Nigeria
Ngoài đường phố Agege, khi các ông trải tấm thảm cầu nguyện ra đường, hàng ngàn cái đầu phủ phục về hướng Mecca và sự ồn ào xe cộ của thành phố phía tây nam Nigeria này như vụt ngưng đọng trong một giây lát, thì Hadizatu Ahmed ngồi sau nhà mình cố nhớ lại ngày sinh đứa con đầu lòng.
Hadizatu nói, không biết tuổi thật mình là bao nhiêu, có lẽ khoảng 70 tuổi. Lấy chồng lúc 15 tuổi. Một ông thợ may. Năm sau, bà sinh cháu gái đầu, Habiba. Năm sau đó, sẩy thai. Hai năm kế, sinh con trai đầu, Danjuma.
Rồi chồng bà lấy thêm một vợ khác. Hadizatu Ahmed được làm chủ hai phòng phía phải lối đi, hiện bà vẫn sống trong hai phòng này. Bà vợ thứ giữ hai phòng phía trái căn hộ. Hadizatu đã đạt được đích: sinh cho chồng nhiều con hơn bà vợ thứ.
Không lâu sau Tiggani chào đời, cháu trai thứ hai. Cuối năm đó, bà vợ thứ sinh cháu gái đầu.
Một năm sau Hadizatu có thêm một cháu gái. Bà thứ có thêm một cháu trai.
Hadizatu: một gái nữa, Teni. Rồi một gái nữa, Mariam. Bà hai: một trai, rồi một gái.
Hadizatu: lại thêm một gái, nhưng không lâu đã bị sốt rét cướp mất. Bà hai: một trai.
Hadizatu: lại một gái, Fatima. Và bà hai tiếp đó thêm một gái, cháu cuối cùng.
Hadizatu đã thắng trong cuộc đua sinh đẻ: tám trên sáu. Nhưng Bà vẫn có cảm giác là đã thua, vì Bà chỉ có hai con trai, trong lúc bà hai có ba con trai.
Mười bốn đứa con. Chồng bà không đến nỗi mất mặt với láng giềng, bà nói. Nhưng chẳng so gì được với lão Bello với ba mươi đứa con, với bốn bà vợ. Và cũng chẳng thấm vào đâu so với Kabii, lão ta có tới khoảng bốn mươi con.
Sau khi cầu nguyện xong, bọn đàn ông lại nhảy lên những chiếc mô-tô dựng trước nhà Hadizaru và rồ máy. Các bà đong đưa với những thùng nhựa lớn đội trên đầu. Trẻ em, đứa nhỏ cầm tay đứa lớn, đắt nhau qua lại. Người bám hai bên chiếc Taxi vàng đang nhào lên lộn xuống trước những ổ gà trên đường. Người ngồi tràn trên mui một chiếc vận tải. Người vẫy tay chào nhau. Người cười. Người la hét. Khắp nơi người và người.
Hồi Hadizatu còn nhỏ, ở đây toàn là rừng. Ngày nay, Agege là một phần của thủ phủ Lagos với 21 triệu dân, thành phố lớn nhất ở Phi Châu. Từ khi Hadizatu sinh đứa con đầu lòng tới nay, dân số Nigeria đã tăng gấp bốn, tới 200 triệu.
Mỗi phụ nữ Nigeria có trung bình 5,4 con.
Đó chỉ là Nigeria. Các nước chung quanh cũng thế. Niger có tỉ số sinh cao nhất địa cầu: 7, 2 con mỗi phụ nữ. Mali: 5,9. Tschad: 5,8. Burkina Faso: 5,2.
Và đó chỉ là Phi Châu. Afghanistan: 4,4. Yemen: 3,8. Papua-New-Guinea: 3,6.
Cứ mỗi giây đây đó trên địa cầu có thêm bốn trẻ được sinh ra, trong khi có hai người chết. Từ khi Bạn đọc bài này, địa cầu có thêm khoảng 200 nhân khẩu.
Từ lâu con người đã biết rằng, có thể sẽ có quá nhiều người trên địa cầu. Họa sĩ vẽ lên những bức tranh nói lên cảnh chật hẹp của trái đất. Phim trường Holywood mô tả những cộng đoàn người kéo nhau lên các hành tinh khác ở, vì trái đất không còn chỗ. Dan Brown, nhà tiểu thuyết mô tả cảnh “hỏa ngục” trần gian (tựa cuốn sách “Inferno”), khi tưởng tượng ra một loại vi khuẩn đang làm cho một phần ba dân số thế giới bị tuyệt sản.
Đúng. Thêm một người là thêm một miệng ăn; cần phải có thêm lương thực. Thêm một người là thêm quần áo; bông sợi phải được trồng thêm đâu đó. Thêm một người là thêm chỗ ở; nhà cửa phải cất thêm chỗ này chỗ kia.
Sức địa cầu có hạn. Nó chỉ có thể chất chứa một lượng người vừa đủ. Hiện nay đã có 7,7 tỉ miệng ăn. Bao lâu nữa Inferno sẽ tới?
