Nhân Xuân Ất Tỵ 2025 – Tản Mạn Một Số Câu Ca Dao, Tục Ngữ Về Rắn

Rắn, âm Hán Việt gọi là Tỵ, là con vật được xếp thứ 6 trong 12 con Giáp theo Âm lịch là Tý, Sửu, Dần, Mẹo (Mão), Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất và Hợi.

Trong vè 12 con giáp thì có câu:
“Tuổi Tỵ Rắn ở bọng cây
Nằm khoanh trong bọng có hay chuyện gì”.

Tuy Rắn là động vật nguy hiểm đối với con người nhưng lại khá hữu ich vì nhiều loài rắn được sử dụng làm các vị thuốc chữa bệnh phong thấp, thần kinh, đau nhức, tê liệt, bán thân bất toại, các cơn co giật.

Xin được mở ngoặc ở đây.

Chúng ta đang tiễn đưa năm con Rồng (năm Giáp Thìn 2024) để bước sang một năm mới, Năm con Rắn (năm ẤT TỴ 2025).

Năm Âm lịch đã lấy 12 con Giáp làm biểu tượng cho từng năm, trong một chu kỳ 12 năm.

Tỵ là con xếp hạng thứ 6 trong 12 con giáp. Đứng trước nó là Thìn và sau nó là Ngọ.

Rắn nằm trong tương khắc “tứ hành xung”: Dần, Thân, Tỵ, Hợi.
Nhưng tuổi Tỵ (Rắn) lại hạp với tuổi Sửu (là tuổi con Trâu) và tuổi Dậu (con Gà).

Ngày xưa Rắn được xếp hạng thứ Ba trong Tứ Đại: Nhất Điểu, Nhì Ngư, Tam Xà, Tứ Tượng.

Chúng ta cũng thường nghe nói: Tháng Tỵ tức là tháng Tư âm lịch. Giờ Tỵ là khoảng thời gian buổi sáng trong ngày, từ 9 giờ sáng đến 11 giờ trưa. Hướng Tỵ là hướng Đông Nam.

Theo Ngũ Hành thì Tỵ tương ứng với Hỏa. Còn theo thuyết Âm Dương thì Tỵ là Âm.

Theo các nhà phong thủy thì năm Tỵ tượng trưng cho sự lạc quan, sức khỏe, trẻ trung.

Năm Tỵ sẽ phát triển mạnh về Nông Nghiệp, báo chí và nhà đất. Còn ngành tài chánh và ô tô sẽ gặp nhiều khó khăn.

Người ta tin rằng tuổi con Rắn (tuổi Tỵ) là tuổi hên.

Người mang tuổi con Rắn thường có tài ngoại giao, rất dễ được nổi tiếng. Tuổi này sẽ gặp được rất nhiều may mắn nhưng toàn là những thứ bất ngờ. Tiền bạc của họ luôn có dư, nhiều hơn mức cần thiết. Do đó người mang tuổi Tỵ thường chi tiêu rất rộng rãi, cuộc sống rất thoải mái cho nên thường tạo được một sức quyến rũ, lãng mạng, hấp dẫn làm cho nhiều kẻ mê mệt chạy theo.

Nhưng cũng phải cẩn thận bởi họ rất bí ẩn, rất khó chinh phục và thường họ chỉ tin họ chứ không tin ai khác. Do đó họ rất khinh ghét kẽ phản bạn, phản thầy. Ngoài ra họ lại có một sự khôn ngoan không ai ngờ cho nên cũng có phần nguy hiểm.

Bây giờ trở lại với chủ đề Rắn. Riêng trong kho tàng ca dao, thành ngữ, tục ngữ … của người Việt Nam, hình ảnh con Rắn được thể hiện với nhiều hàm ý sâu sắc.

Trong ca dao tục ngữ nói về việc bày đặt thêm nhiều chuyện để cho sự việc càng thêm rắc rối, phức tạp thì có câu “Vẽ rồng vẽ rắn”, hay “Vẽ rắn thêm chân”.

Nói đến nơi nguy hiểm cho tính mạng con người thì dân gian ta có câu
“Hang hùm nọc rắn” hoặc là “hang hùm miệng rắn”.

Đề cập về tính nguy hiểm của từng loại rắn thì: “Rắn Mai tại chỗ, Rắn Hổ về nhà”.

