LTG: Bài này đã được Người Việt Boston cho lên mạng tháng 12, 2014. Tác giả hiệu đính tựa đề và nội dung để xin NVB đăng tải lại vì biến cố Biển Đông vẫn còn tiếp diễn và nhiều người Việt từ trong nước ra ngoài thế giới vẫn dửng dưng hay không quan tâm. Không làm được gì thì vẫn phải lên tiếng vì im lặng là đồng loã hay chấp nhân.
* * *
Kẻ thù ngàn năm đang đóng thêm mũi đinh nhọn xuyên qua những Trái Tim Việt Nam từ trong nước ra khắp miền địa cầu. Sự cao ngạo coi thường luật pháp quốc tế của Tàu Cộng khi ngang nhiên mang giàn khoan dò dầu khí vào hải phận Việt Nam chứng tỏ ý đồ lịch sử của họ về việc xâm chiếm lãnh thổ và nô lệ hóa Việt Nam. Biểu tình ở: Việt Nam, Âu Châu, Úc Châu, và Bắc Mỹ. Lòng yêu nước của dân Việt sôi sục như những ngọn lửa bùng lên trong đêm. Và báo chí thế giới đã loan tin bà Lê Thị Tuyết Mai tự thiêu trước dinh Độc Lập ở Sài Gòn vào ngày 23 tháng Năm, 2014 để bày tỏ nguyện vọng chống Tàu xâm chiếm lãnh thổ Việt Nam. Hậu duệ của Hai Bà Trưng làm sao yên lặng làm ngơ trước nguy cơ mất nước được! Người ly hương biệt xứ như mình, biết làm gì đây! Chả lẻ cứ cúi đầu như con kiến lủi thủi kiếm ăn? Chả lẽ cứ sống với trái tim ơ hờ?
Những Trái Tim Ly Hương Thờ Ơ
Cách đây vài tháng tôi tham dự buổi hội thảo về tranh chấp biển Đông ở đại học Havard rồi ra về thất vọng. Các vị học giả từ Sử Học, Luật Học, đến KinhTế Học trình bày những dữ kiện và giải thích nguyên do tại sao Tàu chiếm Trường Sa và Hoàng Sa thật chi tiết, rất khách quan, rất “bàng quan”, và cũng rất hững hờ. Trong số các học giả có nữ giáo sư (?) Canada gốc Việt Nam, người từng viết sách về Hồ Chí Minh, và vài học giả Mỹ gốc Việt Nam. Các vị này ai cũng có liên hệ mật thiết với Việt Nam qua những việc làm của họ từ cố vấn thương mại đến nghiên cứu lịch sử. Dường như các trí thức bằng cấp này tránh né sinh hoạt với cộng đồng người Việt chống Cộng. Chẳng hạn như nữ tiến sĩ đến từ Canada, tác giả về Hồ Chí Minh, đã được báo của Đảng Cộng Sản Việt Nam ca ngợi về quyển sách của cô. Tôi ra về thất vọng! Các trí thức gốc Việt Nam chỉ bàn những vấn đề liên quan đến vận mệnh của quê cha đất tổ như những vấn đề thời sự theo tinh thần “sách vở”. Tôi cũng nghe vội lời bàn của một vài vị trong phòng hội thảo rằng “Nếu Việt Nam vì một hòn đảo hoang mà gây chiến với Tàu thì là việc làm thiếu suy nghĩ.” Dĩ nhiên nhận xét này hoàn toàn đúng theo lý thuyết và sách vở. Nhưng việc chống xâm lăng Tàu trải qua hàng ngàn năm lịch sử Việt Nam vẫn là việc làm của Trái Tim. Nếu Hai Bà Trưng cũng suy luận kiểu các học giả gốc Việt thì ngày nay làm sao họ có thể tự gọi mình là người Mỹ gốc Việt hay Gia Nã Đại gốc Việt?
Những Người Hại Dân Bán Nước
Lâu rồi không còn hát một mình hay với bạn bè ca khúc “Gia Tài Của Mẹ” của Trịnh Công Sơn như thời niên thiếu ở Việt Nam Cộng Hòa và ngay cả những ngày đầu biệt xứ tỵ nạn Cộng Sản ở Hoa Kỳ. Những ngày tháng gần đây, từ khi theo dõi thông tin về việc Tàu xâm chiếm đất Việt Nam, trong giấc ngủ mình mơ thấy ngồi với nhóm bạn thời thanh xuân hát vang bài hát này ở một sân đại học Hoa Kỳ vào một chiều kỷ niệm ngày 30 tháng Tư, 1975.
