Phạm Bá Hoa: Thư Số 85 Gởi Người Lính QĐNDVN- Hồ sơ Biển Đông & Đài Loan & Bưu Chính & WTO

Tôi chào đời năm 1930, vào Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa năm 1954, chống lại cuộc chiến tranh do nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa gây ra. Trong bang giao quốc tế, quốc gia này đánh chiếm quốc gia kia, không có tên gọi nào khác ngoài hai chữ “xâm lăng”. Hơn thế nữa, cộng sản Việt Nam là cánh tay của cộng sản quốc tế, có nhiệm vụ nhuộm đỏ toàn cõi Việt Nam và các quốc gia lân cận, góp phần biến thế giới này trở thành vô sản dưới sự thống trị của cộng sản quốc tế là Liên Xô. Sau ngày 30/4/1975, lãnh đạo cộng sản Việt Nam -tôi gọi là lãnh đạo Việt Cộng- với lòng thù hận đã đày đọa chúng tôi trong hơn 200 trại tập trung mà họ gọi là trại cải tạo, hơn một trăm Bạn tôi đến 17 năm, riêng tôi là 12 năm 3 tháng. Tuy tên Quốc Gia và Quân Lực mà tôi phục vụ không còn nữa, nhưng linh hồn trong quốc kỳ nền vàng ba sọc đỏ vẫn nguyên vẹn trong tôi. Tôi không hận thù lãnh đạo Các Anh, nhưng tôi không bao giờ quên chuỗi tội ác mà họ đã gây ra cho Dân Tộc và Tổ Quốc từ năm 1945 đến nay! Vì vậy mà tôi vẫn tiếp nối trách nhiệm của Người Lính Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, chống lại nhóm lãnh đạo Việt Cộng theo cách mà tôi thực hiện được, cho đến lúc tôi không thể … Cũng vì vậy mà tôi chưa bao giờ, và sẽ không bao giờ về Việt Nam cho đến khi quê hương tôi có một chế độ dân chủ tự do thật sự.
Các Anh là Người Lính Quân Đội Nhân Dân Việt Nam. Xin gọi Người Lính Quân Đội Nhân Dân ngắn gọn là “Các Anh” để tiện trình bày. Chữ “Các Anh” viết hoa mà tôi sử dụng ở đây, bao gồm từ người lính đến các cấp chỉ huy, ngoại trừ lãnh đạo cấp Bộ Tổng Tham Mưu, và Bộ Quốc Phòng. Là Người Lính trong quân đội “Nhân Dân”, Các Anh phải có trách nhiệm bảo vệ Tổ Quốc Nhân Dân, vì Tổ Quốc với Nhân Dân là trường tồn, trong khi đảng cộng sản hay bất cứ đảng nào cầm quyền cũng chỉ một giai đoạn của lịch sử, và nội dung tôi gởi đến Các Anh được đặt trên căn bản đó.

Với thư này, tôi tổng hợp một số tin tức về các hồ sơ Biển Đông & Eo biển Đài Loan, Thương Mại, và Bưu Chính, liên quan đến Hoa Kỳ, Trung Cộng, và một số quốc gia khác. Sau cùng là Thủ Tướng VIệt Cộng trả lời phỏng vấn của báo chí tại Hòa Lan.