Phản ánh việc mất phương hướng, phản bội thì ca dao Việt Nam diễn tả như sau:
“Như rắn mất đầu”, hay “Cõng rắn cắn gà nhà”.

Nghĩ về tính cách khó thay đổi của con người ca dao ta ví von như sau:
“Cha hổ mang đẻ con liu điu”, hoặc “Liu điu lại nở ra dòng liu điu”.

Diễn tả những sự việc không đứng đắn, đạo đức giả hay nhiều chuyện thì có câu:
“Thằn lằn, rắn ráo”,
“Sư hổ mang, vãi rắn rết”,
“Khẩu Phật tâm xà”,
“Rắn đến nhà không đánh thành quái”
hoặc “Oai oái như rắn bắt nhái”.

Khi đề cập đến việc ăn nói dài dòng, bịa đặt, mỉa mai châm biến có các câu như sau:
“Nói rắn nói rồng”,
“Thuồng luồng ở cạn”,
“Rắn trong lỗ bò ra”,
“Rắn đổ nọc cho lươn”
hay “Thẳng như rắn bò”.

Để so sánh thì có câu: “Bạnh như cổ hổ mang” hoặc “Thao láo như mắt rắn ráo”.
Về tính chất và việc muốn trừ khử mầm độc hại phải diệt tận gốc rễ ca dao Việt có các câu:
“Đánh rắn giữa khúc”,
“Rắn đi còn đầm/dằm lại”.

Rắn được đề cập đến trong hò vè và đối đáp. Rắn cũng đi vào chuyện tình của những đôi trai gái yêu nhau. Họ có dịp hò hát đối đáp với nhau để tìm bạn trăm năm trong những ngày Lễ hội, Tết như:
“Con rắn hổ mây nằm cây thục địa
Con ngựa nhà trời ăn cỏ chỉ thiên
Phận em là gái thuyền quyên
Ai mà đối đặng kết nguyền phu thê”.

Thế rồi cô gái cất giọng đố:
“Con gì có cánh không bay?
Con gì không cẳng chạy bay năm rừng?”

Và chàng trai thì đáp lại:
“Con gà có cánh không bay
Con rắn không cẳng chạy bay năm rừng”

Hoặc câu đố và đáp cũng tương tự, bên gái đưa ra câu đố:
“Con gì không chân đi năm rừng, bảy rú?
Con gì không vú nuôi chín, mười con?”

Và bên trai liền đáp:
“Con rắn không chân đi năm rừng bảy rú
Con gà không vú nuôi chín, mười con”.

Hay nàng “muốn” động viên anh ta nên khuyên hãy nói thẳng suy nghĩ ra đi đừng vòng vo nữa::
“Anh vẽ rồng rắn làm chi?
Cho em mệt trí nghĩ suy đêm ngày!
Nói đi, nói đại, sợ gì?
Em đây hiểu được, tình này em trao!”

Tình yêu qua bài vè trên đã được cô gái diễn tả thực tế hơn, không văn hoa bóng bẩy, e lệ, rụt rè mà đi thẳng vào tình yêu của mình đối với chàng trai.

Câu “Cõng rắn cắn gà nhà” là để đề cập đến kẻ phản phúc, phản bội. Những kẻ này vì quyền lợi riêng mà cấu kết với ngoại bang để làm hại gia đình, tổ quốc, đồng bào.

“Khẩu Phật tâm xà” là đề cập đến sự giả dối, tráo trở, miệng thí nói từ bi, nhân nghĩa nhưng trong lòng thì nham hiểm độc địa.

* Rắn và thành ngữ ca dao

Trong Mười Hai con Giáp có lẽ con Rắn là con vật bị nhiều tai tiếng nhất.
Rắn gần như tượng trưng cho sự ác độc, giả dối và nguy hiểm.
Miệng hùm nọc rắn; đuôi ong nọc rắn là những chỗ chết người cần phải tránh xa cũng như những kẻ lòng dạ xấu như rắn rít thì không nên giao tiếp! Nhưng không phải lúc nào “trông mặt mà bắt dong” đều đúng vì có mấy ai lường được với bộ mặt “rắn giả lươn hay kẻ khẩu phật tâm xà!”

Hổ tha, Rắn cắn là hai trường hợp vạn tử nhất sanh, khó mong sống sót.
“Thao láo như mắt rắn ráo” là ám chỉ những kẻ hay soi mói.
“Đầu rắn mắt chuột” theo tướng số là người gian xảo, lòng dạ không được thẳng như rắn bò! (mỉa mai).

