm 2016 mới phục hồi và cuộc khủng hoảng kinh tế của Japan bắt đầu năm 1990 và kéo dài đến ngày nay thuộc loại L-shaped Recovery. Trước năm 1990 kinh tế Japan rất phồn thịnh, trong những năm 1980’s Japan đứng đầu thế giới về tổng sản lượng quốc gia tính theo đầu người (GDP per capita), trong thời gian này thị trường địa ốc và thị trường chứng khoáng tăng giá rất nhanh nên Ngân Hàng Trung Ương đã tăng lãi suất trong năm 1989. Sau đó thị trường chứng khoáng bị phá sản (crash) và kinh tế Japan phát triển rất chậm suốt từ 1991 tới 2003.

Phục hồi hình chữ W (hình trái): tình trạng này bao gồm một nền kinh tế đột ngột sa sút, rồi tăng trở lại rất mau, nhưng tăng chưa được bao nhiêu thì nhanh chóng sa sút trở lại và cuối cùng mới thật sự phục hồi. Nếu nới lỏng những hạn chế của lệnh đóng cửa (lockdown) làm kích thích nền kinh tế đi lên nhưng ảnh hưởng của tình trạng thất nghiệp và các công ty phá sản lại làm kinh tế tuột dốc, rồi sau đó tìm ra thuốc chủng virus Vũ Hán và kinh tế lên lại thì tiến trình này là W-shaped Recovery. Cuộc khủng hoảng năm 1980 ở USA và sư phục hồi ngắn hạn trong mấy tháng đầu của năm 1981, sau đó bị Ngân Hàng Trung Ương tăng lãi suất để chống lạm phát nên nền kinh tế bị tụt dốc trở lại. Sự phục hồi sau cuộc khủng hoảng này được xem là W-shaped Recovery.

Phục hồi theo dạng “tick mark” (SWOOSH Recovery) (hình phải): đây là dạng phục hồi mới được “chế” ra, nó không giống chữ nào hết mà chỉ giống logo của hãng giày Nike, theo đó kinh tế suy sụp nhanh chóng rồi hồi phục khó khăn và chậm chạp khi lệnh đóng cửa (lockdown) được từ từ nới lỏng. Phục hồi theo dạng này thì phải mất ba hay bốn năm mới trở lại mức cũ, rồi sau đó phát triển hơn mức cũ. Trong quá khứ chưa có dạng phục hồi này. Trong năm hình thức phục hồi trên đây thì hình thức nào có triển vọng đúng với thực tế? Có rất nhiều câu trả lời cho câu hỏi này dù rằng những người trả lời là các chuyên gia nổi tiếng, am hiểu kinh tế và có nhiều kinh nghiệm.

Theo cuộc thăm dò của Reuters trong tháng 4/2020 thì đa số tin rằng kinh tế sẽ phục hồi theo “U” shaped (gần ½ kinh tế gia trong số 45 người được hỏi), 10 người tin sẽ là “V” shaped, 5 người tin sẽ là “W” shaped.

  • Thống Đốc Ngân Hàng Trung Ương của USA, ông Jerome Powell, cho rằng W-shaped Recovery là quá lạc quan. Trong cuộc phỏng vấn ngày 10/6/2020 ông Powell cho hay còn lâu mới tăng lãi suốt ngân hàng, ông nói “chúng tôi không nghĩ đến việc tăng lãi suất- chúng tôi càng không nghĩ đến ý nghĩ tăng lãi suất” (“We’re not thinking about raising rates – we’re not even thinking about thinking about raising rates”).
  • Một người nổi tiếng khác đưa ra dự đoán “Phục hồi hình chữ V” là ông James Bullard, chủ tịch Ngân Hàng của tiểu bang St. Louis (St. Louis Federal Reserve President).
  • Dr. Nouriel Roubini (ông nổi danh với cái tên Dr. Doom nhưng ông muốn người ta gọi ông là “Dr. Realist”) là người đã báo trước chuyện thị trường địa ốc bị bể (housing bubble) năm 2006 và cuộc khủng hoảng tài chánh 12/2007-6/2009. Dr. Doom thì tiên đoán “L” shaped.
  • David Rosenberg, kinh tế gia nổi tiếng của Canada, người đã dự đoán chính xác cuộc khủng hoảng thị trường địa ốc năm 2006, cho rằng lần này không chỉ là “recession” mà là “depression” vì nó tệ hại gấp 10 lần cuộc khủng hoảng tài chánh (global financial crisis) 2008-2009.
  • Ông Gilles Moec, kinh tế trưởng của AXA Investment Managers Group thì tiên đoán “SWOOSH Recovery”.
  • Một người nữa cũng rất nổi tiếng là Warren Buffet thì tin rằng kinh tế sẽ phục hồi theo V-shaped.