Thứ nhất. Hồ sơ Biển Đông và eo biển Đài Loan

Hoa Kỳ-Trung Cộng
Tóm lược bản tin của CNN từ đài RFA ngày 4/10/2018. Hãng tin CNN trích nguồn từ các viên chức quốc phòng Hoa Kỳ, thì sự kiện khu trục hạm Luoyang (phiên âm là Lữ Dương) Trung Cộng áp sát khu trục hạm USS Decatur Hoa Kỳ ở Biển Đông ngày 30/9/2018, đã làm căng thẳng thêm bang giao giữa Washington với Bắc Kinh, đến mức Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ James Mattis đã hủy bỏ chuyến thăm Bắc Kinh.
Ngay sau đó là buổi họp báo, Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump nói rằng: “Chủ Tịch Trung Cộng Tập Cận Bình có thể không còn là bạn của tôi nữa, nhưng ông ấy chắc chắn sẽ phải tôn trọng tôi.”
Trích bản tin đài RFA. Ngày 11/10/2018, Cố Vấn An Ninh Hoa Kỳ John Bolton trả lời phỏng vấn của chương trình Hugh Hewitt, xin tóm lược nội dung:
“Trung Cộng đã lợi dụng trật tự thế giới trong thời gian khá dài trên hồ sơ Biển Đông. Hoa Kỳ sẽ khai thác tài nguyên thiên nhiên ở vùng Biển Đông dù Trung Cộng có hợp tác hay không. Đã đến lúc Trung Cộng phải biết rằng, họ không thể đạt được sự đã rồi tại khu vực này. Bởi, đây không phải là một tỉnh của Trung Cộng, và sẽ không bao giờ là một tỉnh của Trung Cộng”.
Hoa Kỳ sẽ thực hiện kế hoạch phô diễn sức mạnh ở Biển Đông vào tháng 11/2018 này, trùng hợp với chuyến thăm Philippines của Chủ Tịch Trung Cộng Tập Cận Bình. Hạm Đội Thái Bình Dương sẽ thực hiện các hoạt động trên Biển Đông trong một tuần, để Trung Cộng nhận rõ quyết tâm của Hoa Kỳ trong việc đối phó với những hoạt động quân sự hoá của Trung Cộng tại vùng biển tranh chấp. Chiến hạm và phi cơ Hoa Kỳ sẽ hoạt động gần với lực lượng Trung Cộng trên Biển Đông. Thậm chí, là chiến hạm Hoa Kỳ sẽ neo đậu gần vùng nước mà Trung Cộng tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, cũng như eo biển Đài Loan.
“Hoa Kỳ và các quốc gia đồng minh, sẽ còn tiếp tục điều động chiến hạm đi qua khu vực này nhiều hơn trong thời gian tới”.
Ngày 18/10/2018, Bộ Tư Lệnh Không Quân Thái Bình Dương Hoa Kỳ thông báo: “Hai oanh tạc cơ chiến lược B-52 đã cất cánh từ căn cứ không quân Anderson trên đảo Guam và bay trên không phận các đảo tranh chấp ở Biển Đông, trong khuôn khổ chuyến bay tập huấn bình thường, và theo đúng luật quốc tế với những cam kết về vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở”.
Ngày 29/10/2018, bản tin trên trang VOX như sau: “Trong nhiều năm liền, Washington đã bất bình vì doanh nghiệp Hoa Kỳ không thể canh tranh công bằng trên thị trường với Trung Cộng, nhất là Bắc Kinh luôn ép buộc công ty Hoa Kỳ và các quốc gia khác chuyển giao công nghệ hàng đầu mà nhiều nước phải tiêu tốn thời gian và công sức để phát triển. Đó là một trong những nguyên nhân chính mà Tổng Thống Donald Trump mở màn chiến dịch thương mại, đồng thời không muốn đàm phán thương mại với Trung Cộng cho đến khi ông Tập Cận Bình nhượng bộ…”.

Hồ sơ Đài Loan
Tóm lược bản tin đài RFA. “Ngày 22/10/2018, Hoa Kỳ điều động hai chiến hạm xuyên qua eo biển Đài Loan, là hành động của chiến thuật hai mặt giáp công trên biển nhằm gây sức ép Trung Cộng, không chỉ tập trung vào Biển Đông, mà còn mở rộng thêm vùng eo biển Đài Loan, một vị trí sát sườn phía đông Trung Cộng”.
“Với hành động của Hoa Kỳ trên Biển Đông từ ngày ông Donald Trump nhậm chức Tổng Thống đã trở thành thông lệ, và những chiến dịch tuần tra của Hải Quân Hoa Kỳ trong mục đích bảo vệ quyền tự do hàng hải trong vùng biển này. Phương thức thực hiện cũng trở nên quen thuộc khi chiến hạm Hoa Kỳ tiến sâu vào bên trong vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đã bồi đắp ở cả Trường Sa lẫn Hoàng Sa. Gần đây, đến lượt oanh tạc cơ chiến lược B-52 Hoa Kỳ vào không phận Biển Đông, cũng nhằm nói lên quyết tâm của Hoa Kỳ bảo vệ an toàn đường hàng hải và đường hàng không quốc tế vùng biển này. Song song với Hải Quân Hoa Kỳ, đồng minh của Hoa Kỳ từ Nhật Bản, Australia, Anh, Pháp, cũng góp phần tuần tra trong khu vực, nhưng không định kỳ và tránh áp quá sát các thực thể mà Trung Cộng kiểm soát”.
“Ngày 24/102018, Hoa Kỳ đã chấp thuận bán lô vũ khí trị giá 330.000.000 mỹ kim cho Đài Loan. Đây là Hợp Đồng thứ hai mà Hoa Kỳ bán vũ khí cho Đài Loan. Hợp Đồng thứ nhất là tháng 6/2017 với trị giá 1.400.000.000 mỹ kim, trong chương trình hỗ trợ và tăng cường bang giao quân sự giữa Washington và Đài Bắc. Lô hàng 330.000.000 mỹ kim, sẽ cung cấp cho Đài Loan các linh kiện để sản xuất khu trục cơ phản lực F-16, vận tải cơ C-130, và hệ thống hỗ trợ hậu cần”. Trích bản tin từ Cơ Quan Hợp Tác An Ninh Quốc Phòng trực thuộc Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ.
Tin tức này được loan ra chỉ vài ngày sau khi Hoa Kỳ điều động 2 chiến hạm xuyên qua eo biển Đài Loan, và ngay trước thềm hội nghị Quốc Phòng giữa Hoa Kỳ với Đài Loan diễn ra vào ngày 29/10/2018 tại Annapolis, Maryland, với sự tham dự của Bộ Trưởng Quốc Phòng Đài Loan Chang Guan-chung và các đại diện chánh phủ Hoa Kỳ.
Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ cho biết: “Tuy Hoa Kỳ không có bang giao chánh thức với Đài Loan, nhưng vẫn duy trì trao đổi qua lại, và là nhà cung cấp vũ khí duy nhất cho hòn đảo tự trị này. Sự kiện này sẽ đóng góp cho chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia của Hoa Kỳ, bằng cách giúp cải thiện an ninh và khả năng phòng thủ của bên mua, duy trì ổn định chính trị, cân bằng quân sự, và phát triển kinh tế trong khu vực”.
Ông Paal, Phó Chủ Tịch tại Carnegie Endowment for Peace cho biết: “Đài Loan đã nhiều lần bày tỏ mong muốn có được nhiều vũ khí tối tân hơn từ Hoa Kỳ. Bộ Quốc Phòng Đài Loan cho biết, là Đài Loan cần xe tăng chiến đấu M1A2 Abrams và đang có kế hoạch mua phi cơ chiến đấu loại mới, có khả năng cất cánh và hạ cánh thẳng đứng, hoặc cất cánh trên đường băng ngắn, và là phi cơ tàng hình”.

