Phạm Phú Khải: Trần Kiều Ngọc Trò Chuyện Cùng Hoàng Chí Phong

Luật sư Trần Kiều Ngọc và Joshua Wong.

Lời ngỏ: Người dân Hồng Kông và khắp nơi trên thế giới đang theo dõi diễn biến xảy ra tại đây trong ba tháng qua.
Các cuộc biểu tình của người dân Hồng Kông chống lại dự luật dẫn độ (Extradition Bill), bắt đầu vào tháng Ba và tháng Tư năm nay, nhưng rầm rộ nhất là vào ngày 9 tháng Sáu quy tụ hàng trăm ngàn người, và kéo dài 12 tuần qua, có khi lên đến gần hai triệu người, mà cho đến nay vẫn chưa chấm dứt. Những người bàng quan nhất trên thế giới cũng ít nhiều biết đến các cuộc biểu tình này. Những người quan tâm nhất, ngoài người dân Hồng Kông, không ai khác là lãnh đạo Bắc Kinh. Bắc Kinh hiển nhiên muốn chấm dứt các cuộc biểu tình này càng sớm càng tốt. Nhưng bằng cách nào? Mềm mỏng hay cứng rắn? Có nên thương thuyết không, có nên sử dụng quân đội không? Đâu là lằn ranh đỏ không được đi qua? Khi nào phải triệt để ra tay v.v… Đó là những câu hỏi không có giải đáp đơn giản đối với Bắc Kinh hiện nay.
Đối với người dân Hồng Kông, và các lãnh đạo phong trào đấu tranh, thì sao? Những khó khăn thử thách của họ là gì? Họ có lãnh đạo không? Khi nào các cuộc biểu tình này mới chấm dứt? Thông điệp và mục tiêu sau cùng là gì? V.v..

Vào ngày 26 tháng Tám vừa qua, luật sư Trần Kiều Ngọc, Chủ tịch Phong trào Giới Trẻ Thế giới Vì Nhân quyền, đã viếng thăm Hồng Kông, sau khi tham dự một hội nghị quan trọng tại Đài Loan. Kiều Ngọc đã có cuộc hội luận trực tiếp với nhà hoạt động trẻ Joshua Wong Chi-fung, tức Hoàng Chi Phong, một trong các thủ lãnh của Phong trào Dù vàng năm 2014. Năm nay Joshua chưa đầy 23 tuổi, sinh năm 1996, một năm trước khi Hồng Kông chính thức được trả lại cho Trung Quốc.
Khi được biết sự kiện này, tôi đã liên lạc với luật sư Trần Kiều Ngọc, và chúng tôi đã chia sẻ với nhau một số vấn đề và câu hỏi để trao đổi với bạn trẻ Joshua Wong. Mời quý vị theo dõi cuộc phỏng vấn sau đây.
Đầu tiên thì bạn Joshua cho biết bạn sẽ chính thức đến tham dự Đại hội do Phong trào Giới trẻ Thế giới Vì Nhân quyền tổ chức tại Nhật Bản vào tháng Tư năm 2020. Joshua nói rằng anh hy vọng gặp được các bạn trẻ từ khắp nơi trên thế giới, những người quan tâm thao thức về việc đấu tranh cho tương lai của mình.

Trần Kiều Ngọc (TKN): Phong trào Dù vàng năm 2014 kéo dài gần ba tháng. Năm năm sau, lần này lâu hơn, thu hút nhiều người hơn, và chưa thấy có dấu hiệu chấm dứt trong tương lai gần. Gần hai triệu người trong số bảy triệu dân Hồng Kông đã sẵn sàng tham gia vào Phong trào này. Các cuộc biểu tình tiếp diễn này được xem như là Phong trào Dù vàng số 2. Làm sao nó có thể thu hút được sự hỗ trợ lớn lao như thế?
Hoàng Chi Phong (HCP): Năm năm trước, chúng tôi đối diện với Bắc Kinh. Năm năm sau, chúng tôi đối diện với hoàng đế Tập Cận Bình. Mục tiêu bầu cử tự do của chúng tôi không hề thay đổi. Và chúng tôi sẽ tiếp tục cuộc đấu tranh này, để thế giới biết rằng chúng tôi xứng đáng hưởng được dân chủ.

TKN: Các cuộc biểu tình tiếp diễn này không đơn thuần là cuộc đấu tranh về Dự luật Dẫn độ, mà là nhiều hơn thế, phải không. Các mục tiêu sau cùng mà người dân Hồng Kông muốn đạt được trong cuộc đấu tranh này là gì?
HCP: Người Hồng Kông muốn làm chủ vận mệnh của ngôi nhà mình. Chúng tôi muốn chọn chính quyền của mình. Lãnh đạo Hồng Kông không nên bị điều khiển, thao túng bởi những người ở Bắc Kinh, hoặc làm con rối cho các thế lực cộng sản.

TKN: Joshua có nghĩ Bắc Kinh sẽ sau cùng quyết định đưa quân đội vào để dập tắt Phong trào kỳ này, như biến cố Thiên An Môn cách đây 30 năm không? Joshua và người dân Hồng Kông đã chuẩn bị cho tình huống xấu nhất chưa?
HCP: Dưới sự cai trị cường quyền, chúng tôi không thể mong đợi Chủ tịch Tập Cận Bình ứng xử một cách hữu lý. Việc họ có đưa quân đội đến Hồng Kông hay không, không bao giờ nói không bao giờ. Tôi hy vọng lãnh đạo và giới trẻ trên thế giới nhận thức được rằng các cuộc khủng hoảng chính trị phải được giải quyết bằng cải tổ hệ thống chính trị. Bắc Kinh chắc hẳn biết điều đó. Đưa quân đội vào không phải là cách giải quyết.