Ngày 22/5/2020 Ngân Hàng Trung Ương Âu châu (European Central Bank) đã loại bỏ ý kiến cho rằng kinh tế sẽ phục hồi nhanh chóng theo dạng V-shaped. Hai biện pháp hữu hiệu nhất để giải quyết khủng hoảng kinh tế là tăng ngân sách chi tiêu (increase spending budget) và hạ lãi suất (lower interest rate) thì cả hai biện pháp này không dùng được nữa vì lãi suất đã quá thấp (US: 0 to 0.25%, Canada 0.25%, Europe nói chung 0%, Japan -0.10%), và ngân sách quốc gia bị thâm thủng khủng khiếp (USA budget deficit 2020: $3.8 trillion, Canada budget deficit 2020: C$252 billion), ngoài chuyện ngân sách thâm thủng USA và Canada còn nợ như chúa chổm (USA debt in 2020: $24.95 trillion, Canada debt in May/2020: 710 CAD Billion và có thể lên đến 1 CAD trillion vào cuối năm 2020). Những chi tiêu “kinh hồn” này để giúp cho kinh tế cầm hơi là những bẫy nợ mà con cháu chúng ta sẽ phải trả trong tương lai. Trên đời có ba cái khổ:

Thứ nhất vợ dại trong nhà,
Thứ nhì nhà dột, thứ ba nợ đòi.

Tuy nợ đứng hạng thứ ba nhưng là mối quan tâm rất lớn cho mọi người, ngoại trừ các chính phủ mị dân. Theo CBC News ngày 12/6/2020 thì tỉ lệ nợ trên lợi tức có thể tiêu dùng (debt to disposable income) của dân Canada là 176.9%, một con số đáng lo ngại. Vì tăng ngân sách chi tiêu và tăng lãi suất đã đến mức giới hạn nên các chính phủ phải dùng những chương trình kích thích (stimulus plans) tốn hàng trăm tỉ dollars, tuy những chương trình kích thích này có giúp kinh tế phục hồi nhưng đó là những “kích thích tố” (steroids) sẽ đưa đến những hậu quả tai hại về sau. Khi cuộc khủng hoảng tài chánh xảy ra năm 2008 thì lãi suất ở USA trên 5%, nay chỉ còn 0.25%, ở Canada trên 4.25%, nay chỉ còn 0.25%. Cuộc khủng hoảng kinh tế của Japan kéo dài từ 1990 đến nay mà vẫn chưa thoát ra được một phần lớn là vì lãi suất từ 1996 đến 2016 luôn luôn dưới 0.5% và từ 2016 đến nay là -0.10%.

Cuộc đại khủng hoảng (depression) lần này do đại dịch virus Vũ Hán gây ra khác hẳn các cuộc khủng hoảng trước đây, nên những kinh nghiệm trong quá khứ cũng không giúp gì được. Khủng hoảng lần này không do lòng tham hay sự gian trá của tài phiệt như năm 2008 và những lần trước đó, cũng không do lỗi lầm của các đại công ty, nên ban hành những luật lệ mới nghiêm khắc hơn càng làm cho kinh tế suy yếu. Thiệt hại lần này quá lớn so với các cuộc khủng hoảng trong quá khứ. Thất nghiệp ở USA tăng từ 4.6% (2007) lên 5.8% (2008), lên 9.3% (2009), lên 9.6% (2010) rồi giảm xuống, lần này chỉ trong vòng 6 tuần thất nghiệp tăng từ 3.5% (Feb/2020) lên 14.7% (Apr/2020) với số người thất nghiệp tăng từ 5.8 million trong tháng 2/2020 lên 20.5 million trong tháng 4/2020. Tình trạng thất nghiệp thê thảm này sẽ đưa đến cái vòng lẫn quẩn ác hại sau đây: thất nghiệp → lợi tức sút giảm → chi tiêu ít đi → các công ty bớt lời → cắt giảm giá thành → sa thải nhân công → thất nghiệp.

