Nguyễn Ý Đức: Vài Dược Thảo Thiên Nhiên Hay Dùng Trong Đời Sống Hằng Ngày

Ginkgo có tác dụng làm giãn động mạch, giúp máu lưu thông dễ dàng. (Hình: Joe Raedle/Getty Images)

Hiện nay phong trào dùng cây cỏ thiên nhiên với mục đích chữa bệnh đang gia tăng trong dân chúng. Có người dùng theo lời giới thiệu của bạn bè; có người vì bệnh không chữa được bằng Tây y đã đi tìm thầy thuốc cổ truyền.
Nhưng cỏ cây dù thiên nhiên, có loại an toàn, công hiệu, cũng có loại không có công dụng gì, đôi khi nguy hiểm vì tác dụng phụ. Nên nếu đã dùng, thì ta cần biết qua về thảo chất, về dược tính của cỏ cây đó.
Trong bài này, dựa vào các tài liệu đáng tin cậy, chúng tôi xin trình bày đặc tính mấy món dược thảo đang rất phổ thông mà có thể một số quý vị đang dùng.

1. St. John Wort

Tên khoa học là Hypericum perforatum, thường được biết qua tên St. John Wort vì loại cây này nở hoa màu vàng rất đẹp vào ngày kỷ niệm sinh nhật Thánh St. John the Baptist 24 Tháng Sáu mỗi năm.
Cây có nguồn gốc ở Âu Châu từ thời kỳ trung cổ, nay được trồng khắp nơi trên thế giới. Vào thời Trung cổ, SJW đã được dùng để trừ ma quỷ, làm trong sạch không khí, khiến được mùa ngũ cốc khi đốt trên ngọn lửa vào đêm trước lễ St. John. Dân chúng cũng tin là nằm ngủ trên một cành SJW trước ngày sinh nhật ông Thánh này thì sẽ được bình an suốt năm.
Từ nhiều thế kỷ trước, nó được coi như có thể chữa được bệnh u sầu, nhiễm độc tiểu tiện, trừ vi trùng, mau lành vết thương ngoài da.
SJW được Hippocrates, Dioscorides giới thiệu, rồi bị rơi vào lãng quên cho đến vài chục năm mới đây, một loại trà từ cây này được tung ra thị trường quảng cáo là trị được trầm cảm, lo âu.
Đại Học Duke được Viện Quốc Gia Bệnh Tâm Thần trợ cấp trên $4 triệu để thực hiện dự án ba năm nghiên cứu sự an toàn và công hiệu của SJW trong việc trị bệnh u sầu.
Tại Âu Châu, nhất là bên Đức, SJW được các bác sĩ biên toa cho bệnh nhân bảy lần nhiều hơn thuốc Prozac; được mệnh danh là Prozac thiên nhiên và được xếp hạng có công dụng trung bình, giữa hai loại âu dược trị trầm cảm chính hiện có.
Ở Hoa Kỳ, SJW hiện rất được nhiều người dùng để chữa trầm cảm, vì được coi là an toàn, công hiệu, rẻ tiền và không cần toa bác sĩ.
Mới đây, SJW được các chuyên viên về bệnh AIDS của Viện Ung Thư Quốc Gia Hoa Kỳ để tâm nghiên cứu vì một dược chất của cây này có tác dụng vào một vài loại siêu vi trùng, trong đó HIV.
Phân lượng thường dùng là 300 mg, ba lần mỗi ngày, trong 8-10 tuần lễ.
Tác dụng phụ của nó ít hơn tác dụng phụ của một vài âu dược trị trầm cảm, như ngứa, mệt mỏi, lên ký, nhức đầu, đau bụng, nhất là mẫn cảm của da khi đi ra ngoài nắng. Ở thú vật, SJW có tác dụng vào tử cung, nên khi có thai, ta cần cẩn thận khi dùng thuốc này.
Chưa có bằng chứng tác dụng tương quan giữa SJW với các âu dược khác, tuy nhiên nếu đang uống âu dược trị trầm cảm thì nên cho bác sĩ hay khi dùng dược thảo St. John.

