Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, mỗi nước đều có nền văn hoá riêng biệt, sẽ theo đuổi mục tiêu phát triển riêng của họ.
Những vòng thuế quan đáp trả qua lại trong vài tháng vừa qua giữa Trung Quốc và Mỹ có thể chỉ là khởi đầu của một cuộc xung đột kinh tế kéo dài.
Dù những tuyên bố về việc áp thuế liên tục được đưa ra nhưng thị trường chứng khoán ở cả hai nước vẫn tiếp tục tăng điểm.
Các nhà phân tích cho biết thuế quan không nghiêm trọng như các trader dự đoán và vẫn còn hy vọng rằng hai nước sẽ đi đến hoà giải. Tuy nhiên, thực tế có thể chứng minh điều ngược lại rằng hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, mỗi nước đều có nền văn hoá riêng biệt, sẽ theo đuổi mục tiêu phát triển riêng của họ.
Jing Ulrich, giám đốc điều hành và phó chủ tịch JPMorgan tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương, cho biết: “Hiện tại chúng ta cần phải suy nghĩ về việc liệu cuộc chiến thương mại sẽ trở thành một cuộc chiến tranh lạnh về kinh tế hay không.”
Hôm thứ Năm (20/9), tại cuộc hội thảo của Diễn đàn kinh tế thế giới tổ chức tại Thiên Tân, bà phát biểu: “Trung Quốc sẽ không thay đổi chính sách trong nước của mình chỉ bởi những áp lực từ bên ngoài.”
Bà nói thêm: “Vấn đề là ở lĩnh vực công nghệ, lĩnh vực cả Trung Quốc và Mỹ đều có tham vọng dẫn đầu thế giới. Và đương nhiên, Trung Quốc hiện đang ở vị trí tiên phong trong rất nhiều lĩnh vực.”
Bắc Kinh đang trong quá trình nỗ lực diễn ra trong nhiều năm để hướng tới việc phụ thuộc vào tăng trưởng tiêu dùng, chứ không phải là các hoạt động sản xuất. Chính phủ nước này cũng triển khai chương trình “Made in China 2025” nhằm khuyến khích đổi mới công nghệ trong nước.
Arun Sundararajan, giáo sư tại Trường Kinh doanh Stern của Đại học New York, cho biết: “Tôi nhận thấy Trung Quốc đi trước Mỹ đến 5 năm khi đề cập đến mức độ số hoá nền kinh tế.”
Tuy nhiên, ông nói rằng Mỹ vẫn đang dẫn trước Trung Quốc về các nghiên cứu và phát triển lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Ông cũng lưu ý, Nhật Bản đã “vượt mặt” hai quốc gia này về sản xuất các robot công nghiệp.
Chính quyền Trump cho biết họ đang nhắm vào kế hoạch “Made in China 2025”. Vòng áp thuế 10% gần đây nhất lên 200 tỷ USD hàng hoá Trung Quốc sẽ có hiệu lực vào ngày 24 tháng 9 tới đây, và sẽ tăng lên 25% vào ngày 1 tháng 1 năm sau. Bắc Kinh hiện đang có kế hoạch đáp trả với mức thuế 10% và 5% với 60 tỷ hàng hoá nhập khẩu từ Mỹ.
Hôm thứ Tư, các nhà phân tích của JPMorgan nói trong một bản báo cáo rằng họ dự đoán rằng thuế quan sẽ ảnh hưởng đến 0,6 điểm phần trăm GDP của Trung Quốc. Sự sụt giảm này sẽ làm tăng áp lực cho nền kinh tế, do những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm giảm sự phụ thuộc vào nợ và phát triển nền kinh tế định hướng tiêu dùng.
Bà Ulrich cho hay: “Đây là việc không hề dễ dàng. Quá trình này sẽ vô cùng trắc trở.”
Hương Giang
Theo Trí thức trẻ/CN
Be the first to comment