Nguyễn Đình Thắng: Những Điều Ít Ai Biết Về Chương Trình ROVR – Một Số Việc Làm Của Ông Lê Xuân Khoa

Đổi trắng thay đen: Phản bội thuyền nhân rồi khoe công giải cứu họ

Ngày 22 tháng 5 vừa qua, Ông Lê Xuân Khoa phổ biến bài viết tiếp theo một bài trước đó đã được đăng ở một số báo điện tử như VOA, Sàigòn Nhỏ và Việt Báo nhân dịp kỷ niệm 30 tháng 4. Hai bài viết này, giống như quyển sách mà Ông Khoa đã xuất bản trước đây, mang nhiều chi tiết không chỉ sai lệch mà còn là ngược ngạo về vai trò của ông ấy trong sự tranh đấu cho thuyền nhân và đặc biệt về chương trình ROVR.

Ông Khoa là cựu Giám Đốc Điều Hành của tổ chức SEARAC (Southeast Asia Resource Action Center) mà trước đó có tên là IRAC (Indochina Resource Action Center). Trong vai trò ấy, Ông Khoa đã tận tuỵ bảo vệ kế hoạch CPA của LHQ và liên tục chống phá nỗ lực của chúng tôi để thay thế nó bằng một chương trình theo tiêu chuẩn của Hoa Kỳ.

Kế Hoạch CPA và Chương Trình ROVR

Kế hoạch CPA (Comprehensive Plan of Action, hay Kế Hoạch Hành Động Toàn Diện) được hình thành năm 1989 dưới sự điều hợp của Cao Uỷ Tị Nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) và được hầu hết các quốc gia tạm dung và quốc gia định cư tham gia. BPSOS và nhiều tổ chức bảo vệ người tị nạn đã lên án các bất công và bê tha trong tiến trình duyệt xét tư cách tị nạn (thanh lọc) trong kế hoạch CPA, dẫn đến nguy cơ nhiều chục nghìn thuyền nhân bị cưỡng bách hồi hương về nơi họ bị ngược đãi.

Chương trình ROVR, viết tắt của Resettlement Opportunity for Vietnamese Returnees, là kết quả của cuộc vận động của chúng tôi để Hoa Kỳ can thiệp và thay thế kế hoạch CPA bằng một chương trình của Hoa Kỳ, công bằng hơn, nhân đạo hơn. Cuộc vận động của chúng tôi được Dân Biểu Christopher Smith (Cộng Hoà, New Jersey) yểm trợ bằng hành động lập pháp.
Ông Khoa đã tận tuỵ chống lại các nỗ lực của chúng tôi và DB Smith.

Đạo Luật H.R. 1561

Sau nhiều buổi họp với chúng tôi, sau khi gửi nhân viên lập pháp đến các trại tạm dung và sau khi đích thân thị sát tình cảnh của thuyền nhân ở Hồng Kông, ngày 3 tháng 5, 1995 DB Smith đưa vào Luật Chuẩn Chi Ngân Sách cho Bộ Ngoại Giao năm 1996-1997 Điều 1104 với 2 điểm chính: (1) Cấm Bộ Ngoại Giao dùng ngân sách do Quốc Hội cấp để tài trợ cưỡng bức hồi hương thuyền nhân; (2) Cấp ngân khoản để định cư thuyền nhân vào Hoa Kỳ theo tiêu chuẩn tị nạn của Hoa Kỳ.
Xem: https://www.congress.gov/104/bills/hr1561/BILLS-104hr1561enr.pdf

H.R. 1561 được Hạ Viện thông qua ngày 8 tháng 6, 1995 với tỉ số 266-156, rồi được Thượng Viện thông qua ngày 14 tháng 12, 1995 với tỉ số 82-16. Dự thảo luật này làm khựng kế hoạch CPA vì các quốc gia tạm dung trông chờ UNHCR tài trợ cưỡng bức hồi hương, còn UNHCR thì dựa vào ngân sách viện trợ hàng năm của Hoa Kỳ. Không tiền thì cưỡng bức hồi hương phải đình chỉ.
Xem lịch trình lập pháp của H.R. 1561 tại: https://www.congress.gov/bill/104th-congress/house-bill/1561/actions?KWICView=false

2 buổi điều trần liên tiếp

Sau khi Hạ Viện đã thông qua H.R. 1561, DB Smith, lúc ấy là Chủ Tịch Tiểu Ban Nhân Quyền và Hoạt Động Quốc Tế của Uỷ Ban Đối Ngoại, tổ chức 2 buổi điều trần chỉ cách nhau 2 ngày.