New York
Trong căn phòng tầng lầu 19. của tòa nhà Midtown Manhattan có mười hai nhà khoa học làm công tác dự đoán tương lai dân số địa cầu. Trưởng nhóm của họ là Frank Swiaczny, 52 tuổi người Đức. Trước đây ông là phóng viên nhiếp ảnh cho một tờ báo địa phương. Chán nghề, ông ghi danh học Địa Lí. Hiện nay ông làm việc cho Liên Hiệp Quốc (LHQ) và lãnh đạo các nhà thống kê và dân số học thuộc nhóm mười hai này.
Để có thể tiên đoán tương lai, họ phải biết quá khứ và hiện tại.
Từ 1950 những số liệu mới hàng năm cứ được nạp vào ngân hàng dữ kiện của LHQ. Đó là những con số người sinh, người chết, người dời cư, nhập cư của 235 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới. Có những số liệu rất chính xác, như của Na-uy; chỉ cần bấm nút là biết ngay hiện quốc gia này đang có bao nhiêu người sinh sống. Nhưng cũng có những số liệu rất mơ hồ, như của Lebanon – cuộc kiểm tra dân số sau cùng vào năm 1932 – hay của Syria hoặc Congo, nơi nhiều năm nay vì chiến tranh không thể kiểm tra dân số được.
Nhóm của Swiacznay kiểm tra số liệu, tìm cách kiện toàn thêm với cả những thành phần khó lường như lượng người vô gia cư trên đường phố New York hay các cộng đoàn du mục trong các sa mạc ở bán đảo Ả-rập. Từ đó đường biểu đồ trong máy tính của LHQ không ngừng biến đổi, thường là đi lên.
Dân số địa cầu tăng đều, đã từ nhiều ngàn năm nay rồi. Khi những cộng đoàn hái lượm và săn bắn bước vào định cư cách đây 12.000 năm, địa cầu có lẽ chưa đầy 10 triệu người. Thời đức Giê-su ở Nazareth sinh ra, thế giới đã 300 triệu. Thời William Shakespeare trong thế kỉ 16. nhân loại có tới 400 triệu. Thời đó khắp nơi trên thế giới phụ nữ sinh nhiều con, nhưng số người chết cũng không kém, nên lượng người không biến động nhiều. Đôi khi dịch bệnh và chiến tranh còn làm giảm nhân số.
Rồi từ thế kỉ 18. nhân số địa cầu tăng vọt, khởi đi từ Âu Châu. Nhờ sản xuất nông nghiệp gia tăng và nhờ y tế tiến bộ số trẻ em chết giảm nhiều. Khoảng năm 1800 lần đầu tiên dân số địa cầu vượt trên 1 tỉ. Sau đó là những cuộc cách mạng khiến đời sống được kéo dài ra: các biện pháp ngừa bệnh, bảo hiểm y tế, thuốc trụ sinh.
1928: 2 tỉ
1959: 3 tỉ
1973: 4 tỉ
1986: 5 tỉ
1998: 6 tỉ
2010: 7 tỉ
Để dự đoán sự phát triển trong tương lai, nhóm của Swiaczny dùng một mô hình tính toán rất phức tạp trong chi tiết, nhưng nhìn chung lại thật đơn giản. Dân số năm tới là lượng dân của năm nay cộng với tổng số sinh trừ đi lượng số tử. Và cứ như thế mà tính. LHQ dự đoán cho tới năm 2100.
Cứ hai năm họ cho phổ biến một con số mới. Tháng Sáu vừa rồi nhóm của Swiaczny họp báo cho biết, dân số địa cầu vào năm 2100 sẽ lên tới 11 tỉ! (…)
11 tỉ. Nghĩa là từ đây tới đó sẽ có thêm 3 tỉ người.
Ngày hôm sau, khi Swiaczny vào phòng làm việc, thì các số liệu họp báo đã phát tán ra trên khắp thế giới.
Bản tin Euronews từ Pháp: “Dân số địa cầu sẽ bùng nổ thật sự vào giai đoạn nửa sau của thế kỉ này. Sự bùng nổ đó sẽ cứ tiếp tục.”
RTVE từ Tây-ban-nha: “Có hai vai chính trong cuộc bùng nổ dân số này: Phi Châu và Á Châu.”
Spiegel Online ở Đức: “Dân số địa cầu tiếp tục tăng ào ạt.”
Swiaczny chỉ biết lắc đầu. Là vì những từ như “ào ạt”, “bùng nổ” đã không được ông dùng trong cuộc họp báo. Chúng không phù hợp với việc dự đoán.
Nhưng sự thật đã nằm sẵn trong các số liệu của quá khứ, nếu ta chịu nhìn cho kĩ. Nhân loại đã cần 128 năm để đạt tới hai tỉ. Tỉ thứ ba sau đó cần tới 31 năm. Tỉ tiếp cần 14 năm, rồi 13 năm, rồi cuối cùng chỉ cần 12 năm. Dân số tăng càng ngày càng nhanh. Nhưng rồi chỉ cần 12 năm để thêm một tỉ nữa, tỉ thứ bảy.