TKN: Những người hoài nghi có thể nói rằng người Hồng Kông có thể duy trì cuộc đấu tranh này, các cuộc biểu tình này, một tháng, một năm hay lâu hơn nữa. Nhưng sau cùng, 27 năm nữa, Hồng Kông rồi sẽ bị cai trị bởi Bắc Kinh, vào năm 2047. Vì thế, trừ phi có thay đổi trong lãnh đạo, hay chế độ tại Bắc Kinh, hoặc người dân tại đại lục đứng lên đòi tự do, nhân phẩm và nhân bản, sẽ không có sự thay đổi nào trong bình diện lớn, và tất cả các nỗ lực đều bị lãng phí. Bạn sẽ trả lời sao về quan điểm này?
HCP: Cuộc đấu tranh này không dễ chút nào. Nhưng giống như sự sụp đổ của Liên Bang Xô Viết vào thế kỷ trước. Chúng tôi lạc quan vào tương lai của mình. Chúng tôi không hy vọng gì ở chế độ này, nhưng tôi hy vọng ở người dân của mình. Ít nhất là phải tiếp tục đấu tranh. Tốt hơn thái độ không làm gì cả. Việc để cho một quốc gia hai chế độ (sẽ) làm soi mòn một quốc gia một chế độ.

TKN: Khi Trung Quốc tiếp tục lớn mạnh trong một hai thập niên tới về sức mạnh vật chất và quân sự, mà không thiết tha gì đến nhân quyền hay dân chủ, Joshua thấy sự đe dọa nào đối với Hồng Kông và thế giới?
HCP: Hồng Kông có thể sẽ là Tân Cương hoặc Tây Tạng, và chính vì thế mà chúng tôi tiếp tục đấu tranh. Hồng Kông nên là Hồng Kông, đây nên là nơi mà chúng tôi có thể quyết định lấy tương lai của chính mình, thay vì tương lai mà bị kiềm chế, đô hộ bởi Bắc Kinh.

TKN: Câu hỏi kế tiếp hơi có tính cách cá nhân chút. Joshua đã bị tù nhiều tháng trong hai năm qua. Bạn có những nhận thức sâu sắc nào từ trãi nghiệm này? Bạn lấy cảm hứng từ đâu?
HCP: So với những nhà hoạt động Hồng Kông bị tù bảy năm, thì giá tôi trả là rất nhỏ nhoi. Tôi bị tù chỉ hơn 100 ngày. Thật là khó để diễn tả những gì bên trong. Nhưng các thử thách và áp lực đó sẽ không đánh bại tôi. Nó sẽ làm tôi mạnh mẽ hơn, với quyết tâm hơn, ngay cả khi họ nhốt tôi vào tù, giữ tôi xa cách với xã hội. Đó là thời gian tôi trang bị cho mình để tiếp tục cuộc đấu tranh lâu dài này. Chúng ta nên tranh đấu để giành cho được dân chủ.

TKN: Sau cùng, Joshua có thông điệp nào với người dân khắp thế giới, những người khát khao được sống trong dân chủ, nhân phẩm, và tự do, như người dân tại Việt Nam?
HCP: Dưới sự áp bức của cường quyền, tôi hy vọng rằng những người trẻ, tại Hồng Kông và Việt Nam, nhận thức được rằng đây là cuộc đấu tranh lâu dài, cho nên chúng ta nên giữ vững lòng dũng cảm, quyết tâm và niềm say mê của mình, ngay cả khi có nhiều khó khăn và thử thách. Nhưng đây là lúc, hoặc sẽ không bao giờ. Đây là lúc để chúng ta cho giới thượng lưu cầm quyền đang thống trị quyền lực hiện nay biết rằng những người trẻ quyết định lấy con đường tương lai của mình.

TKN: Có nguồn tin cho rằng Joshua là người nửa (gốc) Việt Nam, điều đó có đúng không?
HCP: Các báo chí ủng hộ Bắc Kinh cho rằng tôi đã được CIA đào tạo, được huấn luyện bởi Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ. Họ cũng nói rằng tôi sinh ở Nhật. Và bây giờ họ nói tôi nửa Việt Nam. Các loại tin đồn này là hoàn toàn không đúng. Tôi sinh ra ở Hồng Kông, sống ở Hồng Kông và tôi yêu Hồng Kông.

TKN: Câu hỏi cuối cùng, nhiều người rất ngưỡng mộ khâm phục cách thức đấu tranh biểu tình của người Hồng Kông. Nó là lịch sử, không giống các cuộc đấu tranh biểu tình nào khác, rất khác truyền thống xưa nay. Làm thế nào các bạn làm được như thế? Có người đứng đầu tổ chức nó không?
HCP: Đây là phong trào không có lãnh đạo. Chúng tôi có hơn một trăm điều hợp viên. Chúng tôi học hỏi từ bài học của Phong trào Dù vàng. Và chúng tôi sẽ tiếp tục chiến đấu.

TKN: Cảm ơn Joshua.
HCP: Cảm ơn mọi người đã theo dõi cuộc trò chuyện này.

Phạm Phú Khải
Theo VOA tiếng Việt ngày 29/8/2019

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*