Đúng như ca từ của bài hát, sau cuộc chiến, và sau khi nước Việt Nam bị Đảng Cộng Sản bắt thống nhất: “Gia tài của mẹ (thật sự) là nước Việt buồn….”
Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu
Một trăm năm đô hộ giặc Tây
Hai mươi năm nội chiến từng ngày
Gia tài của mẹ để lại cho con
Gia tài của mẹ là nước Việt buồn
Ký ức nô lệ, đô hộ, và nội chiến gom lại thành một nước Việt buồn vì chính nghĩa Dân Tộc Việt Nam bị Đảng Cộng Sản bôi xóa thay bằng tư tưởng Cộng Sản, ngoại lai. Điều Karl Marx khẳng định về sự nguy hại của tôn giáo thật sự chỉ áp dụng được cho chủ nghĩa Cộng Sản. Chủ nghĩa này là thuốc phiện làm u mê và tàn phá tri thức dân tộc trong trái tim và linh hồn các đảng viên Cộng Sản Việt Nam. Kết quả liều thuốc phiện Cộng Sản đã được nghiệm chứng bằng sự băng hại ý thức dân tộc của ông Hồ, của đồng đội ông và của nhiều thế hệ theo chân ông. Đúng vậy, sau khi bán linh hồn cho Cộng Sản, ông Hồ đã bị tư tưởng Cộng Sản xóa hết tinh thần Việt Nam trong trái tim mình dù ông vẫn dùng chiêu bài dân tộc để mị dân.
Người Cộng Sản Hồ Chí minh mang trên vai hành trang hồi hương là tập kim chỉ nam “Đường Kách Mệnh” do ông tinh lọc từ chủ nghĩa và ý thức hệ Cộng Sản để giáo dục và đầu độc những thanh niên, vì yêu nước, theo ông làm cách mạng chống thực dân Pháp. Vừa trở về quê hương, ông Hồ vội đã trút tâm sự biểu lộ tình yêu kính Lênin và Mác bằng những vần thơ sau đây:
Non xa xa, nước xa xa.
Nào phải thênh thang mới gọi là.
Đây suối Lênin, kia núi Mác.
Hai tay xây dựng một sơn hà.
(HCMinh: Pác Bó Hùng Vĩ)
Thay vì quỳ xuống hôn đất mẹ Việt Nam sau một thời bôn ba xứ người, hay rơi nước mắt hạnh phúc vì sẽ đuợc nhìn lại nước sông Hát tìm bóng người xưa, hai vị Đại Anh Hùng-Trưng Nữ Vương, thà chết còn hơn bị rơi vào tay Giặc Tàu; hay vội vã tìm ra bờ sông Bạch Đằng để nhìn được “Đây Bạch Đằng Giang, Sông hùng dũng của nòi giống Tiên Rồng…” nơi Đức Trần Hưng Đạo đánh bại giặc Mông-Nguyên; ông Hồ lại bảo từ nay ông không cần phải đi xa nữa để được nhìn suối Lênin hay ngắm núi Mác. Vì theo ông Hồ, sông núi quê nhà, sông núi Việt Nam chính là sông núi Lênin và Mác. Ông cùng các đồng chí Cộng Sản của ông phải ra tay xây dựng nên một Việt Nam hoàn toàn khác với Việt Nam mà Hai bà Trưng, Trần Hưng Đạo đã liều chết để bảo vệ. Thay vì suy tư về con đường giải phóng dân tộc khỏi thực dân Pháp đô hộ bằng chính nghĩa Việt Nam, bằng tư tưởng Việt Nam dựa trên gia tài dựng nước giữ nước của tổ tiên, ông Hồ đã:
Sáng ra bờ suối, tối vào hang,
Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng.
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng,
Cuộc đời cách mạng thật là sang.