Và rồi tỉ tiếp đó lại cần 13 năm. Và tỉ tiếp nữa lại cần tới 20 năm. Nghĩa là sự gia tăng sẽ từ từ chậm lại vào cuối niên kỉ.
Con số 11 tỉ, theo Swiaczny, không phải là trạm trung chuyển để tới một mức cao hơn nào nữa. Nó là con số tối đa.
Một trong những biến cố lớn lao nhất của lịch sử nhân loại đang tới; đó là thời điểm, mà nhân loại đạt tới lượng dân cao nhất của nó. Nhiều ngàn năm nay họ cứ gia tăng. Nhưng rồi đây họ sẽ giảm.
Nguyên do giảm không phải vì chiến tranh, dịch bệnh, đói rét như trong quá khứ. Mà đó là một nguyên do mạnh hơn tất cả các nguyên do từ xưa tới nay: Nhân loại giảm do từ quyết định có ý thức của mình. Nói khác đi, đó là một quyết định tự nguyện, đã được lấy từ lâu.
Nam Hàn
Nơi hạ lưu sông Tamjin, phía cực nam của bán đảo hàn quốc, có một ngôi nhà hai tầng, sơn màu vàng tươi, đó là trường Tiểu Học của xã Daegu. Chẳng một bóng người lai vãng trên sân đá banh trước trường. Cỏ mọc đầy trong một số phòng ốc. Dãy hành lang vắng lặng như tờ.
Năm em học sinh lớp Hai đang cùng cô giáo tập hát nho nhỏ trong một phòng ở tầng trệt. Tầng trên phòng lớp Ba: hai học sinh. Lớp Bốn: một học sinh. Lớp Năm: một học sinh. Trong lớp Sáu có năm em đang viết vẽ trên các tấm giấy lớn về đề tài Hoa Cúc.
14 học sinh. Trong một ngôi trường trù tính cho 200 học sinh.
Nếu như bà tân hiệu trưởng Lee Ju Young không có sáng kiến, thì có lẽ trường đã đóng cửa lâu rồi. Lee là một người đàn bà nhã nhặn, tinh tế, trạc ngoài 50 tuổi. Bà được điều về đây năm ngoái, sau khi đã trải qua 30 năm dạy học. Bà cho hay, bà đang chứng kiến cuộc suy tàn của trường học. Ngay Bà cũng đã dạy tại hai trường, và hai trường này cũng đã phải đóng cửa, vì thiếu học sinh. Trong quận của Bà đã có ít nhất mười trường học đóng cửa.
Bà cho biết, cảnh tượng luôn vẫn như nhau. Trường đóng cửa, thì rồi bưu điện và một lúc nào đó siêu thị cũng đóng theo. “Trường chết, thì làng xã cũng chết theo.”
Khi Bà về đây, lớp Một không có học sinh nào ghi danh. Phải làm sao đây?
Ở đây, vùng miền nam nông nghiệp của Hàn Quốc, còn nặng ảnh hưởng nhiều bởi nghề trồng tỉa và đánh cá, có nhiều bà già chưa bao giờ cắp sách tới trường. Vì thế vị đại diện cha mẹ học sinh đề nghị: Tại sao ta không mở lớp cho người già?
Học viên ghi danh đầu tiên là mẹ của vị đại diện, 70 tuổi mù chữ, cả đời đã chỉ biết có đồng ruộng. Sáu bà ghi tên theo. Tháng Ba vừa rồi bà Hiệu Trưởng chào mừng lớp Một mới với bảy học viên từ 70 tới 82 tuổi.
Buổi sáng tháng Mười Một hôm nay, trong khi các em lớp Hai học hát, các bà ngồi hàng ngang đối diện với cô giáo, tóc nhuộm đen, lưng còng chân cong, có đôi bà cười với hàm răng không còn đủ. Họ cẩn thận đồ chữ trong cuốn tập trước mặt. Một bà tả công việc cuối tuần của mình: “Tôi ăn sáng. Sau đó tới chỗ hẹn trong xóm.” Một bà nắn nót tập viết tên mình: “Geum Hwang Gol”.
Bà hiệu trưởng ra sức chống chọi lại một xu hướng, mà Bà biết là không thể nào ngăn cản được nữa. Mỗi năm Hàn Quốc phải đóng cửa hàng tá ngôi trường. Một quận của thành phố thủ phủ Gwangju chỉ trong năm nay đã phải đóng cửa 40 trên 400 nhà trẻ. Từ 41 tháng nay cơ quan Thống Kê liên tục thông tin về số sinh giảm.
Để một xã hội tiếp tục cân bằng dân số, mỗi phụ nữ trung bình phải có 2,1 con. Ở Hàn Quốc, tỉ số này là 0,98, quá thấp so với mọi dân tộc trên thế giới.
