Dùng Điện Thoại Android Cũ Làm Màn Hình Hiển Thị Thêm Khi Xài PC

Remote System Monitor giúp một chiếc điện thoại (hoặc tablet) Android cũ biến thành một màn hình riêng biệt. (Hình: solarrights.org)

GARDEN GROVE, California (NV) – Bạn đang làm việc, đang chơi game… nhưng muốn xem nhiệt độ của các linh kiện, tốc độ quạt, mức độ load của CPU và GPU… mà chỉ có một màn hình máy tính thì phải làm gì?

Để giải quyết vấn đề này, người ta thường trang bị thêm màn hình thứ hai cho máy tính. Nhưng nếu bạn có một chiếc điện thoại (hoặc tablet) Android cũ vứt đâu đó thì hãy thử biến nó thành một màn hình riêng biệt luôn hiển thị các thông số hệ thống của PC từ khi mở máy đến khi tắt máy, còn gì thú vị hơn với một thứ bỏ đi như vậy chứ?

Bạn có thể thực hiện việc này khá dễ dàng nhờ vào software Remote System Monitor của Trigone và làm theo hướng dẫn dưới đây.

1- Cài đặt trên điện thoại và PC

Đầu tiên, bạn vào Play store để download và cài đặt Remote System Monitor (phiên bản chạy trên điện thoại).

Sau khi cài đặt, bạn sẽ nhận được đường link để tải và cài đặt Remote System Monitor Server (phiên bản chạy trên PC) lên PC của bạn, hoặc bạn chạy Remote System Monitor rồi mở Settings và chọn mục Get server software, hoặc bạn dùng trình duyệt vào địa chỉ www.trigonesoft.com/index.php/download

Sau khi cài đặt Remote System Monitor Server, bạn sẽ được yêu cầu đặt password cho kết nối giữa điện thoại và PC để bảo đảm an toàn.

2- Kết nối – Tab Server

Bạn chạy Remote System Monitor trên điện thoại rồi bấm lên tên máy tính dò tìm được trong tab Server của màn hình chính. Kế tiếp, bạn phải nhập password đã thiết lập trên máy PC để hoàn tất kết nối.

Sau khi kết nối, tab Server của màn hình chính hiển thị ba tab con, trong đó tab Main hiển thị dạng số liệu, tab Graph hiển thị dạng đồ thị. Chúng cho phép bạn theo dõi rất nhiều thông số như: nhiệt độ, tần số, điện thế, dữ liệu chuyển giao, mức độ hoạt động của CPU, GPU, memory, motherboard, hard drives, network/wireless; tốc độ của các quạt giải nhiệt trong hệ thống… và các thông tin về BIOS.

Miễn là điện thoại Android này và PC cùng kết nối chung một mạng thì điện thoại sẽ lấy thông số liên tục từ máy tính và hiển thị trên màn hình. Lưu ý: Điện thoại sẽ hiển thị quảng cáo nếu bạn dùng phiên bản miễn phí. Nếu bạn donate $1, bạn sẽ không bị quảng cáo và sử dụng được các chức năng nâng cao (có dấu * trong menu Settings).

3- Đồng bộ màn hình điện thoại với PC

Để màn hình điện thoại hoạt động đồng bộ với việc tắt mở máy tính, bạn làm như sau:

– Cắm dây sạc cho điện thoại từ cổng USB của máy tính đồng thời thiết lập trong BIOS của máy tính là tắt điện cổng USB khi tắt nguồn (Shut down). Tùy theo phiên bản BIOS của máy mà bạn có thể tắt (disable) các mục như: Always On USB, Wake by USB, Power on by keyboard, Power on by mouse, USB Charge Technology…

– Đồng thời, bạn thiết lập cho điện thoại luôn bật khi sạc nhưng sẽ tự tắt sau 15 giây không hoạt động bằng cách vào Settings → About rồi bấm 7 lần lên mục Build number để cho hiệu lực mục lựa chọn Developer trong menu Settings.

– Kế tiếp, bạn vào Settings → System → Advanced rồi bấm lên mục Developer Options và gạt nút Stay awake sang On (màu xanh).

– Sau đó, bạn quay lại Settings → Display → Advanced rồi bấm lên mục Screen timeout và chọn 15 seconds.

Lưu ý: Điện thoại có thể khá nóng khi màn hình luôn sáng trong thời gian dài nên bạn cần chú ý vấn đề giải nhiệt cho điện thoại.

4- Ẩn/hiện các mục cần theo dõi của PC

Khi bạn bấm lên một mục bất kỳ trong tab Main, bạn sẽ thu gọn hay mở rộng các thành phần có trong mục đó.

Khi bạn bấm và giữ lên một mục bất kỳ trong tab Main, bạn sẽ thấy xuất hiện danh sách  các thành phần có trong mục đó để bạn đánh dấu chọn (hiện) hay bỏ dấu chọn (ẩn).

Khi bạn bấm lên một đồ thị bất kỳ trong tab Graphs, bạn sẽ được chuyển qua tab Detail để có thể chọn ẩn hay hiện các thành phần có trong mục đó.

Khi bạn bấm và giử lên một mục bất kỳ trong tab Graphs, ngoài việc chọn các mục trong danh sách tương tự như tab Main bạn còn có thể di chuyển lên xuống các mục này.

5- Tạo Widget – Tab Dashboard

Widget giúp bạn theo dõi một vài thông số hệ thống quan trọng dể dàng và đẹp mắt hơn nhờ kết hợp nhiều hình thức đồ họa.

– Trong màn hình chính của app, bạn chọn tab Dashboard rồi bấm nút + phía dưới. Kế tiếp, bạn gõ tên cho kết nối và bấm nút Save trong hộp New Dashboard. Sau đó, trong menu Settings của Dashboard mới tạo, bạn bấm lên mục Add server… rồi bấm lên tên máy tính cần kết nối trong danh sách.

– Trở lại menu Settings của Dashboard đã tạo, bạn bấm lên mục Add widget rồi chọn Gauge trong menu Select widget type, tiếp đó gõ tên widget vào khung Title và bấm nút + bên dưới.

– Trong cửa sổ Sensor configuration bạn gõ tên sensor vào khung Name (hoặc bỏ trống để tự động lấy theo tên của sensor) rồi bấm nút Select Sensor để chọn sensor tương ứng trong cửa sổ tiếp đó.

– Bạn nhớ chọn màu cho sensor này nếu bạn tạo nhiều sensor trong một widget để dễ phân biệt và chọn các thông số giới hạn cho sensor. Sau cùng, bạn bấm nút Back để quay lại cửa sổ Configure widget rồi bấm nút Close để kết thúc.

Theo cách trên, bạn có thể tạo nhiều widget với nhiều dạng thức khác nhau và mỗi widget có tối đa ba sensor.

Bạn có thể thay đổi widget bất kỳ bằng cách bấm và giử một chút lên widget, bạn cũng có thể thay đổi kích thước và vị trí của widget bằng cách chọn mục Arrange widgets trong menu Settings của Dashboard.

Nếu bạn tận dụng tablet android có kích cỡ từ 7 inch trở lên thì màn hình hiển thị thông tin hệ thống càng tuyệt vời hơn nữa.

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*