“Rắn đổ nọc cho lươn“ hàm ý vu oan giá họa cho người lương thiện.
“Rắn (đòi) ăn voi“ để nói lên sự tham lam quá mức.
Rắn nguy hiểm, độc địa như vậy mà tạo hóa lại ban cho chúng ân huệ lớn là “lột da sống đời”.
Thật trớ trêu khi mà “rắn già thì rắn lột da, người già thì người chết”.

Và khi xuất hành nếu gặp rắn thì đi, gặp qui thì trở lại.
Đây là trường hợp duy nhất con rắn được “ngưỡng mộ” nếu không tính những thực đơn của các anh đầu bếp và các y văn, toa thuốc của các thầy lang!

Rắn độc ở Việt Nam có nhiều loại, thân chúng thông thường có nhiều màu hay có khoan quanh mình, nổi danh nhất là hổ đất và mái gầm.

“Mái gầm tại chỗ, Rắn Hổ về nhà“ đã khẳng định nếu ai xui xẻo bị mái gầm mổ thì kể như tàn đời.
Cả hai đều khá độc,
Nhưng cực kỳ độc là lòng dạ đàn bà!

Dù độc ít hơn “phụ nhân tâm” nhưng Rắn vẫn được nhắc nhở đến trong văn chương bình dân qua những câu hò đối đáp, như câu hỏi (giống như trên):
Con gì có cánh không bay?
Con gì không cẳng chạy bay năm rừng?

Và chàng trai này trả lời chi tiết hơn:
Con gà có cánh không bay
Con rắn không cẳng chạy bay năm rừng…
Con rắn không chân mà đi năm rừng bảy rú
Con gà không vú mà nuôi tám chín mười con…

Với đồng dao thì có các câu:
Bao giờ cho hết tháng ba
Ếch cắn cổ rắn chạy ra ngoài đồng;

và với thần ve chai:
Cần gì cá lóc cá trê
Thịt chuột thịt rắn nhậu mê hơn nhiều.

• Hình ảnh con Rắn trong ca dao Nam bộ

Những làn điệu ca dao dìu dặt, du dương cất lên từ vùng đất phương Nam được coi là một phần quan trọng của văn học dân gian Việt Nam. Đó là tài sản quý giá của bộ phận văn minh miệt vườn và cũng là tâm tư, tình cảm hồn hậu của những con người mộc mạc, hiền hòa, chân thật.
Người dân ở vùng đồng bằng sông nước Cửu Long đã đóng góp câu ca, lời ru chan chứa ân tình để cho tâm hồn bay bổng, bay cao theo nhịp sống từ những vần ca dao thâm thúy, ngọt ngào và ý vị.

Bây giờ xin bàn chuyện con rắn phục vụ đời sống con người.

Trong ẩm thực có rất nhiều món ăn ngon hấp dẫn khiến cho khách mê mẫn, say sưa. Nơi ruộng đồng thiếu gì “chuột và rắn” nên rắn là món nhậu “cây nhà lá vườn”, là đặc sản miền quê dễ đánh bắt.

Bởi vậy có người so sánh, ngợi ca:
Cần chi cá lóc, cá trê
Thịt chuột, thịt rắn nhậu mê hơn nhiều.

Hai món khiến người sành điệu “nhậu mê” hơn cả là “chuột rô ti” rồi đến “rắn nấu cháo đậu xanh”.

Dân nhậu sau khi “vô” được cỡ vài xị thì tinh thần vững vàng, sẵn sàng hò hát đối đáp với các thôn nữ chất phác, dịu hiền, xinh đẹp để tận hưởng niềm vui.

Từ xa vọng lại câu hò thách đố:
Con rắn hổ mây nằm cây thục địa
Con ngựa nhà trời ăn cỏ chỉ thiên
Phận em là gái thuyền quyên
Ai mà đối đặng, kết nguyền phu thê.

Điệu hò lảnh lót như rót vào tâm hồn các chàng trai nhiều lời trìu mến thân thương.

Nhận biết đó là lời dịu ngọt của một “gái thuyền quyên” thì lập tức có chàng trai liền đáp lại một cách văn vẻ và dè dặt, đắn đo:
Rắn có chân rắn biết
Ngọc ẩn đá ngọc hay
Anh cùng em mới gặp nhau đây
Biết lời, biết mặt, nào hay biết lòng.

