Giám mục Hoàng Đức Oanh phát biểu tại cuộc tuần hành và họp báo tại Đài Bắc, ngày 11/6/2019. Ảnh Facebook Hội Công lý cho Nạn nhân Formosa.
VOA Tiếng Việt: Gần 10 ngàn nạn nhân Việt ẩn danh kiện công ty Formosa tại Đài Loan
Sáng ngày 11/6/2019 tại Đài Bắc, một tổ chức phi chính phủ cùng năm công ty luật quốc tế đã chính thức kiện Công ty Formosa-Hà Tĩnh, công ty con của Tập đoàn Formosa Plastic Group (FPG) của Đài Loan, yêu cầu bồi thường cho nạn nhân vì đã gây ra thảm họa môi trường biển miền trung Việt Nam hồi năm 2016.
Từ Đài Bắc, bà Nancy Bùi, Phó Chủ tịch của Hội Công lý cho Nạn nhân Formosa (JfFV), nói với VOA:
Người dân không thể khiếu hiện ở Việt Nam được cho nên chúng tôi giúp đại diện họ đến Đài Loan, nơi đặt trụ sở của tập đoàn Formosa, để kiện.
“Sáng thứ Ba (11/6) chúng tôi đi đến tòa án ở Đài Bắc để nộp đơn kiện công ty Formosa, những thành viên đã xả chất độc tại biển Việt Nam làm cá chết, người dân mất công ăn việc làm. Người dân không thể khiếu hiện ở Việt Nam được cho nên chúng tôi giúp đại diện họ đến Đài Loan, nơi đặt trụ sở của tập đoàn Formosa, để kiện. Chúng tôi làm việc với 5 công ty luật để khởi kiện vụ án dân sự (civil law), yêu cầu đền bù cho sự mất mát và làm sạch vùng biển đã bị ô nhiễm.”
Trong một thông cáo, Hội Công lý cho Nạn nhân Formosa cho biết Hội cùng với sự giúp đỡ của 5 tổ hợp Luật sư, trong đó hai tổ hợp Luật sư Đài Loan, sẽ thay mặt gần 10.000 nạn nhân của thảm họa môi trường do Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Công ty FHS) gây ra vào đầu tháng 6/2016, chính thức khởi kiện công ty Formosa Hà Tĩnh và 18 công ty liên đới chịu trách nhiệm trước tòa án Đài Loan tại Đài Bắc.
“Mục đích khởi kiện là yêu cầu Tập Đoàn FHS phải bồi thường thỏa đáng cho nạn nhân và làm sạch vùng biển bị ô nhiễm chất độc do công ty FHS gây nên,” thông cáo nêu rõ.
Đại diện cho phái đoàn từ Việt Nam sang, Giám mục Hoàng Đức Oanh, phát biểu tại cuộc tuần hành ở Đài Bắc trước Trụ Sở chính của Tập đoàn Formosa được tường thuật trực tiếp trên mạng xã hội chiều 11/6.
“Thảm họa Formosa là một tai họa, tai nạn khủng khiếp cho nhân dân Việt Nam tại bốn tỉnh miền Trung Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, và cho cả dân tộc Việt Nam, và cả môi trường thế giới.”
Phái đoàn đại diện cho gần 10,000 nạn nhân họp mặt hôm 10/6/2019 để chuẩn bị khởi kiện Formosa vào ngày hôm sau 11/6/2019 tại Đài Loan.
“Đây là một vụ án đầu tiên trong lịch sử: những người đứng ra giúp nạn nhân là các tổ chức ở ngoài nước, nạn nhân thì ở trong nước, còn nơi khởi kiện là ở Đài Loan. Số công ty bị kiện là 18 công ty, rồi có thêm 6 CEO của các công ty đó. Theo luật họ là những người liên đới chịu trách nhiệm, trực tiếp hoặc gián tiếp.”