(HCM: Tức Cảnh Pác Bó)
Tôi được nghe rằng một trong những học trò Kách Mệnh đầu tiên của ông, Phạm Văn Đồng, đã ký giấy dâng đất quê hương cho Tàu. Cả ông Hồ và ông Phạm đã coi thường lời di chúc của tiền nhân, lời di chúc của vị vua yêu nước thương dân, Trần Nhân Tông. Làm vua nhưng không tham quyền cố vị như những Đảng Viên Cộng Sản cầm quyền tại Việt Nam hôm nay. Ngài bỏ ngai vàng đi tu không viết “Đường Kách Mệnh” kiểu ông Hồ nhưng sáng tác những bài thiền thi soi sáng tâm linh dân tộc. Bây giờ đọc lại Di Chúc của Ngài mình mới thấm thía “Một tấc đất của tiền nhân để lại, cũng không được để lọt vào tay kẻ khác.” Vâng, những người Cộng Sản Việt Nam từ ông Hồ cho tới thế hệ Cộng Sản đương thời đúng là “một bọn lai căng,” và “một lũ bội tình” y như lời ca khúc của Trịnh Công Sơn. Khó chịu lắm, khi đọc những bài luận văn của nhiều học giả về thi ca Việt Nam dưới chế độ Cộng Sản cả gan mang ông Hồ Chí Minh ra so sánh với Đức Trần Nhân Tông. Có thể bảo rằng Trịnh Công Sơn đã viết những lời ca sau đây dành riêng cho những người như ông Hồ, ông Phạm và Đảng Cộng Sản Việt Nam:
Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu
Một trăm năm đô hộ giặc Tây
Hai mươi năm nội chiến từng ngày
Gia tài của mẹ một bọn lai căng
Gia tài của mẹ một lũ bội tình.
Ông Hồ và ông Phạm đã quên lời của Lý Thường Kiệt: Vị đại anh hùng dân tộc đánh quân Tống.
Sông núi nước nam
Lý Thường Kiệt
Sông núi nước Nam vua Nam ở
Rành rành định phận tại sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm?
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời!
(Bản dịch của Trần Trọng Kim)
Cha-Ông không sợ chết trước sức mạnh của giặc Tàu đã thốt lên những câu thơ hào khí như vậy, nhưng kẻ hậu sinh Cộng Sản Phạm Văn Đồng lại ngang nhiên viết “sớ” dâng sông núi Việt Nam cho giặc Tàu, kẻ thù lịch sử.
Gần đây một người Việt Nam tỵ nạn (đoàn tụ) đã đọc cho tôi câu “Bên kia biên giới cũng là quê hương” và anh bảo câu thơ của đại thi hào Tố Hữu. Anh ấy tâm sự, “Đọc câu thơ của Tố Hữu rồi giận phát điên.” Tôi cũng tìm đọc xem bài thơ ra sao. Trong hoàn cảnh hôm nay, làm sao không thể tức điên lên khi đọc những câu thơ sau đây của Tố Hữu, một nhà thơ đã từng làm ủy viên chính thức Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Bí thư Ban chấp hành Trung Ương Đảng Cộng Sản, và năm 1958 ông trực tiếp tham gia việc thanh trừng và bóp chết phong trào Nhân Văn-Giai phẩm, một phòng trào văn nghệ sĩ miền Bắc đòi tự do trong chế độ Cộng Sản. Ông Tố Hữu đã muốn Việt Nam thành một với Tàu “Cho cả địa cầu thành một ngôi sao!” Bạn hãy nhìn vào lá cờ của Tàu Cộng và cờ của Cộng Sản Việt Nam để thấm thía thêm nỗi đau và cái nhục của người Việt Nam hôm nay. Bạn đọc kỹ hai đoạn trích từ bài thơ “Đường Sang Nước Bạn,” hay nói cho rõ “Đường Sang Tàu” của Tố Hữu để biết rằng những người Cộng Sản từ ông Hồ đến thế hệ hôm nay đều là những người bán nước hại dân.
(http://www.thivien.net/viewpoem.php?UID=xCEy3xXJmmj35R2V26I-2w)
Bên ni biên giới là mình
Bên kia biên giới cũng tình quê hương…
………………………………………………….
Sáng thêm nữa, đời đời, ngọn lửa
Của Trung Hoa, của chúng ta, tất cả!
Của chúng ta, muôn ngọn lửa hãy lên cao
Cho cả địa cầu thành một ngôi sao!
(Tố Hữu: Đường Sang Nước Bạn)
Làm Gì Đây?
Nói và chửi Tàu xâm lăng thì qua dễ. Nhưng phải làm gì đây thì quả là khó. Khó hơn nữa khi người Việt Nam gốc tỵ nạn Cộng Sản từ mọi phía vẫn nghi ngờ nhau dù ai cũng đồng tâm “Không theo và tin Cộng Sản Việt Nam được”. Chúng ta vẫn mỗi người một ngựa, mỗi nhóm một đường đi nên chỉ có thể ngồi bàn cãi suông thôi.
Ngày mới lớn ở VNCH tôi đã hát thuộc lòng bài du ca “Không Phải Là Lúc” của cố nhạc sĩ du ca Nguyễn Đức Quang. Bây giờ hát lại một mình còn thấm thía hơn.
