Trọng Nghĩa: Hồng Kông – Hai Triệu Tiếng Nói Chống Trung Quốc

Một người cầm cờ Anh đi biểu tình chống luật dẫn độ tại trung tâm Hồng Kông, ngày 21/06/2019. (REUTERS/Ann Wang)

Với chữ Hồng Kông màu vàng trên nền đỏ, bên trên hàng tựa lớn chẳng khác gì một khẩu hiệu «Không (chấp nhận) Trung Quốc! – Non à la Chine!», tạp chí Pháp Courrier International tuần này đã nêu bật trên trang bìa thắng lợi của người dân Hồng Kông trong cuộc đấu tranh chống dự luật dẫn độ qua Trung Quốc. Courrier International là tuần báo Pháp duy nhất dành trang bìa cho thời sự quốc tế, trái với các đồng nghiệp như L’Obs, L’Express hay Le Point đều tập trung trên thời sự Pháp.
Về Hồng Kông, ngay ở trang bìa, Courrier International ghi nhận: «Hàng triệu người biểu tình đã tuần hành để bảo vệ quyền tự do của mình. Một cái tát cho Bắc Kinh». Ở bên trong, tuần báo Pháp nêu rõ thêm: «Hai triệu người Hồng Kông đã xuống đường để nói với dự luật dẫn độ qua Trung Quốc có nguy cơ đe dọa nguyên tắc «một quốc gia, hai chế độ». Theo Courrier International, dự luật đã bị đình chỉ, nhưng đối với Bắc Kinh, tác hại đã rõ ràng.
Để giúp độc giả hiểu rõ vấn đề, Courrier International đã trích dịch một số bài phân tích từ báo chí châu Á, đặc biệt là từ hai tờ Minh Báo (Ming Pao) và Tài Kinh Tân Văn (Shun Po) tại Hồng Kông.

2 triệu câu trả lời “không!” của Hồng Kông cho Trung Quốc

Đối với tờ Minh Báo, một trong những nhật báo tiếng Hoa có uy tín tại Hồng Kông, thì hai triệu người xuống đường đã khuất phục được sự bướng bỉnh của trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga, hôm 18 tháng Sáu vừa qua, đã phải đình chỉ kế hoạch thông qua dự luật cho phép dẫn độ qua Trung Quốc.

Điều được nhà bình luận của tờ Minh Báo ghi nhận là thoạt đầu không ai dám nghĩ là đám đông có thể thành công. Thế nhưng, sức phản kháng bùng lên trở lại của người dân để bảo vệ nền dân chủ Hồng Kông đã mang lại cho phong trào phản đối niềm tự hào và nguồn sinh lực mới với tất cả các lực lượng tham gia đoàn kết một lòng. Toàn bộ xã hội Hồng Kông không phân biệt phe phái đều đã sôi sục, giúp cho phong trào phản đối dự luật đạt kết quả.
Vì sao người Hồng Kông lại phẫn nộ như vậy ? Minh Báo cho rằng dự thảo luật cho phép dẫn độ sang Trung Quốc sẽ phá hoại tính chất độc lập của nền tư pháp và quyền tự chủ của Hồng Kông, vốn là cốt lõi của nguyên tắc «một đất nước, hai chế độ».
Nhưng quan trọng hơn, theo tờ báo Hồng Kông, các sự kiện vừa qua phản ánh sự phá sản của mô hình quan hệ giữa chính quyền Hồng Kông và người dân. Chính quyền và phe «xây dựng» [ủng hộ Bắc Kinh] đã không đếm xỉa đến những tiếng nói phản kháng đang trỗi dậy trong xã hội, trong lúc ý kiến của các đại biểu dân chủ được dân bầu lên lại không được tôn trọng trong Nghị Viện (Hội Đồng Lập Pháp).
Thái độ độc đoán của phe «xây dựng» cùng với sự kiêu ngạo thô bạo của trưởng đặc khu Hồng Kông cho thấy sự thất bại của một thể chế dân chủ đại diện bị cắt xén: Các nghị sĩ thì xuất phát từ nhiều cách bầu cử khác nhau, dựa trên các tiêu chí địa dư và ngành nghề, một hệ thống phức tạp bất lợi cho đảng Dân Chủ; trưởng đặc khu thì do Bắc Kinh bổ nhiệm…