Nói đến sự thay đổi trong cuộc sống sau đại dịch virus Vũ Hán thì chắc là có nhiều, tốt hơn cũng có và tệ hại hơn cũng có. Với những người thích du lịch thì sẽ buồn nhiều hơn vui, xin nêu ra đây một số thay đổi ở các hotels. Nếu bạn lái xe tới hotel bạn sẽ thất vọng vì không có nhân viên đứng chờ để đem xe bạn đi đậu, nhiều hotels như  Hotel Crescent Court ở Dallas, Texas ngưng cung cấp dịch vụ valet parking. Những hotels khác còn valet parking thì họ tẩy trùng xe sau khi bạn bước ra khỏi xe, làm như xe của bạn dơ dáy, độc hại; bạn ngồi trong đó cả giờ trước không sao nhưng với nhân viên của hotel thì xe không đủ tiêu chuẩn vệ sinh. Nếu trước đại dịch virus Vũ Hán mà một hotel đối xử với bạn như vậy thì bạn thấy sao? Trước khi đi, bạn book hotel tử tế, đắt tiền một chút cũng chịu, để có một chuyến du lịch thú vị; nay đứng trước hotel với mấy cái luggages chờ nhân viên đến phụ đem vào thì không thấy ai ra giúp, bạn phải tự lo lấy vì có hotel như Camelback Resort ở Pennsylvania đã ngưng dịch vụ bell service này. Khi bước vào lobby bạn bị chận lại thì xin đừng nổi nóng, họ cần đo thân nhiệt của bạn để biết chắc là bạn không bị sốt, rôi họ buộc bạn phải rửa tay khô (use hand sanitizer), mang mask, và … đừng đến gần họ, phải giữ khoảng cách 2 thước! Còn check in thì sao? Có thể bạn không cần phải đến front desk để check in, nhiều hotels như The Wayfinder Hotel ở Newport, Rhode Island, để bạn check in ngay bên vỉa hè (curbside), trong khi những hotels lớn khác thì chuyển qua “digital keys” để cho khách dùng mobile phone check in, check out và trả tiền. Nếu bạn chỉ biết dùng mobile phone để gọi điện thoại, đọc email thì chắc bạn cần đi học một khóa về mở account và trả tiền. Với cách thức mới này thì khỏi phải dùng magnetic key cards, khách khỏi phải xếp hàng và tiếp xúc với nhân viên. Hilton cung cấp dịch vụ check-ins and check-outs này cho hơn 4,700 hotels của họ trên toàn thế giới. Nhân viên front desk chắc vẫn làm việc ở đó để hướng dẫn khách nhưng đứng sau màn chắn bằng kính, mang mask và gloves, nơi đây tuy ít dùng nhưng vẫn được lau chùi sạch sẽ nhiều lần trong ngày. Đi thang máy sẽ là một vấn đề, trọng tải của thang máy có thể 10, 15, hay 20 người nhưng mỗi lần chỉ được đi một gia đình hay nhóm nhỏ biết nhau và đi du lịch chung với nhau, Relais & Chateaux hotel chỉ cho dùng 30% trọng tải của thang máy, giới hạn số khách cho mỗi tầng. Khi đến phòng bạn sẽ ngạc nhiên, ở Hilton hotels thì cửa phòng được bao kín (seal) để biết rằng sau khi dọn dẹp sạch sẽ (clean & sanitize) thì chưa có ai vào trong đó. Vào trong phòng thì càng ngạc nhiên hơn vì thấy ít đồ hơn trước, những thứ khó tẩy trùng (disinfect) như gối trang trí, sổ ghi chép, bút v.v… không có. Ngay cả minibars cũng không có, thay vào đó là máy bán tự động ở phòng đón khách. Việc tiếp xúc giữa khách và nhân viên bị hạn chế rất nhiều, khách cần gì thì text cho nhân viên. Một trong những thay đổi quan trọng trong hotels là việc dọn dẹp phòng (housekeeping services), dọn dẹp và làm vệ sinh phòng thì kỹ hơn nhưng không làm hằng ngày mà chỉ làm sau khi khách trả phòng, hoặc khi khách yêu cầu. Khách muốn thay khăn tắm dùng rồi thì để trước cửa phòng, họ sẽ lấy đi và để lại khăn sạch (được bọc kín trong bao nylon) trước của phòng chứ họ không vào phòng. Nhiều hotels đóng cửa nhà hàng (restaurant) hoặc hạn chế số khách, hay chỉ bán thức ăn cho khách đem về phòng (grab-and-go). Thực đơn thì in trên giấy thường, dùng xong thì vất, hoặc dán trên tường, hay qua WiFi cho khách xem trên mobile phone. Những tiện nghi khác như hồ bơi (pool), phòng tập thể dục (gym) v.v… phải lấy hẹn mới được dùng. Chỉ mới nói những thay đổi về hotels là đã thấy ngao ngán rồi nên tôi sẽ chỉ lướt qua những thay đổi khác.