Mặc dù cả hai bên chưa hiểu được “lòng dạ” của nhau nhưng họ thật lòng tỏ bày tâm tư thầm kín rất văn chương, khéo léo:
Con quạ đen, con cò trắng
Con ếch ngắn, con rắn dài
Em trông anh, trông mãi, trông hoài
Trông cho thấy mặt, thấy mày mới yên.

Chắc chắn ai trong chúng ta nếu đang lắng tai nghe mấy lời nầy thì lòng cũng thấy vui. Bởi trong đó có ba tiếng “em trông anh” ngân dài êm ái, tình tứ nghĩa là em hết lòng mong mỏi được nhìn thấy tận mắt “mặt mày” của anh cho đỡ nhớ nhung!.

Tuy nhiên tình đời cũng lắm điều éo le, ngang trái. Hai bên đang thương mến nhau nhưng liền sau đó họ lìa xa nhau. Phải chăng do sự “đảo điên” của lòng người.

Một thiếu nữ tội nghiệp cất lên tiếng lòng thổn thức thở than:
Con rắn hổ mang nằm ngang cây thục địa
Con ngựa nhà trời ăn cỏ chỉ thiên
Trách ai ăn ở đảo điên
Gạt em xuống chốn huỳnh tuyền bỏ em.

Nghe mấy tiếng nức nở thở than “gạt em, bỏ em” ai cũng cảm thông, cũng xót xa cho thân phận bọt bèo của cô gái. Hãy lắng tai nghe lời phân trần chân tình của chàng trai:
Rắn đi còn dằm (vết đi của rắn)
Rồng nằm còn dấu
Sấu lội qua mương
Ểnh ương trườn bãi
Sán lãi bò ngang
Rau lang bò xuống
Rau muống cuốn ngọn rau dừa
Em lấy ai có chửa đổ thừa cho anh.

Trắng đen đã rõ. Bởi em đi tắt về ngang chứ không chịu đi thẳng một đàng, em đã trót “lấy ai có chửa” nên anh kia đành đoạn tình rời xa là phải lắm.

Tuy vậy, chàng trai vẫn buông lời an ủi vỗ về chứ không oán trách khinh khi:
Con rắn không chân đi năm rừng bảy rú
Con gà không vú nuôi chín mười con
Phải chi nhan sắc em còn
Anh vô chốn đó chìu lòn cũng ưng.

Khi nói “rắn cắn gà nhà”, thì ý nghĩa nổi bật lên đầu tiên là kẻ ác làm hại những người thân thích của mình. Cái hay, đặc biệt của thành ngữ này còn ở từ “cõng” với nghĩa là khom lưng đưa rước kẻ khác.

“Khẩu Phật tâm xà” để ám chỉ những kẻ đạo đức giả hay tráo trở, miệng thì nói đạo đức nhưng lòng dạ thì hiểm độc vô chừng, luôn nhằm hãm hại người khác.

“Hang hùm miệng rắn” ám chỉ nơi nguy hiểm, có thể chết người, cho nên đừng có bén mãng tới.

“Miệng hùm, nọc rắn” là ám chỉ những người miệng lưỡi rất ác độc, thâm hiểm có thể giết người không cần gươm giáo.

Dấu hiệu “con rắn chữa trị” hay “con rắn leo cây” của Kinh Thánh vẫn được các lương y thời cổ Hy Lạp và cả ngành Y Dược thế giới hiện nay tiếp tục chọn làm biểu tượng cho ngành Thuốc (ngành Y).

“Kho tàng tục ngữ của người Việt Nam” còn khuyên dạy:
“Chớ đánh rắn trong hang,
(hớ đánh đại bàng trên chín tầng mây”

Chớ làm việc nguy hiểm, viển vông, bất lợi.

Khuyên người ta không nên làm những việc dại dột, không kết quả có khi lại “lụy đến mình” như:
“Chớ khua tổ kiến trên cây,
Chớ đánh cáo cầy ngoài nội

Chớ trêu chọc lũ kiến đang ở yên trên cây cũng như lũ cáo cầy đang sống yên lành ngoài nội để khỏi bị những giống vật ấy nổi giận và quay lại làm hại.

Xét nghĩa đen, “Rắn” có thể cắn chết người; “kiến” đốt người; “cáo cầy”, “đại bàng” săn bắt gia cầm, vật nuôi của người.