Trung Cộng-Hoa Kỳ
Tóm lược bản tin của Reuter trên đài RFA. Diễn đàn Hương Sơn tổ chức tại Bắc Kinh từ ngày 24 đến ngày 26/10/2018, là hội nghị thường niên mà Bắc Kinh hy vọng sẽ trở thành diễn đàn hàng đầu Châu Á để thảo luận các vấn đề an ninh. Năm nay có hơn 500 đại diện – trong số đó có 21 vị Bộ Trưởng Quốc Phòng – từ 67 quốc gia tham dự.
Diễn đàn do Trung Cộng thành lập cho nên quyền điều khiễn Diễn Đàn gần như thuộc về Bắc Kinh, điển hình là trong kỳ họp lần này. Vấn đề Biển Đông và bang giao Trung Cộng-Hoa Kỳ, chỉ có hai viên chức cao cấp Trung Cộng được quyền phát biểu. Đó là Chủ Tịch Quốc Hội Lật Chiến Thư và Bộ Trưởng Quốc Phòng Ngụy Phượng Hòa.
Ông Lật Chiến Thư sử dụng bữa tiệc tối 24/10/2018, chào đón 67 phái đoàn tham dự Diễn Đàn Hương Sơn để chỉ trích Hoa Kỳ cố tình xây dựng liên minh chống Trung Cộng. Trong buổi họp ngày 25/10/2018, Bộ Trưởng Quốc Phòng Trung Cộng Ngụy Phượng Hòa phát biểu như sau:
“Quân đội Trung Cộng sẽ có hành động với bất cứ giá nào, nếu ai đó muốn chia cắt Đài Loan khỏi lục địa Trung Hoa. Quân đội Trung Cộng cam kết theo con đường phát triển hòa bình, không bao giờ là mối đe dọa cho các quốc gia khác. Tuy nhiên, Trung Cộng sẽ không từ bỏ một tất lãnh thổ quốc gia, và Bắc Kinh phản đối sự phô diễn sức mạnh quân sự của các thế lực bên ngoài Biển Đông”.
Tuyên bố trên đây trong bối cảnh Trung Cộng tức giận Hoa Kỳ đã trừng phạt quân đội Trung Cộng đã đặt mua phi cơ và hỏa tiễn do Nga sản xuất, và bang giao giữa Bắc Kinh với Washington ngày một xấu đi do hồ sơ thương mại, hồ sơ Đài Loan, và hồ sơ Biển Đông với sự có mặt của Hải Quân Hoa Kỳ.
Dù vậy, trong buổi họp báo hàng tháng, phát ngôn nhân Bộ Quốc Phòng Trung Cộng Ngô Khiêm cho biết: “Cuộc hội đàm giữa Tổng Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ James Mattis với Bộ Trưởng Quốc Phòng Trung Cộng Ngụy Phượng Hòa hồi tuần trước, được xem là tích cực”.
Tờ South China Morning Post ngày 26/10/2018, dẫn nguồn tin truyền thông Trung Cộng cho biết: “Các nhà báo Trung Cộng tự kiểm duyệt khi quyết định không đăng lời của ông Lật Chiến Thư chỉ trích Hoa Kỳ. Ngay cả tờ Thời Báo Hoàn Cầu cũng trích một đoạn phát biểu của ông Ngụy Phượng Hòa, mà không nhắc lại một lời nào của ông Lật Chiến Thư”.
Lý do mà các nhà báo viện dẫn để tránh né, là họ không biết việc trích dẫn lời ông Thư có vi phạm giới hạn đỏ về chủ đề này hay không, vì các nhà báo Trung Cộng đã được cảnh báo không “nói quá” về cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ.
Trong 67 phái đoàn, chỉ có một đại diện quân sự Philippines được mời phát biểu, và đại diện các nước Sri Lanka, Ecuador, và Pakistan đứng lên bày tỏ ủng hộ Vành Đai và Một Con Đường của Trung Cộng.
Trích trong e-mail của “Quocviet V” ngày 1/11/2018. Theo bản tin của Xinhua trên SCMP, thì trong buổi họp ngày 31/10/2018 của Bộ Chính Trị Trung Cộng gồm 25 thành viên, Chủ Tịch Tập Cận Bình đã chánh thức thừa nhận rằng: “Nền kinh tế Trung Cộng đang chịu những áp lực suy giảm ngày càng tăng, do những thay đổi sâu sắc từ môi trường bên ngoài. Chúng ta cần phải tăng cường cải cách và mở rộng cửa để tập trung vào các vấn đề cốt lõi, với các giải pháp thúc đẩy sự phát triển lành mạnh và phẫm chất cao”.
Vẫn theo Xinhua: “Đây là lần đầu tiên, lãnh đạo Trung Cộng bày tỏ lo ngại về sự suy giảm trong phát triển kinh tế đất nước kể từ khi chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ bắt đầu hồi mùa hè vừa qua. Tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ trong tháng 10/2018 yếu hơn ước tính, do sụt giảm mạnh về nhu cầu xuất cảng. Các con số thống kê cho thấy tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế chậm lại đến mức thấp nhất so với một thập kỷ trước”.