Đi máy bay cũng bị nhiều hạn chế, người thân hay bạn bè chở bạn đến phi trường thì họ phải để bạn xuống ở vỉa hè bên ngoài phi trường rồi họ phải đi về ngay chứ không được vào bên trong để tiễn đưa; khi đến nơi nếu có người ra đón thì họ chờ bạn bên ngoài phi trường, khi lấy hành lý xong thì bạn phải ra khỏi phi trường ngay chứ không được nấn ná trong đó.

Đi cruise thì không có buffets! Ông Michael Bayley, president và CEO của Royal Caribbean Cruises, cho biết rằng sẽ không có buffets khi Royal Caribbean trở lại trên biển.

Đi khám bệnh, đi cắt tóc v.v… thì có nơi phải ngồi chờ ở trong xe.

Và chuyện này nữa: lái xe đi xa vài trăm cây số thì nhớ mang theo cái bình có nắp đậy kín để đi tiểu trong xe. Ngày 29/5/2020 CTV News đăng tin Caroline Bergeron kể rằng một phụ nữ bị từ chối không cho dùng nhà vệ sinh ở một tiệm tạp hóa (grocery store), sau đó bà ta đã xin sáu nơi khác nhưng không nơi nào cho, dù bà hết sức năn nỉ, cuối cùng bà phải mua một cái bình (jar) ở một tiệm tạp hóa rồi vào xe đi tiểu vô cái bình đó. Chuyện này xảy ra ở thủ đô Ottawa của Canada! Trước đại dịch virus Vũ Hán thì chuyện “giải quyết bầu tâm sự” ở Canada rất dễ dàng, hầu hết các trạm xăng hay các tiệm fast food đều cho dùng nhà vệ sinh của họ dù không đổ xăng hay không mua thức ăn.

Tuy nhiên ngoài những thay đổi tiêu cực trên đây thì cũng có những thay đổi tích cực như:

  • Làm việc tại nhà, giảm bớt thời gian lái xe, môi trường sẽ tốt hơn.
  • Giáo dục qua Internet nên không cần xây thêm trường mà vẫn dạy được nhiều học sinh hơn.
  • Giá nhà ở trung tâm thành phố và ngoại ô bớt chênh lệch vì nhiều người làm việc tại nhà.
  • Nhiều người lớn tuổi sẽ mua thực phẩm, hàng hóa online và được giao tận nhà.
  • Thế giới sẽ thức tỉnh vì đã nhận ra sự gian manh, độc ác của Tàu qua vụ đại dịch virus Vũ Hán này.