Tuy nhiên tất cả đều nhỏ bé và yếu thế trước sức mạnh của con người.

Mặt khác, dân gian cho thấy những con vật này đều đang sống trong lãnh địa của chúng:
“rắn trong hang” (vô hại),
“tổ kiến trên cây” (không đụng chạm gì đến con người),
“cáo cầy ngoài nội” (cách biệt xóm làng),
“đại bàng trên núi”, “đại bàng trên mây”, thậm chí là “đại bàng trên chín tầng mây” (hẻo lánh, quá xa cách).
Nghĩa là chúng không hề xâm phạm lãnh địa hay gây nguy hiểm, làm hại gì đến con người.

Trong Ca dao tục ngữ Việt Nam về truyền thống – đạo lý còn có những câu:
Nọc người bằng mười nọc rắn

Nọc rắn rất độc, có thể gây chết người.
Nọc người là hàm ý chỉ những mưu mô độc ác của con người.
Câu tục ngữ chứng tỏ cho thấy con người có thể còn độc ác, nham hiểm, nguy hại hơn cả rắn độc.

Điềm gì khi gặp Rắn?
Khi đi gặp rắn thì son
Khi về gặp rắn thì đòn đến lưng

hay
Ra đi gặp tắn mắc may
Ra về gặp tắn nằm ngay chịu đòn

Theo quan niệm tâm linh và tín ngưỡng của nhiều nền văn hóa, sự xuất hiện của rắn bò ngang đường có ý nghĩa đặc biệt và có thể mang theo nhiều điềm báo và tượng trưng khác nhau.

• Theo quan niệm dân gian

Các cụ ta ngày xưa thường có câu: “Nhện sa, xà đón”, nhện sa tức là đang ngồi tự nhiên nhìn thấy nhện nhả tơ trước mắt. Hoặc đi đâu đó được ‘xà đón’, tức là gặp rắn bò ngang đường.
Theo quan niệm dân gian đây là điềm lành cho biết rằng chuyến đi sẽ gặp được điều may mắn.

Trong văn hóa Việt Nam, rắn thường được liên kết với may mắn và sự thịnh vượng. Ví dụ, con rắn là một trong 12 con giáp trong lịch âm của Việt Nam và được coi là mang lại may mắn và giàu có.

• Rắn bò ngang đường là điềm gì?

Ở một số nền văn hóa gặp rắn bò ngang đường có thể coi là dấu hiệu của sự bình an hoặc may mắn.

Rắn được xem là biểu tượng linh thiêng và việc chúng xuất hiện có thể được coi là một dấu hiệu tốt.

• Đi về gặp rắn là điềm gì?

Khi đi gặp rắn thì may,
Khi về gặp rắn thì hay phải đòn

Câu “Khi đi gặp rắn thì may, khi về gặp rắn thì hay phải đòn” là một câu tục ngữ phổ biến trong văn hóa Việt Nam. Nó thường được sử dụng để miêu tả quan niệm rằng gặp một con rắn trên đường đi ra khỏi nhà là điềm báo tốt, trong khi gặp một con rắn trên đường về nhà là điềm báo dễ gặp phải những điều bất như ý như dính đòn chẳng hạn.

• Chạy xe cán rắn có sao không?

Việc chạy xe cán rắn có thể gây nguy hiểm cho người lái xe và động vật. Nếu bạn gặp phải rắn trên đường, hãy cẩn thận và tránh va chạm với nó. Nếu bạn gặp rắn lớn trên đường hãy liên lạc với cơ quan hữu trách để tránh nguy hiểm. Nếu bạn đã lỡ cán lên con rắn thì nếu có thể hãy giúp rắn di chuyển đến chỗ an toàn gần đó để nó không bị cán thêm lần nữa.

Đừng cố gắng gây hại cho con rắn hay các sinh vật khác. Chúng ta nên tôn trọng và bảo vệ thiên nhiên và tuân theo luật, quy tắc an toàn giao thông khi tham gia vào các hoạt động liên quan đến xe cộ.

• Đi đường gặp rắn lục xanh

Theo quan niệm dân gian rắn là biểu tượng cho sức mạnh và quyền lực. Tuy nhiên khi đi đường gặp phải rắn lục xanh thì đó là một điềm báo không tốt. Điều này cho thấy đối thủ của bạn là người vô cùng lươn lẹo và giỏi bào chữa. Vì vậy, bạn cần hết sức cảnh giác với những người này.