Đó là Hàn Quốc. Đài-loan bên cạnh cũng không hơn: 1,2; Singapore: 1,2; Hồng-kông: 1,3; Nhật: 1,5.
Còn ở Âu Châu? Bồ-đào-nha: 1,2; Đức: 1,5; Canada: 1,6; Cuba: 1,7.
Hơn một nửa quốc gia trên thế giới đã có tỉ số sinh dưới mức bền vững, trong số đó có tất cả các nước kĩ nghệ (ngoại trừ Do-thái). Về lâu về dài dân số các nước đó sẽ giảm. Hiện họ đang ở trong “cấp ba” của mô hình dân số, theo lối hiểu của các chuyên gia, như Swiaczny.
Cấp một là giai đoạn khởi đầu nhân loại cho tới thế kỉ 18. Ở Âu Châu: số sinh cao, số chết cũng cao. Dân số ổn định và tăng chậm.
Cấp hai là khi xã hội trở nên tân tiến với sự cải tiến i tế và lương thực: tỉ số sinh còn cao, nhưng số chết giảm. Dân số tăng nhanh.
Cấp ba có số sinh thấp, đà tăng yếu dần và đi xuống. Tại sao?
Ở Âu Châu tiến trình này khởi đi từ thế kỉ 19. Kĩ nghệ hóa kéo người dân vào thành phố; họ bỏ ruộng đồng vào đứng máy. Ở nông thôn, con cái cần thiết cho công việc: có thêm tay làm. Tổn phí cho con cái cũng còn ít. Con cái là sự đầu tư cho tương lai cuộc sống.
Nay vào thành phố, thợ thuyền sống trong những căn hộ bé tí, quá nhỏ cho một gia đình lớn. Con cái chẳng giúp được gì cho cha mẹ trong việc kiếm tiền, nhưng vẫn tốn kém về cái ăn cái mặc. Về mặt kinh tế, chúng trở thành gánh nặng cho cha mẹ.
Trên khắp Âu Châu làng xã trở thành thành phố, thành phố trở thành thủ phủ. Khắp nơi người thợ nhận được ít lương hơn. Họ không thể chu cấp nổi cho nhiều con. Một, hai, có thể ba đứa là đủ rồi. Thêm nữa thì không thể kham nổi.
Lục-xâm-bảo là quốc gia đầu tiên có tỉ số sinh dưới mức bền vững kể từ những năm 1950. Sau đó là những nước Âu Châu còn lại. Rồi trong thế kỉ 20, tới các nước mới phát triển và tiếp đó là một vài nước đang phát triển. Khắp nơi nông dân trẩy vào thành phố theo tiếng gọi của cơn mơ phồn vinh. Seoul và Tokyo trở thành những thành phố nhiều triệu dân và mắc mỏ. Rio de Janeiro và Mexico City nổ bùng như những cuốn phim quay nhanh. Cũng như New Delhi và Dhaka.
Năm 2008 số người thành phố trên thế giới vượt cao hơn số người ở miền quê.
Ở Hàn Quốc, nơi hiện có 82% dân sống trong thành phố, theo tính toán của LHQ có thể dân số sẽ giảm 10% sau mỗi thế hệ. Dân số Trung Quốc, với hậu quả nặng nề của chính sách một con, có thể sẽ giảm ào ạt. Ấn-độ còn có tỉ số sinh 2,1 vừa mép mức bền vững. Brasil, nơi đông dân nhất của vùng Nam Mỹ, đã đi xuống, như ở Âu Châu.
Sở dĩ dân số địa cầu còn tăng, mỗi giây thêm hai trẻ, là nhờ số sinh trong một số vùng còn cao, đặc biệt ở các nước Trung Đông và nhất là Phi Châu. Nhưng ở đó cũng đã có một vài quốc gia đã bước sang cấp ba rồi.
Hadizatu Ahmed có 8 đứa con đã trưởng thành. Không một ai trong chúng cũng có 8 con như bà. Bà không biết mình có tất cả bao nhiêu cháu. Người con trai đầu của bà ngồi bên cạnh nhẫm tính giúp mẹ: “Khoảng 26 cháu!” Như vậy trung bình mỗi đứa con của Bà có 3 con (…) Dĩ nhiên số sinh ở Agege vẫn cao, nhưng không còn cao như trước đây.
Theo dự đoán của LHQ, không vùng nào trên thế giới có nhịp đô thị hóa nhanh như ở Phi Châu. Lagos vào năm 2030 sẽ thuộc vào hàng những thủ phủ lớn nhất. Tới cuối thế kỉ nó sẽ là thành phố lớn nhất trên thế giới.
Nhưng rồi cũng như Seoul, một thời lớn như thổi, năm nay lần đầu tiên đã giảm xuống mức dưới 10 triệu. Lagos rồi cũng thế. Và Phi Châu rồi cũng thế.
Nếu dân số ít, địa cầu lại có nhiều chỗ hơn. Nhìn về lâu về dài, như vậy sẽ không lo nạn nhân mãn. Chỉ cần làm sao phục vụ cho được 11 tỉ mà thôi. Nhưng có lo nổi không?