Buổi thứ nhất, ngày 25 tháng 7, 1995, có mục đích đánh giá mức sai phạm trong kế hoạch CPA cả về thanh lọc và sự an toàn cho thuyền nhân hồi hương. Thành phần điều trần gồm 2 nhóm. Nhóm bảo vệ CPA có đại diện của Bộ Ngoại Giao và Phó Chủ Tịch của World Learning Inc. (WLI). Nhóm kêu gọi xoá bỏ CPA và thay vào đó là chương trình riêng của Hoa Kỳ gồm có tôi, Luật sư Daniel Wolf đại diện LAVAS (tổ chức do BPSOS sáng lập), Ông Shep Lowman đại diện Hội Đồng Công Giáo Hoa Kỳ, và Luật sư Pam Baker đến từ Hồng Kông.
Xem hồ sơ Quốc Hội về buổi điều trần: https://chrissmith.house.gov/uploadedfiles/1995.07.25_indochinese_refugees_-_comprehensive_plan_of_action.pdf

Kết luận của buổi điều trần là kế hoạch CPA đầy dẫy bất công, và hàng nghìn cựu đồng minh của Hoa Kỳ, các nạn nhân của sự bách hại tôn giáo, và các đối tượng của sự đàn áp chính trị chỉ trong vài tháng sẽ bị cưỡng bức về Việt Nam.

Buổi thứ hai, ngày 27 tháng 7, gồm 3 tham luận đoàn: (1) các chuyên gia về lĩnh vực tị nạn, (2) các nhân chứng về sự bê tha trong kế hoạch CPA (bao gồm tống tình và tống tiền không chỉ bởi nhân viên di trú của quốc gia sở tại mà còn có cả luật sư UNHCR), (3) nhóm đề nghị giải pháp thay cho kế hoạch CPA gồm “bộ tứ” (tôi, Ls Wolf, Ông Lowman và Ls Baker) đã điều trần ngày 25 tháng 7. Giải pháp mà chúng tôi đề nghị trở thành khung sườn cho chương trình ROVR sau này.
Xem: https://chrissmith.house.gov/uploadedfiles/1995.07.27_comprehensive_plan_of_action_for_indochinese_asylum_seekers.pdf

Ngoài ra, trước đó 1 tuần DB Smith còn tổ chức buổi tường trình (briefing) mà chỉ có nhóm chúng tôi trình bày cho các dân biểu và nhiều giới chức chủ chốt của Bộ Ngoại Giao có mặt để lắng nghe. Vì đây là buổi tường trình kín nên không có trong hồ sơ Quốc Hội.

Ông Lê Xuân Khoa hoàn toàn bị gạt ra ngoài các cuộc điều trần và tường trình này vì DB Smith và các đồng viện biết rõ việc Ông Khoa rắp tâm chống phá giải pháp mà chúng tôi đề xuất và được họ ủng hộ.

Rắp tâm chống phá lần 1

Sát ngày Hạ Viện biểu quyết H.R. 1561 Ông Khoa lên tiếng phản đối trên tờ Washington Post. Báo này thuật lại quan điểm của Ông Khoa: “Bất kỳ đòi hỏi nào cho họ [thuyền nhân] được tái phỏng vấn theo quy định của dự thảo luật của Hạ Viện đều sẽ chỉ tạo nên ‘những phản ứng’ mạnh ở Hồng Kông và Thái Lan, là các quốc gia tạm dung không đón chào người tị nạn.”
“Chúng ta phải tránh gây bạo động và thiệt mạng,” Ông Khoa nói. “Giải pháp tốt nhất cho họ là quay về Việt Nam, như 70 nghìn người đã hồi hương, và nộp đơn xin xuất cảnh từ đó.”
Xem: https://dvov.org/wp-content/uploads/2020/05/Washington-Post-article.pdf

Bài báo Washington Post ngày 24 tháng 5, 1995

Lúc ấy, chương trình HO đã đóng và chương trình ROVR chưa ra đời. Hồi hương để nộp đơn xin xuất cảnh từ Việt Nam là chuyện hoàn toàn không thể đối với những người bị đàn áp.

