Paralympics Paris 2024

Thế Vận Hội cho người khuyết tật, mang tên Paralympics, đã mở màn tại Paris ngày 28 tháng 8. Năm nay con số lực sĩ tham dự lên đến 4,400 người, đến từ 167 quốc gia, một nhóm 8 người trong nhóm “tị nạn”, và gần 100 tuyển thủ “trung lập” đến từ Nga và Bạch Nga (Belarus), hai nước đang bị cấm tham dự vì chiến tranh với Ukraine.

Ảnh: BBC

Thuở ban đầu, “para” trong paralympics đến từ chữ paraplegic dùng để gọi những người bị liệt tay chân. Nhưng một khi phong trào thể thao này phát triển và bao gồm nhiều hình thức khuyết tật khác, kể cả về mặt trí tuệ, “para” được dùng với ý nghĩa “bên cạnh” – tức đi đôi với giải Olympics tuy có nhiều phần khác. Chẳng hạn như luật chơi được biến đổi, cách phân loại lực sĩ được chia theo mức độ tàn tật của họ v.v. Đặc biệt là người khiếm thị cũng có thể tham gia trong một số môn. Muốn tìm hiểu thêm về lịch sử Paralympics, mời đọc bài viết về đề tài này trong số báo Trẻ tháng 8, 2021. [1]

Ảnh: Reuters

Đội tuyển Hoa Kỳ lần này gồm có 225 lực sĩ, có mặt trong toàn bộ 22 môn thi đấu tại Paris. Trung Quốc đông dân nhất, đứng đầu với 285 lực sĩ, kế đến là Brazil (255) và Pháp (237). Năm nay cũng là lần đầu tiên giải Paralympics có nhiều nữ lực sĩ tham dự nhất – 1983 người (45%), và nhiều huy chương cho phụ nữ nhất – 235. Cũng cần nhắc lại là tại Olympics vừa kết thúc, phụ nữ chiếm 50% số lực sĩ. Đây là một dấu hiệu tốt cho sự phát triển của sự bình đẳng trong thể thao nói riêng cũng như xã hội nói chung.

Ảnh: AP

Mặc dù đất nước họ đang bị Nga xâm lược, Ukraine vẫn cố gắng đưa được một đoàn thể tháo gia 140 người đến Paris để tham dự 17 trong tổng số 22 môn thi. Không những vậy, Ukraine cũng sẽ có mặt trong một bộ môn lần đầu tiên được đưa vào Paralympics là “boccia” (lăn banh sắt). Trò chơi này ở miền Nam VN ngày xưa cũng có nhiều người thích, gọi là “boule” theo tiếng Pháp. Các độc giả thuộc lứa tuổi lão thành chắc còn nhớ; bản thân người viết cũng từng sở hữu một bộ banh sắt sau khi qua Mỹ.

Ảnh: AP

Paris 2024 cũng là giải Paralympics thứ bảy cho nữ lực sĩ siêu đẳng Oksana Masters, người gốc Ukraine nhưng từ nhỏ được nhận làm con nuôi bởi cha mẹ Mỹ. Năm nay 35 tuổi, Oksana tham dự Paralympics mùa Đông lẫn mùa Hè và đã thắng 17 chiếc huy chương trước cả khi cô đặt chân đến Paris. Vào mùa Đông, Oksana thi đấu môn Nordic ski, tương đương chạy bộ đường trường. Mùa Hè cô thi đấu môn chèo thuyền (para rowing) và đạp xe bằng tay (hand cycling). Oksana là lực sĩ duy nhất trên thế giới đạt được những thành tích khó thể tưởng tượng này.

Ảnh: Instagram

Jessica Long của đội tuyển Mỹ cũng là con nuôi đến từ Nga khi mới 13 tháng. Chưa đầy 2 tuổi thì cô bị một chứng bệnh xương gọi là fibular hemimelia, phải cưa cụt hai chân. Dẫu vậy, nhờ cha mẹ nuôi khuyến khích và hỗ trợ, cộng với sự quyết chí cần thiết của một nhà thể thao chuyên nghiệp, Jessica Long đã tạo được cho mình một chỗ đứng riêng biệt. Trước Paris 2024 cô đã thắng cả thảy 29 huy chương Paralympics (16 HCV), tính từ giải Athens 2004, nhiều hơn cả kình ngư Michael Phelps. Paris là giải Paralympics thứ sáu của cô, một thành tích thật sự đáng nể!

Ảnh: Instagram

Haven Shepherd là một nữ lực sĩ con nuôi khác của đội tuyển Mỹ. Tên thật Đỗ Thị Thuý Phượng, sinh năm 2003 tại Đà Nẵng, cô suýt chết khi cha mẹ cô ôm cô vào lòng và nổ bom tự tử. Thuý Phượng sống sót như một phép lạ và được ông bà Shepherd ở Missouri nhận làm con nuôi mặc dù họ đã có 6 người con ruột. Haven tham dự Paralympics lần đầu tại Tokyo 2020; báo Trẻ đã có bài viết về cô vào lúc ấy, mời đọc tại đây [2]. Paris 2024 là giải Paralympics thứ nhì của Haven. Cô hay nói nửa đùa: “Nhờ mất hai chân mà tôi mới được đi nhiều nơi!”

Ảnh: Team USA

Trung sĩ Kevin Nguyễn là một gương mặt Việt khác trong đội tuyển Mỹ, tham dự môn bắn súng. Gia nhập quân đội năm 2011, vào tháng Hai 2013, chỉ 3 tháng sau khi được đưa sang Afghanistan, Kevin đạp trúng mìn trong một cuộc hành quân và phải cưa bàn chân phải. Anh mất 2 năm để hồi phục. Sau khi xuất viện, Kevin xin được trở lại quân đội và gia nhập đội bắn súng Army Marksmanship tại Fort Benning. Anh kể thời gian đầu anh rất khổ sở và bị trầm cảm nặng, nhưng dần dà anh tìm lại được lý tưởng cho cuộc sống và đây là lần thứ nhì anh đại diện nước Mỹ tại giải Paralympics.

Ảnh: Team USA

Ian Bùi
Theo https://baotreonline.com/author/ianbui ngày 13/9/2024

[1] https://baotreonline.com/van-hoc/something-anything/phong-trao-paralympics.baotre

[2] https://baotreonline.com/van-hoc/something-anything/con-nuoi-tai-the-van-hoi.baotre

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*