Bà Nancy cho biết là một số thành viên của Hội đã bí mật sang Việt Nam lập hồ sơ với nạn nhân để tránh sự sách nhiễu của chính quyền.
“Hội làm việc hơn 2 năm nay với các nạn nhân ở Việt Nam để lập hồ sơ với gần 10.000 ngư dân và những người thuộc các ngành nghề khác nhau ở 4 tỉnh này. Khi lập hồ sơ cũng gặp khó khăn do người dân sợ bị trả thù, nên chúng tôi có đưa các phái đoàn về một cách bí mật.”
“10 ngàn người này đều là ẩn danh. Chúng tôi vận dụng nhiều đạo luật khác nhau, nhiều chuyên viên luật đa quốc gia khác nhau.”
Trong thời gian qua các thành viên đến từ 10 nước của JfFV đã mở bốn cuộc vận động gây quỹ ở thành phố Houston, Dallas (bang Texas, Hoa Kỳ), ở Na Uy, và Đan Mạch để hỗ trợ cho vụ kiện này, với kinh phí ban đầu dự trù đến 550,000 đôla.
Trong năm nay, Hội sẽ tiếp tục các hoạt động gây quỹ ở thành phố San Jose, bang California vào tháng 8, và tại thành phố Atlanta, bang Georgia, vào tháng 11.
11/06/2019
* * *
RFA: Nạn nhân Formosa khởi kiện tại Đài Loan
Biểu tình phản đối Formosa ở Đài Loan. (Ảnh: RFA)
Sáng ngày 11/6/2019, khoảng 60 người Việt Nam đã tập trung trước Tòa án thành phố Đài Bắc, Đài Loan để họp báo về việc Hội Công Lý Cho Nạn Nhân Formosa nộp đơn kiện Công ty Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh ra tòa vì công ty này từng thừa nhận là thủ phạm gây ra ô nhiễm môi trường cho 4 tỉnh miền Trung hồi năm 2016.
Tham dự buổi họp báo có một số vị tu sĩ Công Giáo từ Việt Nam sang như Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh, nguyên giám mục giáo phận Kontum, linh mục Giuse Nguyễn Hồng Lĩnh và linh mục Phêrô Trần Văn Thành thuộc Giáo xứ Tam Tòa, giáo phận Hà Tĩnh.
Sau đó đại diện Hội Công Lý Cho Nạn Nhân Formosa đi vào tòa để nộp các bằng chứng và đơn kiện của gần 10 ngàn người dân cho tòa án Đài Bắc.
Linh mục Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Văn phòng trợ giúp cô dâu và công nhân Việt Nam cho hay, theo thủ tục tư pháp của Đài Loan sau khi nhận đơn thì có thể tòa án sẽ đem ra xét xử, tuy nhiên điều này còn phụ thuộc vào số lượng án mà Toà nhận và nhiều yếu tố khác.
Ngay sau đó, những người này di chuyển đến Trụ Sở chính của Tập đoàn Formosa trong lúc công ty này đang họp cổ đông hàng năm để biểu tình yêu cầu đền bù thỏa đáng cho những nạn nhân, làm sạch biển và rời khỏi VN.
Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh đại diện trao bản cáo trạng buộc tội Formosa cho đại diện công ty này.
AFP loan tin trong cùng ngày dẫn phát biểu của một ngư dân họ Nguyễn tham gia đoàn nộp đơn kiện rằng chính người này tận mắt chứng kiên cảnh cá chết nổi trên biển. Hiện nay nhiều người bị buộc phải rời quê nhà đi kiếm sống ở nước khác.
Nguyện vọng của người này là ngành tư pháp độc lập của Đài Loan sẽ nghiêm túc thụ lý vụ kiện mang lại công lý cho các nạn nhân; cũng như hy vọng Formosa trả lại biển sạch cho Việt Nam.