Sau đó ít lâu, văn phòng của DB Smith hỏi tôi là có biết về một người Mỹ gốc Việt tự giới thiệu là “Tiến Sĩ Lê Xuân Khoa” đã tiếp xúc một số văn phòng dân biểu để vận động họ chống lại Điều 1104 không. Tôi chia sẻ những gì tôi biết.

Ngày 8 tháng 6, khi Hạ Viện tranh luận về Điều 1104, Dân Biểu Doug Bereuter (Cộng Hoà, Nebraska) trưng dẫn lá thư của Ông Khoa để thuyết phục các đồng viện là ngay một người Việt Nam làm Giám Đốc Điều Hành của SEARAC cũng chống. DB Bereuter chủ trương bảo vệ kế hoạch CPA. May hôm trước, văn phòng DB Smith đã báo cho tôi biết về bức thư của Ông Khoa, và chỉ trong nửa ngày chúng tôi đã vận động trên 30 tổ chức người Việt, tổ chức tôn giáo, và tổ chức cựu chiến binh Hoa Kỳ viết thư ủng hộ Điều 1104. DB Smith dùng thư này để dập tắt lập luận của DB Bereuter. Dự thảo luật được Hạ Viện thông qua với số phiếu 266-156.

Một chi tiết khôi hài là, khi thủ tục bỏ phiếu bắt đầu thì văn phòng DB Smith nhận được fax của Ông Khoa bày tỏ sự ủng hộ cho Điều 1104. Tờ fax này hoàn toàn vô giá trị vì đã xong phần tranh luận. Có lẽ Ông Khoa ngả theo chiều gió khi thấy số phiếu ủng hộ Điều 1104 đang tăng nhanh.

Rắp tâm chống phá lần 2

Dự thảo luật H.R. 1561 được chuyển lên Thượng Viện.
Đầu tháng 7, TNS Frank Lautenberg hướng dẫn phái đoàn Thượng Viện đến Việt Nam ngay trước khi Hoa Kỳ và Việt Nam chính thức bình thường hoá quan hệ bang giao. Trưởng văn phòng của SEARAC ở Việt Nam, Ông Nguyễn Hữu Thu, cùng đại diện của 4 tổ chức Mỹ hoạt động ở Việt Nam gặp phái đoàn và kêu gọi TNS Lautenberg “giết” Điều 1104 khi Thượng Viện bỏ phiếu về H.R. 1561. Cả 5 tổ chức này, trong đó có SEARAC, thuộc nhóm Consortium đang lãnh cấp khoản của BNG để tái hội nhập thuyền nhân hồi hương. Tổ chức WLI đứng đầu Consortium này và vị phó chủ tịch của WLI phản bác giải pháp đề nghị của chúng tôi tại buổi điều trần ngày 25 tháng 7.

Ngày 10 tháng 7, sau khi phái đoàn Thượng Viện về lại Hoa Kỳ, nhóm Consortium đánh fax đến văn phòng của TNS Lautenberg để nhắc lại các điểm đã được nêu lên tại buổi họp ở Việt Nam: Điều 1104 kích thích bạo động ở các trại tạm dung, ảnh hưởng xấu đến việc bình thường hoá quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, tất cả 43 nghìn thuyền nhân còn ở các trại tạm dung đều đã được cứu xét kỹ lưỡng về tư cách tị nạn, v.v. Họ xin Thượng Viện cấp thêm ngân sách cho chương trình tái hội nhập thuyền nhân hồi hương.

Chúng tôi may mắn có được bản fax này nên biết được rắp tâm của Ông Khoa là giết Điều 1104 ở Thượng Viện sau khi thất bại ở Hạ Viện.
Xem: https://dvov.org/wp-content/uploads/2020/05/Nguyen-Huu-Thu-SEARAC-Memo.pdf

Bản fax của SEARAC và 4 tổ chức trong Consortium gửi TNS Lautenberg, ngày 10 tháng 7, 1995

Tại sao có 2 buổi điều trần liên tiếp?

Việc DB Smith tổ chức 2 buổi điều trần liền nhau sau khi dự thảo luật đã được Hạ Viện thông qua là không bình thường. Chính DB Smith xác nhận như vậy trong lời mở đầu buổi điều trần ngày 25 tháng 7.