New York
Swiaczny cho hay, người ta đã đưa ra bao nhiêu là cảnh giác về việc khan hiếm lương thực thực phẩm cho dân địa cầu. Nhưng, theo ông, những cảnh giác đó chưa bao giờ trúng cả.
Nhà kinh tế học người Anh Robert Malthus tiên đoán trong thế kỉ thứ 18: không bao lâu nữa nghèo đói sẽ ập xuống trên địa cầu, vì sự sản xuất lương thực gia tăng chậm hơn mức gia tăng dân số. Nhưng điều ngược lại đã xẩy ra. Ngay thời ông còn sống người ta đã phát triển được những loại hạt giống tốt hơn, những máy móc nông nghiệp mạnh hơn, những dụng cụ rẻ hơn và nhờ những lối chăn nuôi hữu hiệu người ta đã nâng trọng lượng một con bò từ 370 lên 800 cân Anh (pound).
Năm 1968 nhà sinh học người Hoa-kỳ Paul Ehrlich viết trong cuốn sách bán chạy “Quả Bom Dân Số” của ông: “Cuộc chiến nuôi ăn nhân loại đã thất bại. Vào thập niên 1970´ và 1980´ nhiều trăm triệu con người sẽ (chết) đói.” Từ đó tới nay dân số địa cầu đã tăng hơn gấp đôi. Mà nạn đói hầu như chẳng thấy đâu. Trái lại, số người chết vì mập phù ngày nay nhiều hơn con số chết vì đói. Các loại thuốc diệt cỏ và trừ sâu mới, các loại phân tốt và những máy móc mạnh hơn đã không ngừng làm gia tăng sản phẩm thu hoạch trên khắp thế giới. Ngay ngày nay số lương thực thực phẩm cũng đủ để nuôi ăn 11 tỉ nhân khẩu.
“Với điều kiện phải thay đổi việc phân phối lương thực thực phẩm”, Swiaczny nói; 11 tỉ miệng ăn không thành vấn đề.
Nhưng phải chăng số người gia tăng chẳng phải là nguyên do của sự gia tăng lượng khí thải CO2, khiến sự biến đổi khí hậu tăng nhanh? Những nơi có dân số tăng nhanh, Swiaczny nói, vốn có ít khí thải. Một gia đình bảy người con ở Niger chẳng có xe hơi, có lẽ cả đời không du lịch bằng phi cơ, và chỉ dùng những gì mình sản xuất từ ruộng đồng, có lượng khí thải CO2 gần như số không.
Lượng khí thải lớn xẩy ra ở những nơi rất ít trẻ con như Hàn Quốc, Trung Quốc, Đức. Ở đó có nhiều nhà máy, ít dân nhưng lại bay nhiều, có xe hơi nhiều, ăn thịt nhiều.
Nếu thế giới thất bại trong việc ngăn cản biến đổi khí hậu, thì đó không do việc tăng gia nhân số ở Niger, mà do các nước kĩ nghệ không hạ thấp được kịp lượng khí thải của mình.
Wien (Áo)
Một buổi tối tháng Mười, Wolfgang Lutz đang loay hoay trên bục đại sảnh của Viện Hàn Lâm Khoa Học Áo Quốc. (…). Lutz đang nói về tương lai địa cầu.
Trước cử tọa các nhà khoa học, công chức chính phủ và nhà báo, W. Lutz đưa ra một bản tóm lược về hiện tình của các mục tiêu bền vững, mà cộng đồng thế giới đã đề ra. Những cột vẽ, những đường biến thiên, những hàng số thống kê nói lên tiến bộ về khí hậu, thực phẩm và kinh tế. Nhưng chuyên môn của W. Lutz là phát triển dân số.
Ông là nhà dân số học, giáo sư tại Đại Học Wien, một trong những chuyên gia thế giới có ảnh hưởng nhất trong ngành hiện nay. Nhiều năm nay ông vẫn có bài viết trên các tạp chí chuyên môn quan trọng nhất. Ngay cả Franz Swiaczny, người cùng trong một lãnh vực hoạt động, cũng nể phục sự hiểu biết chuyên môn của Lutz. Cả hai cùng sử dụng một mô mẫu và những con số như nhau, để tính dân số địa cầu. Nhưng Lutz đã có những kết quả khác với Swiaczny.
“Liên Hiệp Quốc đã bội tính sự tăng gia“, Lutz nói, “họ tính sai từ nhiều chục năm nay, vì mô hình sử dụng của họ đã cũ.“
W. Lutz cho một thí dụ. Ta thử tưởng tượng một xã hội với 1000 người và biết rằng, tỉ lệ tăng dân số là 2%. Trước thế chiến thứ hai, khi khoa Dân Số Học còn phôi thai, nhà nghiên cứu sẽ nói: “Năm tới xã hội này sẽ là 1020 người“.