2. Saw Palmetto

Trong tương lai gần đây, saw palmetto có hy vọng là dược thảo đầu tiên được chứng nhận là có công dụng trị một bệnh đặc biệt.
Cơ Quan Kiểm Soát Dược Phẩm Hoa Kỳ (FDA) cứu xét đơn xin xác nhận giá trị của SJW để trị trầm cảm, Ginkgo biloba để trị rối loạn trí tuệ và saw palmetto trị sưng nhiếp hộ tuyến.
Đây là một loại cây cọ cao từ một tới ba thước, lá rộng tới gần một thước, mọc trên bãi cát từ miền Nam Carolina tới Florida, Texas. Vào mùa Xuân, cây nở rộ hoa màu trắng, trái của nó bắt đầu chín mọng từ mùa Hạ sang mùa Thu.
Thổ dân lục địa Mỹ Châu đã dùng trái cây cọ này để ăn và trị vài chứng rối loạn tiểu tiện đàn ông từ năm 1700. Trong nửa đầu của thế kỷ này, nó còn được dùng cho tới năm 1950 thì bị loại ra khỏi danh sách của National Formulary Hoa Kỳ, trong khi đó thì ở Âu châu nó vẫn còn rất phổ thông.
Trái saw palmetto có tác dụng ức chế nam kích thích tố testosterone, giảm sưng và viêm của tế bào và được dùng nhiều ở Âu Châu để trị chứng phì đại lành tính nhiếp hộ tuyến. Tại Đức, cơ quan y tế đã chấp thuận cho bán một dược phẩm tinh chế hòa tan trong mỡ của cây cọ này.
Năm 1998, tập san y học của Hiệp Hội Y Sĩ Hoa Kỳ lần đầu tiên đã để ý và nêu ra nhiều cuộc nghiên cứu trên khắp thế giới về công dụng của saw palmetto trong việc trị sưng nhiếp hộ tuyến. Phí tổn mỗi ngày cho dược thảo này từ $25 tới $50, trong khi âu dược thì tốn tới $200.
Theo Physicians Desk Reference for Herbal Medecines, saw palmetto được dùng trong giai đoạn đầu của phì đại nhiếp hộ tuyến lành.
Tác dụng phụ rất ít như vài rối loạn về tiêu hóa (ói mửa, đau bụng nhẹ.) Mỗi ngày uống từ một tới hai 2 gram.
Bên cạnh đó, nhiều người vì dùng thuốc này mà không đi khám bác sĩ để xác định tính lành và dữ của sưng nhiếp hộ tuyến, tới khi khám phá ra thì ung thư bộ phận này đã đi tới giai đoạn bất khả trị.

3. Ginkgo Biloba

Việt Nam gọi là cây gỗ bạch quả, cao to tới 30 thước, lá hình cái quạt, hạt giống như quả trứng. Hạt và lá được dùng làm thuốc.
Cây ginkgo mọc ở Trung Hoa từ hàng trăm triệu năm, nhập cảnh Âu Châu năm 1730 và vào Hoa Kỳ năm 1784. Hiện nay, cây được trồng nhiều ở miền Đông Nam nước Pháp, Trung Hoa, Đại Hàn, Nhật Bản và Hoa Kỳ.
Hạt ginkgo được người Trung Hoa dùng để trị bệnh từ năm 2800 trước Thiên Chúa. Từ hơn 20 năm nay, lá ginkgo rất thông dụng trên thị trường dược thảo và đã có nhiều cuộc nghiên cứu khoa học về công dụng trị bệnh, nhất là ở Đức.
Ginkgo chứa nhiều dược chất có tác dụng làm giãn động mạch, khiến cho máu lưu thông dễ dàng, được dùng trị các trường hợp giảm tuần hoàn ở não bộ, ở tai và rối loạn tuần hoàn ngoại vi.
Nhiều thử nghiệm xác nhận công dụng trị liệu của bạch quả trong chứng sa sút trí tuệ, bệnh Alzheimer, nâng cao khả năng nhận thức, trí nhớ và giao tế trong đời sống hằng ngày.
Ginkgo làm giảm chứng đau bắp chân khi đi bộ lâu do tuần hoàn ngoại vi kém. Bạch quả hiện cũng đang được thử nghiệm để trị sự rối loạn tình dục gây ra do vài loại thuốc trị trầm cảm.
Trong các chứng nhức đầu, ù tai, chóng mặt, đổi tính, cáu gắt, ngủ gật, u buồn của tuổi già, ginkgo cũng có công hiệu.
Ginkgo còn được coi như một chất chống oxy hóa, được dùng để trì hoãn sự hóa già.
Bên Nhật, người ta còn dùng ginkgo để trị bệnh ung thư, bệnh hư giác mạc, bệnh thiếu chú ý (Attention Deficit Disorder) của người lớn.
Hiện nay, hình thức ginkgo thường dùng là chất chiết (G.B.extract) rút ra từ lá khô, do công ty Willmar Schwabe, Đức, sản xuất đầu tiên và phổ biến trên thị trường.
Phân lượng dùng là 40-80 mg, ba lần trong ngày, và dùng liên tục trong bốn đến sáu tuần lễ.
Tác dụng phụ thường xảy ra nhẹ trong mấy ngày đầu khi mới dùng thuốc, gồm có buồn nôn, ói mửa, tiêu chảy, chóng mặt và nhức đầu. Không nên dùng bạch quả khi đang uống thuốc chống đông máu như Warfarin hay Aspirin.