Một lý do cho điều bất thường này là sự phát hiện bản fax của SEARAC và các tổ chức trong Consortium kể trên. Hồ sơ của 2 buổi điều trần chính là chứng cứ để thuyết phục các thượng nghị sĩ về các sai sót đến độ bê tha và nguy hiểm trong kế hoạch CPA trước khi họ biểu quyết H.R. 1561.
Nhờ vậy, Điều 1104 được giữ nguyên khi Thượng Viện thông qua H.R. 1561 ngày 14 tháng 12.
Ông Khoa lần nữa thất bại.

Vô hiệu hoá lá bài Lê Xuân Khoa

Trong nhóm Consortium, Ông Khoa là thành phần nguy hiểm nhất vì là người Việt Nam. Bộ Ngoại Giao dưới Hành Pháp Clinton đã sử dụng lá bài này một cách tận tình để đối phó với Quốc Hội, lúc ấy đang ủng hộ chúng tôi.

Ngay sau 2 buổi điều trần, DB Smith gửi văn thư chính thức yêu cầu Tổng Thanh Tra của Bộ Ngoại Giao điều tra Ông Khoa và SEARAC về hành vị khai gian lý lịch để xin cấp khoản liên bang: Ông Khoa khai gian mình là Tiến Sĩ trong đơn xin cấp khoản của Bộ Ngoại Giao. Đấy là tội hình sự.

Khi bị điều tra, Ông Khoa giải thích rằng người khác quý mến nên gắn danh hiệu tiến sĩ, dù rằng ông ta phản đối. Nhưng giải thích như vậy không ổn vì chính Ông Khoa đã ghi mình là Tiến Sĩ trong bản lý lịch (résumé) gửi kèm đơn xin cấp khoản.

Có lẽ mục đích của DB Smith không là truy tố hình sự Ông Khoa hay SEARAC mà chỉ là vô hiệu hoá lá bài tẩy của Bộ Ngoại Giao. Quả vậy, sau đó Bộ Ngoại Giao đã ngưng sử dụng lá bài tẩy này.

Sự ra đời của Chương Trình ROVR

Ngày 12 tháng 4, 1996 Tổng Thống Clinton phủ quyết Điều 1104 của Luật H.R. 1561. Tuy nhiên, bù lại Toà Bạch Ốc cử Ông Eric Schwarts, Cố Vấn Đặc Biệt về Nhân Quyền của Tổng Thống, “thuyết phục” Bộ Ngoại Giao hợp tác với DB Smith và chúng tôi để hình thành giải pháp có tên là ROVR. Ông Schwartz, khi là phụ tá lập pháp của DB Steven Solarz (Dân Chủ, New York), đã cùng với chúng tôi tranh đấu cho thuyền nhân Việt Nam trong những năm 1988-1993.

Khi chương trình ROVR được công bố ngày 22 tháng 4, 1996 thì thời điểm hiệu lực được tính lùi về ngày 1 tháng 10, 1995, tức là ngày mà Điều 1104 của H.R. 1561 sẽ có hiệu lực nếu không bị phủ quyết bởi Tổng Thống Clinton. Đấy là chỉ dấu rõ ràng nhất cho thấy ROVR là xuất phát từ Điều 1104 của H.R. 1561, chứ chẳng phải là khu vực xám hoặc Track II theo truyện kể của Ông Khoa.

Giải pháp khu vực xám và Track II

Giải pháp khu vực xám (gray area) mà Ông Khoa đưa ra, chẳng được ai đáp ứng, kể cả Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ.

Theo đó, Ông khoa đề nghị là Hoa Kỳ dàn xếp với UNHCR để cứu xét định cư một số nhỏ những người thuộc thành phần cựu quân cán chính Việt Nam Cộng Hòa, cựu nhân viên sở Mỹ, tu sĩ các tôn giáo, các bộ nhân Dong Rek, và một số trường hợp nhân đạo. Giải pháp này ủng hộ kế hoạch CPA và chỉ xin sự biệt đãi theo thành phần cho một số rất ít thuyền nhân. Trong khi đó, chúng tôi chủ trương xoá bỏ kế hoạch CPA và thay vào đó là chương trình riêng của Hoa Kỳ, đó là ROVR.