Nhận định

Với hồ sơ Biển Đông mở rộng, Đài Loan đang từng bước trở thành đồng minh của Hoa Kỳ, và bước đầu rất thuận lợi. Tuy Trung Cộng luôn miệng cho rằng: “Đài Loan là của Trung Cộng, không quốc gia nào có quyền tách rời khỏi lục địa được”, nhưng khi Tổng Thống Donald Trump đã có kế hoạch thì Chủ Tịch Trung Cộng Tập Cận Bình đối đầu không phải dễ.
Đài Loan cách một eo biển đối với lục địa Trung Hoa, có nghĩa là tự nó không dính vào lục địa, trong khi nhà cầm quyền và người dân trên phần đất này không chấp nhận chế độ chính trị bên kia lục địa, thì liệu ông Tập Cận Bình có sử dụng quân sự cột chặt họ trong vòng tay Trung Cộng được không? Tôi nghĩ, rất có thể Trung Cộng sẽ bằng mọi cách đẩy Đài Loan trở thành một tỉnh của họ, nhưng liệu thế giới -nhất là Hoa Kỳ- có để yên khi Trung Cộng hành động mạnh tay như vậy không?
Tất nhiên là thế giới không nhắm thẳng vào hồ sơ Đài Loan, mà nhiều phát súng nhắm vào những hồ sơ khác có liên quan đến Đài Loan, để giữ Đài Loan ngoài vòng tay Trung Cộng. Chính vì vậy mà hồ sơ Đài Loan trở thành một nỗi lo mới đối với Chủ Tịch Tập Cận Bình. Nỗi lo này cũng có lý do của nó, vì từ khi ông Donald Trump trở thành Tổng Thống Hoa Kỳ, bất cứ quốc gia nào chỉ trích Hoa Kỳ đến đâu đi nữa, mà sau những cuộc hội đàm với Tổng Thống Donald Trump là vui vẻ chấp nhận quan điểm của Hoa Kỳ.