Không Phải Là Lúc
Nguyễn Đức Quang
Không phải là lúc ta ngồi mà đặt vấn đề nữa rồi
Mà phải cùng nhau ta làm cho tươi mới
Hàng chục năm qua ta ngồi ngó nhau
Nghi ngờ nhau, khích bác nhau
Cho cay cho sâu, cho thật đau
Không phải là lúc ta ngồi mà cãi suông
Không tin nơi nhau thế ta định nhờ ai dẫn đầu
Thế giới ngày nay không còn ma quái
Thần tượng tàn rồi, còn anh với tôi
Chúng ta đi tới bằng cái tầm thường thôi
Làm việc đi không lo khen chê
Làm việc đi hãy say và mê
Cứ bắt tay từ từ chúng ta giải quyết
Mình chậm chân theo sau người ta
Còn ngồi đây nghĩ lo viễn vong
Thắc mắc ngại ngùng đến lúc nào mới làm xong …
Mình không làm chính trị, yêu hòa bình và chống chiến tranh. Nhưng trong hoàn cảnh hôm nay, chẳng lẽ ngồi im lặng để kẻ thù lịch sử cướp đất cha ông để lại. Dù mình đã giơ tay tuyên thệ xin làm công dân Hoa Kỳ, nhưng quê nhà Việt Nam vẫn còn trong trái tim. Trong điện đàm với người bạn thân ở Texas, anh ta đặt câu hỏi, “Nhỡ bây giờ có chiến tranh giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, mình phải đứng phe nào?” Câu hỏi còn hàm ý nữa là “Bây giờ mình là công dân Hoa Kỳ thì mắc mớ gì đến tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa Tàu và Việt Nam!” Cái giả thuyết anh bạn tôi đưa ra thật khó giải quyết, nhưng tôi tin khi việc ấy xảy ra, chúng ta mỗi người sẽ có câu trả lời theo trái tim mình. Còn chuyện ngay lúc này thì sao? Tôi đề nghị vài việc làm “ngây thơ” vì mình không phải là chiến lược gia hay nhà phê bình chính trị. Những việc chúng ta có thể làm:
1. Lên tiếng phản đối Trung Hoa để người dân bản xứ nơi chúng ta đang sinh sống biết về những hành động xâm lăng Việt Nam và ý đồ bá chủ thế giới của Trung Hoa. Lịch sử đã cho ta biết rõ là chính phủ Hoa Kỳ phủi tay không tiếp tục ủng hộ Việt Nam Cộng Hòa trong chiến tranh ý thức hệ giữa Cộng Hòa Xã Hội (Cộng Sản) Việt Nam và Việt Nam Cộng Hòa (Tự Do) vì lòng người dân Mỹ không còn muốn Hoa Kỳ tiếp tục tham gia cuộc chiến tại Việt Nam nữa. Ở những nước dân chủ chân chính, ý dân đúng là ý trời. Như vậy nếu ta muốn Hoa Kỳ lên tiếng phản đối mạnh mẽ việc Tàu xâm lăng Việt Nam, ta phải tìm cách làm xiêu lòng dân Hoa Kỳ. Việc ngưởi Việt tại Hoa Kỳ có thể thực hiện được như việc phổ biến tội ác của Trung Hoa qua truyền đơn, mạng thông tin, quảng cáo trên TV, và các nhật báo lớn
2. Vận động và ảnh hưởng các nhà dân biểu từ địa phương đến quốc hội Hoa Kỳ để họ lên tiếng phản đối việc Tàu xâm chiếm lãnh thổ Việt Nam và các nước quanh vùng. Người Việt tại Hoa Kỳ cần thành lập một Ủy Ban Hành Động Chính Trị kiểu Polical Action Committee của các nhóm hoạt động chính trị trong chính trường Hoa Kỳ. Các nhóm này có giấy phép hoạt động bằng cách gây quỹ và dùng tiền để ủng hộ các sinh họat chính trị như giúp các ứng cử viên trong các cuộc tranh cử. Có tổ chức hợp pháp và có tài chánh, chúng ta sẽ gây ảnh hưởng và làm áp lực các vị dân biểu Hoa Kỳ lên tiếng phản đối hành động bất hợp pháp của Tàu Cộng.