Hồng Kông khủng hoảng vào thời điểm tệ hại nhất cho Bắc Kinh

Cũng phân tích về tình hình Hồng Kông, nhưng nhật báo Tài Kinh Tân Văn, được Courrier International trích đăng, đã ghi nhận là cuộc khủng hoảng tại đặc khu kinh tế này nổ ra vào thời điểm tệ hại nhất cho Bắc Kinh.
Theo tờ báo kinh tế có uy tín tại Hồng Kông, do đang bị vướng vào cuộc đọ sức với Mỹ, chính quyền Bắc Kinh đã phản ứng vừa phải trước phong trào biểu tình phản kháng rầm rộ ở Hồng Kông mà phía châm ngòi không phải là Trung Quốc, mà là chính quyền đặc khu và lãnh đạo là bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga.
Tờ báo Hồng Kông giải thích: Từ ngày thu hồi Hồng Kông từ tay Anh Quốc từ năm 1997 đến nay, Bắc Kinh chưa hề đòi hỏi một bộ luật dẫn độ. Sáng kiến về dự luật gây tranh cãi hoàn toàn đến từ bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, điều được chính bà và phe thân Bắc Kinh tại Hồng Kông xác nhận. Trong hoàn cảnh đó, khi cần thiết, chính quyền trung ương hoàn toàn có thể trút toàn bộ trách nhiệm lên đầu trưởng đặc khu nếu tình hình xấu đi.
Cuộc biểu tình rầm rộ đầu tiên ngày 09/06 và các vụ xô xát giữa cảnh sát và sinh viên ngày 12/06 đã khiến Bắc Kinh chấn động, và ngay sau đó, họ đã cử phó thủ tướng Hàn Chính (Han Zheng), người đặc trách Hồng Kông tại Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản Trung Quốc, đi gặp bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga tại Thâm Quyến, sát cạnh Hồng Kông.
Nhân vật này đã ra lệnh kết thúc cuộc khủng hoảng, có lẽ trong cuộc họp ngày 14/06 với trưởng đặc khu Hồng Kông, và một hôm sau, quyết định đình chỉ dự luật được tuyên bố.
Theo báo Tài Kinh Tân Văn, việc Bắc Kinh đòi dẹp dự luật dẫn độ có thể có liên quan đến việc Đạo Luật Dân Chủ và Nhân Quyền Hồng Kông được đưa ra Quốc Hội Mỹ vào ngày 14/06, quy định việc đánh giá hàng năm tình trạng tự trị của Hồng Kông, xem đấy là điều kiện để có thể duy trì quy chế thương mại đặc biệt của đặc khu với Hoa Kỳ…
Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch đang gia tăng trên toàn thế giới, Bắc Kinh muốn Hồng Kông tiếp tục có được quy chế pháp lý và thương mại đặc biệt vốn có, vì thông qua thành phố mở này, Trung Quốc vẫn có thể hy vọng sẽ tiếp tục có được các công nghệ và thông tin thiết yếu vào lúc đang phải chống lại một cuộc chiến thương mại do Hoa Kỳ khởi động.
Người Trung Quốc, dù là học giả, chuyên gia hay quan chức cao cấp, hiện đang gặp khó khăn trong việc xin visa vào Mỹ, Hồng Kông như vậy rất thuận tiện cho việc tiếp xúc với đối tác ngoại quốc…
Mặt khác, có khả năng tổng thống Mỹ Donald Trump muốn ngăn chặn các công ty Trung Quốc, đặc biệt là các công ty nhà nước, tiếp cận thị trường vốn của Hoa Kỳ. Mối đe dọa đó biến Hồng Kông thành một nơi quan trọng hơn để huy động vốn. Vì vậy, Bắc Kinh không muốn Hồng Kông rơi vào khủng hoảng.

Trọng Nghĩa
Theo RFI ngày 22-06-2019

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*