Giải pháp Track II (Lộ Trình 2) do Bộ Ngoại Giao đề ra năm 1994 trước áp lực của DB Smith và các tổ chức bảo vệ người tị nạn. Qua đó, BNG hứa chuyển các hồ sơ mà chúng tôi cho là bị “thanh lọc” bất công để đề nghị UNCHR tái xét. Tổng cộng chúng tôi gửi 550 hồ sơ, trên 95% do BPSOS và LAVAS (do BPSOS thành lập) cung cấp. BNG chỉ chọn ra 48 hồ sơ và UNHCR chỉ tái xét và công nhận tư cách tị nạn cho 2 hồ sơ. Tỉ lệ 2 trên 550 là tình trạng cười ra nước mắt cho thuyền nhân nếu chấp nhận Track II.

Tại buổi điều trần ngày 25 tháng 7, tôi giải thích về sự thất bại của Track II (trang 61 của hồ sơ Quốc Hội) từ góc độ khác. Trong số 550 hồ sơ, tôi cố tình gài 2 hồ sơ để làm phép thử — cả 2 hồ sơ này đã được UNHCR công nhận tư cách ti nạn do chúng tôi can thiệp chứ không phải chờ sự can thiệp của BNG. Trớ trêu là cả 2 hồ sơ đều không nằm trong số 48 hồ sơ mà BNG chọn để chuyển cho UNHCR. Khi tôi hỏi vì sao thì BNG trả lời rằng những người này có thể trở về Việt Nam một cách an toàn – một người trong đó là tu sĩ thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, lúc ấy đang bị bách hại nặng nề ở trong nước. BNG không biết là chính UNHCR đã kết luận ngược lại khi công nhận tư cách tị nạn của 2 hồ sơ này. Điều này cho thấy Track II là vô dụng.

Track II khác với giải pháp “khu vực xám” của Ông Khoa ở chỗ không dựa vào thành phần. Tuy nhiên cả 2 có cùng mục đích là chứng minh rằng mọi sai sót trong kế hoạch CPA đã được giải quyết thoả đáng, và mở đường cho cưỡng bức hồi hương.

Một vài chi tiết nhỏ

Trong bài viết ngày 22 tháng 5 và bài viết cho ngày 30 tháng 4, Ông Khoa nhắc đến sự kiện tôi rút ra khỏi CPA Task Force chỉ sau vài tháng tham gia. Đúng vậy, tôi chẳng phải mất quá nhiều thời gian để thấy ra rằng cái task force này sẽ chẳng đi đến đâu mà chỉ là chạy theo kế hoạch CPA. Tôi chọn tìm một giải pháp ngoài kế hoạch CPA và rất may mắn đã gặp DB Smith cùng ý nghĩ.

Trong bài viết cho ngày 30 tháng 4, Ông Khoa khẳng định rằng năm 1995 BPSOS đã ngưng hoạt động bảo vệ đồng bào thuyền nhân, ngụ ý là BPSOS không đóng góp gì cho việc hình thành chương trình ROVR năm 1996. Ông Khoa đã nói sai. BPSOS đã đóng góp cho việc hình thành chương trình ROVR năm 1996 và tiếp tục vận động Hoa Kỳ áp lực Việt Nam thi hành ROVR như đã cam kết. BPSOS duy trì văn phòng ở Philippines đến năm 2000 và tiếp tục vận động nới rộng chương trình ROVR cho số cựu thuyền nhân còn kẹt ở đấy; chẳng bao lâu sau đó BPSOS đã đưa luật sư đến Malaysia và Thái Lan để giúp đồng bào chạy sang 2 quốc gia này lánh nạn. Và chúng tôi vẫn tiếp tục hiện diện ở Thái Lan đến ngày hôm nay.

Trong bài viết ngày 22 tháng 5, Ông Khoa nêu thắc mắc về các con số định cư theo chương trình ROVR. Theo con số do Sở Di Trú báo cáo cho DB Smith thì trên 19,000 thuyền nhân hồi hương được phỏng vấn và trên 18,000 người được nhận định cư. Ngoài ra, có một số không nhỏ những người đã hồi hương trước hoặc sau ngày hiệu lực của chương trình ROVR đã được DB Smith và chúng tôi can thiệp và họ được âm thầm định cư theo chương trình P1. Chưa kể một số không nhỏ những người hồi hương đã được Hoa Kỳ nhanh chóng giải quyết định cư đoàn tụ gia đình nội trong vòng vài tháng, trước cả khi chương trình ROVR được áp dụng ở Việt Nam, cũng do chúng tôi và DB Smith vận động. Dĩ nhiên Ông Khoa không biết gì về các con số này.