Tất cả những việc này cần trái tim và tài chánh. Có người bảo tôi kiếm đâu ra tiền để làm những việc “ruồi bu”? Tôi nhớ cách đây vài tháng lúc cộng đồng Việt Nam Boston gây quỹ giúp nạn nhân bão lụt ở Phi, tôi mời một người quen mua vé ủng hộ, bà nhìn tôi ái ngại trả lời, “Ông biết không, ngay cả họ hàng tôi từ Việt Nam xin tiền mà tôi cũng phải né huống hồ giúp người Phi. Đổ mồ hôi nước mắt mới kiếm ra đồng tiền, hơi đâu cho người dưng. Tôi cũng đến Phi, nhưng tiền Cao Ủy Tỵ Nạn cho chứ nào phải của Phi”. Tôi mỉm cười cảm ơn. Dù biết bà ta có cơ sở thương mại rất khá giả. Dĩ nhiên không phải ai cũng vậy. Tôi tin vào những trái tim Việt Nam Hải Ngoại sẽ không làm ngơ trước sự xâm lăng của Tàu.
Rải Truyền Đơn Từ Boston Về Washington DC
Khi tôi đưa ra ý kiến thực hiện truyền đơn chống Tàu quanh vùng Boston và Washington DC mùa hè này, vài người bạn tôi đã cười khan bảo “đúng là làm chuyện ruồi bu!” Có người còn bảo việc rải truyền đơn chỉ là “trò trẻ con.” Tôi hỏi lại, thế ta phải làm gì? Chả nhẽ cứ dửng dưng, hay im lặng? Sau khi thu thập ý kiến tôi gửi ngay đến Họa Sĩ Nguyễn Trọng Khôi xin anh “thiết kế” bìa truyền đơn. Muốn người Mỹ đọc, truyền đơn phải có sức thu hút. Đơn giản là truyền đơn phải dễ nhìn và gợi ý tò mò của khách qua đường. Dĩ nhiên là anh Khôi đã làm ngay không thắc mắc hay bàn ra. Dù chưa thực hiện được một truyền đơn lý tưởng, tôi đã vội vã cho in để mang theo chuyến công tác ở Washington DC vào đầu tháng 6, 2014 với mục đích phát cho người qua lại quanh khu phố gần khu nhà Đại Sứ Trung Hoa.
Chiều ngày 4 tháng 6, 2014 tôi đi Washington DC làm việc hai ngày tại Hàn Lâm Khoa Học Quốc Gia (National Academy of Siences). Là thành viên ủy ban giám sát dịch vụ tâm lý cho cựu quân nhân Hoa Kỳ đã tham chiến ở Irag và Afghanistan. Ủy ban này trực thuộc Viện Y Tế Quốc Gia (National Institute of Medicine), một chi nhánh của Hàn Lâm Khoa Học, cứ 4 tháng tôi lại có dịp về Washington. Nhân cơ hội này tôi quyết định ít nhất mình cũng phải đến tòa Đại Sứ Trung Quốc biểu tỏ sự phản đối việc Tàu xâm chiếm lãnh thổ Việt Nam. Tôi tìm cách liên lạc ông Ngụy Vũ của NVRADIO nhờ ông kêu gọi bà con ai rảnh chiều thứ Năm ngày 5 tháng 6, 2014 đến Đại Sứ Trung Hoa địa chỉ: Embassy of the People’s Republic of China in the United States of America , 3505 International Pl NW, Washington, DC 20008. Trước khi lên đường tôi mang mẫu truyền đơn do anh Nguyễn Trọng Khôi làm vào nhà in trong trường nhờ in ngay từ 1 ngàn đến 2 ngàn bản. Người thợ in bảo:
“Ông làm ơn cho tôi xin số tính tiền của phân khoa để gửi phiếu ấn phí đến.”
“Không, đây là việc làm cá nhân, tôi sẽ tự thanh toán. Khi nào lấy được?”
“Khoảng 2 tiếng nữa.”
“Tôi sẽ ghé lúc 12:00 vì phải rời trường đúng 12:30”
“O.K.”
Trong khi chờ, tôi ghé thư viện Đại Học. Lâu rồi không ghé. Nhân tiện hỏi thăm Vũ Mạnh Nhâm, người bạn lâu năm tại Boston. Chúng tôi ngồi uống trà trong Lounge của thư viện và tôi cho anh biết ngày mai sẽ rải truyền đơn chống Tàu. Anh nhìn tôi ngơ ngác không hiểu. Tôi lấy tờ truyền đơn mẫu từ ba lô cho anh xem, và sau khi nghe tôi giải thích dự án chống xâm lăng, anh gạn hỏi:
“Ông muốn tôi tham gia như thế nào?”
“Thiếu gì cách! Chẳng hạn mình hùn tiền in truyền đơn hay in áo thun.”