Nhưng sau thế chiến các nhà khoa học nhận ra kết luận đó không chắc trúng, nếu xã hội đó có quá ít – hay quá nhiều phụ nữ trong tuổi sinh sản. Như vậy xã hội đó có thể sẽ là 1010 người – hay có thể là 1040 người.
Ông đưa thêm yếu tố độ tuổi vào mô hình, sự tiên đoán trở nên chính xác hơn. Và đó là mô hình tính của các nhà khoa học hiện nay, kể cả của LHQ. Nhưng Lutz không dùng mô hình này.
Ông nói, ngoài yếu tố độ tuổi, cần phải đưa thêm vào một yếu tố nữa; yếu tố này cũng ảnh hưởng trực tiếp lên số sinh. Ông cho hay, đấy là một yếu tố LHQ không quan tâm tới, nhưng nó có thể khiến cho sự tiên đoán thay đổi mạnh hơn yếu tố độ tuổi trước đây mà người ta vẫn dùng.
Nigeria
Đứa con gái thứ năm của Hadizatu Ahmed được sinh ra vào một ngày thứ Hai. Và vì cha mẹ không nghĩ ra được tên gì, nên gọi nó là Teni, “ngày thứ hai“. Hiện Teni đã 42 tuổi và sống trong một căn hộ hai phòng ở trung tâm Lagos. Chị ngồi trên chiếc trường kỉ có mùi mốc và kể, làm thân con gái ở xã hội này ít có được cơ may.
Cha chị, theo lời Teni, chỉ tin vào hai loại giáo dục cho nữ giới: lo việc nhà và học kinh Coran. Dù vậy, Teni đã cắp sách vào tiểu học, mẹ chị muốn như thế. Sau sáu năm, chị trúng tuyển vào trung học. Chị biết làm các con toán và hi vọng sau này sẽ có được công việc trong một nhà băng nào đó. Chị sẽ tốt nghiệp trung học vào năm 18 tuổi, nhưng cha bảo, ông không có tiền để trang trải học phí.
Teni phải ở nhà, bốn năm dài. Trong bốn năm đó, chị kể, chỉ có việc dành tiền ăn để mua và nghiền ngẫm báo tiểu thuyết Super Story. Chị hi sinh mỗi ngày một bữa ăn để bước vào thế giới mộng tưởng của mình.
Các cô bạn của chị đã có con, có người đứa thứ hai, thứ ba. Nhưng chị thì khác, chị muốn có một người chồng mà mình thương yêu. Như các cô gái trong các cuốn tiểu thuyết chị đọc. Chị lấy chồng lúc 24 tuổi. Chẳng phải là một mối tình lớn; nhưng bà cô của chị nói, thằng ấy tử tế.
Vợ chồng kéo nhau lên miền bắc, và chị xin chồng cho tiền để học hết trung học. Anh từ chối. Sau ba năm chị đã để dành được khá đủ. Và chị đã tốt nghiệp trung học. Sau đó không lâu chị sinh đứa con trai đầu. Con mới được vài tuần, chị ghi danh đại học ngành sư phạm tiểu học.
Chồng tôi chẳng hài lòng chút nào. Đôi khi anh đánh tôi, chị nói. Nhưng với chị việc học là quan trọng; chị muốn mình trở thành một thứ gì đó. Vì thế chị đã li dị. Và học tiếp. Sau sáu năm Teni ra trường. Trở thành một cô giáo tiểu học lúc 33 tuổi với một đứa con.
Hôm nay, sau chín năm, chị nói: “Nếu có một, hai hay ba đứa con thêm thì hẳn tốt, nhưng mà tôi không có chồng.“
Có nhiều khác biệt giữa bà mẹ Hadizatu Ahmed và con gái Teni Ahmed: khác biệt thế hệ, khác biệt về số con, về triết lí sống. Wolfgang Lutz muốn tóm tắt tất cả những thứ đó lại trong từ “học vấn“ (Bildung).
“Bộ óc là cơ quan truyền sinh quan trọng nhất“, ông nói. Chỉ một chút học vấn là đã có sự khác biệt. Khi một phụ nữ hiểu rằng, việc đẻ con không phải là điều do Chúa muốn, mà có thể đó là một quyết định có ý thức của mình, thì số con tự động sẽ ít đi. Càng hiểu về những chi phí xã hội và kinh tế do một đứa con sinh ra, họ sẽ tính toán kĩ hơn. Nạn thiếu niên mang bầu sẽ ít hơn. Phụ nữ bắt đầu dùng các phương pháp tránh thai. Vì muốn tạo nhiều cơ hội cho con, họ sẽ có ít con, hơn là nhiều con mà không lo được tốt cho chúng.
Càng được học, họ càng có con trễ hơn. Phải đợi học xong, có việc làm chắc chắn, trả hết tiền nợ, đợi hết thời gian thử việc đã, rồi mới hẵng tính được.
Học vấn là cách ngừa thai tốt nhất. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy điều đó. Và không đâu rõ hơn nơi xã hội ham học nhất trong các xã hội, đó là Nam Hàn.
