Tôi hay nói Trần Lục Bình là cô gái có nét đẹp nam tính, Bình liếc mắt rồi cười:
“Xàm quá ông, kệ tía tui đi”…
Tôi biết Bình năm 1999 khi tôi vào thành phố thi đại học. Trước ngày thi, tôi thuê căn phòng gần địa điểm thi ở Q.1. Chiều đó, Bình lục tục đến thuê phòng. Lúc ấy, tôi chẳng có ấn tượng gì nhiều ở Bình ngoài giọng nói đặc sệt miền Tây.
Đêm đó, tôi thấy Bình cứ đi ra đi vào vẻ không ngủ được vì căn phòng nóng hầm hập… Tôi mạnh dạn mời Bình qua ngủ chỗ tôi vì tôi có máy quạt. Bình nhìn tôi tròn xoe:
“Ngủ bên ông, ông có mần thịt tui hôn đó?”.
Tháng ngày chờ kết quả thi cũng xong, ngày tôi từ miền Trung vào lại thành phố để làm thủ tục nhập học thì Bình cũng xếp hàng sau lưng tôi để làm thủ tục. Nhìn thấy nhau, Bình la lớn:
“Trời, dữ thần hôn, ông cũng đậu trường này hả?”.
Tôi và Bình đậu chung trường, chung khoa, học chung lớp, chung tổ và tất nhiên chúng tôi ngồi chung bàn với nhau luôn cho trọn bộ.
Bình rất có duyên, dễ gần và trực tính. Tuy nhiên, điều tôi thấy thú vị nhất chính là giọng điệu miền Tây của Bình. Tôi quê miền Trung, nên lời ăn tiếng nói của Bình tôi thấy cứ “tầy quầy” sao đó. Bình xưng hô với tôi là “ông, tui”… Lúc hai đứa giận nhau, Bình lại xưng hô khác, kiểu như:
“Tui mang cua qua cho mí người, không thích thì nói, chứ mí người bắt tui ngồi đợi ênh chiều giờ dzậy?”.
Nói về cua thì chẳng ai tin, thời sinh viên khó khăn cơm ăn còn thiếu, nhưng cua, cá thì tôi “ăn lòi bản họng” vì nhà Bình ở Cà Mau, cua nhiều “binh thiên”. Tôi với Bình thân nhau đến nỗi cả lớp ai cũng tưởng cả hai là một cặp, nhưng không.
Nhiều lúc tôi hỏi Bình chuyện tiếp xúc của cả hai như thế này thì ở miền Trung hiếm lắm, Bình cười to:
“Tui biết tính ông hổng có bốc hốt nên tui tin chứ bộ”.
Bình kể rằng, ở Đất Mũi, cha Bình chuyên đi mua lục bình để nuôi gia cầm, nên cha Bình “mắc chứng” đặt tên thứ nổi trôi này cho Bình. Bình còn kể rằng quê Bình ở có “cây cầu Rạch Tàu, là cây cầu cuối cùng của đất nước tính từ Bắc vào Nam”. Ai yêu quê hương thì đều có những tự hào nào đó nơi xứ sở của mình như Bình.
Và từ ngày thân thiết với Bình, tôi biết nhiều hơn về miền Tây và thương luôn giọng miền Tây từ Bình, dù lúc đó tôi chưa từng đặt chân đến vùng đất này.
Tối đó Bình hẹn tôi qua phòng trọ. Khi tôi đến nơi thì thấy Bình cho tôi nguyên thùng cạc tông “chà bá” gồm nồi, xoong, bếp ga… Bình nghỉ học, về quê lấy chồng. Tôi sốc vì tin này, nhưng ở miền Tây thì con gái 19, 20 tuổi phải lấy chồng là bình thường và vì cha Bình đã yếu rồi… Bình kể:
“Ảnh thương tui đứt ruột, tui đâu bắt ảnh đợi được, vả lại tui cũng muốn cho cha dzui”.
Bình cười rồi thảy cái mền “chim cò” vào người tôi:
“Cho ông luôn đó, nhớ tui thì đắp cho đỡ nhớ. Giờ tui bao ông đi nhậu rồi tui lên xe dìa quê luôn”.
Từ đó tôi và Bình bặt tăm nhau. Tôi nhớ Bình có dặn tôi trước khi lên xe:
“Ông dzìa đến cầu Rạch Tàu là hết đất, ông quẹo trái vào xóm, hỏi người ta hồn danh của cha tui thì họ chỉ cho. Ở lại mạnh giỏi nha!”.
Nhìn chiếc xe từ từ lăn bánh, lần đầu tiên tôi thấu tâm trạng “đứt từng khúc ruột” như lúc Bình “quởn” lên hay ngân nga câu ca cổ nào đó.