“O.K. ông chờ, tôi vào bàn làm việc lấy ví.”
Anh vội vã đứng lên rồi trở lại nhét vào tay tôi $50 nói nhỏ,
“Hôm nay có bằng này thôi.”
“Bao nhiêu chả được, tấm lòng mới quan trọng…”
Như vậy là mình có thêm “đồng chí” để làm chuyện mà một anh bạn khác đã cười khan bảo ruồi bu sau khi nghe tôi nói về dự án rải truyền đơn chống Tàu.
Chiều thứ Tư ngày 4 tháng 6, 2014, tôi lên đường đi Wahnington DC. Mang theo 2,000 tấm truyền đơn vừa in. Tôi gọi anh Phạm Văn Nam, người thực hiện chương trình mạn đàm về Biển Đảo Việt Nam với tôi trên truyền hình Láng Giềng Boston, và cũng là người ủng hộ dự án truyền đơn, rủ anh ra phi trường Logan rải truyền đơn. Tôi có 1 giờ làm việc này trước khi lên đường. Tôi và anh Nam là hai thái cực, biết nhau mấy chục năm, mỗi người một đường đi, một nghề khác, và hoàn cảnh khác. Tuy nhiên chúng tôi chia chung một điểm là phục vụ phát triển cộng đồng. Tôi làm việc cộng đồng vì liên quan đến việc dạy học và ý thức được mình cần có cộng đồng. Còn anh nguyên là chuyên gia ngân hàng và người hoạt động chính trị trong chính trường Hoa Kỳ nhiều năm. Tôi báo anh Nam biết sẽ có mặt tại phi trưởng khoảng 4:30. Nam bảo anh sẽ ra giúp tôi phát truyền đơn. Trước khi đi tôi liên lạc Họa Sĩ Nguyên Long, một người bạn lâu đời, nhắn cháu gái của anh cũng là một họa sĩ làm vội cho tôi một áo thung có chữ chống Tàu xâm lăng Việt Nam. Cháu làm cho tôi hai áo và tôi đã đưa cho Nam một áo. Hai chúng tôi mặc áo T-Shirt màu vàng đi rảo hành lang phi trường, quanh những quầy bán vé, và các tiệm ăn để phát truyền đơn. Đấy là lần đầu sau gần 40 năm tôi đi rải truyền đơn lại. Thời sinh viên, tôi đã đi phát truyền đơn hộ mấy người bạn Iran thuộc trong phong trào đòi lật đổ ông hoàng Mohammad Rezâ Shâh Pahlavi và các bạn Palestine để ủng hộ cuộc kháng chiến đòi độc lập của lãnh tụ Yasser Arafat. Phát truyền đơn ở sân đại học cuối thập niên 70 dễ hơn phát truyền đơn ở phi trường sau vụ 9/11. Hành khách liên tục được nhắc là đừng giữ hộ hay lấy bất cứ thứ gì từ người lạ. Vả lại, hệ thống thu hình an ninh ở phi trường được gài đặt khắp nơi. Đương nhiên là nhân viên an ninh theo dõi hành vi của mình trên màn ảnh trong phòng kiểm soát an ninh. Cũng may, có lẽ mình cầm lá truyền đơn rành rành trên tay và lúc nào cũng tươi cười chào khách nên chưa bị làm khó dễ. Sau khi đi một vòng, tôi và Nam vào quán rượu mượn cớ uống bia để có dịp phát thêm truyền đơn cho khách. Khoảng hơn 5 giờ chiều, việc rải truyền đơn ở phi trường Boston tạm ngưng vì tôi phải lên đường đi Washington DC.
Sau hơn 1 giờ bay từ Boston đến phi trường quốc gia Ronald Reagan, vừa ra khỏi phi cơ, tôi vội lấy truyền đơn ra phát ở hành lang sân bay. Hành khách kẻ đến người đi, ai cũng vội vã. Tôi quyết định để truyền đơn trên những mặt bàn ở các phòng đợi và bất cứ chỗ nào có thể gây chú ý. Vừa phát truyền đơn vừa nhìn quanh vì sợ cảnh sát phi trường theo dõi làm khó dễ. Việc phát truyền đơn vẫn yên ổn như lúc ở Boston. Đi hết một vòng tôi ra đón Taxi về khách sạn, và chiều mai, thứ Năm, sẽ mang truyền đơn đến phát quanh khu Sứ Quán Trung Hoa.