Ông Khoa còn khoe là đã can thiệp cho các đồng bào ở trại đường bộ Dong Rek chỉ vì đã nhắc đến trong đề nghị “khu vực xám”. Đề nghị “khu vực xám” chẳng được ai hưởng ứng, cho nên không thể nhận vơ. Tôi có đầy đủ tài liệu chứng minh là BPSOS đã phối hợp với Hội Đồng Công Giáo Hoa Kỳ để lập danh sách từng đồng bào ở Dong Rek và can thiệp cho họ được thoát “thanh lọc” theo kế hoạch CPA và được định cư toàn bộ vào Hoa Kỳ. Tôi còn nhớ ít lâu sau Ông Khoa có ra thông báo nhận công lao cho việc này.

Các đồng bào bộ nhân được can thiệp để thoát “thanh lọc” dưới kế hoạch CPA và định cư tị nạn vào Hoa Kỳ

Kết luận

Chương trình ROVR ra đời là do sự hợp tác giữa Toà Bạch Ốc và Quốc Hội mà khởi điểm là đạo luật H.R. 1561. Khung sườn cho chương trình này đã được “bộ tứ” chúng tôi phác thảo tại buổi điều trần ngày 27 tháng 7, 1995. Ông Khoa đã rắp tâm phá hỏng nỗ lực của DB Smith và chúng tôi hết từ Hạ Viện lên đến Thượng Viện. Đối với nhiều cựu thuyền nhân, họ xem đấy là sự phản bội nghiêm trọng.

Tôi đã thấy một số người không làm nhưng nhận vơ. Ông Khoa thì đi xa hơn, là người đã tận tuỵ chống lại giải pháp của chúng tôi nhưng khi thất bại thì lại quay ra nhận ROVR là công lao của mình. Ông Khoa viết cả sách để đổi trắng thay đen. Ngày 30 tháng 4 vừa qua, Ông Khoa gửi bài đến nhiều trang báo điện tử với cùng mục đích. Cách đây vài hôm, Ông Khoa leo thang với bài viết về chương trình ROVR gồm những lời giải thích ngược ngạo.

Bất quá tam. Tôi viết bài này để trình bày những điều ít ai biết về việc làm của Ông Khoa trong giai đoạn đen tối nhất của đồng bào thuyền nhân. Ai muốn đọc thêm chi tiết thì có thể đọc bài của Nguyễn Duy, đăng trên báo Diễn Đàn Tự Do ở vùng thủ đô Hoa Kỳ ngày 23 tháng 3, 1996. Nguyễn Duy là bút danh của Ông Nguyễn Tự Cường, một người đã quá cố.
Xem: https://dvov.org/wp-content/uploads/2020/05/Bai-cua-Nguyen-Duy.pdf

Và quý vị cũng có thể nghiên cứu các hồ sơ của Quốc Hội Hoa Kỳ theo những đường link mà tôi đã ghi sẵn. Các hồ sơ này khá dầy và có nhiều chi tiết sẽ làm sáng tỏ thêm vấn đề. Một điểm mà người đọc lướt qua cũng có thể ghi nhận: không hề có bóng dáng của Ông Khoa tại các buổi điều trần quan trọng này.

Nhân đây tôi yêu cầu các trang điện tử đã lỡ đăng bài trước đây của Ông Lê Xuân Khoa nhân dịp 30 tháng 4 năm nay thì nay cần điều chỉnh: hoặc đăng bài này của tôi ở vị trí tương xứng để tôn trọng nguyên tắc cân bằng khi đưa tin, hoặc rút bài của Ông Khoa kèm với lời công bố rút bài gửi cho độc giả và gửi cho tôi.

Ts. Nguyễn Đình Thắng
Ngày 25 tháng 5, 2020
http://machsongmedia.com

Thông tin liên quan:
Phát biểu của DB Smith về chương trình ROVR và những đóng góp của BPSOS:
https://www.youtube.com/watch?v=mEqTkl-NCLM

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*