Thứ hai. Hồ sơ bưu chính quốc tế

Xin nhắc lại là phát súng đầu tiên mà Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump nhắm vào Trung Cộng là Hải Quân và Không Quân thường xuất hiện trên mặt biển và trên không phận Biển Đông, trong mục đích bảo vệ đường hàng hải và hàng không quan trọng trong vùng, nơi mà Trung Cộng tự giành cái gọi là chủ quyền lịch sử để chiếm khoảng 85% diện tích vùng biển này.
Phát súng thứ hai là tăng thuế hàng hoá Trung Cộng nhập cảng vào Hoa Kỳ. Sau đó mở rộng thêm về truy tìm gián điệp Trung Cộng ăn cắp những bí mật về khoa học không gian, về kinh tế thương mại, về an ninh quốc phòng. Và đã bắt một nhân vật quan trọng trong ngành an ninh quốc gia Trung Cộng, tương đương với lãnh đạo cơ quan an ninh quốc gia Hoa Kỳ.
Phát súng thứ ba là Hoa Kỳ nhắm vào bao vây Trung Cộng bằng cách tuột Đài Loan và Việt Nam khỏi vòng tay Trung Cộng, để đẩy Trung Cộng vào cái thế càng cô đơn thêm nữa.
Và phát súng thứ tư là Hoa Kỳ đang tấn công Trung Cộng bằng cách tuyên bố rút khỏi tổ chức Liên Minh Bưu Chính Thế Giới, vì trên hồ sơ này người dân Hoa Kỳ vẫn phải gánh nặng cước phí nhiều lần cao hơn so với người dân Trung Cộng.
Tóm lược bài “Mỹ đánh Trung Cộng bằng bưu điện” của tác giả Vi Anh ngày 24/10/2018. Giáo Sư Peter Navarro, tác giả quyển sách “Chết Vì Trung Cộng” hiện là cố vấn cho Tổng Thống Donald Trump, mới đây tuyên bố công khai và rõ ràng:
“Hãy nhìn vào chi phí vận chuyển một gói bưu phẩm từ Los Angeles đến New York giá cao hơn vận chuyển một gói hàng tương tự từ Bắc Kinh tới New York. Sự kiện này đặt các doanh nghiệp nhỏ và ngành thương mại Hoa Kỳ vào thế bất lợi trong cạnh tranh.”
Sự kiện này bắt nguồn từ tổ chức Liên Minh Bưu Chính Thế Giới (gọi tắt là UPU) hình thành từ năm 1874, có trụ sở tại Thụy Sĩ. Trực thuộc Liên Hiệp Quốc từ năm 1948, với 192 quốc gia thành viên
Năm 1969, Liên Hiệp Quốc thông qua một quy định cho phép các nước đang phát triển được hưởng cước phí, với mục đích ban đầu là giúp kết nối các nền kinh tế nghèo với các quốc gia giàu, góp phần tạo ra động lực kinh tế. Quy định ấy cho phép các nhà sản xuất Trung Cộng chuyển hàng đến Hoa Kỳ với giá thấp hơn nhiều, so với mức giá vận chuyển ngay trong nội địa Hoa Kỳ. Thậm chí, nhiều công ty còn cung cấp miễn phí các dịch vụ vận chuyển từ Trung Cộng tới Hoa Kỳ, dẫn đến giá các sản phẩm nhập cảng từ Trung Cộng càng thấp, làm suy yếu khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Hoa Kỳ. Năm 2016, lại điều chỉnh Hiệp Ước tạo thêm những điều chỉnh có lợi hơn nữa cho Trung Cộng.
Nhưng, với hiện tình kinh tế tài chánh thế giới đổi thay. Trung Cộng bây giờ là siêu cường kinh tế thứ 2, không lý do gì để Trung Cộng vẫn hưởng ưu đãi thuở ban đầu nữa.
Vì vậy mà Tổng Thống Donald Trump đã tuyên bố là Hoa Kỳ sẽ rút khỏi Hiệp Ước UPU. Đây không phải là hành động tẩy chay, mà là tạo cơ hội tu chỉnh, chuẩn hóa, và tạo công bình các quy tắc bưu chính trong cộng đồng quốc tế. Đây cũng không phải lần đầu tiên mà Hoa Kỳ đặt thành vấn đề, mà nhiều năm trước đây, Hoa Kỳ đã một lần đòi hỏi sự công bằng trong ngành bưu chính thế giới, nhưng chưa đủ mạnh để buộc Trung Cộng phải tương nhượng.
Ngay cả Hiệp Hội Các Nhà Sản Xuất Hoa Kỳ, gọi “Công Ước Bưu Chính Thế Giới đã quá lỗi thời, và cho rằng chính nó đã góp phần đáng kể vào cơn lũ các gói hàng hàng giả, hàng nhái, hàng độc từ Trung Cộng tràn vào Hoa Kỳ.”
Thủ tục rút khỏi UPU sẽ kéo dài khoảng một năm với nhiều cuộc đàm phán. Các viên chức Hoa Kỳ cho biết: “Nếu những cuộc đàm phán các điều khoản trong UPU thành công theo hướng công bằng hơn với Hoa Kỳ, thì Hoa Kỳ sẽ thu hồi tuyên bố rút lui, và sẽ tiếp tục là một thành viên trong UPU”.
Phản ứng trước tuyên bố của chánh phủ Hoa Kỳ, vị lãnh đạo UPU hiện nay là Bishar Hussein cho biết: “UPU sẽ có những cuộc họp với các viên chức Hoa Kỳ để thảo luận về vấn đề này. UPU vẫn cam kết đạt được mục tiêu cao quý của sự hợp tác quốc tế, bằng cách làm việc với tất cả 192 quốc gia thành viên của mình để bảo đảm bảo rằng, Công Ước này sẽ phục vụ tốt nhất”.
Nếu đạt được sự công bằng trong ngành Bưu Chính, trước tiên sẽ có lợi cho các thương gia và những người gửi hàng hóa ra nước ngoài từ Hoa Kỳ. Tập đoàn Amazon, ông trùm trong ngành thương mại điện tử có trụ sở tại Hoa Kỳ, đã nhiều năm kêu gọi chánh quyền Washington hành động, chấn chỉnh thực trạng giá bưu kiện nước ngoài đến Hoa Kỳ với cước phí thấp.