Dù uỷ ban của chúng tôi chỉ liên quan đến sức khỏe tinh thần của cựu quân nhân, buổi họp ngày thứ Năm rất căng thẳng vì tình hình quản trị của các bệnh viện phục vụ cựu quân nhân Hoa Kỳ đang gặp khủng hoảng. Vị tướng làm bộ trưởng bộ cựu quân nhân vừa bị từ chức. Chúng tôi ngồi nghe những bài tường trình của nhiều chuyên gia liên tục cả ngày, mệt lả. Đến 4:00 giờ chiều, nhân lúc giải lao vài phút, tôi viện cớ có hẹn quan trọng xin về khách sạn sớm. Các đồng nghiệp tôi phải ngồi đến hơn 6:00 chiều mới được nghỉ. Định bụng lấy Taxi đến Sứ Quán Trung Hoa, nhưng người hướng khách (concierge) của khách sạn cảnh báo đi Taxi vào giờ lưu thông cao độ, tiền Taxi có thể tăng gấp 3 lần, tốt nhất đi tàu điện. Từ khách sạn đến trạm Metro mất 10 phút đi bộ, cũng bằng quãng đường và từ trạm Metro Van Nuys đến Sứ Quán Trung Hoa. Vai đeo túi truyền đơn, vừa đi bộ vừa phát. Có người mỉm cười, nhận và cảm ơn. Có kẻ lắc đầu hay tỏ vẻ khó chịu. Mình vẫn tươi cười mời khách qua đường lấy truyền đơn trong ga tàu điện, hay trên toa tàu.
Chiều thứ Năm ngày 5 tháng 6, 2014 là một buổi chiều tuyệt đẹp ở Washington. Thời tiết tươi mát trong lành nên đi bộ thoải mái dễ chịu. Từ trạm Metro Van Nuys, tôi hồi hộp đeo bao truyền đơn lên Sứ Quán Trung Hoa. Chưa bao giờ tôi đặt chân đến khu phố này, nên vừa đi vừa phải quan sát cảnh vật và tìm tên đường. Qua ngã tư đường Connecticut và Van-Ness, thấy tiệm Phở, nghĩ bụng sẽ vào ăn tối trước khi về khách sạn. Đến sứ quán Trung Hoa, nhưng chưa thấy bóng Việt Nam nào ra. Tôi liên lạc lại Ngụy Vũ, anh trả lời “Đã thông báo trên đài mấy lần rồi.” Sứ Quán Trung Hoa là một khu nhà rộng lớn kiến trúc tân kỳ. Nhìn lá cờ đỏ năm sao vàng tung bay trong gió chiều làm lòng mình tức sục lên. Đến trước cổng sắt cao, tôi nhìn thằng vào ống kính của máy thu hình, giang tay ra để công an gác sứ quán thấy chữ Get Out, China được in màu đỏ trước ngực và sau lưng chiếc áo T Shirt màu vàng mới tinh. Chỉ trong vòng giây lát, một người đàn ông tuổi 30 trong bộ áo xanh ra phất tay bảo tôi phải rời cổng. Tôi ném vào khe cổng sắt vài truyền đơn, anh ta tỏ vẻ khó chịu vừa lượm truyền đơn tôi ném vào vừa đuổi tôi đi. Thấy xe cảnh sát rà rà lại, tôi làm bộ chạy tới xin phép dùng cell phone chụp hình cổng tòa Đại Sứ Trung Hoa làm kỷ niệm. Viên cảnh sát da đen nhìn áo tôi mặc rồi mỉm cười gật đầu. An tâm, tôi cứ đi quanh quẩn khu Sứ Quán dọc theo đường International PL. Gặp ai tôi cũng đưa truyền đơn phát. Có vài người Tàu đi bộ vào phía cổng phụ của Sứ Quán, tôi cũng mỉm cười nhanh nhẹn chìa truyền đơn; người lắc đầu, người lấy vội gấp bỏ túi. Trên đường Interational PL có một trạm xe Bus ngay trước Sứ Quán Ethiopia, tôi ghé vào để một xấp truyền đơn trên ghế. Cảnh sát bước đến bảo không được làm thế vì gió sẽ thổi bay khắp khuôn viên. Tôi cười năn nỉ và xin cho phép để một ít thôi. Anh ta nhìn tấm truyền đơn tỏ vẻ thông cảm bảo: “Đừng bỏ thêm nữa!” Tôi cảm ơn và tiếp tục đeo túi truyền đơn rảo bộ quanh khu. Bảy giờ tối, vẫn chưa có bóng Việt Nam nào đến. Tôi quay lại trạm xe điện tìm hết những thùng báo miễn phí bỏ mỗi thùng một xấp truyền đơn. Như vậy là tất cả các thùng báo ở trạm Metro Van-Ness gần Sứ Quán Trung Hoa, thùng nào cũng có truyền đơn chống Tàu xâm lăng Việt Nam. Trời đầu hè vẫn còn sáng dù đã 8 giờ. Tôi ghé vào tiệm Phở 14 xin gửi một xấp truyền đơn. Vừa bước vào, người thanh niên Việt Nam nhìn tôi xoi mói: “Bác ăn phở?” Tôi lắc đầu, lấy ra một xấp truyền đơn: “Anh cho tôi để xấp truyền đơn này ở tiệm nhá!” Không trả lời, nhưng anh gọi vọng vào bếp, “Chị Tâm!” Từ trong bếp một phụ nữ vóc người mảnh mai đến gặp tôi, cô nhìn áo, và nói ngay
“Hôm nay biểu tình à chú?”