Ở đây các trẻ em nhà trẻ đã học đọc và viết. Ở tiểu học, sau thời gian ở trường, còn có các lớp học thêm ở nhà. Các em chuẩn bị để thi vào các đại học danh tiếng trong suốt nhiều năm. 37% dân Đại Hàn có bằng đại học, nhiều hơn bất cứ một quốc gia nào trên thế giới.
Khoảng 20 năm trước đây, chỉ có nam sinh học đại học. Từ đó nữ giới bắt đầu chen chân vào đại học và thị trường lao động. Ngày nay họ cũng nỗ lực nhiều năm dài để bước vào các công sở tốt và vào bản doanh của các đại công ti như Samsung và Hyundai. Có được một công việc ở đó thì không dễ gì vì con cái mà tôi hi sinh chỗ làm.
Ở Nam Hàn, mọi yếu tố dẫn đến việc giảm sinh hội tụ lại như qua một lăng kính. Ham học. Chí tiến thủ. Đô thị hóa. Nam Hàn là phản ánh thái cực của một khuynh hướng hiện xuất hiện hầu như trên khắp thế giới.
Phi-luật-tân, nơi phụ nữ dưới 60 tuổi hiện trung bình có 7 con, lúc này được xếp hạng đứng thứ tám trong bảng Phân Cách Giới Tính Hoàn Vũ (Global Gender Gap Report) của Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới. Và như vậy họ có vị trí cao hơn nước Đức về tình trạng bình quyền nam nữ. Giờ đây mỗi phụ nữ ở đó trung bình có 3 con.
Trong lúc tiến trình giảm sinh trong các quốc gia kĩ nghệ kéo dài hơn 100 năm, thì nơi một số quốc gia đang phát triển tình trạng này kéo đến cái rụp. W. Lutz cho rằng, tình trạng đó cũng sẽ xẩy tới cho đa số các quốc gia Phi châu ngay trong thế kỉ này. Lúc này trong các quốc gia nằm ở phía nam sa mạc Sahara đã có 80% trẻ em nữ đi học. Gần như đâu đâu số sinh đã giảm. Trong tuần này, tại Hội Nghị Về Dân Số tại Nairobi của LHQ, người ta đang bàn tới vấn đề làm sao để tiếp tục thúc đẩy tiến trình bình đẳng nam nữ và làm sao để cải tiến việc học vấn.
Trong cách tính của mình, ngoài tiêu chuẩn tuổi tác, W. Lutz còn thêm tiêu chuẩn bảy nhóm học vấn, từ “không đi học“ cho tới “tốt nghiệp đại học“. Ông đi tới kết luận, dân số địa cầu sẽ chẳng bao giờ đạt tới 11 tỉ, mà có thể chỉ nhỉnh hơn 9 tỉ một ít. Con số này cũng không đạt tới vào cuối thế kỉ này, nhưng vào khoảng năm 2070. Vào cuối thế kỉ, nó sẽ giảm xuống và có khi chỉ bằng dân số hiện nay mà thôi.
Nếu tiên đoán của W. Lutz đúng, thì nạn nhân mãn địa cầu, nhìn theo đường dài, sẽ giảm xuống tới một mức độ rất vừa phải. Nhưng như thế lại nẩy ra một vấn đề khác, thoạt nhìn thì như một ân huệ cho địa cầu, nhưng lại chứa một tiềm năng đảo lộn ghê gớm: nạn thiếu dân.
Nam Hàn
Lee Sang Lim, một nhà dân số học của Viện Nghiên Cứu Kinhasa của Nam Hàn nói, “Xã hội này sẽ bị phá vỡ“. Vào khoảng năm 2050, hơn 40% dân Nam Hàn sẽ trên 50 tuổi. Hiện tại chế độ hưu dưỡng của người già được trang trải bởi các thế hệ trẻ đi làm. Cũng giống như bảo hiểm sức khỏe, xe đẩy, máy nghe tai và các chi phí mổ xương hông của họ vốn do lớp trẻ đi làm gánh. Năm 2050 sẽ không còn đủ lớp trẻ đi làm.
Tất cả các xã hội tân tiến của thế giới đều vận hành theo cùng một mô thức: có thành phần chu cấp và thành phần được chu cấp. Thường là như vầy: Trẻ cho, già lấy. Nguyên lí này quá đương nhiên. Nhưng người ta dễ quên rằng, nó chỉ vận hành khi có tương quan đúng, nói đơn giản, khi thành phần chu cấp nhiều hơn thành phần được chu cấp.
Kể từ khi hình thái quốc gia dân tộc xuất hiện, nó luôn đã vận hành như thế. Chẳng bao lâu nữa rồi đây sẽ khác. Và Nam Hàn có lẽ sẽ là quốc gia đầu tiên mất tương quan đó.