Khởi đầu của hồ sơ WTO

Nhìn lại ngày 30/8/2018, khi trả lời phỏng vấn của Bloomberg tại tòa Bạch Ốc, Tổng Thống Donald Trump nói rằng: “Nếu WTO không cải thiện, tôi sẽ rút khỏi tổ chức này”.
Trước đó, Tổng Thống Hoa Kỳ cho biết: “Ông hy vọng sẽ hợp tác với các nước khác để thực hiện cuộc cải cách Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO). Trong nhiều qua, Hoa Kỳ đã phải chịu đối xử rất xấu trong WTO, giờ đây cần phải thay đổi. Tổ chức Thương Mại Thế Giới được thành lập để mang lại lợi ích cho tất cả, nhưng Hoa Kỳ lại chịu nhiều tổn hại”.
Hãy nhớ lại, Bắc Kinh đã nhiều lần yêu cầu tổ chức WTO công nhận họ là một “nền kinh tế thị trường”, nhưng Hoa Kỳ và Liên Minh Châu Âu lập luận rằng: “Trung Cộng đã trợ cấp cho các doanh nghiệp trong nước gia tăng sản xuất dư thừa để loại trừ các đối thủ ngoại quốc cạnh tranh, cho nên họ vẫn không phải là kinh tế thị trường”.
Vậy là hồ sơ WTO, sẽ là phát súng thứ năm nhắm vào Trung Cộng, vì nền kinh tế của Trung Cộng vẫn là kinh tế quốc doanh, hay kinh tế xã hội chủ nghĩa cũng vậy thôi.

Nhận định

Với hồ sơ Bưu Chính Thế Giới (UPU) cũng như hồ sơ Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO), có điều khoản ưu đãi cho các quốc gia bắt đầu phát triển, đồng thời giúp họ từng bước chuyển dần thành nền kinh tế thị trường thế giới . Nhưng qua thời gian dài, Trung Cộng ngày càng phát triển nhanh chóng, đến mức trở thành quốc gia có nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới mà vẫn tiếp tục hưởng ưu đãi của những chục năm nghèo trước kia, trong khi gánh nặng chi phí vẫn đè trên ngân sách quốc gia Hoa Kỳ là điều bất công rất lớn.
Vì vậy mà Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump muốn giúp hai tổ chức trên đây, xét định lại tiêu chuẩn từng nhóm quốc gia thích ứng với tình hình kinh tế tài chánh hiện nay trên thế giới, bằng cách “xóa bất công, xếp lại công bằng”.