AFP dẫn nguồn từ Sáng Hội Quyền Môi trường Đài Loan, tổ chức hỗ trợ cho nhóm khởi kiện, cho biết khoản tiền mà những người nộp đơn khởi kiện lần này đòi bồi thường là ít nhất 140 triệu Đài Tệ, tương đương 4 triệu 460 ngàn đô la Mỹ.
Những người khởi kiện cũng mong muốn soi rọi ánh sáng vào khoản 500 triệu đô la Mỹ mà vào tháng 8 năm 2016 Nhà máy Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh tuyên bố bồi thường cho phía chính phủ Việt Nam để khắc phục hậu quả ô nhiễm gây nên..
Giới hoạt động tại Việt Nam cho hay chỉ một số người nhận được khoản bồi thường chừng 20 ngàn Đài Tệ. Trong vụ thảm họa môi trường do nhà máy Formosa gây nên có một số người bị chính phủ Việt Nam bỏ tù vì lý do đòi phải bồi thường hơn nữa nhằm đáp ứng thỏa đáng những mất mát của người dân.
Ngày 11/6/2019
* * *
RFI: Luật sư Đài Loan giúp nạn nhân Việt Nam kiện Formosa ra tòa ở Đài Bắc
Biểu tình trước trụ sở tập đoàn Formosa ở Đài Bắc ngày 17/06/2016 đòi điều tra về thảm họa cá chết tại Việt Nam. REUTERS/Tyrone Siu/File Photo
Ngày 11/06/2019, các luật sư Đài Loan đã chính thức kiện tập đoàn công nghiệp Formosa lên một tòa án ở Đài Bắc. Năm 2016, tập đoàn gang thép của Đài Loan đã bị chính phủ Việt Nam phạt 500 triệu đô la vì xả hóa chất ra biển gây thảm họa môi trường cho vùng duyên hải miền trung Việt Nam.
Theo AFP, khoảng vài chục người dân địa phương và các nhà đấu tranh Việt Nam đã tập hợp trước một tòa án quận ở Đài Bắc trong tuần này, vào thời điểm các luật sư nộp đơn kiện. Họ cho rằng dù thảm họa môi trường xảy ra ở Việt Nam, nhưng tòa án Đài Loan có thẩm quyền xét xử vì các bị cáo – thành viên Hội đồng Quản trị, cũng như cổ đông chính của tập đoàn gang thép Formosa ở Hà Tĩnh – phần lớn là công dân Đài Loan.
Tổ chức Quyền Môi trường Đài Loan hỗ trợ các nạn nhân Việt Nam trong đợt kiện này. Ông Đồ Ngọc Văn (Tu Yu Wen), đứng đầu hiệp hội, phát biểu: «Đây là lần đầu tiên một công ty Đài Loan bị kiện vì gây ô nhiễm ở nước ngoài. Chúng tôi hy vọng tòa án sẽ thụ lý hồ sơ và sẽ tạo ra một tiền lệ tốt».
Trước đó, trong một thông cáo, tập đoàn Formosa khẳng định đã trả 500 triệu đô la vào tháng 08/2016 để bồi thường cho ngư dân Việt Nam bị nạn, thông qua chính phủ Việt Nam. Tuy nhiên, các nhà đấu tranh Việt Nam khẳng định chỉ «một vài người» nhận được khoảng 20.000 đô la Đài Loan, trong khi đó nhiều người đấu tranh đòi được bồi thường nhiều hơn lại bị bắt giam.
Khi gây ra thảm họa môi trường biển ở miền trung Việt Nam, nhà máy gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, có trị giá khoảng 11 tỉ đô la, đang được xây dựng. Tháng 04/2017, nhà máy được phép hoạt động trở lại. Đến tháng 12/2017, công ty này lại bị phạt thêm 25.000 đô la vì xả chất thải rắn «độc hại» một cách bất hợp pháp xuống lòng đất năm 2016.
Thu Hằng
Ngày 11-06-2019
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20190611-luat-su-dai-loan-viet-nam-kien-formosa-toa-dai-bac
Be the first to comment