Đó không chỉ là một tin xấu cho lớp già. Mà là một tin xấu cho tất cả. Chính quyền Nam Hàn lo sợ rằng, nền kinh sẽ sụp đổ, vì thiếu người làm việc sản xuất. Lee Sang Lim nói, nhiều người trong số còn làm việc được sẽ phải làm những công việc không đúng với khả năng mình. Ở Nam Hàn có hàng trăm ngàn thầy cô và giáo sư; mỗi năm càng thêm. Họ sẽ dạy ai trong tương lai?
“Thật ra ngay từ giờ người ta đã phải bắt đầu đào tạo chuyển nghề cho hàng loạt thầy cô. Nhưng bạn hãy thử bắt đầu đi! Và người ta sẽ theo nhau cố bám vào nghề sẵn của mình”, Lee nói.
Ở Nam Hàn nhiều chục năm nay người ta chỉ biết đi lên. Tăng phát triển, thành phố lớn hơn, giáo dục tốt hơn – tăng dân số. Giờ đây quốc gia phải có kế hoạch thu nhỏ lại. “Nhưng chúng tôi chưa được học biết điều này” Lee nói. “Chưa có quốc gia nào học biết điều này, vì chuyện đó chưa hề xẩy tới. Nam Hàn là quả bóng thử cho các dân tộc khác. Nhưng lúc này tiếc rằng xem ra nó đang chờ nổ tung.”
Lee tính ra, mỗi phụ nữ đại hàn phải sinh 4,5 tới 4,8 con, thì mới mong tới giữa thế kỉ có lại được sự cân bằng già trẻ. Nhưng tỉ số sinh năm vừa qua nằm dưới mức 1,0.
Từ 2006 chính phủ Nam Hàn đã đầu tư 270 tỉ mĩ kim, để khuyến khích dân tăng sinh đẻ. Họ chi trả phí tổn sinh con thay cho các bà mẹ, xây thêm nhà giữ trẻ sơ sinh và nhà trẻ, nâng tiền thưởng sinh con cho cha mẹ và cấp cho mỗi đầu trẻ một số tiền hàng tháng 150 mĩ kim. Ngày thứ Tư trong tuần được gọi là “ngày gia đình”. Từ đó trong nhiều cơ quan và các công ti lớn cứ tới 18 giờ là loa thông báo nhắc nhở các nhân viên hãy trở về nhà để chăm lo cho gia đình. Trong một đại công ti xây dựng người ta bắt đầu giờ đó mở nhạc cổ điển vang vang. Trong một công sở mọi đèn phòng đều được tắt, để buộc mọi người rời phòng (nhưng thường vẫn không thành công).
Mặc, chính phủ muốn làm gì, thì tỉ số sinh vẫn cứ đi xuống – cũng giống như nơi nhiều quốc gia khác.
Ở Singapore một cơ quan bỏ tiền để tổ chức những khóa Salsa, gọi tắt là SDU giúp cho nam nữ quen nhau. Ngoài ra họ còn tuyên bố đêm mùng 9 tháng Tám làm “Đêm Quốc Gia”, đêm đó họ khuyến khích nam nữ ăn ngủ với nhau. Và một bài hát nhạc Rap có tên “Anh biết, em cũng muốn. Và SDU cũng muốn chuyện đó” đã được sáng tác dành cho chương trình này.
Nhưng chẳng thành công.
Ở Tây-ban-nha có một bà “Ủy Viên Chính Phủ Đặc Trách Về Thách Đố Dân Số”. Dân chúng gọi đó là “Bà đặc ủy tình dục” (Sexarin). Bà có nhiệm vụ đưa ra một kế hoạch cấp quốc gia về việc gia tăng số sinh đẻ.
Cũng chẳng thành công.
Từ khi Bạn đọc bài này đã có 21 trẻ được sinh ra ở Tây-ban-nha. Trong lúc đó có 24 người chết.
Mặc, dù sẽ là 11 tỉ hay 9 tỉ người, dù Frank Swiaczny đúng hay Wolfgang Lutz đúng, tới một lúc nào đó số dân địa cầu rồi sẽ giảm. Dân vẫn gia tăng trong một vài vùng, trong lúc đa số các xã hội khác phải chiến đấu với nạn lão hóa. Lúc đó, rồi có lẽ sẽ diễn ra cảnh đua nhau kêu gọi dân nhập cư. Giành nhau những ông bà thanh niên cuối cùng. Họ sẽ tới từ Phi Châu. Cả từ Lagos, lúc đó có lẽ là thành phố lớn nhất thế giới. Vào cuối thế kỉ 21 con cái của khoảng 26 đứa cháu của Hazidatu Ahmed lại sẽ được người ta chiêu mời, như người ta một thời chiêu mời thợ khách cho các dây chuyền sản xuất và hiện nay đang chiêu mời các chuyên gia lập trình máy tính. Cuộc chiêu mời có lẽ ít nhất cũng kéo dài vài chục năm. Cho đến khi dân số Phi châu cũng giảm.
Bastian Berbner (Die Zeit, số 47. Ngày 14.11.2019).
Người dịch: Phạm Hồng-Lam
Be the first to comment