Thứ ba. Việt Cộng

Ngày 16/10/2018, tại Hòa Lan, Thủ Tướng Việt Cộng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ Tướng Hòa Lan cùng họp báo. Trong bản tin từ đài RFA, có video clip 5 giây đồng hồ, như sau: Phóng viên Moosbauer nói trước rằng. Tôi xin đặt câu hỏi đầu tiên với Thủ Tướng Hòa Lan, và sau đó tôi sẽ có câu hỏi với Thủ Tướng Việt Nam.
Vậy mà, ngay sau câu hỏi Thủ Tướng Hòa Lan, thì Thủ Tướng Việt Cộng nhanh nhẫu trả lời rằng:
“Việt Nam là một nước dân chủ, có bang giao (chữ Việt Cộng là quan hệ) quốc tế sâu rộng, không có chế độ độc tài như ngài vừa nêu. Việt Nam là một nước dân chủ, và chúng tôi lên án chế độ độc tài. Hiến Pháp Việt Nam bảo vệ nhân quyền, quyền con người hết sức sâu sắc trên tất cả mọi lãnh vực. Và nhân quyền Việt Nam ngày nay được quốc tế và Liên Hiệp Quốc công nhận…”
Tôi chứng minh, chế độ đã và đang cai trị toàn cõi Việt Nam là chế độ độc tài:
(1) Độc tài chính trị, vì duy nhất chỉ có đảng cộng sản là đảng chính trị nên xã hội phát triển khập khễnh, do không có đối lập để đóng góp kiến thức dân chủ tự do. Trong khi kiến thức Việt Cộng là thứ kiến thức độc tài, mà độc tài thì không phục vụ người dân. Vì vậy mà người dân dưới chế độ độc tài, bị nền giáo dục Việt Cộng nhào nặn ra để vâng lời họ, và phục vụ cho họ.
(2) Độc tài cầm quyền, vì chỉ có đảng cộng sản cầm quyền, nên hình thành một xã hội theo mục tiêu của đảng, rồi đảng với nhà nước cùng nhau thao túng.
(3) Độc tài trong Quốc Hội, vì gần 90% là những cấp lãnh đạo từ Bộ Chính Trị xuống đến tận cùng hệ thống tổ chức đảng và tổ chức nhà nước đều là Đại Biểu, nên những luật ban hành chỉ là theo lệnh đảng để phục vụ đảng với nhà nước. Chính Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã nói rằng: “Hiến Pháp là luật cao nhất, chỉ dưới Điều Lệ Đảng thôi”. Vì vậy mà đảng ngồi trên đầu tổ quốc với nhân dân.
(4) Độc tài truyền thông, nên không có tiếng nói của sự thật từ người dân. Hơn thế nữa, bất cứ ai suy nghĩ khác hay hành động khác với đảng và nhà nước cộng sản, sẽ là phạm tội và bị bắt, vì vậy mà mọi người trên toàn cõi Việt Nam không hề biết sự thật nằm ở đâu, vì hệ thống truyền thông của đảng phun ra suốt ngày đêm toàn dối trá, hoặc sai lạc sự thật.
(5) Độc tài luật pháp, vì tất cả viên chức từ cơ quan điều tra đến viên chức trong phiên tòa đều là đảng viên cộng sản, nên bản án được đảng quyết định trước đối với những “bị can” mà đảng thấy là bất lợi cho họ.
(6) Độc tài sở hữu đất đai, vì chỉ có đảng cộng sản là chủ nhân toàn bộ đất đai, vì vậy mà lãnh đạo các cấp toàn quyền cướp đoạt tài sản của dân liên quan đến đất đai vườn ruộng tạo nên hằng chục ngàn Đoàn Dân Oan.
(7) Độc tài kinh tế tài chánh, vì nền tảng trong lãnh vực này toàn là quốc doanh dưới tên gọi “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Do không có cạnh tranh nên không thể hòa mình vào kinh tế thị trường thế giới.
(8) Độc tài trong giáo dục.
Xin nhắc lại vào năm 2004, Giáo Sư Hoàng Tụy trong nhóm nghiên cứu giáo dục Hà Nội, phát biểu: “Chương trình giáo dục Việt Nam trong bao nhiêu năm qua vẫn trong tình trạng lạc hậu, thi cử nặng nề với phẩm chất rất kém. Sách giáo khoa cũng không thích ứng với hoàn cảnh đất nước, nghĩa là những cải cách trước đây không đạt được hiệu quả so với nhu cầu đất nước. Những sự kiện gian dối trong giáo dục cũng như trong thi cử, làm xói mòn niềm tin của tuổi trẻ lẫn của phụ huynh, đã dẫn đến tình trạng ngày càng trở nên trầm trọng, thậm chí nó đánh mất niềm tin của mọi người trong xã hội”.
Vậy mà ngày 23/2/2004, Bộ Giáo Dục & Đào Tạo đã ban hành Quyết Định, bắt buộc sinh viên đại học toàn quốc phải học và thi tốt nghiệp các môn học chính trị, bao gồm triết học Mác-Lê, kinh tế chính trị, chủ nghĩa xã hội khoa học, lịch sử đảng, và tư tưởng Hồ Chí Minh. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 9/3/2004, và tất cả sinh viên không có quyền chọn lựa mà phải học theo giáo trình chọn sẳn. Các môn học bắt buộc này là 203 giờ, chiếm khoảng 9% (?) thời lượng của chương trình đại học.
Ngày 13/6/2012, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng ban hành Nghị Quyết chiến lược phát triển giáo dục 2010-2020, trong đó có đoạn: “Tăng cường sự lãnh đạo của đảng, sự quản lý của nhà nước, nâng cao vai trò các tổ chức, đoàn thể chính trị, xã hội, xây dựng nền giáo dục có tinh thần nhân dân, tiên tiến, hiện đại xã hội chủ nghĩa Mác-Lénin và tư tưởng HCMinh làm nền tảng…”
Với nền giáo dục cứ ôm cái gọi là nền tảng tư tưởng Mác-Lê, đến cái tư tưởng hồ chí minh độc tài tàn bạo, thì làm sao đưa nền giáo dục phát triển theo hướng hòa nhập vào cộng đồng thế giới văn minh lịch sự được.
Chỉ nhìn vào cái ông Thủ Tướng Việt Cộng CLMV cứ nhắm mắt mở miệng nói Việt Nam là một nước dân chủ, nói Việt Nam chống độc tài. Còn nhân quyền Việt Nam thì rất sâu sắc, và được quốc tế công nhận…, nhưng ông CLMV không nói là quốc tế công nhận như thế nào.
Làm Thủ Tướng, cầm bản văn trong tay mà không biết chữ tắt CLMV (Cam Pu Chia-Lào-Miến Điện-Việt Nam) là gì, để rồi đọc dưới dạng mẫu tự, thì không còn gì để nói đến kiến thức của ông ta nữa.