• Đi đường gặp rắn bò ngang đường là điềm gì?

Rắn tượng trưng về sự thay đổi và tiến hóa. Trong nhiều văn hóa, rắn thường được xem như một biểu tượng của sự thay đổi.

Rắn là loài có thể lột xác tái sinh và tiến hóa. Khi bạn gặp một con rắn bò ngang đường, điều này có thể đại diện cho sự thay đổi đang diễn ra trong cuộc sống của bạn hoặc khuyến khích bạn tìm kiếm cách thay đổi và phát triển bản thân.

Rắn thường lột da để trưởng thành và việc gặp rắn có thể là một lời nhắc nhở về việc bạn cần thay đổi để tiến xa hơn trên con đường của mình.

Rắn là sinh vật có thể gây nguy hiểm. Trong một số quan niệm việc gặp rắn bò ngang đường có thể là dấu hiệu cảnh báo về nguy hiểm hoặc rủi ro tiềm ẩn. Rắn có thể đại diện cho sự nguy hiểm trong tự nhiên và việc xuất hiện của nó có thể đề xuất bạn nên cảnh giác và thận trọng hơn trong quyết định của mình. Việc gặp rắn bò ngang đường có ý nghĩa tâm linh riêng dựa trên tôn giáo và quan niệm cá nhân của bạn.

• Thấy rắn bò ngang đường

Sự kết nối với thiên nhiên. Việc gặp rắn bò ngang đường cũng có thể là một cơ hội để bạn cảm nhận sự kết nối mạnh mẽ với thiên nhiên. Rắn là một phần của hệ sinh thái và việc gặp chúng có thể giúp bạn thấy rằng bạn đang sống và hòa mình với sự sống xung quanh.

Tóm lại, việc gặp rắn bò ngang đường có thể mang theo nhiều ý nghĩa khác nhau dựa trên phương diện tâm linh, tôn giáo và quan điểm cá nhân của mỗi người. Tuy nhiên quan trọng nhất là bạn nên thể hiện sự tôn trọng và cảnh giác khi gặp phải tình huống này và tìm cách kết nối với thông điệp mà bạn cảm nhận từ sự xuất hiện của rắn bò ngang đường trên con đường của mình.

• Hình ảnh con rắn mang ý nghĩa gì?

Đối với quan niệm tâm linh và quan niệm trong dân gian, Rắn là một hình tượng mang tính đa diện và cũng phụ thuộc vào tùy từng nền văn hóa hay tôn giáo khác nhau. Hình ảnh con Rắn được gắn liền với cái thiện và cái ác. Cũng tùy theo từng hoàn cảnh có những lúc thì hình ảnh con Rắn thể hiện cho sức mạnh và quyền lực.

Tại Ấn Độ, Rắn được xem như một trong những biểu tượng của sự bất tử. Thậm chí, hình ảnh con rắn còn được tôn sùng như một vị thần thiêng liêng với tên gọi là thần Naga.

Hình ảnh vị thần cầm rắn trên tay hay để rắn quấn xung quanh mình chúng ta có tể thường xuyên thấy được trong các đền thờ tại quốc gia này.

Còn tại xứ sở chùa vàng, Rắn được xem như là loài vật tượng trưng cho thần mẹ. Và Rắn có khả năng đem lại may mắn cho con người. Chính vì vậy ở Thái Lan khi thấy rắn thì xem đó như một điềm báo lành, báo hiệu điều tốt đẹp sắp đến.

• Chuyển về nhà mới gặp rắn là điềm gì?

Gặp rắn khi chuyển về nhà mới thường được coi là một điềm báo.
Tùy thuộc vào văn hóa và tín ngưỡng của từng vùng mà ý nghĩa của việc gặp rắn có thể khác nhau.

Dưới đây là một số quan niệm phổ biến:

May mắn và tài lộc: Trong nhiều nền văn hóa, rắn được xem là biểu tượng của sự may mắn, tài lộc và thịnh vượng. Việc gặp rắn có thể mang đến những điều tốt lành cho gia đình bạn.

Cảnh báo hoặc thay đổi: Một số người tin rằng gặp rắn có thể là dấu hiệu cảnh báo về sự thay đổi lớn trong cuộc sống. Điều này có thể là dấu hiệu cho thấy bạn cần chuẩn bị cho những thử thách mới hoặc điều gì đó quan trọng sắp xảy ra.

