Sài Gòn Tháng 4 Mùa Đại Dịch

Phim “Sài Gòn tháng 4 – 2020” đuợc thực hiện bởi nhóm cựu học sinh Võ Trường Toản & Gia Long (Hiền Quang, Đức Hiền, Lê Phương Thảo, Nguyễn Tấn Kiệt, Đỗ Phương Mai), cùng góp lời ca tiếng hát của các bạn: Hồng Vân (CHS Trưng Vương) Kiều Miên, Anh Việt Phạm (Ban văn nghệ CHS GL Toronto), Vũ Hoàng (CHS VTT), Hoàng Nga, Phương Thảo (CHS GL):

Sài Gòn bây giờ là tháng 4… lúc này khắp nơi trên thế giới đang đảo điên vì đại dịch chưa từng có, hình ảnh như đến ngày tận thế… Cứ tháng 4 là lại nhớ về Sài Gòn của một biến động lịch sử năm nào. Lúc đó đã là gần cuối niên học, sinh viên, học sinh đến trường với một tâm trạng hoang mang, nhìn mặt bạn bè xem đứa nào còn đứa nào vắng. Và cũng từ cái tháng 4 ấy, SG đã không còn có dịp gặp lại nữa, những khung cảnh một thời đã in sâu vào kỷ niệm

“Trả lại em yêu con đường học trò
Những ngày Thủ đô tưng bừng phố xá
Chủ nhật uyên ương hẹn hò đây đó
Uống ly chanh đường, uống môi em ngọt…”

Đầu tháng 4 này SG được lệnh phải cách ly, không ai được ra đường, nhà ai nấy ở… mọi hoạt động đều phải ngưng lại. Các con đường SG bỗng vắng lặng bất ngờ, phố xá lạnh tanh đóng cửa… Buổi chiều chập choạng, đi ngang qua những ngôi trường cũ trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, đường Bà Huyện Thanh Quan, đường Duy Tân, đường Pasteur … hình ảnh này đã ghi nhớ như in trong tiềm thức nhưng hôm nay sao vắng lặng lạ thường. Hai hàng cây vẫn cao hun hút nhưng con đường đã không một bóng người. TV đây, VTT đây, Sở Thú đây, GL đây… lá vàng vẫn đang rơi rơi … nhìn yên ả vô cùng. Từ ký ức bỗng hiện về hình ảnh ngôi trường ngày xưa đó sao mà giống với bây giờ như vậy. Ôi sao mà xa vắng quá, một khoảng thời gian xa vắng thật là dài, đã điểm bạc lên mái tóc xanh tuổi học trò ngày nào. Những hình ảnh của SG ngày xưa tưởng chừng đã mất nhưng nay lại chợt hiện về, lòng bỗng bồi hồi xúc động.
Buổi chiều hôm nay bước ra khỏi nhà bỗng thấy không gian như dịu lại, nhìn lên trời… ồ có một đám mây đang vần vũ trên cao thẳm. Phải rồi, tháng 4 ở SG là tháng giao mùa giữa những ngày nắng nóng oi ả và những cơn mưa trắng xóa cả phố xá. Mà mưa thật, mưa đã rơi khắp SG và tiếng sấm rền quen thuộc đã trở lại… ôi cơn mưa đầu mùa quí giá và đúng lúc biết bao đã làm tan đi sự ngột ngạt, đã kịp mang lại vẻ dịu mát và vẽ lãng mạn cố hữu cho SG, nước mưa đã làm những hàng cây của SG mở mắt thức tỉnh. SG đẹp nhất những ngày này. SG hồi sinh rồi.
Mưa vẫn còn lâm thâm, đi ngang qua nhà thờ Đức Bà, vẫn ngôi nhà thờ gạch đỏ đã lặng lẽ ở đó hàng trăm năm nay, chia sẻ bao thăng trầm cùng SG. Bưu điện vẫn đó, quảng trường và tượng Đức Mẹ Maria vẫn còn đó… không gian ở đây thật rộng và cũng đang tĩnh lặng. Nhìn lên là chóp nóc nhà thờ in trên nền trời xám và hẳn là nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên đã đến đây, ngước mắt lên trời trong những thời khắc giống như thế này, để cảm tác viết ra những câu thơ mà Phạm Duy đã phổ nhạc…

“Anh bây giờ có lẽ
thiết tha hơn tín đồ
Xin làm cây thánh giá
trên nóc cao nhà thờ
Cô đơn nhìn bụi bặm
xanh xác rêu phủ mờ…”

Nhớ SG ngày nào quá. Giữa sự đìu hiu quạnh quẽ, bỗng thấy một băng rôn thông báo về Lễ Phục Sinh. Ôi! Phục sinh! Phục sinh nghĩa là sống lại. Sao lại trùng hợp Lễ Phục sinh vào tháng 4 lịch sử này. Ân sủng nào lại cho lóe lên niềm hy vọng phục sinh vào đúng thời điểm hết sức nặng nề này?? Phải chăng là một tín hiệu của sự hy vọng và một điềm tốt lành cho tất cả thế giới và trong đó cho riêng SG yêu mến. Mong rằng sẽ đúng là như vậy. Thế giới sau cơn hoạn nạn thế kỷ này, sẽ phục sinh, chúng ta sẽ phục sinh, nhưng chắc chắn sẽ có nhiều thay đổi. Phục sinh sẽ chữa lành vết thương quá to lớn này cho nhân loại, sẽ giúp cho nhân loại hiểu ra mọi điều và phải sống khác trước – từ nay không bao giờ được hận thù và từ nay phải luôn luôn yêu thương đồng loại, từ nay phải biết nâng niu thiên nhiên và từ nay phải luôn yêu thương mọi loài vì định mệnh đã cho tất cả gặp nhau và sống chung với nhau trên hành tinh này! (Lời dẫn: Nguyễn Tấn Kiệt)

Sài Gòn tháng 4!
Sài Gòn không tưởng – mùa đại dịch!
Sài Gòn Tỉnh thức!

Sài Gòn 14/4/2020

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*