“Không, tôi chỉ đi phát truyền đơn thôi. Cô cho tôi để lại tiệm xấp truyền đơn.”
“Mời chú ăn phở!” cô vừa nói vừa nhận xấp truyền đơn.
“Cảm ơn, tôi sẽ trở lại ăn trước khi về!”
“Cháu làm cà phê chú mang theo uống nhá!”
“Cảm ơn, tôi có nước rồi.” Tôi lấy chai Gatorade cho cô xem.
Tôi men theo khuôn viên Đại Học University of the District of Columbia ven đường Van Nuys để bỏ ít truyền đơn. Đại học nằm bên khu Sứ Quán Trung Hoa. Gần 8:30 vẫn chưa có người Việt nào ra giúp. Không sao. Một mình vẫn cứ làm. Cả khu Sứ Quán im lìm vắng tanh. Người thanh niên áo đen gác cổng sau đã khóa cổng và trở vào Sứ Quán. Tôi đã cố đưa cho anh ta truyền đơn hai ba lần nhưng lần nào anh cũng lắc đầu lặng thinh.
Mồ hôi đã nhễ nhãi và hai chân cũng rã rời. Trở lại Phở 14 ăn vội tô phở trước khi lấy Metro về hotel. Lúc tôi vào tiệm, không thấy cô Tâm. Có lẽ bận bịu trong bếp. Sau khi ăn khoảng nửa tô phở và uống cạn ly trà đá, tôi đặt $15 lên bàn rồi bỏ đi. Đang đứng chờ đèn hiệu để băng ngang đường, có tiếng gọi
“Chú, chú, đợi cháu tý.” Tôi ngoảnh đầu thấy cô Tâm vội vã chạy đến.
“Tôi để tiền ăn lên mặt bàn rồi cô!”
“Không phải vậy. Cháu không tính tiền ăn chú đâu!”
Tôi nhìn cô với ánh mắt đồng hương thân tình và lòng mình bỗng ấm hẳn lên.
“Cảm ơn cô, nhưng xin cô cứ giữ tiền ăn của tôi.”
“Không được, cháu không thể nhận tiền ăn của chú được.”
“Cô làm vậy, lần sau tôi không trở lại ăn nữa. Làm ơn giữ lại tiền, nhưng thỉnh thoảng nhớ phát truyền đơn cho khách hàng nhá.”
“Mấy người trên ấy cũng xuống đây ăn.” Vừa nói cô vừa đưa tay chỉ lên phía Sứ Quán Tàu.
“Cô làm ăn, nên cần khách hàng. Đừng đưa truyền đơn cho họ. Chỉ đưa cho khách không phải người Tàu.” Tôi chào cô và bước đi vội.
Cả buổi chiều lủi thủi làm chuyện “ruồi bu” bây giờ tự nhiên thấy lòng lâng lâng vui. Sang bên kia đường, tôi lấy cell phone chụp vội tên tiệm Phở 14 làm kỷ niệm. Thì ra chỉ cần một đồng hương xa lạ ủng hộ việc mình phát truyền đơn chống Tàu xâm lăng cũng đủ chứng minh đấy không phải là chuyện ruồi bu.
Tôi ngồi nhắm mắt trên chuyến tàu điện dưới lòng đất thủ đô Hoa Kỳ nghĩ miên man về tương lai quê nhà. Chả lẽ Việt Nam lại bị thêm “Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu?” Những bài học lịch sử về tổ tiên chống Tàu xâm lăng, thầy cô dạy thời thơ ấu, vẫn còn lãng đãng trong ký ức ly hương.
Trần thu miên
Be the first to comment