Sự bảo vệ: Rắn cũng được xem là biểu tượng của sự bảo vệ trong một số văn hóa.

Nếu rắn xuất hiện, có thể điều đó cho thấy ngôi nhà mới của bạn được bảo vệ và an toàn.

Đối mặt với nỗi sợ: Gặp rắn cũng có thể tượng trưng cho việc bạn đối mặt với những nỗi sợ hãi hoặc vấn đề trong cuộc sống.

Tóm lại, ý nghĩa của việc gặp rắn khi chuyển về nhà mới có thể khác nhau tùy thuộc vào bối cảnh và niềm tin cá nhân của bạn.

• Gặp rắn là điềm gì?

Đi đường gặp rắn là báo hiệu điều gì?
Đây là điềm báo tốt cho thấy bạn sẽ gặp được quý nhân. Người này sẽ giúp đỡ bạn trong công việc và mang đến cho bạn nhiều may mắn.

• Mơ gặp rắn có ý nghĩa gì?

Nếu nằm mơ gặp rắn thì bạn đừng quá lo vì đó là điềm lành.
Mơ gặp rắn chính là điềm báo gặp điều tốt.
Cả về sự nghiệp và tình duyên của bạn sẽ gặp nhiều may mắn. Với chuyện mơ gặp rắn là điềm báo sẽ còn là bước để cho bạn chuẩn bị tâm lý đón nhận tin vui trong tương lai gần nhất.

• Lúc về gặp rắn là điềm báo gì?

Cũng tương tự như đi đường gặp rắn, lúc về mà gặp rắn cũng là dấu hiệu cho thấy bạn sắp gặp được niềm vui và sự may mắn.

• Gặp Rắn Mùng Một Tết là điềm gì?

Việc gặp rắn vào Ngày Mùng Một Tết là điềm báo vô cùng tốt. Bởi ngay ngày đầu năm bạn đã thấy được cuộc sống gặp nhiều may mắn, nhiều tài lộc cũng như sẽ gặp được quý nhân.

• Điềm gì khi sáng sớm gặp rắn?

Gặp rắn vào sáng sớm là điềm báo cho bạn biết bạn sắp có chuyện vui. Con đường công danh sư nghiệp của bạn sẽ luôn được suôn sẻ và thuận lợi hơn.

• Gặp điềm gì khi rắn bò vào nhà?

Là loại vật khá nhạy cảm, rắn chỉ sinh sống ở những nơi an toàn và kín đáo. Do đó, nếu bạn thấy rắn bò vào trong nhà thì đó cũng là điềm báo mang đến điều tốt lành. Công danh của bạn sẽ luôn được may mắn và thuận lợi. Với nhà mới xây việc rắn bò vào nhà thì là điều tốt bởi trong trường hợp này, Rắn sẽ là vật trấn giữ cho ngôi nhà của bạn.

• Rắn và thành ngữ ca dao

Trong Mười Hai con Giáp có lẽ Rắn là con vật bị nhiều tai tiếng nhất. Rắn gần như tượng trưng cho sự ác độc, giả dối và nguy hiểm. Miệng hùm nọc rắn; đuôi ong nọc rắn là những chỗ chết người cần phải tránh xa, cũng như những kẻ lòng như rắn rít thì đừng bao giờ giao tiếp! Nhưng không phải lúc nào “trông mặt mà bắt dong” đều đúng, vì có mấy ai lường được với bộ mặt rắn giả lươn hay kẻ khẩu phật tâm xà! Bởi vì lầm lẫn nên có người đã ấp rắn vào ngực để tính mạng sẽ bị đe dọa không biết lúc nào.

Rắn vốn nguy hiểm. Rắn rít bò vào thì cóc nhái bò ra nên không ai dại gì mà cõng rắn cắn gà nhà, mà càng phải tận diệt; nhưng rắn vốn mình dài nên khi giết nó chớ nên đánh rắn giữa thân, điều nầy chẳng khác gì bắt rắn bỏ bị là việc làm không triệt để đã không hiệu quả mà có thể bị nó quật lại bằng cái đầu vốn sẵn nọc độc của nó. Bởi thế, đánh rắn phải đánh đàng đầu, làm cho rắn mất đầu, thì dù cho rắn biết gáy cũng phải tiêu đời. Rắn khôn giấu đầu cũng vì lẽ đó! Sau cùng là yếu tố bất ngờ, không được đả thảo kinh xà mà chúng lủi trốn mất.