4. Ephedra

Họ Ephedra, ta gọi là ma hoàng, gồm có nhiều loại, mọc ở Âu Châu, Trung Hoa, và đã được dùng làm thuốc chữa bệnh ở Trung Hoa từ trên 5000 năm.
Dược chất chính của ma hoàng là chất ephedrine đã được nhà hóa học Nhật Bản N. Nagai phân tích từ năm 1887. Đến năm 1924, Giáo Sư K.K. Chen ở Đại Học Bắc Kinh công bố đặc tính trị liệu của ephedrine trong các bệnh suyễn, nghẹt mũi, kích thích thần kinh. Ephedrine làm thư giãn ống phổi, khiến không khí lưu thông dễ dàng, đồng thời làm tăng huyết áp và tăng nhịp tim.
Ở Việt Nam, ma hoàng được nhập cảng từ Trung Hoa và được dùng để trị các bệnh như ngoại cảm phong hàn và ho hen.
Hiện nay, ở Mỹ, thuốc có chất ephedrine được quảng cáo có công dụng trong việc làm giảm ký, mà nhà sản xuất gọi là herbal phen-phen, thay thế cho âu dược Pondimin, Redux hiện đã bị cấm bán vì nhiều tác dụng phụ nguy hiểm.
Vì có tính kích thích thần kinh, làm sảng khoái, nên nhiều người nghiện cần sa, ma túy cũng dùng ephedra để yêu đời hơn. Một số lực sĩ đã lạm dụng thuốc này để có bắp thịt nở nang.
Ephedra có nhiều tác dụng phụ như làm mất ngủ, nhức đầu, nóng nảy, cao huyết áp, sạn thận, kinh phong, rối loạn nhịp tim, kích thích não và tim, đôi khi đưa tới tử vong. Do đó, cơ quan FDA Hoa Kỳ rất quan tâm tới dược thảo này và vào năm 2004, đã không cho các sản phẩm có chất này được lưu dùng.

5. Họ Aloe

Nhiều gia đình ta ở trong bếp đôi khi thấy có trồng một chậu nhỏ cây aloe, hay tiếng Việt còn gọi là nha đam, vừa làm cảnh vừa dùng lá nó để đắp lên vết phỏng da xảy ra trong khi nấu nướng.
Loại cây này có nguồn gốc ở Đông Nam Phi Châu, đã có tài liệu ghi nhận công dụng trị bệnh từ năm 1750 Trước Công Nguyên.
Người dân Ai Cập dùng trị da nhiễm trùng từ 550 Trước Công Nguyên.
Danh Mục Dược Khoa Hoa Kỳ năm 1820 đã ghi công dụng của aloe vera và từ năm 1920 đã được trồng để dùng trong dược phòng.
Từ lá nha đam, người ta lấy ra được một chất gel để dùng ngoài da và chất nước vắt để giúp nhuận tràng, chữa lở bao tử. Gel nha đam làm vết thương mau lành bằng cách làm co vết thương và tăng tiết chất collagen, nên được dùng khi bị phỏng da, trầy da. Mới đây nó cũng được dùng để trị bệnh vẩy nến da và làm tăng cường tính miễn nhiễm của cơ thể.
Trên thị trường, gel nha đam được giới thiệu như có công hiệu làm mềm da, sạch da, chống ngứa, diệt trùng, làm da tăng trưởng mau, đôi khi trị cả da dị ứng với lá thường xuân (poison ivy.)
Bên Nhật, nha đam còn được dùng để trị bệnh ung thư do khả năng chống viêm và chặn tăng trưởng tế bào ung thư.
Kết quả nghiên cứu tại University of Maryland cho thấy aloe có thể diệt siêu vi trùng bệnh mụn giộp (herpes) và vài loại trùng bệnh cúm, trong khi đó, thử nghiệm tại University of Missouri cho thấy gel nha đam có thể dùng để ngừa thụ thai.
Nha đam kích thích tụy tạng bài tiết insulin, nên đang có nghiên cứu dùng Aloe để trị bệnh tiểu đường.

Kết luận

Kỹ nghệ bào chế dược thảo ở khắp nơi trên thế giới hiện giờ đang rất phát triển để đáp ứng nhu cầu của người dân. Các nhà sản xuất cũng đang tranh đấu để dược thảo của họ sớm được đối xử công bằng như âu dược chứ không phải chỉ là thực phẩm phụ như hiện nay.
Triển vọng đó chắc cũng không còn quá xa, vì ngay tại Mỹ, Quốc Hội cũng như Hiệp Hội Y Sĩ Hoa Kỳ đã quan tâm tới vấn đề dược thảo và các phương pháp trị liệu không chính thống này.

Bác Sĩ Nguyễn Ý Đức

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*