Nói đến thay đổi của thế giới đối với Tàu thì có rất nhiều và hầu hết là những thay đổi rất tốt, có lợi cho nhân loại. Các quốc gia Tây phương đang duyệt lại những liên hệ mậu dịch với Tàu để giảm bớt lệ thuộc vào nguồn vật liệu của Tàu, kiểm soát chặt chẽ hơn phẩm chất của hàng hóa Tàu. Khối Tây phương đã nhận thức được rằng mấy chục năm qua Tàu đã độc quyền phân phối hàng hóa và vật liệu cho họ, USA và các quốc gia Tây phương đang chỉ trích ưu thế này của Tàu vì nó sẽ đặt họ vào tình huống suy nhược, dễ bị tấn công. Theo ông Dali Yang, nhà khoa học chính trị của Đại Học Chicago, thì nhiều quốc gia đang nghĩ đến sự nguy hiểm khi đặt hết những quả trứng vào một giỏ, và đang giảm bớt sự lệ thuộc vào Tàu. USA đã lệ thuộc vào Tàu quá nhiều về thuốc men (medicines), theo New York Times thì các công ty dược phẩm của Tàu đã cung cấp hơn 90% antibiotics, ibuprofen và hydrocortisone, và sản xuất phần lớn những thuốc men thiết yếu cho USA. Australia ở gần Tàu và xa Âu châu, Bắc Mỹ nên buôn bán với Tàu rất nhiều, do đó bị thiệt hại nặng nề nhất; nhưng sau đại dịch Vũ Hán này thì Australia đã can đảm tìm mọi cách thoát Tàu. Australia đã thúc đẩy mạnh mẽ việc mở một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của virus Vũ Hán và trách nhiệm của Tàu trong việc bưng bít tin tức để cho virus Vũ Hán lan truyền khắp thế giới.

Hiện nay nhiều quốc gia Tây phương (trong đó có Canada, Italy, Spain và Germany), đã ở trong tiến trình tránh xa Tàu, khởi đầu bằng cách siết chặt luật đầu tư nhằm hạn chế các công ty quốc doanh của Tàu mua những công ty của họ, chuyển các nhà máy sản xuất từ Tàu sang những nước khác. Lo ngại 5G Internet của Huawei sẽ làm gián điệp cho Tàu, thu thập tin tức quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, một số nước Tây phương như USA, Australia, New Zealand, Netherland, Japan, không cho Huawei thiết lập hệ thống 5G trong xứ họ. Một biện pháp khác là gạt các công ty quốc doanh của Tàu ra khỏi các thỏa ước mậu dịch hay buộc các công ty này phải tuân theo những tiêu chuẩn về tài chánh, kế toán, về quyền riêng tư, về báo cáo minh bạch ở các nước Tây phương.

Trường Y Khoa của Đại học Harvard đã dùng hình ảnh Satellite chụp các bãi đậu xe của 6 bệnh viện ở Vũ Hán để ước tính số bệnh nhân và tìm trên website Baidu của Tàu số lượng người mắc bệnh ho (cough) và tiêu chảy (diarrhea) từ tháng 4/2017 đến tháng 5/2020, những dữ kiện tìm được cho thấy rằng số bịnh nhân tăng cao từ tháng 8/2019 đến tháng 12/2019. Năm trong sáu bệnh viện cho thấy số bệnh nhân cao nhất giữa tháng 9/2019 và tháng 10/2019. Đây là một nghiên cứu rất gía trị cho thấy Tàu cố tình che dấu, trì hoãn tin tức về virus Vũ Hán và Cơ quan Y tế Thế giới (WHO) đã bị Tàu sai khiến.

Mong rằng sau khi thấy rõ bản chất gian manh, tàn ác, khả năng thao túng Liên Hiệp Quốc và tham vọng thống trị thế giới của Tàu thì các quốc gia Tây phương tiếp tục duy trì các biện pháp trên đây và đoàn kết với nhau để chận đứng sự bành trướng của Tàu, đem đến cuộc sống nhân bản, phồn vinh và an bình cho thế giới.

Trần Phố Hội
(Đặc San Lâm Viên)
Tháng 6/2020

Tài liệu tham khảo:
https://www.cbc.ca/news/business/statistics-canada-debt-1.5609510
https://www.statista.com/statistics/193290/unemployment-rate-in-the-usa-since-1990/
https://ottawa.ctvnews.ca/ottawa-woman-urinates-in-jar-after-denied-washroom-access-1.4961084
https://ktla.com/news/nationworld/u-s-federal-reserve-commits-to-maintaining-stimulus-plan-until-economy-has-weathered-recent-events/
https://www.weforum.org/agenda/2020/04/alphabet-soup-how-will-post-virus-economic-recovery-shape-up/
https://www.coindesk.com/why-warren-buffetts-bearishness-should-end-v-shaped-recovery-talk
https://www.marketwatch.com/story/coming-recession-will-be-nastier-than-2001s-economist-says
https://en.wikipedia.org/wiki/Recession_shapes
https://www.bls.gov/opub/ted/2020/19-point-2-percent-of-the-unemployed-had-been-jobless-for-27-weeks-or-more-in-february-2020.htm

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*