Hổ tha, rắn cắn là hai trường hợp vạn tử nhất sanh, khó mong sống sót.

“Thao láo như mắt rắn ráo” là nói những kẻ hay soi mói.

Đầu rắn mắt chuột theo tướng số là người gian xảo, lòng dạ không được… thẳng như rắn bò!(mai mỉa).

“Rắn đổ nọc cho lươn” hàm ý vu oan giá họa cho người lương thiện.
“Rắn (đòi) ăn voi” để nói lên sự tham lam quá mức.
Rắn nguy hiểm và độc địa như vậy mà tạo hóa lại ban cho chúng ân huệ lớn là “lột da sống đời”; thật trớ trêu khi mà rắn già rắn lột da, người già người chết; hay rắn già rắn lột, người già người tuột vào săng! (kì thực thì đến lúc nào đó rắn cũng phải chết thôi).

Theo sách mê tín dị đoan thì:
Hễ đi gặp rắn thì may
Về nhà gặp rắn thì hay bị đòn!

Và khi xuất hành nếu gặp rắn thì đi, gặp qui thì trở lại. Đây là trường hợp duy nhất con rắn được “ngưỡng mộ”; nếu không tính thực đơn của các anh đầu bếp và các toa thuốc của các thầy lang!

Rắn độc ở Việt Nam có nhiều loại, thân chúng thông thường có nhiều màu hay có khoan quanh mình, nổi danh nhất là hổ đất, và mái gầm. Mái gầm tại chỗ, rắn hổ về nhà đã khẳng định nếu ai xui xẻo bị mái gầm mổ thì kể như tàn đời.

Nhưng rắn có phải là loài độc nhất trên thế gian nầy? Bài thơ có hơn ngàn năm nay đã viết:
Thanh trước xà nhi khẩu,
Hoàng phong vĩ thượng châm.
Lương ban giai khả độc,
Tối độc phụ nhân tâm!

Nghĩa:

Miệng của con rắn bị kẹt trong ống tre từ nhỏ.
Trên cái đuôi của con ong vàng (ong vò vẽ?).
Cả hai đều khá độc,
Nhưng cực kì độc là lòng dạ đàn bà!

Xem xong hàng trên, chắc không ít quý bà sẽ la oái như rắn bắt nhái nhưng biết làm sao khi thánh nhân đã dạy vậy rồi! Hơn nữa, nếu được lòng rắn thì mất lòng ngóe; người viết đành phải “thẳng như rắn bò” mà thôi!
Với đồng dao, thì:
Bao giờ cho hết tháng ba
Ếch cắn cổ Rắn chạy ra ngoài đồng;

và với thần ve chai:
Cần gì cá lóc cá trê
Thịt Chuột thịt Rắn nhậu mê hơn nhiều.

Chuyện con Rắn trong văn chương Việt Nam còn rất nhiều, nhưng người viết không dám vẽ Rồng vẽ Rắn, để rồi vẽ Rắn thêm chân mà làm phiền người đọc.

Tóm lại, tâm thức hình ảnh con Rắn vừa thực, vừa cao quý thiêng liêng, vừa gần gũi là cách tiếp cận uyển chuyển, phóng khoáng đầy tự tin của người Việt Nam. Có thể nói Rắn đã trở thành biểu tượng văn hóa, một biểu tượng gắn với tâm thức của dân tộc Việt Nam. Trong thành ngữ, tục ngữ, ca dao, Rắn lại càng thể hiện nhiều ý nghĩa, mang biểu tượng của sự thiêng liêng và tồn tại mãi …

Hy vọng là bài tạp ghi này cũng đủ gói ghém ý nghĩa sâu sắc của Ca Dao Việt, có thể nói là căn bản của Nền Văn Hóa Dân Tộc Việt Nam.

Nhân Năm Mới ẤT TỴ 2025 xin kính chúc Quí độc giả được nhiều sức khỏe, thành đạt trên mọi lãnh vực và được “đổi đời” như Rắn hóa Rồng. Vị nào mua bán thì được sung túc, khách hàng nườm nượp kéo đến xếp hàng như Rồng như Rắn trước nhà!

CUNG CHÚC TÂN XUÂN

Lê Ngọc Châu
Ger_Đầu Năm 2025 (06.01.2025)

Bản rút gọn, có hiệu đính và phóng tác theo Ca Dao Việt Nam góp nhặt từ Internet.

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*