Kết luận

Tôi thông cảm với Các Anh, những người sinh ra, lớn lên, học hành, và trở thành Người Lính trong quân đội, tất cả những gì Các Anh học ở trường văn hoá, trường quân sự, lại thường học tập chính trị tại các đơn vị, cộng với những chính sách về các lãnh vực sinh hoạt xã hội, mà hơn hết là toàn bộ các phương tiện trong hệ thống truyền thông chỉ là tiếng nói của lãnh đạo đảng mà Các Anh theo dõi hằng ngày. Trôi dần theo thời gian, chính sách độc tài của cộng sản lan tỏa đến mọi ngóc ngách trong sinh hoạt xã hội, rồi biến thành một nếp trong đời sống thường ngày đối với người dân nói chung, và Các Anh nói riêng từ lúc nào không biết.
Nhưng, khi Các Anh nhìn thấy xã hội Việt Nam phát triển với nhà cửa cao hơn, khang trang hơn, đường sá nhiều hơn, xe cộ cũng nhiều hơn, và con người có ăn có mặc nhiều hơn so với thời đóng cửa rút cầu, thì Các Anh có nhìn thấy lòng người Việt Nam ngày càng nhỏ lại, nhỏ đến mức hầu như không còn chỗ chứa “đạo đức, chân thành, sự thật, tình thương,… thậm chí đến những lời xin lỗi hay tiếng nói cám ơn của người lịch sự khi tiếp xúc với nhau cũng cạn kiệt không?
Trong khi nhóm lãnh đạo Việt Cộng chỉ có mớ kiến thức cộng sản, đưa vào nền giáo dục để nhào nặn ra những thế hệ thần dân tuân phục họ. May mắn là một số người – nhất là tuổi trẻ – nhờ hệ thống internet mới nhìn thấy thế giới dân chủ văn mịnh, và bày tỏ quan điểm của mình bằng những cách thích hợp với hy vọng có được một tương lai, thì cái chế độ độc tài nghiệt ngã này trấn áp đọa đày.
Nỗi đau của dân tộc Việt Nam trong hệ thống giáo dục học đường và giáo dục xã hội chủ nghĩa hơn 40 năm qua, là lãnh đạo Việt Cộng đã nên một xã hội mà mọi người phải sống với nhau bằng gian trá lọc lừa “đúng theo bản chất” của họ. Và càng đau đớn hơn là lãnh đạo Việt Cộng xóa dần ngôn ngữ và tiếng nói Việt Nam truyền thống, khi họ ra lệnh hệ thống giáo dục bắt đầu dạy thứ tiếng Việt cải tiến theo âm Quan Thoại và Bạch Thoại của Trung Cộng, để sẳn sàng sáp nhập vào nước Tàu cộng sản. Dù Các Anh có đọc Biên Bản Thành Đô ngày 4/9/1990 hay không, thì thực tế đã rõ ràng như vậy mà.
Đến đây, tôi nghĩ là Các Anh hãy suy nghĩ mà chọn cho mình một quyết định. Quyết định đứng lên để cùng 95 triệu đồng bào làm nên lịch sử vẽ vang trong đầu thế kỷ 21 này, là triệt hạ nhóm lãnh đạo độc tài độc quyền và độc ác hiện nay, để dân tộc Việt Nam được hòa nhập vào Cộng Đồng thế giới tự do, được ngẫng cao đầu giữa thế giới văn minh lịch sự khi cầm “thông hành Việt Nam” ra ngoại quốc, được hãnh diện trước những người ngoại quốc đến Việt Nam du lịch, tìm hiểu nếp sống văn hóa dân tộc với chiều dài lịch sử ngàn năm trước đã lừng danh thế giới.
Hãy nhớ, “Tự do, không phải là điều đáng sợ, mà là nền tảng cho sự thịnh vượng của đất nước. Không có dân chủ, không thể có sự trỗi dậy và phát triển bền vững. Và chính chúng ta phải tranh đấu, vì Dân Chủ Tự Do không phải là quà tặng”.

Texas, tháng 10 năm 2018
Phạm Bá Hoa

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*