Tôi ra trường và bon chen cùng dòng đời 20 năm. Trong suốt khoảng thời gian đó, tôi đã đến khắp nơi ở miền Tây, gặp nhiều con người bình dị cùng những giọng điệu miền Tây thân thuộc.
Ở vùng đất này, dường như cái tính, cái tình của người miền Tây được biểu lộ ra hết từ giọng điệu.
“Hôm qua bụng má nghĩ đến mày, dạo này khỏe hôn con?”,
“Quà gì mà dữ thần vậy mậy? Dzìa chơi được rồi, quà cáp làm gì”,
“Mỗi lần nhậu là nhớ anh trời gầm luôn, coi hổm nào phẻ phẻ xuống em quắc cần câu một bữa nha”…
Trong đêm kỷ niệm ngày thành lập doanh nghiệp của tôi, gần tàn cuộc vui, có cậu nhân viên nào đó cao hứng đố cả bàn:
“Cây cầu cuối cùng ở miền Tây tên là gì?”.
Trong bàn toàn là người làm nghề du lịch, nhưng chẳng ai có đáp án chính xác. Tôi tự nhiên nhớ Bình cồn cào, gần 25 năm rồi còn gì. Và tôi quyết về miền Tây ngay sáng hôm sau.
Tôi chầm chậm lái xe qua cầu Rạch Tàu, đúng như Bình nói, qua hết cầu thì chỉ còn rừng tràm trước mặt, rẽ trái vào đường xóm nhỏ đi tầm 2 km nữa là ra Đất Mũi. Tôi lội bộ vào xóm, hỏi tên cha của Bình, nhưng chẳng ai biết. Cuối cùng, có bà lão nào đó nhớ tên ông, chỉ đường cho tôi vào nhà Bình. Nhờ đó tôi cũng biết thêm, năm xưa Bình về quê lấy chồng, chỉ sau một năm thì cha Bình mất.
Tôi đứng trước vựa hải sản cũng khá bề thế, thấy Bình đang ngồi bàn làm bà chủ. Bình đã tròn hơn xưa, xinh xắn hơn, và giọng điệu thì vẫn “tầy quầy” vậy. Tôi đi thẳng đến nơi Bình ngồi, Bình nhìn tôi lạ lẫm. Tôi bình thản ghẹo:
“Tui muốn nằm cùng mí người một đêm như xưa, được không Bình?”.
Bình nhìn tui sững sững rồi có vẻ chuẩn bị nổi sùng, tôi tháo mắt kiếng, cởi khẩu trang, nhìn Bình mỉm cười. Bình sững sờ, rồi cười la lên như tôi đoán:
“Chèng đéc ơi, ông Dzũ… tui nhìn ông không ga luôn?”.
Những ngày vui vẻ đó tôi cứ như là thượng khách với gia đình Bình. Bình giới thiệu bạn thời “sanh diên” với chồng, hàng xóm và cả các mối lái làm ăn của Bình. Lại một lần nữa, tôi được sống cùng cái tình và vô vàn giọng điệu miền Tây hào sảng thân thuộc mà tôi thương nhớ ấy.
Đêm nhậu chia tay Bình, tôi trả lại Bình cái mền “chim cò” năm xưa rồi đòi cái mền mới, Bình cười ngất:
“Trời… cưng mắc chết luôn… ông làm tui khóc đó ông Dzũ”…
Tôi khệ nệ xách bao tải “chà bá” đầy cua, cá bỏ lên xe. Vợ chồng Bình tiễn tôi, gương mặt Bình buồn hiu. Tôi nhìn Bình mỉm cười,
“Vậy là hòa… Ai cũng tiễn ai rồi nha”.
Bình khẽ cười, vẫy tay tạm biệt tôi.
Năm xưa Bình là cả miền Tây trong tôi, giờ khi già nửa đời người, mỗi khi thương nhớ giọng điệu thân thương xứ Chín Rồng này rồi tìm về, đi đâu tôi cũng sẽ thấy Lục Bình.
Tôi nhìn lại cây cầu Rạch Tàu cùng con xóm có lẽ cũng cuối cùng đất nước này, tôi như thầm hiểu thêm rằng, còn thương mến nhau, thì dẫu nơi kỳ cùng, ai đó cũng sẽ tìm về. Như tôi vậy, cũng vì trót thương những giọng điệu miền Tây đẫm tình phù sa châu thổ nơi này.
Tạ Tư Vũ
Theo https://dactrung.com/blog/author/ngodong/ ngày 25/11/2024
Be the first to comment